18/06/2018, 12:10

Soạn Giả Thái Thụy Phong

Theo bài tường trình “Nghệ thuật Sân khấu Cải lương 80 năm” của soạn giả Nguyễn Phương, sân khấu cải lương được hình thành từ năm 1917. Soạn giả viết tuồng đầu tiên là Mạnh Tư Trương Duy Toản. Từ năm 1920, soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền – vốn xuất thân là nghệ sĩ đoàn hát ...

Theo bài tường trình “Nghệ thuật Sân khấu Cải lương 80 năm” của soạn giả Nguyễn Phương, sân khấu cải lương được hình thành từ năm 1917. Soạn giả viết tuồng đầu tiên là Mạnh Tư Trương Duy Toản. Từ năm 1920, soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền – vốn xuất thân là nghệ sĩ đoàn hát Tiều- đảm nhận viết tuồng cho nhiều gánh hát lần lượt ra đời. Ông còn tận tình chỉ dạy nghệ thuật ca hát cho nhiều nghệ sĩ về sau đều trở thành soạn giả, bầu gánh hoặc nghệ sĩ trứ danh như Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Vân, Bảy Nhiêu… Ông mất tại nhà thương Châu Đốc ngày 21-9-1953, thọ 76 tuổi. Qua 50 năm trong nghề, với 85 tuồng cải lương, ông được tôn vinh là Hậu Tổ cải lương.

Nhiều năm trước khi ông mất, thực tế cho thấy sân khấu cải lương đã quy tụ rất đông soạn giả được nhiều người ái mộ như Tư Trang, Tư Chơi, Tư Thới, Năm Châu, Năm Nở, Năm Nghĩa, Bảy Cao, cô Bảy Nam, Nguyễn Phương, Viễn Châu, Mộc Linh, Thu An, Nhị Kiều, Quy Sắc … Riêng Thái Thụy Phong thoạt đầu gia nhập nghệ thuật sân khấu bằng một bản vọng cổ mà sức hấp dẫn của nó không kém bài vọng cổ tiên phong Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sư Cao Văn Lầu: Bản Sầu Vương Biên Ải (*).

Năm 1951, hãng dĩa Hoành Sơn tung ra bài vọng cổ này do Út Trà Ôn trình bày làm xôn xao khắp miền Nam. Bằng lối văn bay bướm trữ tình, qua một giọng ca mùi rệu thiên phú, Sầu Vương Biên Ải đã đi sâu vào từng sông lạch, từng con người miệt đồng bằng Cửu Long Giang và nâng đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn lên ngôi “vua vọng cổ”.

Sau Út Trà Ôn, chính bài ca này cũng đã đưa nhiều nghệ sĩ tài tử trở thành chuyên nghiệp, trong đó có hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài. “Hoàng đế” đã có dịp kể lại cơ duyên vào nghề cải lương: “Tốt nghiệp tú tài, tôi giã từ mái trường Long Xuyên về dạy tiểu học tại Núi Sập, Châu Đốc, An Giang. Thời đó tôi muốn hoàn thành ý nguyện của gia đình là nối nghiệp nhà giáo. ..Năm 1959, khi gánh hát Bướm Vàng về hát tại An Giang, tôi được mời lên ca hai bài vọng cổ: Sầu vương biên ải và Viếng mộ chinh phu. Thấy tôi ca được, ông bầu Tha của gánh Bướm Vàng mời tôi về đoàn hát”.

Không chỉ giúp những người mơ làm nghệ sĩ cải lương thành đạt, Sầu Vương Biên Ải còn mang đến cho những người say mê nó vài lợi ích… khôn lường. Như trong tuyển tập Kiệt Tấn, truyện Những Cuộc Tình Không Tới, tác giả kể chuyện thời học lớp đệ tam trường cao-tiểu Vĩnh Long đã dùng Sầu Vương Biên Ải như một cơ hội để được sáp gần người yêu …của kẻ khác: “Hiền còn trẻ, độ mười tám tuổi, nét mặt xinh xinh, nụ cười hiền hậu, thân thể nẩy nở vừa phải và mê vọng cổ. Vậy là trúng tủ anh Hai Te, người thợ mộc tài hoa của ba tôi. Hai người bèn bắt bồ, điều hết sức hợp lý. Tối tối Hiền qua ngồi ở đống cây trước nhà tôi cắn hột dưa lắc cắc và nghe anh Hai Te ca Sầu Vương Biên Ải: Nhìn trời hiu quạnh màn đêm sương gió lạnh, chốn quê nhà thêm chạnh nỗi niềm riêng… Tôi cũng xáp vô ngồi cạnh anh Hai Te để được nghe ca (phần phụ), được ngó lén Hiền và được ngửi lén hương nước hoa thoang thoảng của nàng”.

Như Trần Bang Thạch viết trong bài Đem Theo Bài Ca Vọng Cổ tháng 3/2008: “Tuổi nhỏ của tôi là những trưa, những chiều treo lơ lững trên nhánh sầu riêng, măng cụt của vườn nhà với những điệu Xàng Xê, Thủ Phong Nguyệt, Đão Ngủ Cung… Đặc biệt là 6 câu vọng cổ nhịp 16 thằng bé miệt vườn 10 tuổi là tôi cũng ca mùi rệu như ai để rót vào tai nhỏ bạn kẹp tóc kế nhà. Biết nhỏ mít ướt, thằng bé cứ Mã Chiếm Sơn, Sầu Vương Biên Ải, Tôn Tẩn Giả Điên, Đời Cô Lựu… mà gân cổ ca cho kẹp tóc chảy nước mắt chơi”. Từ những hoài niệm đó, nhà văn lưu vong kết luận: “Có vọng cổ là có hơi hướm của quê hương, có hồn dân tộc, có tình quê, tình nước. Nghe những em bé năm bảy tuổi, nói tiếng Việt chưa thông mà xuống vọng cổ thì cũng như nghe dòng suối ngọt quê hương đang chảy êm đềm trong những con tim tuổi nhỏ”.

Tác giả của bài ca vọng cổ huyền thoại Sầu Vương Biên Ải mang tên thật là Thái Văn Bì, cha là Võ Thạch Ngạn, mẹ là Thái Thị Bướm. Anh sinh năm 1921 tại xã Long Phú quận Tân Châu tỉnh Châu Đốc. Chú ruột là ông Võ An Hà, một đông y sĩ danh tiếng quê nhà. Anh mang họ Thái thay vì họ Võ vì vào năm anh ra đời, song thân anh chưa lập hôn thú nên anh phải lấy họ mẹ. Đứa em trai của anh cũng mang họ mẹ Thái Văn Nem. Theo người chú của anh kể lại, sở dĩ thân phụ anh đặt tên con là Bì và Nem vì ông rất thích lai rai vào mỗi buổi chiều với món nhậu nem bì. Mẹ và em của anh mất trước khi anh nhập học tiểu học. Lên 8, 9 tuổi anh đã tỏ ra rất mê cải lương. Chỗ nào có tập họp đờn ca cổ nhạc là có anh. Không đoàn hát nào về hát tại đình làng Long Phú mà anh vắng mặt… Dứt bậc tiểu học với thành tích xuất sắc, anh được nhập trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ. Đến năm thứ ba anh bị đuổi về vì tham dự biểu tình chống Pháp. Anh tự học thêm mấy năm nữa ở nhà. Thời gian đó giúp anh đọc gần hết tủ sách truyện Tây Tàu của nhà văn tiền phong láng giềng Nguyễn Chánh Sắt. Năm 1940, anh lần mò sang Nam Vang làm nghề gõ đầu trẻ. Năm năm sau, anh ngược về Sài Gòn tiếp tục dạy học tư môt thời gian rồi lên tận vùng biên giới làm thư ký cho một đồn điền…

Không ai biết anh học cổ nhạc với ai, vào thời điểm nào nhưng từ năm 1950, anh bắt đầu sáng tác với bút hiệu Hương Huyền. Năm 1951, hảng dĩa Hoành Sơn tung ra thị trường bản vọng cổ Sầu Vương Biên Ải và …hốt bạc. Thành công bất ngờ giúp anh bỏ đồn điền, hăng hái bước hẳn vào bộ môn cải lương và chọn một bút hiệu khác với hy vọng cuộc đời tốt đẹp hơn: Thái Thụy Phong. Thụy Phong, theo anh giải thích, là ngọn gió mát lành. Các hảng dĩa săn đón, mời mọc nhưng anh vẫn giữ tư thế độc lập. Với mỗi soạn phẩm hoàn tất, anh giao cho một hãng dĩa khác nhau như hảng dĩa Thăng Long, Nam Phương, Lam Sơn, Asia, Việt Hải, Hoành Sơn, Hồng Hoa. Trong vòng 4 năm, từ năm 1952 đến năm 1956, ngoài một số bản vọng cổ mang đến thanh danh, anh còn sáng tác tám tuồng hát là Muôn Dặm Tìm Chồng, Bạch Viên Tôn Các, Sầu Vương Đáy Mộ, Non Tình Biển Hẹn, Đường Ra Ải Bắc, Lá Huyết Thư, Ngày Về Cố Quận và Trường Hận, tuồng nào cũng đặc sắc được thính giả nồng nhiệt tán thưởng. Mỗi lần có tuồng mới, thân phụ anh lên Sài Gòn mang về Tân Châu mở máy hát mỗi đêm. Thời đó hiếm người sắm nổi máy hát dĩa nên đêm nào cũng có vài chục bà con láng giềng đến ngồi đầy trước sân, cả trên lề đường.

Do sáng tác quá hăng, sức khỏe anh suy sụp. Anh tạm ngưng viết vào lúc sân khấu cải lương nở rộ. Nhiều đoàn hát mới ra khai trương. Đoàn Phụng Hảo lần lượt tách thành 4 đoàn. Đoàn Kim Chung còn đi xa hơn từ KC 1 đến KC 6,7. Nhiều đoàn khác tăng cường nghệ sĩ biến thành đại ban như Thanh Minh, Hoa Sen, Năm Châu, Dạ Lý Hương, Hương mùa Thu,Thúy Nga, Út Bạch Lan-Thành Được…Riêng tại thủ đô Sài Gòn đã có đến 20 rạp hát dành riêng cho cải lương.

Sau khi hồi phục, anh đầu quân cho hảng dĩa Asia phụ trách phần kỹ thuật ghi âm và đồng thời làm cố vấn kỹ thuật cho vài đoàn hát. Trong thời gian này anh hợp soạn với Hà Huy Hà vở Con Đò Thủ Thiêm và năm 1958 cho trình diễn trên sân khấu Thúy Nga. Sau vở này, hứng thú với tiểu thuyết tình cảm xã hội Người Vợ Hai Lần Cưới của An Khê ,bất chấp lời chọc quê của ký giả Nguyễn Ang Ca là Người Vợ Chưa Từng Tắm, anh phóng tác thành tuồng sân khấu Hai Chuyến Xe Hoa và được đại ban Thanh Minh-Thanh Nga nổi danh nhất thời đó trình diễn. Vở tuồng thành công ngoài sức tưởng tượng. Đó cũng là lần đầu một vở cải lương hát trên sân khấu được thu vào dĩa bán ra thị trường. Vở tuồng cũng được các đài địa phương cho phát thanh hàng tháng. Thậm chí ngày nay nó còn được đưa lên mạng lưới toàn cầu để mọi người thưởng thức(**). Trong một bút ký đăng trên Thất Sơn Châu Đốc, nhà văn Lương Thư Trung có nhắc đến tuồng hát này: “…vở tuồng xã hội Hai Chuyến Xe Hoa được trình diễn trên sân khấu Thanh-Minh Thanh-Nga nổi tiếng khắp Sài Gòn và các tỉnh miền Nam vào năm 1962. Tuồng cải lương ăn khách đến độ đạo diễn Hoàng Anh Tuấn, cũng là một thi sĩ, người đã thành công khi đạo diễn cuốn phim nổi tiếng Xa Lộ Không Đèn, đã thương lượng với soạn giả Thái Thụy Phong để dựng thành phim Hai Chuyến Xe Hoa và trình chiếu tại thủ đô Sài Gòn và khắp miền Nam vào những năm trong hai thập niên 60-70 ai ai cũng đều biết tiếng”. Ký giả Nguyễn Ang Ca nói thêm chi tiết: “Tại rạp Hưng Đạo, dù trời mưa, đoàn TMTN đã diễn vở tuồng nầy trọn 19 đêm, đợt sau ba tuần lễ mà vẫn đông khách…”. (Thời đó, đoàn hát thường 2, 3 đêm phải thay tuồng mới).

Sau vở tuồng này thì thời cuộc đổi thay. Chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Rồi đảo chánh liên miên, giới nghiêm liên miên. Khán giả sút giảm, các đoàn cải lương diễn cầm hơi. Soạn giả, diễn viên, nhân công được trả lương theo thu nhập… Riêng với Thái Thụy Phong, dù vẫn được hảng dĩa Hồng Hoa (Asia) trọng dụng, vẫn được trả lương đầy đủ nhưng vẫn không đủ trang trải cho đàn con bảy đứa. Nội tướng của anh bắt đầu đi làm. Đứa con gái lớn cũng nghỉ học vào vào làm sở Bưu điện trung ương. Buồn phiền, anh hút thuốc liên miên và nhuốm bịnh lao… Năm 1966, anh soạn xong vở tuồng Bơ Vơ và được đoàn Thanh Minh-Thanh Nga long trọng khai trương nhưng vẫn không đủ hấp lực kéo khán giả đến rạp. Rồi trận Tết Mậu Thân khiến hai đứa con trai lớn lần lượt nhập ngũ. Nỗi lo ngày đêm làm căn bệnh anh nặng thêm. Anh đau đớn, chán nản và mệt nhoài…

Chiều ngày 17 tháng 9 năm 1968, anh trút hơi thở cuối cùng trên chiếc xích lô chở anh từ sở làm về nhà….

Ngày hôm sau, các báo ở Sài Gòn đồng loạt loan tin buồn. Những ngày kế tiếp là vô số lời phân ưu, những bài tưởng niệm của bạn bè đồng nghiệp, của ký giả nghệ sĩ. Ký giả Cẩm Thi của báo Trắng Đen ra ngày 23-9-1968 bày tỏ: “Soạn giả Thái Thụy Phong là con người điềm đạm, ít nói, chân thật và sẵn sàng tiến dẫn soạn giả, ca sĩ mới nên được nhiều người mến chuộng. Trên 10 năm hợp tác với hảng dĩa Asia, Thái Thụy Phong là người tận tụy cần mẫn. Một số đông danh ca, nghệ sĩ hữu danh, ca sĩ mới nổi đều mang nặng ân tình với Thái Thụy Phong”.Một trong những đức tính vừa nêu được ký giả Hoàng Kim mô tả trên trang nhà của nữ ca sĩ Khánh Ly qua bài kể về tình bạn tuyệt vời của đôi soạn giả tài danh HÀ TRIỀU – HOA PHƯỢNG : “Năm 1956, đất Sài Gòn xuất hiện một chàng trẻ mới 22 tuổi, vốn là dân kháng chiến chống Pháp ở Rạch Giá, chiều chiều ngơ ngác đi dọc đường Trần Hưng Đạo nhìn phố thị xa hoa… Chợt một bữa, anh chạm mặt Sơn Nam cũng đang thả bộ dạo chơi… Thế là Sơn Nam kéo chàng trai về nhà của thi sĩ Kiên Giang, vốn là “tụ điểm” của anh em văn nghệ sĩ… Trong số đó, có một chàng cũng trẻ măng, cùng tị nạn từ Long Xuyên lên…Nhà thơ Kiên Giang cười cười giới thiệu “người Rạch Giá” với “người Long Xuyên”… và ông gạ thêm “hai đứa bây thử viết tuồng cải lương coi!”. Hai chàng trẻ …nghe vậy ừ luôn. Rủ nhau cùng ngồi nghĩ ra cốt truyện, chi tiết, rồi mỗi người viết một màn, xong ráp lại, chỉnh sửa. Tức cười, tác phẩm hoàn thành mà người sáng tác không tìm nổi tựa đề cũng như bút hiệu cho mình. Lơn tơn qua rạp Thành Chung, gặp soạn giả Thái Thụy Phong, ông này đặt giùm 3 chữ Vì Quê Hương”.

Soạn giả Hà Huy Hà trên báo Tia Sáng ra ngày 22-23/9/1968 viết về kỷ niệm hoạt động cùng người bạn đồng nghiệp: “Trên sân khấu Thúy Nga, tôi và soạn giả Thái Thụy Phong là đôi bạn đồng hành, thường sát cánh nhau từ lúc sân khấu này vừa được tượng hình cho đến khi chánh thức khai trương. .. Lúc ấy Thành Được còn là một kép cay của sân khấu Vĩnh Viễn. Bích Sơn là một nghệ sĩ Bắc di cư mới vào Nam. Chúng tôi quyết tâm làm một cuộc thực nghiệm đường lối “trẻ trung hóa sân khấu với sự hiện diện của anh kép trẻ và một cô đào mới…Ít ai biết thiện chí và ý thức cầu tiến của Thái Thụy Phong trong vai trò phụ tá giám đốc kỹ thuật của đoàn Thúy Nga”. Soạn giả Hà Huy Hà cũng tiết lộ, sau lần giúp Hà Triều-Hoa Phượng đề tựa Vì Quê Hương cho vở hát đầu tiên, Thái Thụy Phong còn giúp đỡ hai soạn giả trẻ trung này ở vở hát kế tiếp: “Soạn giả Thái Thụy Phong đã góp ý để điều chỉnh vấn đề kỹ thuật trong vở Khi Hoa Anh Đào Nở. Tôi và Thái Thụy Phong đã dồn nhiều nổ lực để thực hiện tuồng hát này.”

Quan tài của anh được quàng tại tư gia ở khu Bàn Cờ đô thành Sài Gòn. Lễ tang được tổ chức trọng thể qua sự điều hợp của cậu ba Đức, giám đốc hảng dĩa Asia và người em-chú-bác Nguyễn Văn Phiên cũng mang họ mẹ, chánh sự vụ sở Hành Chánh Tài Chánh số 1, Quân Khu 3. Rất đông các chủ hảng dĩa, các soạn giả bạn bè, các ký giả sân khấu kịch trường, các nghệ sĩ , nhạc sĩ, khán giả ái mộ …đã đến phúng viếng và tiển đưa soạn giả Thái Thụy Phong đến nơi an nghĩ cuối cùng tại nghĩa trang chùa Huỳnh Kim, Hạnh Thông Tây, Gò Vấp. Anh mất ở tuổi 47 với 18 năm nghề, góp phần không nhỏ trong việc kích động lòng yêu thích nghệ thuật cải lương khắp mọi miền đất nước miền Nam. Anh chết trẻ nhưng chắc là không tiếc nuối cuộc đời soạn giả: Cũng theo bài tường trình của soạn giả Nguyễn Phương, sau tháng 4/75, các đoàn cải lương đều bị giải tán và toàn bộ nghệ sĩ đều bị buộc phải vào các đoàn hát quốc doanh… Và với tuồng tích chỉ đạo, ca ngợi “giải phóng” và “cách mạng”… đến năm 2000, trừ rạp hát Hưng Đạo, tất cả 19 rạp khác đều được sở Văn hóa Thông tin cho mướn làm vũ trường, nhà hàng ca nhạc. Nghệ thuật sân khấu cải lương trên bước suy tàn…
Hơn thế nữa, vong linh anh hẵn đã được thanh thản, siêu thoát vì ngay thưở còn sinh tiền, anh đã được ghi nhận là danh nhân Tân Châu trong quyển sưu khảo TÂN CHÂU của Nguyễn Văn Kiềm và Huỳnh Minh xuất bản năm 1965 (tái bản năm 2003 với tựa TÂN CHÂU XƯA tr. 297-299).

Thái Thụy Phong mất đi để lại vợ Nguyễn Thị Năm và bảy đứa con đều mang tên bắt đầu bằng Thái Thụy. Đến năm 1973, khi các đứa lớn đã có gia đình và đều có việc làm, vợ anh bán nhà và dẫn ba đứa con nhỏ về Bà Rịa nhận căn nhà thừa tự. Tiền bán ngôi nhà ở Bàn Cờ được chị gửi vào ngân hàng phòng khi gặp khó khăn túng quẩn.

Tháng 4/75, cách mạng tới, giải phóng luôn số tiền dành dụm khá lớn của chị. Rồi hai đứa con trai bị đi tù cải tạo. Một đứa được thả sớm nhưng phải đi thanh niên xung phong. Đang sống yên ấm, bỗng dưng gia đình trở nên túng quẩn, chia lìa, khiến chị quẩn trí. Và chị tự ý chọn cái chết vào năm 1976 nên không biết ba năm sau con mình bị tử nạn khi đang lao động khổ sai. Cuộc sống đầy hận thù và gian khổ khiến ai nấy cố tìm đường thoát thân. Ba người con lần lượt vượt biên qua nước Úc…

Năm 1988, tuy đã ra người thiên cổ nhưng Thái Thụy Phong vẫn chưa được yên giấc nghìn thu. Chính quyền cách mạng ra lệnh giải tỏa nghĩa trang chùa Huỳnh Kim. Hạn chót đã gần kề mà các con anh không ai hay biết. Thời may, đúng lúc đó người em Nguyễn Văn Phiên được tha về sau 13 năm tù cải tạo và biết được thông cáo khi đến viếng mộ anh. Các chú cháu cùng về Tân Châu lo liệu bán khu đất hương hỏa để làm chi phí bốc mộ. Hài cốt của Thái Thụy Phong được hỏa táng vào năm 1990 tại Hạnh Thông Tây và tro được an vị trong chùa Chánh Thiên, Bà Rịa.

Nhưng những bất hạnh vẫn chưa buông tha các con Thái Thụy Phong còn kẹt lại quê nhà. Năm 2001, trưởng nam Thái Thụy Điển lâm bệnh và từ trần. Năm 2006, trưởng nữ Thái Thụy Khanh cũng đi theo cha mẹ và hai anh. ..

Nhân ngày giỗ thứ 41 (17-9-2009) của soạn giả Thái Thụy Phong…
Dựa theo các tư liệu từ các con của anh là Thụy Hồng, Thụy Lan, Thụy Hải, Thụy Vũ và theo ký ức của người em Nguyễn Văn Phiên đồng thời cũng là bạn…
Một đứa em-chú-bác khác biên soạn bài này thay cho nén hương tưởng nhớ những người thân yêu đã khuất.

GHI CHÚ:
(*) Lời bản vọng cổ Sầu Vương Biên Ải
NÓI LỐI: Nhìn trời hiu quạnh rừng đêm sương gió lạnh.Chốn quê nhà lòng chạnh nỗi niềm riêng. Em ơi muôn dặm xa xôi xin em giữ vẹn hương nguyền để cho người cô lữ khỏi mang niềm tủi hận…
CÂU 1: Thâu canh hồn ngơ ngẩn nhìn ánh trăng khuya soi lặng lẽ giữa đêm trường…
Cảnh vật mơ màng say giấc điệp giữa trời sương.
Chạnh nỗi lòng người viễn khách cô đơn ngoài biên ải lạnh lùng sầu vương theo ngọn gió.
CÂU 2: Tấm thân tuy dầu dãi phong trần nơi lữ thứ mà hồn thê còn trơ đoái mộng gia đình.
Nhớ buổi tiễn đưa lệ đẫm tuôn dòng. Phút hận chia lìa không tả được niềm đau. Niềm riêng mang nặng canh cánh bên lòng. Nhớ bạn thâu phòng vàng võ nét thu phai.
CÂU 3: Giọt sương tưới ngàn cây đẫm lệ.Ngọn gió lay cành lả tả tơi. Hương quê già tìm giá lạnh ra khơi. Khóc cho đời cô lữ nơi ven trời cô quạnh. Còn cảnh nhớ người thiếu phụ trông ngọn đèn khuya mơ hình bóng chinh lang ngoài muôn dặm núi mây ngàn.
CÂU 4: Đêm vơi khắc lụn canh tàn. Gió lướt nhẹ nhàng. Rừng đêm xào xạc. Mấy đoạn tơ lòng.
Rung động nhịp hoài mong. Ngẩn ngơ nhìn cỏ cây vắng vẻ lạnh lùng. Tâm hồn như hương phụ kia còn màu sương u ám. Em ơi tuổi bấy lửa ta xinh chưa bén đượm. Mà ai xuôi chi cho phượng phải xa hoàng.
CÂU 5: Thơ xưa ôn lại đã bao lần. Lời âu yếm chưa đượm nét mờ vong.
Câu ái ân vẫn đượm nồng. Mùi chung thủy lòng anh càng thất thỉu .
Niềm thương nhớ bạn xa xăm mòn mỏi. Chiếc bóng thâu canh khắc khoải đợi tin hồng.

CÂU 6: Vì nước non mịt mờ cơn khói lửa khiến cho đôi ta như kẻ Tần người Sở, sâm thương ngăn trở. Như nhạn lạc giữa rừng khuya. Anh thì dặm ngàn sương gió chốn xa xăm.

Còn em chịu cảnh chăn đơn gối lẻ chốn loan phòng. Thâu canh đẫm lệ tình dầm chang khăn áo.

Nét liễu phai tàn môi thắm lợt màu son.
(**) Tuồngcải lương Hai Chuyến Xe Hoa do Hữu Phước-Thanh Nga-Minh Cảnh-Lệ Thủy-Kim Cúc-Việt Hùng diễn xuất.

0