Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 15
Câu hỏi yêu cầu chỉ ra được nhận thức nghệ thuật của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước với các nội dung cụ thể của nó. Trên thực tế, nhận thức nghệ thuật chỉ có thể được nhận biết thông qua các phương diện của hình thức nghệ thuật; nó không phải là một tư tưởng thuần lí, trừu tượng, được tác giả cụ thể ...
Câu hỏi yêu cầu chỉ ra được nhận thức nghệ thuật của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước với các nội dung cụ thể của nó. Trên thực tế, nhận thức nghệ thuật chỉ có thể được nhận biết thông qua các phương diện của hình thức nghệ thuật; nó không phải là một tư tưởng thuần lí, trừu tượng, được tác giả cụ thể hoá, hình tượng hoá nhờ những thủ thuật ngôn từ. Tuy nhiên, để dễ triển khai bài viết, cần đặt ra cho mình nhiệm vụ tương đối đơn giản: phân tích thấu đáo tư tưởng chủ đạo về đất nước cùng cách thể ...
Câu 1.
a) Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Dồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)
b) Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.
(Nguyễn Tuân, Người lái đò Sông Đà)
1. Phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong những câu văn trên.
2. Hai trường họp trên khác nhau thế nào về phong cách ngôn ngữ?
Câu 2.
Biết tự khẳng định mình là một đòi hỏi bức thiết đối với mỗi một con người trong cuộc sống hôm nay.
Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề trên.
Câu 3.
Nhận thức nghệ thuật về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện qua đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng).
Hướng dẫn làm bài
Câu 1.
1. a) Ở câu văn trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã dùng biện pháp lặp từ ngữ và lặp cú pháp. Biện pháp lặp được sử dụng như vậy vừa có giá trị khẳng định chắc chắn quyền độc lập không thể phủ nhận của dân tộc Việt Nam, vừa thể hiện được khát vọng mãnh liệt và tinh thần đấu tranh bền bỉ, bất khuất của nhân dân ta. Cũng nhờ biện pháp lặp mà âm điệu lời văn trở nên cứng cỏi, hùng hồn, đanh thép hơn.
b) Câu văn trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân sử dụng biện pháp so sánh. Đặc sắc nhất ở câu văn này là hình ảnh so sánh. Ví con sông Đà như áng tóc trữ tình, tác giả gợi cho người đọc nghĩ tới hình ảnh người đẹp. Con sông, vì thế mang những nét duyên dáng và nữ tính. Hình ảnh so sánh này củng khiến người đọc liên tưởng tới hai câu thơ của Nguyễn Bính viết về sông Hương: cầu cong như chiếc lược ngà / Sông dài mái tóc cung nga buông hờ. Như vậy, so sánh của Nguyễn Tuân là so sánh kiểu thơ ca.
2. Hai trường hợp trên thuộc hai phong cách ngôn ngữ khác nhau. Nếu câu văn trích từ Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận thì câu văn trích từ Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
Câu 2.
Để yêu cầu người viết phát biểu suy nghĩ về vấn đề tự khẳng định bản thân với các nội dung cụ thể của nó. cần phải trả lời được các câu hỏi: Thế nào là biết tự khẳng định mình? Để tự khẳng định mình, mỗi con người cần phải làm gì? Việc tự khẳng định mình có ý nghĩa ra sao đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội?
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Sống ở đời là phải biết tự khẳng định mình, biết in dấu ấn cá nhân trong không gian cũng như trong thời gian, cụ thể là trong môi trường và lĩnh vực hoạt động riêng của mình. Đây là một quan niệm phổ biến từ xưa đến nay, ở phương Đông cũng như ở phương Tây. Thời trung đại Việt Nam có nhiều bài thơ nói về chí làm trai, trong đó, nội dung cơ bản thường xoay quanh khát khao tự khẳng định mình của người quân tử.
- Ở các thời đại và xã hội khác nhau, việc tự khẳng định mình của con người vươn theo những tiêu chuẩn và lí tưởng không giống nhau. Đó là điều bình thường và có tính tất yếu. Việc xuất hiện rất nhiều mẫu hình con người lí tưởng trong lịch sử đã khảng định điều đó. Chúng đều là kết quả và đích vươn tới của hành động tự khẳng định mình của con người.
- Biết tự khẳng định mình là yêu cầu tự nhiên, thường xuyên đối với con người trong lịch sử, tuy vậy, trong thời đại ngày nay, điều này mang một ý nghĩa đặc biệt, khi sự phát triển mạnh mẽ của nền văn minh vật chất đưa tới nguy cơ làm tha hoá con người, khiến con người dễ sống buông thả, phó mặc cho dòng đời và đại dương thông tin cuốn mình đến đâu thì đến. Sự bi quan trước nhiều chiều hướng phát triển đa tạp của cuộc sống, sự suy giảm lòng tin vào lí tưởng dẫn đường cũng là những nguyên nhân quan trọng khiến ý thức khẳng định mình của mỗi cá nhân có những biểu hiện lệch lạc.
- Đề cập chuyện tự khẳng định mình thực chất là bàn tới vấn đề: cần phải tự khẳng định mình theo cách nào? Có cách tự khẳng định đúng đắn cũng như có cách tự khẳng định đi ngược các chuẩn mực đạo đức được xã hội, cộng đồng (trong một thời điểm, giai đoạn nào đó) thừa nhận. Việc tự khẳng định mình được đánh giá cao khi nó không chỉ hướng đến sự phát triển của riêng cá nhân mà còn gắn với tinh thần phụng sự vô tư cho lợi ích của toàn xã hội. Bởi thế, tự khẳng định mình là một hành động thuộc phạm vi cá nhân có ý nghĩa thúc đẩy xã hội đi lên. Ngược lại, xã hội càng phát triển lại càng đòi hỏi cao đối với sự khẳng định mình ở từng con người.
- Biết tự khẳng định bản thân là biết đặt kế hoạch rèn luyện cho mình có được những phẩm chất xứng đáng, đáp ứng tốt những yêu cầu của lĩnh vực hoạt động mà mình tham gia, có thể khiến cả cộng đồng phải tôn trọng. Người ta không thể tự khẳng định mình bằng cách dựa dẫm vào ngoại lực hay bằng những hình thức, phương tiện vay mượn từ đâu đó. Tất cả, trước hết và chủ yếu, phải phụ thuộc vào chính năng lực của mình. Bởi thế, rèn luyện năng lực, bồi đắp năng lực cá nhân là con đường tự khẳng định mình phù hợp và đúng đắn. Mọi sự chủ quan, ngộ nhận, thiếu căn cứ không phải là sự tự khẳng định mình đúng nghĩa.
- Không ai có thể tước bỏ được quyền khẳng định bản thân của mỗi người trừ chính họ. Khi khẳng định bản thân là khi chúng ta thực sự thúc đẩy sự phát triển bền vững của cuộc sống, của xã hội. Sự khẳng định mình bước đầu không nhất thiết phải gắn liền với những kế hoạch đầy tham vọng. Nó có thể được khỏi động với những việc làm nhỏ trên tinh thần trung thực, trọng thực chất và hiệu quả. Thành công của sự tự khẳng định mình được nhận thức không phải thông qua thái độ tự huyễn hoặc của chủ thể mà thông qua sự ghi nhận, thùa nhận của cộng đồng, tất nhiên, đó phải là một cộng đồng văn minh, biết đánh giá mọi thứ theo tiêu chuẩn của thế giới văn minh.
(Lưu ý: Người viết có thể trình bày vấn đề bắt đầu bằng việc phân tích chính trường hợp cá nhân của mình, cần nêu được cách tự khẳng định phù hợp với điều kiện sống và học tập, lao động của bản thân.)
Câu 3.
Câu hỏi yêu cầu chỉ ra được nhận thức nghệ thuật của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước với các nội dung cụ thể của nó. Trên thực tế, nhận thức nghệ thuật chỉ có thể được nhận biết thông qua các phương diện của hình thức nghệ thuật; nó không phải là một tư tưởng thuần lí, trừu tượng, được tác giả cụ thể hoá, hình tượng hoá nhờ những thủ thuật ngôn từ. Tuy nhiên, để dễ triển khai bài viết, cần đặt ra cho mình nhiệm vụ tương đối đơn giản: phân tích thấu đáo tư tưởng chủ đạo về đất nước cùng cách thể hiện tư tưởng đó trong đoạn thơ.
Cần hiểu rằng tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” mà Nguyễn Khoa Điềm phát biểu không chỉ là kết quả nhận thức của riêng một người mà của cả một thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Cũng cần phải đánh giá chất lượng mới của sự nhận thức nghệ thuật về đất nước trong mối quan hệ với toàn bộ lịch sử văn hoá dân tộc.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Khi nói về những bài thơ hay thể hiện đề tài đất nước trong nền thơ Việt Nam hiện đại, người ta khó mà quên được Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, dù theo hình thức văn bản, nó chỉ là một đoạn, một chương nằm trong bản trường ca có tên là Mặt đường khát vọng, sáng tác vào năm 1971. Trong đoạn trích, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện một nhận thức nghệ thuật mới mẻ về đất nước. Có lẽ đây chính là điểm then chốt khiến đoạn trích luôn hấp dẫn và tạo được sự đồng cảm lớn ở độc giả nhiều thế hệ khác nhau.
- Điều dễ nhận thấy đầu tiên trong đoạn trích này là tác giả đã nhìn đất nước ở tầm gần. Do xác định cự li như thế, dường như nhà thơ đã phát hiện ra một khuôn mặt mới của đất nước - dung dị, bình dân, thậm chí lam lũ nhưng không kém phần cao cả. Nhiều nhà thơ trước đó đã nói tới sự hoành tráng, kì vĩ của đất nước, kiểu như Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi / Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt, hay Nước Việt Nam từ máu lửa / Rũ bùn đứng dậy sáng loà. Riêng ở đây, Nguyễn Khoa Điềm lại chú ý quan sát đất nước trong muôn mặt đời thường của nó. Giọng điệu chính của đoạn thơ là giọng điệu trò chuyện thân mật, tâm tình.
- Trong bốn câu mở đầu, ta có thể thấy nhà thơ đã nhìn đâì nước theo một quan hệ ruột rà, thân thuộc. Nhắc đến đất nước, ta đồng thời phải nhắc đến “bà”, “cha”, “mẹ”, “dân mình”, nhắc đến lời kể chuyện cổ tích, miếng trầu, bờ tre, nhắc đến gừng cay, muối mặn, cái cột, cái kèo, hạt gạo... Điều đó nói lên rằng tình cảm ân nghĩa thuỷ chung là điểm xuất phát của những suy tư về đất nước. Đặc biệt hơn nữa, tác giả đã không ngại ngần định nghĩa đất nước bằng những chuyện thầm kín, riêng tư - một việc làm rất dễ bị xem là phạm thượng nếu người viết không tìm ra được một giọng “kể” thích hợp: Đất là nơi anh đến trường / Nước là nơi em tắm / Đất Nước là nơi ta hò hẹn / Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm. Rõ ràng đây là những câu thơ rất táo bạo và đầy tự tin do tác giả đã thật sự hoà vào cuộc sống của đất nước.
- Cũng như bao nhà thơ khác, Nguyễn Khoa Điềm đã không thể không nói đến phương diện lịch sử và địa lí của đất nước. Nhưng cách nhìn riêng của ông vẫn để dấu ấn rất đậm. Mạch thơ tâm sự tự nó thâu nạp vào mình những chi tiết mà bình thường tưởng khó cất lên thành thơ được: Những ai đã khuất / Những ai bây giờ / Yêu nhau và sinh con đẻ cái / Gánh vác phần người đi trước để lại /Dặn dò con cháu chuyện mai sau / Hằng năm ăn đâu làm đâu / Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ. Cũng khác với nhiều bài thơ trước đây mỗi khi nói đến “bốn nghìn năm đất nước” thì không quên nhắc tới các anh hùng từng vang danh trong sử sách, Nguyễn Khoa Điềm lại muốn kể nhiều hơn: Có biết bao người con gái, con trai / Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi / Họ đã sống và chết / Giản dị và bình tăm / Không ai nhớ mặt đặt tên / Nhưng họ đã làm ra Đất Nước. Tương tự như thế, khi nói về địa lí của đất nước, nhà thơ đã không lặp lại một thói quen là nêu lên sự trù phú, đẹp tươi của dải đất này với “mênh mông biển lúa”, với Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều... Ông chú ý nhiều hơn đến những miền đất, những thắng cảnh mà tên gọi của chúng thật nôm na, dân dã, nói với ta nhiều điều về cuộc sống của những con người cần lao: Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu / Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái / Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại / Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vưong / Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thắm / Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên / Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh / Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm... Vậy là, khi thể hiện phương diện lịch sử và địa lí của đất nước, tác giả đã quan sát chúng dưới góc độ văn hoá: văn hoá - lịch sử, văn hoá - địa lí. Những câu thơ có tầm khái quát cao và tràn trề cảm xúc này là kết quả của góc nhìn đó: Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi / Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha / Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy / Những cuộc đời đã hoá núi sông ta...
- Trên đây là những nét mới mẻ trong nhận thức nghệ thuật của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước. Nhưng đâu là hạt nhân, là điểm tựa của nhận thức nghệ thuật đó? Không có gì khác hơn là tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” mà nhà thơ đã trực tiếp phát biểu ở giai đoạn cao trào của cảm xúc trong đoạn thơ. Cũng có thể nói tư tưởng này là một trong những biểu hiện cụ thể của nhận thức nghệ thuật nói trên, nhưng đây là biểu hiện cơ bản nhất, chi phối mọi biểu hiện khác. Nhân dân đông đảo, nhân dân rộng lớn, nhân dân bao dung đã làm nên mọi dáng vẻ và tầm vóc của đất nước này. Họ bao gồm những người lao động chân đất, bình dị mà sáng suốt, là người đã đúc kết bao triết lí sống cao cả mà ta hằng tâm niệm. Bởi vậy, nói về đất nước “của họ” làm sao có thể quên nhắc tới những chi tiết đời thường như tác giả đã làm. vả lại, “ta” cũng thuộc về nhân dân, sống giữa nhân dân nên làm sao không được quyền nói về cuộc đời riêng của mình khi ngợi ca đất nước. Có thể hình dung “Đất Nước của Nhân dân” ở tầm vóc quốc tế “sáng loà”, ở tính chất “thần kì” nhiều khi khó lí giải nổi (Người là ta mà ta chưa bao giờ hiểu hết- Tố Hữu), nhưng cũng cần hình dung ở một chiều sâu khác: đất nước gắn liền với bao hoạt động cụ thể của nhân dân: Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng / Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi / Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói / Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân / Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái.
- Dĩ nhiên, tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” không phải đến Nguyễn Khoa Điềm mới được phát biểu. Nó đã được nhiều nhà tư tưởng lớn, nhiều nhà văn lớn trước đây đề cập với những mức độ khác nhau. Nhung cần phải nhận thấy rằng cùng với sự mở rộng tính dân chủ của thơ (tương ứng với sự mở rộng tính dân chủ trong xã hội), tư tưởng này càng về sau càng được nhận thức sâu sắc hơn. Là một nhà thơ thuộc thế hệ chống Mĩ đã nhập cuộc hết mình vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đã tận mắt chứng kiến những đóng góp to lớn và những hi sinh không kể xiết của nhân dân, Nguyễn Khoa Điềm đã nói về tư tưởng tuy không hoàn toàn mới kia bằng tất cả sự trải nghiệm thật, xúc động thật của chính mình, và vì thế, bài thơ của ông đã có được một đóng góp đáng ghi nhận. Càng mở rộng sự quan sát ra sáng tác của các nhà thơ chống Mĩ khác, ta càng thấy rõ hơn tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” là tư tưởng mang tính thời đại. Nói về quê hương, Trần Đăng Khoa khơi nguồn cảm xúc từ một mái tranh: Mái tranh ơi hỡi mái tranh / Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương, còn Thanh Thảo thì tuyên bố “những định nghĩa cao xa xin dành cho người khác” vì ông đã thấy: Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người / là đứng theo dáng mẹ / đòn gánh tre chín dạn hai vai. Những ví dụ tương tự như thế trong thơ chống Mĩ thật khó kể hết. Điều này càng chứng tỏ nhận thức về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ này mang tính chất đại diện rõ nét.
- Khi đã nhìn thấy “Đất Nước này là Đất nước Nhân dân”, và trong nhân dân lại có cả chính mình, nhà thơ thấy cần thiết phải khẳng định trách nhiệm của thế hệ trẻ. Đất nước không phải là một cái gì bất biến. Nó đang phát triển ngày một phong phú hơn với phần đóng góp của chúng ta. vẫn với giọng tình cảm mà nghiêm trang, tác giả đề nghị: Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình / Phải biết gắn bó và san sẻ / Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời... Đấy là lời đề nghị của một đứa con yêu luôn có thái độ “uống nước nhớ nguồn”. Chính vì vậy, đoạn thơ có nhiều từ “phải” mà không hề mang tính chất răn dạy, giáo huấn khô khan, khó tiếp nhận.
- Khi phân tích tư tưởng chủ đạo của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước, ta đã phần nào nói về nghệ thuật thể hiện tư tưởng đó. Đoạn thơ nhất quán ở giọng điệu tình cảm tha thiết, lắng sâu. Có thể nào khác được khi ta nói về nhân dân - người sinh thành, dạy dỗ, nuôi dưỡng chính mình? Đoạn thơ cũng đầy ắp những hình ảnh, chi tiết đời thường cùng các “thi liệu” lấy từ kho tàng văn học dân gian phong phú bao gồm truyền thuyết, tục ngữ, ca dao, dân ca... Cũng không thể khác bởi đời thường là đời thường của nhân dân và những truyện kể, những câu ca, câu ví kia là do nhân dân sáng tạo ra trong trường kì lịch sử, chúng chính là nơi lưu giữ tâm hồn dân tộc. Quả thực, tác giả đã chọn lựa được một hình thức biểu đạt đặc biệt phù họp, khiến cho tư tưởng được phát biểu trong đoạn thơ đã vang lên bằng hình tượng nghệ thuật sinh động, có khả năng đưa đến cho người đọc những xúc cảm thẩm mĩ phong phú.