Bình Dương - Chợ Thủ
Chợ Thủ ngày nay Như nhiều khu trung tâm buôn bán sầm uất xưa nay của vùng Ðông Nam Bộ, chợ Thủ Dầu Một - Bình Dương theo dòng thời gian gắn liền những biến động thăng trầm, chứng kiến sự phát triển kinh tế xã hội, là biểu hiện sinh động nhịp sống văn minh đô thị ...
Như nhiều khu trung tâm buôn bán sầm uất xưa nay của vùng Ðông Nam Bộ, chợ Thủ Dầu Một - Bình Dương theo dòng thời gian gắn liền những biến động thăng trầm, chứng kiến sự phát triển kinh tế xã hội, là biểu hiện sinh động nhịp sống văn minh đô thị của người Bình Dương.
Chợ Thủ xưa
Có sông Sài Gòn quanh năm nước xanh như tấm gương soi bóng, bên rừng lim, dầu đỏ... gió thổi vi vu, với kiểu dáng kiến trúc lãng mạn, kết hợp nhuần nhuyễn nền văn hóa Ðông - Tây, là chợ duy nhất ở miền Nam trên nóc có xây cột ba mặt gắn đồng hồ vuông theo phong cách Pháp, chợ Thủ Dầu Một từ xưa đã được coi là độc đáo có một không hai của miền đất Nam Kỳ. Người Thủ Dầu Một hơn 40 tuổi chẳng ai có thể quên cái hồi còn chạy lon ton theo bà, theo mẹ ra chợ Thủ trên chiếc xe ngựa lốc cốc trong buổi sáng tinh sương, để từ đó nên thơ, nên nhạc:
Chiều chiều
Mượn ngựa ông Ðề
Mượn ba chú lính
Ðưa cô tôi về.
Ðưa về chợ Thủ
Mua hũ, bán ghe
Bán bộ đồ chè
Mua cối đâm tiêu...
Chợ Thủ có bán ghe vì nằm sát bờ sông và chắc khi đó ở đất Thủ nghề mộc, đóng ghe thuyền đã rất phát triển. Còn sản phẩm hũ, nồi, bộ đồ chè, cối đâm tiêu... là những đặc trưng cho tài nghệ của người thợ thủ công truyền thống năm xưa trên vùng đất này. Có nhà thơ nhớ lại "Hồi đó" mỗi khi được theo mẹ ngồi trên chiếc xe ngựa sáng bóng màu gỗ đỏ từ xóm Chánh ra chợ Thủ là lòng lại xốn xang rộn lên niềm vui. Sướng nhất là lúc ở trong phố chợ thả sức ngắm nhìn những dãy sạp, tiệm bày bán đủ các loại bánh của người Việt: bánh ướt tôm khô, bánh lọt, bánh cuốn, bánh tiêu thơm nồng làm nức mũi. Những chú nhóc, cô bé theo mẹ đi chợ từ sáng sớm giờ bụng đã đói nôn nao nên cần được ăn. Và sau khi được chén no nê vài hào bánh bún, mút cái kẹo thơm, tức thì bọn trẻ thích ra phía bờ sông nhìn các chậu tôm cá, lươn, cua, sò, ốc, ếch sống tươi ngoác mồm, phồng mang trong các chậu, thúng sơn, được người miền Tây Nam Bộ, có khi từ tận đất mũi Cà Mau mang lên bày bán, xếp thứ tự ngăn nắp xuôi theo phố chợ.
Chợ Thủ hôm nay
"Phi thương bất phú", chợ không chỉ là nơi buôn bán, còn được coi như bộ mặt văn hóa của cả vùng dân cư. Nhìn vào "cái chợ" người ta có thể đoán biết về sự phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, và cung cách quản lý xã hội trên mảnh đất mà "cái chợ" đó tọa lạc. Nếu chợ Thủ vẫn là chợ Thủ ngày xưa thì còn gì là phát triển, nên chợ Thủ hôm nay đã khác xa xưa.
Chợ Thủ đang mở rộng, chứng tỏ kinh tế Bình Dương trong bước thắng lợi, tiến vào công nghiệp hóa đạt tới sự phát triển khả quan. Chỉ tiếc rằng nét đẹp buôn bán thứ tự ngăn nắp của kẻ chợ ngày xưa không được bảo tồn. Còn đâu những phố chợ bán nồi, bán hũ, bán ghe? Càng không thể tìm được một gian hàng bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu. Thời kinh tế thị trường có khác, toàn phố chợ người người, nhà nhà làm thương mại. Các hè phố và cả đường phố: Ðinh Bộ Lĩnh, Bạch Ðằng, Ðoàn Trần Nghiệp, Nguyễn Thái Học, Ngô Tùng Châu, Trừ Văn Thố... là những phố chợ "thanh cảnh" một thời, nay tràn ngập hàng tạp hóa, hàng rong, laghim, đậu hũ, nấm, bún, thịt heo, cá, gà, rau xanh, hoa, trái...