18/06/2018, 16:57

Đâu là sự thật lịch sử ?

Ảnh khu một “Mả tù”của VTC New Tôn Thất Thọ Trên trang thông tin điện tửcủa VTC New ngày 03-06-2016 đăng bài viết của tác giả Trí Bùi có tựa là “Bí ẩn chưa biết về dấu tích mộ tập thể dựng tóc gáy ở Biên Hòa”. Nội dung liên quan đến một sự kiện lịch sử trong ...

Untitled

Ảnh khu một “Mả tù”của VTC New

Tôn Thất Thọ

Trên trang thông tin điện tửcủa VTC New ngày 03-06-2016 đăng bài viết của tác giả Trí Bùi có tựa là “Bí ẩn chưa biết về dấu tích mộ tập thể dựng tóc gáy ở Biên Hòa”. Nội dung liên quan đến một sự kiện lịch sử trong thời gian quân Pháp đánh chiếm tỉnh Biên Hòa cuối năm 1861. Nguyên văn như sau:

 “Nếu như giữa trung tâm Sài Gòn (khu vực vòng xoay Dân Chủ: quận 10 và 3) từng là nghĩa địa lớn nhất Sài Gòn vì có ngôi mộ tập thể (dân Sài Gòn xưa gọi “Mả ngụy”) chôn hàng ngàn người già, trẻ, trai, gái bị xử tử vì tội phản nghịch trong cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835) dưới thời vua Minh Mạng, thì cũng ngay tại trung tâm TP. Biên Hòa (Đồng Nai) cũng từng tồn tại một khu nghĩa địa có ngôi mộ lớn chôn chung hàng trăm người mà dân Biên Hòa xưa gọi là “Mả tù” dưới thời vua Tự Đức.

Ngày nay, khi nhắc đến đến địa danh “Mả tù” không nhiều người dân Biên Hòa nào còn biết rõ tận tường, chỉ có những lão dân kỳ cựu sống ở khu vực Dốc Sỏi, Ngã Ba Thành, chợ nhỏ Cây Chàm (thuộc phường Quang Vinh) thì có thể còn nhớ chút ít. Dấu tích “Mả tù” xưa nay đã bị xóa mờ. Nhân dịp Giáo xứ Biên Hòa kỷ niệm 150 thành lập, chúng tôi thử dò tìm manh mối từ những trang sử liệu công giáo để làm sáng tỏ thêm những bí ẩn của “Mả tù”.

Trong cuốn kỷ yếu “Giáo xứ Biên Hòa 150 năm thành lập” viết, vào thế kỷ 18 “lệnh cấm đạo” gắt gao của chúa Nguyễn ở Đàng Trong ban hành nên các nhà thờ bị đốt phá, nhiều giáo sĩ và giáo hữu phải chết rũ trong tù.

Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi, vì đã chịu ơn Đức cha Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) giúp đỡ ông thời lưu vong nên vua đã ban hành tự do tôn giáo. Nhưng đến đời vua Minh Mạng, cấm đạo trở lại càng ác nghiệt.

Đến thời vua Tự Đức còn hơn thế nữa, vua đã ban hành chính sách tàn sát với 13 sắc chỉ cấm đạo đối với những đồng bào tôn thờ Thiên Chúa. Các tín hữu và họ đạo ở  Mỹ Hội, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Tân Triều (Biên Hòa) tổng cộng 600 người đã bị bắt giam vào ngục thất Biên Hòa. Con số người bị hành quyết tại pháp trường Dốc Sỏi lên tới hàng trăm người.

Ngày 17-12-1861, khi quân Pháp tấn công và chiếm tỉnh Biên Hòa thì tại nhà lao Biên Hòa còn 407 giáo hữu vẫn bị nhốt trong nhà lao. Vì không chống trả nổi trước sự tấn công mạnh mẽ của quân Pháp nên quan quân triều đình nhà Nguyễn đành bỏ thành rút lui.

Trước khi rút chạy, triều đình nhà Nguyễn còn ra lệnh cho lính phóng hỏa thiêu rụi nhà lao Biên Hòa. Hàng trăm tiếng gào thét, tiếng la cứu thất thanh của những người bị nhốt vang vọng khắp thành Biên Hòa. Nhưng ngọn lửa hung bạo cháy suốt ngày đêm đã thiêu rụi tất cả, chỉ có 7 người thoát thân được. 400 người chịu “tử đạo”.

Sau khi quân Pháp chiếm được thành Biên Hòa và bình định xong, thì giáo dân Biên Hòa di tản tứ phương do chiến tranh, đã trở về. Dân chúng mới moi tìm trong mớ tro tàn thi hài của những người giáo dân vô tội bị thiêu cháy đen, co quắp, không nhận được dạng, nên đem chôn chung một nấm mồ, tại vị trí chính nơi họ bị thiêu chết.

Đến năm 1875, cha cai quản giáo xứ Biên Hòa người Pháp tên là Louvet (cha Ngôn) mới cho dựng tại nơi chôn một cây bia đá có khắc hình thánh giá để ghi nhớ cuộc thảm sát tàn khốc đó rồi chọn khu đất này làm “nghĩa trang đất thánh”. Địa danh “Mả tù” có từ đây…” (nguồn: http://www.vtc.vn/bi-an-chua-biet-ve-dau-tich-mo-tap-the-dung-toc-gay-o-bien-hoa-d259658.html).

***

Trước thông tin về sự kiện nghiêm trọng này được phổ biến công khai trên trang thông tin điện tử của một đài truyền hình lớn, và đã được phát sóng truyền hình trên cả nước, chúng tôi đã tìm hiểu để tìm sự thật về câu chuyện lịch sử này:

      1- Trong sách “Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861”, tác giả là Léopold Pallu; trong thời gian Pháp đánh chiếm Gia Định và Biên Hòa (1859-1861), ông là trung úy Hải quân và là sĩ quan tùy viên tổng hành dinh của Phó đề đốc Charner, chính ông là người chỉ huy đội thủy quân lục chiến xung kích đánh vào đại đồn Chí Hòa,và sau đó tiến đánh truy đuổi quân nhà Nguyễn về đến tận Biên Hòa. Cuốn sách của ông được in năm 1864, chỉ 3 năm sau khi liên quân Pháp-Tây Ban Nha đánh chiếm Biên Hòa của nước ta. Trong tập sách này, tác giả không có một dòng nào đề cập đến sự kiện nói trên xảy ra năm 1861.

Tại sao một sĩ quan có chân trong đoàn quân xâm lược đó lại không ghi chép gì hành động “tàn ác” của đối phương (quan quân nhà Nguyễn) ?

   2- Đề cập đến sự kiện Pháp đánh chiếm Biên Hòa thời gian trên, Sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn đã chép như sau:

Người Tây dương đánh lui quân thứ Biên Hòa, vào chiếm đóng tỉnh thành…

Quân Tây Dương dùng thuyền  quân chặn  đóng con đường ở Gia Định, Định Tường đi đến; lại đánh giữ hai cửa biển Cần Giờ và Phúc Thắng. Luôn mấy ngày đánh phá vào xứ Thạch Hãn (các ngày 15 và 16), quân thứ lui giữ phủ Phước Tuy. Thuyền của quân Tây dương nhân nước triều thẳng tiến đến tỉnh thành (ngày 17) dùng súng lớn bắn phá vào thành…

Quân Tây dương vào chiếm lấy thành, lại tiến sát phủ Phước Tuy đánh bắn. Bá Nghi lại lùi về đóng ở phận rừng Long Kiên, Long Lập, thuộc phủ Phước Tuy…” (ĐNTL, sđd, tr.743).

 Qua đó ta thấy quân Pháp đã liên tục bắn phá bằng đại pháo để tiến công và xâm chiếm Biên Hòa. Tác giả Phạm Văn Sơn trong Việt sử tân biên cho biết thành Biên Hòa không hề bị bỏ ngỏ, mà đã chống trả quyết liệt mới cam chịu thất thủ:

        “Sáng sớm ngày 16 tháng 12, quân Pháp tấn công quân ta trên cả hai mặt đường. Chiến hạm Pháp lợi dụng nước lên, Trung tá Trung tá Domenech Diégo được lệnh xung phong cho quân ào ạt bức thành, nã đại bác vào trong như long trời lở đất, yểm trợ cho quân thủy và quân bộ kéo lên. Tuần Phủ Nguyễn Đức Duy, Án sát Lê Khắc Cẩn chống đỡ suốt ngày, xét thấy giữ không xong, nhờ đêm tối lui quân về Hồ Nhĩ…Ngày 17 tháng 12 năm 1861, liên quân vào trong thành”.(Việt sử tân biênQ5, sđd, tr. 141).

Untitled 2

Pháp đánh chiếm Biên Hòa ngày 17 tháng 12 năm 1861 (nguồn: L’Illustration, 1862)

3- Sách Đại Nam Quốc lược sử (Abrégé de l;Histoire d’Annam) do Alfred Schreinr soạn và xuất bản tại Sài Gòn năm 1905 (Nguyễn Văn Nhàn dịch) viết về chiến sự này như sau:

            “Khi quan thủy sư làm chủ được từ huyện đó cho tới sông Đồng Nai rồi, người liền sắp đặt cách thế mà độ binh qua mé tả; chính vì người có ngồi tàu Ondine mà đi với một chiếc canonnière (thuộc chúa tàu Jonnart cai) đặng đến trước thành Biên Hòa, thành này bị cây cối án khuất, thấy đặng có một mình cột cờ mà thôi. Hai chiếc tàu bắn ba hiệp sung lớn mà không bị thệt hại chi, song khi chiếc canonnière đối xạ phát thứ ba thì bên An- nam ngưng bắn; rồi thấy một vầng lửa lớn cháy đỏ hực lên trên thành…” (ĐNQLS…, sđd, tr. 383).

  4- Sự thật càng rõ ràng hơn: trên tờ tuần báo của Pháp là Le Monde Illustré số 254, năm thứ 6, ra ngày 22-2-1862, tức sau sự kiện trên chỉ vài tháng có đăng bài viết có tựa “Expédition de Cochinchine” (Cuộc chinh phục xứ Nam Kỳ), qua mục “Correspondance particulière ” (Thư tín đặc biệt), tờ báo này đã đăng lời của Mac Vernoll, mà đoạn liên quan có nguyên văn như sau:

1

Sách Đại Nam Quốc lược sử

2

Báo Le Monde Illustré số 254:

3

Bài báo về việ c Pháp chiếm Biên Hòa

Nguyên văn đoạn liên quan bằng tiếng Pháp do Mac Vernoll viết.

La petite canonnière ouvrit le feu, et immédiatement un violent incendie se déclara. Les mandarins fuyaient et livraient aux flammes deux cent soixante-quinze chrétiens. Nous fûmes assez heureux pour sauver deux cents de ces malheureux, mais nous eûmes à regretter la mort de soixante-quinze femmes ou enfants étouffés et calcinés par les flammes.”

Tạmdịch : Một chiếc pháo hạmnhỏ đã khai hỏa và ngay sau đó một đám cháy dữ dội bùng lên. Các viên quan đã tháo chạy và để mặc hai trăm bảy mươi lăm con chiên trong ngọn lửa. Chúng tôi sung sướng vì đã cứu được hai trăm người trong số những kẻ bất hạnh đó, nhưng cũng lấy làm tiếc về cái chết của bảy mươi lăm đàn bà hoặc trẻ em đã bị chết ngạt, hoặc bị ngọn lửa thiêu cháy.

Như thế đã rõ. Sự thật lịch sử đã được tuần báo Pháp phổ biến sau sự kiện trên chưa tròn 2 tháng ! :

Lửa cháy là do chiếc pháo hạm của thực dân Pháp nổ đại pháo gây nên; hậu quả làm 75 người chết. Quan quân nhà Nguyễn không thể chống cự nổi nên phải bỏ chạy. Vào thành Pháp đã cứu chữa được 200 người bị nạn…Đó là lý do mà viên trung úy Hải quân Léopold Pallu không thể ghi vào tập ký sự của y.

       Cũng cần nói thêm, được tin quân Pháp sẽ tấn công Biên Hòa, các quan tỉnh thần đã giam giữ một số giáo dân, ngăn ngừa họ làm mật thám cho Pháp như đã từng xảy ra khi chúng xâm chiếm Gia Định, mà cụ thể là trong trận đánh đồn Chí Hòa tháng 2-1861. Cụ thể hơn, trong sách Nguyễn Tri Phương (1800-1873), tác giả Thái Hồng đã trích dẫn một bức thư đề ngày 8/10/1861 của Phó đề đốc Charner gởi Giám mục Sài Gòn  d’Isauropo – lis, tức Giám mục Lefèbvre thì trước đó mấy tháng đã có việc con chiên dùng vũ khí đánh chiếm tỉnh thành Biên Hòa:

       “Đội Thiết đã hướng dẫn mấy trăm con chiên dùng khí giới cướp tỉnh Biên Hòa…làm trầm trọng đến mức cuối cùng số phận của các con chiên khác, trong những vùng thuộc quyền vua Tự Đức…” (Nguyễn Tri Phương…, sđd, tr.315). Đó là lý do các trại giam được lập nên, thế nhưng chẳng may cho số dân này, họ đã bị nạn do vũ khí của người Pháp gây ra.

Do đó, từ trước đến nay, nhiều bài viết cho rằng quan quân nhà Nguyễn trước khi rút chạy ra khỏi Biên Hòa tháng 12 năm 1861 đã đốt cháy trại giam là vô căn cứ và hoàn toàn sai sự thật . Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì điều đó đã rơi vào một cơ quan truyền thông có ảnh hưởng rộng lớn đến xã hội !

=======================

0