18/06/2018, 15:58

Sự xoay chuyển của chính trường Việt Nam năm 1948

Một sĩ quan Nhật đầu hàng sĩ quan Anh quốc tại Saigon 13-9- 1945. (ảnh wiki) Vũ Tường Tqvn2004 chuyển ngữ Theo Viet-Studies ‘Đã đến lúc Cuộc Cách Mạng Đông Dương bộc lộ màu sắc thực của mình’: Sự xoay chuyển hoàn toàn của chính trường Việt Nam năm 1948 ...

Một sĩ quan Nhật đầu hàng sĩ quan Anh quốc tại Saigon  13-9- 1945. (ảnh wiki)

Một sĩ quan Nhật đầu hàng sĩ quan Anh quốc tại Saigon 13-9- 1945. (ảnh wiki)

Vũ Tường
Tqvn2004 chuyển ngữ
Theo Viet-Studies

‘Đã đến lúc Cuộc Cách Mạng Đông Dương bộc lộ màu sắc thực của mình’: Sự xoay chuyển hoàn toàn của chính trường Việt Nam năm 1948

Những sử gia thời Chiến Tranh Lạnh đã bỏ qua thời khắc quan trọng đối với Đông Dương – năm 1948. Dựa trên các nguồn tài liệu mới, bài viết này chỉ ra những thay đổi nguy cấp trong môi trường chính trị của phong trào dân tộc chủ nghĩa tại Việt Nam năm 1948. Những thay đổi này là kết quả của những sự kiện diễn ra vào cuối 1947 và đầu 1948, bao gồm cả những thay đổi trên chính trường quốc tế, mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, và mối quan hệ giữa các lãnh đạo phi cộng sản và cộng sản trong liên minh Việt Minh. Tới cuối năm 1948, các nhà tư tưởng Đảng CS đã bắt đầu bỏ mục tiêu độc lập lại đằng sau để chuyển hướng sang xây dựng một thể chế cộng sản mới. Liên minh dân tộc chủ nghĩa đang lãnh đạo nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã bị tổn hại nghiêm trọng vào năm 1948, ngay cả khi nội chiến chưa diễn ra vài năm sau đó. Cũng giống như những nơi khác ở Đông Nam Á, năm 1948 như thế đánh dấu một giai đoạn mới: Sự kết thúc của giai đoạn “mặt trận thống nhất” và hợp tác cùng với những nhà tư sản dân tộc chủ nghĩa.

Lời giới thiệu

Các sử gia thời Chiến Tranh Lạnh đã bỏ qua năm 1948, thời điểm của những thay đổi quan trọng ở Đông Dương. Thay vào đó, họ tập trung vào năm 1950, khi mà Đảng Cộng Sản Đông Dương (ĐCSĐD) đã thắng lợi trong việc dành được sự ủng hộ từ Trung Quốc và khối Sô Viết; trong khi Pháp và phong trào chống chủ nghĩa cộng sản do Hoa Kỳ dẫn đầu đạt được một thỏa thuận với Hoàng Đế Bảo Đại, và đã thành lập được nước Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) như một sự thay thế cho nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) do Đảng CS lãnh đạo. Dựa trên các văn bản trong nội bộ Đảng CS được công bố gần đây, dựa trên báo chí tiếng Việt, và các hồi ký và phỏng vấn với các bộ trưởng phi Cộng Sản trong chính quyền VNDCCH trong thời kỳ 1945-50, tôi hi vọng sẽ chỉ ra được những thay đổi to lớn về mặt chính trị của phong trào dân tộc chủ nghĩa của Việt Nam vào năm 1948, vốn cho tới nay vẫn bị nhiều người bỏ qua không để ý đến [1].

Những thay đổi này là kết quả của hai xu hướng hội tụ vào cuối năm 1947 và đầu 1948. Một xu hướng liên quan đến sự thành lập của Cominform, công bố học thuyết Zhdanov, chiến thắng quân sự của đảng CS Trung Quốc tại Manchuria (Mãn Châu) và chính sách tái phân bổ ruộng đất mới của họ, và các đối thủ của ĐCSĐD như Bảo Đại và Trần Trọng Kim đã thành công trong việc dành sự ủng hộ của Pháp. Trong khi đa số các sự kiện bên ngoài này được nhiều người biết đến, thì xung đột nội bộ ngày càng tăng bên trong chính phủ VNDCCH giữa các lãnh đạo cộng sản và phi cộng sản – xu hướng thứ hai – lại không được các nhà quan sát chú ý. Kích thích bởi xung đột này, và được cổ vũ bởi những thay đổi trên chính trường thế giới, lãnh đạo Đảng CSĐD đã quyết định lái con đường cách mạng của mình theo hướng cấp tiến (radical), tuân thủ với niềm tin của họ vào chủ nghĩa cộng sản [2].

Sự thay đổi này được chứng tỏ bằng những chuyển đổi quan trọng trong chính sách ruộng đất và nỗ lực củng cố Đảng năm 1948. Một Hội nghị Trung ương đầu năm 1948 đã quyết định đem một năng lượng mới vào chính sách ruộng đất và tăng cường huy động nông dân. Đảng cũng lên kế hoạch (nhưng sau đó đã phải trì hoãn) triệu tập Đại hội Đảng vào cuối năm 1948 để tái thiết lập ĐCSĐD trước đó đã bị giải tán công khai, nhưng thực tế vẫn hoạt động ngầm, vào cuối năm 1945. Báo Đảng được phép chỉ trích công khai các lãnh tụ phi cộng sản nổi danh trong nhà nước Việt Minh, dẫn tới các cuộc tranh luận căng thẳng và sự chia rẽ giữa những người cộng sản và phi cộng sản. Tới cuối năm 1948, các nhà tư tưởng Đảng CS đã bắt đầu đặt mục tiêu độc lập lại đằng sau để chuyển hướng sang xây dựng một thể chế cộng sản mới. Liên minh đã từng dẫn dắt Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chính thức bị tiêu diệt năm 1948, mặc dù chúng ta chỉ nhìn thấy ảnh hưởng của sự kiện này xuất hiện từ từ trong giai đoạn 1949-50 khi mà quyền lực dần dần bị lấy đi khỏi các bộ trưởng phi cộng sản và nhiều quan chức phi cộng sản của VNDCCH rời bỏ vị trí [3] để ‘dinh tê’ (bỏ sang các thành phố do Pháp kiểm soát) vì tức giận. Cũng giống như ở những nơi khác tại Đông Nam Á, năm 1948 như thế đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn mặt trận thống nhất, đây là nơi kết thúc của các liên minh dân tộc chủ nghĩa đã từng lên nắm quyền lực ở Việt Nam năm 1945. Thế nhưng, không giống ở các nơi khác, chính trường nội tại của VNDCCH trong giai đoạn 1945-50 vẫn nằm trong bóng tối cho tới gần đây, bởi những người phi cộng sản trước đây, hoặc đã im lặng, hoặc đã bị bỏ quên, và các tài liệu cộng sản quan trọng không được công khai [4].

Bài viết này được chia làm bốn phần. Phần thứ nhất nói về những thỏa hiệp mà Đảng CSĐD đã phải tuân theo vào cuối năm 1945 khi họ dành chính quyền. Hiểu về những thỏa hiệp này, vốn bị cố ý xóa bỏ khỏi ký ức của công chúng bởi các lãnh đạo cộng sản cho tới gần đây, là đặc biệt quan trọng để hiểu tầm vóc của năm 1948. Phần thứ hai xem xét những phát triển trong năm 1947 về cuộc chiến giữa Pháp và VNDCCH, cũng như các sự kiện quốc tế. Phần ba tập trung vào những vấn đề nảy sinh bên trong chính phủ Việt Minh, diễn ra sau 2 năm hợp tác giữa các lãnh đạo phi cộng sản và cộng sản. Phần thứ tư phân tích sự tan võ của liên minh này vào năm 1948 bởi các chính sách mới của Đảng CSĐD. Trong phần kết luận, tôi sẽ suy xét tại sao các sự kiện ở Việt Nam lại được phơi bày chậm hơn so với các sự kiện tại các quốc gia Đông Nam Á khác.

Tuong Vu phó giáo sư tại Khoa Khoa học Chính Trị, trường đại học Oregon. Chuyên môn của ông là về chính trị Đông Nam Á, kinh tế chính trị phát triển, chính trị của trí thức, các phong trào xã hội có sự tham gia của đông đảo quần chúng, và sự cấu thành của nhà nước. Trao đổi liên quan đến bài viết này có thể gửi tới: thvu(a)uoregon.edu.

Tôi rất biết ơn Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội đã tài trợ cho nghiên cứu của tôi tại Việt Nam, và tôi cũng biết ơn Viện Nghiê Cứu Châu Á thuộc trường Đại học Quốc Gia Singapore, đã ủng hộ bằng uy tín và tài chính rộng rãi của mình. Bài viết này cũng nhận được những góp ý có ích từ Ang Cheng Guan, Karl Hack, Anthony Reid, Geoff Wade và các nhà phê bình ẩn danh của tờ Tạp chí Nghiên Cứu Đông Nam Á.

Chú thích trong bài:

1. Xem Kim Ninh, A world transformed: The politics of culture in revolutionary Vietnam, 1945-1965 (Ann Arbor: University of Michigan Press, 2002), chương 2 và 3, tập trung vào những thay đổi trong chính sách văn hóa và về sự va chạm giữa các nhà lý luận Đảng CS và các trí thức văn hóa trong giai đoạn 1948-1950, và trong đó đồng ý với lập luận ở đây rằng năm 1948 thể hiện một sự phân chia trong cuộc cách mạng Việt Nam.

2. Một nghiên cứu xem xét đầy đủ những thay đổi chính sách của Đảng CSĐD về đấu tranh giai cấp là điều vượt quá khuôn khổ của bài viết này. Nhìn chung ĐCSĐD đã nhấn mạnh vào đấu tranh giai cấp trong một thập niên đầu tiên của nó (1930-1940), nhưng sau đó lại hạ giọng vào giai đoạn 1941-1948. Trước 1948, quan điểm của Đảng CSĐD về đấu tranh giai cấp vẫn luôn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi quan điểm của Comintern, trong khi đồng thời phản ánh những tranh luận nội tại về từng biện pháp cụ thể giữa các nhà lãnh đạo cực đoan và ôn hòa trong Đảng. Để tìm hiểu thêm về các chính sách của Đảng CSĐD và mối quan hệ Comintern – Đảng CSĐD, tìm đọc Huỳnh Kim Khánh, Vietnamese Communism (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1982). Tôi cũng có phân tích chi tiết chính sách của Đảng CSĐD trong những năm 1940 và 1950, về mối quan hệ giữa cách mạng quốc gia và đấu tranh giai cấp; xem Tuong Vu, ‘Paths to development in Asia: South Korea, Vietnam, China and Indonesia (New York: Cambridge University Press, forthcoming)’; and Vu, ‘From cheering to volunteering: Vietnam communists and the arrival of the Cold War, 1940-1951’, in ‘Connecting histories: The Cold War and decolonization in Asia (1945-1962), biên tập bởi Christopher Goscha và Christian Ostermann (Standford: Standford University Press, 2009). Dù sao, chúng ta cũng biết nhiều về những tranh luận nội bộ giữa các nhà lãnh đạo cực đoan và ôn hòa của Đảng CSĐD trong những năm 1930 hơn là trong các giai đoạn sau đó.

3. Lực lượng quân du kích. Để biết suy nghĩ của một trí thức dời bỏ vị trí, xem Phạm Duy, Hồi ký: Cách mạng và thời kháng chiến (PDC Musical Productions, 1991).

4. Bài viết này đặc biệt nhận được những thông tin quý giá từ hai hồi ký được công bố gần đây bởi ông Vũ Đình Hòe. Những hồi ký này được kết hợp từ các hồi ký không được công bố của một vài đồng nghiệp gần gũi của ông Hòe như Phan Anh và Vũ Trọng Khánh. Ông Vũ Đình Hòe, sinh năm 1912, là bộ trưởng phi Cộng Sản duy nhất trong chính quyền Việt Minh (1945-1954) vẫn còn sống đến ngày hôm nya. Tôi cảm ơn ông Hòe và con trai của ông, giáo sư Vũ Thế Khôi, đã cho tôi thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn kể từ năm 2003.

Tuong Vu (trái) phó giáo sư tại Khoa Khoa học Chính Trị, trường đại học Oregon. Chuyên môn của ông là về chính trị Đông Nam Á

Tuong Vu (trái) phó giáo sư tại Khoa Khoa học Chính Trị, trường đại học Oregon. Chuyên môn của ông là về chính trị Đông Nam Á – Ảnh : asiasociety.org

Những thỏa hiệp bị quên lãng

Với nghiên cứu mở đường của Vũ Ngự Chiêu, học giả nghiên cứu về lịch sử Việt Nam hiện đại đã bắt đầu nghi vấn về giả thiết rằng chính quyền Việt Minh là một sự đoạn tuyệt hoàn toàn với chính phủ Trần Trọng Kim (TTK), vốn đã tồn tại trước nó trong một thời gian ngắn (từ tháng Tư đến tháng Tám 1945) [5]. Giả thiết này một phần là do thiếu những dữ liệu lịch sử liên quan đến chính quyền TTK. Nhưng phần khác lớn hơn, là các nhà quan sát đã (vô tình hoặc cố ý) tin vào những lời tuyên truyền của Việt Minh cũng như các nhà sử gia cộng sản (ví dụ Trần Huy Liệu) rằng chính quyền TTK chỉ là một chính quyền bù nhìn đã bị lật đổ vào tháng Tám 1945 khi những người cộng sản dành quyền lực với sự ủng hộ của đông đảo quần chúng. Đây lại là một trường hợp mà kẻ chiến thắng viết lại lịch sử để che đậy quá khứ của chính mình. Tôi muốn chỉ ra rằng, để dành được sự lên ngôi và tồn tại của mình vào cuối năm 1945, những người Cộng sản đã phải đưa ra những thỏa hiệp với những người ủng hộ và thành viên của chính quyền TTK, với tầng lớp thượng lưu thuộc địa và cơ quan thuộc địa, với các nhóm nhân dân địa phương. Hiểu rõ về những thỏa hiệp này sẽ giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của năm 1948, và khi những thỏa hiệp này bị bỏ rơi, chúng góp phần vào cuộc nội chiến sau đó giữa miền Bắc và Nam Việt Nam.

Câu chuyện về những thỏa hiệp này bắt đầu khi Nhật bước vào Đông Dương thuộc Pháp năm 1940 qua sự thương lượng. Đối mặt với mối đe dọa Nhật Bản, chính quyền Vichy đã đồng ý mở các cảng và đường xá, cung cấp nhân lực và vật liệu cho nhu cầu chiến tranh của Nhật Bản. Đáp lại, Pháp được phép duy trì bộ máy cai trị của mình đối với Đông Dương [6]. Chỉ tới tháng 3 năm 1945, sau khi chính quyền Vichy sụp đổ ở Pháp và người ta trông đợi lực lượng Đồng Minh tới tiếp quản Đông Dương, Nhật mới quyết định lật đổ chính quyền Pháp ở đây.

Sau khi tống giam bộ máy quản lý và quân đội thuộc địa của Pháp vào tháng Ba năm 1945, Nhật cho phép Hoàng đế Việt Nam tuyên bố một Đế Quốc Việt Nam (ĐQVN) độc lập, và thiết lập bộ máy quản lý của người Việt vào tháng sau đó. Thay vì lựa chọn những người theo chủ nghĩa dân tộc có nhiều kinh nghiệm (như họ đã làm ở Java), người Nhật chọn một nhóm trí thức và giáo sư thành đạt trong cuộc sống, nhưng thiếu kinh nghiệm chính trị để thành lập chính quyền mới của Việt Nam [7]. Thủ tướng của chính quyền này, ông Trần Trọng Kim, được đào tạo tại Pháp và được biết tới chủ yếu như là một thanh tra trường học và một sử gia [8].

Mặc dù các lãnh đạo mới này có rất ít kinh nghiệm chính trị và chính quyền đó chỉ tồn tại có 4 tháng, vai trò lịch sử của nó không phải không có những ảnh hưởng nhất định [9]. Đứng bên cạnh nó là nhiều nhóm thành thị có ảnh hưởng như Đảng Đại Việt [10] nhà nhóm Thanh Nghị [11], vốn theo chủ nghĩa dân tộc. Phan Anh và Vũ Văn Hiền, hai luật sư được đào tạo ở Pháp trong Thanh Nghị đã giữ hai vị trí tương ứng là Bộ Trưởng Thanh Niên và Bộ Trưởng Tư Pháp. Nhóm Thanh Nghị đã tạo ra Tân Việt Nam Hội để động viên sự ủng hộ của quần chúng đối với chính phủ mới [12]. Trung ương của Hội này gồm 33 trí thức và giáo sư nổi tiếng, là những người thuộc một mạng lưới rộng lớn hơn các trí thức cùng tâm tư, những người đã thành lập và đóng góp cho Thanh Nghị [13]. Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình, chính quyền TTK đã mở rộng đáng kể cơ hội cho hoạt động chính trị của quần chúng bằng cách dỡ bỏ kiểm duyệt báo chí, thả hàng ngàn tù chính trị từ các nhà tù thuộc địa, và tiến hành phong trào thanh niên rộng lớn tại các thành phố. Nếu không có những bước tiến này, sự nổi dậy tự phát của quần chúng dẫn tới việc dành chính quyền khi Nhật Bản đầu hàng tháng Tám năm 1945 có lẽ đã không xảy ra.

Sự lật đổ Pháp của người Nhật tháng 3 năm 1945 đã đưa chính phủ TTK lên nắm quyền lực, nhưng sự kiện này đồng thời là món quà của người Nhật dành cho phong trào cộng sản đang hoạt động bí mật [14]. Cảnh sát và mật thám thuộc địa Pháp, cho tới thời điểm đó, đã làm rất tốt việc đàn áp phong trào cộng sản. Năm 1940, cảnh sát và quân đội thuộc địa đã đập tan một cuộc phản kháng dẫn dắt bởi Đảng CSĐD ở miền Nam Việt Nam và xử tử gần như tất cả lãnh đạo của nó. Năm 1941, Hồ Chí Minh quay trở về khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, và tìm cách khôi phục phong trào. Ông ta và các lãnh đạo còn sống sót của Đảng CSĐD chi nhánh miền Bắc đã thiết lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, một tổ chức mặt trận điều khiển bởi những người cộng sản nhưng mở rộng cho mọi thành phần khác tham gia [15]. Bắt chước chính sách của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Đảng CSĐD tìm cách xây dựng lực lượng du kích quân và thành công ở một mức độ nào đó trong việc huy động sự ủng hộ của địa phương để thực hiện sự nghiệp của mình [16]. Dưới sự tài trợ của Zhang Fakui, một tướng Quốc Dân Đảng, Hồ lưỡng lự hợp tác với các nhóm người Việt theo chủ nghĩa dân tộc tại miền Nam Trung Quốc để thiết lập một mặt trận tương tự, nhưng chỉ thu hút được số ít tham gia [17]. Thế nhưng trước tháng Ba năm 1945, Việt Minh có một tổ chức chính quy nhỏ và duy trì một sự phản kháng bấp bênh trước sự đàn áp dữ dội của Pháp. Điều này thay đổi khi Nhật hất cẳng Pháp vào tháng Ba năm 1945. Tới lúc đó, các chỉ huy quân đội Nhật chủ yếu lo lắng chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của quân đội Đồng Minh, chứ không chú ý tới các cuộc nổi dậy trong nước. Nông thôn vì thế trở thành khoảng trống, không ai ngăn cản việc khích động quần chúng, và Việt Minh nhanh chóng tận dụng này [19]. Trong khi Việt Minh công khai lên án chính quyền TTK như một thứ bù nhìn Nhật Bản [20], đằng sau sân khấu thì những người cộng sản lại tìm cách lôi kéo lãnh đạo bên chính quyền TTK làm việc cho sự nghiệp của mình [21]. Điều này tạo ra cơ hội cho những thỏa hiệp về sau.

Chú thích trong bài viết

5. Vũ Ngự Chiêu, ‘The other side of the revolution: The Empire of Vietnam (March-August 1945)’, Journal of Asian Studies, 45, 2 (1986): 293-328. Vũ Ngự Chiêu chỉ ra rằng chính quyền TTK đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để Việt Minh chiếm quyền thành công vào tháng Tám năm 1945 như thế nào. Xem thêm Stein Tønnesson, The Vietnamese revolution of 1945 (London: Sage Publications, 1991); và David Marr, Vietnam 1945: The quest for power (Berkeley: University of California Press, 1995).

6. Vai trò của Nhật Bản đối với tương lai của Đông Dương không dễ thấy như trong trường hợp của Indonesia. Tại Dutch Indies, quân đội Nhật Bản đã đổ bộ, nhanh chóng đánh bại lực lượng quân đội thuộc địa Hà Lan, và đưa những người dân tộc chủ nghĩa nổi tiếng lên làm cố vấn cho chính quyền quân sự của Nhật, với lời hứa sẽ trả lại độc lập trong tương lai. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Pháp vẫn còn tại vị, và Nhật chẳng làm gì nhiều ngoài để ngỏ các khả năng của mình khi tiếp xúc với các nhóm Việt Nam như Hòa Hảo và Cao Đài, và bảo vệ một số người theo chủ nghĩa dân tộc khỏi sự đàn áp của Pháp.

7. Để tìm hiểu về các giả thuyết liên quan đến động cơ của Nhật khi làm việc này, xem Tønnesson, The Vietnamese Revolution of 1945, tr. 282-6; Marr, Vietnam 1945, tr. 116-117.

8. Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam (thành phố Hồ Chí Minh: Văn Hóa, 1997), tr. 894-895

9. Vũ Ngự Chiêu, ‘The other side of the revolution’.

10. Xem Francois Guillemot, ‘Vietnamese nationalist revolutionaries and the Japanese Occupation: The case of the Đại Việt parties (1936-1946)’, trong Imperial Japan and national identities in Asia, 1895-1945, biên tập bởi Li Narangoa và Robert Cribb (New York: Routledge Curzon, 2003), tr. 221-48

11. Đây là tập hợp của nhiều luật sư, bác sĩ, và các chuyên gia khác, những người cùng nhau xuất bản tờ Thanh Nghị tại Hà Nội từ năm 1940-1945. Thanh Nghị thường được dịch theo nghĩa bóng là “những thảo luận / nghị luận rõ ràng”.

12. Trong cuộc phỏng vấn của tôi với ông Vũ Đình Hòe (Hà Nội, 12/2003), vốn là bí thư của đảng, ông giải thích rằng ‘Hội’ ở đây cũng có nghĩa là ‘Đảng’, chứ không phải chỉ là hội đoàn.

13. Vũ Đình Hòe, hồi ký Thanh Nghị (Hà Nội: Văn học, 1995), trang 182-189. Đảng Đại Việt có lẽ đã bị đàn áp bởi Nhật vào tháng 7 năm 1945, và nhiều lãnh tụ của nó đã ra nhập Việt Minh.

14. Tønnesson, The Vietnam revolution of 1945, trang 247.

15. Như trên, tr. 114-125.

16. Như trên, tr. 125-132 và 144-147.

17. Như trên, tr. 122. Hồ Chí Minh đi tới miền Nam Trung Quốc vào năm 1943, và bị bắt bởi lực lượng Quốc Dân Đảng, và đã bị giam giữ trong vòng một năm trước khi được thả và được yêu cầu hợp tác với các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc khác.

18. Như trên, tr. 131.

19. Như trên, tr. 249. Trong bài báo trên tờ Việt Nam Độc Lập, một tờ báo của Việt Minh (30 tháng tư năm 1945), người ta đã thừa nhận phong trào đã hưởng lợi từ sự sụp đổ của Pháp.

20. Xem Việt Nam Độc Lập, 21 tháng tư năm 1945.

21. Lê Trọng Nghĩa, ‘Các cuộc tiếp xúc giữa Việt Minh và chính phủ Trần Trọng Kim’, trong Lịch sử, sự thật và bài học (Hà Nội: Trẻ, 2000).

Chính phủ TTK chỉ mới tồn tại được 4 tháng khi Nhật đầu hàng. Trước làn sóng quần chúng bạo loạn diễn ra sau sự kiện này, và một sự thách thức của Việt Minh ở miền Bắc, chính quyền này đã từ nhiệm và đồng ý chuyển giao quyền lực cho đối thủ của mình mà không chống cự. Sự thỏa hiệp này là điều đáng phải nói đến, bởi vì chính quyền TTK có thể chọn con đường đàn áp những người cộng sản: Trong khi tại Hà Nội, nơi Việt Minh mạnh nhất, các nhóm thân Việt Minh chỉ có dưới 1000 người ủng hộ với khoảng 100 súng, trong khi đó chính quyền TTK có trong tay 1500 lính dân sự có trang bị vũ khí [22]. Để đổi lại, nhiều lãnh đạo bên Đế Quốc Việt Nam sau đó đã được nhận những chức vụ trong chính quyền Việt Minh như Bộ trưởng và phó Bộ Trưởng. Trong đó bao gồm Phan Anh (Bộ trưởng Bộ Thanh Niên), Phan Kế Toại (Khâm Sai Bắc Bộ), Nguyễn Văn Hưởng (trợ lý chính của Phan Kế Toại), Tạ Quang Bửu (trợ lý của Phan Anh), Vũ Trọng Khánh (Thị trưởng Hải Phòng), Nguyễn Mạnh Hà (trưởng ban kinh tế Hải Phòng), Hoàng Minh Giám (đội trưởng liên kết Việt Nhật ở miền Bắc) và những người khác. Trong bộ máy hành chính thuộc địa, bao gồm cả luật pháp, thủ tục và nhân viên thuộc địa, tất cả đều được sử dụng gần như nguyên vẹn cho chính quyền mới [23]. Hàng ngàn binh lính thuộc địa đã đào ngũ và tham gia lực lượng Việt Minh vào cuối năm 1945 [24]. Sự ra đời của nhà nước Việt Minh diễn ra qua thỏa hiệp quan trọng, nhưng ít được để ý đến, này. Khi Hồ Chí Minh tuyên thệ để trở thành Chủ tịch nước VNDCCH vào tháng 9 năm 1945, gần một nửa các vị trí trong nội các của ông được trao cho những người phi cộng sản [23]. Cộng sản nắm các vị trí như Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng, Bộ Nội Vụ và Bộ Thông tin trong chính quyền liên minh, trong khi trao các thực quyền cho những người phi cộng sản ở Bộ Kinh Tế, Bộ Nông Nghiệp, Bộ Giáo Dục và Bộ Tư Pháp.

Chính quyền Việt Minh được nhiều người cho là một mặt trận với Đảng CSĐD ở trung tâm dẫn dắt các thành phần phi cộng sản và các “đồng chí” khác trong mặt trận. Nếu nhìn gần hơn, điều này không hoàn toàn đúng. Chấp nhận những thỏa hiệp chính trị trong khi thiếu vắng những nhân sự có đủ trình độ của riêng mình, lãnh đạo Đảng CSĐD đã trao cho các lãnh đạo phi cộng sản, phần lớn là các thành viên thuộc nhóm Thanh Nghị, đầy đủ quyền lực trong lĩnh vực mình quản lý, từ thị trưởng hay tỉnh trưởng cho đến các bộ trưởng thuộc một số bộ. Thay vì đơn giản là chiếm giữ các vị trí trên một trong những vòng tròn đồng tâm bao quay Đảng CSĐD như mô hình lý thuyết về mặt trận thống nhất thường mô tả [26], các lãnh đạo phi cộng sản tạo thành những trung tâm của nhiều quỹ đạo các hoạt động tự trị. Mặc dù những quỹ đạo này không nằm trong lĩnh vực chính sách đối ngoại hay quốc phòng, chúng liên quan đến những khu vực quan trọng, gồm cách chính sách xã hội, văn hóa và kinh tế tại mức quốc gia lẫn địa phương. Trong khi sự thống trị của những người cộng sản là điều không thể bàn cãi, có những lĩnh vực quan trọng của bộ máy nhà nước mà họ có rất ít quyền kiểm soát. Như lãnh đạo Đảng CSĐD và Thủ tướng Phạm Văn Đồng than vãn vào đầu năm 1950, ‘Hiện tại Đảng chúng ta chỉ nắm được những tổ chức chính phủ quan trọng, chứ không phải toàn bộ các lĩnh vực và phòng ban kỹ thuật. Ngay cả cơ quan quan trọng như cảnh sát, chúng ta cũng không có kiểm soát được từ trên xuống dưới. Kiểm soát của chúng ta trong hệ thống tư pháp cũng yếu. Thể chế giáo dục thì nằm ngoài sự chỉ huy trực tiếp của chúng ta’ [27]. Chúng ta sẽ xem ở dưới đây tại sao Phạm Văn Đồng lại tỏ ra buồn bã như vậy; tuy nhiên trong cuối năm 1945 thì sự thỏa hiệp như thế là cách duy nhất để một Đảng CSĐD còn yếu vươn lên và nắm giữ quyền lực.

Trên thực tế, nếu không có những thỏa hiệp ban đầu này, Đảng CSĐD có lẽ đã không thể tồn tại trước những thách thức từ cánh hữu sau khi dành được quyền lực vào tháng 8 năm 1945. VNDCCH chỉ mới thành lập được 5 tuần thì quân Quốc Dân Đảng tiến vào Hà Nội để tước vũ khí của quân đội Nhật Bản theo thỏa thuận Postdam [28]. Theo chân đội quân này từ miền nam Trung Quốc là hai nhóm lưu vong nổi tiếng, Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (VNCMĐMH). VNQDĐ, lưu vong sang miền Nam Trung Quốc sau khi bị đập tan trong vụ nổi dậy thất bại của mình vào năm 1930, dẫn đầu bởi Nguyễn Tường Tam, một trí thức và tiểu thuyết gia nổi tiếng được đào tạo ở trường Pháp [30]. Trong những năm 1930, Tam là lãnh đạo nhóm Tự Lực Văn Đoàn tại Hà Nội, nhưng đã ra hải ngoại trong thế chiến II để gia nhập VNQDĐ. VNCMĐMH được lãnh đạo bởi Nguyễn Hải Thần, người đã có nhiều hoạt động tại các tổ chức chống thực dân ở miền nam Trung Quốc từ những năm 1905, và là người đã từng học và giảng dạy tại Học viện quân sự Whampoa [30]. VNQDĐ và VNCMĐMH nắm quyền ở nhiều tỉnh với lực lượng quân sự riêng của họ và yêu sách rằng chính quyền Việt Nam phải từ nhiệm. Lực lượng Việt Minh vẫn kiểm soát Hà Nội nhưng những vụ chạm trán vẫn nổ ra hàng ngày giữa hai phe đối địch này.

Các tướng Trung Quốc chủ yếu quan tâm vào việc giữ trật tự và tước vũ khí quân đội Nhật. Không giống như người Mỹ ở Nam Hàn hay người Anh ở Sài Gòn, quân đội Trung Quốc ở Hà Nội thừa nhận chính quyền của Hồ. Như đã nói ở trên, trong những năm 1943-1944, tướng Quốc Dân Đảng đã ủng hộ cho một số nỗ lực hợp tác giữa các nhóm Việt Nam tại hải ngoại, bao gồm cả hồ Chí Minh như một đại diện của Việt Minh. Bây giờ họ đơn giản là tiếp tục nỗ lực đó bằng cách ép Hồ phải chia sẻ quyền lực với VNQDĐ và VNCMĐMH. Quá yếu để chống lại quân Trung Quốc, cộng sản đã hứa cho đối thủ của mình vị trí Phó thủ tướng, vài vị trí bộ trưởng, và 70 ghế trong Quốc Hội mới bầu. Hồ Chí Minh cũng buộc phải đề cử ‘những người không đảng phái'[31] vào các vị trí Bộ trưởng Quốc Phòng và Nội Vụ. Bởi vì lãnh đạo Đảng CSĐD muốn tránh những cáo buộc của kẻ thù rằng chính quyền Việt Minh được lãnh đạo bởi những người cộng sản, họ đã thỏa hiệp bằng cách ra lệnh giải tán Đảng CSĐD vào tháng 11 năm 1945. Đảng này thực chất không bao giờ bị giải tán; nó chỉ đi vào hoạt động bí mật kể từ thời điểm đó. Tại một thời điểm, áp lực của Trung Quốc căng thẳng tới mức Hồ Chí Minh thậm chí còn cân nhắc cả việc đưa cực Hoàng Đế trở lại vào lãnh đạo chính quyền, trong khi ông ta từ chối để trở thành một ‘cố vấn’ [32]. Điều Đảng CSĐD mời chào các nhóm hải ngoại không phải là một thỏa hiệp thực tế, bởi lẽ người cộng sản chưa bao giờ nắm trọn quyền lực, [ở thế trên] so với các đối thủ hoặc các bộ trưởng ngoài Đảng [33]. Ngay khi Trung Quốc rút lui vào giữa năm 1946, chính quyền Hồ Chí Minh thanh lọc phần lớn các lãnh đạo VNQDĐ và VNCMĐMH; số còn lại trốn thoát chạy sang miền nam Trung Quốc hoặc các nơi khác.

Sự đối địch giữa Đảng CSĐD và các nhóm hải ngoại củng cố những thỏa hiệp giữa những người cộng sản và phi cộng sản bên trong chính quyền Việt Minh. Với việc VNQDĐ và VNCMĐMH tăng cường lôi kéo những thành phần tinh hoa ở thành thị, Đảng CSĐD đi tới việc phải dựa vào các trú thức và doanh nhân nổi tiếng trong chính phủ liên hiệp để vươn ảnh hưởng ra các khu vực bầu cử thành phố. Những cựu viên chức của Đế Quốc Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng, nhưng không được thừa nhận, trong việc tạo ra sự ủng hộ cho Việt Minh. Những viên chức này có ảnh hưởng trong các vòng tròn tinh hoa thuộc địa; gia đình và quan hệ kinh doanh của họ liên quan đến các quan lại cũ, các tinh hoa địa phương và quan chức thuộc địa giúp lôi kéo những thành phần này về phía Việt Minh [36]. Bên cạnh đó, chính quyền Việt Minh tiến hành hàng loạt các vụ bắt bớ các thành viên của VNQDĐ cũng như VNCMĐMH với cáo buộc những người này đã vi phạm pháp luật. Sự tham gia của những người phi cộng sản ở trong chính phủ, đặc biệt là trong Bộ Tư Pháp, đã giúp làm lệch hướng những cáo buộc rằng các vụ bắt bớ chẳng qua là hành động thanh lọc của cộng sản. Quân đội Trung Quốc đã có thể dùng những cáo buộc kiểu như thế để làm cớ lật đổ chính quyền Việt Minh. Bên ngoài vai trò chính trị của họ, những người phi cộng sản cũng đã được ghi nhận trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật có lợi cho Đảng CSĐD trong nhiều nhiệm vụ quản trị khó khăn, bao gồm việc lập ra Hiến Pháp mới và các bộ luật mới, lựa chọn và bổ nhiệm các viên chức mới, chiến đấu với nạn mù chữ và nạn đói, thực hiện cách chính sách nông nghiệp để ngăn chặn nạn đói.

Chú thích trong bài viết

22. Marr, Vietnam 1945, tr. 393.

23. David Marr, ‘Beyond high politics: State formation in northern Vietnam, 1945-1946’, trong Naissance d’un état-parti: Le Viet Nam depuis 1945 / The birth of a party-state: Vietnam since 1945, biên tập bởi Christopher Goscha và Benoit de Tréglodé (Paris: Le Indes Savantes, 2004), tr. 25-60.

24. John McAlister, Vietnam: The origin of revolution (New York: Alfred Knopf, 1969); Greg Lockhart, Nations in arms: Origins of the People’s Army of Vietnam (Wellington: Allen & Unwin, 1989), tr. 150, 175-176.

25. Những người phi cộng sản, bao gồm Vũ Đình Hòe (Giáo dục, và sau đó là Tư pháp), Dương Đức Hiền (Thanh niên), Vũ Trọng Khánh (Tư pháp), Nguyễn Mạnh Hà (kinh tế), Nguyễn Văn Tố (xã hội), và Nguyễn Văn Xuân (không bộ). Nhiều người phi cộng sản được bổ sung sau này, bao gồm Nghiêm Xuân Yêm (Nông nghiệp), Nguyễn Văn Huyên (Giáo dục), Trần Đăng Khoa (Thủy lợi) và Phan Anh (thương mại và công nghiệp).

26. Để tìm hiểu về lý thuyết và thực hành của Đảng CSĐD về mặt trận thống nhất những năm 1930, xem Huỳnh, Vietnamese Communism, tr. 137-141.

27. Phạm Văn Đồng, ‘Phải kiện toàn chính quyền cộng hòa nhân dân’, phát biểu trước Đại Hội Đảng Toàn Quốc lần III, 21/1-3/2/1950. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, vol. 11, tr. 185.

28. Peter Worthington, ‘Occupation and revolution: The Chinese Nationalist Army in north Vietnam, 1945-1946’ (Luận văn PhD, Universtity of Hawaii, 1995).

29. Neil Jamieson, Understanding Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1993), tr. 113-114, 176-181.

30. Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 953-954.

31. ‘không đảng phái’ ở đây có nghĩa là họ không thuộc về Đảng CSĐD cũng như VNQDĐ hay VNCMĐMH.

32. Vũ Đình Hòe, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, (Hà Nội: Văn hóa thông tin, 2000), tr. 58.

33. Đọc thêm về nỗ lực của cộng sản để nắm quyền tại Bộ Nội Vụ dưới con mắt của một người được bổ nhiệm, xem Lê Giản, Những ngày sóng gió: Hồi Ký, (Hà Nội: Công An Nhân Dân, 2000).

34. Chính quyền Tưởng Giới Thạch làm theo áp lực của Hoa Kỳ, cho phép quân Pháp thay thế quân Trung Quốc. Người Pháp, để đáp lại, đã cho Tưởng một số quyền ưu tiên về thương mại tại miền Bắc Việt Nam. Xem Worthington, ‘Occupation and revolution’.

35. Đối với những người còn ở lại thì số phận không mỉm cười với họ. Ví dụ, lãnh tụ VNQDĐ Chu Bá Phượng, Bộ trưởng bộ kinh tế, đã được gửi tới trại tập trung vì đã tìm cách bỏ trốn khỏi vùng Việt Minh kiểm soát; xem Văn Phòng Quốc Hội, Đại Biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa X, (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2002) để biết về số phận của nhiều lãnh tụ VNQDĐ và VNCMĐMH.

36. Vũ Đình Hòe, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, tr. 68, 96-100. Một ví dụ nổi tiếng là Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Giáo dục VNDCCH (tới năm 1975), là con rể của quan Vi Văn Định, tỉnh trưởng Thái Bình.

Một thỏa hiệp quan trọng khác được thực hiện ở mức địa phương. Trong khi những nghiên cứu trước đây giả định rằng Việt Minh nắm quyền lãnh đạo trung ương của cuộc cách mạng, những tác phẩm gần đây cho thấy tình hình phức tạp hơn nhiều. Trước tháng Tám năm 1945, các lãnh đạo Việt Minh đã ước đoán lầm và trông đợi một cuộc đổ bộ của Trung Quốc và Hoa Kỳ để giải giáp Nhật Bản. Họ vì thế đã tập trung vào việc xây dựng đội quân du kích để chiến đấu bên cạnh Đồng minh [37]. Cuộc đổ bộ này không bao giờ xảy ra. Khi Nhật Bản bất ngờ đầu hàng và khoảng trống quyền lực mở ra ở các thành phố, thì chính các nhóm địa phương đã chiếm quyền một cách tự phát và không đổ máu. Nhiều nhóm địa phương được tổ chức bởi các cán bộ cộng sản bí mật hoặc vừa mới được thả khỏi nhà tù, nhưng cũng có nhiều nơi chính quyền địa phương là do các thành phần tinh túy hoặc nhóm tư sản địa phương thành lập. Lấy ví dụ, ở Hà Nội, Đảng Dân Chủ, không phải là một nhánh của Đảng CSĐD, đã nắm đa số tay súng. Các nhóm không phải Việt Minh cũng chạy đua để chiếm quyền, nhưng vì lý do này hoặc lý do khác đã thua các nhóm ủng hộ Việt Minh như Đảng Dân Chủ [40]. Đa số các cán bộ cộng sản địa phương tự ý hành động mà không có chỉ thị từ trung ương Đảng CSĐD. Tại đa số các trung tâm tỉnh lỵ thuộc miền Trung và miền Bắc Việt Nam, đó là đội Thiếu Niên Tiền Phong tổ chức bởi Phan Anh – Bộ trưởng Bộ Thanh Niên của chính quyền TTK – trước đây, chiếm quyền lãnh đạo [41]. Các lãnh đạo Trung Ương Việt Minh và quân du kích của họ tới sau vài ngày, thậm chí là vài tuần, và nắm quyền kiểm soát của một vài thành phố chính; tại đa số các địa điểm khác, các nhóm nhân dân hay du kích địa phương này được mặc nhiên thừa nhận là chính quyền Việt Minh ở địa phương.

Trong ký ức khá chi tiết của mình về cuộc cách mạng nhân dân địa phương trên khắp Việt Nam vào cuối năm 1945, sử gia David Marr mô tả làm thế nào ‘Chính quyền được thành lập bởi Việt Minh ở Hà Nội gần như biến thành tù nhân của hàng ngàn ủy ban cách mạng nảy nở trên khắp mọi miền đất nước, nắm quyền lực trực tiếp’ [42]. Chính quyền trung ương đã tích hợp đa số các nhóm địa phương, người chiếm quyền điều hành địa phương cuối năm 1945, bất chấp phẩm chất cách mạng và lòng trung thành chính trị của họ. Các chính sách do các chính quyền ‘cách mạng’ địa phương đưa ra đáp ứng nhiều hơn tới các lợi ích và điều kiện địa phương, hơn là tới mệnh lệnh của chính quyền trung ương [43]. Vấn đề các “quan cách mạng” rất phổ biến sau sự ra đời của nhà nước Việt Minh. Đặc biệt là các Ủy ban Nhân Dân cấp xã đã trở thành nổi tiếng với sự dốt nát, gia đình trị, bao che, bắt giữ tùy tiện và sử dụng tài sản công sai mục đích [44]. Đánh nhau diễn ra thường xuyên giữa các nhóm du kích địa phương. Trong đa số trường hợp, các du kích quân Việt Minh không đánh nhau với Nhật Bản. Thay vào đó, đó là các nhóm “Việt Minh cũ” đánh nhau với các nhóm “Việt Minh mới” [45], các nhóm Việt Minh bắn nhau với các nhóm Đảng Dân Chủ [46], và các Ủy ban Nhân Dân địa phương thách thức quyền lực của ủy ban Việt Minh [47]. Chúng ta sẽ thấy rằng các tổ chức địa phương không chịu phục tùng này sẽ trở thành sự bất hòa chính dẫn tới chia rẽ giữa các lãnh đạo cộng sản và phi cộng sản trong Nhà nước Việt Minh vào năm 1948.

Nhìn tổng thể, những người cộng sản Việt Nam lên nắm quyền mà không đổ nhiều máu và đã thiết lập một nhà nước mới trong thời gian ngắn. Giá phải trả là họ buộc phải chấp nhận các thành phần tinh túy thuộc địa cũ, các cơ quan thuộc địa, và các nhóm nhân dân địa phương. Những người cộng sản đã không chấp nhận tất cả: Những người theo chủ nghĩa Tờ-rốt-ki (Trotsky) và nhiều nhà lãnh đạo VNQDĐ và VNCMĐMH là đối thủ của Đảng CSĐD đã bị hạ thủ một cách tàn nhẫn [48]. Cùng lúc, việc chấp nhận các thành phần tinh túy cũ này ở Việt Nam là hoàn toàn khác biệt so với sự hiện diện mang tính “nghi thức” của những người phi cộng sản trong chính quyền cộng sản Trung Quốc tại Hoa Lục năm 1949 [49]. Những ‘cá nhân yêu nước’ này không đóng một vai trò trực tiếp nào trong chiến thắng của Đảng CSTQ trong cuộc nội chiến và được đưa vào chính quyền sau đó chủ yếu vì mục đích tuyên truyền. Ngược lại, các viên chức Đế Quốc Việt Nam và các trí thức thành thị khác, những người đã hợp tác cùng những người cộng sản, lại đóng vai trò quan trọng đối với việc trỗi dậy và nắm quyền lực của Đảng CSĐD trong giai đoạn cuối năm 1945 tới giữa năm 1946. Ở mức độ quần chúng, nhà nước Việt Minh tích hợp hàng loạt các nhóm quần chúng địa phương. Chúng ta sẽ thấy rằng sự thỏa hiệp này chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn và những rạn nứt nghiêm trọng trong liên minh này sẽ lộ ra vào năm 1948.

Chú thích trong bài viết:

37. Tønnesson, Vietnameses revolution of 1945, tr. 336.

38. Một đảng lỏng lẻo do các trí thức và sinh viên học trường Pháp lãnh đạo, được Đảng CSĐD giúp đỡ thiết lập vào tháng 6/1944 để thu hút sự ủng hộ từ các thành phần tinh túy ở thành phố. Đảng CSĐD duy trì ảnh hưởng của mình đối với Đảng Dân Chủ qua các cán bộ cộng sản nằm trong bộ phận lãnh đạo Đảng Dân Chủ. Đảng Dân Chủ được coi như là một đảng thiểu số trong chính quyền Việt Minh.

39. Marr, Vietnam 1945, tr. 393; Vũ Đình Hòe, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, tr. 63.

40. Marr, Vietnam 1945, tr. 375-377.

41. Như trên, trang 464-466. For the local dynamics in a Mekong Delta provice, see David Elliott, The Vietnamese war, 2 vols. (New York: M. E. Sharpe, 2003).

42. Như trên, tr. 402.

43. Marr, ‘Beyond high politics’.

44. Xem lá thư của Hồ Chí Minh: ‘Thư gửi Ủy ban Nhân Dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng’, n.d. ĐCSVN, tập 8, tr. 16-18; và xem hàng loạt các bài viết trên báo của VNP, ‘Xưa và Nay: Nhìn qua các Ủy ban hành chính địa phương’, Việt Nam, 25/5-5/6/1946.

45. Như trên.

46. Vũ Đình Hòe trích từ báo cáo năm 1948 của Phạm Tuấn Khánh, Tổng thư ký Đảng Dân Chủ (Vũ Đình Hòe, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, tr. 141). Xung đột nổ ra ở Hải Dương và miền Bắc Việt Nam. Xem thêm cả Marr, Vietnam 1945, tr. 409-410.

47. Xem ‘Chỉ thị Ban Chấp hành Trung ương’, 25/10/1945, ĐCSVN, tập 8, tr. 30.

48. Đây không phải là đặc điểm duy nhất chỉ có ở Việt Nam. Tại Indonesia, Sutan Sjahrir cũng thỏa hiệp với và hợp tác với Sukarno và Amir Sjarifuddin nhưng không thỏa hiệp với Tan Malaka. Xem Tuong Vu, ‘State formation and the origins of developmental states in South Korea and Indonesia’, Studies in Comparative International Development, 41, 4 (2007): 27-56.

48. Sau năm 1954, những người phi cộng sản hợp tác với cộng sản ở Việt Nam cũng bị chuyển hóa tương tự thành 2 đảng chính trị mang tính biểu tượng là Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội trong chính quyền.

Chiến tranh và các bối cảnh địa chính trị

Cuộc chiến giữa Pháp và chính phủ Việt Minh trải qua một bước ngoặt quan trọng trong năm 1947. Sau khi chiến tranh bùng nổ vào tháng Chạp năm 1946 giữa VNDCCH và Pháp, quân đội Pháp nhanh chóng giành được quyền kiểm soát phần lớn các thành phố và thị trấn. Ở miền Bắc Việt Nam, chính phủ VNDCCH rút lui vào các khu vực núi non Đông Bắc và tiến hành chiến lược vườn không nhà trống. Ngày 25 tháng Tư năm 1947, đúng bốn tháng sau khi chiến tranh bắt đầu, VNDCCH gửi thư cho chính phủ Pháp đề nghị thương thuyết ngừng bắn. Chúng ta không biết rõ lý do khiến chính phủ của Hồ Chí Minh đề nghị ngừng bắn. Trong một tài liệu nội bộ, lãnh đạo ĐCSĐD giải thích rằng họ chấp nhận Việt Nam là thành viên của Liên hiệp Pháp [French Union] chừng nào Pháp cam kết độc lập thực thụ và toàn vẹn lãnh thổ. Có vẻ họ đặt rất nhiều hy vọng vào khả năng Đảng Cộng sản Pháp sớm lập một chính phủ mới, và vì vậy “không chủ trương tách Đông Dương ra khỏi khối Liên hiệp Pháp để ngã vào cánh tay của Anh-Mỹ.” [50]

Để đáp lại, vào tháng Năm 1947, Cao uỷ Pháp Émile Bollaert thông qua một người đại diện đề nghị trao cho VNDCCH quyền tự trị bên trong Liên hiệp Pháp nhưng không có độc lập về quốc phòng và quan hệ đối ngoại. [51] Vẫn tiếp tục nuôi hy vọng, các lãnh tụ của ĐCSĐD cải tổ cơ cấu chính phủ VNDCCH vào ngày 19 tháng Bảy năm 1947 để đưa thêm nhiều nhân vật không cộng sản vào, nâng số lượng các quan chức ngang cấp bộ trưởng thuộc loại này lên con số 15 trên 27. [52] Động thái này nhằm thể hiện mong muốn thương lượng, đồng thời chống lại tuyên truyền của Pháp cho rằng chính phủ VNDCCH chỉ là chính phủ cộng sản trá hình. Trong số những người được thêm vào này có hai người theo Thiên chúa giáo và một vị quan (Đặng Văn Hưởng) trước đây. Võ Nguyên Giáp vẫn là tổng tư lệnh quân đội VNDCCH, nhưng Tạ Quang Bửu, một quan chức của chính phủ Trần Trọng Kim trước đây, được thăng chức lên làm Bộ trưởng Quốc phòng. Thế nhưng nỗ lực mang tính tượng trưng này chỉ gặt hái được một kết quả đáng thất vọng. Trong bài diễn văn đọc tại Hà Đông vào ngày 10 tháng Chín năm 1947, Bollaert lặp lại ý định của Pháp dành cho Việt Nam “tự do trong Liên hiệp Pháp”. Thậm chí ông ta còn từ chối thừa nhận VNDCCH là chính phủ hợp pháp của Việt Nam và tuyên bố việc sáp nhập Nam Kỳ với phần còn lại của đất nước sẽ được quyết định thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. [53]

Trong khi ĐCSĐD thất bại trong các mưu toan chính trị của mình, thì cựu hoàng Bảo Đại sống lưu vong tại Hồng Kông và các nhóm quốc gia lại giành được một số thắng lợi. [54] Sau khi thoát khỏi cuộc thanh trừng của cộng sản vào cuối năm 1946, VNQDĐ và VNCMĐMH hợp nhất với các lãnh tụ tôn giáo miền Nam lập ra Mặt trận Thống nhất Quốc gia vào tháng Năm 1947. Họ tự nhận là đại diện thực sự của tinh thần dân tộc chủ nghĩa, khác với chính phủ Việt Minh bị phe cộng sản thống trị. Nhóm này đã thu hút sự chú ý của Pháp và hai bên bắt đầu thương thuyết với nhau. Đến tháng Mười, quân Pháp nhảy dù xuống Việt Bắc, khởi sự một cuộc tấn công lớn. Nhưng chiến dịch quân sự của Pháp kết thúc sau hai tháng mà không có thắng lợi rõ ràng nào cho cả hai phía. Các vùng do Pháp kiểm soát được mở rộng, nhưng cuộc tấn công không đạt được mục tiêu ban đầu là tiêu diệt lãnh đạo và lực lượng chủ lực của Việt Minh. Sau những thất bại đầu tiên, quân đội Việt Minh đã chống trả và thu được vài chiến thắng nhỏ. Cuối năm 1947, chiến tranh rơi vào tình trạng bế tắc. Các lực lượng của Pháp vẫn có ưu thế hơn, nhưng cả hai bên đều nhận ra rằng đây sẽ là một cuộc chiến dai dẳng.

Cuộc tấn công của Pháp và tin đàm phán giữa Bollaert và Bảo Đại báo hiệu cho các lãnh tụ ĐCSĐD rằng việc theo đuổi thương thuyết của họ đã đi vào ngõ cụt. Một chiều hướng chính trị xấu nữa đối với ĐCSĐD là phe de Gaulle đang mạnh lên, dẫn tới thất bại của những người cộng sản Pháp trong cuộc bầu cử ở Pháp vào cuối tháng Mười 1947. [55] Niềm hy vọng mà các lãnh tụ ĐCSĐD đặt vào Đảng Cộng sản Pháp vẫn còn, nhưng giờ đây đã có ít lý do để thương thuyết hơn. [56] Quan trọng hơn cả, tính chính danh của chế độ Hồ Chí Minh bị đe dọa khi những phe nhóm quốc gia chống cộng đã tập hợp lại và bắt đầu cạnh tranh có hiệu quả với chính phủ Việt Minh trong việc giành hậu thuẫn của quốc tế và ủng hộ của dân chúng. Ngày 2 tháng Chạp năm 1947, một bước đột phá quan trọng đã diễn ra với cuộc gặp gỡ giữa Bảo Đại và Bollaert tại Vịnh Hạ Long. Trước đó, Bảo Đại đã gạt bỏ các đề nghị của Pháp về độc lập hạn chế cho Việt Nam trong Liên hiệp Pháp; thế nhưng giờ đây ông ta lại đồng ý gặp Bollaert. Tháng Năm 1948, lần đầu tiên kể từ năm 1945, ở Đông Dương tồn tại hai chính phủ: một do Hồ Chí Minh lãnh đạo trong vùng rừng núi miền Bắc Việt Nam, và một do tướng Nguyễn Văn Xuân lãnh đạo đặt dưới sự bảo hộ của Pháp tại Sài Gòn. [57]

Trong khi sự ủng hộ của Pháp dành cho Bảo Đại và các nhóm quốc gia chống cộng trở thành một mối lo ngại lớn đối với ĐCSĐD, những chuyển biến trong khối Xô viết vào cuối năm 1947 lại mang đến nhiều cơ hội. Tại Warsaw (Ba Lan) vào tháng Chín 1947, Cục Thông tin của các Đảng Cộng sản và Lao động được lập ra với sự tham gia của chín đảng cộng sản châu Âu. Người phụ trách công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Liên Xô, Andre Zhdanov, đã phát biểu trong cuộc họp, tố cáo Tổng thống Mỹ Truman đang mưu đồ thống trị thế giới. Zhdanov trình bày về sự hình thành của hai khối chính trị-quân sự đối nghịch do Mỹ và Liên Xô đứng đầu và cho rằng phe đế quốc sẽ phải thất bại. Zhdanov cũng nhắc tới Indonesia và Đông Dương như là các thành viên của “mặt trận phản đế và chống phát xít”. Ông ta kêu gọi tất cả các đảng cộng sản hãy nắm lấy quyền lãnh đạo phong trào phản đế tại đất nước mình.

Một tiến triển khác theo thời gian ngày càng có thêm tầm quan trọng là việc thành lập một căn cứ du kích cộng sản tại miền Nam Trung Quốc đi kèm với chiến thắng của các lực lượng ĐCSTQ tại Mãn Châu. Ngày 20 tháng Chạp năm 1947, Mao Trạch Đông đọc một báo cáo quan trọng tại Hội nghị toàn thể Trung ương của ĐCSTQ, thông báo một giai đoạn mới trong cuộc nội chiến tại Trung Quốc trong đó Hồng quân Trung Quốc bắt đầu chuyển sang thế tấn công. Trong bài diễn văn của mình, Mao kiểm điểm tình hình quân sự kể từ khi chiến tranh bắt đầu, trình bày chiến lược của Hồng Quân nhằm chiến đấu chống lại kẻ thù ban đầu mạnh hơn, và ghi nhận các thành công của chính sách đất đai do ĐCSTQ tiến hành. Hai tháng trước đó, một cuộc họp của ĐCSTQ về vấn đề ruộng đất đã thông qua đạo luật mới về ruộng đất, trong đó lần đầu tiên kể từ khi nội chiến nổ ra, chính sách cải cách ruộng đất được ĐCSTQ quyết tâm đẩy mạnh. Nhờ có những mối quan hệ rất tốt ở nước ngoài, các báo cáo của Zhdanov và Mao đều nhanh chóng tới tay ĐCSĐD. [58]

Như các phần dưới đây sẽ chỉ ra, tình hình khối Xô viết có tác động rất đáng kể lên ĐCSĐD. Ý tưởng về hai phe đối đầu về ý thức hệ không mới mẻ gì với Đảng và họ đã ủng hộ những người cộng sản Trung Hoa từ những năm 1930. [59] Diễn văn của Zhdanov lần đầu tiên cho thấy chính sách của Xô viết đối với VNDCCH có thể được đảo ngược; cho đến lúc đó, Stalin vẫn lờ đi mọi kêu gọi của Hồ Chí Minh xin được công nhận về mặt ngoại giao và viện trợ. Việc thành lập Cục Thông tin các Đảng Cộng sản biểu thị một khối cộng sản thống nhất hơn và một Liên Xô kiên quyết hơn trong việc đối đầu với phe đế quốc. Những chiến thắng của ĐCSTQ tại Mãn Châu và căn cứ mới của nó tại miền Nam Trung Quốc mở ra khả năng liên kết giữa các lực lượng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Hơn thế nữa, Mao rao giảng rằng một chiến lược quân sự thành công không đòi hỏi phải xoa dịu giai cấp địa chủ, một chính sách mà ĐCSĐD đã theo đuổi cho đến khi đó. Ngược lại, Mao lập luận một cách mạnh mẽ rằng phóng tay phát động quần chúng mới là tiền đề cho thắng lợi.

Như vậy là cuộc chiến tranh chống Pháp, các sự kiện tại Trung Quốc, và sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh ở châu Âu đã cùng nhau tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc chuyển sang chính sách đối nội khuynh tả tại Việt Nam. Ngay khi chính phủ Hồ Chí Minh vừa từ bỏ hy vọng về một giải pháp hoà bình nhanh chóng thông qua thương lượng và chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu lâu dài, những cơ hội tốt đã xuất hiện cho phép vừa “tả hoá” nền chính trị đối nội, vừa mở rộng phạm vi cuộc chiến. Quả là, như chúng tôi từng chỉ ra, các lãnh tụ ĐCSĐD không phải là những con cừu theo chủ nghĩa quốc gia bị tình thế bắt buộc phải hoá thân thành những con sói cộng sản. [60] Ngược lại, chính hoàn cảnh trong năm 1945 đã buộc họ phải đội lên mình bộ lông quốc gia chủ nghĩa ôn hoà; với các tiến triển của năm 1947, họ sẵn sàng vứt bộ lông hoá trang ấy đi. Phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét tình hình chính trị vào năm 1948 bên trong khối liên hiệp dân tộc đã từng tạo dựng lên chính phủ Việt Minh. Nhìn vào tình hình này, hoàn toàn có thể cho rằng một cuộc nội chiến Việt Nam hẳn đã có thể xảy ra ngay cả khi không có những sự kiện quốc tế kể trên.

Ghi chú tro

0