Bàn về thời điểm ra đời của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà
Đặng Thanh Bình I. Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà thực sự là tác phẩm gây nhiều tranh luận nhất từ trước tới nay, có 3 mối bận tâm chính đồi với tác phẩm này là: thời điểm sáng tác, tác giả của bài thơ và bản dịch tác phẩm. Trong bài này chúng ta sẽ lược khảo những tác giả quan tâm tới ...
Đặng Thanh Bình
I. Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà thực sự là tác phẩm gây nhiều tranh luận nhất từ trước tới nay, có 3 mối bận tâm chính đồi với tác phẩm này là: thời điểm sáng tác, tác giả của bài thơ và bản dịch tác phẩm. Trong bài này chúng ta sẽ lược khảo những tác giả quan tâm tới tác phẩm và cuối cùng là đưa ra giả thuyết về thời điểm sáng tác bài thơ.
Trong bài Về thời điểm ra đời của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của tác giả Nguyễn Thị Oanh viết: “không ít học giả nổi tiếng trong công trình khoa học của mình vẫn khẳng định: bài thơ Nam quốc sơn hà là của Lý Thường Kiệt. Có thể kể ra đây một vài công trình tiêu biểu như: Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn, Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Tổng tập văn học Việt Nam của Văn Tân, Lịch sử văn học Việt Nam của Đinh Gia Khánh và một số bộ tổng tập lớn của thời đại như Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Thơ văn Lý – Trần, Tổng tập văn học Việt Nam”.
Trong bài Lịch sử, sự thật và sử học của tác giả Hà Văn Tấn viết: “Chẳng hạn, không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ Nam quốc sơn hà Nam đế cư là của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả. Sử cũ chỉ chép rằng trong trận chống Tống ở vùng sông Như Nguyệt, một đêm quân sĩ nghe tiếng ngâm bài thơ đó trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát. Có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt đã cho người ngâm thơ. Đi xa hơn, có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ. Nhưng đó chỉ là đoán thôi, làm sao nói chắc được bài thơ đó là của Lý Thường Kiệt. Thế nhưng, cho đến nay, mọi người đều tin rằng đó là sự thật, hay đúng hơn, không ai dám nghi ngờ đó không phải là sự thật”.
Trong bài Về truyền thuyết một bài thơ: Nam Quốc Sơn Hà là vô danh, không phải của Lý Thường Kiệt của tác giả Bùi Duy Tân viết: “khẳng định bài thơ Nam quốc sơn hà là khuyết danh tác giả, Lý Thường Kiệt chỉ là người sử dụng bài thơ đã sẵn có để khích lệ tướng sĩ chiến đấu, tôi đã viết đến ba bài, nhắc đến dăm bảy lần khi viết những vấn đề có liên quan đến bài thơ và đặc biệt nói ở trên lớp sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh không nhớ đã bao lần ở hàng chục lớp ở Hà Nội, mấy chục lớp ở miền Trung, miền Nam khi đào tạo các lớp cao học, cử nhân sư phạm. Bài: Nên chọn tác phẩm nào là sớm nhất của văn học trung đại Việt Nam. Bài: Bài thơ sớm nhất: Nam quốc sơn hà hay Quốc tộ. Ở hai bài này, tôi hướng việc chọn vào Nam quốc sơn hà mà tôi cho rằng đã ra đời sớm hơn Quốc tộ. Vì Nam quốc sơn hà được thần đọc giúp Lê Hoàn khi đánh Tống, tất phải xuất hiện trước bài thơ Quốc tộ của Pháp Thuận, viết để trả lời Lê Hoàn hỏi về vận nước sau khi chống Tống thắng lợi năm 981. Bài: Bàn thêm về văn bản và tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà cũng có đoạn viết: Bài thơ là của thần, thần sông Như Nguyệt: Trương Hống, Trương Hát, đúng hơn là của tập thể các tác giả đã tạo nên những huyền thoại, truyền thuyết, những lời tương truyền”.
Trong bài Pháp Thuận và bài thơ thần nước Nam sông núi của tác giả Lê Mạnh Thát viết: “Ngô Sĩ Liên cho thấy, ông đã lấy thông tin từ “thế truyền” tức những lời lưu truyền ở đời, để đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư. Mà những lời lưu truyền này chắc chắn đã tồn tại trước thời Ngô Sĩ Liên. Tập hợp đầu tiên các truyện ấy ta có Lĩnh nam chích quái nếu không phải của Trần Thế Pháp, thì cũng của một tác gia thời Trần mạt, tức nửa cuối thế kỷ thứ 14. Điều này có thể chứng minh một cách dễ dàng, khi phân tích các truyện có trong các truyền bản của Lĩnh nam chích quái hiện được bảo lưu. Chẳng hạn, trong số 22 truyện của nó, có hai cặp truyện chắc chắn là rút ra từ Thiền uyển tập anh. Đó là cặp truyện Từ Đạo Hạnh Nguyễn Minh Không và cặp truyện Dương Không Lộ Nguyễn Giác Hải. Văn cú của hai cặp truyện này trong các truyền bản hiện có hầu như hoàn toàn thống nhất với các văn cú của truyện bốn vị thiền sư có trong Thiền uyển tập anh. Thiền uyển tập anh ta đã biết là phải ra đời vào năm 1337. Do thế, tác giả Lĩnh nam chích quái đã sao lại truyện của bốn vị thiền sư vào trong sách của mình. Đúng là ông đã làm công tác “chích quái” tức là nhặt lấy những truyện lạ từ các sách khác để tạo nên tác phẩm của mình. Từ đó chuyện hai vị thần Long Nhãn và Như Nguyệt dù ngày nay ta không có được may mắn như trường hợp truyện bốn thiền sư, chắc chắn cũng phải được tác giả Lĩnh nam chích quái đã trích dẫn từ một văn bản nào đó, mà ngày nay ta chưa thể tìm ra được (Có người do không nghiên cứu kỹ càng nên đã viện dẫn bừa bãi về nghĩa chữ chích, rồi khen đại là tác giả Lĩnh nam chích quái đã có sự gia công đóng góp của mình. Phân tích truyện bốn thiền sư trên cho ta kết quả hoàn toàn ngược lại. Tác giả Lĩnh nam chính quái đã trích dẫn sao y nguyên văn bốn truyện vừa nêu, dù từ Thiền uyển tập anh hay bất cứ một nguồn nào khác) Dẫu vậy, nếu so với Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh nam chích quái có một tính cổ sơ và văn bản đáng tin cậy hơn là Đại Việt sử ký toàn thư. Vì thế, bài thơ Thần phải được coi là xuất hiện dưới thời vua Lê Đại Hành trong cuộc chiến tranh năm 981, chứ không phải là trong cuộc chiến tranh năm 1076 với Lý Thường Kiệt. Xác định thời điểm ra đời của bài thơ như thế, không những phù hợp với nội dung và ý nghĩa của bài thơ như một tuyên ngôn độc lập, mà còn phù hợp với cung cách chỉ đạo chiến tranh của vua Lê Đại Hành (…) Vấn đề tiếp theo là dù thơ Thần đi nữa thì cũng phải do con người làm ra, phải thông qua một con người để đọc lên. Vậy, ai có khả năng có thể làm ra bài thơ này ? Để trả lời câu hỏi này, ta thấy trong số những người tham mưu vào bộ chỉ huy của vua Lê Đại Hành trong cuộc chiến tranh năm 981 không ai có nhiều điều kiện gần gũi hơn Pháp Thuận, đặc biệt khi truyện Pháp Thuận đã xác nhận ông là người tham gia “vận trù kế sách” ngay từ lúc vua Lê Đại Hành sáng nghiệp. Hơn nữa, nếu những văn thư ngoại giao dưới triều Lê Đại Hành là do Pháp Thuận soạn thảo, như trên đã chứng tỏ, thì việc Pháp Thuận sáng tác bài thơ Thần ấy là một kết luận hợp lý. Ngoài ra, Pháp Thuận đã có một hệ tư tưởng chính trị hoàn chỉnh phát biểu trong bài thơ Vận nước dưới đây. Đây là hai yếu tố khác cho phép xác nhận khả năng Pháp Thuận đã sáng tác bài thơ ấy. Thêm vào đó, bài thơ này hòa nhập một cách nhuần nhuyễn và thể hiện được khuynh hướng nổi bật của dòng văn học thời sự chủ lưu các thế kỷ ấy. Khuynh hướng văn học nổi bật đây đã chi phối gần 300 năm phát triển của nền văn học Việt Nam với sự tập trung cao độ của vấn đề nóng bỏng nhất của dân tộc thời bấy giờ là vấn đề làm chủ đất nước. Từ khi Định Không khai sáng ra dòng văn học này, nó đã liên tục làm chủ sự phát triển của văn học Việt Nam giai đoạn ấy. Đó là nền văn học phục vụ cho cuộc đấu tranh chính trị vì chủ quyền của đất nước, vì quyền sống của người dân, vì sự hưng thịnh của Phật giáo. Chưa bao giờ trong lịch sử văn học nước ta lại có một sự nhất quán cao độ như thế về cảm thức thời sự của những cây bút anh tài. Dòng văn học này đã qui tụ xung quanh nó một loạt các nhà thơ lớn của dân tộc từ Định Không cho đến Vạn Hạnh, qua La Quí, Khuông Việt, Pháp Thuận, Đa Bảo. Cho nên bài thơ Thần ra đời vào giai đoạn ấy nằm trong xu thế chung của lịch sử văn học Việt Nam ở giai đoạn đó”.
Trong bài Về thời điểm ra đời của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của tác giả Nguyễn Thị Oanh viết: “Nếu được thần ngầm giúp thì sau khi chiến thắng vua Lý Nhân Tông phải phong thưởng, ban thêm mĩ tự cho thần, nhưng không thấy VĐUL ghi chép gì về điều này. Ngay trong tự điển các thần, tức các bản thần tích, thần phả được lưu giữ nhiều đời ở các đền họ Trương và trong hồ sơ gia phong tước hiệu các thần ở triều đình cũng không thấy ghi chép gì việc vua Lý Nhân Tông phong tước hiệu cho thần sau cuộc kháng chiến chống quân Tống thắng lợi. Việc phong thưởng phải chờ đến 200 năm sau, tức năm Trùng Hưng 1 (1285) hai thần mới được phong là Như nguyệt khước địch và Uy địch đại vương. Việc không được triều đình phong kiến phong thưởng chẳng phải nói lên sự kiện “Lý Thường Kiệt” chỉ là sự “tái tạo” truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát về sau này của các sử gia phong kiến sao ? Có lẽ truyền thuyết ban đầu của VĐUL đã bị các sử gia phong kiến sau này sửa chữa cho phù hợp với nhãn quan Nho giáo và như vậy, truyền thuyết trong có bài thơ của LNCQ cổ nói trên phải chăng là dạng ban đầu, xưa nhất của sách VĐUL mà nay chúng ta mới tìm thấy ? (…) chúng tôi cho rằng bài Nam quốc sơn hà ra đời gắn với Lê Đại Hành và công cuộc kháng chiến vĩ đại lần thứ nhất của dân tộc ta sau khi giành được quyền độc lập tự chủ từ tay đế chế phương Bắc”.
Trở lại tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà của tác giả Nguyễn Thị Oanh viết: “Sách Thiền uyển tập anh mục Đại sư Khuông Việt cho biết: “dưới triều Lê Đại Hành, sư đặc biệt được vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự. Năm Thiên Phúc thứ nhất (981) quân Tống sang xâm lược nước ta. Trước đó vua đã biết chuyện này, bèn sai sư đến đền cầu đảo xin thần phù hộ (chúng tôi nhấn mạnh) quân giặc kinh sợ lui về giữ sông Hữu Ninh. Đến đây, bọn chúng lại thấy sóng gió nổi lên ùn ùn, giao long nhảy tung trên mặt nước, quân giặc sợ hãi tan chạy”. Đoạn ghi chép trên trong sách Thiền uyển tập anh (TUTA) đã cho chúng ta biết thông tin quan trọng, đó là đại sư Khuông Việt đã tham gia chiến trận chống Tống năm 981 với vua Lê Đại Hành. Ông còn được vua sai đến đền để cầu đảo xin thần phù hộ. TUTA không cho biết cụ thể về ngôi đền nào, nhưng có thể là một trong ngôi đền thờ Trương Hống, Trương Hát (vốn được thờ như thủy thần khắp các làng xã ven sông Cầu, sông Đuống, sông Lục Đầu) vì sách TUTA cũng cho biết đương thời, ông thường đến chơi ở quận Bình Lỗ, một địa danh gần với sông Đồ Lỗ nơi Lê Đại Hành đóng quân cầm cự với giặc Tống theo truyền thuyết trong LNCQ. Các nhà sử học Việt Nam đã xác định Đồ Lỗ “là nơi gần gũi với sông Cầu và sông Cà Lồ, vì Bình Giang chính là sông Cầu, còn Như Nguyệt là chỗ sông Cà Lồ đổ vào sông Cầu” là phòng tuyến chống giặc Tống của quân ta thời đó. Theo sách TUTA thì địa điểm giặc Tống thua là trên sông Hữu Ninh. Theo một số nhà nghiên cứu, sông Hữu Ninh cũng là sông Chi Ninh, vốn là sông Chi Lăng, đến đời Lê Trang Tông (1533-1548) kiêng húy chữ Ninh nên đã sửa lại là Chi Lăng, tức là con sông Thương chảy qua ải Chi Lăng ( tỉnh Lạng Sơn) đổ xuống sông Lục Đầu. Đối chiếu với truyền thuyết về hai thần Trương Hống Trương Hát phù giúp vua Lê Đại Hành trong LNCQ thì có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là trận đánh cuối cùng xẩy ra trong đêm mưa to gió lớn khiến giặc Tống đại bại. Chi tiết “ông [Khuông Việt] được vua sai đến đền cầu đảo” cũng dẫn đến gợi ý, có thể khi làm lễ xin thần phù hộ, ý tưởng mượn uy thần làm bài thơ Nam quốc sơn hà để cổ vũ động viên binh sĩ đã hình thành trong ông. Vua sai ông đi cầu đảo, cũng có nghĩa vua và toàn dân đã đặt niềm tin tưởng vào sự trợ giúp của thần. Trong văn hóa tâm linh thời đại, thần có tác dụng với người hơn là người với người, vì thế ông đã mượn uy thần để làm bài thơ Nam quốc sơn hà. Đại sư Khuông Việt là người giỏi thơ văn, ông còn được biết đến với bài từ nổi tiếng Ngọc lang quy đưa tiễn sứ giả Trung Quốc Lý Giác về nước, bởi vậy giả thiết tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà là đại sư Khuông Việt, theo chúng tôi là đáng tin cậy và có sức thuyết phục cao”.
* Rất nhiều các tác giả cho rằng bài thơ Nam Quốc Sơn Hà là của Lý Thường Kiệt và gắn liền với cuộc kháng chiến chống Tống năm 1076. Tuy nhiên tác giả Hà Văn Tấn cho rằng không thể chứng minh bài thơ Nam Quốc Sơn Hà là của Lý Thường Kiệt, việc cho rằng Lý Thường Kiệt là tác giả của bài thơ là ngộ nhận. Tác giả Bùi Duy Tân cho rằng tác phẩm Nam Quốc Sơn Hà ra đời vào thời Lê Đại Hành, gắn liền với cuộc chiến tranh chống Tống năm 981 và đây là 1 tác phẩm vô danh. Tác giả Lê Mạnh Thát cho rằng tác phẩm do Pháp Thuận sáng tác dưới triều Lê Đại Hành. Đồng quan điểm về thời gian ra đời của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà nhưng tác giả Nguyễn Thị Oanh cho rằng người làm ra bài thơ là Khuông Việt.
Trong bài Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà có từ bao giờ của tác giả Đinh Ngọc Thu viết: “Thiên Thư là tên của một bộ sách được soạn dưới thời vua Tống Chân Tông (…) Nội dung bộ Thiên Thư nói rằng: vua Tống là con của trời, do trời sai xuống trần gian để
cai trị thiên hạ. Vì vậy, dân chúng ở phía bắc là Địch, phía tây là Nhung, phía nam là Man và phía đông là Di là các sắc dân phải nghe theo lời của trời mà quy phục thiên tử, tức vua Tống Chân Tông thời bấy giờ. Sách cũng định rõ biên giới giữa Trung Hoa với các nước xung quanh như: đông, tây, nam, bắc. Sau đó, vua Tống Chân Tông cho người trốn vào trong các đền thờ linh hiển nhất nước để đọc cho dân chúng nghe, làm cho người dân tin rằng không những trời gửi sách xuống mà còn sai thiên tướng xuống đọc. Vì vậy dân chúng khắp nơi rất tin tưởng và ghi lại những điều do trời dạy dỗ (…) tác giả bài thơ đã dựa vào kinh “Thiên Thư” dưới thời vua Tống Chân Tông để chống giặc Tống, cho nên bài thơ trên chỉ có thể xuất hiện sau khi bộ kinh Thiên Thư hoàn thành. Như vậy, có hai giả thuyết: 1/ Nếu cho rằng bài thơ trên có từ thời vua Lê Đại Hành phá Tống thì kinh “Thiên Thư” phải được viết trước thời này, tức là trước năm 981. 2/ Nếu cho rằng bài thơ xuất hiện vào thời Lý Thường Kiệt đánh Tống, sau thời vua Lê Đại Hành đánh Tống và kinh Thiên Thư có trước bài thơ, vậy thì kinh Thiên Thư chỉ có thể xuất hiện trong khoảng thời gian từ năm 982-1077. Giả thuyết thứ nhất bị loại vì trong Tống sử, Chân Tông bản kỷ, quyển VII, do Thuyết Thuyết chủ biên, có nói rõ việc vua Tống Chân Tông cho soạn Thiên Thư xong năm 1019 (…) Vì vậy Thiên Thư không thể viết trước năm 981. Giả thuyết thứ hai, Thiên Thư được viết xong năm 1019 sau khi vua Lê Đại Hành phá Tống năm 981 và trước khi Lý Thường Kiệt đánh Tống trên sông Như Nguyệt năm 1077. Như vậy bài thơ trên chỉ có thể xuất hiện vào thời Lý Thường Kiệt đánh Tống bên sông Như Nguyệt đầu năm 1077 mà thôi”.
Trong bài Bàn về hai chữ “Thiên thư” trong bài Nam quốc sơn hà của tác giả Lê Văn Quán viết: “tác giả dùng hai chữ “thiên thư 天 書” (= sách trời) là có cơ sở pháp lý vững chắc, chứ không phải dựa vào “thiên mệnh” (= mệnh trời). Tác giả nắm rất vững văn hóa truyền thống Trung Hoa về “phân dã 分 野” tức là cách phân chia bờ cõi đất nước. Sách “ Sử ký, Thiên quan thư 史 記 天 官 書” viết “天 則 有 列 宿 , 地 則 有 州 域 – Thiên tắc hữu liệt tú, địa tắc hữu châu vực” (Trời thì có các vì sao, đất thì có châu vực). Như vậy, chúng ta có thể thấy người xưa coi (xem) các ngôi sao trên trời có liên hệ với châu vực ở dưới đất. ở thời đại Xuân Thu Chiến Quốc, người ta căn cứ vào Châu vực ở dưới đất để phân vạch sao trên trời, phân biệt các ngôi sao ở trên trời phối với châu, quốc ở dưới đất, khiến chúng đối ứng với nhau, mỗi ngôi sao là thuộc “phân dã” (= phân chia bờ cõi) của mỗi nước. Cách phân vạch bờ cõi của các sao, nói chung phân phối theo các nước như sau. Ngay ở Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu cũng chép: “Người ngày xưa chia vạch bờ cõi, theo đúng như các vì sao, nên gọi là phân dã 分 野. Do đó “thiên thư” (= sách trời) mà tác giả nói đến là liên quan đến phân dã (分 野) đến các ngôi sao trên trời. Đấy là một hiện thực khách quan, mỗi một vì sao trên trời thuộc phân vạch bờ cõi của mỗi nước, điều đó sử sách còn ghi chép rành rành. Tác giả vận dụng “thiên thư” (= sách trời) là đề xuất đến phép tắc vĩnh hằng, phổ biến, khách quan, tính hợp lý đã sản sinh ảnh hưởng rất lớn trong văn hóa tư tưởng truyền thống Trung Hoa (…) Hai chữ “thiên thư 天 書” (= sách trời) không nên hiểu theo quan điểm “thiên mệnh” (mệnh trời) của Nho giáo. Vì ở thời Tần Hán, Nho gia Đổng Trọng Thư đưa ra quan điểm duy tâm “trời” trở thành thượng đế có quyền lực tối cao, mọi người đều do thượng đế sáng tạo ra”.
Trong bài Góp bàn về mấy chữ có liên quan đến bài thơ Nam quốc sơn hà của tác giả Lại Văn Hùng viết: “Tác giả bài viết “Bàn về hai chữ “thiên thư” trong bài thơ Nam quốc sơn hà” đã chỉ lẩy ra một quan niệm về “Thiên mệnh” của Đổng Trọng Thư, để cho rằng nói “Thiên mệnh” là duy tâm và vội vàng quy chụp, trong khi “Thiên mệnh” còn được quan niệm theo nhiều cách khác nhau; vả lại ngay trong đoạn trích đã thấy, PGS. Bùi Duy Tân cũng dùng trong mạch “thiên mệnh, thiên lý, thiên ý, thiên uy”. Tư duy cho phép lấy cái bộ phận để chỉ cái toàn thể (như kiểu “nếm một miếng biết cả vạc”) nhưng rất nhiều khi tư duy cũng không cho phép như vậy (như kiểu bảo “con voi là cái quạt”, “con voi là cái cột”). Để bạn đọc tiện theo dõi và dễ tìm, chúng tôi xin mách: ngay trong tập Từ điển Nho – Phật – Đạo (Bản dịch, Nxb. Văn học, H. 2001) ở trang số 1441 có mục từ “Thiên mệnh” với các hàm nghĩa, các dẫn dụ khá là phong phú”.
Trong bài Thiền sư Không Lộ tác giả bài Nam quốc sơn hà – Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam! của tác giả Viên Như viết: “Rõ ràng bài thơ Thần trong LNCQ chỉ là sửa lại từ bài thơ trong ĐVSKTT do đó tính khả tín của bài NQSH trong LNCQ là không cao. Vậy tại sao tác giả LNCQ lại viết NQSH thuộc về thời Tiền Lê? Tác giả “chích” từ sách nào? Hay tác giả tự sáng tác? Câu trả lời là: Tác giả rất có thể đã “chích” câu chuyện này từ bộ ĐVSK của Lê Văn Hưu rồi sửa lại thời không từ đời Lý sang thời Tiền Lê. Lý do cho việc sửa này chắc là lấy lòng nhà Hậu Lê. Bởi vì chính nghĩa của Lê Lợi là con cháu nhà họ Lê. Như vậy tác phẩm này có thể ra đời sau khi Lê Lợi lên ngôi chứ không phải thời Trần mạt như có người đề nghị (…) Từ những so sánh phân tích trên với tính khả tín của bộ ĐVSKTT tôi cho rằng bài thơ thần đã được viết và đọc vào thời Lý Thường Kiệt phá quân Tống trên sông Như Nguyệt năm 1076 (…) Như vậy tác giả của nó phải là người thời Lý do vậy ta phải nghiên cứu xem ai có thể có được những yếu tố thuyết phục để có thể xem là tác giả bài thơ nổi tiếng này. Con người ấy nhất định phải có mối liên hệ chặc chẽ với chế độ đương thời và nhất là phải có những tác phẩm còn lại phản ảnh được mối tương quan với bài thơ NQSH . Tìm lại trong văn học đời Lý vào thời điểm đó ta thấy có một con người với những yếu tố mà tôi cho là có thể là tác giả bài thơ Nam Quốc Sơn Hà – bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Người đó chính là Thiền sư Không Lộ. Dương Không Lộ (1016 – 1094) tên thật là Dương Minh Nghiêm Pháp Hiệu là Không Lộ quê ở Hải Thanh Giao Thủy Tỉnh Nam Định. Ông xuất thân làm nghề chài lưới nhưng giỏi văn chương và mộ đạo Phật. Không Lộ kết bạn tu hành với các Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Giác Hải tôn Đạo Hạnh làm huynh trưởng nhưng cùng Giác Hải đi vân du rồi cùng về tu tại chùa Hà Trạch trong khi Đạo hHạnh về tu tại chùa Sài Sơn Quốc Oai. Không Lộ là một thiền sư lớn đời Lý được phong làm Quốc sư đã từng tu các chùa: Nghiêm Quang (chùa Keo) Hà Trạch Chúc Thánh. Không Lộ vừa được xem là thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông vừa được cho là thuộc thiền phái Thảo Đường. Sự nghiệp văn chương của Ts Không Lộ hiện nay còn hai bài thơ Ngôn hoài và Ngư nhàn. Ở đây tôi đặc biệt tìm hiểu về bài Ngôn hoài từ đó đem so sánh với bài NQSH để thấy những mối tương đồng giữa hai bài thơ”.
Trong bài Cần dịch lại bài thơ Nam quốc sơn hà của tác giả Nguyễn Hùng Vĩ viết: “Trong cuốn Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, in năm 1998, GS Nguyễn Tài Cẩn viết: “Cố nhiên, những sự khó khăn, những sự sai lầm trong việc phân tích lại đang có thể thêm một nguyên nhân rất cơ bản, phải kể đến nữa. Đó là sự hiểu biết có hạn của chúng tôi về ngữ pháp tiếng Hán nói riêng, về toàn bộ các mặt của tiếng Hán nói chung. Trước đây chúng tôi có viết một bài, trong đó có đưa ra một cách phân tích mới về hai chữ hành khan trong câu cuối bài thơ Lí Thường Kiệt. Bài in ra, có bạn cho rằng cách ngắt nhịp không đúng, nhưng chúng tôi vẫn giữ ý kiến, bởi lẽ chuyện các nhà thơ phá nhịp là chuyện có thể có (…) Đem bàn với anh bạn Hoàng Trung Thông, một nhà thơ có trình độ về Hán học, thì lại được anh cho biết lúc nhỏ anh cũng nghe giảng như vậy: Lí Thường Kiệt làm bài thơ này vào lúc khó khăn, quân ta có phần nao núng, ông phải mượn lời thần nhân kích động ba quân”. Qua phần trích trên đây, hãy tạm gác lại nhận thức của GS và của nhà thơ Hoàng Trung Thông về tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà là Lí Thường Kiệt, ta có thể nhận thấy chính GS Nguyễn Tài Cẩn là người đầu tiên phát hiện ra và tìm cách lí giải về hai chữ HÀNH KHAN trong câu cuối của bài thơ. Ông đã từng giải quyết vấn đề này qua một bài viết tham dự Hội nghị khoa học vào năm 1979 tổ chức tại Trường đại học Tổng hợp. Trong đó ông cho rằng, cách ngắt nhịp của câu thơ cuối là Nhữ đẳng hành / khan thủ bại hư rồi hiểu câu thơ là “Chúng mày sẽ hiển nhiên chuốc lấy thất bại ngay trước mắt” và kết luận về tính chất đanh thép của phát ngôn ở câu kết bài thơ (…) Rõ ràng là lời của Thần Trương Hống Trương Hát nói với quân ta. Thần nêu ra chân lí hiển nhiên, thần nhận rõ tình thế hiện tại, thần khích lệ, kích động quân ta chiến đấu vì độc lập dân tộc. Ở đây hoàn toàn không phải hướng đến quân giặc để phát ngôn. Ta hãy xem Đại Việt sử kí toàn thư chép: “ Tục truyền rằng Thường Kiệt đắp lũy làm rào ở dọc sông để cố giữ. Một đêm các quân sĩ chợt nghe trong đền Trương tướng quân có tiếng ngâm to rằng: Nam quốc”. Việt điện u linh cũng ghi về hoàn cảnh tương tự như vậy. Quả nhiên có sự nhất quán giữa hoàn cảnh và phát ngôn. Đền ở bên này sông. Người nghe là quân sĩ của chúng ta. Người phát ngôn là Thần, người tiếp nhận là quân sĩ (…) Lê Lợi gọi công thần khai quốc là chúng bay được thì ắt hẳn Thần cũng có thể gọi như vậy với tướng sĩ phía quân ta. Chúng tôi vẫn chọn chúng bay để dịch nhữ đẳng là vì thế”.
Bàn lại cách dịch bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của tác giả Nguyễn Thiếu Dũng viết: “Hiệu quả của bài thơ đã được xác nhận “sau quả nhiên thế”. Thế là thế nào ? Nếu đối tượng bài thơ là quân thù mà hiểu câu cuối khẳng định chúng thất bại, bị đánh tơi bời thì “quả nhiên thế” là thích hợp. Nếu đối tượng là quân ta mà hiểu câu cuối là: “Mà chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư ?!” thì không thể “quả nhiên thế” được, quân ta thắng trận chứ đâu có chịu chuốc lấy thất bại. Nếu “quả nhiên” “chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư ?!” thì chúng ta lại phải chịu Bắc thuộc lần nữa rồi. Không ai lại khích tướng bằng câu tiêu cực “chúng nó sang xâm lấn, chúng mày chịu thua” chí ít cũng phải nói “chúng nó sang xâm lược, chúng mày chịu thua à ?!” mới có chút ngữ khí để kích động chứ, câu “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” là câu khẳng định phải dịch “chúng mày xem ra chịu chuốc bại hư” không có ? không có ! các dấu ? ! là do Nguyễn Hùng Vĩ thêm vào để làm rõ ý đồ thông dịch của mình, chứ bản thân câu thơ không có ngữ khí đó. Giữa chiến trường tác dụng tâm lý phải tạo hiệu ứng tức thì như mũi tên buông ra là phải trúng ngay đích, thì giờ đâu mà lật ngang lật ngửa câu chữ”.
Trong bài Vài điều cần trao đổi thêm về bài Nam Quốc Sơn Hà của tác giả Nguyễn Khắc Phi viết: “Nguyễn Hùng Vĩ không nêu ra một kiến nghị nào hết về việc dịch hai câu thứ hai và thứ ba, ngoại trừ việc lí giải không thể nào chấp nhận về hai chữ thiên thư. Tác giả đã dùng đến khoảng một nghìn chữ để giải thích hai chữ này nhưng chính ở đây lại bộc lộ rất nhiều sơ hở (…) Có lẽ tác giả chưa đọc bài viết đã nêu trên của PGS. Nguyễn Đăng Na đăng trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ số 2 năm 2002 (…) PGS. Nguyễn Đăng Na cũng đã dựa vào Hán ngữ đại từ điển để trình bày một cách chính xác, rõ ràng ba nghĩa của thiên thư, đồng thời cũng chỉ ra tương đối thoả đáng nên hiểu hai chữ thiên thư trong Nam quốc sơn hà theo nghĩa nào (…) Cuộc tranh luận diễn ra quanh câu thơ cuối bắt đầu từ khi GS. Nguyễn Tài Cẩn đưa ra cách hiểu mới về hai chữ “hành khan” vào năm 1979. Giáo sư cho rằng cần ngắt nhịp câu thơ này theo mô hình ¾ (Nhữ đẳng hành / khan thủ bại hư) và cho rằng cần hiểu hành là từ chỉ số nhiều (theo Giáo sư, nhữ đẳng hành nghĩa là chúng bay ). Ở Hán ngữ đại từ điển, chữ 行, với cả ba cách đọc ứng với ba cách đọc Hán Việt (hành, hạnh, hàng) có tất cả là 63 nghĩa (…) PGS. Phan Văn Các, nguyên viện trưởng Viện Hán Nôm, đã cho rằng không thể hiểu chữ hành như vậy vì sau hai chữ 汝等 (nhữ đẳng) vốn đã có thể dịch là “chúng bay” rồi thì không thể có một chữ cũng mang nghĩa là đẳng nữa. Vấn đề vẫn chưa được giải quyết ngả ngũ, thì 19 năm sau, trong cuốn Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, GS. Nguyễn Tài Cẩn lại đưa ra một cách hiểu mới về câu thơ cuối qua một đoạn văn dài mà Nguyễn Hùng Vĩ đã trích một cách đầy đủ”.
Trong bài Phát hiện tiền thân bài “Nam quốc sơn hà” của ký giả Vũ Kim Biên viết: “Năm 1974 tôi làm công tác kiểm tra các di tích, vào đền Đào Xá được cụ thủ từ cho xem bản Thần tích đã dịch sang chữ quốc ngữ. Trong bản Thần tích thờ Đức Hải Công (thuộc tộc Vua Hùng) của làng Đào Xá huyện Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ, có một đoạn nói về sự linh ứng của Thần là: “Đời vua Lý Nhân Tông, nhà Tống mưu mô xâm lược nước ta. Thái úy Lý Thường Kiệt đi tuần phòng các đường thủy bộ để lo chống giữ. Ông cho thuyền rẽ vào đền Đào Xá mật khẩn thần linh giúp nước. Thần hiển hiện thành rắn lớn đi thuyền rồng lại cửa đền đọc bài thơ là: Nam thiên dĩ định đế Nam quân / Đại đức giai do đức nhật tân / Thất quận sơn hà đô nhất thống / Tống binh bất miễn tán như vân (Dịch: Trời Nam đã định vua Nam ta / Đức lớn ngày thêm đức mới ra / Bẩy quận non sông về một mối / Tống binh tan tác tựa mây sa) Quả nhiên sau Thái úy cả phá quân Tống ở sông Như Nguyệt”. Xét về ngôn ngữ bài “Nam thiên dĩ định” cũng mộc mạc hơn bài “Nam quôc sơn hà”, tuy rất giống nhau về chủ đề tư tưởng và nội dung. Có lẽ từ bài xướng họa với bô lão làng Đào Xá này, Lý Thường Kiệt đã sửa gọt thành tuyệt tác để dùng vào mưu kế ở bến đò Như Nguyệt, mà sử cũ gọi là thơ Thần. Ông đã khái quát hồn nước lòng dân viết nên bản Tuyên ngôn độc lập vào thời Nhà Lý”.
* Tác giả Đinh Ngọc Thu dựa vào Tống sử cho rằng Thiên thư được soạn hoàn thành năm 1019 nên bài thơ Nam Quốc Sơn Hà phải gắn liền với cuộc kháng chiến chống Tống năm 1076 [trong tác phẩm tiểu thuyết lịch sử Nam Quốc Sơn Hà của Yên Tử cư sĩ cũng dẫn về Thiên thư trong Tống sử] Tác giả Viên Như cũng đồng quan điểm về thời gian xuất hiện bài thơ Nam Quốc Sơn Hà với tác giả Đinh Ngọc Thu và cho rằng tác giả của bài thơ là Không Lộ. Bên cạnh những tranh luận về thời điểm ra đời và tác giả của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà thì những tranh biện về dịch thuật cũng rất sôi nổi. Thế nhưng việc phát hiện ra bài thơ Nam thiên dĩ định của độc giả Vũ Kim Biên mở ra cánh cửa khác trong việc tiệp cận Bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của người Việt.
II . Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên được khắc khoảng năm 1329 chép: “Lịch đại phụ thần. 1/ Khước địch thiện hữu trợ thuận đại vương. 2/ Uy địch dũng cảm hiển thắng đại vương (Chuyện Trương Hống và Trương Hát). Xét Sử ký của Đỗ Thiện chép thì hai Vương là hai anh em. Thời Nam Tấn Vương nhà Ngô đi đánh giặc Lý Huy ở Long Châu, đóng quân ở cửa Phù Lan, đêm ngủ mộng thấy hai người y quan kỳ vĩ, diện mạo khôi ngô, đến ra mắt vua và thưa rằng: Bọn nghịch tặc hoành hành đã lâu lắm, chúng tôi xin tòng quân trợ chiến. Vua lấy làm lạ, hỏi rằng: Bọn khanh là người nào. Cô này chưa hề biết mặt; đã có lòng thông cảm thì nên cho biết tính danh. Hai người đều sụp xuống lạy, thưa rằng: Bọn thần là anh em, vốn người Phù Lan, nguyên họ Trương, anh tên là Hống, em tên là Hát, đều làm tướng của Việt Vương. Việt Vương bị Lý Nam Đế đánh bại, Nam Đế đem lễ vật đến rước bọn thần có ý muốn cho làm quan. Bọn thần thưa lại rằng: Tôi trung chẳng thờ hai vua, gái trinh chẳng đổi hai chồng, huống hồ ngươi là người bội nghĩa mà còn muốn khuất cái tiết bất di dịch này ư ? Mới trốn vào ở núi Phù Long; Nam Đế nhiều lần cho người đến truy nã không được, mới treo ngàn vàng cầu người bắt. Bọn thần không còn đường tiến thối nên đều uống thuốc độc mà qua đời. Thượng đế thương bọn thần vô tội chết chẳng phải mệnh, sắc bỏ chức Than Hà Long Quân Phó Sứ, tuần hai sông Vũ Bình và Lạng Giang đến tận trên nguồn, hiệu là Thần Giang Đô Phó Sứ. Trước kia Tiên Chúa trong chiến dịch Bạch Đằng, bọn thần đã hiệu lực trợ thuận. Vua tỉnh dậy, bảo đem cỗ rượu đến điện tế, khấn rằng: Quả có anh linh, hãy phù trợ chiến dịch này, nếu được thắng lợi, tức thì dựng miếu và phong tước, hương hỏa đời đời. Vua mới tiến quân vây núi Côn Lôn, giặc ỷ thế hiểm trở, không ai có thể vịn trèo mà lên được. Đóng đồn lâu quá, quân sĩ đều có ý trở tâm. Đêm ấy vua mộng thấy hai Vương đốc binh, bộ ngũ liên thuộc đều có mặt mày như quỷ thần cả, hàng ngũ rất nghiêm, bộ lạc rất chỉnh tề hội tại cửa Phù Lan. Binh ông anh đóng từ sông Vũ Bình đến sông Như Nguyệt tiến đến đầu nguồn sông Phú Lương; Binh ông em đi từ men sông Lạng Giang vào sông Nam Bình. Vua tỉnh dậy bảo với tả hữu, quả nhiên trận ấy được toàn thắng. Bình xong giặc Tây Long, vua sai Sứ chia chỗ lập đền thờ, đều phong làm Phúc Thần một phương, chiếu phong anh là Đại Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Như Nguyệt. Còn em là Tiểu Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Nam Bình.
Thời vua Nhân Tông nhà Lý, binh Tống nam xâm kéo đến biên cảnh; vua sai Thái uý Lý Thường Kiệt dựa bờ sông đóng cừ để cố thủ. Một đêm kia quân sĩ nghe trong đền có tiếng ngâm to rằng: Sông núi nhà Nam Nam đế ở / Phân minh trời định tại thiên thư / Cớ sao nghịch lỗ sang xâm phạm ? / Bọn chúng rồi đây sẽ bại hư. Quả nhiên quân Tống chưa đánh đã tan rã. Thần mộng rõ ràng, mảy lông sợi tóc chẳng sai.
Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu [1285] sắc phong Như Nguyệt Khước Địch Đại Vương, năm thứ tư gia phong Thiện Hựu Dũng Cảm” [bản dịch của Lê Hữu Mục]
Sách Lĩnh Nam Chích Quái tương truyền của Trần Thế Pháp biên soạn vào khoảng cuối nhà Trần (1225-1400) chép: “Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt. Vào năm Tân Tỵ, đời vua Lê Đại Hành, Thiên Phúc nguyên niên, Tống Thái Tổ sai hai tướng binh là bọn Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đem quân sang xâm lược phương Nam, đến sông Đại Than. Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng kéo quân tới sông Đồ Lỗ cự địch, hai bên đối đầu cầm cự. Đại Hành đêm đến mộng thấy hai thần nhân ở trên sông, đến vái mà nói rằng: “Anh em thần, tên là Trương Hống và Trương Hát, xưa kia theo Triệu Việt Vương cầm quân chinh phạt nghịch tặc mà lấy được thiên hạ. Sau, Lý Nam Đế soán ngôi, nghe biết và triệu hai anh em thần về theo. Bọn thần vì nghĩa cũ không thể theo được, uống thuốc độc mà chết. Thượng đế thương anh em thần có công lại trung nghĩa một lòng, mới phong làm quan tướng trong hàng các thần linh, thống lĩnh âm binh. Nay thấy, quân Tống sang xâm chiếm, khổ hại sinh linh nước ta, cho nên hai anh em thần đến xin yết kiến, nguyện với nhà vua cùng đánh giặc này để cứu sinh linh”. Vua giật mình tỉnh dậy, mừng rỡ mà bảo cận thần rằng: “Có thần nhân giúp ta rồi”. Bèn lập tức đốt hương ở trước thuyền ngự mà khấn rằng: “Nếu thần nhân có thể giúp ta làm nên công nghiệp này, thì bao phong chức tước, khói hương muôn đời”. Đoạn giết súc vật tế lễ, đốt cúng áo mũ, tiền giấy, voi ngựa. Đêm ấy, Đại Hành lại mộng thấy hai thần nhân mặc áo mũ vua ban đến bái tạ. Đêm sau, lại mộng thấy một người dẫn đoàn quỉ áo trắng, từ phía nam sông Bình Giang mà tới, một người dẫn đoàn quỉ áo đỏ từ phía bắc sông Như Nguyệt mà lại, cùng xông vào đánh trại giặc. Canh ba đêm hai mươi ba tháng mười, trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng tan vỡ. Thần nhân giấu mình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng: Sông núi nước Nam vua Nam ở / Rành rành phân định tại sách trời / Nay sao lũ giặc sang xâm phạm / Bây sẽ coi rồi chuốc tả tơi. Quân Tống nghe tiếng, xéo đạp vào nhau, tán loạn, ai nấy đều lo chạy thoát thân, bị bắt không biết bao nhiêu mà kể. Quân Tống đại bại mà về Bắc. Đại Hành trở về ăn mừng, phong thưởng cho hai vị thần nhân. Người em phong làm Uy Địch đại vương, lập miếu thờ ở tại ngã ba sông Long Nhãn, sai dân ở Long Nhãn và sông Bình Giang phụng thờ. Người anh được phong làm Khước Địch đại vương, lập miếu ở Như Nguyệt, sai dân ở hai bên bờ sông phụng thờ, nay vẫn còn” [bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh]
Các dị bản:
Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái trong “Việt Nam Chích Quái Liệt Truyện” Trần Khánh Hạo chủ biên, Học Sinh Thư Cục xuất bản 1992 Taiwan thì bài thơ được viết bằng chữ Hán như sau: Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên phân định tại thiên thư / Như kim nghịch tặc lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Tuy nhiên, còn có rất nhiều dị bản, được viết khác nhau trong nhiều tác phẩm như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Thiền Uyển Tập Anh, Việt Sử Tiêu Án. Chỉ riêng trong các truyền bản Lĩnh Nam Chích Quái cũng có các dị bản được biết như sau:
Bản A. 2914: Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Hoàng thiên phân định tại thiên thư / Như kim bắc lỗ lai công kích / Hội kiến hải trần tận tảo trừ.
Bản A. 1473: Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên phân định tại thiên thư / Như hà nghịch tặc lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Bản A. 33: Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Hoàng thiên phân định tại thiên thư / Như hà Bắc lỗ lai xâm lược / Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.
Bản A. 2107: Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên phân định tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhĩ đẳng hành khan thủ bại hư.
Sách Thiên Nam Vân Lục: Nam quốc sơn hà Nam đế quân / Đinh ninh phân định tại thiên thư / Vị hà nghịch lỗ lai xâm phạt / Nhữ đẳng khô hài bất táng thu.
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bản Tokyo University 1984: Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên phân định tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhĩ đẳng hành khan thủ bại hư [dẫn theo tác giả Nguyễn Hữu Vinh]
Sách Toàn thư chép: “Bính Thìn [Thái Ninh] năm thứ 5 [1076] Mùa xuân tháng 3, nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu Thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, đến sông Như Nguyệt đánh tan được. Quân Tống chết hơn 1 nghìn người. Quách Quỳ lui quân, lại lấy châu Quảng Nguyên của ta. Người đời truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng: Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên phân định tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Sau đó quả nhiên như thế (Hai anh em Trương tướng quân, anh tên là Khiếu, em tên là Hát, đều là tướng giỏi của Triệt Việt Vương. [Triệu] Việt Vương bị [Hậu] Lý Nam Đế đánh bại mà mất nước. Nam Đế gọi cho làm quan, hai người đều nói: “Tôi trung không thờ kẻ làm vua đã giết hại chủ mình”. Rồi ẩn mình trốn ở núi Phù Long, Nam Đế gọi mấy lần không chịu ra, mới hạ lệnh ai chém được thủ cấp hai người thì thưởng nghìn vàng. Hai người đều uống thuốc độc chết. Nam Tấn Vương nhà Ngô đi đánh giặc Lý Huy ở châu Tây Long đóng quân ở cửa Phù La, chiêm bao thấy có hai người xin theo giúp quân, nói rằng trời thương họ là trung thần không thờ hai vua, bổ làm “Than hà Long quân phó tuần Vũ Lạng nhị giang” và Chi mạn nguyên tuần giang đô phó sứ”. Đến khi dẹp xong giặc, Nam Tấn Vương nhà Ngô phong cho anh làm “Đại đương giang đô hộ quốc thần vương”, lập đền thờ ở cửa sông Như Nguyệt, em là “Tiểu đương giang đô hộ quốc thần vương”, lập đền thở ở cửa sông Nam quận tức là đền thờ này). Mùa hạ, tháng 4, đại xa, đổi niên hiệu làm Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 1”.
* Xem toàn bộ đoạn trích trong sách Toàn thư thì không khó để nhận ra, sách Toàn thư đã tham khảo sách Việt điện u linh tập. Do vậy mà công việc của chúng ta bây giờ là đối chiếu giữa sách Lĩnh nam chích quái và sách Việt điện u linh.
* Sách An Nam chí lược của Lê Tắc soạn khoảng năm 1335 cho biết Lê Văn Hưu (1230-1322) biên soạn sách Đại Việt sử ký hoàn thành năm 1272, dựa trên cơ sở sách Việt chí của Trần Tấn. Năm 1455 Phan Phu Tiên (1370-1482) biên soạn Đại Việt sử ký tục biên. Tuy nhiên cả 2 bộ sách Đại Việt sử ký và Đại Việt sử ký tục biên hiện đang thất lạc. Nguyên nhân thường được cho rằng do nhà Minh khi xâm lược Đại Việt đã cướp sách mang về phương bắc mà điển hình là sách Đại Việt sử lược (1377-1388). Tuy nhiên sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên khắc in năm 1697 có chép những lời bình của Phan Phu Tiên và Lê Văn Hưu thì khả năng sau khi quân Minh rút khỏi Đại Việt, sách Đại Việt sử ký vẫn xuất hiện tại phương nam.
* Sách Đại Việt sử lược mục năm 1076 không thấy chép về bài thơ Nam Quốc Sơn Hà trong khi đó mục năm 1009 có chép về bài văn trên cây gạo bị sét đánh. Có khi nào năm 1076 không hề có chuyện Lý Thường Kiệt sai người đọc bài thơ thần bên sông Như Nguyên ? Có khi nào sử gia Ngô Sĩ Liên thu lượm thông tin trong sách Việt điện u linh tập chép vào chính sử nhưng chính thông tin Lý Thường Kiệt sai người đọc bài thơ thần bên sông Như Nguyệt chép trong sách Việt điện u linh lại không chính xác ?
* Xét sách Việt điện u linh thì nhận ra sách được chia làm 3 phần khá rõ. Phần 1 chép về anh em họ Trương thời Nam Tấn vương. Phần 2 chép về anh em họ Trương thời Lý Nhân Tông và phần 3 chép về anh em họ Trương năm 1285. Tác giả Lê Hữu Mục nhận xét rằng Lý Tế Xuyên rất trung thực vì thể mà thông tin trong Việt điện u linh là có thể tin được. Mở đầu truyện Trương Hống Trương Hát, tác giả Lý Tế Xuyên dẫn sách Sử Ký có lẽ là của Đỗ Thiện để chép về xuất thân của anh em họ Trương. Sau đó tác giả kể lại chuyện anh em họ Trương giúp Ngô Tiên chúa chiến thắng ở cửa sông Bạch Đằng và Nam Tấn vương bình giặc Tây Long, Nam Tấn vương phong làm Phúc Đẳng thần và cho dựng đền ở sông Như Nguyệt và Nam Bình. Toàn bộ phần 1 này đã đủ làm thành 1 tiểu truyện, có cầu trúc khá chặt chẽ. Chỉ là không biết chính xác đoạn nào trong phần 1 thuộc về Sử ký, phần nào do Lý Tế Xuyên thu thập. Thế nhưng khi xét phần 2 trong toàn bộ truyện sẽ nhận thấy có 1 sự lắp ghép khá cơ học. Trong phần 2 không hề nhắc tới tên của thần, cũng không chép chi tiết 2 thần giúp đánh quân Tống ra sao, rồi cũng chẳng thấy phong thần. Dường như 2 thần họ Trương không giúp quân Lý thì phải ! Phần 3 chép rằng năm 1285 phong Như Nguyệt Khước Địch đại vương. Vì sao lại chỉ phong Như Nguyệt mà không phong Nam Bình ? Vì sao lại phong Khước Địch ? Ấy là vì sách An Nam chí lược chép: “Tháng 12 quân đến biên cảnh, Thế Tử cự địch bị đại bại. Mùa xuân tháng giêng năm Ất Dậu (1285) hoàng thượng lại khiển Toa Đô từ Chiêm Thành tiến binh (…) Tháng 4 (…) đi đến Chi Lăng, bị nam quân chận đánh rất gấp. Đang đêm, quan quân chiến đấu đột xuất vòng vây”. Rất có thể năm 1285 quân Nguyên Mông tiến đánh Đại Việt, vua quan nhà Trần tổ chức chống địch trên sông Như Nguyệt nên mới phong Như Nguyệt Khước Địch. Phần 3 còn chép thêm năm 1288 phong Thiện Hựu Dũng Cảm. Sách An Nam chí lược chép: “Năm Đinh Hợi (1287) (…) hoàng thượng kiển Trấn Nam vương (…) đem binh tiến thảo (…) tháng 11 đến An Nam. Thế Tử nghênh chiến, quân bị thua tan chạy (…) ngày 28 tháng 12 Vương sư phá ải Nội Nha, tiến giữ sông Bình Giang, An Nam, day lương ra sông giàn trận, đốt hết nhà cửa, bắn tên thuộc loạn xạ. Lúc canh 5 quân bị tan vỡ, Sảnh Đô Sự bọn Hầu Đô mấy nghìn người chạy lạc đường đều bị vây hãm. Một mình Tắc dẫn Đạt Vạn Hộ, Tiều Thiên Hộ và Thiêm Sự Viện Lĩnh Phủ Phán Lê Yến”. Rất có thể khi nhà Trần giành đại thắng trước quân Nguyên Mông trên sông Bình Giang nên phong Dũng Cảm. Xem sách Cương mục thì thấy ghi chép những sự kiện khớp với việc phong Khước Địch và Dũng Cảm. Lại thêm qua 3 chi tiết của Đỗ Khắc Chung, Trần Bình Trọng và Sát Thát chúng ta nhận thấy hào khí của người Việt. Trong hoàn cảnh như thế sự ra đời tác phẩm như Nam Quốc Sơn Hà cũng không có gì khó hiểu ! Tác phẩm mang màu sách của Hịch tướng sĩ, Tụng giá hoàn kinh sư. Ngoài ra chi tiết canh 5 quân Nguyên bị tan vỡ cho thấy vua quan nhà Trần đã tổ chức trận đánh lớn vào ban đêm. Thời gian diễn ra trận đánh rất giống với thời gian 2 thần đọc bài thơ Nam Quốc Sơn Hà.
* Xem sách Việt điện u linh chúng ta nhận ra sự thiếu hụt thông tin rất lớn về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Nam Quốc Sơn Hà. Bản thân sách Việt điện u linh cũng chỉ xác nhận 1 đêm trong đền có tiếng ngâm bài thơ. Xem sách Lĩnh Nam chích quái thì thấy câu chuyện về Trương Hống và Trương Hát thật sự hoàn hảo, 1 cấu trúc hoàn hảo và đầy đủ. Thế nhưng khi đối chiếu với Việt điện u linh thì Lĩnh Nam chích quái lộ ra sự bất thường. 2 bất thường nằm ở đầu và cuối câu truyện. Về phần đầu câu chuyện của Lĩnh Nam chích quái giống hệt với Việt điện u linh nhưng sự kiện anh em họ Trương hiện thân báo mộng cho 2 vị vua khác nhau. Thế nhưng Việt điện u linh dẫn theo sách Sử ký thì rõ là đáng tin cậy hơn Lĩnh Nam chích quái. Về phần cuối chúng ta thấy sách Việt điện u linh chép rất rõ năm phong thần cho anh em họ Trương và luôn gắn với sự kiện có thực trong cuộc chiến chống Nguyên Mông, như thế sách Việt điện u linh chép chính xác. Trong khi sách Lĩnh Nam chích quái chép mỹ hiệu giống với Việt điện u linh là Khước Địch nhưng người phong lại là Lê Hoàn ?
* Tôi cho rằng sự việc diễn ra như sau: sách Sử ký chép về chuyện của anh em họ Trương hiện thân báo mộng cho Nam Tấn vương. Tác giả Lý Tế Xuyên lấy thông tin trong sách Sử ký và thu thập thêm 2 thông tin nữa là chuyện bài thơ thần được đọc trong đền vào ban đêm thời Lý Nhân Tông và chuyện phong thần thời Trần, để chép nên chuyện Trương Hống Trương Hát trong sách Việt điện u linh. Chúng ta không biết Trần Thế Pháp tham khảo tài liệu nào và cũng không biết được có phải do Trần Thế Pháp không nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng chuyện Trương Hống Trương Hát trong Lĩnh Nam chích quái là truyện mượn trong sách Sử ký có tu sửa Nam Tấn vương thành Lê Đại Hành, cũng như lược bớt thời gian phong thần cho anh em họ Trương để khớp với thời đại của Lê Hoàn và quan trọng nhất là lắp ghép hoàn hảo bài thơ Nam Quốc Sơn Hà vào trong chuyện. Tôi cho rằng tác giả của chuyện Trương Hống Trương Hát trong sách Lĩnh Nam chích quái quan tâm tới bài thơ thần hơn cả và nỗ lực kiến tạo cho bài thơ 1 hoàn cảnh ra đời (1 giấy khai sinh). Vì nếu tác giả quan tâm tới chuyện Trương Hống Trương Hát thì tác giả chỉ cần sao lại chuyện trong Sử ký là đã đủ rồi.
* Chúng ta thấy rằng sách Việt điện u linh chép về bài thơ Nam Quốc Sơn Hà rất khiêm tốn thông tin, trong khi sách Lĩnh Nam chính quái chép rất đầy đủ hoàn cảnh ra đời. Nhưng tiếc rằng sách Lĩnh Nam chích quái lại không thể tin được ! Truyện Trương Hống Trương Hát chép trong Lĩnh Nam chích quái phải ra đời sau khi Việt điện u linh được soạn hoàn thành vào năm 1329 vì nếu ra đời trước thì Lý Tế Xuyên đã thu thập để chép lại. Nghĩa là việc gắn bài thơ Nam Quốc Sơn Hà cho thời đại của Lê Hoàn xảy ra sau năm 1329. Tuy nhiên không có nghĩa là bài thơ không được sáng tác vào thời đại của Lê Đại Hành. Nói cách khác nếu căn cứ vào chuyện Trương Hống Trương Hát trong sách Lĩnh Nam chích quái để xác định bài thơ được sách tác vào thời đại của Lê Hoàn là không mâu thuẫn. Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà chắc chắn là phải ra đời trước năm 1329 nhưng có phải là thời điểm của năm 1076 không ?
* Sách Toàn thư chép rằng người đời truyền nhưng xem kỹ thì nhận thấy sách Toàn thư chép rất giống với sách Việt điện u linh. Cũng không loại trừ trường hợp sách Toàn thư và sách Việt điện u linh cùng tham khảo 1 nguồn tài liệu. Nhưng chắc chắn rằng nguồn tài liệu này cũng chỉ cung cấp rất hạn chế về hoàn cảnh ra đời của bài thơ như chúng ta thấy trong sách Việt điện u linh. Nói cách khác sách Việt chí và sách Đại Việt sử ký không chép về bài thơ và cũng không chép bài thơ được đọc tại đền vào ban đêm năm 1076 bên sông Như Nguyệt vì nếu 2 cuốn sách sử ấy có chép thì sử gia Ngô Sĩ Liên đã chẳng phải dẫn người đời truyền. Và như thế lý giải vì sao cuốn sách Đại Việt sử lược không chép về bài thơ Nam Quốc Sơn Hà năm 1076. Cũng giống như trường hợp của Lĩnh Nam chích quái, việc dựa vào sách Việt điện u linh để khẳng định bài thơ thần ra đời gắn liền với sự kiện năm 1076 là mâu thuẫn. Nhưng cũng không có nghĩa bài thơ không ra đời vào thời điểm năm 1076. Nói cách khác là bằng chứng chuyện Trương Hống Trương Hát trong sách Việt điện u linh là không đủ mạnh để chứng minh bài thơ ra đời gắn liền với thời điểm năm 1076.
* Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà là bài thơ đặc biệt, khi xuất hiện chắc chắn nó sẽ gây được sự chú ý bởi tư tưởng mà nó truyền tải. Việc sách sử không chép về nó thì có 2 trường hợp có thể xảy ra cao nhất. Thứ nhất là bài thơ ra đời sau khi sách sử được soạn, trong trường hợp này là Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu tức là năm 1272. Thứ hai là các sử gia biết về bài thơ nhưng do Nam Quốc Sơn Hà không liên quan tới sự kiện lịch sử nào nên không có cơ hội để chép vào. Xem qua những tài liệu chép về bài thơ chúng ta nhận thấy có mấy điểm chung sau: bài thơ được đọc vào ban đêm và gắn với đoạn sông Như Nguyệt.
Trong bài Một số vấn đề liên quan đến văn bản Lĩnh Nam chích quái của tác giả Nguyễn Thị Oanh viết: “Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Văn tịch chí đã cho biết cụ thể: “LNCQ gồm ba quyển. Không rõ do ai làm ra, tương truyền là Trần Thế Pháp, nay không thấy bài Tựa đó, chỉ có bài tựa của Vũ Quỳnh khi hiệu chỉnh. Hai quyển đầu tương truyền là sách cổ. Quyển sau do họ Đoàn là người thời Mạc, rút từ U linh tập, bớt xén theo ý mình rồi phụ vào cuối sách” (…) Như vậy quyển LNCQ mà Phan Huy Chú miêu tả có 3 quyển, hai quyển đầu là sách cổ, quyển sau là do nho sinh họ Đoàn biên tập. LNCQ cổ có bao nhiêu truyện ? Phan Huy Chú cho biết thêm: “Hai quyển đầu, từ truyện Hồng Bàng đến truyện Dạ Thoa Vương gồm 22 truyện. Quyển sau từ truyện Sĩ Vương đến truyện Thần châu Long Vương gồm 17 truyện (…) Như vậy bản LNCQ cổ mà Phan Huy Chú nói đến là bản do Nho sinh họ Đoàn tức Đoàn Vĩnh Phúc biên soạn, bản này được chia làm 3 quyển, hai quyển đầu có 22 truyện và quyển sau có 17 truyện (ông không nêu rõ tiêu đề truyện trong các quyển). Trong số 14 văn bản LNCQ (bản chữ Hán, Nôm) hiện còn được lưu trữ tại các thư viện và các viện nghiên cứu tại Hà Nội có 2 bản: A.2914 (Thư viện Viện Hán Nôm) và Hv.486 (Thư Viện Viện Sử học) là có đủ các tiêu chí như Phan Huy Chú miêu tả, đó là: 1. có Tựa của Vũ Quỳnh; 2. được chia làm 3 quyển; 3. Hai quyển đầu có 22 truyện và quyển sau có 17 truyện; 4. có Hậu bạt của Đoàn Vĩnh Phúc. Trong bài Về quá trình lưu truyền văn bản LNCQ (…) chúng tôi đã dựa vào sự thay đổi về nội dung cũng như hình thức để phân loại LNCQ và bước đầu đã tìm ra được bản do Vũ Quỳnh và Kiều Phú hiệu chỉnh. Trong hai bản trên, bản Hv.486 được coi là bản thuộc loại 2 do Kiều Phú hiệu chỉnh và việc bài hậu bạt của họ Đoàn có trong bản LNCQ do Kiều Phú hiệu chỉnh chỉ là sự gán ghép về sau này của người sao chép. Bản A.2914 được xác nhận là bản thuộc loại 1, do Vũ Quỳnh sửa chữa, đây là bản duy nhất còn đầy đủ tiêu chí như Phan Huy Chú miêu tả, đồng thời là bản trong các thiên truyện giữ lại nhiều nội dung chưa bị uốn nắn theo quan điểm Nho gia sau này. Qua bài Hậu bạt (bản A.2914) Đoàn Vĩnh Phúc đã cho biết bản ông có trong t