18/06/2018, 15:58

Sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria (ISIS)

Hà Khánh tổng hợp Thành tích của Phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria (ISIS) thực hiện gần đây: ► Đã kiểm soát Mosul trong một cuộc tấn công sáng hôm thứ Hai. ► Đã trở thành nhóm khủng bố giàu nhất bao giờ hết sau khi cướp bóc $ 429.000.000 tiền mặt và ...

isis-territories

Hà Khánh tổng hợp

Thành tích của Phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria (ISIS) thực hiện gần đây:

► Đã kiểm soát Mosul trong một cuộc tấn công sáng hôm thứ Hai.

► Đã trở thành nhóm khủng bố giàu nhất bao giờ hết sau khi cướp bóc $ 429.000.000 tiền mặt và vàng thỏi từ ngân hàng trung ương Mosul.

► Đã tấn công qua thành phố Tikrit và tấn công Samarra. ISIS cũng chiếm Fallujah và Ramadi vào tháng Giêng.

► đuổi lực lượng an ninh Iraq – mà Mỹ và Anh đã đào tạo và trang bị hàng tỷ dollah.

► thu giữ một số lượng lớn các thiết bị quân sự do Mỹ cung cấp.

► “Giải phóng” 1.000 tù nhân từ nhà tù trung tâm Mosul .

► Xông vào lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ và bắt cóc 80 dân thường Thổ Nhĩ Kỳ.

► Bắt đầu hành quyết hàng loạt thông qua chém đầu.

► cưỡng bức ít nhất 500.000 người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em chạy trốn khỏi một số thành phố .

Tóm tắt lại cuộc xâm lược Iraq năm 2003 của Mỹ:

• Chi phí 4.500 nhân mạng người Mỹ
• Chi phí 100.000 nhân mạng người Iraq
• Không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt
• bất ổn Trung Đông
• Đặt đất nước và cả khu vực trong vị thế bị tàn phá bởi những kẻ cực đoan Hồi giáo.

Các chiến binh thánh chiến của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận đông” đang trở thành mối quan tâm toàn cầu trong những ngày qua khi khởi động tấn công đánh chiếm hai thành phố lớn của Iraq, đe dọa cả thủ đô Baghdad khiến cả thế giới bất ngờ. 

Nguồn gốc của ISIS

ISIS khởi đầu được thành lập với tên ISI (Islamic State of Iraq – Quốc gia Hồi giáo Iraq) để chống lại chính phủ Iraq theo Hồi giáo Shia và thân Mỹ. Sau rất nhiều chật vật, cuộc khủng hoảng ở Syria nổ ra khiến ISI đổi hướng quyết định tham chiến ở đây, một mũi tên trúng hai đích: vừa tiếp tục được lý tưởng thống nhất cộng đồng Hồi giáo (Sunni) khắp thế giới dưới một thể chế chung, vừa “hợp pháp hóa” chiến tranh vì kẻ thù mới không phải là Mỹ nữa mà là chính quyền phe Hồi giáo Shia của Syria. Cùng với sự chuyển hướng này, tên của ISI đổi thành ISIS (Islamic State of Iraq and Syria – Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria)

Rất ít người biết rằng ISI đã tự động nhập với nhánh Al-Qaida ở Syria mà không hề được phép của người đứng đầu tổ chức Al-Qaida là Al-Zawahiri. Sau một tháng giữ im lặng, Al-Zawahiri đề nghị ISIS rời tổ chức. Lãnh đạo ISIS là Al-Baghdadi không thèm quan tâm, thậm chí ra tay giết luôn người đại diện đàm phán. Cực chẳng đã, vào đầu tháng 2 năm nay, Al-Qaida tuyên bố cắt lìa ISIS khỏi gốc, với lý do được cho là ISIS quá sức man rợ, đến mức một tổ chức khủng bố như Al-Qaida cũng không thể nuốt trôi.

Tuy nhiên, đây chỉ là một lý do. Al-Qaida đương nhiên không thích bị một nhánh đàn em vượt mặt. Thêm nữa, Al-Qaida không muốn ISIS dính mũi vào miếng bánh Syria, giữa tổ chức mẹ và nhánh con có khá nhiều mâu thuẫn về vùng chiếm đóng.

Một điều Al-Qaida không ngờ là khi ISIS tách ra, 65% jihadist (chiến binh của Thượng Đế) của Al-Qaida cũng bỏ đi theo ISIS. Trong mắt những kẻ cầm súng vì một lý tưởng tôn giáo thống trị và hợp nhất toàn cầu, ISIS từ một nhánh khủng bố nhỏ bé đã vượt lên trên cơ Al-Qaida và trở thành kẻ cầm cờ tiên phong trong cuộc thánh chiến.

Trùm sỏ của ISIS là Abu-Bakr al-Baghdadi hay còn gọi là Abu Dua (43 tuổi) có tên thật là Awwad Ibrahim Ali al-Badri al-Samarrai. Abu Dua từng bị lực lượng Mỹ bắt giam trong năm 2005-2009. 

Có thông tin cho rằng al-Baghdadi đã phát triển tư tưởng cực đoan trong thời gian bị giam giữ, nhưng số khác cho rằng hắn đã từng là một nhà thuyết giảng gây hận thù từ thời chính quyền Saddam Hussein. al-Baghdadi đã tốt nghiệp Đại học Baghdad và có tên trong danh sách khủng bố của Liên Hợp Quốc từ năm 2011.

al-Baghdadi từng cạnh tranh với kẻ cầm đầu Mặt trận al-Nusra và Ayman al-Zawahiri để trở thành trùm al-Qaeda, nhưng đã thất bại trước al-Zawahiri. al-Baghdadi được cho là còn cực đoan hơn cả Osama bin-Laden và từ chối đề nghị sát nhập của al-Zawahiri mà tập trung các phần tử khủng bố ở Iraq và Syria thành lập nên nhóm riêng của mình.

al-Baghdadi đã thu hút hàng ngàn phần tử Hồi giáo cực đoan dòng Sunni cả trong và ngoài nước gia nhập lực lượng của mình. Cuối năm ngoái, al-Baghdadi tuyên bố thành lập nhóm ISIS trên cơ sở sát nhập với một đối thủ liên kết với al-Qaeda hoạt động tại Syria là Mặt trận al-Nusra.

Ước tính hiện ISIS có khoảng 7.000 đến 10.000 thành viên. Lực lượng này vốn là các cựu chiến binh al-Qaeda, một số là các cựu chiến binh quân đội Saddam Hussien và các cựu thành viên Ba’athists. 

“ISIS hiện đang tái hiện ý thức hệ al-Qaeda rất cao trong cộng đồng thánh chiến”, Charles Lister, của Trung tâm Doha Brookings nhận định. “Nó ngày càng trở thành một phong trào xuyên quốc gia với mục tiêu trước mắt vượt xa cả lãnh thổ Iraq và Syria.”

Chính sách của ISIS 

ISIS hành xử rất hung bạo. Những cuộc xả súng không khoan nhượng vào người đối lập tay không và người dân vô tội khiến ai cũng rùng mình. Là một tổ chức theo Hồi giáo Sunni, ISIS khiến cộng đồng Shia ở Iraq khiếp đảm và tháo chạy. Chủ trương của ISIS với những người chống đối là: “ISIS hay là chết!”

Điều quan trọng nhất khiến ISIS trở nên vô cùng nguy hiểm chính là việc tổ chức này không chỉ đơn giản là một nhóm khủng bố thánh chiến với tham vọng toàn cầu như Al-Qaida. ISIS không đánh rồi rút. ISIS đánh và lập nên nhà nước của riêng mình. Điều này khiến cả thế giới bất ngờ vì các tổ chức khủng bố hầu như không có tiền lệ lập quốc. Việc xuất hiện một “quốc gia khủng bố” jihadist state (quốc gia của các chiến binh thánh chiến) là cơn ác mộng không được dự đoán trước.

Nguy hiểm hơn, quốc gia khủng bố này không nằm trong sa mạc mà bao trùm những hố dầu béo bở. Khởi đầu, ISIS chỉ nhận viện trợ từ những quốc gia dầu lửa dòng Hồi Sunni muốn lật đổ chính quyền Syria dòng Hồi Shia. Khi quân đội chính phủ bỏ chạy, ISIS tiếp quản luôn hàng triệu đôla vũ khi tối tân của Mỹ viện trợ. Thử làm một phép so sánh, khi tấn công Tháp Đôi, Al-Qaida là một tổ chức với 30 triệu đô la tiền quỹ, và được coi là giàu có. Hiện nay, túi của ISIS nặng 2 tỷ đôla.

Chưa hết, nếu chỉ nhìn nhận ISIS như một tổ chức khủng bố đơn thuần cũng có nghĩa là sự thiếu kiến thức và đánh giá quá thấp về tầm nhìn của thủ lĩnh Al-Baghdadi. Là môt tiến sĩ Hồi giáo học, Al-Baghdadi tiếp thu tư tưởng cực đoan Wahhabism và Salafism từ Saudi. Những vùng ISIS chiếm đóng và thành lập quốc gia ngay lập tức được ban bố các đạo luật hà hà khắc của Hồi giáo cực đoan: ăn cắp sẽ bị chặt tay, hàng loạt tội bị đưa vào khung hình phạt xử chết trong đó có tội từ bỏ tôn giáo, phụ nữ phải che kín mặt khi ra đường, ai cũng phải cầu kinh 5 lần một ngày, các lăng tẩm và thánh đường dòng Hồi Shia bị phá bỏ, và âm nhạc bị cấm tuyệt đối ở nơi công cộng.

Cùng với các đạo luật đó, các thành phố chiếm đóng nhanh chóng trở lại tình trạng ổn định và an toàn. ISIS không lặp lại các sai lầm của Al-Qaida mà lập tức trấn an dân chúng, tìm cách thu phục niềm tin của những người không chạy trốn. Tại Mosul, ngay khi quân chính phủ rút chạy, mỗi người dân được cấp một thùng gas miễn phí để nấu ăn. Khi những người dân ở đây băn khoăn làm sao họ có thể tin được ISIS, một jihadist trả lời: “Hãy cho chúng tôi thêm thời gian, chúng tôi sẽ nhanh chóng cung cấp số điện thoại. Khi mọi người cần chúng tôi sẽ lập tức giúp đỡ”.

Nhiều nhà phân tích bất ngờ khi nhận thấy ISIS sở hữu một bộ máy công quyền và dân sự khá hoàn chỉnh gồm tòa án, lực lượng cảnh sát, trường học, và các tổ chức từ thiện. Tại vùng Al-Raqqa, ISIS xây dựng chợ, đường sá, các đường dây điện, trạm xá, bưu điện, bến xe…quản lý khí đốt để đảm bảo phân chia công bằng, cùng hàng loạt các hoạt động cứu trợ từ thiện khác, trong đó có cả những hội chợ cho trẻ con với kem và cầu trượt, các bếp ăn miễn phí cho người nghèo, và đặc biệt là mạng lưới tìm gia đình mới cho trẻ mồ côi.

Trong tình hình nội chiến căng thẳng, ISIS nhận được sự ủng hộ của một phần dân chúng dòng Hồi Sunni khi tạo được sự yên ổn nhất định. Sự cực đoan tôn giáo của ISIS ít nhất cũng có một điểm cộng là thể hiện sự công bằng, điều mà chính quyền độc tài tham nhũng không làm được.

Sự ổn định, công bằng, trong một quốc gia mới yên bình giữa bốn bề khủng hoảng, dù có hạn chế và tạm thời, chính là điều khiến ISIS hoàn toàn khác với các tổ chức khủng bố khác. Sự cực đoan man rợ và việc thành lập quốc gia riêng khiến ISIS trở nên bội phần nguy hiểm.

Lựa chọn và đối sách của Hoa kì

Tình hình Iraq hiện nay đang là một thách thức đối với Washington, khi ISIS đang trở thành một mối đe dọa ngày càng lớn đối với an ninh của Mỹ. Nếu tổ chức này tiếp tục chiếm đóng được nhiều phần lãnh thổ hơn ở Iraq, đồng thời có trong tay nguồn tài nguyên to lớn từ các mỏ dầu lớn và hàng trăm triệu USD trong các ngân hàng ở Mosul, đây sẽ thật sự là một điều hết sức nguy hiểm

Thực tế cho thấy đội Iraq “không nhiệt tình” chiến đấu chống lại các cuộc tấn công của ISIS, có tin nói rằng hàng nghìn quân chính phủ đã bỏ chạy trước cuộc tấn công của vài trăm phiến quân

Tình hình còn phức tạp hơn khi ISIS không phải là lực lượng duy nhất đang thực hiện các chiến dịch tấn công tại Iraq. Các lực lượng của người Kurd đã chiếm được thành phố Kirkuk, một thành phố giàu dầu lửa nằm ở biên giới giữa Iraq (trung ương) với lãnh thổ của Chính phủ khu vực Kurdistan. Từ lâu đã nổ ra những tranh chấp giữa Baghdad và cộng đồng người Kurd đối với vùng đất này, gây ra nỗi lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên.

Đối với nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù trong thời gian gần đây đã có những động thái xích lại gần với cộng đồng người Kurk tại Iraq, nhưng người ta tin rằng sự thất thủ của Kirkuk sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải can thiệp, do nước này lo sợ một chính thể người Kurd độc lập sẽ đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Thậm chí, một số nguồn tin còn nói rằng các lực lượng Iran đã có mặt trên lãnh thổ Iraq. Về phần mình, Thủ tướng Maliki đang thúc giục Mỹ tiến hành các cuộc không kích vào phần đất mà chính quyền Baghdad mới bị thất thủ. Tuy nhiên, Washington đã bác bỏ đề nghị của Baghdad, và điều này càng gây khó khăn hơn cho chính phủ của ông Maliki khi phải đối mặt với lực lượng nổi dậy.

Tất cả những sự kiện trên đều có liên quan đến Syria, do ISIS hoạt động ở cả Iraq lẫn Syria. Những diễn biến này đang gây lo ngại cho các nước trong khu vực: Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), còn Iran cử ông Kassem Suleiman – thuộc Lữ đoàn al-Quds đến Baghdad để phối hợp với chính quyền nước sở tại, hay nói cách khác là trợ giúp chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki, giống như những gì đã làm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Điều rất đáng lo ngại là lực lượng này không chỉ bao gồm các nhóm Hồi giáo thánh chiến vốn được biết đến với hình ảnh man rợ và có liên hệ với tổ chức al-Qaeda, mà còn có sự góp mặt của nhiều nhóm Hồi giáo Sunni khác, những nhóm từng là đối thủ của ISIS hoặc thậm chí đi theo hệ tư tưởng của đảng Baath – đảng của ông Saddam Hussein. Đây là lý do khiến vấn đề Iraq trở nên phức tạp hơn.

Có một thực tế là trong suốt những năm cầm quyền vừa qua, ông Maliki đã không nỗ lực để đáp ứng những nhu cầu của cộng đồng người Sunni, trong khi phái Shi’ite của ông ngày càng chiếm đa số trong quân đội Iraq. Có rất nhiều người Iraq theo dòng Sunni không ưa ông Maliki và coi chính phủ của ông là một chính phủ chuyên chế, tay sai. Tại các vùng mà phiến quân mới chiếm đóng như Mosul hay Tikrit, nhiều người dân địa phương được cho là đã tỏ ra trung lập, hoặc thậm chí “vui mừng” trước chiến thắng của phiến quân.

Vệc can thiệp, nếu có, của Mỹ giúp chính phủ của ông Maliki cũng sẽ tạo ra những bất lợi. Khi đó, cộng đồng người Sunni tại Iraq sẽ cho rằng Mỹ đang thiên vị một bên trong cuộc xung đột sắc tộc tại đất nước này. ISIS cũng sẽ có cớ để coi Mỹ như kẻ thù “không đội trời chung” của mình, và sẽ dồn mọi nỗ lực để tấn công vào công dân cũng như các lợi ích của Mỹ.

Ngoài ra, nếu can thiệp vào Iraq, vô hình chung Mỹ sẽ kề vai sát cánh với Iran và thậm chí là cả chính quyền của Tổng thống Assad ở Syria. Iran là quốc gia đầu đàn của Hồi giáo Shia, đồng minh không lay chuyển của độc tài Assad dòng Hồi Shia tại Syria, đương nhiên cũng là đồng minh của chính quyền dòng Hồi Shia tại Iraq.

Mỹ với phương châm không tham chiến, nhưng trong cuộc khủng hoảng ở Syria đã luôn phản ứng tương đối chậm chạm với các diễn biến leo thang quá nhanh tại khu vực. Syria từ một mồi lửa dân chủ kiểu Mùa Xuân Ả Rập đã trở thành địa ngục với sự tham gia và thắng thế của các nhóm khủng bố toàn cầu, đe dọa cả sự an toàn của Mỹ một khi Syria sụp đổ. Với ISIS, Mỹ và Iran giờ có một kẻ thù chung để bắt tay. Đây sẽ không phải là lần đầu tiên họ hợp tác. Một kẻ thù chung trong quá khứ, Taliban, cũng đã khiến Iran cộng tác với Mỹ vào năm 2002. Lợi ích quốc gia là bàn đẩy để bản đồ đồng minh thay đổi, cùng chống lại ISIS với tư cách là một thế hệ khủng bố hoàn toàn mới và nguy hiểm gấp nhiều lần.

Khi đó, mối quan hệ của Mỹ với đồng minh Arập theo dòng Sunni sẽ bị tác động tiêu cực. Sự kiện các lực lượng người Kurd chiếm được thành phố Kirkuk sẽ làm dấy lên câu hỏi về cách tiếp cận của Mỹ đối với cộng đồng này cũng như đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện nay, rất nhiều ánh mắt đổ dồn vào người Kurd. Là một dân tộc dũng mãnh nhưng chịu mất nước, người Kurd sau thế chiến thứ nhất không được thực dân Anh cho lập quốc như đã hứa, mà lãnh thổ bị chia sẻ nằm trải ra trên năm quốc gia khác nhau, trong đó có Iraq. Vùng tự trị của người Kurd luôn an toàn và phát triển, khác hẳn với phần còn lại của Iraq. Những chiến binh người Kurd nổi tiếng thiện chiến với danh hiệu “peshmerga” (kẻ đối đầu với cái chết).

Để thuyết phục người Kurd tham chiến, chính phủ Iraq chắc chắn sẽ phải nhân nhượng các hợp đồng bán dầu, nhất là việc xem xét nhượng lại cho người Kurd thành phố dầu lửa Kirkuk từ xưa vẫn đang tranh chấp.

Nhiều nhà phân tích tại Trung Đông đã cảnh báo về những thay đổi này và đều cho rằng việc tạo ra những thay đổi về chiến lược giữa những xung đột và bất ổn hiện nay tại khu vực sẽ là một điều rất mạo hiểm.

Nguồn tham khảo và trích dẫn:

Ttvnol.com

– Tham vọng của ISIS (BBC)

– Chân dung trùm khủng bố ISIS khiến cả al-Qaeda cũng phải chào thua (giaoducnet.vn)

– Mỹ trước những rối ren, bất ổn và nguy cơ chiến tranh tại Iraq (baotintuc.vn)

 

0