18/06/2018, 16:58

“Mặt giả” của Phùng Vân Sơn

Trích từ sách “Thiên Quốc này chẳng thái bình” Tác giả Đào Đoản Phòng Đỗ Trung Thành dịch Thái Bình Thiên Quốc là một cuộc vận động chính trị kỳ quặc trong lịch sử cận đại Trung Quốc. Đối với “Thiên quốc được xây dựng tại nhân gian” này, hơn trăm ...

ca4000397f684492924

Trích từ sách “Thiên Quốc này chẳng thái bình”

Tác giả Đào Đoản Phòng  

Đỗ Trung Thành dịch

Thái Bình Thiên Quốc là một cuộc vận động chính trị kỳ quặc trong lịch sử cận đại Trung Quốc. Đối với “Thiên quốc được xây dựng tại nhân gian” này, hơn trăm năm nay sự đánh giá bình luận của mọi người là không giống nhau; từ Hồng Tú Toàn tới Thạch Đạt Khai, từ Dương Tú Thanh tới Lý Tú Thành, dường như mỗi nhân vật quan trọng của Thái Bình Thiên Quốc đều nhận đủ lời tranh luận, mãi không lời kết.

Trong đám anh hùng thảo mãng này, duy độc nhất có một người mà bất kể người bình luận đứng ở lập trường nào, đánh giá từ chủ trương chính trị nào nhưng đối với năng lực cá nhân, phẩm chất lại đều chúng khẩu đồng từ ngợi ca, khâm phục.

Con người đó chính là Phùng Vân Sơn.

Một thời gian dài trước đây, hình tượng Phùng Vân Sơn trong các tác phẩm văn học là con người thực thà, trung thành nhất mực kiêm thần cơ quân sư mưu tính sâu xa. Ông không những không có dã tâm, thậm chí là nhân vật không có sự cáu gắt, khiêm nhường, gần như là lãnh tụ duy nhất thuộc lớp đầu tiên của Thiên Quốc lo cho đại cục, không có dã tâm chính trị.

Có người quả quyết, nếu như ông không chết, Dương Tú Thanh cũng không bá đạo đến mức đòi ngang hàng với Hồng Tú Toàn thì cuộc đấu đá nội bộ định mệnh khiến Thiên Quốc gần như bị tiêu diệt về cơ bản có lẽ đã không xảy ra; cũng có người cho rằng, với tính cách thực dụng của ông có lẽ sẽ có thể kéo Hồng Tú Toàn trở lại nhân gian khi mà sau này Hồng rơi vào trạng thái điên cuồng tôn giáo, để ông ta bớt nói “lời trời”, làm nhiều việc “trần gian”, để Thái Bình Thiên Quốc giống với một quốc gia bình thường hơn.

Chỉ một câu, ông gần như là người hoàn hảo duy nhất trong Thái Bình Thiên Quốc.

Trong sử liệu tản mát vụn vặt của Thiên Quốc, những ghi chép về con người hoàn hảo này lại ít đến đáng thương. Mãi tới khoảng 20 năm trở lại đây, theo những sử liệu tiếp tục được phát hiện ở hải ngoại, người ta mới phát hiện ra “mặt giả” và mặt thật của Phùng Vân Sơn – lại không phải ông cố ý trưng ra cho mọi người thấy mà vì khoảng thời gian dài trước đây việc lý giải và nhận thức Phùng Vân Sơn có nhiều điểm không đáng tin cậy.

Đằng sau những lời đánh giá về con người chính trị hoàn hảo.

Phùng Vân Sơn dường như là nhân vật duy nhất trong Thái Bình Thiên Quốc có thể được các “đỉnh cao” khác chấp nhận; Những lời đánh giá tốt đẹp và chức hiệu cao quý về “con người chính trị hoàn hảo” này còn được lưu lại quả thực không ít.

“Tam huynh”: Đây là tôn xưng ông có được khi Thái  Bình Thiên Quốc còn chưa thành lập. Nhưng “Tam huynh”này không phải là lão tam Từ Mậu Công kết bái huynh đệ của trại Ngõa Cương (thực ra cũngkhông có hồ sơ về việc này) mà là đứa con thứ ba của Thượng đế. Theo cách nói của Hồng Tú Toàn thì con cả của Thượng đế là Jesu, ông ta đứng thứ hai, tiếp đến là Phùng Vân Sơn, kẻ dưới một người mà trên vạn người Dương Tú Thanh cũng chỉ có thể xếp thứ tư, thử hỏi tôn xưng có cao quý hay không?

Nam phải học Phùng Vân Sơn: Đây là câu mà Tiêu Triều Quý giả thác lời Cơ Đốc nói ra, được coi là “lời thần”, Phùng Vân Sơn cũng trở thành nam chiến sỹ thi đua số một của Thái Bình Thiên Quốc. Phải biết rằng danh hiệu này dành cho nữ giới thì liên tục được thay thế, bổ xung nhưng danh hiệu nam chiến sỹ thi đua của ông thì được treo vĩnh viễn.

Thiên Quốc đệ nhất trạng nguyên: thành thị đầu tiên mà Thái Bình Thiên Quốc đánh hạ được là châu Vĩnh An ở Quảng Tây (nay là huyện Mông Sơn). Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn đều là những người đọc sách trước giờ vẫn chưa đỗ tú tài, hạ được tòa thành này, đương nhiên là muốn giải quyết trở ngại tâm lý này bèn tổ chức cuộc thi khoa cử lần đầu tiên trong lịch sử Thái Bình Thiên Quốc, Phùng Vân Sơn chính là trạng nguyên đầu tiên được chọn ra trong lần khảo thí này. Tuy nhiên chức hiệu này đạt được có phần dễ dàng, không tránh được sự chê bai “chức vụ học vị”, nhưng dù sao cũng được coi là người đi đầu của Thiên Quốc.

“Vân sư”: sau khi định đô Thiên Kinh, Hồng Tú Toàn tự xưng là thái dương, các chư vương đều được gia phong tước hiệu theo thiên tượng, người đã qua đời Phùng Vân Sơn được xưng là “Vân sư”, ý là cán bộ cao cấp quản lý mây trên trời.

Lời ngợi ca của Dương Tú Thanh: Trong “Thiên tình đạo lý thư”, cuốn sách được Dương Tú Thanh tổ chức biên soạn, có nói Phùng Vân Sơn “vượt qua bao trở ngại núi sông, dãi nắng dầm sương, rời xa quê nhà, bỏ lại vợ dại con thơ, chịu đủ gian lao, kiên trì tới cùng”. Trong cuốn sách này, trừ Dương Tú Thanh thì các nhân vật khác đều không có được sự ca tụng không tiếc lời như vậy.

Lời ngợi ca của Hồng Tú Toàn: Năm 1859, thời kỳ khó khăn nhất của Thái Bình Thiên Quốc, em họ của Hồng Tú Toàn là Hồng Nhân Can tới được Thiên kinh, Hồng Tú Toàn cực kỳ cảm động, không tới hơn 20 ngày thăng chức cho Hồng Nhân Can đến ba lần, từ một người dân bình thường lên làm Can Vương kiêm quân sư, trong tờ chiếu thư phong vương đó bất ngờ có câu “bào quản hiên chí đồng Nam Vương, kiên định chẳng rời”. Phùng Vân Sơn được phong là Nam Vương, bốn chữ lớn “chí đồng Nam Vương” này, chữ nào cũng chan chứa nỗi nhớ nhung và tán thưởng của Thiên Vương cô độc đối với người bạn cũ này.

Lời ngợi ca của các thủ lĩnh khác: Tướng lĩnh trụ cột thời hậu kỳ của Thái Bình Thiên Quốc là Trần Ngọc Thành và Lý Tú Thành. Trần sau khi bị bắt đã đàm luận với quan lại Thanh triều, cho rằng tướng lĩnh Thiên Quốc đa phần tài năng tầm thường, chỉ có hai người ngoại lệ, là Phùng Vân Sơn và Thạch Đạt Khai; Trong bản cung khai dài tới 7 vạn chữ của Lý có viết “mọi việc làm trước đây đều là của Nam Vương” —- ý là nói, công tác xây dựng nền móng sớm nhất cho cuộc khởi nghĩa đều là công lao của Phùng Vân Sơn.

Nhưng những lời đánh giá tốt đẹp về Phùng Vân Sơn lại không hoàn toàn là thật, cũng có những “mặt giả”:

“Tam huynh” đương nhiên là nghe rất hay, nhưng chả có chút hữu dụng nào: Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý lợi dụng việc Phùng Vân Sơn dính vào chuyện kiện cáo, dựa vào việc được Thượng đế, Jesu nhập thể đoạt được đại quyền và có được sự thừa nhận của Hồng Tú Toàn, vai trò “trợ lý số một” vốn có của Phùng Vân Sơn bị tụt xuống thành “trợ lý số ba”, nên cái gọI là “tam huynh” bất quá chỉ là món quà bồi thường ít còn hơn không được kẻ thắng lợi ban cho từ phương diện “thần quyền” sau khi “nhân quyền” bị bóc lột mà thôi.

“Vân sư” nửa thần nửa người, rất là thần khí nhưng khi phong danh hiệu này lại thấp hơn “thánh thần phong” của Dương Tú Thanh một bậc mà sau này khi Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy đều đã chết, Thạch Đạt Khai cũng bỏ đi, Hồng Tú Toàn một mình chơi trò thần quyền, những loại danh xưng kiểu như thánh thần phong lôi, thánh thần vũ điện chất thành đống, người cán bộ lão thành lại vẫn đơn độc đội cái phong hiệu cũ kỹ không lên không xuống.

Thật giả kế sinh nhai ban đầu.

Phùng Vân Sơn là người Khách Gia ở đất Hòa Lạc, huyện Hoa tỉnh Quảng Đông, nơi ở cách làng Quan Lục Bố của Hồng Tú Toàn chỉ có ba dặm. Quan hệ giữa hai người rất tốt, nghe nói còn như người thân. Năm 1843, Hồng Tú Toàn lần thứ tư thất bại khoa cử, đọc được cuốn “Khuyến thế lương ngôn’ của giáo sĩ truyền giáo Lương Phát, dường như đem kiểm chứng với giấc mơ của mình, vậy là quyết định sẽ truyền bá phúc âm, thờ Thượng đế; Phùng Vân Sơn là một trong ba người tin thờ “Bái Thượng đế giáo” sớm nhất. Tháng 2 năm sau, Hồng Tú Toàn quyết định đi Quảng Tây truyền giáo, đồng hành chỉ có ba người mà đều mang họ Phùng (Phùng Vân Sơn, Phùng Thụy Tung, Phùng Thụy Trân), giao tình giữa Hồng và Phùng có thể thấy được phần nào.

Các bằng chứng ẩn cho thấy, lần đi Quảng Tây này, mục đích thật sự của Hồng Tú Toàn là đi truyền giáo chứ không phải là đi tạo phản. Tới nhà anh họ của mình ở thôn Tứ Cốc huyện Quý, Quảng Tây, Hồng Tú Toàn thấy thôn này quá nghèo thì lần nữa không đi tiếp mà bảo ba người họ Phùng quay về, còn mình ở lại giúp anh họ và cháu vụ kiện tụng.

Phùng Vân Sơn lại không quay về mà đi tiếp tới vùng hoang sơ Tử Kinh Sơn, làm những việc như dọn vệ sinh, làm thuê ngắn hạn sống qua ngày, rồi do sơ ý để lộ tài hoa nên được phú hộ thư sinh Tăng Hòe Sinh thưởng thức, đáng làm thầy giáo tư thục. Ông vận dụng những điều kiện có lợi của việc “ba việc không quản” của địa phương để bắt đầu truyền bá Bái Thượng đế giáo của Hồng Tú Toàn và trong mấy năm đã tạo dựng nên một “Bái Thượng đế hội” phát triển ra đến mấy huyện, có tới mấy ngàn hội chúng mà mỗi một hội viên đều tôn thờ Hồng Tú Toàn, người mà họ chưa từng gặp mặt, điều này không chỉ khiến Hồng thấy kinh ngạc, cảm động khi trở lại Quảng Tây mà còn khiến người đọc sử hậu thế thán phục mãi không thôi.

Những việc này đều là sự thật, nhưng đằng sau mặt thật cũng có “mặt giả”:

Quan hệ giữa Phùng Vân Sơn và Hồng Tú Toàn không phải là “thân thiết đến độ không gì ngăn cách”. Hai người chia tay không hoàn toàn vì vấn đề kinh tế mà là xung đột ngôn ngữ, đây là sự thực được ghi lại trong “Thái bình thiên nhật”, cuốn sách lịch sử chính thức duy nhất của Thái Bình Thiên Quốc. Còn nội dung hai người đấu khẩu thì không thể nào biết được nhưng sau đó thì hai người chia đôi đường, mấy năm trời không có sự liên lạc, còn Hồng Tú Toàn sau khi trở về quê nhà huyện Hoa thì người nhà họ Phùng hùng hổ đến đòi người, ép ông ta phải lần nữa trở lại Quảng Tây tìm người, có thể thấy mâu thuẫn không hề nhỏ.

Phùng Vân Sơn là người thực thà nhưng cũng là người có tư tưởng phản nghịch. Lúc đầu Phùng Vân Sơn thậm chí còn phản nghịch hơn Hồng Tú Toàn. Cho tới trước khi trở lại Quảng Tây tìm Phùng Vân Sơn vào tháng 8 năm 1847, mộng ước của Hồng Tú Toàn bất quá là muốn làm một giáo sĩ truyền giáo, chỉ đáng tiếc bị người ám toán nên không thành. (xem phần về La Hiếu Toàn.) Ông ta không muốn tạo phản, lần đầu tới Quảng Tây tuyệt đối không phải là để “chuẩn bị cách mạng”, nếu không hà tất ba năm sau khi “chuẩn bị cách mạng”, lại chạy đến Quảng Châu thi cái tú tài của “triều đình phản cách mạng Mãn Thanh”? Nhưng Phùng Vân Sơn ở Tử Kinh Sơn Quảng Tây lại đã bắ đầu quan sát hiểm yếu, kết giao với anh hùng hảo hán địa phương, còn đập tượng Phật, phá miếu khắp nơi, thế rất muốn tạo phản. Có thể nói, lịch sử gần 20 năm tạo phản của Thái Bình Thiên Quốc bắt đầu từ Phùng Vân Sơn chứ không phải bắt đầu từ Hồng Tú Toàn. Có thể nói thế này, cho dù cuối cùng Hồng Tú Toàn không tới Tử Kinh Sơn, Phùng Vân Sơn cũng sẽ lãnh đạo Bái Thượng đế hội khởi nghĩa, và giống như Trần Thắng, Ngô Quảng khi khởi nghĩa hiệu xưng Phù Tô, Hạng Yên là người lãnh đạo của họ, tôn “Hồng tiên sinh” làm thần tượng hư cấu.

Phùng Vân Sơn không xây dựng mình là người đứng đầu mà tôn phù Hồng Tú Toàn, một người vốn không ở bên cạnh, thậm chí lúc đó còn không có ý tạo phản cũng là điều tổn hao tâm huyết: Phùng Vân Sơn và người bản địa sớm tối gần kề, đã thân thiết lại quen thuộc, dễ nảy sinh cảm tình nhưng khó có được sự tôn kính, mà tôn phù một hình tượng xa tận chân trời để mọi người nảy sinh tâm lý “Phùng Vân Sơn lợi hại như vậy rồi mà còn phải phục Hồng tiên sinh thì đương nhiên Hồng tiên sinh còn lợi hại hơn”, càng dễ dàng quy tụ nhân mã, người sớm tối gần kề dễ bị người phát hiện lỗi này tật nọ, còn thần tượng nhìn không thấy, sờ không được thì sẽ không phạm sai lầm, cũng dễ trở thành thần thoại.

Tháng 8 năm 1847, Hồng Tú Toàn trùng phùng Phùng Vân Sơn tại Quảng Tây và với sự khích lệ của bạn đã hạ quyết tâm tạo phản, bắt đầu thêu dệt câu chuyện thần thoại mình là con của Thượng đế, là em của Jesu (vì cuốn sách “khuyến thế lương ngôn”, khởi nguồn cho tôn giáo của ông ta không hề đề cập tới Jesu. Trước khi tới Quảng Châu gặp giáo sĩ truyền giáo La Hiếu Toàn vào năm 1847, Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn căn bản không biết tới “Thiên huynh Jesu”). Hai người lập tức tập hợp giáo chúng, trong mấy tháng ngắn ngủi đã đập phá rất nhiều thần miếu lớn nhỏ quanh mấy châu huyện, dẫn tới việc huynh đệ liệt thân Vương Tác Tân, Vương Đại Tác nổi giận, hai người này dẫn tráng đinh đến bắt giữ Phùng Vân Sơn, sau được biểu ca của Phùng là Lô Lục cứu thoát.

Từng có một số ghi chép, tri huyện Quế Bình là Vương Liệt cho rằng Phùng Vân Sơn muốn tạo phản, muốn phán quyết Phùng và Lô Lục cực hình lăng trì, Bái Thượng đế giáo rất khó khăn mới cứu được Phùng, còn Lô Lục thì anh dũng hi sinh.

Trên thực tế, trong cáo trạng của huynh đệ họ Vương có nói Phùng Vân Sơn “không tuân pháp lệnh triều đình”, muốn để ông nếm mùi lăng trì nhưng Phùng Vân Sơn đã viện dẫn lệnh “truyền giáo hợp pháp” của tổng đốc Lưỡng Quảng Kỳ Anh, lại đem “Thánh kinh” ra để đối chất, cuối cùng được phán vô tội. Theo sự tìm hiểu lời truyền khẩu của tiên sinh Giản Hựu Văn thì thượng cấp của Vương Liệt là tri phủ Tầm Châu Cố Nguyên Khải, sau khi xem tài liệu của Phùng Vân Sơn, cho rằng ông là kẻ đọc sách, sẽ không tạo phản, bảo Vương Liệt kết án “là dân thất nghiệp lang thang, áp giải về nguyên quán”, lại còn giáo huấn nguyên cáo anh em họ Vương một trận.

Phùng Vân Sơn ngồi nhà lao chẵn nửa năm (từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1848), nhưng không phải bị bắt mà do ông cùng Lô Lục nhận được trát triệu tập đến huyện nha, thời đó khi có kiện tụng thì bất kể nguyên cáo, bị cáo hay người làm chứng, khi chưa kết án thì đều phải ở trong lao; vì thế không thể bị coi là phạm nhân được. Tháng 6, ông bị áp giải về nguyên quán, đi không được bao xa thì thuyết phục được hai sai dịch quy y Thượng đế giáo, cùng quay về Tử Kinh Sơn, nhưng Lô Lục thì ốm chết trong đại lao, có thể coi là “hi sinh vì việc công”, chứ không thể nói là “anh dũng hi sinh vì nghĩa”.

Trong “trung liệt từ” phủ Tầm Châu có thờ bài vị của Vương Tác Tân, nói cả nhà ông ta bị Phùng Vân Sơn giết khi Thái Bình Thiên Quốc khởi nghĩa, rất nhiều sách sử cũng viết như vậy, nhưng trên thực tế nhà họ Vương không gặp nạn. Vương Tác Tân cho tới khi quân Thái Bình rời khỏi Quảng Tây, vẫn sống nhơn nhơn trong núi viết văn bát cổ và thất luật, những văn tự này đến nay vẫn còn đọc được.

Hiển nhiên, Phùng Vân Sơn không phải là “đồ tể giết người không chớp mắt” như một số người nói, cũng không phải là “dũng sĩ kiên quyết trấn áp phản cách mạng” như một số ý kiến khác, với ông vụ kiện tụng này chỉ là chuyện vụn vặt. Theo truyền thuyết của người bản địa, ông và Vương Tác Tân vốn là bạn nhưng Vương tú tài thấy ở trường tư của Phùng có treo câu đối “Liêu tá Kinh sơn thê hổ báo,tạm tương Tử thủy hoạt giao long” thì cho là phản thơ nên từ đó tuyệt giao – thực ra thì đây là câu đối trong ‘Thủy hử toàn truyện” đã được sửa ; Phùng Vân Sơn đúng là muốn tạo phản nhưng ông có thể trắng trợn nói ra như vậy ư?

Sau khi Phùng Vân Sơn ra khỏi ngục mới phát hiện địa vị của mình đã không còn: những kẻ bản địa Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý đã dựa vào màn kịch thần linh nhập thể để đoạt thực quyền, đẩy ông vào vị trí viển vông.

Theo cách nói truyền thống, lúc này Hồng Tú Toàn đi Quảng Châu để tìm cách cứu ông, không có măt ở Quảng Tây. Do đó bị Dương, Tiêu chiếm thời cơ, nhưng sau này sử liệu “Thiên huynh thánh chỉ” được phát hiện tại nước Anh đã nói rõ, khi Tiêu Triều Quý lần đầu giở trò “Thiên huynh hạ phàm”, Hồng Tú Toàn có mặt ở hiện trường, rõ ràng những người có thực lực thuộc phái bản địa đã “xác nhận địa vị thần thánh cho Hồng Tú Toàn” bằng cách để “Thiên huynh Thiên phụ” nói Hồng Tú toàn là Thiên Vương, đổi lại Hồng thừa nhận địa vị của họ, mà Hồng thì cực kỳ vừa lòng với cuộc giao dịch chính trị này đã chẳng chút do dự hi sinh luôn lợi ích của  người bạn cũ.

Phần thật đằng sau phần giả thực là rất tàn nhẫn: tình đồng hương, tình bạn, rốt cuộc cũng không thắng được sự cân nhắc chính trị và lợi ích trao đổi. Nhưng có một điểm là sự thật, cho dù Phùng Vân Sơn thực sự lo cho đại cục, chẳng chút oán thán vui vẻ tiếp nhận vị trí không xác đáng như vậy; ban đầu Dương, Tiêu còn che đậy bưng bít, cho tới đêm trước khởi nghĩa ở Kim Điền thì dứt khoát chiếm luôn vị trí tả phụ, hữu bật chính quân sư, đẩy “tam ca” xuống hàng trợ lý bộ hạ.

Về cái chết của Phùng Vân Sơn.

Rất nhiều tài liệu từ phía quân Thanh đều chép rằng, vào ngày 23 tháng 4 năm Hàm Phong thứ 2 (1852), quân Thái Bình vây đánh Quế Lâm không hạ được, kéo lên phía bắc qua Toàn Châu, hành quân men theo sông Tương khi tới bến Xuy Y, giao giới giữa hai tỉnh Quảng Tây – Hồ Nam thì bị Giang Trung Nguyên thống lĩnh Tương dũng chặn đánh, Phùng Vân Sơn trúng pháo hi sinh. Sự kiện này do Tả Tông Đường ghi chép, sử sách Thanh triều tiếp tục sử dụng, Giang Trung Nguyên cũng vì thế mà nổi danh như cồn.

Thế nhưng, theo sự tìm hiểu của Giản Hựu Văn tiên sinh, kiểm chứng với những ghi chép trong tập tình báo của quân Thanh lúc đó là cuốn “Tặc tình hối toản” thì có khả năng Phùng Vân Sơn không chết ở bến Xuy Y.

Theo như lời truyền khẩu ở địa phương thì quân Thái Bình vốn không có ý đánh Toàn Châu, chuẩn bị đi vòng qua thành, trên thành có một viên sĩ quan cấp thấp nhất thời xung động, khai pháo vào chiếc kiệu đỉnh vàng trong quân Thái Bình dưới chân thành, kết quả là quân Thái Bình một phen náo động, bất chấp thương vong tấn công Toàn Châu 16 ngày, cuối cùng hạ được thành —- Người ngồi trong kiệu khi đó chính là Nam Vương Phùng Vân Sơn.

Phùng Vân Sơn sau khi trúng pháo, chết ở Toàn Châu hay mang vết thương tiếp tục bắc tiến, cuối cùng chết ở bến Xuy Y, thực không có cách nào khảo chứng. Trận chiến bến Xuy Y cũng không ác liệt, cơ bản đôi bên hòa nhau, Giang Trung Nguyên thậm chí còn không phải là chủ lực bên phía quân Thanh (chủ lực là quân chính quy của Hòa Xuân), thổi phồng tình hình tác chiến và chiến quả, chẳng qua là để tranh công mà thôi.

Thi thể Phùng Vân Sơn trước sau vẫn chưa tìm được, do đó ông trở thành một trong hai người thuộc tám vương đứng đầu Thái Bình Thiên Quốc được nhập thổ vi an. Người may mắn còn lại là người đứng hàng cuối cùng, Dự Vương Hồ Dĩ Hoảng, người này ốm chết ở Lâm Giang, Giang Tây vào năm 1856, mà vừa khéo là quê cha đất tổ, có thể coi là lá rụng về cội.

Sáu người còn lại, Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy, Tần Nhật Cương chết không đất chôn thây trong cuộc nội biến; Thạch Đạt Khai bị xử lăng trì tại Thành Đô; Hồng Tú Toàn sau khi chết được chôn trong sân cung điện, Tương quân sau khi công phá Thiên Kinh đã quật mồ ông ta lên đốt xác; Tiêu Triều Quý tử trận bên ngoài thành Trường Sa, được mai táng ở dưới núi Diệu Cao, quân Thái Bình đánh Trường Sa không hạ được, chuyển hướng sang Nhạc Châu, thi thể bị quân Thanh đào lên chém xác.

Phùng Vân Sơn không chết thì sẽ như thế nào?

Nếu như Phùng Vân Sơn không chết thì liệu phải chăng có thể kiềm chế được dã tâm của Dương Tú Thanh như những lời suy đoán truyền thống?

E là không thể.

Như ở trên đã đề cập, Dương Tú Thanh và Tiêu Triều Quý mượn việc Thiên phụ, Thiên huynh truyền lời để đoạt quyền lớn, Hồng Tú Toàn thì đã ủng hộ và sau khi đoạt được quyền lớn thì hai người này đã mau chóng nâng đỡ người của mình, gạt bỏ thế lực của Phùng Vân Sơn ra ngoài.

Theo ghi chép, Phùng Vân Sơn một thân một mình theo Hồng Tú Toàn khởi nghĩa, không có người thân nào trong quân. Lúc mới đầu ở Tử Kinh Sơn, ông nương tựa nhà họ Tăng, họ Lô, họ Vương (anh họ của Hồng Tú Toàn), trong đó nhà họ Tăng bị gạt ra khỏi quân Thái Bình, trừ người khác chưa tham gia khởi nghĩa Kim Điền, không một ai có quan chức được chính thức ghi chép lại; nhà họ Lô nghe nói chỉ có một mình Lô Lục, nhưng đã sớm chết trong ngục; nhà họ Vương bị Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý tìm mọi cách áp chế, cuối cùng bị biến chất, chỉ là vì có quan hệ thân thuộc với Hồng Tú Toàn mới không bị gạt bỏ hoàn toàn.

Ở Thiên Kinh năm 1854, người nhà họ Vương làm quan to nhất là Vương Duy Chính (là cháu của Hồng Tú Toàn, lúc này đã đổi sang họ Hoàng), bất quá chỉ là Điện tiền thừa tướng, phó lý cơ tượng. “Điện tiền thừa tướng” nghe có vẻ to nhưng thực chất chỉ là hư vị, binh sĩ bình thường lập được công cũng làm được, nghe nói lúc đó trong quân Thái Bình, chức vị này có không dưới vài nghìn; “phó lý cơ tượng” chính là người phó quản lý công nhân dệt vải.

Nên biết rằng, Vương Duy Chính gia nhập Bái Thượng đế giáo sớm hơn Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý rất nhiều; lần đầu Hồng Tú Toàn tới Quảng Tây, sau khi chia tay Phùng Vân Sơn, cố tình ở lại chính là để giải cứu Vương Duy Chính; lần thứ hai tới Quảng Tây, khi đập phá ngôi miếu đầu tiên – miếu Lục Khoa (miếu Lưu Tam Tỷ), Hồng Tú Toàn có đề một bài thơ trên tường, người nâng nghiên mực cho Hồng cũng là Vương, mà ông ta bất quá chỉ có một chức quan tép riu thì những người họ Vương khác không cần phải nhắc tới.

Cũng chính là nói, tới trước đêm Kim Điền khởi nghĩa, địa vị Phùng Vân Sơn không những chỉ là trợ thủ cho Dương, Tiêu mà thực lực cũng thua xa hai người này.

Có một lần, Tiêu Triều Quý vì một việc cỏn con mà muốn đánh một người tên Tạ Hưởng Tài 2000 côn, Phùng Vân Sơn thấy vậy mới cầu xin cho, lại phải khổ sở quỳ dưới chân “lục tỉ phu” Tiêu Triều Quý, người được Thiên huynh nhập thể, sau cùng “Thiên huynh” mới mở kim khẩu: lần này nể mặt ngươi, lần sau nếu còn cầu xin thì cả ngươi cũng bị đánh đòn – với quyền uy, thực lực và biểu hiện như vậy, ông cho dù tới được Thiên Kinh thì cũng chỉ như Vi Xương Huy, Thạch Đạt Khai, “trước mặt Đông Vương đâu dám nhiều lời”, Dương Tú Thanh không chèn ép ông đã là nể mặt lắm rồi, ông ta làm thế nào mà kiềm chế được dã tâm của Dương?

Vậy thì, Phùng Vân Sơn có thể như người ta kỳ vọng, khiến Hồng Tú Toàn bớt những trò thần quyền chính trị hay không?

Sợ rằng càng không thể.

Hồng Tú Toàn bị màn kịch thần quyền của Dương Tú Thanh và Tiêu Triều Qúy dày vò thê thảm nhưng cũng hiểu được uy lực của chuyện này. Khi Dương, Tiêu chết rồi thì cứ “theo đơn bốc thuốc” thậm chí còn dữ dội hơn. Ông ta chẳng có sở trường gì đặc biệt, thần quyền là công cụ đắc lực nhất.

Để bảo vệ thần quyền, ông ta không tiếc ép Thạch Đạt Khai phải bỏ đi, làm Trần Ngọc Thành giận tới mức thà chết chứ không chịu quay về Thiên Kinh, khiến Lý Tú Thành suýt chết nghẹn; đồng thời để bảo vệ thần quyền, ba năm sau sự biến Thiên Kinh, ông ta đã sửa sai cho Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý và đề bạt Ấu Đông Vương (Hồng Thiên Hựu, con trai chưa tới 10 tuổi của Hồng Tú Toàn) và Ấu Tây Vương (Tiêu Hữu Hòa, cháu ngoại hơn 10 tuổi của Hồng Tú Toàn) vào địa vị trước đây của Dương, Tiêu; phong tước hàm siêu cấp dài đến 47 chữ cho kẻ đã từng chèn ép, thậm chí có ý gia hại mình là Dương Tú Thanh, còn ông bạn đã chết nhiều năm, vừa có công lại lại có khổ lao Phùng Vân Sơn bất quá chỉ là duy trì phong hiệu cũ mà thôi.

Đạo lý rất đơn giản, với một chính quyền lấy thần quyền lập quốc như Thái Bình Thiên Quốc, không thể thiếu địa vị của “Thiên huynh Thiên Phụ”, nếu không uy quyền của Hồng Tú Toàn “thứ tử của Thiên phụ, em ruột của Thiên huynh, chân thánh chủ Thiên Vương được Thiên phụ, Thiên huynh phái hạ phàm” ở đâu? Để có được những uy quyền này, từ trước khi khởi nghĩa ở Quảng Tây, Hồng Tú Toàn đã một lần hi sinh Phùng Vân Sơn; để bảo vệ những uy quyền này, cho dù Phùng còn sống, ông có thể cũng sẽ bị hi sinh thêm lần nữa.

Không chỉ như vậy, những sử liệu vụn vặt đã nói rõ, tư tưởng của Phùng chưa chắc đã khác với Hồng về bản chất.

Ở Quảng Tây, Phùng “coi khinh tượng thần, xé bỏ thư tịch”, cách làm giống với Hồng Tú Toàn sau này, mà lúc này Hồng còn chưa có ý định tạo phản, đương muốn thi lấy cái danh tú tài của triều Thanh.

Thời gian ở trong ngục, Phùng làm ra một bộ “Thái Bình Thiên Quốc thiên lịch”, bộ lịch pháp xa rời thực tế, nhắmmắt làm liều này đã không có năm nhuận cũng chẳng có tháng nhuận, tháng nhiều có 31 ngày, tháng ít có 30 ngày, cứ 40 năm thì có một “năm thêm”, trong năm này mỗi tháng đều có 33 ngày. Bộ lịch pháp “viên mãn tròn trịa” như vậy xem ra rất hoàn mỹ, phù hợp với khẩu vị của Hồng Tú Toàn nhưng rất phản khoa học – nên sau khi tiến hành lập pháp được sáu bảy năm, “tết trung thu” của Thái Bình Thiên Quốc, mặt trăng lại khuyết, các tướng sĩ Thái Bình Thiên Quốc ngơ ngác không hiểu gì đến mức thẹn quá hóa giận, nghe nói vì giận cá chém thớt đã mang cung tên, súng ống ra bắn lên mặt trăng để trút nỗi bực vì “không tròn”.

Sử sách các bên đều ghi chép rằng, chế độ điển chương của Thái Bình Thiên Quốc trong thời kỳ đầu đều do Phùng Vân Sơn biên soạn. Chỉ một chức thừa tướng đã có tới 24 người, trong quân đâu đâu cũng là quan lớn mà họ tên (thậm chí tên từng dùng) của Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý, Phùng Vân Sơn, Vi Xương Huy và Thạch Đạt Khai đều phải có chế độ kiêng kị, sau này Hồng Tú Toàn còn hà khắc hơn, càng nực cười hơn khi đó là chế độ mới manh nha, một chế độ như vậy được sản sinh từ tay Phùng Vân Sơn mà hi vọng ông ta có thể uốn nắn Hồng Tú Toàn ư, khó lắm.

Cho dù Phùng Vân Sơn thật sự có được như người ta kỳ vọng thì với một chính trị gia theo đường lối ôn hòa như ông có thể cải tạo Hồng Tú Toàn hay không?

Hồng Nhân Can được xưng là “chí đồng Nam Vương” chủ trương cải cách những thần thoại hoang đường “thiên ma thiên tẩu” trong Bái Thượng đế giáo, thực hành tư bản chủ nghĩa, loại bỏ những chế độ bất hợp lý như kiêng kị, nhục hình, nhưng sau khi ông ta tới được Thiên Kinh, đảm nhiệm chức thủ phụ chẳng bao lâu bèn bắt đầu chủ động phối hợp, thậm chí là đón ý, tổ chức những cuộc vận động “ta là thần thánh” của Hồng Tú Toàn, đem bỏ hết những chủ trương hợp lý như việc phản đối những điều kiêng kị, trái lại còn dùng danh nghĩa Can Vương chủ trì việc xuất bản “Khâm định tị tự dạng”, một cuốn sách chuyên môn giới thiệu thế nào là “những văn tự bị cấm”.

Hồng Nhân Can thuộc típ “người mới”, nhiều năm sống ở Hương Cảng, tiếp nhận lễ rửa tội chính thức của Cơ đốc giáo, còn là em họ của Hồng Tú Toàn, cùng là “lão thành cách mạng” nhập giáo gần như cùng lúc với Phùng Vân Sơn, kết cục của ông ta là bị Hồng Tú Toàn cải tạo chứ đâu phải cải tạo Hồng Tú Toàn, vậy với một người sơ như Phùng thì có thể có ngoại lệ ư?

Từ đó có thể thấy, nói “Phùng Vân Sơn không chết, Thiên Quốc tất sẽ không như vậy” chẳng qua chỉ là nguyện vọng của mọi người, những miêu tả lại chỉ là “phần giả” mà thôi.

Hậu nhân của Phùng Vân Sơn.

Phùng Vân Sơn có một người em trai, ba người con, nhưng gia thuộc của ông đều không theo tòng quân.

Ông từng gửi thư bảo em trai đưa các con đến Quảng Tây đoàn tụ, nhưng người này đi nửa đường thì biết được ý đồ muốn tạo phản bèn sợ hãi trốn về. Sau khi Kim Điền khởi nghĩa, em trai Phùng Ứng Mậu, con thứ Phùng Quý Mậu bị bắt, sau này không rõ tung tích. Con cả Phùng Quý Phương năm 1851 đào vong theo Hồng Nhân Can bị rớt lại, bị quân Thanh bắt được, chết ở Quảng Châu. Con nhỏ Phùng Quý Hoa và anh họ Phùng Á Thụ chạy đến Hương Cảng, trú trong nhà giáo sĩ truyền giáo người Mỹ La Hiếu Toàn. Năm 1853, La Hiếu Toàn được biết quân Thái bình định đô ở Thiên Kinh, Tiểu đao hội chiếm cứ Thượng Hải, bèn mang hai đứa trẻ tìm đường đến Thượng Hải, chuẩn bị đưa tới Thiên Kinh nhưng bị thủy sư quân Thanh và lãnh sự Mỹ cản trở. Phùng Á Thụ không lâu sau thì ốm chết, Phùng Quý Hoa được phó nguyên soái của Tiểu đao hội Trần A Lâm nuôi dưỡng. Trần A Lâm phá vây khi Thượng Hải thất thủ, hai người lạc nhau, về sau không rõ tung tích.

Nhưng theo tìm thăm của người gần gũi thì thực ra Phùng Vân Sơn chỉ có hai con trai Quý Phương, Quý Mậu, người được gọi là “Quý Hoa” thực chất là cô con gái Tăng Kiều. Người đã từng đến Thượng Hải và bị lạc Trần A Lâm là người con thứ Quý Mậu, sau này từ Thanh Viễn, Hương Cảng trốn được về ẩn cư ở cố hương Sư Lĩnh Vĩ huyện Hoa, còn Phùng Tăng Kiều thì che dấu được thân phận, lấy chồng ở thôn Mã Đầu Lĩnh huyện Hoa, hậu nhân của hai người này đến nay vẫn còn.

Trong ghi chép của cả phía Thanh triều và Thái Bình Thiên Quốc đều không thấy xuất hiện tên họ của “Ấu Nam Vương”, thậm chí năm 1854 còn ghi rõ rằng không người nào là Ấu Nam Vương. Trước và sau cuộc khởi nghĩa Kim Điền, Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh đều có không ít vợ nhưng lại không thấy nói Phùng Vân Sơn tái hôn hay nạp thiếp. Hoặc là như rất nhiều ghi chép đã nói rõ, trong quân Thái Bình, ông là người cô đơn cho tới chết.

0