Xét lại bằng chứng “chủ quyền lịch sử” của trung Quốc ở Biển Đông
BIỂN NAM HẢI VÀ CÁC BÃI SAN HÔ NGẦM DƯỚI CÁC TRIỀU ĐẠI NHÀ MINH VÀ NHÀ THANH: CÁC TRÌNH ĐỘ HIỂU BIẾT ĐỊA DƯ VÀ SỰ KIỂM SOÁT CHÍNH TRỊ Ulises Granados University of Tokyo, Japan Ngô Bắc dịch Lời Người Dịch Dưới đây là bản dịch một bài viết hiếm hoi và quan trọng ...
BIỂN NAM HẢI VÀ CÁC BÃI SAN HÔ NGẦM
DƯỚI CÁC TRIỀU ĐẠI NHÀ MINH VÀ NHÀ THANH:
CÁC TRÌNH ĐỘ HIỂU BIẾT ĐỊA DƯ VÀ SỰ KIỂM SOÁT CHÍNH TRỊ
Ulises Granados
University of Tokyo, Japan
Ngô Bắc dịch
Lời Người Dịch
Dưới đây là bản dịch một bài viết hiếm hoi và quan trọng bằng Anh ngữ của một tác giả ngoại quốc khảo sát vấn đề chủ quyền các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua việc nghiên cứu chính các tác phẩm bằng chữ Hán mà phía Trung Quốc vẫn hay dẫn chứng làm bằng cớ lịch sử của họ.
Tác giả, Giáo Sư người Mexico, Ulises Granados, thuộc University of Tokyo, Nhật Bản khi viết bài nghiên cứu này, đã đưa ra các nhận định quan trọng như sau:
… Trong thực tế, phán đoán theo các nguồn tài liệu nhà Minh tiêu biểu này, xem ra rất khó để tin rằng các nhà cầm quyền Trung Hoa đã sáp nhập bất kỳ một trong bốn quần đảo vào đế quốc gì cả.
… [C]ác hòn đảo và các bãi san hô của khu vực này còn lâu mới thuộc vào sự kiểm soát chính thức của Trung Hoa….
… Trong trọn thời nhà Minh đến cuối nhà Thanh, các tài liệu về các hoạt động được quy định bởi chính quyền tại các quần đảo đã vắng bóng trong các nguồn tài liệu Trung Hoa, tượng trưng cho một sự im lặng tương ứng trong sử ký Trung Hoa…
… Trong thời nhà Thanh, hai quần đảo chính tại Biển Nam Trung Hoa cũng được đánh dấu trên vài bản đồ. Ngay đến tên của các nhóm đảo này không hoàn toàn đồng nhất, nhóm Paracels vẫn còn được xác định là Vạn Lý Trường Sa trong phần lớn bản đồ thế kỷ thứ mười tám, trong khi nhóm Spratlys được gọi hoặc là Thiên Lý Thạch Đường hay đơn giản là Thạch Đường. Tuy nhiên, điều rõ ràng khi khảo sát nhiều bản đồ cho thấy rằng địa điểm đích xác của cả hai quần đảo thường xuyên bị thay đổi, và rằng các sự mô tả các hòn đảo và san hô thì trừu tượng một cách đáng ngạc nhiên. Thí dụ, trong bản đồ thế giới của quyển Hải Lục, cả hai nhóm Paracels và Spratlys đều được mô tả là thẳng góc với bờ biển Trung Hoa. Tuy nhiên, bản đồ trong các tác phẩm khác, chẳng hạn như quyển Hải Quốc Văn Kiến Lục, Dương Hoàn Chí Lược và Hải Quốc Đồ Chí, cho thấy các hòn đảo song song với đất liền….
…[C]ác tài liệu địa dư Trung Hoa từ thời nhà Minh và nhà Thanh, và các bản đồ Âu Châu (đặc biệt được lập bởi các thủy thủ Bồ Đào Nha và Anh Quốc), 71 cho thấy Quần Đảo Paracels, Pratas, Macclesfield Bank và Spratlys chỉ là các dấu chấm hay các nét vạch. Như đã ghi nhận ở trên, dường như đã có sự thiếu sót kiến thức chi tiết về địa dư của các hòn đảo và bãi đá ngầm này, bởi chúng bị xem chỉ có tầm quan trọng thấp kém…
… Tác giả này tin tưởng rằng để khởi sự gỡ rối cuộc xung đột các hòn đảo Biển Nam Trung Hoa, giờ đây liên hệ đến Phi Luật Tân, Mã Lai, và Brunei, cũng như Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, cuộc thảo luận phải được đóng khung vào các diễn biến xảy ra từ cuối thế kỷ thứ mười chín hay đầu thế kỷ thứ hai mươi. Việc khảo sát các biến cố xa hơn vào quá khứ có tiềm năng bước vào lãnh vực huyền thoại – đặc biệt bởi các nguồn tài liệu Trung Hoa được đặc trưng bởi vô số lỗ hổng và sự im lặng – nơi các sự tự thuật tinh vi có thể kết tinh thành các lịch sử quốc gia chính thức không khoan nhượng…
…Chính vì thế, các chuyên gia luật quốc tế có một bổn phận phải khảo sát tài liệu lịch sử trong một cung cách cẩn thận, hầu mang lại các câu trả lời và các giải pháp khả dĩ chấp nhận được cho sự rắc rối lãnh thổ khó phân xử này.
Tác giả có nhắc tới một cách vắn tắt sự đối chọi trực tiếp của Việt Nam đối với các luận điểm về bằng chứng lịch sử của Trung Quốc và Đài Loan trong cuộc tranh chấp chủ quyền các quần đảo ở Biển Đông. Nhìn chung, công luận thế giới và luật quốc tế dễ dàng nhìn thấy các điểm phi lý của phía Trung Quốc và Đài Loan một khi nội vụ được khởi kiện tại tòa án quốc tế liên hệ.
Trên cùng đề tài này, độc giả có thể tìm đọc một công trình thâm cứu của cố Giáo Sư Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham, nhan đề Hoàng Sa và Trường Sa, Lãnh Thổ Việt Nam, được đăng tải trong tập san Sử Địa, số 29, Tháng 1-Tháng 3, 1975. /-
Trong cuộc tranh giành chủ quyền bốn quần đảo Biển Đông [nguyên tác là Biển Nam Trung Hoa (South China Sea)]” – chính yếu là Quần Đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) (Xidsha Qundao 西沙群島, Tây Sa Quần Đảo) và Quần Đảo Trường Sa (Spratly Islands) (Nansha Qundao 南沙群島 Nam Sa Quần Đảo ), nhưng cũng gồm Pratas Islands (Dongsha Qundao東沙群島 Đông Sa Quần Đảo) và Bãi Cát Macclesfield (Zhongsha Qundao 中沙群島 Trung Sa Quần Đảo) — Trung Quốc dựa nhiều vào các nguồn tài liệu lịch sử để tuyên nhận rằng các đảo này đều được biết đến và nằm dưới thẩm quyền đế quốc từ các thời đại cổ xưa. 1 Trước khi có cuộc thị sát hải quân đầu tiên được phái đến Quần Đảo Hoàng Sa thời Mãn Châu năm 1909, các nguồn tài liệu Trung Hoa bao gồm các sự mô tả địa dư và các hải trình, cũng như các bản đồ. 2 Một số trong các tài liệu tham khảo này là bẩy cuộc du hành nổi tiếng (1405-33) của Đô Đốc Trịnh Hòa 鄭和 dưới thời nhà Minh 明 (1368-1644), trong khi các tài liệu khác có niên kỳ thời nhà Tống 宋 (960-1279) và nhà Nguyên 元 (1277-1367) hay ngay cả trước đó.
Các khái niệm pháp lý cổ điển về chủ quyền lãnh thổ, địa hạt tài phán và quyền chủ tể, phải được sử dụng với sự thận trọng khi phân tích các sự tuyên xác trên các Đảo thuộc Biển Nam Trung Hoa trong hai triều đại sau cùng. 3Một số khái niệm có ý nghĩa khi áp dụng cho các đơn vị lãnh thổ được cư trú bởi các thần dân nằm dưới một số loại thẩm quyền. Lãnh thổ như thế hoặc có thể được sở hữu và nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp – có nghĩa, quyền lực tối cao, chuyên độc của các định chế chính phủ hay các đại diện chính trị khác, hay là lãnh thổ của một chính thể riêng biệt thừa nhận một mối quan hệ của quyền chủ tể. Trong khuôn khổ các quan hệ triều cống với đế quốc Trung Hoa, một sự nhìn nhận quyền chủ tể được lựa chọn bởi một số chính thể nhằm hưởng thụ một sự chung sống hòa bình và các đặc ưu mậu dịch trong phạm vi trật tự thế giới Trung Hoa. 4
Khi có các sự tuyên nhận mâu thuẫn trên các hòn đảo có người cư trú thường xuyên hay hoàn toàn bỏ hoang, các chuyên viên luật quốc tế thường dựa vào các học thuyết đã được thiết lập vững chắc – các nguyên tắc pháp lý quốc tế chi phối sự sở đắc chủ quyền – hầu xác định nước nào có các quyền hạn về bằng khoán trên một mảnh đất nào đó. 5 Luật quốc tế còn quy định cả khả tính của một lãnh thổ trên đó hiện không có (hay đã chưa từng có) chủ quyền tại một thời điểm cá biệt, qua việc sử dụng từ ngữ terra nullius: vùng đất không thuộc về nước nào[một thành ngữ bằng tiếng La Tinh trong luật La Mã, được dùng trong luật quốc tế hiện đại để chỉ vùng đất chưa hề thuộc chủ quyền của bất kỳ nước nào, hay trên đó bất kỳ chủ quyền nào trước đây chưa công khai hay mặc nhiên từ bỏ chủ quyền của mình. Chủ quyền trên phần đất vô chủ có thể được sở đắc xuyên qua sự chiếm ngụ, mặc dù trong một số trường hợp, làm như thế là vi phạm luật hay hiệp định quốc tế. Một trong sự giải thích xa hơn cho rằng vì là vùng đất vô chủ, kẻ nào đầu tiên khám phá ra nó được quyền sở đắc nó. Chú của người dịch] . Không cần nói, các sự phân tích pháp lý như thế (không phải là tiêu điểm của bài viết này) tùy thuộc vào sự nghiên cứu lịch sử về vụ án trong tay.
Cuộc nghiên cứu này bao gồm chủ yếu thời kỳ từ sự thành lập nhà Minh cho đến các thập kỷ cuối cùng của nhà Thanh 请 (1644-1911). Như sẽ được trình bày dưới đây, trong khi một mức độ nào đó của thẩm quyền chính trị xem ra có hiện diện trên các vùng hàng hải của phần phía bắc của biển này kề cận với bờ biển (tức, biên cương hàng hải: maritime frontier: haijiang 海疆 hải cương hay “lãnh thổ duyên hải: littoral territory: yanhai jiangyu 沿海疆域duyên hải cương vực “), các nhà chức trách Trung Hoa đã không thực hiện bất kỳ hành vi nào để sáp nhập bất kỳ một trong bốn quần đảo vào đế quốc. Trong thực tế, sự thảo luận vẫn tiếp tục trong các giới học thuật về việc liệu:
1. sự ghi chép không thôi sự hiện diện của các hòn đảo trong các nguồn tài liệu thành văn (được mô tả như các “điểm: dots” trong một vài bản đồ), có nghĩa là thẩm quyền chủ tể, hay quyền lực chuyên độc trên các vùng đất này, và
2. sự hiện diện của các ngư phủ Trung Hoa sinh sống trên các hòn đảo hay khai thác biển quanh chúng là đủ để viện dẫn các quyền hạn hay không.
Nhiều tác giả Trung Hoa bàn luận về khía cạnh này của sự tuyên nhận đã khẳng định nhiều lần quan điểm này, một cách mặc nhiên hay công khai. 6
Các lập luận của Trung Hoa về sự xung đột Biển Nam Hải thì nhất quán trong việc khẳng quyết rằng kiến thứcvề biển – các tuyến đường mậu dịch và các hòn đảo của nó – được mô tả trong các tài liệu thành văn hẳn phải chuyên chở hiệu lực của các sự tuyên nhận hợp pháp, bất kể các tài liệu chính thức, các bản đồ tư nhân, hay các bản đồ hải hành của các tuyến đường lái thuye6`n tư nhân đã trình bày về khu vực ra sao. Tức, việc xác định không thôi sự hiện diện của các tên gọi cổ xưa của các hòn đảo trong các nguồn tài liệu là đủ để chứng minh rằng các vùng đất xa xôi đó đã được cai trị bởi nhà Minh và nhà Thanh. Tuy nhiên, sự phân tích một số tài liệu tiêu biểu từ nhà Minh cho đến Cuộc Chiến Tranh Nha Phiến Lần Thứ Nhất (1839-42) phát hiện các trình độ khác nhau của kiến thức về các biển và các đảo này. Hơn nữa, một số tài liệu nhà Thanh đã lập lại, gần như từng chữ một, các tên gọi thời nhà Minh trước kia và các sự mô tả về các vùng nguy hiểm và xa xôi này vốn bị xem là không an toàn cho sự hải hành.
Vì thế, để trả lời nhiều lập luận cốt lõi lịch sử của Trung Hoa, điều quan trọng cần phơi bày lý do tại sao không có sự hiện diện chính thức của Trung Hoa tại các hòn đảo được lập chứng (documented) trước cuối thời nhà Thanh. Lập luận trọng tâm của cuộc nghiên cứu này rằng “việc hiểu biết về” Các Hòn Đảo Biển Nam Hải, không đồng nghĩa với việc “cai trị” hay có các quyền hạn trên chúng. Bài viết sẽ nghiên cứu lịch sử (và sự viết sử ký của Trung Hoa) về Biển Nam Trung Hoa (South China Sea) qua việc thảo luận về các tài liệu quan trọng thời nhà Minh và nhà Thanh, cũng như các tài liệu thứ yếu. Trước tiên, nó đặt kiến thức địa dư về vùng Biển Nam Trung Hoa như được trình bày trong các nguồn tài liệu nhà Minh và nhà Thanh trong khuôn khổ sự phân chia “Tây Dương: xiyang 西洋, Western Ocean) – Đông Dương: dongyang東洋, Eastern Ocean” của Trung Hoa và các sự thảo luận về nơi chốn hai biển này gặp nhau. Sự phân chia này để chỉ một biên cương khá lờ mờ giữa các khu vực ảnh hưởng Trung Hoa và phi Trung Hoa, và như một khu vực của hoạt động hải hành thường xuyên của Trung Hoa. Trong khung cảnh này điều cần ghi nhận rằng, trái với các sự trình bày địa dư phong phú về các điểm xa xôi của “Biển Phương Nam: Southern Sea”, các sự đề cập đến các hòn đảo và các bãi san hô của nó vẫn không chính xác và khá mơ hồ. Kế đó, bài viết này thảo luận đến sự vắng mặt của Trung Hoa từ, và sự thiếu sót kiểm soát trên, các hải phận này sau các chuyến du hành nổi tiếng của Trịnh Hòa, như là một hậu quả của các yếu tố nội bộ và đối ngoại. Sự tách biệt khỏi lãnh hải này đã là lý do chính yếu cho sự thiếu sót các hoạt động chính thức, hay được quy định chính thức, trên các hòn đảo, và cho sự lập lại các sự tham chiếu không chính xác trong các sự trình bày địa dư sau này, ngay cả trong các tài liệu lịch sử địa phương. Sau cùng, cuộc nghiên cứu này mở ra khả tính của việc nhìn Biển Nam Trung Hoa như một khu vực được sử dụng cho các hoạt động khác nhau của bởi người Trung Hoa, người dân Đông Nam Á, người Ả Rập và các người Âu Châu. Bản thân sự sắp xếp lại ý niêm (reconceptualisation) này cho phép các sự vắng mặt rõ rệt trong sự trần thuật của Trung Hoa được khỏa lấp. Sau cùng, bài viết này nhấn mạnh đến nhu cầu duy trì một tình trạng phân đôi (dichotomy) giữa “việc hiểu biết về khu vực” với “việc cai trị khu vực” trong sự phân tích các tài liệu lịch sử về vấn đề này, một sự lưỡng phân rõ ràng đã được “tẩy xóa” một cách trôi chảy trong sự viết sử ký Trung Hoa theo quyền lợi dân tộc của họ.
Biển Nam Trung Hoa và
Sự Phân Chia Giữa Tây Dương và Đông Dương
Từ lâu trước khi có sự khởi đầu của triều đại nhà Minh, Biển Nam Trung Hoa đã được xác định trong các tài liệu Trung Hoa. Trong một vài trường hợp, đây là một khu vực cách biệt mơ hồ, trong các tài liệu khác, như một phần của một đại dượng rộng lớn hơn bao gồm các hải phận Đông Á Châu, Đông Nam Á Châu, và Ấn Độ Dương. Sự xác định không gian hàng hải này được ý niệm hóa xuyên qua sự phân chia “Tây Dương – Đông Dương” đầu tiên trong thời nhà Tống theo một cách tổng quát, trừu tượng, và sau này, với chi tiết nhiều hơn, trong thời nhà Nguyên.
Để giới thiệu các đường nét chính yếu được thảo luận trong các cuộc tranh luận này, và để hiểu tiến trình của chúng, bài phân tích này sẽ khởi sự với một ít nguồn tài liệu tiêu biểu trước thời nhà Minh:
Nhà Tống
o Zhou Qufei: Chu Khứ Phi: 周去非, Lingwai Daida: Lĩnh Ngoại Đại Đáp: 嶺外代答 (Thông Tin Về Những Gì Bên Ngoài Các Cửa Ải: Information on What Is Beyond the Passes), 1178.
o Zhao Rugua: Triệu Nhữ Quát: 趙汝括, Zhufan zhi: Chư Phiên Chí 諸藩志(Khảo Luận Về Người Nước Ngoài: Treatise on Foreigners), 1225
Nhà Nguyên
o Chen Dazhen Trần Đại Chấn 陳大震, Dade Nanhai zhi 大德南海志,Đại Đức Nam Hải Chí (Khảo Luận Về Biển Nam Hải Của Đại Đức), 1304.
o Wang Dayuan 汪大淵 Uông Đại Uyên, Daoyi zhilue 島夷志略 Đảo Di Chí Lược (Lược Khảo Về Các Hòn Đảo và Dân Tộc Man Rợ), 1349
Quyển Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Chu Khứ Phi ghi chép rằng Vịnh Bắc Việt (Jiaozhi yang 交趾洋) nằm phía tây nam của đảo Hải Nam (Qiongya:瓊崖Quỳnh Nhai (hay Nha). Đây là nơi mà ba tuyến đường đi thuyền quan trọng tìm thấy lối đi của chúng tiến vào Biển Nam Trung Hoa. Tuyến đầu tiên trong các tuyến đường này dẫn đến các nước ở hướng nam, tuyến thứ nhì, phía bắc, nối liền Giao Chỉ Dương với các khu vực duyên hải của Quảng Đông廣東, Phúc Kiến 福建, và Chiết Giang浙江, và tuyến thứ ba dẫn đến Dongda Yanghai 東大洋海 Đông Đại Dương Hải). Trong phạm vi Đông Đại Dương Hải này – vùng có thể được nhận diện là Biển Nam Trung Hoa (South China Sea) – họ Chu xác định “Changsha長砂 Trường Sa” và “Shitang 石塘 Thạch Đường “, có lẽ để chỉ lần lượt các quần đảo Paracel và Spratly. 7
Sau này, trong quyển Chư Phiên Chí, từ ngữ “Donghai 東海Đông Hải “ (Eastern Sea: Biển Đông) xuất hiện. Trong bản văn này, tác giả Triệu Nhữ Quát có nói đến phần phía bắc của Biển Nam Trung Hoa như một khu vực nối kết các tuyến đường mậu dịch giữa Champa (Zhancheng占城 Chiêm Thành) và Quảng Châu (Guangzhou 廣州). 8 Xa hơn về phía nam, Java (Shepo闍婆 Xa Bà [?]) xuất hiện như điểm xuất phát của một số tuyến đưừng mậu dịch, một đi về hướng đông, và một đi vế hướng bắc đến đảo Côn Đảo hay Pulau Condore (Kunlun 崑崙Côn Luân) ngoài khơi cửa sông Mekong, xuyên ngang phần phía nam của Biển Nam Trung Hoa. 9 Từ Côn Đảo, tuyến đường được phân chia: một tuyến đường phụ theo hướng tây dẫn đến các hải cảng Trung Hoa tại Quảng Đông và Phúc Kiến. Tuy nhiên, các giới hạn của chính Biển Nam Trung Hoa lại không được trình bày rõ ràng trong nguồn tài liệu này. 10
Vào thời đại của nhà Nguyên, ý tưởng rằng các biển cả bị giới hạn về tầm mức xem ra đã có tiến triển. Điều này dẫn đến việc các vùng hàng hải được phân định một cách rõ ràng hơn. Quyển Đại Đức Nam Hải Chí (Dade Nanhai zhi) của Trần Đại Chấn là một thí dụ. Trong tác phẩm này, chín chính thể được xác định: Champa, Cambodia (Zhenla 真臘Chân Lạp), Siam, Tambralinga (có thể là sườn phía đông của bán đảo Thái Lan, Danmaling 單馬令Đan Mã Lịnh), Palembang (Srivijaya 三佛霽國 Tam Phật Tề Quốc), Brunei, Tanjongpura ( tại miền nam của đảo Borneo, Danzhongbulan 單重布 羅 Đan Trọng Bố La), và Java. Hai trong chúng, Tambralinga và Palembang, thì “phụ trách:guan管 quản” một “Tiểu Tây Dương: Small Western Ocean”); Brunei quản một “Tiểu Đông Dương: Smal Eastern Ocean”, và hai chính thể (Tanjongpura và Java) đảm trách Đại Đông Dương: Great Eastern Ocean”. 11 Như tác giả Roderich Ptak cho thấy, một số khu vực hàng hải đã được phân biệt một cách rõ ràng: một “Tiểu Tây Dương”, bao gồm Vịnh Thái Lan và bờ biển phía đông Mã Lai, một “Đại Tây Dương” (không được đề cập một cách công nhiên) từ Sumatra đến Sri Lanka (Tích Lan) – Ấn Độ Dương, một “Tiểu Đông Dương” bao gồm Biển Sulu, bờ biển Sarawak, và khu vực các đảo Mindoro-Mindanao tại Phi Luật Tân, và một “Đại Đông Dương”, được nhận thức như một đại dương nối kết, bao gồm Biển Java, miền đông và miền nam đảo Borneo, và miền đông Indonesia. 12 Nguồn tài liệu thời nhà Nguyên này không đề cập đến các đảo san hô ở Biển Nam Trung Hoa.
Vào năm 1349, khi Uông Đại Uyên viết quyển Dairi zhilue (Đảo Di Chí Lược), “Tây Dương” đã sẵn được phân biệt một cách rõ ràng với “Đông Dương”. Theo nguồn tài liệu này, điểm nơi mà Tây Dương và Đông Dương phân chia là tại Longyamen龍牙門 Long Nha Môn (Eo Biển Hải Cảng Keppel ngày nay, miền nam Singapore) và tại đảo Côn Đảo. Cả hai địa điểm được xem là “cổng” sang “Tây Dương”, xuyên qua đó các tàu trên đường đến Ấn Độ Dương đã đi ngang qua. 13 Hơn nữa, nguồn tài liệu này cũng đề cập tới Wanli Shitang萬里石塘 Vạn Lý Thạch Đường (Paracels) như một nơi mà vài “mạch” dưới biển từ ba vùng hội tụ, và là nơi có liên hệ với hải cảng mậu dịch Chaozhou潮州Triều Châu tại lục địa Trung Hoa. 14
Điều gây thú vị để so sánh các nguồn tài liệu này với các nguồn tài liệu Ả rập đương thời, bởi các nhà mậu dịch Hồi Giáo đã có một kiến thức phong phú về các tuyến đường hàng hải Trung Hoa và Đông Nam Á. Các nguồn tài liệu Ả Rập ít cụ thể hơn trong việc xác định một sự phân chia “Tây Dưong – Đông Dương”, nhưng một số tài liệu trong chúng có chấm định một sự phân chia như thế ở một khu vực tương tự. Vào khoảng thế kỷ thứ mười, và cho đến lúc cuối của triều đại nhà Nguyên, một nơi được gọi là “Kalah” trong tiếng Ả Rập ở phía tây của Bán Đảo Mã Lai, nơi nào đó gần Kedah ngay nay và quần đảo Lingkawi cùng với sườn phía đông của đảo Sumatra, nơi mà phần lớn mậu dịch Ả Rập phát đạt, được xem như khu vực phân chia các đại dương. Nó cũng được nghĩ rằng khu vực này tượng trưng cho giới hạn cho sự hải hành của các thuyền buồm Trung Hoa. Tác giả Gerald R. Tibbets đồng ý rằng nó được thừa nhận như một đường phân chia trong các tuyến đường giao thương từ Trung Hoa đến Ấn Độ và Arabia. 15 Tuy nhiên, một số nguồn tài liệu Ả Rập xếp Ấn Dộ Dương và các biển Trung Hoa vào các phân vùng (sub-regions) khác (giống như “bảy biển” của Ahmad ibn Abi Ya’qub trong thế kỷ thứ chín) qua việc cứu xét các tiêu chuẩn khác, chẳng hạn, như các ngôn ngữ được nói bởi các cư dân thuộc các chính thể liên hệ mà họ đến thăm viếng. Tuy nhiên, điều cần phải ghi nhận rằng một số nguồn tài liệu dùng tên gọi “Sea of Cankhay”, tên gọi Trung Hoa cổ xưa Zhanghai張海 Trường Hải, để chỉ Biển Nam Trung Hoa cũng như nhiều phần cả, Biển Đông Trung Hoa (East China Sea). 16
Trong các tài liệu thời nhà Minh, các giới hạn địa dư của Biển Nam Trung Hoa không được trình bày một cách rõ ràng; song biển này, như một phần của “Biển Đông Trung Hoa”, tiếp tục được suy tưởng như bộ phận của một biên cương lờ mờ giữa các thế giới Trung Hoa và phi Trung Hoa về mặt hải hành và mậu dịch, một thế giới của các không gian hàng hải nơi mà thế giới văn minh đối diện với thế giới man rợ. Một số trong các tài liệu đó có đề cập đến các đảo san hô (Paracels (Hoàng Sa), Sprastlys (Trường Sa), the Pratas Reef hay the Macclesfield Bank) bằng các tên gọi cổ xưa của chúng, ngay dù sự sử dụng các tên gọi này vẫn còn thiếu chính xác khá nhiều.
Không cố gắng để đưa ra một sự khảo sát tường tận, các nguồn tài liệu kể sau mang tính chất đại diện:
· Mã Hoan 馬歡, Doanh Nhai Thắng Lãm 灜涯勝覽 (Overall Survey of the Oceans’ Shores), 1451 17
· Phí Tín 費信, Tinh Sai Thắng Lãm 星槎勝覽 (Overall Survey of the Star Raft), 1436
· Hoàng Trung, Huang Zhong 黄衷 , Hải Ngữ 海語 (Language of the Sea), 1536
· Hoàng Tỉnh Tăng: Huang Shengceng 黄省曾,Tây Dương Triều Cống Điển Lục西洋朝貢典錄 (Records of Western Ocean Tribute), 1520.
· Mao Nguyên Nghi, Mao Yuanyi, 茅元儀, biên tập, Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ 鄭和航海圖 (Navigational Chart of Zheng He), trong quyển Vũ Bị Chí 武備志, 1621
· Trương Nhiếp: Zhang Xie張燮, Đông Tây Dương Khảo 東西洋考 (Studies on the Ocean East and West), Lời Đề Tựa, 1617-18
· Vô Danh, Thuận Phong Tương Tống Xiangsong 順風相送 (Favorable Winds to Escort), thế kỷ thứ mười sáu
· Chính Đức Quỳnh Đài Chí, Zhende qiongtaizhi正德瓊臺志 (Địa phương chí đảo Hải Nam dưới thời trị vì Chính Đức), khoảng 1521
Vào triều nhà Nguyên, sự phân chia thành một “Tây Dương: Biển Tây” và một “Đông Dương: Biển Đông” của khu vực hàng hải bao la từ phía tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương ngày càng được chấp nhận hơn. Vào thời sơ Minh, sự phân chia này thì rõ ràng, và từ đó, ý tưởng về một “Biển Phía Nam: Southern Sea” cũng xuất hiện một cách chậm chạp. Ba mươi sáu năm sau ngày thành lập triều đại, các hạm đội khổng lồ dưới sự chỉ huy của Đô Đốc Trịnh Hòa đã được phái đến các địa điểm dọc theo Biển Nam Trung Hoa (South China Sea), Ấn Độ Dương và Bán Đảo Ả Rập bởi hoàng đế Vĩnh Lạc (Yongle 永樂). Trong thời khoảng giữa năm 1405 đến 1433, bảy chuyến du hành vào “Tây Dương” đương nhiên làm gia tăng kiến thức về các vùng hải hành. Từ ngữ phân biệt “các đại dương: oceans” khác nhau cũng đã sẵn hiện diện trước thời nhà Minh và trong thời sơ Minh, vài nguồn tài liệu cho thấy rằng các khái niệm về không gian này của nhà Nguyên vẫn được liên tục: “một “Tây Dương” được xác định là khác biệt với “Đông Dương” được qua lại bởi các thủy thủ và thương thuyền Trung Hoa, Ả Rập và Mã Lai. 18
Thí dụ, quyển Doanh Nhai Thắng Lãm của Mã Hoan có đề cập tới Lambri (Nanboli 南渤里 Nam Bột Lý) tại Aceh và Samudra-Pasai (Sumendala 蘇門答剌 Tô Môn Đáp Lạp) trên bờ phía bắc của Sumatra như mỏm xa nhất về phía đông của “Tây Dương”. Java (Shepo) cũng được thừa nhận nói chung như nơi mà “Tây Dương” bắt đầu. 19 Ba nơi này có thể được thừa nhận như điểm xuất phát của “Tây Dương” khi chúng là các nơi đến sau cùng của các tuyến mậu dịch đường dài, có lợi thế về mặt địa dư trên Eo Biển Malacca và Eo Biển Sunda. Ở đó, các thương nhân dừng chân và tái tiếp liệu trước khi tiếp tục tiến về hướng tây để đến Ân Độ Dương hay phía đông của Trung Hoa, Borneo, Phi Luật Tân hay Moluccas.
Quyển Doanh Nhai Thắng Lãm, cũng như quyển Tinh Sai Thắng Lãm của Phí Tín, có bao gồm các sự mô tả địa dư của các địa điểm trải dài từ Biển Nam Trung Hoa (South China Sea) cho đến Ấn Độ Dương. Dặc biệt, Biển Nam Trung Hoa được thừa nhận là trải dài từ Wuhumen 五虎門 Ngũ Hổ Môn, trên bờ biển Phúc Kiến tại Eo Biển Đài Loan theo hướng đông bắc, xuống tới xứ Chàm và Quy Nhơn (Xinzhougang: Tân Châu Cảng 新州港), trên bờ biển trung phần Việt Nam về hướng đông. Phần tây nam của biển này trải dài từ Côn Đảo ( Kunlunshan 崑崙山) ở hướng tây nam 20 đến Brunei (Poluo 婆羅 Bà La) ở phía nam. 21 Về phía đông, biển này chạy từ quần đảo Phi Luật Tân đến đảo Formosa (Đài Loan). Điều quan trọng là cả hai nguồn tài liệu này đều không đề cập đến các đảo san hô tại Biển Nam Trung Hoa.
Tuy nhiên, một nguồn tài liệu quan trọng khác từ thời nhà Minh, quyển Hải Ngữ của Hoàng Trung (Huang Zhong), có đề cập đến các đảo này. Theo họ Hoàng, Wanli Shitang: Vạn Lý Thạch Đường – ở đây là một chỉ danh lỏng lẻo chỉ các quần đảo Paracel, Pratas, cũng như Macclesfield Bank – và Wanli Changsha 萬里長沙 Vạn Lý Trường Sa – quần đảo Spratlys, một vòng đai các đảo nhỏ bé và các nhánh san hộ vốn được lo sợ như một nơi chốn cực kỳ nguy hiểm cho sự hải hành – tất cả được nhận thấy nơi “Biển Đông: Southern Sea”. 22 Hơn nữa, Bản Đồ Hải Hành Của Trịnh Hòa, cái được gọi là “Bản Đồ của Mao Kun: Mao Khôn, Mao Kun tu 茅坤圖 Mao Khôn đồ”, được biên soạn từ các bản đồ hải hành còn tồn tại trong năm 1621, có xác định một số đảo san hô tại Biển Nam Trung Hoa (South China Sea). Các đảo này bao gồm Thạch Đường, Shitang 石塘, có nghĩa Wanli Shitang: Vạn Lý, và cái được gọi là Wancheng Shitangyu: 萬生石塘嶼 Vạn Sinh Thạch Đường Dư, cả hai tên đều để chỉ Quần Đảo Paracels. Bản đồ cũng đánh dấu nơi gọi là Shixing Shitang: Thạch Tinh Thạch Đường 石星石塘 (có thể là tên khác của Wanli Shitang: Vạn Lý Thạch Đường), xác định một khu vực chạy dài bao trùm Macclesfield Bank, các Quần Đảo Pratas và Paracels, một vòng đai các cấu hình bằng đá và san hô khởi đầu gần hải cảng Triều Châu (Chaozhou) (lập lại theo tác giả Uông Đại Uyên trong quyển Đảo Di Chí Lược năm 1349. 23
Sự phân chia giữa “Tây Dương” và ” Đông Dương” không rành mạch trên bản đồ của Mao Khôn nhưng chỉ có ít nguồn tài liệu giữa thế kỷ thứ mười sáu là có trình bày một cách rõ ràng nơi mà nó tọa lạc. Quyển Tây Dương Triều Cống Điển Lục (1520) của Hoàng Tỉnh Tăng xem “Tây Dương” bắt đầu từ phía đông của Kunlun Yang 崑崙洋Côn Lôn Dương và Lambri và có đề cập đến Sulu như thuộc về “Đông Dương”. 24 Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ thứ mười bảy, sự phân chia này được đánh dấu một cách rõ ràng trong quyển Đông Tây Dương Khảo. Tác giả Trương Nhiếp đã chỉ định các chính thể từ Đông và Đông Nam Á là tùy thuộc hoặc vào “Tây Dương” hay “Đông Dương”. Nhật Bản được ghi nhận trong một phần riêng biệt. Trong số các chính thể được bao gồm nằm trong phạm vi “Tây Dương” là Giao Chỉ, Chàm, Xiêm La, và ngay cả Palembang, trong khi các chính thể thuộc vào “Đông Dương” bao gồm Luzon (Lữ Tống), Sulu và Brunei. 25 Tác giả họ Trương cũng ghi nhận Palembang là thuộc “Biển Đông Nam: Southeast Ocean”, và đặt Brunei là điểm nơi mà “Tây Dương khởi đầu. 26 So sánh với các nguồn tài liệu thời sơ và giữa nhà Minh, điều đáng ghi nhận rằng trong các bản đồ, sự phân chia Đông và Tây đã di chuyển một chút về phía đông vào cuối triều đại. Trong văn bản của họ Trương, Các Đảo Biển Nam Trung Hoa vắng mặt, điều nhiều phần xác nhận rằng phần trung tâm của Biển Nam Trung Hoa phần lớn bị né tránh bởi các thủy thủ và nằm ngoài các tuyến mậu dịch chính. 27
Một nguồn tài liệu quan trọng khác từ thời nhà Minh là quyển Thuận Phong Tương Tống, một cẩm nang hải hành có lẽ từ thế kỷ thứ mười sáu mà tác già vài niên đại chính xác vẫn chưa rõ. Trong văn bản này, các sự trình bày chi tiết các tuyến đường biển nối liền Phúc Kiến, Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan, Brunei và Phi Luật Tân, trong số các địa điểm khác, được ghi chép. Nó cũng có các sự tham chiếu ít chi tiết hơn các đảo san hô của Biển Nam Trung Hoa: Vạn Lý Thạch Đường và các hải phận kề cận (Thất Châu Dương, Qizhou Yang 七州洋, và Vạn Lý Trường Sa cũng được đề cập đến một cách vắn tắt. 28
Nguồn tài liệu cuối cùng từ thời nhà Minh là một quyển địa dư chí địa phương về Hải Nam. Trong quyển Địa Phuơng Chí Hải Nam dưới thời trị vì của vua Chính Đức, một khu vực hàng hải phía nam lục địa Trung Hoa trải dài từ bắc Việt Nam (Giao Chỉ), Chàm, và Căm Bốt đến Quảng Châu và Phúc Kiến được ghi nhận. Quyển sách cũng đề cập đến hai cấu trúc trong khu vực hàng hải này, Vạn Lý Thạch Đường và Trường Sa (Changsha) (ở đây, gọi là Pratas). Theo tài liệu này, lái thuyền từ đảo Hải Nam đến các bờ biển Phúc Kiến và Chiét Giang chỉ cần bốn đến chín ngày. Quyển sách không có sự tham chiếu trực tiếp nào đến Tây Dương và Đông Dương. 29
Sự hiểu biết về Biển Nam Trung Hoa và các đặc tính các đảo của nó nói chung được xem có tăng trưởng vào lúc bắt đầu nhà Thanh, nhưng nhiều nguồn tài liệu từ thời kỳ này chỉ lập lại các tài liệu có trước. Các nguồn tài liệu kể sau được duyệt xét nơi đây:
· Trần Luân Quýnh: Chen Lunjiong 陳倫炯, Hải Quốc Văn Kiến Lục: Haiguo wenjianlu 海國聞見錄 (Records of Things Heard and Seen in the Maritime Countries), 1730
· Vô Danh, Chỉ Nam Chính Pháp指南正法 (Directions to the South),có lẽ vào đầu thế kỷ thứ mười tám.
· Tạ Thanh Cao: Xie Qinggao 謝请高,chép lại bởi Yang Bingnan 楊炳南 Dương Bính Nam, Hải Lục: Hailu海錄(Maritime Records), 1820-21
· Xu Jiyu 徐繼畬Từ Kế Dư, Yinghuan Zhilüe 灜環志略 Doanh Hoàn Chí Lược (Synoptic Treatise on the Maritime Circuit), 1844-48.
· Wei Yuan 魏源 Ngụy Nguyên, Hải Quốc Đồ Chí: Haiguo tuzhi 海國圖志 (Illustrated Gazetteer of the Maritimes Countries), 60 tập, 1847
· Quảng Đông Tỉnh Quỳnh Châu Phủ Chí:Guangdong sheng Qiongzhoufu zhi: 廣東省瓊州府志 (Records of Qiong Prefecture in Guangdong), 1841
Các cuộc thảo luận về sự phân chia giữa “Tây Dương” và “Đông Dương” tiếp tục đến triều đại nhà Thanh. Sau khi thu hồi đảo Formosa trong năm 1684, hoàng đê Khang Hy: Kangxi 康熙 đã ra lệnh vài cuộc viễn chinh bằng đường biển tới Các Biển Phương Nam (Southern Seas). Hơn bốn mươi năm sau đó, trong năm thứ tám đời vua Ung Chinh: Yongzheng 雍正 (1730), quyển Hải Quốc Văn Kiến Lục đã xuất hiện. Nguồn tài liệu này đưa ra các sự mô tả các địa điểm khắp thế giới từ Nhật Bản đến Vương Quốc Thống Nhất Anh, kể cả địa dư của Biển Nam Trung Hoa. Tài liệu có đưa ra các sự phân biệt giữa Đông Dương (Eastern Ocean), Đông Nam Dương (Southeastern Ocean), Nam Dương (Southern Ocean), Tiểu Tây Dương (Small Western Ocean), Đại Tây Dương (Great Western Ocean), khu vực Kunlun (Côn Lôn (Luân)) và vùng Nan’aoqi 南澳氣 Nam Áo Khí. Trần Luân Quýnh nêu ra rằng có vài vùng đất tại Nam Dương phía nam đảo Đài Loan (nơi vốn được xem là thuộc Đông Nam Dương) và bắc Indonesia. Xứ Chàm, Tân Châu Cảng, Chân Lạp và Giao Chỉ tạo thành ngoại vi phía tây của Nam Dương. Trong phạm vi “hồ” nước khổng lồ này, ông có xác định Thất Châu (Qizhou: 七州) và Thất Châu Đại Dương (Qizhou Dayang: 七州大洋), cũng như Vạn Lý Trường Sa và Tây Trường Sa西長沙, tất cả các địa danh này ở đây để chỉ quần đảo Paracels [Hoàng Sa]. Tác giả cũng ghi nhận Thiên Lý Thạch Đường (Qianli Shitang 千里石塘) hay Thạch Đường (cụm các hòn đảo và san hô của nhóm Trường Sa), Đông Trường Sa ( 東長沙), cũng gọi là Sa Đầu (Shatou 沙頭) (Macclesfield Bank), và vùng Nam Áo Khí (Nan’aoqi) (Quần Đảo Pratas và chung quanh). 30
Các địa danh tương tự được gồm trong quyển Chỉ Nam Chính Pháp, một bản chép tay mà tác giả và niên kỳ không rõ nhưng có lẽ được viết ra trong khoảng đầu thế kỷ thứ mười tám. Giống như trường hợp của quyển Thuận Phong Tương Tống, có các sự trình bày chi tiết các hải đạo và một số sự đề cập đến các quần đảo. Trong cả hai văn bản, Các Đảo Paracels và hải phận chung quanh, đảo Pratas (được xác định ở đây là Changshawei 長沙尾 Trường Sa Vĩ, một phần của vùng Nan’ao: Nam Áo), và quần đảo Spratlys (Trường Sa) có được ghi chép. 31
Với bước tiến của các nước Âu Châu vào hải phận Á Châu, cũng như đào sâu kiến thức về mậu dịch ngoại quốc xuyên đại dương (và như một kết quả trực tiếp của các chiến dịch quân sự của hoàng đế Càn Long tại Miến Điện và đánh phá người Miao (Mèo) tại vùng Tây Nam Trung Hoa), các nhà cầm quyền Mãn Châu đã biểu lộ sự chú ý gia tăng đến Biển Nam Trung Hoa. Quyển Hải Lục, được viết trong thời chuyển tiếp giữa thời trị vì của vua Gia Khánh ( Jiaqing嘉慶 ) và Đạo Quang (Daoguang 道光) (1820-1821), nói rằng có hai tuyến đường mậu dịch tại Biển Nam Trung Hoa chạy từ Quảng Đông đến Batavia thuộc Ấn Độ Hòa Lan (Dutch Indies) [tức Indonesia ngày nay, chú của người dịch] – một “nội tuyến: inner route” và một “ngoại tuyến: outer route”. 32 Trong tập sách này, tác giả Tạ Thanh Cao cũng ghi chép về Vạn Lý Trường Sa (Quần Đảo Paracels) và Thiên Lý Thạch Đường (Quần Đảo Spratlys),33 nơi mà quần đảo Paracels có tác dụng như một điểm tham chiếu cho tuyến đường bên trong ven biển, tương đối an toàn nhưng dài, và nhóm đảo Spratlys như một điểm tham chiếu trên tuyến đường bên ngoài ngắn hơn, nhưng nguy hiểm hơn.
Vào khoảng một trăm năm sau quyển Hải Quốc Văn Kiến Lục, tác giả nổi tiếng Ngụy Nguyên có ghi chép các địa điểm tương tự trong tác phẩm lừng danh của ông, Hải Quốc Đồ Chí. Một lần nữa, các vùng hàng hải được sắp xếp thành các đại dương theo các hướng khác nhau: Tây Dương, Đại Tây Dương, Tây Nam Dương, Tiểu Tây Dương, và Biển Đại Nam (Greater Southern Sea), trong số nhiều danh xưng khác. Trong tác phẩm của Ngụy Nguyên, Đông Dương, bao gồm Biển Nam Trung Hoa (South China Sea), Biển Đông Trung Hoa (Eastern China Sea), và các Biển Hoàng Hải (Yellow Sea) và Bố Hải (Bohai Sea), được xem như một thực thể duy nhất, khác biệt với Đại Đông Dương (Greater Eastern Ocean) ở phía đông của quần đảo Nhật Bản và Phi Luật Tân. 34 Khi đó, điều rõ ràng rằng cả Hải Quốc Văn Kiến Lục và Hải Quốc Đồ Chí đều đã lập lại ý tưởng về một sự phân chia Đông-Tây, một ý kiến đã được đưa ra trong các nguồn tài liệu thời tiền Minh.
Trong thời nhà Thanh, hai quần đảo chính tại Biển Nam Trung Hoa cũng được đánh dấu trên vài bản đồ. Ngay đến tên của các nhóm đảo này không hoàn toàn đông nhất, nhóm Paracels vẫn còn được xác định là Vạn Lý Trường Sa trong phần lớn bản đồ thế kỷ thứ mười tám, trong khi nhóm Spratlys được gọi hoặc là Thiên Lý Thạch Đường hay đơn giản là Thạch Đường. Tuy nhiên, điều rõ ràng khi khảo sát nhiều bản đồ cho thấy rằng địa điểm đích xác của cả hai quần đảo thường xuyên bị thay đổi, và rằng các sự mô tả các hòn đảo và san hô thì trừu tượng một cách đáng ngạc nhiên. Thí dụ, trong bản đồ thế giới của quyển Hải Lục, cả hai nhóm Paracels và Spratlys đều được mô tả là thẳng góc với bờ biển Trung Hoa. Tuy nhiên, bản đồ trong các tác phẩm khác, chẳng hạn như quyển Hải Quốc Văn Kiến Lục, Dương Hoàn Chí Lược và Hải Quốc Đồ Chí, cho thấy các hòn đảo song song với đất liền. 35
Trong các nguồn tài liệu địa phương thời nhà Thanh, kiến thức địa dư của phần phía bắc của Biển Nam Trung Hoa khá chi tiết, nhưng các sự mô tả các địa điểm xa hơn, chẳng hạn như Paracels và Spratlys, thì không rõ ràng gì cả. “Biển Phương Nam [Nam Hải]: Southern Sea” được nghĩ một cách điển hình như một biển duyên hải trong các tác phẩm này. Các khu vực duyên hải được mô tả một cách tường tận, nhưng các sự ghi chép về các hải phận sâu hơn thì mơ hồ. Trong thực tế, các quyển lịch sử địa phương Quảng Đông dường như chỉ lập lại các tài liệu ghi chép thời tiền nhà Thanh các tên gọi và vị trí của Paracels và Spratlys cùng các khoảng cách của chúng từ đất liền.36 Khi thảo luận về các tuyến đường biển được qua lại bởi các thuyền buồm và các thương thuyền Âu Châu, các tài liệu này quan tâm nhiều nhất đến việc ghi chú các địa điểm duyên hải có liên hệ với sự hải hành ven bờ biển. Các tài liệu này không có các sự thấu triệt đáng kể nào về các tuyến đường biển nước xanh và các sự tham chiếu của chúng đến các hòn đảo, vốn được xem là các nơi cực kỳ nguy hiểm cho các kẻ bạo gan lái thuyền tách xa khỏi bờ biển, thì mơ hồ. 37
Tuy nhiên, một sự phân tích một số nguồn tài liệu địa phương cho thấy một sự ý niệm hóa đáng chú y về các khu vực hàng hải. Quyển Hải Nam Địa Phương Chí năm 1841 phân chia “Nam Hải” khổng lồ thành một vòng đai biển duyên hải nơi các chiếc thuyền tham gia vào các hoạt đông liên hải cảng, một vành đai liền nhau của các hải phận nước cạn; một khu vực sâu hơn, được gọi là đại dương bên trong (inner ocean); và một đại dương vòng ngoài mênh mông, hay biển cả bao la. Sự phân chia này rõ ràng được làm ra để thông báo cho các thủy thủ về các tuyến đường lưu thông an toàn, và để tạo dễ dàng cho việc chuyển vận hàng hải và các hoạt động đánh cá. 38 Tổng kết, các nguồn tài liệu thời nhà Thanh tiêu biểu này đã mô tả Biển Nam Trung Hoa và các giới hạn của nó với sự rõ ràng tương đối, thường lập lại các tác phẩm trước đó. Tuy nhiên, chúng đã không thảo luận về các hòn đảo và các quần đảo của nó với bất kỳ chi tiết nào. Các tài liệu địa phương, mặt khác, đã phân chia biển thành cách vùng gần và xa bờ biển, nhắm hướng dẫn các thủy thủ về nơi lái thuyền và nơi không nên mạo hiểm. 39
Kiến Thức Hàng Hải Và Sự Kiểm Soát Chính Trị
Điều quan trọng cần ghi nhớ trong đầu rằng có một sự khác biệt đáng kể giữa việc có kiến thức địa dư về các khu vực hàng hải với việc kiểm soát và quản trị các tài nguyên và các đối tượng sinh sống tại các khu vực đó. Sau các cuộc du hành nổi tiếng thời nhà Minh và trong toàn thể thời nhà Thanh, các thẩm quyền trung ương và Quảng Đông đã có một số sự kiểm soát trên một khu vực hàng hải duyên hải tương đối hẹp cùng với các hòn đảo lân cận của nó tại “Nam Hải”, nhưng không ở các vùng nước xanh. Sau các chuyến du hành của Trịnh Hòa, một vài sự thay đổi quân sự, kinh tế và xã hội sau rốt đã khiến cho việc kinh doanh hàng hải Trung Hoa đi đến sự đình chỉ, khởi đầu cho sự chấm dứt sức mạnh hải quân của nó. 40 Trong thực tế, trong khi các chuyến du hành của Trịnh Hòa được xem là đỉnh tối cao của quyền lực của Trung Hoa trên các tuyến đường biển, 41 các cuộc du hành này cũng được xem như sự kết thúc lịch sử hải hành đại dương của Trung Hoa.
Trong thời nhà Minh, hai yếu tố có tính chất quan trọng để hiểu được chính sách biên cương duyên hải được thi hành bởi chính quyền, sau rốt đã không lưu ý đến lãnh vực hàng hải. Một yếu tố là các thương gia tư nhân Trung Hoa vẫn tiếp tục tham gia vào các hoạt động kinh tế bên ngoài khuôn khổ mậu dịch triều cống cổ truyền. Vào thời có các cuộc du hành của Trịnh Hòa, điều được tin tưởng là các thương thuyền tư nhân Trung Hoa đang sử dụng các tuyến đường mậu dịch của Biển Nam Trung Hoa, trong khi các nhà buôn Java, Mã Lai, Gujarati và Ả Rập cũng thường xuyên lái thuyền trên các tuyến đường mậu dịch phía bắc và tây nam. 42 Các yếu tố kia là các hoạt động thổ phỉ và nạn hải tặc, cả trong nội địa lẫn từ Nhật Bản (và trong thời nhà Thanh, cả từ Hòa Lan) tại các khu duyên hải của Trung Hoa. Hai yếu tố này, một phần của cùng vấn đề tổng quát của nạn buôn bán phi pháp, sau rốt đã buộc chính quyền phải thi hành các chính sách phòng thủ biên cương nghiêm ngặt dọc theo các bờ biển.
Ba loại kiểm soát biên cương hàng hải đã được thi hành thời sơ Minh: tăng cường các trạm quân sự, sự phối hợp các trạm này với các giới thẩm quyền dân sự, và sự thiết lập các toán hải quân biệt phái. Chính sách phòng thủ hàng hải này được nhắm chính yếu đến các hải tặc Wako Nhật Bản (Wokou 倭寇, Oa Khấu), các kẻ có các hoạt động hoành hành tất cả các bờ biển Biển Đông Hải (Eastern Sea) và Biển Nam Trung Hoa, ảnh hưởng cả đến Đảo Hải Nam. 43 Để đối phó với vấn đề này, chính quyền đã thi hành các biện pháp an ninh ((thoạt tiên, gồm cả các sự đe dọa các nhà cầm quyền Nhật Bản) bằng cách ra lệnh một sự cấm đoán mậu dịch đường biển tư nhân. 44
Trong thời trị vì của Hồng Vũ (1368-1398), chính quyền đã thiết lập cái được gọi là hệ thống weisuo 衛所 vệ sở, các đồn quân sự được trú đóng bởi một giới quân nhân cha truyền con nối, cho việc tuần tra các vùng duyên hải. Các thẩm quyền trung ương cũng thiết lập các đồn quân sự khác biệt (zhai 寨 trại) và các căn cứ hải quân (shuizhai: thủy trại 水寨). Trong thời sơ Minh, mười một quận quân sự tại Phúc Kiến và chín quyện quân sự tại Quảng Đông đã được thiết lập tại các khu vực duyên hải, trong khi ba vòng đai quân sự cho cả Phúc Kiến và Quảng Đông cũng được thiết lập. Chính quyền chính vì thế đã cố gắng tổ chức sự phòng thủ duyên hải dọc theo vành đai trải dài từ phía bắc của Eo Biển Đài Loan đến đảo Hải Nam. 45 Từ thập niên 1420, tình trạng của hệ thống vệ sở (weisuo) bắt đầu suy sụp và đã phải tái sắp xếp vào giữa thời nhà Minh để đối phó một cách hữu hiệu với các cuộc tấn công liên tục của Wako (oa khấu). Chính quyền đã đưa ra một vài sự thay đổi, kể cả việc xóa bỏ chính sách gửi các binh sĩ đi phục vụ tại các đồn điền (tuntian 屯田) trong khi tại ngũ. 46
Lần đầu tiên chính quyền thi hành một sự ngăn cấm hàng hải là vào năm 1374, khi ra lệnh đóng cửa Cơ Quan Quản Trị Hải Vận (shibosi 市舶司:Thị Bách Ty) ở Ningpo (Ninh Ba), Chaozhou (Triều Châu) và Quảng Châu. 47 Nhà Minh cấm đánh cá tại các duyên hải, 48 giới hạn các sự kinh doanh chuyển vận hàng hải, thiết lập một hệ thống bảo vệ hàng hải và giám sát hải quân, 49 và ra lệnh di tản các dân chúng địa phương khỏi các vùng đất duyên hải và các hòn đảo (qian hai遷海 thiên hải). 50
Quyết định di tản các dân chúng này, một chính sách phần lớn được tiếp tục trong thời nhà Thanh để ngăn chặn ảnh hưởng của Koxinga (Quốc Tính Gia) (Zheng Chenggong: Trịnh Thành Công) từ Đài Loan, đã có các hiệu ứng tàn phá trên dân chúng duyên hải và trong thực tế đã là một trong các yếu tố chính góp phần vào sự xuất cảnh của người Trung Hoa xuống Nanyang. 51 Lệnh cấm hàng hải này về sau được bổ túc bởi vài sự ngăn cấm khác trong các năm 1381, 1384, 1390, 1394 và 1397. 52 Giữa thời nhà Minh, các lệnh ngăn cấm mới có hiệu lực trong các năm 1524 và 1533. Các lệnh cấm này chỉ được gỡ bỏ một phần trong năm 1567 cho Phúc Kiến, như một sự đền bù cho dân chúng của tỉnh đó về việc trợ lực chống lại nạn hải tặc, giữ Yuegang (Nguyệt cảng 月港) thành một hải cảng mở ngỏ. 53
Một lệnh cấm mới được tuyên bố trong năm 1656, không lâu sau khi các nhà cai trị Mãn Châu nắm giữ quyền hành. Chính sách này sau cùng đã phản tác dụng và biến nhiều người dân thành thổ phỉ (ngay cả trở thành thổ phỉ – nông dân theo mùa), các kẻ buôn lậu và các hải tặc, và một lần nữa thôi thúc sự xuất cảnh sang Nanyang, một chiều hướng đã sẵn được thiết lập vững chắc vào giữa thời nhà Minh. 54 Tuy nhiên, lệnh cấm này và các lệnh tiếp theo không có nghĩa, như tác giả Wang Gungwu đã vạch ra, rằng hoạt động mậu dịch thành ra bất khả thi, mà đúng hơn, biến nó thành “bất hợp pháp, bí mật, và phần lớn không được ghi chép lại”. 55
Trong thời sơ Thanh, mậu dịch bất hợp pháp, nạn hải tặc, và các cuộc xâm nhập bạo động giữa thế kỷ thứ mười sáu của các người Âu Châu vào các khu vực duyên hải của Trung Hoa, tất cả đã dẫn chính quyền trung ương đi theo một chính sách phòng thủ hàng hải tương tự như chính sách được theo đuổi bởi triều đại trước. Hai mươi mốt đồn quân sự duyên hải đã được thiết lập tại Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, và Quảng Đông, và ở những nơi khác, cũng như các nơi đóng quân thứ yếu trên bờ biển, kể cả ở Chongming 崇明 Sùng Minh, Dinghai 定海 Định Hải, Jinmen: Kim Môn 金門, Haitan海壇 Hải Đàn, Qiongzhou 瓊州 Quỳnh Châu và Nam Áo, tất cả đều nhắm vào việc trấn áp nạn hải tặc hoành hành tại Đông Hải và Biển Nam Trung Hoa. 56 Tại Quảng Đông, từ lúc bắt đầu triều đại, chính quyền đã thiết lập các vòng cung tuần sát biên cương hàng hải và một lực lượng hàng hải phụ trách việc giám sát một tổng số năm nơi đóng quân để tuần tra Biển Nam Hải (Southern Sea), 57 dù thế, với nhiều xác xuất nhất, các vành đai như thế đã không vươn tới các đảo san hô.
Về lệnh cấm hàng hải, từ năm thứ mười ba thời Thuận Trị, Shunzhi 順治 (1656) đến khi thu hồi đảo Formosa trong năm thứ hai mươi ba thời Khang Hi (1684), các sự kinh doanh thương thuyền tư nhân và vận tải người bằng đường biển bị cấm đoán từ Sơn Đông, Shandong 山東 đến Quảng Đông. 58 Tuy nhiên, chính sách bế quan tái tục này đã có hiệu ứng ngược với nhữ ng gì đã xảy ra trước đó: nó cổ vũ các sự di chuyển ra hải ngoại các hàng hóa và dân Trung Hoa băng ngang Biển Nam Trung Hoa. 59 Sau một thời kỳ nới lỏng, lệnh cấm hàng hải một lần nữa được áp đặt trong năm 1717, đặc biệt đối với tất cả các hoạt động mậu dịch với Nanyang. 60
Các chính sách của nhà Minh về việc di chuyển dân chúng từ duyên hải vào các vùng đất nội địa cũng được tiếp tục trong thời nhà Thanh. Sau khi chính quyền bàn hành chỉ dụ cấm đoán mới đối với các hoạt động hàng hải tư nhân trong năm 1656, các bộ phận đông đảo trong dân chúng duyên hải đã di chuyển vào nội địa hay đến các tỉnh khác. Theo các quy định năm 1661 áp dụng cho các tỉnh Hà Bắc, Hebei 河北, Sơn Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông, dân chúng sinh sống tại các khu vực duyên hải đã phải di chuyển sâu vào trong nội địa từ 30 đến 50 lí (li: dậm), chính vì thế tạo ra một vùng trái