Bản đồ tân Trung Đông
Nguyễn Tiến Cảnh, MD. Cả hàng trăm năm dân Ả Rập không có được một chính quyền riêng của mình. Từ khi đế quốc Ottoman Thổ nhĩ Kỳ chinh phục phần đất của người Ả Rập vào đầu thế kỷ XVI thì họ không bao giờ có được độc lập. Cho đến thế chiến I, phần đông các nước trong thế giới Ả Rập ...
Nguyễn Tiến Cảnh, MD.
Cả hàng trăm năm dân Ả Rập không có được một chính quyền riêng của mình. Từ khi đế quốc Ottoman Thổ nhĩ Kỳ chinh phục phần đất của người Ả Rập vào đầu thế kỷ XVI thì họ không bao giờ có được độc lập. Cho đến thế chiến I, phần đông các nước trong thế giới Ả Rập đều nằm dưới quyền thống trị của đế quốc Ottoman; khi đế quốc Ottoman bắt đầu đi đến suy tàn thì các nước kia lại trở thành thuộc địa của các cường quốc Âu Châu trong suốt thế kỷ XIX.
Dân Ả Rập khao khát có một quốc gia nói tiếng Ả Rập được độc lập tự do. Đến thế kỷ XX thì họ phải được độc lập, nhưng không phải một nước Ả Rập thống nhất mà là hơn 20 nước. Điều thất vọng chán nản lớn nhất đối với dân Ả Rập ngày nay là họ có tới 22 nước nhưng viễn tượng gần để cho các nước này thống nhất thì thật là mỏng manh.
Vào đầu thế kỷ XX lúc còn là thần dân của ông hoàng Ottoman, thì thế giới Ả Rập có được hòa bình. Rất ít người nghĩ rằng miền đất này sẽ thay đổi vào những thập niên tới. Nhưng tới năm 1900 thì Trung Đông thực sự -như đã nói trước kia- vẫn là một vùng “chính trị ao tù”.
Căn nguyên đưa đến việc thay đổi lại bản đồ toàn vùng Trung Đông là thế chiến I. Cuộc ám sát hoàng tử nước Áo Franz Ferdinand ở Sarajevo vào ngày 28 tháng 6 năm 1914 là một biến cố đã khích động chiến tranh. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, tất cả các cường quốc Âu Châu đều nhảy vào vòng chiến. Nhiều vấn đề ở trong vùng Balkans đã bắt đầu nổi lên khi mà đế quốc Ottoman xuống dốc và tháo lui khỏi những vùng đất tại đó. Tinh thần quốc gia của các sắc dân đã bùng lên chống lại sự cai trị của ngoại bang, nhắm vào đế quốc Hung-Áo và Thổ nhĩ Kỳ.
Khi chiến tranh khởi đầu, đế quốc Ottoman vẫn còn lưỡng lự chưa đứng về phía nào cả. Nhưng cuối cùng đã đứng về phía Đức và Áo chống lại liên minh Anh-Pháp-Nga. Đó là một chọn lựa sai lầm, nguy hiểm và tai hại. Chỉ sau ít năm, đế quốc Ottoman đã xụp đổ, kết thúc sự thống trị thế giới Ả Rập của Thổ nhĩ Kỳ sau nhiều thế kỷ.
Cả thế kỷ sau, người ta vẫn không hiểu được tại sao việc ám sát một ông hoàng tử chẳng danh tiếng gì lại có thể dẫn đến những xáo trộn đổi thay như vậy, và bạo động cả thế kỷ nay vẫn chưa chấm dứt. Nhưng dư âm và hậu quả của tiếng súng ám sát đến nay vẫn còn.
TINH THẦN QUỐC GIA VÀ KHÁT VỌNG DÂN TỘC.
Trước vụ ám sát, tinh thần dân tộc đã nổi lên khắp Âu Châu và Trung Đông. Vào thời đại Victoria, chủ nghĩa đế quốc thực dân vẫn còn thịnh hành. Việc một quốc gia hùng mạnh có thể cai trị những quốc gia khác kém cỏi hơn là đương nhiên và có thể chấp nhận được ở một Âu Châu đang bị thống trị bởi những đế quốc đa sắc dân.
Phần lớn những đế quốc này vẫn còn tương đối không đến nỗi dữ dằn, họ cho những sắc dân trong vùng ảnh hưởng của họ được tự do, kể cả tự do buôn bán và phát triển. Nhưng ước vọng có một quốc gia dân tộc đã được xây đắp một phần là do kết quả của giáo dục học đường đã khuyến khích họ nghiên cứu và học hỏi văn chương; nhờ đó tinh thần và dân tộc tính của họ mới được kích thích và bùng dậy.
Ý thức dân tộc chỗi dậy không phải chỉ có ở Âu Châu mà tại Trung Đông mọi sắc dân đều khát khao có một quốc gia riêng của mình.
Khuynh hướng đòi độc lập của các sắc dân đã giữ một vai trò rất lớn ở thế kỷ XX hầu ứng nghiệm lời Chúa Kitô nói về thời Cánh Chung trong Tin Mừng thánh Mathew đoạn 24. Khi các môn đệ hỏi Người làm sao để biết đựơc dấu hiệu Người trở lại và ngày tận cùng, thì Ngài đã nói với các ông là sự gia tăng áp lực đòi hỏi của các dân tộc. Ngài nói: “Dân tộc này sẽ nổi dậy chống dân tộc kia, nước này sẽ chống nước nọ…..” (Mt,24, 7).
Cùng với sự phát triển các thể chế dân chủ trong một số quốc gia, các sắc dân đã có đại diện ở các thủ đô để có thể bày tỏ ước muốn tự trị của mình. Dù vậy, nhiều nước vẫn muốn được độc lập hoàn toàn. Sự căng thẳng này cũng là một cớ đưa tới thế chiến I và những dàn xếp thay đổi ở Hội Nghị Hòa Bình Paris sau đó.
Hội nghị Paris đưa ra hiệp ước Versailles 1919 dẫn tới việc thành lập những quốc gia mới ở Âu Châu và Trung Đông. Những đế quốc cũ bị dẹp bỏ và thay thế bằng những quốc gia mới, nhỏ hơn, đã làm cho tình trạng bang giao quốc tế sau này trở nên phức tạp. Câu nói “Chiến tranh chấm dứt chiến tranh” đã được Archibald Wavell, một sĩ quan trong quân đội hoàng gia Anh thay thế bằng câu: “Hòa bình chấm dứt hòa bình”.
Ả-RẬP ÂM MƯU KHỞI NGHĨA
Trước thềm thế chiến I, Anh quốc đã là một lực lượng lớn ở Trung Đông. Anh quốc nhảy vào vòng chiến tiên khởi là để bảo vệ quyền lợi của mình ở Ấn Độ, một tài sản đáng giá nhất của đế quốc Anh. Benjamin Disrael, thủ tướng Anh gốc Do Thái đã dàn xếp để tài trợ việc thiết lập kinh đào Suez, huyết mạch sinh tử của đế quốc.
Anh quốc đã kiểm soát Ai Cập, nơi có kinh đào Suez, nhưng không biến nó thành một thuộc địa. Họ cũng cai trị cả Aden, khúc đuôi ở phía Nam Arabia đồng thời nắm giữ những vị trí chiến lược quanh vùng vịnh Ba Tư.
Khi thế chiến I bùng nổ, Anh quốc đã ở vị thế ngon lành có thể bảo trợ cho cuộc nổi dậy của Ả Rập chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Đức, kẻ thù của Anh quốc. Cuộc khởi nghĩa của Ả Rập bắt đầu nổi lên ở Hejaz, vùng duyên hải của Arabia dọc theo Biển Đỏ, trong đó có hai địa danh Mecca và Medina vào ngày 10 tháng 6 năm 1916, hai năm sau khi thế chiến I bắt đầu. Cuộc khởi nghĩa dẫn đầu bởi Hussein ibn Ali (1852-1931) thuộc hàng chắt chít của Muhammad ở Mecca và là thủ lãnh chi họ Hashemite lúc bấy giờ. Hussein chính là tổ tiên của quốc vương Jordan hiện giờ.
Nực cười thay, trong cuộc khởi nghĩa này dân Ả Rập lại đứng về phía Anh Kitô giáo để chống lại Thổ nhĩ Kỳ Hồi giáo. Nhưng đối với họ, ước vọng một quốc gia Ả Rập độc lập là tối thượng. Hai người con trai của Hussein dẫn đầu binh lực của Ả Rập được tài trợ bởi Anh quốc và được giúp đỡ cố vấn ngoài chiến trận bởi một quân nhân danh tiếng của quân đội hoàng gia Anh là T.E. Lawrence (Lawrence of Arabia). Dân Ả Rập hiểu rằng thắng trận có nghĩa là “một quốc gia Ả Rập độc lập”
Quan niệm như vậy đã được biểu hiện qua những trao đổi văn thư giữa vị toàn quyền Anh ở Ai Cập là Sir Henry McMahon và Sharif Hussein trong khoảng thời gian từ 14 tháng 7 năm 1915 đến 30 tháng 3 năm 1916. Trong một lố 10 bức mật thư trao đổi giữa 2 người, Sharif Hussein đề nghị giúp Anh quốc bằng cách nổi loạn chống lại Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy lời hứa cho dân Ả Rập độc lập sau khi thắng trận. Anh quốc đồng ý như vậy với ngoại lệ một vài vùng kể cả những vùng hiện đang ở dưới sự kiểm soát của Anh quốc.
Cuộc nổi dậy đã thành công. Vào tháng 10 năm 1917, quân đội đồng minh dưới quyền của tướng Anh Allenby đã xâm lăng Palestine, chiếm Jerusalem vào ngày 9 tháng 12 . Đây là lần đầu tiên kể từ khi đoàn quân Thánh Giá thua trận vào năm 1244, thị trấn này mới lại trở về tay người Kitô giáo để rồi giờ đây lại bắt đầu một cuộc xung đột dai dẳng cả hàng thế kỷ nhắm vào Thị Trấn Hòa Bình này sau 400 năm hòa bình dưới thời đế quốc Ottoman.
Vào những tháng đầu cùng năm, Anh quốc chiếm Baghdad. Năm sau Damascus cũng thất thủ. Ba ngày sau khi rơi vào tay quân khởi nghĩa Ả Rập, tướng Allenby và hoàng tử Faisal, con trai Sharif Hussein đi vào thị trấn. Faisal dẫn 1,000 kỵ binh, đã được dân chúng hoan hô nồng nhiệt như được xả hơi thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Ottoman, vui mừng phấn khởi về tương lai một vương quốc Ả Rập độc lập và tự do.
Theo sau thất bại của trục, ba đế quốc Đức, Áo và Ottoman cũng xụp đổ. Đế quốc Nga –đồng minh của Anh, Pháp và của Hoa Kỳ sau này- lại rơi vào tay cộng sản.
Thế giới sẽ không bao giờ trở lại như cũ nữa. Thế chiến I kết thúc trật tự cũ của thế giới.
NHỮNG LỜI HỨA CHÕI NHAU ĐÃ LÀ CỚ CHO NHỮNG XUNG ĐỘT
Lo lắng mong được thắng trận, Anh quốc đã đưa ra những lời hứa chõi nhau với Ả Rập, Do Thái và cả đồng minh của mình là Pháp và Nga.
Vào tháng 11 năm 1917, Nga rơi vào tay cách mạng Bolsheviks. Quân cách mạng tự coi mình như là chủ nhân của những mật ước cùng với chế độ Nga hoàng. Họ công bố cho dân chúng mật ước Sykes-Picot (tên của hai nhà điều đình Anh là Sir Mark Sykes và Pháp là Georges Picot) ký vào tháng 5 năm 1916. Mật ước này cho thấy Anh và Pháp có kế hoạch cắt xén đế quốc Ottoman và chia nhau, không cho Ả Rập một phần đất nào cả.
Cùng tháng đó, chỉ 5 ngày trước khi cách mạng Bolsheviks lên nắm quyền ở Nga Sô, Anh quốc cho ra tuyên cáo Balfour (tên vị ngoại trưởng Anh Arthur James Balfour). Theo tuyên cáo này, Anh quốc hứa yểm trợ cho Do Thái có một quê hương ở Palestine. Lời hứa này đã là cớ cho biết bao nhiêu vấn đề khó có thể giải quyết được đối với người Anh trong những năm về sau, đồng thời cũng là cớ cho những xung đột rất trầm trọng và to lớn hơn nữa đối với cả Do Thái lẫn Ả Rập.
Người Ả Rập đã cùng với người Anh chiến đấu chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần vào sự thắng trận của liên minh. Để bù lại, họ kỳ vọng sẽ được toàn quyền trên tất cả những phần đất Ả Rập, khác với những phần đất đang là thuộc địa của Âu Châu như Ai Cập, Aden và Algeria. Chắc chắn họ kỳ vọng và muốn rằng Arabia, Iraq, Syria và Palestine phải được kiểm soát trực tiếp và duy nhất bởi người Ả Rập.
Palestine (tên mới của phần đất của Israel và Judah nói trong cựu ước, tức là đất thánh) đã do Hồi Giáo kiểm soát từ thế kỷ VII, ngoại trừ một thời gian ngắn trong thời Thánh Chiến ở thế kỷ XI. Người Do Thái có thể sinh sống ở Palestine, nhưng nếu toan tính thiết lập một quê hương ở đó thì sẽ bị chống đối.
Hiệp định Versailles được ký tại hội nghị Hòa Bình Paris, đại diện của Ả Rập (và cả T.E. Lawrence) đã bị phản bội. Phe đồng minh thắng trận đã chia nhau đế quốc Ottoman. Hội quốc liên chính thức cho Anh quốc được cai quản Palestine, Transjordan và Iraq; Pháp cũng được phần như vậy tại Syria và Lebanon. Cả Do Thái lẫn Ả Rập chẳng được gì hết ngoài lời hứa, không hơn không kém.
ANH QUỐC THỪA HƯỞNG MỘT VẤN NẠN KHÔNG BAO GIỜ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC
Palestine là một vấn nạn to lớn nhất. Đã có lúc Anh quốc cho dân Do Thái hồi hương không giới hạn. Nhưng việc này đã khiến dân Ả Rập kêu trời! Sợ dân Do Thái sẽ lấn chiếm, Ả Rập yêu cầu Anh quốc phải ngừng việc hồi hương người Do Thái. Anh quốc đã làm việc này. Nhưng trước thềm thế chiến II, 6 triệu người Do Thái bị Đức quốc Xã cho vào lò sát sinh. Con đường trốn thoát về Palestine đã bị cắt đứt đúng vào lúc dân Do Thái cần con đường sinh lộ này nhất.
Trong vòng ba thập niên người Anh cai trị Palestine, bản đồ chính trị trong vùng vẫn cứ tiếp tục thay đổi. Ai Cập lấy lại quyền năm 1922; Iraq năm 1932, mặc dù Anh quốc vẫn còn ảnh hưởng đáng kể trên cả hai quốc gia này. Lebanon lấy lại độc lập từ tay người Pháp năm 1941. Syria thì 5 năm sau đó vào năm 1946. Cũng năm đó Anh quốc thiết lập một quốc gia Palestine Ả Rập độc lập, đồng thời trả độc lập cho Transjordan (Jordan).
Sau thế chiến II vào năm 1945, Anh quốc quá mệt mỏi đã rút ra khỏi đế quốc. Pakistan và Ấn Độ được độc lập năm 1947. Gần một năm sau đó thì Anh cũng hoàn toàn rút ra khỏi Palestine.
Anh quốc không còn có thể giữ an ninh được cho Do Thái và Ả Rập. Quân khủng bố Do Thái đã cho nổ tung khách sạn King David, nơi đặt bộ tham mưu quân đội hoàng gia Anh tại Jerusalem, làm thiệt hại gần 100 quân lính. Vào lúc đó, cũng giống như ở Ấn Độ, đoàn quân viễn chinh không còn được dư luận quốc nội ủng hộ nữa. Lý do là vì quá vô lý khi đi ủng hộ một đoàn quân cứ phải hy sinh tính mạng để giữ an ninh cho kẻ thù. Anh quốc đã báo cho Liên Hiệp Quốc (một tổ chức thay thế Hội quốc Liên) biết trước sáu tháng trước khi họ rút ra khỏi Palestine.
QUỐC GIA ISRAEL KHAI SINH
Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã bỏ phiếu để quyết định phân chia Palestine cho Do Thái và Ả Rập, còn Jerusalem thì thuộc quốc tế quản trị. Israel chấp nhận kế hoạch này, nhưng Ả Rập không đồng ý. Khi Anh quốc rút ra khỏi Palestine thì lãnh tụ Do Thái tuyên bố khai sinh quốc gia Israel độc lập của người Do Thái vào chiều ngày 14-15 tháng 5 năm 1948. Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ sau, binh lực của 5 nước Ả Rập chung quanh liền tấn công Israel với mục đích tiêu giệt quốc gia non trẻ này mới chỉ có dân số chừng ½ triệu người.
Chiến tranh kéo dài mãi cho đến đầu năm sau thì Israel lại chiếm thêm một phần đất nữa cộng với phần đất mà LHQ đã chia cho. Đa số dân Ả Rập ở trong phần đất Do Thái chiếm đóng này liền rời bỏ nhà cửa mình di cư về West Bank, Gaza, Lebanon, Syria, Jordan và Ai Cập. Những ngừơi Ả Rập ở lại phần đất bị Do Thái chiếm đóng thì được hưởng quyền công dân của Israel. Nực cười là ngày nay những người này lại được hưởng nhiều quyền tự do cá nhân hơn những đồng bào Ả Rập của họ hiện sinh sống tại những quốc gia được cai trị bởi người Ả Rập.
Còn nhiều chiến tranh nữa sẽ xẩy ra sau này. Năm 1956, Israel đứng về phía Anh và Pháp chống lại Ai Cập lấy lại kinh đào Suez đã bị chính phủ cách mạng Ai Cập nắm giữ. Hoa Kỳ sau đó đã phải áp lực buộc 3 quốc gia này rút ra khỏi kinh đào. Đây lại là cơ hội thúc đẩy tinh thần quốc gia của người Ả Rập bùng mạnh hơn nữa. Trong vòng vài năm thì Pháp mất Algeria không còn ảnh hưởng gì trên phần đất này nữa. Anh quốc cũng mất hầu hết đế quốc của mình trong thời gian 10 năm có cuộc khủng khoảng kinh đào Suez, và cũng rút lui hoàn toàn khỏi vùng vào năm 1971.
Thay thế Anh và Pháp, Hoa Kỳ và Sô Viết nhảy vào. Hai đối thủ này, trong thời gian chiến tranh lạnh, đã dùng những quốc gia gọi là “ủy nhiệm” để ngăn cản, phá hoại những quyền lợi và tham vọng của nhau.
SỰ SỤP ĐỔ CỦA NHỮNG ĐẾ QUỐC CŨ.
Nhưng tinh thần quốc gia của người Ả Rập không ngừng trỗi dậy ở đó. Khát vọng một Ả Rập thống nhất vẫn còn trong tâm trí của tất cả mọi người Ả Rập.
Và dân Ả Rập không còn đơn độc phá vỡ luật lệ thuộc địa để thoát ra khỏi gông cùm nô lệ. Sau thế chiến II, nhiều tân quốc gia trên khắp thế giới cũng được tái sinh cùng với sự xụp đổ của những đế quốc Âu Châu cũng như thế chiến I đã kéo theo sự xụp đổ của những đế quốc đã một thời thống trị phần lớn Âu Châu. Bây giờ tất cả mọi đế quốc có thuộc địa trên thế giới cũng theo nhau xụp đổ. Từ trước đến giờ, bản đồ thế giới chưa bao giờ lại thay đổi một cách thảm hại như vậy.
Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta thấy ngay sau khi hiệp định Versailles 1919 ký thì không một quốc gia Ả Rập nào có độc lập. Ngoài Persia (Iran) và Afghanistan ra cũng không có một nước Hồi giáo nào trên khắp thế giới được độc lập.
Khi đế quốc Ottoman bị lật đổ thì chính thể Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập. Dân chúng phần lớn vẫn theo đạo Hồi nhưng chính phủ chuyển hướng theo Tây phương, không còn là chính phủ Hồi giáo nữa. Mặc dù Ai Cập đã được độc lập từ năm 1922, nhưng các vua không phải là Ả Rập và Anh quốc vẫn còn cầm chịch bên trong hậu trường. Tất cả những vùng thuộc Hồi Giáo trên khắp thế giới vẫn dưới quyền kiểm soát của Âu Châu. Oái uăm nữa là quyền lực mạnh nhất của Hồi Giáo lúc bấy giờ lại ở trong tay Anh quốc với tư cách là nước đang cai trị bán lục địa Ấn Độ (hiện nay gồm cả Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka).
Ngày nay trên khắp thế giới có tất cả 57 quốc gia Hồi Giáo, phần lớn do người Hồi Giáo nắm quyền. Trong số đó có 22 nước Ả Rập lại nắm giữ phần lớn tài nguyên thế giới là dầu hỏa, huyết mạch của nền kinh tế thế giới. Có ai ngờ rằng Trung Đông và Hồi giáo lại bất thần trở thành vấn đề quốc tế hàng đầu ?
PHONG TRÀO QUỐC GIA Ả-RẬP TRỖI DẬY
Một trong những phát triển đáng kể ở trong vùng sau khi hiệp định Versailles kết thúc thế chiến I là sự trỗi dậy của phong trào quốc gia Ả Rập. Thất vọng vì sự phản bội của các cường quốc Âu Châu, dân Iraq nổi loạn chống lại Anh quốc. Anh quốc sau này hối hận vì đã dính vào Iraq, tốn kém quá nhiều mà lấy lại chẳng được bao nhiêu. Sau hơn bốn năm trời can dự vào thế chiến I, kinh tế Anh quốc đã kiệt quệ, bây giờ lại tự mình chuốc lấy gánh nặng phải giữ an ninh trong vùng của kẻ thù.
Thiết lập một quê hương độc lập cho người Do Thái đã là một công trình đáng kể rồi. Rõ ràng là nếu quốc gia Israel không được thành lập thì lịch sử của Trung Đông chắc chắn sẽ khác bây giờ. Đối với dân Ả Rập, họ khó có thể chấp nhận sự thống trị của Âu Châu trên những phần đất của họ để rồi họ phải hứng chịu là thuộc địa của dân Tây phương “ngoại đạo” vẫn giữ ý định sống vĩnh viễn trên đất của họ.
Khởi đầu dân Ả Rập không trách cứ Tây Phương vì chuyện quốc gia Israel. Nhưng trong những ngày đầu lập quốc của Do Thái, các nước cộng sản Đông Âu đã cung cấp khí giới cho Do Thái để chống lại Ả Rập. Vì nhiều người Do Thái sống trong những chung cư ở những nông trại tập thể gọi là kibbutzim giống như kiểu của cộng sản nên những nước thuộc Sô Viết nghĩ rằng Israel có thể là đồng chí làm bàn đạp cho họ ở Trung Đông, một vùng vẫn nằm dưới sự thống trị của những đế quốc Âu Châu vào thời đó.
Sau này, những người Do Thái gốc Hoa Kỳ lại là cơ bản để thiết lập một thể chế dân chủ kiểu Tây Phương ở trong vùng với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ. Thế là Sô Viết đã tìm một nước khác có thể làm bàn đạp cho mình ở trong vùng.
Thất vọng vì bị thua trận năm 1948, bực bội vì sự tham nhũng của chế độ và vua Farouk theo Tây phương, quân đội Ai Cập đứng lên lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1952, thiết lập chính thể cộng hòa cách mạng đã tạo thành chuỗi dây truyền nơi những quốc gia khác ở trong vùng. Giấc mơ một Ả Rập thống nhất xem chừng có thể thực hiện được !
Tinh thần cấp tiến mới mẻ của Gamal Abdel Nasser đã khuyến khích dân Ai Cập và Ả Rập liệng bỏ ảnh hưởng của Tây phương. Nasser quốc hữu hóa kinh đào Suez đang do Anh và Pháp làm chủ đã khiến Anh-Pháp-Israel hợp lực để lấy lại kinh đào và lật đổ chính phủ Ả Rập cấp tiến đang đe dọa quyền lợi của Tây Phương và Do Thái. Nhưng chính quyền Eisenhower của Mỹ lúc đó, vì sợ ảnh hưởng của Sô Viết ở trong vùng tăng lên nên đã áp lực ba nước phải triệt thoái khỏi kinh đào. Dù vậy Sô Viết vẫn nhảy vào nhập cuộc như thường, yểm trợ giúp đỡ Ai Cập và những nước Ả Rập chống lại Israel suốt 25 năm sau. Hoa Thịnh Đống và Mạc Tư Khoa đã chính thức thực sự can thiệp vào Trung Đông từ đó.
Sau Ai Cập đến lượt Iraq lật đổ chế độ quân chủ thân Tây Phương. Nên nhớ là các vua chúa cầm quyền ở các nước Ả Rập thường theo học giáo dục Tây phương, phần lớn là ở Anh và Hoa Kỳ nên họ có khuynh hướng thân Tây phương. Quan trọng hơn nữa, họ cũng đã Tây phương hóa rồi nên lại càng làm cho các thần dân tín đồ tôn giáo của họ bực bội hơn.
Năm 1932 Anh quốc triệt thoái khỏi Iraq sau khi đã thiết lập một chế độ quân chủ lập hiến có quốc hội theo kiểu Anh quốc. Nhưng thể chế này cũng chẳng tồn tại được bao lâu sau khi Anh quốc ra đi. Quân đội đã lên nắm chính quyền vào năm 1958 bằng một cuộc đảo chính đổ máu, giết chết vua Faisal chi họ Hashemite và nhiều người trong hoàng tộc. Chính phủ lập hiến đã không thành công trong thế giới Ả Rập và cũng chẳng mấy kết quả nơi Hồi giáo.
Cuối cùng Iraq nằm trong tay nhà độc tài Saddam Hussein. Tương tự như vậy, vua Idris của Libya cũng bị lật đổ vào năm 1969 và thay thế bởi một lãnh tụ cấp tiến chống Tây phương, đại tá Muammar Gadhafi. Khi chế độ quân chủ ra đi thì người cộng hòa tiếp theo lại trở thành độc tài. Syria đã trở thành triều đại cộng hòa với cha truyền con nối. Điều này lại giống y hệt các quốc gia Ả Rập khác. Chắc chắn ở Iraq họ cũng có ý định như vậy trước khi xẩy ra chiến tranh vùng Vịnh năm 2003 dẫn đến việc lật đổ chế độ Saddam Hussein.
Năm 1958, Ai Cập, Syria, Yemen và Liên Hiệp các quốc gia Ả Rập đã thành lập một nước Liên Hiệp Cộng Hòa Ả Rập với ý định thống nhất các nước Ả Rập, nhưng cũng không tồn tại được lâu. Nó chỉ kéo dài đến năm 1961 thôi. Nhưng khát vọng thống nhất của họ vẫn còn.
Lý do bên trong của khát vọng thống nhất đó là muốn có một binh lực hùng mạnh có thể đối đầu chiến thắng được Israel. Do Thái đã chiến thắng quân sự trong trận chiến 6 ngày năm 1967. Bị khiêu khích bởi binh lực của Ả Rập, Israel đã thắng trong trận chiến thần tốc, chiếm được West bank (Jordan lấy trong trận 1948), Golan Heights (hồi trước thuộc Syria) và Gaza Strip (nắm giữ bởi Ai Cập thời chiến tranh 1948). Thêm vào đó, đây là lần đầu tiên kể từ thời lưu vong, Do Thái đã kiểm soát được Jerusalem.
Tiếp theo là một chiến thắng nữa trong trận đánh dài hơn vào tháng 10 năm 1973, gọi là trận Yom Kippur xẩy ra khi các quốc gia Ả Rập tấn công Do Thái vào ngày Atonement, ngày lễ cực Thánh trong năm của người Do Thái. Trong thời gian những cuộc chiến đó xẩy ra, quân khủng bố Palestine bắt đầu hoạt động. Sau trận chiến 1973, lần đầu tiên thế giới Ả Rập dùng dầu hỏa làm khí giới để áp lực Tây phương, tăng giá dầu lên gấp 4 lần, làm lung lay nền kinh tế thế giới.
Tất cả những thất bại đó lại càng thôi thúc dân Ả Rập thống nhất lại với nhau. Nhưng sự thống nhất đó luôn luôn vượt khỏi tầm tay của họ. Ngày nay, phần đông các quốc gia trong vùng hoặc là nằm dưới chế độ quân chủ bảo thủ Hồi giáo hoặc là quốc gia cấp tiến tàn bạo. Một cách nào đó, những chính thể như vậy lại đối nghịch nhau, nhưng cả hai đều dùng bàn tay sắt đối với dân chúng của mình.
Tinh thần quốc gia cực đoan cộng thêm sự nung nấu lòng phẫn uất đối với Tây phương, sự hận thù đối với dân Do Thái, chán nản thất vọng đối với chính quyền và những nhà lãnh đạo của mình, đã làm cho một sức mạnh cũ trỗi dậy đưa đến khủng bố và gây nên sự lo lắng trong lòng thế giới Tây phương.
Pace Island, Florida Nov. 10 năm 2006
Nguồn : Lịch sử Trung Đông