18/06/2018, 12:10

Soạn Giả Hà Triều

Soạn giả Hà Triều tộc danh là Đặng Ngươn Chúc, sinh năm 1931 tại xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá. Chúc là nhạc công duy nhất chơi băn-giô và măn-đô-lin, vừa đệm đàn cho các nghệ sĩ tí hon ca tân nhạc vừa đệm đàn cho các pha đánh dao găm trong các tiểu phẩm của Đoàn văn nghệ thiếu ...

Soạn giả Hà Triều tộc danh là Đặng Ngươn Chúc, sinh năm 1931 tại xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá. Chúc là nhạc công duy nhất chơi băn-giô và măn-đô-lin, vừa đệm đàn cho các nghệ sĩ tí hon ca tân nhạc vừa đệm đàn cho các pha đánh dao găm trong các tiểu phẩm của Đoàn văn nghệ thiếu nhi cứu quốc do tôi làm trưởng đoàn.

Đường lưu diễn của đoàn trải dài các vùng sông nước tỉnh Rạch Giá và bên rìa chiến khu 9 vùng U Minh Hạ, U Minh Thượng, với các tiểu phẩm ngắn (kịch nói) và trình bày ca khúc tân nhạc kháng chiến. Đoàn đến đâu cũng đều được đồng bào đến xem đông đảo. Năm 17 tuổi, Đặng Ngươn Chúc theo học Trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố đến năm 19 tuổi được phân bổ vào ngành công an...

Năm 1955, Đặng Ngươn Chúc lên Sài Gòn tìm đến nhà tôi ở xóm sau nhà thờ Chợ Quán (nay là đường Phan Văn Trị, quận 5, TPHCM). Vốn có tuồng chữ tốt, Đặng Ngươn Chúc được giao phó công việc chép thơ và bản thảo kịch bản cải lương. Sẵn có máu văn nghệ, số vốn kiến thức nghệ thuật, chính trị ở trường Nguyễn Văn Tố, Đặng Ngươn Chúc tập viết bài ca lẻ (ba Nam, sáu Bắc) với đề tài có tính lịch sử cho nhạc sĩ Bảy Quới ở Đài Phát thanh Sài Gòn. Có lẽ đã hẹn trước, Đặng Ngươn Chúc dò tìm và gặp Lương Kế Nghiệp ở Sài Gòn. Chúc và Nghiệp được tôi trao vé xem hát cải lương, vì tôi đang là ký giả kịch trường với bút danh Hà Huy Hà. Xem vài vở, tôi hỏi có viết được tuồng không, Chúc chưa trả lời thì Nghiệp đáp ngay: "Được, mà có thể hay hơn". Và hai người bạn đã viết vở đầu tay "Vì quê hương". Lương Kế Nghiệp lấy bút danh là Hoa Phượng vì sớm đi kháng chiến, để nhớ tuổi học trò. Đặng Ngươn Chúc lấy bút danh Hà Triều, tên của hai người thân: Hà là tên em trai, Triều là tên cháu kêu bằng bác. Nhưng vào sáng ngày 15-5-2003, qua tiếp xúc với số bạn học cũ ở Nguyễn Văn Tố, mới biết Thu Hà là bạn học cùng lớp với Chúc. Em của Thu Hà tên Triều chơi rất thân với Chúc. Thu Hà để ý Chúc nhưng Chúc nhát gái không dám mở lời.

Liên danh Hà Triều - Hoa Phượng lần đầu tiên xuất hiện như đèn le lói. Vốn dị ứng với "dân trên bờ" (dân ngoài luồng nghệ sĩ sân khấu), bầu bì cho khai trương vở "Vì quê hương" vào xuất ban ngày sau khi tập dượt qua loa. Lần đầu tiên xuất hiện kể như thất bại. Hà Triều thua buồn. Còn Hoa Phượng hơi tức nhưng vẫn quyết tâm động viên bạn viết tiếp vở thứ hai: "Sau cơn gió lốc". Lần thứ nhì Hà Triều - Hoa Phượng chưa tạo được chỗ đứng vững chắc. Rất may, lúc đó nghệ sĩ Thúy Nga mời tôi lo tuồng tích cho đoàn. Với vai trò chỉ đạo nghệ thuật, tôi đặt hàng Hà Triều - Hoa Phượng viết vở khai trương. Hà Triều - Hoa Phượng viết vở "Lối vào cung cấm", văn chương, nội dung rất tốt. Sân khấu cần đổi mới từ nội dung đến hình thức, tôi đề nghị đổi sang hình thức tình cảm kiếm hiệp Phù Tang với tên mới "Khi hoa anh đào nở"; mời họa sĩ Loka đảm nhiệm vai trò thiết kế mỹ thuật, phác thảo mô hình tranh cảnh; mời giáo sư Nhật dạy kiếm thuật và chọn âm nhạc mang âm hưởng Phù Tang... Được tái diễn liên tục suốt 4 tuần, vở "Khi hoa anh đào nở" đã gây chấn động kịch trường... Thời đó, có một số người của sân khấu kịch nói coi thường soạn giả cải lương không thể viết kịch nói. Hoa Phượng bàn với Hà Triều viết vở "Sông dài" cho đoàn kịch Thẩm Thúy Hằng. Vở này đã gây sự bùng nổ trong dư luận kịch trường, sau này được quay thành phim và sau giải phóng chuyển thể cải lương... Ngoài những đề tài xã hội phê phán hiện thực, Hà Triều - Hoa Phượng đã viết nhiều kịch bản tiềm ẩn ý thức quật khởi của dân tộc, phê phán người cầm đầu của chế độ cũ một cách kín đáo...

Hơn 60 tuổi, Hà Triều mới gặp một người vợ cùng tá túc trong căn phòng nhỏ hẹp cạnh rạp Hưng Đạo. Nhưng rồi người ấy cũng âm thầm bỏ đi. Tuy sống cô độc nhưng trong những cơn bất trắc, Hà Triều luôn được nhiều người quan tâm ưu ái cho đến khi qua đời.

0