18/06/2018, 15:58

Căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Báo Hậu Giang Hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và ...

hoang sa truong sa

Báo Hậu Giang

Hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới. 

Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng, các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này hàng trăm năm qua. Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII, khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó, Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình. 

Thời kỳ các vua chúa phong kiến Việt Nam

Các bằng chứng lịch sử mà Việt Nam đã thu thập được rất phong phú, mặc dù do hoàn cảnh chiến tranh liên tục nên nhiều thư tịch cổ của Việt Nam đã bị mất mát, thất lạc. Tuy nhiên, những tư liệu còn lại đến nay và chính sử vẫn đủ để khẳng định chủ quyền của ViệtNam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một là, các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo bằng cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. Hai là, nhiều tài liệu cổ của Việt Nam như Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (thế kỷ XVII), Phủ biên tạp lục (1776), Đại Nam thực lục tiền biên và chính biên (1844-1848), Đại Nam nhất thống chí (1865-1875), các Châu bản nhà Nguyễn (1802-1945)… đều nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như là Bãi Cát Vàng vạn dặm trên Biển Đông và việc Nhà nước cử đội Hoàng Sa ra khai thác các quần đảo này. Ba là, nhiều sách cổ, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

hoang sa 1

Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) xứ Đàng Trong đã tổ chức “Đội Hoàng Sa” lấy người từ xã An Vĩnh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) từ tháng giêng đến tháng 8 (AL) ra quần đảo Hoàng Sa thu lượm những tài nguyên của đảo, hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về qua cửa biển Tư Hiền để dâng nộp. Cùng với nhiệm vụ khai thác hải sản và hàng hóa trên quần đảo, nhà Nguyễn còn tổ chức đo đạc, khảo sát, dựng bia, cắm mốc, trồng cây trên quần đảo… Chúa Nguyễn cũng tổ chức thêm “Đội Bắc Hải” lấy người thôn Tứ Chính hoặc xã Cảnh Dương (Bình Thuận) ra quần đảo Trường Sa với cùng nhiệm vụ như đội Hoàng Sa. 

hoang sa 2

Liên tục từ đó, qua 7 đời chúa Nguyễn, đến thời Tây Sơn và 13 đời vua nhà Nguyễn sau này, các “Đội Hoàng Sa”, “Đội Bắc Hải” hàng năm đều đi ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo yêu cầu, chỉ thị của vua, chúa nhà Nguyễn, do đó “Đội Hoàng Sa”, “Đội Bắc Hải” là tổ chức nhà nước của triều đình phong kiến nhà Nguyễn, vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý nhà nước về biển, đảo của nước ta. 

Đỉnh cao nhất của việc tuyên bố và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vào năm 1816 khi vua Gia Long sai thủy binh đi cùng với đội dân binh ra Hoàng Sa xem xét và đo đạc thủy trình, ra lệnh cắm cờ Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. Chính hoạt động lần đầu tiên của thủy quân này đã đánh dấu mốc thời gian rất quan trọng về việc tái xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Năm 1835, vua Minh Mạng bắt đầu cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc và trồng cây. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải tiếp tục được trao nhiệm vụ khai thác, tuần tiễu, thu thuế, bảo trợ người đánh cá và bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này hoạt động liên tục cho đến khi người Pháp vào Đông Dương.

hoang sa 3

Các hoạt động này được ghi nhận trong nhiều tài liệu lịch sử như “Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá tự là Công Đạo (1686); “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (1776); “Lịch triều Hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (1821); “Đại Nam thực lục tiền biên”; “Đại Nam thực lục chính biên” (1844-1848); “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (1910); Dư địa chí “Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ”; “Quốc triều chính biên toát yếu” (1910)… 

Thông qua việc tổ chức khai thác tài nguyên, đo đạc, khảo sát, dựng bia, cắm mốc, cắm cờ… trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục gần ba thế kỷ, trên thực tế cũng như về pháp lý, nhà Nguyễn đã làm chủ hai quần đảo từ khi hai quần đảo này còn chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào và biến hai quần đảo này thành bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam (1858-1945)

Trong thời kỳ này, nhất là từ năm 1884, sau khi Cộng hòa Pháp ký với triều đình nhà Nguyễn Hiệp ước Patenotre về quy chế bảo hộ, trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam, Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tiếp tục quản lý hai quần đảo qua việc cử tàu chiến tuần tiễu để đảm bảo an ninh, ngăn chặn buôn lậu, cho phép người Nhật khai thác phân chim trên đảo, cử tàu De Lanessan ra nghiên cứu hải dương, địa chất, sinh vật… 

Từ năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra quyết định xây một cột hải đăng trên Hoàng Sa, nhưng do ngân sách khó khăn nên công trình không thực hiện được. Ngày 8-3-1925, Toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin ra tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp. Từ năm 1925 đến 1927, Pháp đã cho tiến hành những thí nghiệm khoa học trên đảo Hoàng Sa do Tiến sĩ A.Krempf, Giám đốc Viện Hải dương học Nha Trang tổ chức thực hiện trên tàu lưới kéo De Lanessan.

1240-6

Từ năm 1930 đến 1932, ba tàu Pháp là La Malicieuse, L’Alerte và L’Astrobale liên tiếp ra quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và cắm cờ Pháp trên quần đảo này.  Đầu những năm 30 của thế kỷ 20, Pháp cho quân đồn trú ở các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 23-9-1930, Pháp gửi thông báo ngoại giao cho các cường quốc về việc Pháp đã chiếm đóng quần đảo Trường Sa. Ngày 26-7-1933, chính phủ Pháp tuyên bố Hải quân Pháp đã chiếm đóng các đảo Trường Sa, An Bang, Ba Bình, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Loại Ta, Thị Tứ… và các đảo phụ cận thuộc quần đảo Trường Sa. Các hoạt động này đã được công bố trong Công báo của Cộng hòa Pháp ngày 26-7-1933, trang 7794. Ngày 21-12-1933, Thống đốc Nam Kỳ M.J.Krautheimer đã ra Nghị định số 4762-CP sáp nhập quần đảo Trường Sa và các tiểu đảo vào tỉnh Bà Rịa. Ngày 15-6-1938, Pháp xây dựng xong một trạm khí tượng trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa.

1240-7

Ngày 30-3-1938, Hoàng đế Bảo Đại ra dụ số 10 tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi địa hạt tỉnh Quảng Ngãi và đặt vào tỉnh Thừa Thiên. Ngày 15-6-1938, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định số 156-S-V thành lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Năm 1938, Pháp đặt một trạm khí tượng trên đảo Phú Lâm mang số hiệu 48.859, một trạm khí tượng mang số hiệu 48.860 và một trạm vô tuyến TSF trên đảo Hoàng Sa, đồng thời đưa một đơn vị lính bảo an Việt Nam ra đồn trú tại Hoàng Sa và tiến hành dựng bia chủ quyền ở đảo Hoàng Sa, trên cột mốc có ghi dòng chữ “République française-Royaume d’Annam-Archipel de Paracel 1816-Ile de Pattle 1938” (Cộng hòa Pháp, Đế quốc Annam, quần đảo Hoàng Sa-1816, đảo Hoàng Sa-1838).

1240-4

Ngày 9-3-1945, Hải quân Nhật tấn công và chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, đơn vị Đông Dương trên quần đảo bị Nhật bắt làm tù binh. Ngày 26-8-1945, ngay sau khi đầu hàng, Nhật đã rút quân khỏi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi trở lại Đông Dương, Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi các đảo mà họ đã chiếm đóng trái phép năm 1946 và Pháp đã cho quân thay thế quân Trung Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng, đài vô tuyến. 

Như vậy, mặc dù bị lún sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương và cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng Pháp vẫn duy trì cả sự có mặt lẫn yêu sách của mình cho đến khi rút khỏi Việt Nam, để lại cho Việt Nam nhiệm vụ thay thế, góp phần duy trì chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở thời kỳ thuộc địa.

Thời kỳ từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến Chiến thắng Mùa xuân 1975

Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, Pháp quay lại Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1946, Pháp đưa một phân đội bộ binh đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza trở lại Hoàng Sa. Dựa trên Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam, 4 tàu chiến của Trung Hoa Dân Quốc đổ bộ lên quần đảo với lý do giải giáp quân Nhật trong năm 1946. Ngày 17 tháng 1 năm 1947, pháo hạm Le Tonkinois của Hải quân Pháp đến quần đảo Hoàng Sa để đòi quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi đây và đã tiếp quản quần đảo Hoàng Sa sau khi quân đội Tưởng Giới Thạch rút quân vào tháng 4 năm 1950. 

Ngày 7-9-1951, tại Hội nghị San Francisco về việc ký hòa ước với Nhật Bản, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ miền Nam Việt Nam thời đó trong phát biểu của mình, tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo: “… và cũng vì cần phải lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Spratlys (Trường Sa) và Paracels (Hoàng Sa), tạo thành một phần của Việt Nam”. Lời tuyên bố này của Thủ tướng Trần Văn Hữu không bị bất cứ phái đoàn nào trong tổng số 51 quốc gia tham dự hội nghị phản đối. Lời tuyên bố đó đã được ghi vào biên bản của hội nghị. Đây là những cơ sở luật pháp rất quan trọng mà Trung Quốc không thể phủ nhận. 

Hội nghị Geneva 1954 với sự tham dự của 9 quốc gia, gồm 5 cường quốc: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Liên Xô và Trung Quốc đã minh thị xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hiệp định Geneva ký ngày 20-7-1954.

Sb1243-7-2

Tháng 4-1956, Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Chính quyền VNCH đã đưa quân ra thay thế quân Pháp trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và đóng quân trên hai quần đảo, đảm nhiệm việc quản lý hai quần đảo theo đúng trách nhiệm mà Hiệp định Geneva năm 1954 về việc Việt Nam Cộng hòa được trao quyền quản lý tạm thời nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào trong khi chờ đợi thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử tự do. Trong thời gian này, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã luôn khẳng định và duy trì các quyền chủ quyền của mình một cách liên tục và hòa bình đối với hai quần đảo bằng các hoạt động nhà nước (do Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía trong vĩ tuyến 17 theo đúng Hiệp định Geneva).

 hoang sa truong sa

Ngày 20/10/1956, Tổng thống chính quyền Sài Gòn đã ra Sắc lệnh số 143-NV về thay đổi địa giới các tỉnh, thành phố miền Nam, trong đó đã đặt quần đảo Trường Sa vào địa phận tỉnh Phước Tuy. Trong Sắc lệnh số 174-NV ngày 13/7/1961 về việc sắp xếp lại quần đảo Hoàng Sa, Tổng thống chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Hoàng Sa, trước thuộc tỉnh Thừa Thiên vào tỉnh Quảng Nam và thành lập tại đây một đơn vị hành chính gọi là xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Từ 1961 đến 1963, chính quyền Sài Gòn lần lượt cho xây bia chủ quyền ở các đảo chính của quần đảo Trường Sa: Trường Sa, An Bang, Song Tử Tây, Song Tử Đông, Thị Tử, Loại Ta. Nghị định số 709-BNV-HCDP-26 ngày 21/10/1969 của Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, sáp nhập xã Định Hải (quần đảo Hoàng Sa) vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Nghị định số 420-BNV-HĐP/26 ngày 06/9/1973 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn thi hành Quyết định của Hội đồng Nội các ngày 9/01/1973, quyết định sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Ai, Sinh Tồn và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. 

Tuy nhiên, trong năm 1956, khi chính quyền VNCH chưa kịp đưa quân ra thay thế quân Pháp trên quần đảo Hoàng Sa thì Trung Quốc đã bí mật đưa quân ra chiếm đóng các đảo thuộc nhóm phía Đông của quần đảo này. Ngày 11/7/1956, lực lượng vũ trang của Trung Hoa Dân Quốc đổ bộ lên đảo Ba Đình, thuộc quần đảo Trường Sa và duy trì 1 căn cứ hải quân nhỏ với 1 tiểu đoàn lính hải quân ở đây. Chính quyền VNCH đã kịch liệt phản đối. Năm 1959, quân Trung Quốc giả làm ngư dân đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Quân đội VNCH đã phát hiện ngăn chặn và bắt giữ 82 “ngư dân” Trung Quốc. Tiếp đến ngày 19/01/1974, Trung Quốc dùng không quân và hải quân đánh chiếm nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do chính quyền VNCH đóng giữ. Cùng ngày, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; ngày 20/01/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra bản tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Ngày 14/02/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn công bố sách trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Namđối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Ngày 5 và 6/5/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thông báo việc giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 9/1975, Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị khí tượng ở Colombo tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam và yêu cầu Tổ chức khí tượng thế giới tiếp tục ghi tên trạm khí tượng Hoàng Sa của Việt Nam (trước đây đã được đăng ký trong hệ thống các trạm của OMM dưới biểu số 48.860) trong danh mục trạm khí tượng của Tổ chức khí tượng thế giới.

0