18/06/2018, 16:58

Lý triều tân biên: Dự Tông Chính Hoàng

Đặng Thanh Bình Mộ chí phu nhân Phụng Thánh họ Lê viết: “Phu nhân của Thần Tông Nhân Hiếu hoàng đế, họ Lê húy là Lan Xuân, con gái út của Phụ Thiên Đại vương. Mẹ là công chúa Thụy Thánh, con gái cả của Dự Tông chính hoàng. Trưởng bà viết Thụy Thánh công chúa tức Thánh Tông hoàng ...

nha_ly.jpg

Đặng Thanh Bình

Mộ chí phu nhân Phụng Thánh họ Lê viết: “Phu nhân của Thần Tông Nhân Hiếu hoàng đế, họ Lê húy là Lan Xuân, con gái út của Phụ Thiên Đại vương. Mẹ là công chúa Thụy Thánh, con gái cả của Dự Tông chính hoàng. Trưởng bà viết Thụy Thánh công chúa tức Thánh Tông hoàng đế chi mạnh nữ dã. Ông nội, Phò ký úy Quan sát sứ ở bảo sở châu Chân Đăng, tức là cháu gần của Ngự Man Đại Vương, là cháu nội của Đại Hành Hoàng đế nhà Lê. Phụ Thiên Đại Vương có hai mươi người con: một thái hậu, ba phu nhân, bốn công chúa, mười hai thái tử. Năm Giáp Dần, Thiên Chương Bảo Tự thứ hai (1134) lúc đầu hoàng đế lấy con gái cả của Phụ Thiên Đại Vương, bà Cảm Thánh hoàng thái hậu. Thấy phu nhân có nhan sắc và tứ giáo, hoàng đế lại đón về làm phi. Mới vào trong cung đã hiểu rõ đạo lý làm vợ, lên trên tông thất thì giữ bền phong độ nữ lưu. Ăn mặc điểm trang ắt đúng độ, nói năng cử chỉ ắt đúng phép. Bính Thìn, năm thứ tư (1136) được tiến phong Phụng Thánh phu nhân (…) Đinh Tị, năm thứ năm (1137) gào khóc đi theo xe tang, nguyện ở lại trông lăng tẩm (…) Tháng chín năm Chính Long Bảo Ứng thứ chín (1171) phu nhân lâm bệnh. Hoàng thượng thân hành thuốc thang cơm cháo, chạy chữa trăm cách bệnh vẫn không khỏi. Sáng sớm ngày kỷ mùi mười tám tháng mười năm ấy, phu nhân tạ thế, thọ 63 tuổi. Kim thượng rất thương xót, bỏ triều giảm ăn. Sắc ban lễ phúng gấp bội lệ thường, có thể gọi là lễ tang rất hậu. Chiếu sai Thái phó họ Trần, Nội thị sảnh Phụng nghi lang họ Lê trông coi việc tang việc táng, mật dụ theo nghi thức của Chiêu Thánh hoàng hậu trước đây. Sáng sớm ngày bính dần, mồng tám tháng chạp mùa đông năm thứ mười một (1173) ân chỉ biệt táng tại địa phương, núi Phác Sơn, phía tây chùa Diên Linh Phúc Thánh. Lại sai quốc sử thuật đạo đức tốt đẹp ấy ghi vào bia mộ (…) Là con gái út của Phụ Thiên đại vương, mẹ là công chúa Thụy Thánh, trưởng bà Cảm viết, ban cho ruộng ao cúng tam bảo, làm hương hỏa lưu truyền vạn đời, một tọa lạc chỗ ao xứ Đầu Đình, một chỗ ruộng tọa lạc xứ Cửa Ngõ, một chỗ ruộng tọa lạc xứ Bến Sông, xem trong bia đã ghi”.

* Câu “Trưởng bà viết Thụy Thánh công chúa tức Thánh Tông hoàng đế chi mạnh nữ dã” trên mộ chí nên hiểu như thế nào ?

* Bài viết trênWikisoure rằng “Lớn lên, bà làm con gái cả của Thánh Tông Hoàng đế, vẫn gọi là công chúa Thụy Thánh” với 2 chú thích khá thú vị: “Có lẽ nên tách chữ trưởng và chữ bà ra để dịch” và “Không thấy vua Lý nào mang miếu hiệu Dự Tông nên có thể phỏng đoán đó là danh hiệu được con hay cháu ông truy tôn khi lên làm vua, giống như trường hợp Sùng Hiền Hầu được Lý Thần Tông truy tôn là Cung Hoàng đế. Theo sách Thiền uyển tập anh thì ni sư Diệu Nhân là con gái lớn của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung – con trai của vua Lý Thái Tông và là em (anh) trai với vua Lý Thánh Tông. Bà được Thánh Tông nuôi trong cung, rồi gả cho châu mục châu Chân Đăng họ Lê. Hành trạng của ni sư Diệu Nhân rất giống với Thụy Thánh công chúa, mẹ của Phụng Thánh phu nhân. Phải chăng chính Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung là Dự Tông chính hoàng”.

* Cảm trong câu “trưởng bà Cảm viết” trên mộ chí được các tác giả sách Thơ văn Lý Trần cho là Cảm Thánh phu nhân. Nếu vậy thì có thể giả sử rằng Trưởng bà trong câu đang bàn là viết về Cảm Thánh phu nhân nên đoạn dịch sẽ là “Trưởng bà Cảm Thánh phu nhân nói rằng Thuỵ Thánh công chúa là con gái cả của Thánh Tông hoàng đế”.

* Thơ văn Lý Trần chú dịch là: “Bà trưởng là công chúa Thuỵ Thánh, con gái cả của Thánh Tông hoàng đế” và “Đoạn văn trên đã nói đến bố và mẹ, đoạn dưới nói đến ông, vì thế chúng tôi đoán bà Trưởng có lẽ là bà của Phụng Thánh. Có thể vì bà là vợ cả Phò ký uý nên gọi là bà Trưởng chăng”.

Toàn thư chép: “Quý Tị [1113] Mùa hạ tháng 6, phu nhân của châu mục châu Chân Đăng là công chúa họ Lý mất. Phu nhân tên là Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Càn vương, được Thánh Tông nuôi ở trong cung, lớn lên phong làm công chúa, gả cho châu mục châu Chân Đăng người họ Lê, chồng chết phu nhân tự thề ở goá, đi tu là sư nữ, đến đây mất, thọ 72 tuổi. Thần Tông tôn làm Ni sư”.

Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Diệu Nhân. Viện Hương Hải, làng Phù Đổng, Tiên Du. Cô tên là Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Yết vương, bẩm tính hiền thục, ngôn hạnh có pháp. Vua Lý Thánh Tôn nuôi ở trong cung. Đến tuổi cập kê, vua gả cho châu mục châu Chân Đăng họ Lê. Họ Lê mất, tự thề ở vậy giữ nghĩa, không tái giá (…) do đó, đem cho hết các đồ trang sức, xuống tóc xuất gia, đến thọ Bồ Tát giới với Chân Không tại làng Phù Đổng, học hỏi tâm yếu. Chân Không vì vậy ban hiệu và cho phép trụ trì tại ni viên (…) ngày 1 tháng 6 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 4 [1113] cô cáo bệnh, bèn gội tóc, ngồi kiết già mà tịch, thọ 72 tuổi”.

Việt sử lược chép: “Năm Ất Tị [1125] Mùa hạ tháng 4 công chúa Thuỵ Thánh dâng rùa có 6 con ngươi”.

* Không khó để nhận ra đoạn chép trong Toàn thư rất giống với đoạn chép trong Thiền uyển tập anh. Cũng không khó để nhận ra Ngọc Kiều và Thuỵ Thánh là 2 công chúa khác nhau, nên Phụng Càn vương và Dự Tông chính hoàng không phải là 1 người. Toàn thư chép mục năm 1054 rằng Thánh Tông hoàng đế tên huý là Nhật Tôn, con trưởng của Thái Tông, sinh năm 1023. Mục năm 1028 sách phong hoàng tử Nhật Tôn làm Đông Cung thái tử. Mục năm 1033 sách phong Đông Cung thái tử làm Khai Hoàng vương. Mục năm 1035 phong hoàng tử Nhật Trung làm Phụng Càn vương, các hoàng tử khác đều phong tước hầu. Vua đi đánh Ái Châu cho Phụng Càn vương làm lưu thủ kinh sư. Mục năm 1037 vua thân đi đánh đạo Lâm Tây, cho Khai Hoàng vương làm Đại nguyên soái, cho Phụng Càn vương làm kinh sư lưu thủ. Xem như thế rõ rằng Phụng Càn vương là em trai liền của Khai Hoàng vương và cũng không chênh lệch nhiều tuổi. Ngọc Kiều là con gái lớn của Phụng Càn vương sinh năm 1042 khi ấy Nhật Trung nhỏ hơn khoảng 19 tuổi. Toàn thư mục năm 1028 chép Thái Tông hoàng đế tên huý là Phật Mã, con trưởng của Thái Tổ. Nên Thuỵ Thánh buộc phải là con gái của người em trai của Nhật Trung. Theo Thiền uyển tập anh công chúa Ngọc Kiều được gả cho châu mục châu Chân Đăng khi đang tuổi cập kê (khoảng 15 tuổi). Nên công chúa Thuỵ Thánh phải được Thánh Tông nhận làm con nuôi trước năm 1057. Nhưng theo Wikisoure khi đó Thuỵ Thánh đã trưởng thành nên phải trạc tuổi với công chúa Ngọc Kiều. Như thế khi sinh Phụng Thánh phu nhân năm 1108 Thuỵ Thánh công chúa khoảng 66 tuổi ? Vì thế mà Bà Trưởng rất khó là Thuỵ Thánh công chúa.

* Tôi cho rằng vợ cả của Phò ký uý châu Chân Đăng có lẽ không trùng tên với công chúa Thuỵ Thánh. Tên của bà trưởng không được viết đến trong mộ chí và câu đang bàn nên hiểu là “Mẹ chồng Thuỵ Thánh công chúa là con gái lớn của Thánh Tông hoàng đế”.

* Văn bia Lý Trần viết: “Phó ký uý có lẽ như sau này gọi là phò mã”. Các sách sử hiện còn cho biết duy nhất trường hợp của công chúa Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Càn vương được vua Thánh Tông nuôi và gả cho châu mục châu Chân Đăng họ Lê. Nên bà trưởng có lẽ là Ngọc Kiều công chúa.

Việt sử lược chép: “Năm Đinh Dậu [1117] Mùa đông tháng 11 lập con của Sùng Hiền hầu là Dương Hoán làm thái tử (…) Năm Đinh Tị [1127] Vua Thần Tông tên huý là Dương Hoán, cháu của vua Thánh Tông, con của Sùng Hiền hầu, mẹ người họ Đỗ (…) Năm Kỷ Dậu [1129] Tôn cha là Sùng Hiền hầu làm Thái thượng vương, mẹ là Đỗ thị làm Thái hậu ở cung Động Nhân (…) Năm Canh Tuất [1130] Thái thượng vương từ trần, tên thuỵ là Cung vương”.

Toàn thư chép: “Nhâm Thìn [1112] Bấy giờ vua tuổi đã nhiều mà chưa có con trai nối dõi, xuống chiếu chọn con của tông thất để lập làm con nối. Em vua là Sùng Hiền hầu (không rõ tên) cũng chưa có con trai. Gặp lúc nhà sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà, hầu nói với Từ Đạo Hạnh về việc cầu tự (…) Ba năm sau phu nhân có mang sinh con trai là Dương Hoán (…) Đinh Dậu [1117] Tìm con trai trong tông thất để nuôi ở trong cung. Xuống chiếu rằng: “Trầm cai trị muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai ? Vậy nên trẫm nuôi con trai của các hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng chọn người nào giỏi thì lập làm thái tử. Bấy giờ con Sùng Hiền hầu là Dương Hoán mới lên 2 tuổi mà thông minh lanh lợi, vua rất yêu và bèn lập làm hoàng thái tử (…) Đinh Mùi [1127] Thần Tông hoàng đế huý là Dương Hoán, cháu gọi Thánh Tông bằng ông, cháu gọi Nhân Tông bằng bác, con của Sùng Hiền hầu, do phu nhân họ Đỗ sinh ra (…) Kỷ Dậu [1129] Tôn thân phụ là Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng và thân mẫu Đỗ thị làm Hoàng thái hậu, ở tại cung Động Nhân. Lê Văn Hưu viết: Thần Tông là con người tông thất, Nhân Tông nuôi làm con, cho nối đại thống, đáng lẽ phải coi Nhân Tông làm cha mà gọi cha đẻ là Sùng Hiền hầu làm hoàng thúc, phong mẹ đẻ Đỗ thị làm vương phu nhân, như Tống Hiếu Tông đối với Tú An Hy vương và phu nhân Trương thị, để tỏ rõ một gốc mới phải. Nay lại phong Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng, Đỗ thị làm Hoàng thái hậu chẳng hoá ra hai gốc ư ? Bởi Thần Tông bấy giờ còn trẻ thơ mà các công khanh trong triều như Lê Bá Ngọc, Mậu Du Đô lại không biết lễ nên mới thế (…) Canh Tuất [1130] Thái thượng hoàng băng, thuỵ là Cung Hoàng (…) Tân Hợi [1131] Hoàng đệ là Tinh chết, con của Sùng Hiền hầu”.

so do.png

* An Nam chí lược chép: “Dương Hoán con của Nhân vương, lập lên làm vua”. Theo như Lê Tắc thì Thần Tông là con đẻ của Nhân Tông. Nếu không có lời bàn của sử gia Lê Văn Hưu được chép lại trong Toàn thư thì An Nam chí lược là tài liệu gần nhất với sự kiện. Dự Tông được chép trên mộ chí hẳn là thuỵ hiệu rồi. Việt sử lược và Toàn thư đều chép Thần Tông tôn thân phụ là Sùng Hiền hậu làm Thái thượng hoàng, khi băng thuỵ là Cung Hoàng. Như thế Dự Tông không thể là thuỵ hiệu của Sùng Hiền hầu được. Nên rất có thể Dự Tông là thuỵ hiệu của bậc trên Sùng Hiền hầu.

* Việt sử lược và Toàn thư đều chép “Thần Tông hoàng đế, Thánh Tông chi tôn”. Như thế chẳng phải Thần Tông gọi Thánh Tông là ông sao ? Nếu đúng thì Dự Tông là Sùng Hiền hầu, nhưng sách sử chép rõ thuỵ hiệu của Sùng Hiền hầu là Cung Hoàng (恭 皇) rất khó để nhầm với Dự Tông (譽 宗). Trường hợp Sùng Hiền hầu có tới 2 thuỵ hiệu thì cũng rất khó xảy ra. Thêm nữa nếu Sùng Hiền hầu là con của Thánh Tông thì ngài phải sinh sau năm 1066 và khoảng năm 1081 ngài sinh Thuỵ Thánh công chúa. Khi Thuỵ Thánh sinh Phụng Thánh phu nhân thì công chúa 27 tuổi, Phụng Thiên đại vương khoảng 51 tuổi. Có khi nào sau khi Nhân Tông mất và trước khi Thần Tông kế vị thì đã có một người lên làm vua. Sau đó vị vua này đặt thuỵ hiệu cho cha là Dự Tông không ? Xem ra những tài liệu hiện có không ủng hộ giả thuyết này!

* Nếu Sùng Hiền hầu là cháu họ của Thánh Tông, thì Thần Tông cũng là cháu họ của Nhân Tông, vậy thì vì sao Việt sử lược không chép về mối quan hệ giữa Thần Tông với Nhân Tông, mà lại đi chép mối quan hệ giữ Thần Tông với Thánh Tông ? Toàn thư có chép về mối quan hệ giữa Thần Tông và Nhân Tông, lại dẫn cả lời bàn của Lê Văn Hưu, xem như thế thì thông tin chép trong Toàn thư là đáng tin cậy. Thế nhưng không hẳn như thế! Việt sử lược chép ngay sau Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu nhưng không thấy đề cập tới mối quan hệ giữa Thần Tông và Nhân Tông, xem ra Toàn thư đã tham khảo tài liệu khác hoặc tác giả tự ý diễn giải mối quan hệ giữa Thần Tông và Nhân Tông. Trường hợp Việt sử lược chép thiếu cũng không phải không xảy ra nhưng khả năng rất thấp vì trọng tâm của các bộ sử là chép về các vị vua và thế thứ các triều đại, vậy mà lại bỏ sót thông tin về đối tượng chính thì xem ra rất khó giải thích. Việc sách sử chọn chép về mối quan hệ giữa Thần Tông và Thánh Tông có lẽ không phải là ngẫu nhiên. Nhưng nếu Dự Tông là con ruột của Thánh Tông và là cha đẻ của Sùng Hiền hầu, thì Dự Tông phải sinh sau năm 1066 nên Sùng Hiền hầu được sinh khoảng năm 1081, Thần Tông sinh năm 1116, khi Cung Hoàng 35 tuổi, rõ rằng không quá muộn như Toàn thư chép và Phụng Thánh phu nhân được sinh khi Thuỵ Thánh công chúa 27 tuổi. Như thế thân phụ của Dự Tông là em trai cùng cha với Thánh Tông sẽ hợp lý hơn.  

* Toàn thư mục năm 1117 chép trẫm nuôi con trai của các hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng chọn người nào giỏi thì lập làm thái tử. Có 5 hầu trong họ tông thất được kể tên như thế phạm vi chọn hoàng tử của Nhân Tông không chỉ nằm trong chi Thánh Tông. Xem tên các vị hầu thì thấy rằng riêng Sùng Hiền là không bắt đầu bằng chữ Thành. Như thế khả năng cao Sùng Hiền hầu vượt trội hơn các hầu khác về quyền lực. Toàn thư mục năm 1117 chép rằng Dương Hoán mới 2 tuổi mà đã thông minh lanh lợi. Mục năm 1127 chép hoàng thái tử lên ngôi trước linh cữu, hạ lệnh cho Lê Bá Ngọc truyền bảo quân hầu và các quan văn võ lui ra ngoài của Đại Hưng, sai người coi giữ thành đóng cửa canh phòng cẩn mật, không cho ai vào, lại sai cấm quân cầm binh khí đứng dưới điện Thiên An, sai nội nhân Đỗ Thiện, xá nhân Bồ Sùng đem việc báo cho Sùng Hiền hầu. Rõ rằng các hầu đều muốn ngôi vương nên có ý tranh đoạt và Sùng Hiền hầu dựa vào thế lực của họ Lê. Như thế cho thấy trước Sùng Hiền hầu và Dự Tông có mối quan hệ, sau Dự Tông và Phụng Càn vương có mối quan hệ. Dự Tông có mối quan hệ thông gia với họ Lê châu Chân Đăng, Phụng Càn vương cũng có mối quan hệ thông gia với họ Lê châu Chân Đăng, nhưng Dự Tông và Phụng Càn vương là 2 vị khác nhau, nên tôi cho rằng Dự Tông là con đẻ của Phụng Càn vương.

* Nếu Toàn thư và Việt sử lược chép nhầm tên thuỵ của Sùng Hiền hầu thì sao ? Thuỵ hiệu đúng phải là Dự Tông, nhưng do nhầm lần khi chép sử thành Cung Hoàng. Hoặc giả như Cung Hoàng không phải là thuỵ hiệu mà là tôn hiệu thì sao ? Nếu như thế Dự Tông phải là Sùng Hiền hầu và sẽ hợp lý hơn nếu Dự Tông cũng chính là Minh Nhân vương. Nhưng nếu thế thì rất khó giải thích vì sao trong cùng cuốn sách lại chép chức tước của khác nhau.

Tiểu kết: Tôi cho rằng kịch bản có thể xảy ra cao nhất như sau vua Thái Tông sinh Thánh Tông và Phụng Càn vương, con gái lớn của Phụng Càn vương được Thánh Tông nuôi làm con gái thứ, sau gả cho châu mục châu Chân Đăng họ Lê, Phụng Càn vương sinh Dự Tông. Ngọc Kiều công chúa sinh Phụ Thiên đại vương, chồng công chúa mất nên công chúa theo thiền sư Chân Không thọ phật. Dự Tông sinh con gái lớn là Thuỵ Thánh, đem gả cho Phụ Thiên đại vương. Dự Tông sinh Sùng Hiền hầu, Sùng Hiền hầu lấy Đỗ thị phu nhân sinh Lý Dương Hoán. Thuỵ Thánh công chúa sinh Phụng Thánh phu nhân, gả cho Thần Tông Dương Hoán. Ẩn đàng sau những mối quan hệ này là thân tộc và thông gia, cũng vì thế mà giải thích vì sao năm 1134 khi đã hơn 26 tuổi Cảm Thánh phu nhân mới được gả cho Thần Tông và cả 3 phu nhân người họ Lê đều nhiều hơn Thần Tông tới gần 10 tuổi. Cũng giải thích vì sao lại là Thần Tông mà không phải Nhân Tông tôn Ngọc Kiều công chúa làm Ni sư được Toàn thư chép tại mục năm 1113.

so do 2.png

Văn khắc trên chuông chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích, xã Thuỵ Khê, huyện An Sơn, Phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây viết: “Tháng giêng năm Kỷ Sửu nhằm vào năm thứ chín niên hiệu Long Phù Nguyên Hoá [1109] Thiền sư Đạo Hạnh đi lạc quyên trong nước Đại Việt. Mọi người từ giàu đến nghèo, ai ai cũng vui vẻ cúng dường. Quyên được đồng đỏ tất cả hơn hai ngàn cân. Đúc được một cái chuông lớn, treo trong viện Hương Hải ở núi Bồ Đà Lạc (…) Nay có thầy Đạo Hạnh, từ bé cho đến lớn, cốt cách lạ thường, Tụng học kinh Liên sang sảng. Xuất gia hành đạo, thấm nhuần ý Phật từ bi. Xây tháp trang nghiêm. Học kinh kệ thấm nhuần đạo lý. Gặp lúc trời hạn, vung tay một cái trời mưa xuống dầm dề. Học thói người xưa nhịn ăn, ngồi nhiều năm mà vẻ mặt không thấy đói. Dân gặp lúc bệnh dịch, phẩy nước lạnh thì bệnh lành ngay. Việc chưa xảy ra mà đoán biết trước như có phù phép (…) Nay chuyện hành đạo đã xong, muốn tìm nơi ẩn náu. Ra phía tây kinh thành, nơi tĩnh mịch xa, chốn ồn ào huyên náo, đi qua đường lối hiểm nghèo nhưng lòng thanh tịnh. Qua khỏi con sông, gặp núi xanh, leo đường dốc đi lên, đất đá rơi xuống lăn lóc, nắm dây trèo lên nơi cao (…) Thầy đến ở chưa tới 10 ngày mà đã có điều linh ứng. Cọp tới chầu hầu, rồng kia thuần tính. Đêm vắng tụng kinh Liên, trời cao vòi vọi vang nghe tiếng trống. Thầy ở suốt 6 năm, ân huệ vun đầy. Các vương tử (王子) xe ngựa tới lui tấp nập. Mọi người trong nước đến dâng hoa đảnh lễ. Vua cho người lại ban chiếu chỉ, làm tiệc chay cúng dường. Ban cho áo mão cà sa, cung nghinh như bậc thượng khách. Lên xe Phật để cầu Tứ quả. Lễ chay xong rồi, thầy chống gậy đi trở xuống chân núi (…) Gửi thư về tâu cho vua rõ, ngài đã cho phép dựng chùa. Nhào đất làm khuôn, đốt lửa luyện đồng Ngày đúc, thầy dù chẳng nói gì, nhưng người người vui vẻ huyên náo. Cám ơn Thái Hậu nhiệt tình cho người đem tặng lễ vật. Rồi thì hết cả nhà giàu đều kéo xe tới, trai trẻ cũng lũ lượt tới giúp đến nối buôn làng vắng vẻ. Người đến đông như đi phiên chợ đông vậy (…) Sa Môn áo tía Thích Huệ Hưng phụng soạn vào ngày mồng chín, tháng tám, năm Kỷ Sửu niên hiệu Long Phù Nguyên Hoá thứ chín”.

* Xem văn bia do Huệ Hưng soạn tuy có hơi quá nhưng rõ ràng là Từ Đạo Hạnh là nhân vật rất có tiếng tăm đương thời, được vua Nhân Tông và Hoàng thái hậu coi như thượng khách. Chi tiết vương tử xe ngựa tới lui tấp nập cho biết trước là rất có thể Nhân Tông không có hoàng tử, sau là Từ Đạo Hạnh có mối quan hệ rất tốt với các vương hầu. Văn khắc cũng chứng thực về khả năng chữa bệnh và biết trước tương lai của sư mà nhiều sách ghi chép lại.

0