Căn cứ Du Lâm và biển Đông trong chiến lược hạt nhân của Trung Quốc
Tàu ngầm Type 094 (lớp Tấn) tại căn cứ hải quân Du Lâm của Trung Quốc. Đằng sau là cửa thông vào cảng ngầm trong núi Phạm Ngọc Hưng Cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở biển Đông ngày càng như không phải chỉ là chuyện dầu khí, mà càng mang dáng vẻ “Pháo ...
Phạm Ngọc Hưng
Cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở biển Đông ngày càng như không phải chỉ là chuyện dầu khí, mà càng mang dáng vẻ “Pháo đài biển Okhotsk” của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh và Nga ngày nay.
Trong thế cài Liên Xô-Mỹ hồi đó, tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân là lá bài tối quan trọng, bảo đảm răn đe hạt nhân bằng đòn trả đũa. Để quân bài này phát huy hiệu quả thì phải giấu không cho đối thủ biết.
Trong giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm Liên Xô còn chạy lòng vòng sang tận Cuba mà không bị phát hiện. Nhưng khi Hải quân Mỹ và NATO triển khai các hệ thống theo dõi, thì tàu ngầm Liên Xô hễ xuất bến là bị đeo bám. Không thể đưa tàu ngầm tuần tiễu đại dương được, nên Hải quân Liên Xô đành quay về chiến lược pháo đài: ở Thái Bình Dương thì quây lấy biển Okhotsk: tập trung mọi nguồn lực giữ cho vùng biển này “sạch”, rồi thả cho tàu ngầm hạt nhân chạy lòng vòng trong đó.
Tàu ngầm hạt nhân dĩ nhiên cũng quan trọng với Trung Quốc. Chuyện quan trọng nữa là phải tính chuyện đặt căn cứ và đường đi đảm bảo cho lực lượng này hoạt động bí mật.
Vì biển Hoa Đông cạn, mà Nhật có nhiều phương tiện chống ngầm án ngữ nên Trung Quốc mới đưa căn cứ tàu ngầm chiến lược xuống căn cứ Du Lâm, nằm trong vịnh Á Long, cực Nam của đảo Hải Nam (có thể search được trên Google Earth bằng từ khóa Yalong, Sanya Hainan).
Căn cứ này gồm 2 cầu cảng dài và 4 cầu cảng ngắn (ảnh 2008 chỉ mới có 3 cái), có đủ chỗ cho cả một cụm tàu sân bay và một lữ đoàn tàu đổ bộ. Phía góc dưới ảnh có một cửa mở cho tàu ngầm đi vào cầu cảng ngầm bên trong núi; phía sau núi có cửa mở cho xe vận tải vào ra cảng ngầm. Kích thước cửa mở khiến các chuyên gia ước tính bên trong có tới 20 chỗ đậu cho tàu ngầm.
Kiến trúc ngầm trong núi của cảng vừa che mắt được vệ tinh quân sự của Mỹ, vừa bảo đảm cung ứng và phòng vệ cho lực lượng tàu ngầm chiến lược trước đe doạ các loại tên lửa tầm xa.
Không những xây ngầm, mà vị trí của cảng cũng được tính toán để tàu ngầm tốn ít thời gian nhất để ra tới vùng nước sâu của biển Đông.
Từ biển Đông, điều dễ thấy là đường ra Thái Bình Dương không dễ dàng, vì hoặc phải qua nút cổ chai ở hai đoạn Bắc và Nam đảo Đài Loan, hoặc phải đi qua biển Sulu-Celebes thông qua các luồng hẹp giữa các đảo Philippines-Malaysia-Indonesia, là những vị trí xung yếu mà Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ kiểm soát và dễ dàng bố trí đeo bám.
Tuy nhiên, nếu độc chiếm được biển Đông, triển khai rào chắn giữ cho biển Đông “sạch” như pháo đài Okhotsk, thì biển Đông cũng đủ rộng và sâu cho tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc hoạt động an toàn, nhắc nhở Mỹ rằng ngón trả đòn hạt nhân của Trung Quốc là không thể coi thường.
Về phía Việt Nam, nếu nhìn nhận Biển Đông với bằng góc nhìn của Trung Quốc, thì việc mua tàu ngầm Kilo về không chắc là ngón phản đòn sắc bén, vì chúng khó có thể đe doạ được những chiếc tàu ngầm chiến lược ở vùng nước sâu.
Ngón phản đòn hiệu quả nhất là các hệ thống giám sát thường xuyên, đâc biệt là hàng rào sonar mảng cố định dưới đáy biển. Công nghệ giám sát này tuy đắt và phụ thuộc Mỹ – Nhật, nhưng chỉ cần tung tin “muốn làm” ra thôi thì Trung Quốc chắc cũng đã giãy lên như đỉa phải vôi.
Nguồn: Từ FB của Phạm Ngọc Hưng