Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 25
Câu 1. Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới: Như vậy, từ năm 1975 và nhất là từ năm 1986, văn học Việt Nam từng bước chuyển sang giai đoạn mời. Có thể xem từ năm 1975 đến năm 1985 là chặng đường văn học chuyển tiếp, trăn trở, tìm kiếm con đường đổi ...
Câu 1.
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:
Như vậy, từ năm 1975 và nhất là từ năm 1986, văn học Việt Nam từng bước chuyển sang giai đoạn mời. Có thể xem từ năm 1975 đến năm 1985 là chặng đường văn học chuyển tiếp, trăn trở, tìm kiếm con đường đổi mới. Còn từ năm 1986 trở đi là chặng đường văn học đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và khá toàn diện. Nhìn chung, văn học Việt Nam từ năm 19-75 đến hết thế kỉ XX đã vận động theo khuynh hướng dân chủ hoá, mang tính chất nhân bản, nhân văn sâu sắc. Văn học phát triển đa dạng hơn về đề tài, chủ đề; phong phú và mới mẻ hơn về thủ pháp nghệ thuật. Văn học giai đoạn này đã đề cao cá tính sáng tạo của nhà văn, đổi mới cách nhìn nhận, cách tiếp cận con người và hiện thực đời sống, đã khám phá con người trong những mối quan hệ đa dạng và phức tạp, thể hiện con người ở nhiều phương diện của đời sống, kể cả đời sống tâm linh. Cái. mới của văn học giai đoạn này là tính chất hướng nội, quan tâm nhiều hơn tới số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường.
(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 16 - 17)
1. Đoạn văn trên tập trung bàn về vấn đề gì?
2. Theo những gì được trình bày trong đoạn văn, hãy xác định năm được xem là mốc thời gian quan trọng nhất của văn học Việt Nam từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX. Tại sao người ta lại chọn mốc thời gian đó?
3. Sự “đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và khá toàn diện” của văn học từ năm 1986 trở đi đã được tác giả đoạn văn chứng minh như thế nào?
4. Hãy kể tên các truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, bút kí, tuỳ bút, kịch được học và được đọc thêm trong chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông thuộc phạm vi bao quát của đoạn văn trên.
5. Nêu tên một tác phẩm đã được học (thuộc một trong các thể loại đã kể trên) có thể dẫn ra để minh hoạ cho luận điểm: văn học “đã khám phá con người trong những mối quan hệ đa dạng và phức tạp, thể hiện con người ở nhiều phương diện của đời sống, kể cả đời sống tâm linh”. Trình bày ngắn gọn lí do lựa chọn của anh (chị).
Câu 2.
Hai nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư và Lê Thiếu Nhơn có in chung một tập tản văn nhan đề là sống chậm thời
Viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về nhan đề tập sách nói trên.
Câu 3.
Chất lãng mạn và chất bi tráng là những yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự mêhoặc lạ lùng của bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng).
Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Hướng dẫn làm bài
Câu 1.
1. Đoạn văn tập trung bàn về đặc điểm phát triển của văn học Việt Nam từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX.
2. Năm được xem là mốc thời gian quan trọng nhất của văn học Việt Nam từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX là năm 1986. Đây là năm diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI - một đại hội đã tạo ra bước ngoặt phát triển của đất nước, tạo những điều kiện thuận lợi cho văn học thực sự khởi sắc.
3. Tác giả đoạn văn đã chứng minh sự “đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và khá toàn diện” của văn học từ năm 1986 trở đi bằng các luận cứ: đề tài, chủ đề đa dạng hơn; thủ pháp nghệ thuật phong phú và mói mẻ hơn; cách tiếp cận con người và hiện thực đi vào bề sâu, cho phép nhà văn hiểu từng số phận cá nhân, nhìn thấy con người ở nhiều phương diện của đời sống...
4. Các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, bút kí, kịch thuộc phạm vi bao quát của đoạn văn trên: Chiếc thuyền ngoài xa; Một người Hà Nội; Mùa lá rụng trong vườn; Đàn ghi ta của Lor-ca, Đò Lèn; Ai đã đặt tên cho dòng sông?; Hồn Trương Ba, da hàng thịt.
5. Có thể nêu tên một trong các tác phẩm sau để minh hoạ cho luận điểm: văn học “đã khám phá con người trong những mối quan hệ đa dạng và phức tạp, thể hiện con người ở nhiều phương diện của đời sống, kể cả đời sống tâm linh”: Chiếc thuyền ngoài xa; Một người Hà Nội; Đàn ghi ta của Lor-ca; Đò Lèn; Hồn Trương Ba, da hảng thụ. Nếu chọn Chiếc thuyền ngoài xa, có thể nêu lí do: tác phẩm đã cho thấy được cái phức tạp của cuộc đời vượt ngoài mọi sự hình dung; nhân vật người đàn bà làng chài là một con người khá đa diện, làm cho hai nhân vật Phùng và Đẩu đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác...
Câu 2.
Câu hỏi không bắt buộc phải nói về các tác giả Nguyễn Ngọc Tư, Lê Thiếu Nhơn cũng như đưa ra những thông tin về nội dung của cuốn sách sống chậm thời Điều đáng quan tâm ở đây là tên cuốn sách với khả năng khơi dậy những ý nghĩ tức thì của nó. Người làm bài cần trả lời được các câu hỏi: Thời @ có những đặc trưng gì? Sống chậm là sống như thế nào? Vì sao cần phải sống chậm trong thời này?
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Thời đại hiện nay có thật nhiều tên gọi: thời đại toàn cầu hoá, thời đại internet, thời đại của nền kinh tế tri thức... Trong những tên ấy, có một cái tên rất ấn tượng: thời @. Kí tự @ từng xuất hiện cách đây rất lâu, nhưng đến nay mới được dùng phổ biến, trước hết là trong các địa chỉ e-mail. Dần dần, nó trở thành dấu hiệu đặc trưng của công nghệ thông tin cũng như của thời hiện đại.
- Thời @ là thời của bùng nổ thông tin, thời của tốc độ, thời của những cuộc cạnh tranh gay gắt. Đó củng là thời chứng kiến những bứt phá táo bạo, hoặc của cá nhân hoặc của các quốc gia, dân tộc. Cuộc sống trẻ trung hơn, sôi động hon với những đòi hỏi ngày càng cao, do vậy, áp lực của nó lên mọi thành viên trong xã hội là rất lớn. Đã có nhiều người đuối sức trong các cuộc đua khó tránh khỏi. Không ít người rơi vào trạng thái stress triền miên. Rõ ràng, sống trong thời @ không dễ dàng gì, ngay cả đối với lớp người trẻ tuổi dồi dào năng lượng, vốn tự tin nghĩ rằng thời @ là thời của họ.
- Cuộc sống do con người tạo ra nhưng đến lượt mình, nó cũng có khả năng đẩy con người vào thế bị động. Muôn thoát khỏi tình thế này, con người phải tìm được đối sách thích hợp để thích nghi, để vượt lên, để có thể làm chủ hoàn toàn cuộc sống, sống chậm là một trong những đối sách ấy. Nó thể hiện một lựa chọn thông minh cho con người và do con người.
- Chậm đối lập với nhanh. Sống chậm đối lập với sống vội vã. Tuy nhiên, không nên hiểu sống chậm là kiểu sống khước từ những phương tiện có tốc độ cao như xe hơi, táu cao tốc, máy bay hay hình thức truyền tải thông tin trên mạng toàn cầu... Thực chất, sống chậm là sống kĩ từng giây phút của đời mình; biết lắng vào suy tư; biết cảm thụ, hưởng thụ cuộc sống một cách đủ đầy, trọn vẹn, không bỏ lỡ những cơ hội được giao tiếp với thiên nhiên; biết thường xuyên dừng lại soi xét bản thân...
- Sống chậm giúp ta lấy lại cân bằng trong cuộc sống, giúp ta tích tụ thêm năng lượng vốn bị hao tán quá nhiều, để sau đó tiếp tục hành trình. Một chuyến “phượt” sau mấy mùa làm việc căng thẳng; việc nhâm nhi một li cà phê trong góc tối tĩnh lặng; việc chìm đắm trong mơ mộng với những trang thơ, trang văn, với những bản nhạc cổ điển; việc xa lánh tạm thời những tiếng réo của điện thoại hay sự mê hoặc của màn hình điện thoại, máy tính bảng... - tất cả đều là những biểu hiện cụ thể của hành vi sống chậm.
- Sống chậm không hề là một thái độ sống bảo thủ. Thực tế cho thấy, nó là một cách thích ứng tích cực đối với thời Đừng tưởng sống chậm chỉ là chuyện của người có tuổi. Thanh niên lẽ nào không cần sống chậm? Mọi sự năng động luôn cần được xây dựng trên một nền móng tư duy sâu sắc, một thái độ hành xử chín chắn với cuộc đời!
Câu 3.
Khi nói về bài thơ Tây Tiến, nhiều người khẳng định: bài thơ mang cảm hứng lãng mạn và âm hưởng bi tráng. Điều này hoàn toàn có căn cứ. Tuy nhiên, việc đặt đồng đẳng hai khái niệm cảm hứng và âm hưởng vào trong một mệnh đề có thể gây những thắc mắc về tính logic. Để muốn khắc phục điều đó ngay từ khâu dùng khái niệm.
Bên cạnh việc nói về chất lãng mạn và chất bi tráng trong bài thơ, cần phân tích khả năng tác động của các yếu tố đó đối với độc giả, nhằm làm rõ vấn đề chứa đựng trong cụm từ không kém phần quan trọng: “góp phần làm nên sự mê hoặc lạ lùng”.
Trong quá trình triển khai bài viết, người làm bài cần tránh việc quy hoàn toàn cái lãng mạn hay cái bi tráng về cho các đối tượng “khách quan” được nhà thơ miêu tả, thể hiện. Suy cho cùng, vấn đề mấu chốt là cảm quan nghệ thuật đặc biệt của Quang Dũng
về đời sống. Chính nó đòi hỏi ông chọn một kiểu tổ chức ngôn ngữ riêng. Đến lượt mình, tổ chức ngôn ngữ đó đã làm nên chất lãng mạn và chất bi tráng mà người đọc cảm thấy bị cuốn hút không cưỡng được.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Tây Tiến (1948) là bài thơ tiêu biểu nhất của đời thơ Quang Dũng, đồng thời cũng là một thành tựu đáng ghi nhớ của nền thơ kháng chiến chống Pháp. Là tiếng nói của một hồn thơ trẻ trung, phóng khoáng, tài hoa, hơn nữa, nội dung lại “tự sự” về một thời gian nan mà hào hùng của lịch sử dân tộc với những hi sinh không thể đo đếm được, thật tự nhiên khi bài thơ thấm đượm chất lãng mạn và chất bi tráng rất đặc biệt. Đây là những yếu tố then chốt góp phần làm cho Tây Tiến có sức hấp dẫn lạ lùng đối với độc giả nhiều thế hệ.
- Chất lãng mạn và chất bi tráng trong bài thơ Tây Tiến là sản phẩm đặc thù của một thời đại lịch sử, một thời thơ không dễ gì lặp lại. Yêu quý, hoài nhớ chúng là yêu quý và hoài nhớ một thời khát khao sống đẹp, vô tư, tự nguyện xả thân vì một lí tưởng cũng trong trẻo vô ngần. Mặt khác, đó còn là sự yêu quý, hoài nhớ một thái độ, một cách ứng xử thật hồn hậu đối với thơ, xem thơ như sự phản chiếu tự nhiên nhất của tâm hồn.
- Trong bài thơ, chất lãng mạn và chất bi tráng xuyên thấm vào nhau. Lãng mạn nhưng đượm màu bi tráng, và bi tráng ở đây là cái bi tráng của tinh thần lãng mạn. Do đó, ta hoàn toàn có thể nói tới một khái niệm chung là chất lãng mạn bi tráng. Theo cái nhìn phân tích tỉ mỉ thì “thành phần cấu tạo” của chất lãng mạn bi tráng bao gồm: sự tràn đầy của cảm xúc; sự nhạy cảm đối với những đối tượng đặc biệt, khác thường; sự bay bổng, phóng túng của tưởng tượng; sự đối mặt trực diện với phần đau thương của cuộc chiến; sự mạnh mẽ của ý chí khi nhìn nhận thực tế, nhìn nhận sự vật...
- Độ mạnh, độ sâu của cảm xúc trong bài Tây Tiến có thể là điều đã tác động vào độc giả trước hết. Cả bài thơ được bao bọc trong một nỗi nhớ nồng nàn, vừa xoáy sâu, vừa lan toả. Nhờ nỗi nhớ, những hình ảnh của ngày qua cồn cào sống dậy. Không phải ngẫu nhiên mà từ “nhớ" xuất hiện nhiều lần trong bài, và cũng không phải ngẫu nhiên mà lúc mới ra đời, tên của tác phẩm gồm ba tiếng: Nhớ Tây Tiến. Hai câu mở đầu đã nói lên rất rõ niềm thôi thúc bên trong đòi Quang Dũng viết nên Tây Tiến. Chính nỗi nhớ “chơi vơi” chứ không phải cái gì khác đã dẫn ngòi bút tác giả đi miên man trong thế giới thơ. Sau nữa, cũng nỗi nhớ đó đã khiến cõi lòng người đọc nôn nao khôn tả.
- Bằng khả năng tưởng tượng phong phú kì lạ và ngôn ngữ tạo hình độc đáo, Quang Dũng đã dựng lên nhiều hình ảnh mang các đặc điểm phi thường gây ấn tượng rất mạnh. Những câu tả dốc đã tạo hình thật sắc nét cảnh dốc cứ cao lên, cao mãi hút mắt nhìn để rồi đổ gập xuống, sâu tưởng như vô cùng tận: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm, Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống. Ta tưởng như gặp lại bức tranh núi non hiểm trở, hùng vĩ, đầy thách thức được thi hào Lí Bạch vẽ ra trong bài Thục đạo nan: Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên (Đường Thục khó đi, khó hơn cả lên trời xanh). Dốc đã thế, mưa cũng mịt mùng bủa vây tứ phía khiến cho trong ánh nhìn diệu vợi của các chiến sĩ đang hành quân, những ngôi nhà sàn như đang trôi bồng bềnh trên biển nước. Cái dữ dội của thiên nhiên còn được tô đậm trong hai câu có âm điệu hết sức mạnh mẽ: Chiều chiều oai linh thác gầm thét / Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người. Thật là một cuộc “diễu võ giương oai" ghê gớm của núi rừng, khiến những kẻ yếu bóng vía có thể run lên vì sợ hãi.
- Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến không chỉ có những cảnh “hung bạo”. Bằng mấy nét vẽ khoáng đạt nhưng mềm mại, nhà thơ đã diễn tả tuyệt vời khía cạnh trữ tình, mơ mộng của thiên nhiên và con mắt háo hức quan sát của người lính chiến: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy / Có thấy hồn lau nẻo bến bờ / Có nhớ dáng người trên độc mộc / Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa. Thật là một vẻ đẹp nguyên sơ, thanh khiết, gợi cảm đến nao lòng. Những bông lau xám bạc phất phơ bên bờ suối, những cánh hoa rừng “đong đưa” trên mặt nước như giấu trong mình cả một câu chuyện cổ tích về núi rừng mà ta chưa có điều kiện khám phá hết được. (Lưu ý: không nhất thiết phải hiểu Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa như một câu thơ tả thực; ở đây, tính tượng trưng trong cách diễn tả thể hiện rất rõ, khi tác giả kết hợp khơi gợi cùng một lúc vừa vẻ đẹp dữ dội, vừa vẻ đẹp tươi tắn của thiên nhiên.)
- Việc đi sâu khám phá tâm hồn lãng mạn, mộng mơ của người lính góp phần đem tới cho bài thơ phong vị lãng mạn đậm đà. Thật ra, đằng sau những câu miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên, tác giả đã gián tiếp cho thấy phẩm tính nghệ sĩ ở những chàng lính trẻ. Trên đường hành quân, họ chưa một lần bỏ lỡ cơ hội thu vào tầm mắt những cảnh trí mĩ lệ hiếm thấy trong đời. Mắt nhìn dốc cao, đầu gội trong mưa lớn, tai nghe tiếng thác thét gầm, cả sinh mạng đối diện cùng thú dữ, chừng ấy trải nghiệm có lẽ đã khiến cho máu phiêu lun ở họ bị kích thích mạnh. Còn khi sống với cảnh Mường Lát hoa về trong đêm hơi, cảnh “chiều sương” nơi Châu Mộc, chắc chắn họ cảm thấy niềm thơ thức dậy dạt dào. Chẳng thế mà giữa những ngày gian khổ, họ vẫn không quên tổ chức các đêm lửa trại tưng bừng với nào “đuốc", nào “hoa” (hai chữ đuốc hoa đã được dùng thật hóm, thấp thoáng sau đó một nụ cười tinh nghịch). Trong các đêm “liên hoan” đó, những cô sơn nữ mang vẻ đẹp ma mị đã làm họ ngất ngây. Riêng người đọc, không phải nương theo tiếng khèn, mà theo nhạc điệu của thơ của Quang Dũng, cũng muốn thả hồn phiêu diêu đến những khung tròi xa lạ...
- Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng không ít lần nói đến cái chết và chưa bao giờ cố ý “lướt qua” những gian khổ chồng chất mà các chiến sĩ phải đương đầu. Qua âm điệu của mấy câu tả dốc, ta thương cảm nghe dội lên tiếng thở dập dồn, nặng nhọc của những người lính. Hành quân đường dài qua núi cao, vực sâu, trong “đoàn quân mỏi” có anh đã ngã xuống: Anh bạn dãi dầu không bước nữa / Gục lên súng mũ bỏ quên đời! Dù đã cố dùng lối diễn tả “khô khan”, nhà thơ vẫn không giấu nổi lòng mình. Trong hai chữ “dãi dầu”, độc giả cảm nhận được một niềm xót xa, thương cảm vô bờ bến.
- Là người từng trải qua những ngày Tây Tiến, Quang Dũng nhìn rõ hơn ai hết khuôn mặt hung tợn của tử thần có tên là “sốt rét”. Chính căn bệnh quái ác nơi núi rừng âm u đã tàn phá thể chất các chiến sĩ một cách phũ phàng. Tóc họ không mọc nổi, da xanh như tàu lá, con người luôn đứng chân nơi ranh giới mong manh giữa cái chết và sự sống. Nhiều người trong đoàn quân phải ôm hận lìa đời. Các anh là ai trong số những nấm "mồ viễn xứ” nằm “rải rác biên cương” dài vô tận? Đọc các câu thơ, chúng ta thấy nhói lòng. Chi tiết Áo bào thay chiếu anh về đất đã cực tả sự thiếu thốn khó tưởng tượng nổi của đoàn quân Tây Tiến. Một chiến sĩ hi sinh, nhiều khi đồng đội không tìm nổi một mảnh chiếu để liệm xác.
- Mặc dù có đề cập đến những chuyện đau buồn, bài thơ vẫn không hề đưa tới cảm xúc bi luỵ. Đến với Tây Tiến, ta thường thấy có một cái gì đó mạnh mẽ và to lớn cứ dâng lên choán ngợp lòng mình, khiến ta trở nên trầm tĩnh và cứng cỏi hơn. Nhà thơ hoàn toàn hoà đồng với những người bạn thân yêu của mình - đối tượng được thể hiện trong bài thơ Tây Tiến - ở thái độ trước mất mát. Đó là thái độ chấp nhận lặng lẽ mà kiên quyết. Bên cạnh đó, ông rất chú ý soi tỏ nghị lực sống vô tận cũng như khí chất trượng phu của các chiến sĩ. Những câu thơ nói về cái chết một mặt gợi niềm xót thương, mặt khác, gợi sự kính trọng, ngưỡng mộ. Người lính hi sinh ngay trên đường hành quân, trong lúc làm nhiệm vụ. Sức lực đã tàn mà vẫn bước, bước cho đến giới hạn cuối cùng: Gục lên súng mủ bỏ quên đời! Cụm từ “bỏ quên đời" được dùng rất độc đáo đã góp phần chuyển biến âm hưởng câu thơ từ “bi” sang “tráng".
- Về đoạn thứ ba của bài thơ, nỏi bi cũng thật là bi, mà nói tráng cũng thật là tráng. Hầu như ai cũng hiểu cái sự “không mọc tóc” kia là hậu quả của bệnh sốt rét, nhưng khi tác giả viết Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc thì ta lại có cảm tưởng đoàn binh đó không thèm mọc tóc, rằng họ chủ động như vậy (ý của Chu Văn Sơn). Khi tác giả đặt cụm từ “dữ oai hùm” bên cạnh cụm từ “quân xanh màu lá”, âm điệu toàn bộ câu thơ không còn bi ai nữa mà trở nên cứng cỏi lạ thường. Vũ Quần Phương từng bình rằng Quang Dũng “tả lính ốm mà không thấy lính yếu” - điều đó thật chí lí! Dù đời sống chiến sĩ gian khổ thế nào, những người lính Tây Tiến vẫn giữ được sự bình thản, yên tĩnh của tâm hồn. Trong giấc mơ, hình ảnh những kiều nữ chốn đô thành thường vẫn hiện lên, thật dịu dàng, như một vầng sáng lung linh. Từ ngày ra đi, họ đã xác định được những gian khổ của đời lính chiến, đã chấp nhận nó, xem nó như sự thử thách đối với chí làm trai. Đến lúc lìa đời, có lẽ nỗi hận lớn nhất của họ là việc lớn chưa thành. Trong tiếng “gầm” của sông Mã đổ xuôi dường như có tiếng “gầm” của nỗi hận đó. Chính nó đã được trời đất chứng kiến, cảm thông và nâng lên một tầm vóc mới khiến ta phải kính cẩn nghiêng mình.
- Đã gần bảy mươi năm trôi qua kể từ ngày Tây Tiến ra đời. Có nhiều vấn đề, nhiều sự việc phôi pha cùng năm tháng, nhưng bài thơ của Quang Dũng vẫn còn đó, sừng sững như một tượng đài bất tử về những người lính vô danh thời chống Pháp. Với chất lãng mạn bi tráng có một không hai, bài thơ luôn khiến ta xúc động, làm sống dậy trong ta kí ức về một thời kì lịch sử không được phép quên, không thể nào quên.