Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 19
Nhưng làng biết rồi chớ được ngón tay còn hai đốt cũng bắn súng được mày có đi qua chỗ rừng xà nu gần con nước lớn không nó vẫn sống đấy không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta cây mẹ ngã cây con mọc lên đố nó giết hết rừng xà nu này kìa ăn đi chớ gạo người Strá mình làm ra ngon nhất rừng núi ...
Nhưng làng biết rồi chớ được ngón tay còn hai đốt cũng bắn súng được mày có đi qua chỗ rừng xà nu gần con nước lớn không nó vẫn sống đấy không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta cây mẹ ngã cây con mọc lên đố nó giết hết rừng xà nu này kìa ăn đi chớ gạo người Strá mình làm ra ngon nhất rừng núi này đấy con ạ.
Câu 1.
Hãy điền dấu câu cho hai đoạn văn sau:
a) Ở Nguyễn Tuân ý thức cá nhân phát triển rất cao ông viết văn trước hết để khẳng định cá tính độc đáo của mình ông ham du lịch tự gán cho mình một chứng bệnh gọi là chủ nghĩa xê dịch lối sống tự do phóng túng của ông không phù hợp vói chế độ thuộc địa tuy ông không hoạt động cách mạng mà vẫn hai lần bị tù.
b)
Câu 2.
Mùa đông 2013. Tuyết rơi trắng rừng Sa Pa, Mẫu Sơn...
Từ những câu mở đầu trên, anh (chị) hãy viết tiếp để hoàn thiện một bài nghị luận (khoảng 600 từ).
Câu 3.
Cảm nhận của anh (chị) về chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
Hướng dẫn làm bài
Câu 1.
a) Đây là một đoạn văn trần thuật. Các câu chỉ dùng dấu chấm (.), dấu phẩy (,), ngay sau dấu chấm phải viết hoa. Có thể điền dấu câu như sau:
Ở Nguyễn Tuân, ý thức cá nhăn phát triển rất cao. Ông viết văn trước hết để khẳng định cá tính độc đáo của mình, ông ham du lịch, tự gán cho mình một chứng bệnh gọi là “chủ nghĩa xê dịch”. Lối sống tự do, phóng túng của ông không phù hợp với chế độ thuộc địa. Tuy ông không hoạt động cách mạng nhưng vẫn hai lần bị tù.
b) Đây là lời cụ Mết trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Lời của nhân vật có nhiều sắc thái, tương ứng với điều đó là những kiểu câu khác nhau, yêu cầu điền dấu câu phải phù hợp. Có thể điền dấu câu như sau:
- Nhưng làng biết rồi chớ?... Được! Ngón tay còn hai đốt cũng bắn súng được. Mày có đi qua chỗ rừng xà nu gần con nước lớn không? Nó vẫn sống đấy. Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!... Kìa, ăn đi chớ! Gạo người Strá mình làm ra ngon nhất rừng núi này đấy, con ạ...
Câu 2.
Phải dùng câu nêu ở đề bài để mở đầu cho bài viết. Tuy nhiên, cần nhận thức được rằng, đây là một bài nghị luận xã hội chứ không phải là bài văn tả cảnh thiên nhiên. Định hướng này tối cần thiết để tránh tình trạng lạc đề.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Tuyết, một hiện tượng kì diệu của thiên nhiên, tạo nên vẻ đẹp hiếm có ở nước ta. Chỉ những vùng cao như Sa Pa, Mẫu Sơn mới có tuyết. Nhìn những bông tuyết rơi phủ trắng lá cành, ta ngỡ như lạc vào một xứ sở nào đó của châu Âu xa xôi. Cảnh đẹp lạ lùng ấy thu hút du khách từ những miền khác nhau của đất nước. Người ta ùa về vùng cao, say sưa chụp ảnh, quay phim, lưu lại những khoảnh khắc hiếm hoi được chứng kiến. Tận hưởng cái đẹp ấy của thiên nhiên cũng là nhu cầu chính đáng của mọi người.
- Nhung tuyết ở Việt Nam phải chăng là hiện tượng bất thường của thời tiết? Việt Nam là một nước khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa hè nóng nực, mùa đông rét mướt, nhất là ở các tỉnh biên giới phía bắc. Tuy nhiên, rét đến mức tuyết rơi như một vài năm gần đây vẫn là hiện tượng khác lạ. Vậy thì, cái đẹp của tuyết đồng thời cũng cất lên lời cảnh báo đối với con người: khí hậu đã biến đổi đến mức đáng sợ. Đằng sau cái đẹp ấy có thể là những trận bão tố khủng khiếp, những trận lũ lụt kinh hoàng, những trận hạn hán dai dẳng. Các nhà khoa học đã dự báo: Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hượng nghiêm trọng nhất từ sự nóng lên của địa cầu. Nguyên nhân sâu xa của những hiện tượng ấy chính là sự tàn phá của con người. Vì thế, những người biết lo âu và có trách nhiệm không thể không nghĩ tới những phương cách để cứu trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại.
Tận hưởng những vẻ đẹp lạ lùng của cảnh tuyết rơi, mấy ai biết rằng, cái thời tiết khắc nghiệt 0°c là sự thách thức ghê gớm đối với cuộc sống của con người vùng cao.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu thốn, đồng bào các dân tộc miền núi phía bắc vô cùng khốn khổ trước những đợt giá rét của mùa đông. Thật khó mà cầm được nỗi xúc động khi chứng kiến những em bé quần áo phong phanh, da thịt tím tái, chân đất đến trường giữa những trận gió hun hút. Thật khó mà bình tâm trước cảnh trâu bò của đồng bào - tài sản lớn nhất của mỗi gia đình - chết đồng loạt bởi những trận rét kéo dài. Với những người có hoàn cảnh như vậy, tuyết rơi thực sự là dấu hiệu của tai hoạ.
Câu 3.
Để giải quyết được câu hỏi này, trước hết cần nắm vững đặc trưng của thơ và truyện, sự giao thoa giữa các thể loại, hiểu được thế nào là chất thơ trong tác phẩm truyện. Từ đó, soi vào truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam để thấy sự biểu hiện của chất thơ, một kiểu chất thơ rất riêng toát ra từ mọi phương diện của tác phẩm.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Thơ và truyện là những thể loại có đặc trưng khác nhau, một bên được sáng tạo bằng phương thức trữ tình, một bên bằng phương thức tự sự. Mỗi thể loại có những đặc trưng riêng về thi pháp. Tuy nhiên trong thực tế sáng tác, giữa thơ và truyện ít nhiều vẫn có sự giao thoa. Có những bài thơ mang đậm chất tự sự cũng như có những tác phẩm truyện đậm chất thơ.
- Tìm hiểu Thạch Lam, nhiều ý kiến nhất trí khẳng định rằng, tác phẩm của ông rất giàu chất trữ tình. Đỗ Đức Hiếu nhận xét: “Thạch Lam là nhà thơ của làng quê nghèo, phố huyên nghèo, cô gái quê nghèo”. Phần Tiểu dẫn bài Hai đứa trẻ trong sách Ngữ văn 11, tập một, tr. 94 viết: “Mỗi truyện của Thạch Lam như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm mến yêu, chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người”. Những ý kiến trên đã chỉ ra một đặc điểm hết sức nổi bật trong sáng tác của Thạch Lam.
- Một trong những yếu tố quan trọng trong nghệ thuật truyện ngắn là xây dựng nhân vật. Miêu tả nhân vật, Thạch Lam ít chú ý đến ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, mà đặc biệt quan tâm vấn đề đời sống tâm hồn con người. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy truyện Thạch Lam rất gần với thơ. Bởi thơ bao giờ cũng là tiếng nói tâm tình của tác giả trước thực tại đời sống. Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, ta không thấy tác giả giãi bày trực tiếp nỗi lòng mình mà chỉ khắc hoạ những diễn biến tinh vi trong tâm trạng nhân vật Liên trước thiên nhiên, trước những cảnh đời, những kiếp người. Như vậy là Thạch Lam cảm nhận cuộc sống qua tâm trạng tinh tế, giàu cảm xúc của một thiếu nữ ở tuổi mới lớn. Đó cũng là một cách để tác giả thể hiện những rung động của tâm hồn mình.
- Chất thơ của Hai đứa trẻ còn toát lên từ tình người được miêu tả trong tác phẩm. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn này chỉ là những người khổ nghèo, lam lũ, mỏi mòn trong sự kiếm sống chật vật, khó khăn. Nhưng sự khốn khó về áo cơm không làm mất đi tình người trong sáng, cảm động của họ. Dù Thạch Lam không tập trung miêu tả nhiều về các mối quan hệ, thậm chí chỉ qua một vài câu trao đổi rời rạc, ta vẫn thấy toát lên sự thương cảm, hiểu biết lẫn nhau giữa những con người cùng cảnh ngộ. Đối thoại trong truyện Hai đứa trẻ ngắn gọn, ít thông tin sự việc, nhưng đầy ắp tình cảm. Vì thế đọc Hai đứa trẻ, ta vẫn cảm thấy có cái gì đó thật ấm áp, thân tình, dù bức tranh cuộc sống trong đó có phần tiêu sơ, tù túng.
- Trong nghệ thuật truyện ngắn, cốt truyện là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm. Thế nhưng, Thạch Lam không mấy quan tâm đến vấn đề này. Cốt truyện của Hai đứa trẻ rất đơn giản, có thể tóm lược trong vài dòng ngắn gọn. Liên và An là hai chị em trong một gia đình trước đây từng sống ở Hà Nội, nhưng từ khi bố mất việc, cả nhà phải dọn về một phố huyện nghèo. Hai chị em được mẹ giao trông coi một cửa hàng tạp hoá nhỏ xíu. Cuộc đời hai chị em cứ thế trôi đi trong âm thầm, lặng lẽ. Trước mắt họ là những kiếp người lam lũ, khổ nghèo, phôi pha, tàn tạ; sống lầm lũi trong bóng tối, chẳng biết hi vọng gì ở ngày mai. Chỉ có chị em Liên bao giờ cũng cố thức để chờ đợi chuyến tàu cuối ngày chạy qua phố huyện rồi mới đóng cửa hàng đi ngủ. Cốt truyện có dáng dấp một tứ thơ, gợi lên trong tâm hồn người đọc những cảm xúc, những liên tưởng sâu xa. Tương ứng với điều đó, mỗi hình ảnh xuất hiện đều như một biểu tượng đầy ý nghĩa. Bức tranh thiên nhiên trong buổi chiều tà cũng như bầu trời đêm mùa hạ “êm như nhung và thoảng qua gió mát”, đẹp như hình ảnh trong một bài thơ trữ tình. Thậm chí, cả cái mùi âm ẩm của đất cát quê hương vẫn làm con người cảm thấy nao lòng vì sự gần gũi, thân thuộc, mến thương miền quê khổ nghèo mà mình hằng gắn bó.
- Góp phần làm nên chất thơ của truyện Hai đứa trẻ phải kể đến hình thức ngôn ngữ mà tác giả sử dụng. Đó là một thứ ngôn ngữ hết sức trong sáng, giản dị, không cầu kì khó hiểu. Có cảm giác như mỗi từ, mỗi câu đều được lọc qua cái gu thẩm mĩ tinh tế của nhà văn. Tiết tấu của truyện thong thả, chầm chậm, không có nhịp mạnh, không có sự hối thúc vội vã. Điều đó được thể hiện bằng những câu văn uyển chuyển, nhịp nhàng:
+ Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều.
+ Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào.
- Tóm lại, Hai đứa trẻ là truyện ngắn đầy chất thơ, một thứ chất thơ đượm buồn. Cái buồn thấm sâu vào mọi hình ảnh thiên nhiên, thấm vào mọi cảnh đời, mọi số phận. Cái buồn len lỏi vào mọi ngóc ngách trong tâm trạng con người. Nhưng dù sao đó vẫn là nỗi buồn đẹp, dịu nhẹ, không hề gây cảm xúc bi luỵ, không nhấn chìm con người trong sự chán nản, tuyệt vọng. Nỗi buồn ấy có khả năng thanh lọc tâm hồn, giúp con người sống tinh tế và sâu sắc hơn, biết cảm thông, chia sẻ với những kiếp đời mỏi mòn trong khổ nghèo, tăm tối. Đặc biệt, Thạch Lam không hề đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Niềm tin ấy được tác giả gửi gắm vào những ước vọng mơ hồ nhưng không kém phần lãng mạn của nhân vật chính trong tác phẩm.