18/06/2018, 12:10

Nghệ Sĩ Hoàng Giang

Trích ( Lữ Bố Hí Điêu Thuyền ) Phùng Há - Hoàng Hoang -Kim CúcTiểu sử và hoạt động nghệ thuật Cố nghệ sĩ Hoàng Giang tên thật là Hồ Ngọc Giang, sinh ngày 07 tháng 04 năm 1922 ( Nhâm Tuất) tại tỉnh Mỹ Tho. Tôi thật sự quen biết với anh Hoàng Giang từ năm 1952, khi tôi vừa rời đoàn hát ...

Trích ( Lữ Bố Hí Điêu Thuyền ) Phùng Há - Hoàng Hoang -Kim CúcTiểu sử và hoạt động nghệ thuật 

Cố nghệ sĩ Hoàng Giang tên thật là Hồ Ngọc Giang, sinh ngày 07 tháng 04 năm 1922 ( Nhâm Tuất) tại tỉnh Mỹ Tho.

Tôi thật sự quen biết với anh Hoàng Giang từ năm 1952, khi tôi vừa rời đoàn hát Tiếng Chuông, tôi gặp anh Hoàng Giang lúc đó đang cộng tác với bầu Năm Nghĩa gánh Thanh Minh. Anh Hoàng Giang rũ tôi cùng về Thanh Minh với anh, nhưng lúc đó gánh hát Thanh Minh đã có ông Hai Núi làm quản lý của đoàn hát, về Thanh Minh thì tôi không có chân đứng trong gánh hát.

Tôi đang học viết tuồng, chưa có tác phẩm nên nếu theo gánh Thanh Minh thì tôi chỉ có thể làm một kép phụ, làm dàn bao chớ tôi không thể có một vị trí khá hơn. Anh Hoàng Giang lúc đó là kép độc lẳng, anh thường đóng vai chung tuồng với danh ca Năm Nghĩa và đào chánh Kim Anh.

Nghệ sĩ Hoàng Giang theo gánh hát lúc mới có 13 tuổi. Hồi đó anh rất mê coi hát, khi gánh hát về hát ở rạp Thầy Năm Tú bên chợ Mỹ Tho thì anh xin đánh trống quảng cáo trước rạp để được vô coi hát khỏi tốn tiền. Sau đó anh đi theo gánh hát luôn, vừa làm quân chạy hiệu, đánh trống quảng cáo, vừa luyện ca, học hát. Năm 15 tuổi, anh Hoàng Giang đã được ra sân khấu hát vai kép phụ.

Cuối năm 1953, nhờ có anh Hoàng Giang giới thiệu mà Lê Khanh, Nguyễn Phương và Mộc Linh được ông bầu Nghĩa mời về làm soạn giả thường trực cho gánh hát Thanh Minh. Soạn giả Lê Khanh có tuồng đồ Bàn Di Hận, Nguyễn Phương có tuồng Biên Thùy Nỗi Sóng, Mộc Linh tuồng Tình Tráng Sĩ.

Lúc đó đoàn Thanh Minh chưa có danh ca Út Trà Ôn, kép ca thì chỉ có hai nghệ sĩ Năm Nghĩa và Út Nhị nhưng với kép độc lẳng Hoàng Giang, ba vở tuồng đồ Bàn Di Hận của Lê Khanh, Biên Thùy Nổi Sóng của Nguyễn Phương và vở Tình Tráng Sĩ của Mộc Linh trở thành ba vở tuồng ăn khách nhất của đoàn Thanh Minh.

Phong cách diễn

Hoàng Giang diễn sôi động, anh nghiên cứu kỷ tính cách nhân vật và biết thoát khỏi lối diễn sáo mòn của những diễn viên kép độc trước kia. Các diễn viên kép độc thường có khuynh hướng hò hét, hầm hừ ra oai, hát kép độc thì khi nói nghiến răng, trợn mắt hoặc hét thật lớn, đi nghinh ngang.

Trả lời cuộc phỏng vấn của các ký giả kịch trường sau khi được bình chọn là đệ nhất kép độc lẳng, nghệ sĩ Hoàng Giang nói :

«Cái ác, độc, không cái nào giống cái nào. Cần nhất là phải sáng tạo, tránh sự trùng lặp trong mỗi nhân vật. Khi diễn, cần chú trọng khi nào thì liếc mắt, khoát tay, gằn giọng, lúc nào cần cười gượng, cười the thé, cười gằn, cả trong điệu bộ, bước đi cũng phải nghiên cứu . Quan trọng là phải diễn làm sao cho vai kép độc của mình vừa làm cho khán giả ghét mà cũng đồng thời làm cho khán giả thích thú. »

Những vai kép độc của Hoàng Giang diễn đúng là đã làm cho khán giả ghét nhân vật đó nhưng đồng thời cũng có chổ làm cho khán giả cười khinh hoặc cười thích thú khi nhân vật độc ác bị trừng phạt.

Năm 1956, 4 nghệ sĩ Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thanh Tao và Thúy Nga rời đoàn Thanh minh, ra thành lập gánh hát Kim Thanh – Ut Trà Ơn, nghệ sĩ Hoàng Giang được mời về Kim Thanh, thủ vai kép độc trong các tuồng Trăng Nước Lam Giang, Tiếng Nhạc Rừng Xanh của soạn giả Thu An trên sân khấu Kim Thanh.

Trong những năm 1957, 1958, trên sân khấu Thanh Minh của Bầu Nghĩa, nghệ sĩ Hoàng Giang đã có những vai diễn để đời qua các vai độc trong các tuồng dã sử như tuồng Hồi Trống Văn Lâu, Áo gấm khôi Nguyên, Cầu Gổ Hoàng Mai Thôn, Nhan Sắc Phi Tần, Nẻo tắt Hoành Sơn, Núi Liểu Sông Bằng của soạn giả Thiếu Linh và Thành Phát…

Hợp tác với danh ca Út Trà Ôn

Nghệ sĩ Hoàng Giang đã cùng với danh ca Út Trà Ôn về công tác với đoàn Thủ đô - Ba Bản, thành công rực rở trong vai vua Lê Long đỉnh tuồng Tiếng Trống Sang Canh của soạn giả Thu An, vai Nguyễn Cang tuồng Chiếc Áo Ân Tình của soạn giả Thiếu Linh.

Hoàng Giang lại hợp tác với anh Út Trà Ôn thành lập gánh hát Thống Nhứt và thành công vang dội qua tuồng Nước Mắt em là bể oan cừu của soạn gia Vân An.

Thưa quí thính giả, trong một thời gian dài, từ sau khi hai nghệ sĩ Út Trà Ôn và Hoàng Giang được bình chọn là nam danh ca vọng cổ đệ nhất và nam diễn viên độc lẳng đệ nhất thì hai diễn viên nầy thường diễn chung trên một sân khấu vì họ cần sự hổ trợ lẩn nhau.

Kép độc nâng cao vai trò của kép mùi trong một vở tuồng hát giống như màu đen thật đậm làm tôn lên cái trắng của màu trắng trong một bức tranh. Trong một tuồng hát, kép độc đưa tình huống kịch đến chổ sôi động nhất , gay cấn nhất, dồn ép vai kép mùi vào chổ bi thương nhất thì kép mùi ca vọng cổ mới được khán giả tán thưởng nồng nhiệt.

Trái lại nếu kép độc mà diễn không « ác » không nóng sân khấu, không sôi động thì kép mùi không có hoàn cảnh để ca vọng cổ. Về mặt tâm lý, khi khán giả không ghét hành vi tàn ác của vai kép độc thì sẽ không thấy xúc cảm trước lời ta thán bi thương của kép mùi.

Với kỹ thuật ca vọng cổ và làn hơi sung mảng, danh ca Út Trà Ôn tạo thêm được dấu ấn trong lòng của khán giả là nhờ kép độc Hoàng Giang đã tạo ra tình huống kịch để cho những bài ca vọng cổ của anh được ca đúng chổ và đúng lúc trong tuồng. Khi thiếu kép độc Hoàng Giang bên cạnh, danh ca Út Trà Ôn cũng mất đi phần hứng thú trong diễn xuất.

Từ năm 1961, nghệ sĩ Hoàng Giang trở về cộng tác với đoàn Thanh Minh Thanh Nga, anh có mặt trong hầu hết các vở tuồng xã hội nổi tiếng của đoàn như tuồng đêm Vĩnh Biệt,( của Hà Triều Hoa Phượng) đôi Mắt Người Xưa, Bóng Chim Tăm Cá, Yêu Trong Hoàng Hôn, Người Tình Của Biển, Bọt Biển, Tình Xuân Muôn Tuổi, Hoa đồng Cỏ Nội của Nguyễn Phương, Vàng Sáu Bạc Mười, của Hoàng Khâm, Áo Cưới Trước Cổng Chùa của Kiên Giang, Hoa Mộc Lan của Viễn Châu, Bên Cầu Dệt Lụa của Thế Châu….

Có thể nói nghệ sĩ Hoàng Giang đã hát không dưới năm mươi tuồng xã hội và dã sử của đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, anh đã thể hiện những vai diễn kép độc lẳng độc đáo, vừa làm cho vở diễn được sôi động hơn lên, vừa làm bệ phóng giúp cho những danh ca trẻ như Hữu Phước, Thành được, Thanh Tú, Thanh Sang dễ dàng thành công trong các màn ca vọng cổ như anh đã từng góp công với danh ca Út Trà Ôn.

Sau này có diễn viên bắt chước theo lối hát của anh Hoàng Giang khi thế những vai tuồng của anh Hoàng Giang nhưng không có duyên bằng và không được khán giả tán thưởng như đã tán thưởng Hoàng Giang. Sau năm 1975, Hoàng Giang và Kim Giác về hát cho đoàn Văn Công và sau đó hát cho đoàn Trần Hữu Trang.

Cuộc sống và gia đình

Về gia đình thì người vợ trước của anh Hoàng Giang là nữ nghệ sĩ Ngọc Chúng, cùng là diễn viên của đoàn Thanh Minh trong những năm 1953, 1954, 1955.

Nghệ sĩ kép độc Hoàng Hải, người có sắc vóc và lối ca diễn giống hệt Hoàng Giang là con của hai nghệ sĩ Hoàng Giang và Ngọc Chúng.

Chúng tôi không hiều vì sao có sự đổ vở gia đình giữa Hoàng Giang và Ngọc Chúng; đến năm 1962 thì chúng tôi được biết là Hoàng Giang kết hôn với nữ nghệ sĩ Kim Giác, chị ruột của nữ nghệ sĩ Ngọc Hương khi Hoàng Giang về cộng tác với gánh hát Hương Mùa Thu. Hoàng Giang và Kim Giác là đôi vợ chồng gắn bó với nhau hạnh phúc cho đến ngày Hoàng Giang mất.

Nghệ sĩ Hoàng Giang mất ngày 03 tháng 11 năm 2002, an táng tại nghĩa trang nghệ sĩ tại Gò Vấp.

Nghệ sĩ Hoàng Giang mất, sân khấu cải lương mất một nghệ sĩ mà tài nghệ diễn xuất được đánh giá là bậc thầy, cố nghệ sĩ Hoàng Giang đã để lại những vai tuồng để đời và nhiều đệ tử thành danh khi học theo lối diễn của anh như Hoàng Hải, Chí Hiếu. Hoàng Liêm, Hoàng Long…

0