Cách làm bánh phu thê ( xu xê) tưng bừng ngày cưới
Bánh là món ăn quen thuộc trong đời sống nhân dân Việt Nam mình. Về cơ bản bánh được chế biến từ những lương thực, hạt nông sản, chất màu, chất thơm và thêm sự hỗ trợ từ bột nở. Bánh là món ăn gọn nhẹ, dễ sử dụng và thuận tiện. Trong bài trước mình đã chia sẻ với các bạn Cách làm bánh khúc ...
Bánh là món ăn quen thuộc trong đời sống nhân dân Việt Nam mình. Về cơ bản bánh được chế biến từ những lương thực, hạt nông sản, chất màu, chất thơm và thêm sự hỗ trợ từ bột nở. Bánh là món ăn gọn nhẹ, dễ sử dụng và thuận tiện. Trong bài trước mình đã chia sẻ với các bạn Cách làm bánh khúc chuẩn ngon, hôm nay cùng mình chia sẻ nhé!
Bánh phu thê, hay còn có nhiều tên gọi khác là xu xuê, xu xê, su sê là một trong các loại bánh truyền thống của dân tộc, mang màu sắc đặc trưng của xứ quan họ – Bắc Ninh. Chuyện kể rằng khi vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là bánh phu thê. Nhiều nơi quan niệm rằng, sử dụng bánh phu thê trong đám cưới sẽ mang lại nhiều hạnh phúc, thủy chung và sắt son cho các cặp vợ chồng. Bánh phu thê được sử dụng nhiều trong các ngày lễ ăn hỏi, đám cưới hay các hỷ tiệc khác.
Nguyên liệu làm bánh phu thê:
Nguyên liệu làm nhân bánh
- Đậu xanh ( đã tróc vỏ): 500 gr.
- Đường kính trắng: 300 gr.
- Nước hoa bưởi ( không quá bắt buộc).
Nguyên liệu làm bột bánh
- Bột năng: 500 gr.
- Đường kính trắng: 300 gr.
- Nước: 0,9 lít
- Cùi dừa nạo sợi: 300 gr.
Thông thường: “ Cứ 10 kg gạo nếp lọc được 4 kg bột bánh, họ hoà thứ quả dành dành, đem lọc lấy thứ nước màu vàng óng, thêm nước hoa bưởi được chưng cất cùng sợi đu đủ nạo đã ngâm phèn, rửa sạch, vắt kiệt, cứ 600 gam đu đủ cộng 1kg bột đem trộn với đường kính, nhào luyện cho thật dẻo quánh để làm vỏ bánh… Xu xê Ðình Bảng được gói bằng lá dong và luộc chín trong vòng 40 phút, luộc xong để cách một ngày ăn mới thật ngon”.
Bước 1: Làm nhân bánh phu thê
- Đậu xanh ngâm khoảng 3-4 tiếng ( ngâm qua đêm cũng được).
- Vo sạch đậu, cho vào nồi, đổ nước sấp mặt đậu, nấu nhỏ lửa cho đến khi nước cạn, đậu chín như nấu cơm.
- Trong quá trình nấu, nhắm để thêm nước sao cho đậu chín xong phải ở dạng ướt mềm chứ không khô hột. ( Nếu bạn dùng nồi cơm điện để nấu, cho nước nhiều hơn gạo một chút rồi nấu thử).
- Đậu chín xong xới ra, để nguội bớt, dùng chày cối quết nhuyễn hoặc cho vào máy xay cắt có dao hình chữ S, tán nhuyễn đậu.
- Cho đậu đã tán mịn với đường vào một nồi vừa, trộn đều.
- Bắc lên bếp. Đun nhỏ lửa.
- Trong quá trình đun, dùng đũa đảo đều tay cho đến khi đậu quánh lại, sờ không dính tay là được.
Lưu ý: Đun nhỏ lửa để tránh đậu bị cháy. Khi đậu đã được, nếu thích cho vào vài giọt nước hoa bưởi, đảo đều để dậy mùi thơm đặc trưng.
Bước 2: Bột bánh
- Trần dừa nạo vào nước sôi rồi đổ ra ngay qua một cái rây để ráo ( giúp cho bánh để được lâu hơn).
- Cho 0,9 – 1 lít nước sôi với 2 muỗng cà phê muối vào nồi.
- Hoà tan bột năng với nước, rây qua.
- Cho đường vào, đánh tan đường.
- Cho dừa vào bắc lên bếp, để nhỏ lửa.
- Khuấy đều tay cho đến khi bột nửa sống nửa chín nhưng phải ở dạng sệt chứ không đặc. ( Cách khuấy bột để bột nửa sống nửa chín gọi là dáo bột, khi bột dáo được thì hỗn hợp bột sệt lại ở mức độ có thể đổ chảy được chứ không phải đặc và hỗn hợp có hình thức chỗ trong chỗ đục).
- Gia giảm đường cho vị bánh ngọt nhẹ, tùy thích gia giảm trong khoảng 100 – 150gr.
Bước 3: Làm bánh phu thê
- Chuẩn bị xửng hấp nhiều nước.
- Dùng một khuôn nhựa lớn, loại có nhiều ngăn nhỏ ( Ví dụ như loại để làm nước đá, hoặc nhiều khuôn nhựa, kim loại nhỏ cỡ chừng cái ly uống rượu nhỏ nhỏ cũng được).
- Quét vào lòng khuôn một lớp mỏng dầu ăn, đổ vào mỗi ngăn nhỏ một lớp bột dày chừng 1cm tùy ngăn to nhỏ.
- Cho vào trên lớp bột 1 -2 muỗng cà phê nhân đậu. Đổ lên trên nhân một lớp bột nữa dày 1cm, lắc nhẹ khuôn cho bột bằng mặt.
- Làm đến khi hết nguyên liệu.
- Sau đó, mang bánh đi hấp cách thủy khoảng 20 phút sau khi nước sôi là bánh chín.
- Để nguội lóc bánh ra. Bánh chín sẽ đông đặc lại và trở trong đều.
- Dùng khuôn chữ nhật bằng nhôm cỡ 30×20 cm, có thành cao chừng 2 hoặc 3cm (hoặc tùy ý dùng một cái khay kim loại tương tự có thành cao) láng dầu vào lòng khuôn và đổ bánh với lớp đậu giữa hai lớp bột như trên.
- Sau khi bánh hấp xong và nguội hẳn, dùng dao mỏng bén, lau một lớp dầu mỏng vào luỡi dao cho dễ cắt, cắt bánh thành miếng cỡ 4×4 cm.
- Dùng một khuôn kim loại tròn đường kính chừng 20cm, cao chừng 3cm để đổ nguyên một cái bánh lớn.
- Dùng dầu láng vào khuôn là chỉ để bánh dễ lóc ra. Nếu thích, cứ đổ thử mà không cần láng dầu, sau khi nguội thấy bánh lóc ra dễ dàng thì không cần dùng dầu để bánh khỏi bị dây mùi dầu hoặc dùng khuôn, khay loại không dính thì cũng không cần láng dầu hoặc dùng khay khuôn bằng thủy tinh.
- Dùng giấy bóng kiếng trắng gói bánh lại, dán dính và tùy ý dùng ruy-băng màu cột thắt ngang dọc để trang trí.
Yêu cầu cảm quan:
- Bánh màu vàng nhạt hoặc xanh nhạt.
- Bánh trong suốt, có thể nhìn thấy nhân.
- Bánh mềm, hương vị hòa quyện, mùi thơm đặc trưng.
- Hình thức đẹp, không chảy xệ.
Để nói về bánh phu thê, Thạch Lam từng viết trong Hà Nội Băm Sáu Phố Phường: “Bánh xu xê. Cái tên kỳ khôi này ở đâu mà ra? Thứ bột vàng và trong như hổ phách ấy, dẻo và quánh dưới hàm răng, là một thứ bánh rất ngon. Dù sao, cũng là một thứ bột thẳng thắn, vì nó dễ cho ta đoán trước để mà thèm thuồng những cái ngon ngọt hơn ẩn náu bên trong. Qua cái màu vàng óng ánh ấy, màu trắng của sợi dừa và màu vàng nhạt của đậu thêm một sắc nóng ấm và thân mật. Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm…”
Xem thêm:
Cách làm bánh giày nhân đậu xanh dẻo thơm khó cưỡng
Cách làm bánh bèo đậm chất Huế
Cách làm món hến xúc bánh tráng lạ miệng