18/06/2018, 12:10

Soạn Giả Thiếu Linh

Thiếu Linh tên thật là Lê Văn Phương, sanh ngày 14 tháng 11 năm 1922, tại quận Cần Ðước, tỉnh Chợ Lớn. Cha anh là giáo sư Lê Văn Ngôn, ngạch Pháp nên được đổi đi dạy học tại trường Trung Học Vientiane bên xứ Lào. Anh theo cha mẹ sang Lào, học Tiểu và Trung Học ở Lào, rồi thi vào trường Cao ...

Thiếu Linh tên thật là Lê Văn Phương, sanh ngày 14 tháng 11 năm 1922, tại quận Cần Ðước, tỉnh Chợ Lớn. Cha anh là giáo sư Lê Văn Ngôn, ngạch Pháp nên được đổi đi dạy học tại trường Trung Học Vientiane bên xứ Lào. Anh theo cha mẹ sang Lào, học Tiểu và Trung Học ở Lào, rồi thi vào trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Hà Nội, đồng khóa với họa sĩ Trần Văn Lắm, người đã tạc tượng Thủ Khoa Huân, đặt ở bến Diên Hồng tại tỉnh lỵ Mỹ Tho sau năm 1975.

Năm 1945, như phần đông các sinh viên đại Học quê ở miền Nam, anh tham gia phong trào Nam Tiến, trở về Nam. Có một thời anh giúp trang trí và vẽ hí họa cho các báo. Năm 1952, anh chuyên hẳn về nghệ thuật vẽ chuyện bằng tranh cho nhà xuất bản Hồng Hoa, đường Khổng Tử, Chợ Lớn và sáng tác các mẫu trang trí cho lò gốm Mỹ Thuật ở tỉnh Thủ Dầu Một. Năm 1952, tôi quen với Thiếu Linh trong dịp chúng tôi cùng viết báo chung trong tòa soạn tờ Tuần Báo “ Ði và Sống “ của chủ nhiệm kiêm chủ bút Lê Minh Hoàng Thái Sơn, ở đường Phạm Ngũ Lão. Thiếu Linh đưa cho tôi xem một số truyện phiêu lưu ký của anh sáng tác, xem xong, tôi nói: ”Anh có thể viết tuồng cải lương rất hay nếu anh biết ca hay biết đờn cổ nhạc, vì chuyện phiêu lưu ký của anh viết có nhiều tình tiết rất là hấp dẫn, có thể viết thành tuồng cải lương “

Anh nhờ tôi giới thiệu với các nghệ sĩ Thành Tôn, Hữu Thoại, Thanh Cao, Trường Xuân. . . và dẫn anh đến các rạp hát làm quen với sinh hoạt của kịch trường, nhưng cuối cùng anh không quen được với cuộc sống xô bồ xô bộn của các nghệ sĩ vào thời đó. Lúc đó tôi đang học hát, học viết tuồng và tập vẽ phong cảnh với họa sĩ Nguyễn Quyền trong đoàn Việt Kịch Năm Châu. Ðoàn Việt Kịch Năm Châu đang dàn dựng vở thi ca vũ nhạc kịch Tây Thi Gái Nước Việt của soạn giả Năm Châu. Thiếu Linh đến giúp cho họa sĩ Nguyễn Quyền và Hoàng Lang vẽ phong cảnh tuồng nầy. Có lẽ cái không khí tập tuồng của đoàn Việt Kịch Năm Châu và tài đạo diễn của nghệ sĩ Năm Châu đã thay đổi cái nhìn của Thiếu Linh đối với sân khấu và nghệ sĩ cải lương nên anh nhờ tôi giới thiệu cho anh kiếm việc làm trong đoàn hát để từ đó âm thầm nghiên cứu một hướng sáng tác kịch bản của riêng anh.

Cuối năm 1954, tôi gia nhập đoàn cải lương Thanh Minh bầu Nghĩa, anh Thiếu Linh cũng hợp tác với họa sĩ Mười Rây vẽ phong cảnh sân khấu và vẽ bảng hình quảng cáo tuồng cho đoàn Thanh Minh tại rạp Thành Xương.
Từ năm 1955 đến năm 1984, Thiếu Linh đã hợp soạn với nhiều soạn giả: Lê Khanh, Mộc Linh, Nguyễn Phương, Thu An, Thành Phát, Hoàng Dũng.

Sau năm 1984, Thiếu Linh và gia đình đi định cư tại Virginia, Mỹ Quốc, anh thôi hành nghề soạn giả.
Thiếu Linh đọc rất nhiều tiểu thuyết, kịch bản Pháp, và các tập san Histoire du cinéma nên anh nghĩ ra được nhiều cốt chuyện kịch, anh làm thơ, ý thơ dồi dào, lời đẹp, viết nhanh và dễ dàng như nhà thơ Nguyễn Bính. Những khi hợp soạn với chúng tôi, khi đã chọn được đề tài, sơ lược cốt chuyện, phân màn, phân cảnh, nghiên cứu tính cách nhân vật và các điểm xung đột dữ dội của các nhân vật kịch thì Thiếu Linh lãnh phần phác thảo thành thoại kịch hoặc viết bằng thơ các đoạn đối thoại mùi mẫn nhứt hoặc gây cấn nhứt. Chúng tôi từ bản phác thảo, cắt xén, chỉnh đốn, phát triển những đoạn cần thiết cho diễn xuất của diễn viên và viết bài ca thành tuồng cải lương. Thiếu Linh là họa sĩ và cũng là thi sĩ, nên khi anh gặp những đoạn cần tả cảnh, tả tình trong tuồng, anh viết không ngừng theo cảm xúc của riêng anh, một đôi khi không tự kềm chế được nên tuy thơ hay, nhưng khi lên sân khấu trình diễn thì kéo dài lê thê, nguôi sân khấu. Chúng tôi đạo diễn, dàn dựng, quyết định đoạn nào phải cắt bớt, đoạn nào phải bỏ luôn để cho tiết tấu trên sàn diễn luôn luôn sống động, lôi cuốn khán giả. Phải công nhận là từ năm 1954, Thiếu Linh là người đầu tiên đưa lối thơ mới vào sân khấu miền Nam, góp phần phát triển văn phong cải lương, trước Hoa Phượng nhiều năm. Chỉ cần xem qua ba đoạn văn sau đây trong ba thời kỳ cải tiến của sân khấu hát bội pha cải lương qua loại hình hát cải lương tuồng dã sử, ta sẽ thấy sự đóng góp rất quan trọng của Thiếu Linh:

Những năm 1930, một nhân vật tuồng hát bội xưng tên:
( tuồng San Hậu )
Tạ Ôn Ðình :
Thời không âm võ, Ðời chẳng liệt phong,
Giữa trời dựng nghiệp trung hưng,
Trong nước vui vầy phỉ túy,
Kim trào ngự đệ, Mỗ, Tạ Ôn Ðình
Tài lão biết gương binh, Trí thông hay lược chiến.
Năm 1935, tuồng cải lương “ Bội Phụ Quả Báo “ của tác giả Phạm Công Bình
:
Hai Vận :
Thuận Thành là quê quán.
Ta, con đại phú gia
Tay ăn chơi bốn biển là nhà
Danh tiếng khắp, tên ta Hai Vận,
Tuổi đã lớn song chưa danh phận,
Tay ròng nghề sớm mận tối đào. . . .
Năm 1954, tuồng Ðêm Hờn Cung Lạnh của Thiếu Linh:
Vua đối thoại với cô gái chán đời mà Vua vừa cứu được:
Tại sao nàng muốn chết?
Nàng muốn tìm một cuộc sống tốt hơn à?
Cuộc đời chỉ là một trò vui,
Có người thương người ghét, có kẻ khóc người cười,
Có kẻ ước muốn yêu đương, có người khát thèm danh phận,
Kẻ trong bóng tối thì đòi ra ánh sáng,
Kẻ giữa ban trưa lại chán nản mặt trời,
Tất cả chúng ta đều như vậy thôi.
Mong muốn! Khát thèm!
Ðó mới chính là tội lỗi,
Trời dành riêng để trừng phạt loài người.
Thiếu nữ :
Nhưng tôn ông là ai, mà dạy tôi những lời lẽ đó?
Vua:
Ta là kẻ lúc ra đường,
Dân chúng phải cuí đầu nhìn xuống đất,
Giữa triều đình, trước quần thần đủ mặt,
Thì chính ta đang ngự giữa long sàng.

Hiện nay, đầu thế kỷ 21, ta đọc đoạn văn đó, ta thấy bình thường, nhưng hơn nửa thế kỷ trước, đoạn văn đó đã góp phần thay đổi phong cách diễn xuất của diễn viên, thay đổi cách nói nhẹ nhàng hơn, gần với cuộc sống thực tế ngoài đời hơn.

Soạn giả Thiếu Linh lại là một họa sĩ, say mê ánh sáng, màu sắc, đường nét và nghệ thuật tạo hình. Anh đã dùng sở trường hội họa để cải tiến không ngừng nghệ thuật trang trí sân khấu và sáng tạo y trang sân khấu.
Nếu vị khán giả nào đã từng say mê sân khấu cải lương vào thập niên 50, thì hẳn nhớ phong cảnh sân khấu của các đoàn cải lương thời đó có những cảnh chung kể sau đây dùng cho đủ mọi loại tuồng của đoàn hát:
- Cảnh nhà giàu Tây ( còn gọi là cảnh hoa viên )
- Cảnh Triều Ðình ( vua Tàu ), ( chỉ có đoàn Việt Kịch Năm Châu là có cảnh triều đình Tây vì hát tuồng Tây: Bằng Hữu Binh Nhung, ( Les trois mousquetaires ).
- Cảnh rừng.
- Cảnh nhà nghèo ( toàn cảnh nhà lá hay chỉ một mái nhà lá để góc phải sân khấu ).

Décors fixe, màn ngoài lớn vẽ cảnh đường đi có cây đa lớn hay gốc cổ thụ.
Ðoàn Hoa Sen, diễn các tuồng chiến tranh, chế ra loại cánh gà lá sách, tức là cánh gà che hai bên hông sân khấu được đóng thành như cuốn sách, có bản lề bên trong, lật một miếng qua là đổi được cảnh.

Ở đoàn Thanh Minh và sau này là Thanh Minh Thanh Nga, Thiếu Linh vận động chúng tôi cùng thuyết phục bà bầu Thơ và ông Lư Hòa Nghĩa chấp nhận thực hiện mỗi tuồng, mỗi màn được vẽ cảnh trí mới, phù hợp với cốt chuyện tuồng và đúng với thời đại xảy ra chuyện tuồng đó. Ngày nay sở thích của khán giả và nghệ sĩ đều tiến bộ, mỗi tuồng có tranh cảnh thích hợp là một lẽ đương nhiên, nhưng nhớ lại, năm mươi năm trước, muốn thực hiện được điều đó không phải dễ. Mấy ông, bà bầu gánh hát đều sợ hao tốn, họ sẵn sàng trả lương diễn viên cao, nhưng y trang, tranh cảnh, họ cho là không quan trọng. Lấy y phục tuồng nầy dùng cho tuồng khác cũng được. Tranh cảnh thì nhà nghèo nào cũng là một cái nhà lá như nhau, nhà giàu thì cũng là một cái nhà có màu sắc sáng sủa là được rồi. hoạ sĩ Thiếu Linh có may mắn là bà Bầu Thơ thức thời, muốn gánh hát của mình là một đại ban nên ngoài các diễn viên ngôi sao đã có, bà còn muốn dẫn đầu các đoàn hát khác về tuồng tích, về y trang, cảnh trí nên bà chấp thuận đề nghị vẽ cảnh trí cho mỗi tuồng theo ý của Thiếu Linh và của các soạn giả.

Thời đó, các ký giả kịch trường như Trần Tấn Quốc, Hoài Ngọc, Phong Vân, Tô Yến Châu, Lê Hiền, Nguyễn Ang Ca đều ca ngợi đoàn Thanh Minh là đệ nhất đại ban, dưới tài lãnh đạo của bà bầu Thơ với các soạn giả thường trực Thiếu Linh, Nguyễn Phương, Hà Triều Hoa Phượng, Hoàng Khâm, Kiên Giang, đoàn Thanh Minh Thanh Nga đã góp công không nhỏ trong việc xây dựng một sân khấu cải lương có tính văn học cao.
Về y trang của nhân vật tuồng, Thiếu Linh đến thư viện sưu tầm, nghiên cứu y phục từng dân tộc, từng thời lịch sử và vẽ các mẫu y trang phù hợp với từng tuồng trong đoàn Thanh Minh. Anh vẽ cách điệu, sân khấu hóa, màu sắc chọn lọc phù hợp với sắc vóc diễn viên và ánh đèn sân khấu, hòa hợp với sắc màu cảnh trí nên thu hút được sự tán thưởng của khán giả, giúp nâng cao trình độ thẩm mỹ của cả diễn viên và khán giả.

Thiếu Linh đã viết các vở sau đây chung với các soạn giả:
Với Lê Khanh vở Ðồ Bàn Di Hận;
Với Mộc Linh, Tình Tráng Sĩ.
Với Lê Khanh, Nguyễn Phương và Mộc Linh, Người Thợ Rừng.
Với Thành Phát ( liên danh Thiếu Linh - Thành Phát ) Hồi Trống Vân Lâu, Nhan Sắc Tần phi, Áo Gấm Khôi Nguyên, Cầu Gỗ Hoàng Mai Thôn, Nẻo Tắt Hoành Sơn.
Với Mộc Linh. . ( cho sân khấu Việt Hùng – Minh Chí ) Núi Liễu Sông Bằng, Ðường Lên Xứ Thái
Với Nguyễn Phương: các vở Cánh Buồm Lửa, Người Về Từ Cửa Biển, Dưới Cầu Than Thở, Chuyện xóm mình, Chuyện Tình và Tiền, Chuyện Ba Trái Tim, Người Dừng Chân Ðêm Mưa, Tiền Rừng Bạc Biển, Lệnh Của Bà, Kẻ Sợ Tình, Con Trai Người Ăn Mày, Con Gái Ma Túy, Tình Hận Thâm Cung, Nát Cánh Phù Dung.

Năm 1960, Thiếu Linh hợp tác với Thu An, phụ trách sân khấu đoàn Thủ Ðô của ông Bầu Ba Bản. Ðoàn Thủ Ðô tưng bừng khai trương tại rạp Thái Bình là một sự kiện đáng ghi nhớ cho cả giới sân khấu cải lương miền Nam. Trang trí quảng cáo mặt tiền do họa sĩ Thiếu Linh phác thảo hình mẫu, họa sĩ Nguyễn Quyền, Hoàng Lang và Thiếu Linh thực hiện vẽ một cảnh trong tuồng Tiếng Trống Sang Canh của tác giả Thu An và Thiếu Linh. Chiều cao tấm panneaux hình là 5 thước; chiều dài suốt mặt tiền rạp hát Thanh Bình. Ngoài ra có quả cầu hơi, bong bóng thật lớn, đường kính hơn hai thước, được bom bằng hơi nhẹ để bong bóng bay cao, kéo thẳng lên tấm băng vẽ tựa tuồng Tiếng Trống Sang Canh cao khỏi rạp 10 thước. Hai ngọn đèn 5000 watts rọi sáng quả cầu và băng tựa tuồng mà người đi đường ở tận ga xe lửa hay ở nhà bảo sanh Từ Dũ, cách đó hơn 200 thước vẫn thấy rõ.

Những cảnh trong các tuồng của đoàn Thủ Ðô đều được Thiếu Linh nghiên cứu, vẽ, bố trí ánh sáng và sử dụng màu sắc một cách rất nghệ thuật, đẹp như một bức tranh sống động. Khi màn vừa mở, diễn viên chưa xuất hiện trên sân khấu mà khán giả đã bị chinh phục, vỗ tay khen cảnh trí tuyệt đẹp của đoàn cải lương Thủ Ðô. Thời gian nầy Thiếu Linh viết chung với Thu An các vở tuồng Sầu Quan Ải, Cát Dung Phương Tử, Yêu Người Ðiên, Ðêm Hờn Cung Lạnh. Thiếu Linh hợp soạn với Hoàng Dũng viết truyện phim Chiếc Bóng Bên Ðường và Men Nắng.

Chắc còn nhiều vở tuồng hay của anh Thiếu Linh hợp soạn với các bạn khác mà trí nhớ của tôi không giúp tôi kể được ra hết được, nhưng trong giới nghệ sĩ cải lương các thập niên 50, 60, 70, những ngôi sao sân khấu đều có thủ một vai tuồng nào đó của soạn giả Thiếu Linh. Y phục trên sân khấu mà các đào kép đó mặc đều do một tay Thiếu Linh vẽ mẫu, Tám Trống và bà Nguyễn Phương thực hiện. (Các đoàn Thanh Minh, Thanh Minh Thanh Nga, Thủ Ðô, Dạ Lý Hương ) Thiếu Linh chỉ có tật hút thuốc điếu thật nhiều, khi anh sáng tác, anh hút thuốc liên tục, hết điếu nầy nối liền điếu khác. Khi đi dạo chơi với tôi, xem ciné hay ngồi uống café Brodard thì gần như anh không hút điếu thuốc nào. Anh không uống ruợu, không cờ bạc, không mê gái và không hề mích lòng to tiếng với bất cứ ai. Vợ anh là một viên chức Tòa Ðô Chánh Sàigòn, giúp anh quán xuyến việc gia đình và dạy dỗ con cái để anh được trọn vẹn thì giờ và tâm tư để theo đuổi con đường nghệ thuật sân khấu cải lương.
Anh chị Thiếu Linh có 5 người con: hai gái ( Nhi và Hương ), và ba trai (Linh, Truyền,Trí )

Tháng 8 năm 1997. vợ chồng tôi qua Virginia, có đến thăm anh chị Thiếu Linh. Lúc đó anh Thiếu Linh đã suy yếu lắm rồi, tuy nhiên Thiếu Linh vẫn tươi cười, ngồi tiếp chuyện chúng tôi mà tay vẫn cầm bút chì và giấy, vẽ phác thảo những cảnh trí đẹp, nét bút còn rắn rỏi như khi anh còn hoạt động nghệ thuật. Anh nói:” Tôi còn vẽ được, chứng tỏ tôi vẫn còn minh mẫn, vẫn còn sống “.

Thiếu Linh mất ngày 26 tháng giêng năm 1998 vì bị viêm phế quản, an táng tại nghĩa trang Virginia ngày 29 tháng giêng 1998, nhằm ngày mùng 2 Tết năm Mậu Dần.

0