18/06/2018, 16:42

Việt Nam thời Pháp đô hộ (bài 1)

GS Nguyễn Thế Anh LỜI NÓI ĐẦU Chỉ mới vỏn vẹn có 90 năm đã trôi qua, từ khi tiếng súng bắt đầu nổ năm 1858 ở Đà-Nẵng cho đến khi Pháp trao trả quyền tự trị cho Việt-Nam vào năm 1949. Đây là một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi, nhưng đã để lại rất nhiều tài liệu, mà chỉ mới ...

1280px-Campagne_du_Tonkin_Attaque_generale_de_la_citadelle_de_Son_Tay.jpg

GS Nguyễn Thế Anh

 LỜI NÓI ĐẦU 

Chỉ mới vỏn vẹn có 90 năm đã trôi qua, từ khi tiếng súng bắt đầu nổ năm 1858 ở Đà-Nẵng cho đến khi Pháp trao trả quyền tự trị cho Việt-Nam vào năm 1949. Đây là một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi, nhưng đã để lại rất nhiều tài liệu, mà chỉ mới có một phần được khai thác. Đối với giai đoạn này, còn bao nhiêu vấn đề chưa được giải thích, còn nhiều khía cạnh phải đào sâu ([1]). Do đó, quyển sách này chưa thể được coi như là một công trình khảo cứu sâu rộng mà mới chỉ là một cái nhìn tổng hợp về cái “sự kiện thuộc địa” mà người viết mong muốn cung hiến cho độc giả, đặc biệt là độc giả sinh viên ban Việt-sử các trường Đại Học. Các biến cố chính trị hay quân sự đã chỉ được phác họa sơ qua, với mục đích là để giúp cho sự nhận thức đúng đắn về sự diễn biến tổng quát của một giai đoạn lịch sử chứa đựng nhiều biến đổi quan trọng cho xã hội Việt Nam.

Xin độc giả đừng tìm trong quyển sách này những sự khen chê. Tinh thần vô tư của sử học chỉ cho phép người viết phát biểu những nhận xét mà người viết mong là khách quan, tuy thái độ khách quan khó mà đạt được đối với nhhững vấn đề còn gây tranh luận.

N.T.A

PHẦN THỨ NHẤT: SỰ CHIẾM-CỨ QUÂN-SỰ

Phần mở đầu

CÁC NGUYÊN-NHÂN KHIẾN PHÁP CAN THIỆP VÀO VIỆT-NAM

Cho đến giữa thế-kỷ XIX, các vị vua nhà Nguyễn đã cố gắng giảm-thiểu đến mức tối-đa các sự tiếp xúc giữa nước Việt-Nam và Tây-phương; chính-phủ cố ý hạn chế các hoạt-động của các nhà truyền-giáo và các thương-gia Tây- phương trên lãnh thổ Việt-Nam. Vì thế, mức độ của các sự bang-giao với các quốc-gia Tây-phương trong tiền-bán thế-kỷ XIX trở nên thấp kém rõ rệt, so với hai thế-kỷ XVII và XVIII, khi mà các thương điếm của các Đông-Ấn công-ty Hòa-Lan, Anh hay Pháp được tự do hoạt động tại vài đô thị Việt-Nam, và các giáo-sĩ Dòng Tên được tiếp đón cả ở Kinh-kỳ Thăng-Long hay Huế.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, các chính-phủ của các quốc-gia Tây-phương nhiều lần đã ngỏ ý muốn thiết lập bang-giao với Việt-Nam, nhất là chính-phủ Pháp. Sau khi tình hình chính-trị ổn định tại Âu-châu, chính-phủ Pháp đã cố gắng trong khoảng thời gian từ năm 1817 đến 1831 liên lạc với vua nhà Nguyễn, với mục đích khuyến khích triều-đình Huế giao-thiệp với người Pháp. Vào lúc Tây-phương muốn kiểm tra thị trường Viễn-Đông, chính-phủ Pháp mong được triều-đình Huế hiến cho người Pháp đặc quyền buôn bán tại Việt-Nam. Song triều-đình Huế đều bác bỏ các đề nghị thông thương của Pháp:

  • Năm 1817, vua Louis XVIII phái thuyền-trưởng A. de Kergariou điều khiển tàu Cybèle mang quốc-thư tới Việt-Nam, nhưng A. de Kergariou không được vua Gia-Long tiếp.
  • Năm 1822, một vị đặc-sứ khác của chính-phủ Pháp lại được phái tới Việt-Nam, Courson de la Ville-Hélio. Lần này, vua Minh-Mạng cũng không cho viên đặc-sứ ấy vào triều yết.
  • Năm 1831, vua Pháp Louis-Philippe cử thuyền-trưởng Laplace tới Đà-Nẵng với một sứ-mạng tương tự với sứ-mạng của các vị đặc-sứ mà Pháp đã phái đến Việt-Nam trước kia; cũng như các vị đặc-sứ trước, Laplace không thành công trong việc thiết lập sự thông thương vì triều-đình Huế bác bỏ mọi cuộc điều đình. Cả đến lãnh-sự-quán mà Pháp được phép đặt ở Huế từ năm 1821 do Jean-Baptiste Chaigneau, rồi Eugène Chaigneau điều khiển, cũng phải đóng cửa vào năm 1829. Sau sự thất bại của Laplace vào năm 1931, chính-phủ Pháp phải từ bỏ mọi ý định lập mối bang-giao chính thức với Việt-Nam.

Sau năm 1831, chính-phủ Pháp ít để ý đến Việt-Nam mặc dầu còn hiện diện tại đây một số cố-đạo thuộc Hội Ngoại-quốc truyền-giáo. Các nhà truyền-đạo này phải lẩn tránh vì triều-đình Huế bắt đầu có một thái độ nghiêm khắc hơn đối với sự truyền-bá đạo Thiên Chúa. Năm 1833, vua Minh-Mạng cho ban hành một đạo dụ cấm Thiên-chúa giáo, và vào tháng 7 năm đó, cố-đạo Gagelin bị xử tử vì đã không tuân theo lệnh nhà vua. Chính-sách đàn áp tín đồ Thiên-chúa giáo trở nên khắc nghiệt hơn sau vụ nổi loạn của Lê Văn Khôi ở Gia-Ðịnh, vì số giáo-dân hưởng ứng cuộc nổi loạn này rất đông đảo, và một cố-đạo người Pháp, Marchand, bị nghi ngờ là đã nhúng tay không ít vào âm mưu làm loạn của Lê Văn Khôi. Một dụ cấm đạo mới được ban hành ngày 6-1-1836; năm 1837 và 1838, có hai chiến-thuyền Pháp ghé bến Đà-Nẵng, nhưng triều-đình không cho phép các thuyền-trưởng tiếp xúc với các nhà truyền-đạo cũng như với giáo-dân.

Trước thái độ cứng rắn của triều-đình Huế, trong giới sĩ-quan hải-quân Pháp am hiểu tình hình Viễn-Đông đã có người phát biểu ý kiến can thiệp bằng vũ-khí ở Việt-Nam: ngay trong năm 1838, một sĩ-quan hải-quân Pháp là Fourichon đã đề nghị đem một hạm-đội nhỏ tới chiếm hải-cảng Đà-nẵng. Nhưng những đề nghị này không phù hợp với chính-sách đối ngoại của nước Pháp khi bấy giờ. Ngoại-trưởng Pháp, Guizot, cho đến năm 1848 theo đuổi mục đích khôi phục lại cho nước Pháp địa vị một cường quốc tại Âu-châu; muốn đạt được mục đích ấy Guizot cho rằng cần phải liên minh với Anh quốc. Vì thế, nước Pháp không thể làm mất lòng Anh-quốc bằng cách bành trướng thế lực tại Á-Ðông được.

Tuy nhiên, Chiến-tranh Nha-phiến mở rộng thị-trường Trung-Hoa cho nền thương-mãi Tây-phương, và người Pháp cũng được quyền buôn bán tại các thương-khẩu Trung-Hoa kể từ 1844 trở đi. Chính phủ Pháp mới thấy cần có một căn cứ trong miền Nam-Hải để làm điểm dựa cho thuyền bè Pháp trên các đường biển miền Thái-bình-dương. Năm 1844, Guizot phái thượng-tướng Cécille và đặc-sứ Lagrenée sang Trung-Quốc; các phái viên này còn được giao phó sứ-mệnh tối mật là tìm cho Pháp một căn cứ ở Á-Ðông sẽ hiến cho nước Pháp những lợi ích chiến-thuật và thương-mãi y như căn-cứ Tân-Gia-Ba của Anh hay Macao của Bồ-Ðào-Nha. Nhưng, vì không muốn gây rắc rối với Anh-Quốc, Guizot chỉ thị cho Cécille là không được động tới Việt-Nam. Do đó, lực-lượng hải-quân điều khiển bởi Cécille đã chiếm đảo Basilan, một đảo nhỏ nằm giữa Bornéo và Phi-Luật-Tân. Song Tây-Ban-Nha phản kháng, nêu cớ Basilan thuộc Phi-Luật-Tân, và đòi Pháp phải rút quân ra khỏi đảo này. Được các nhà truyền-đạo cho biết rằng Pháp sẽ có một căn cứ hải-quân và sự truyền-giáo sẽ được tự do tại Việt-Nam, nếu chính-phủ Pháp chịu giúp vào việc khôi phục lại nhà Lê, Cécille đề nghị can thiệp tại Việt-Nam. Nhưng đề nghị này không được Guizot nghe theo, vì Ngoại-trưởng Pháp không muốn làm mất lòng Anh-Quốc vì bất cứ một cớ nào.

Chính-sách ngoại-giao của Guizot làm các sĩ-quan Pháp phục vụ tại Viễn-Ðông và các nhà truyền-đạo bất mãn nhiều, vì họ cho rằng chính-phủ Pháp không để ý đến họ và không điếm xỉa đến quyền lợi của Pháp-kiều tại Viễn-Ðông. Giáo-sĩ Douai đã so sánh hành động của nước Pháp với “một con chó chỉ đứng xa mà sủa chứ không dám cắn”. Dư luận quần chúng Pháp, sôi động vì sự ngược đãi giáo-dân bởi vua Minh-Mạng, ủng hộ ngày một nhiều các đòi hỏi của các nhà truyền-đạo. Kể từ khoảng 1840 trở đi, có một sự tuyên truyền ra mặt đòi hỏi chính-phủ Pháp phải can thiệp về mặt quân-sự tại Việt-Nam để giúp cho sự truyền bá đạo Thiên-Chúa; Hội Ngoại-quốc truyền-giáo góp phần vào công cuộc tuyên truyền này bằng cách cho phổ biến các tin tức do các cố đạo từ Việt-Nam gửi về Pháp ([2]).

Nhưng vua Thiệu-Trị mới nối ngôi vua Minh-Mạng có một thái độ ôn hòa hơn đối với các nhà truyền đạo Tây-phương. Nhà vua cho thả vài vị cố-đạo bị bắt, như giám-mục Lefèbvre, được thượng-tướng Cécille phái tàu tới Đà-Nẵng xin tha (tháng 6-1845). Nhà vua lại còn tỏ ý định sẽ cho thương-thuyền qua Âu-châu buôn bán, làm các nhà truyền-đạo tưởng rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa nhà vua sẽ bãi bỏ lệnh cấm đạo. Vì thế, giám-mục Lefèbvre lén lút trở lại Việt-Nam, coi thường luật lệ hiện hành; bị bắt lần thứ hai, Lefèbvre bị lên án tử hình. Thừa cơ hội này, thượng-tướng Cécille phái hai chiến-thuyền tới Đà-Nẵng không những để đòi chính-phủ Việt-Nam trả tự do cho giám-mục Lefèbrve, mà còn buộc chính-phủ Việt-Nam phải hiến cho các giáo sĩ quyền truyền-giáo rộng rãi. Những yêu sách quá đáng này làm vua Thiệu-Trị tức giận; nhà vua ra lệnh cho bao vây hai chiến thuyền Pháp. Nhưng, sau một giờ giao chiến, các chiến-thuyền Việt-Nam bị bắn chìm. Thái độ khiêu khích của các giáo-sĩ và các sĩ-quan hải quân Pháp đã làm mất tất cả mọi cơ hội hòa giải giữa Việt-Nam và Pháp: vua Thiệu-Trị ra lệnh xử tử ngay tại chỗ những người Âu bắt được trên lãnh-thổ Việt-Nam ([3]).

Sự thị uy của chiến-thuyền Pháp tại Đà-Nẵng cho thấy rõ nguy cơ đương đe dọa nước Việt-Nam. Các quan trong triều vua Tự-Đức mới kế vị vua Thiệu-Trị không phải là không ý thức được mối đe dọa ấy; trong các bản sớ tấu dâng lên nhà vua, nhiều người đã đề cập đến sự bành trướng thế lực của người Âu tại Viễn-Đông ([4]). Nhưng triều-đình đã không có một biện-pháp đối phó nào ngoài sự cấm đoán đạo Thiên-chúa ngặt nghèo hơn trước. Nhân vụ An-phong-công Hồng-Bảo mưu nghịch, tìm sự ủng hộ của các giáo-sĩ Âu-châu để đọat ngôi báu, vua Tự-Ðức nghi ngờ các nhà truyền-giáo nhúng tay vào đời sống chính-trị Việt-Nam  và cho công bố hai đạo dụ cấm đạo mới năm 1848 và 1851. Từ năm 1848 đến năm 1860, tại Bắc Việt-Nam, có đến 10 giáo-sĩ người Âu và khoảng 100 giáo-sĩ người Việt bị xử tử; tại Nam Việt-Nam, vào khoảng 15 giáo-sĩ ngoại-quốc và 20 giáo-sĩ người Việt bị giết. Hàng vạn giáo-dân bị tàn sát hay bị lưu đày.

Trong khi đó, sự thay đổi chính-thể tại Pháp đã đưa tới sự thiết lập nền Đệ-nhị Đế-chính (Second Empire) của Napoléon III, với sự ủng hộ của các đảng phái bảo thủ, nhất là phái công-giáo. Ảnh hưởng mạnh mẽ của phái công giáo đòi hỏi Napoléon III phải tự coi là người đứng ra bảo vệ quyền lợi của đạo Thiên-chúa ở Trung-Hoa cũng như ở Việt-Nam. Dần dần, chính-sách Á-Ðông của Napoléon III mang thêm nhiều sắc thái khác, cho thấy sự phù hợp giữa các lợi ích của Giáo-hội Việt-Nam và các tham vọng thực dân của nền Đệ-nhị Đế-chính: Napoléon III cũng muốn tìm tiêu trường cho các sản phẩm của nền kỹ-nghệ Pháp đương phát triển, và tìm những chiến thắng để thỏa mãn lòng tự ái của dân Pháp; can thiệp bằng vũ-lực tại Việt-Nam sẽ cho phép chính-quyền lấy được lòng quân đội. Hành động thiếu khôn khéo của vua Tự-Đức khi ra lệnh chém vị đại-lý của Giáo-hoàng ở miền Đông Bắc-kỳ, giáo sĩ Diaz, người Tây-Ban-Nha, vào đúng lúc Pháp, Anh và Tây-Ban-Nha đều có hạm-đội ở Viễn-Ðông để chuẩn bị tấn công Trung-Hoa, sẽ hiến cơ hội thuận tiện cho Napoléon III.

Tại Pháp, có nhiều nhân vật ủng hộ việc xâm chiếm Việt-Nam:

  • Các sĩ-quan hải-quân thuộc lực lượng Pháp trong miền biển Trung-Hoa, muốn có một căn cứ dùng làm trạm nghỉ cho tàu bè trên đường tới Trung-Quốc: thượng-tướng Cécille, Fourichon.
  • Các nhà ngoại-giao, đại-lý sư-vụ Pháp ở Trung-Hoa, như de Courcy và Bourboulon. De Courcy đã thảo một bản báo cáo, đề nghị với chính-phủ Pháp phái quân đội chinh phạt Cao-Ly và Việt-Nam. Còn Bourboulon thì đã đề nghị ngay từ năm 1852 chính-phủ Pháp can thiệp tại Việt-Nam; năm 1857, Bourboulon lại tuyên bố là Pháp phải cùng Tây-Ban-Nha phái một đội quân viễn chinh tới Việt-Nam và, để bảo đảm cho tương lai, phải chiếm cứ vĩnh viễn một lãnh-thổ làm căn cứ.
  • Các nhà truyền-giáo có rất nhiều ảnh hưởng đối với hoàng-hậu Eugénie, như giáo-sĩ Huc, giám-mục Retord, đại-lý Giáo-hoàng tại miền Tây Bắc-kỳ, và giám- mục Pellerin, giám-mục địa-phận Huế. Trước năm 1848, giám-mục Retord chỉ muốn chính-phủ Pháp can thiệp trên phương diện ngoại giao mà thôi; bây giờ đi xa hơn, muốn có một sự can thiệp bằng võ lực để làm áp lực đối với triều-đình Huế; ông ta chỉ thỏa mãn nếu Pháp chiếm một căn cứ trên lãnh-thổ Việt-Nam.

Năm 1855, vì muốn tham dự cuộc phân chia thị trường Á-Ðông, chính-phủ Pháp đặc phái sứ-giả de Montigny đến các quốc-gia Á-Châu để thương lượng hiệp ước thông thương. De Montigny được ân cần tiếp đãi tại Xiêm-La và, sau đó, lên đường tới Đà-Nẵng để khởi đầu các cuộc điều đình với triều-đình Huế. Ba chiến-thuyền được phái đi cùng với sứ-bộ để ủng hộ cho sứ-bộ. Nhưng các chiến-thuyền này đã đến trước sứ-bộ, còn bận thương lượng sự ký kết một hòa ước với hoàng-gia Cao-Mên. Tàu Catinat cặp bến Đà-Nẵng ngày 17-9-1856: viên thuyền trưởng, trung tá Le Lieur, vì gặp khó khăn với các quan địa-phương, đã cho nổ súng bắn phá các pháo-đài trấn phòng cửa biển Đà-Nẵng. Khi de Montigny đến Đà-Nẵng vào tháng giêng năm 1857, sự việc đáng tiếc đã xảy ra, và các đề nghị hòa hảo thông thương của vị đặc-sứ Pháp không thể nào được chấp thuận bởi triều-đình Việt-Nam. ([5])

Đồng thời với sự thất bại của sứ-bộ de Montigny, giám-mục Pellerin đã lên đường về Pháp để vận động cho việc Pháp can thiệp vào Việt-Nam. Hoạt động của giới truyền-đạo được hoàng-hậu Eugénie ủng hộ triệt để và đã là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến Napoléon III cho thành lập một ủy hội nghiên cứu vấn đề Việt-Nam (Commission de la Cochinchine) gồm nhiều nhân vật thông thạo về các vấn đề Viễn-Ðông. Ủy-hội nhóm họp từ tháng 4 năm 1857 và bày tỏ ý kiến là chính-phủ Pháp phải chiếm cứ ba thương-cảng chính của Việt-Nam, nơi đó người Pháp thường hay tới buôn bán: Đà-Nẵng, Saigon và Kẻ Chợ; việc chiếm cứ này sẽ có lợi cho Pháp trên cả ba phương diện tinh-thần, chính-trị và thương-mãi. Nó phải được thực hiện bởi một hạm-đội hoàn toàn không phụ thuộc với hạm-đội Pháp khi bấy giờ đương hiện diện trong miền biển Trung-Hoa.

Napoléon III chấp thuận các kết luận của Ủy-ban, nhưng lại ra lệnh cho vị đô-đốc chỉ huy hạm-đội Pháp ở Viễn-Ðông phải phái chiến-thuyền tới chiếm Đà-Nẵng ngay, mà không được mất thời giờ thương nghị với triều-đình Huế nữa (25-11-1857). Song mệnh lệnh của Hoàng- đế Pháp không được thi hành ngay, vì liên-quân Anh Pháp đương bận tay vì chiến-tranh Trung-Hoa. Phải đợi sau khi hòa ước Thiên-Tân được ký kết (tháng 6-1858), vào tháng 8 năm 1858, đô-đốc Rigault de Genouilly mới có thể đưa một hạm-đội gồm 14 chiến-thuyền đến đánh Đà-Nẵng. Cùng đi với hạm-đội này có giám-mục Pellerin, với tư cách cố-vấn chính-trị và quân-sự cho vị tướng chỉ huy. Ngày 1-9-1858, quân Pháp tấn công Đà-Nẵng, với sự trợ lực của một đơn-vị bộ-binh do đại-tá Tây-Ban-Nha Lanzarote chỉ-huy.

 THƯ-MỤC SƠ-LƯỢC

CANDY John F., The roots of French imperialism in Eastern Asia. London, Oxford Univ. Press, 1954, xiv-322 tr.

CORDIER Henri, “La reprise des relations de la France avec I’Annam sous Ia Restauration”, Mélanges d’Histoire et de Géographie Orientales. Paris, 1922. q. III, tr. 172- 210.

CORDIER Henri, Le Consulat de France à Huế sous la Restauration. Documents inédits tirés des Archives des Départements des Affaires Etrangères, de la Marine et des Colonies. Paris, 1884, 134 tr.

CORDIER Henri, “La mission Dubois de Jancigny dans I’Extrème-Orient (1841-1846). Revue d’Histoire des Colonies, 1916, tr 129-232.

CORDIER Henri, La politique coloniale de la France au début du Second Empire: Indochine 1852-1858. Leide, 1911, 264 trang.

FAIVRE J.-P., L’expansion française dans le Pacifique 1800 à 1842. Paris, 1953, 550 tr.

FRANCHINI Ph., “La genèse de l’affaire de Cochichine 1855-1857”, Revue d’Histoire des Colonies, 1951, tr. 427-459.

JOINVILLE Pierre de, Le réveil économique de Bordeaux sous la Restauration. L’armateur Balguerie-Stuttenberg et son oeuvre. Paris, 1914, xxiv-485 trang.

LAUNAY Adrien, Mgr Retord et le Tonkin catholique. Lyon, (1923), 320 tr.

TABOULET Georges, “Les origines immédiates de I’intervention de la France en Indochine (1857-1858)”, Revue d’Histoire des Colonies, 1954, tr. 279-302.

CHƯƠNG I

SỰ CHIẾM-CỨ BA TỈNH MIỀN ĐÔNG NAM-KỲ BỞI NGƯỜI PHÁP

Vị tướng chỉ-huy cuộc tấn công Đà-Nẵng, Rigault de Genouilly, đã được cử làm tư-lệnh lực-lượng hải-quân Pháp tại Viễn-Ðông ngày 15-7-1857 vì hai lý do: ông có nhiều hiểu biết về các vùng biển Nam-Hải và Trung-Hoa vì đã phục vụ lâu năm tại đây, và ông có nhiều liên hệ thân hữu với giới truyền-đạo.

Vào đầu năm 1858, Rigault de Genouilly được lệnh tiến quân để chiếm-cứ Đà-Nẵng, nhưng huấn-lệnh này không vạch rõ cho người thi hành nó một kế hoạch toàn diện nào. Chính-phủ Pháp chỉ có một mục tiêu rõ rệt là làm thế nào đòi hỏi triều-đình Huế phải chấp nhận dành cho các nhà truyền-giáo Pháp độc quyền giảng đạo trên lãnh-thổ Việt-Nam. Chính-phủ Pháp cho rằng mục tiêu này sẽ đạt được sau khi Đà-Nẵng bị chiếm, vì tưởng lầm rằng Đà-Nẵng là yết hầu của Việt-Nam và triều-đình Huế sẽ phải nhượng bộ sau khi Đà-Nẵng thất thủ. Còn sau khi chiếm xong Đà-Nẵng, quyền định đoạt được hoàn toàn giao phó cho vị đô-đốc tư-lệnh; vị này được toàn quyền xác định các mối tương giao giữa hai chính-phủ Pháp và Việt, như đòi hỏi sự đặc nhượng một căn cứ trên vịnh Đà-Nẵng (các thương-gia Pháp, từ thế-kỷ XVIII, không ngớt nhấn mạnh lên địa-điểm này để dùng làm một thương-cảng có thể lôi cuốn các thương-thuyền Trung-Quốc), và sự thiết lập một tòa lãnh-sự Pháp tại Huế. Chính-sách của Pháp sự thật không vượt quá mục tiêu chiếm một căn cứ làm bảo đảm cho các sự thương lượng, nghĩa là chỉ nghĩ đến một tương lai rất gần; còn về sau ra sao, thì chính-phủ Pháp dồn tất cả trách nhiệm cho người thi hành mệnh lệnh. Chính vì tính cách mập mờ của chính-sách ấy mà bộ tư-lệnh quân-đội viễn chinh Pháp đã có những hành-động do dự, trù trừ ([6]).

 

  • CUỘC VIỄN-CHINH NAM-KỲ.

Sau ngày 2-9-1858, các đồn-ải Đà-Nẵng đều bị quân Pháp chiếm đóng. Nhưng giáo-dân Việt-Nam lại tỏ vẻ lạnh lùng với quân-đội xâm-lăng, chứ không nổi loạn như vài giáo-sĩ đã tuyên truyền. Thái độ bất hưởng ứng của giáo-dân đã phủ nhận lời tuyên bố của giám-mục Pellerin, quả quyết rằng người Pháp chỉ cần đánh bất cứ nơi nào ở Việt-Nam là giáo-dân sẽ đáp lại bằng cách nổi dậy chống lại triều-đình. Rigault de Genouilly thấy không thể dùng Đà-Nẵng làm căn-cứ được, vì triều-đình Huế không tỏ vẻ lo sợ, không muốn bắt đầu cuộc thương-nghị nào mà lại cho tổ chức các cuộc kháng-cự. Rigault de Genouilly cũng thấy khó tiến quân tới Huế, vì không am hiểu tình hình và địa-thế. Thêm nữa, quân-đội viễn chinh lại bị bệnh dịch tả và sốt rét sát hại rất nhiều.

Rigault de Genouilly đã phải báo cáo về Paris như sau: “Chính phủ đã bị lừa dối về bản-chất của cuộc viễn chinh này; người ta đã thông báo cho chính-phủ những tài-nguyên hão huyền, người ta đã dự đoán những khuynh hướng của dân chúng hoàn toàn trái ngược với thực tế; người ta báo cáo rằng uy-quyền giới quan lại đã suy yếu, thì uy quyền ấy vẫn mạnh và sâu rộng; người ta báo cáo rằng quân đội và binh sĩ vắng mặt, thì quân đội chính qui lại đông đảo và dân-quân gồm tất cả những trai tráng khỏe mạnh; người ta đã tán dương khí-hậu ở đây tốt lành, khí-hậu lại rất độc”.

Sau nhiều tháng chiếm đóng Đà-Nẵng mà không tiến thêm được, Rigault de Genouilly thấy cần phải đổi chiến-lược. Đáng lý ra hạm-đội Pháp phải tiến lên phía Bắc để nhập vào vịnh Bắc-kỳ, vì lý do chính thức của sự can thiệp của Pháp vào Việt-Nam là để bảo vệ đạo Thiên-chúa, và ở Bắc-kỳ tín đồ Thiên-chúa-giáo rất đông đảo. Thêm nữa, tại Bắc-kỳ đương có cuộc nổi loạn của Lê Duy Phụng, tự xưng là dòng dõi vua Lê Cảnh-Hưng; giáo dân các tỉnh Bắc-kỳ hưởng ứng cuộc nổi loạn này rất nhiều. Nhưng đầu năm 1859, Rignault de Genouilly quyết định đem quân vào đánh miền Nam.

Nhiều nguyên nhân đã thúc đẩy Rigault de Genouilly tới quyết định này:

  • miền Nam-kỳ (Basse Cochinchine) nổi tiếng một vùng nông-nghiệp trù-phú, cung cấp thóc gạo cho “Huế và quân-đội An-nam-mit”. Chiếm được miền này, Pháp sẽ làm cạn nguồn tiếp viện lương-nhu cho triều-đình Huế.
  • thương-khẩu Saigon nằm giữa Tân-Gia-Ba và Hương-Cảng, có một vị-trí rất thuận lợi về mặt thương mãi. Ngay từ đầu thế-kỷ XIX, có những thương-gia người Anh đã để ý đến Saigon và đề nghị với chính-phủ Anh-quốc chiếm lấy thương-khẩu này ([7]).
  • trong những tháng đầu năm 1859, gió mùa Đông Bắc thổi, chiến-thuyền dong buồm xuống miền cửa sông Cửu-Long sẽ được xuôi gió.

Ngày 18-2-1859, quân Pháp chiếm thành Saigon. Rigault de Genouilly biện minh cho tính cách quan trọng của sự chiếm cứ này khi ông tuyên bố: “Saigon có triển vọng trở thành trung-tâm của một nền thương-mãi rộng lớn sau khi thương-cảng này được mở ra cho người Âu-Châu. Xứ này giàu về mọi sản phẩm: gạo, đường, thuốc lá, gỗ rừng, mọi thứ đều đầy dẫy. Nhiều con sông thông với nội địa và xứ này sẽ cung cấp vô số tài-nguyên ít nhất là cho sự xuất-cảng”. Ngày 23-2-1859, Rigault de Genouilly ra lệnh hạ thuế thương-chính xuống 50%, mở rộng thương-cảng Saigon cho thương-thuyền các quốc-gia bạn, và cho phép tự do xuất-cảng thóc gạo. Tuy nhiên, vị tư-lệnh quân-đội viễn-chinh Pháp đã không đả động chút nào đến mục tiêu chính thức của sự can-thiệp của Pháp vào Việt-Nam, là việc bảo vệ đạo Thiên-chúa và các quyền lợi của các nhà truyền-giáo. Hình như Rigault de Genouilly hiểu rằng các giới kinh-doanh Pháp chỉ ủng hộ cuộc viễn-chinh nếu có thể rút tỉa được những lợi tức kinh-tế và thương-mãi.

Năm 1860, các sự rắc rối trong việc bang-giao với Trung-Quốc khiến hai chính-phủ Anh và Pháp phải quyết định một cuộc viễn-chinh mới tại Trung-Hoa. Tất cả lực lượng Pháp tại Viễn-Ðông phải được dùng vào cuộc viễn-chinh này, nên không những quân Pháp phải triệt thoái khỏi Đà-Nẵng mà tại Saigon chỉ còn được để lại có một đội quân nhỏ gồm binh Pháp và Tây-Ban-Nha. Đội quân này chỉ có thể giữ thế thủ trước các cuộc tấn công của quân-đội Việt-Nam chỉ huy bởi Nguyễn Tri Phương.

Chính-phủ Pháp khi đó muốn rút quân ra khỏi Việt-Nam, nhưng Rigault de Genouilly trở về Paris cố gắng biện hộ cho sự duy trì sự hiện diện của quân Pháp tại Saigon. Bộ trưởng Hải-quân Pháp, Chasseloup-Laubat, cũng nghĩ rằng Saigon có thể trở thành một căn-cứ hữu ích cho ảnh-hưởng của Pháp ở Viễn-Ðông. Vì thế, sau khi hòa-ước Bắc-Kinh được ký với chính-phủ Trung-Hoa ngày 25-10-1860, vị tư-lệnh lực-lượng hải-quân Pháp, đô-đốc Charner, được lệnh đem một hạm-đội gồm 70 chiến hạm và 3.500 binh lính tới miền Nam Việt-Nam để củng cố sự chiếm cứ của Pháp.

Tháng 2 năm 1861, quân Pháp chiếm đồn Kỳ-Hòa; Mỹ-Tho cũng rơi vào tay quân Pháp vào tháng 4. Trong suốt năm 1861, Charner tiếp tục mở rộng khu-vực chiếm cứ bởi quân Pháp xung quanh Saigon và Mỹ-Tho và bắt đầu thiết lập một tổ-chức hành-chánh để cai trị những vùng kiểm tra bởi quân Pháp. Trong một thông-cáo gửi cho sĩ-quan, Charner tuyên bố là: “quyền cai trị của quan lại Việt-Nam đã biến đi, nhường chỗ lại cho quyền cai trị của nước Pháp”. Ngay từ tháng 6 năm 1861, Charner đã thông-báo cho triều-đình Huế biết các điều-kiện nếu được chấp thuận thì Pháp sẵn sàng hòa-nghị: tự-do tín-ngưỡng cho giáo-dân Việt-Nam, Việt-Nam phải chuyển nhượng cho Pháp hai tỉnh Gia-Định và Định-Tường, tự do đi lại và tự do buôn bán cho người Âu-châu trong toàn cõi lãnh-thổ Việt-Nam. Nhưng vua Tự-Đức chỉ chấp nhận có điều kiện đầu mà thôi và truyền hịch kêu gọi toàn dân chống lại quân Pháp trong những địa-hạt đã bị chiếm cứ; triều-đình hứa thưởng phẩm-hàm cho những ai tuyển mộ được dân quân để hưởng ứng lời kêu gọi của nhà vua.

Sự kháng-cự lại quân Pháp được tổ chức rất mau chóng: có một sự kháng-cự của nông-dân, nhưng hữu hiệu nhất là sự kháng-cự của các đội quân đồn-điền dưới sự điều khiển của quan lại Việt-Nam trung-thành với triều đình. Vì quân Pháp không am hiểu địa-thế những miền mà họ chiếm cứ nên sự kháng-cự này trở thành lối đánh du-kích. Trung tâm của chiến tranh du-kích này là tỉnh Gò-Công.

Các vị lãnh-tụ của phong trào kháng chiến này, như Trương Công Định, Nguyễn Hữu Huân, Phan Văn Đạt, Lê Cao Dũng, Võ Di Nguy, Phủ Cao, v.v…, đã được các sử gia Pháp của thế-kỷ XIX coi như giặc cướp. Song, các sĩ-quan Pháp phải đối phó với họ lại đã tỏ lòng thán phục họ, như J. Silvestre đã có nhận xét sau về Lãnh-binh Trương Công Định: “Ông ta là một người thông minh, lanh lợi, can đảm và bất khuất; ông ta được thúc đẩy bởi sự thù ghét người ngoại-quốc cũng như bởi lòng trung thành với nước An-Nam” ([8]).

Để chống lại các du-kích-quân này, đô-đốc Charner đã phải ra lệnh giải tán tất cả các đồn-điền (1-6-1861), dùng quân lính Việt-Nam trong hàng ngũ quân-đội Pháp (24-3-1861), giảm thuế cho năm 1861, thiết quân luật trong các vùng Pháp chiếm cứ.

Lối đánh du-kích của quân kháng-chiến Việt làm cho lính Pháp rất khốn khổ. Một sĩ-quan Pháp đã phải viết là: “Chỉ một vài binh sĩ của ta bị giết trong các trận phục kích, nhưng quân ta chết nhiều vì đau ốm bởi vì ta phải đuổi theo quân du-kích trong những vùng đầm lầy đầy dịch khí, dưới bầu trời nóng như thiêu”.

Biên-Hòa, Bà-Rịa và Vĩnh-Long rơi vào tay quân Pháp trong ba tháng đầu năm 1862, cũng không thay đổi tình trạng của quân-đội viễn-chinh Pháp. Vào cuối năm 1861, Nguyễn Trung Trực đã có thể đốt cháy pháo-hạm Espérance của Pháp. Các đồn Pháp ở Mỹ-Tho, Biên-Hòa hay Chợ-Lớn luôn luôn bị tấn công. Trong vòng ba năm rưỡi, thiệt hại của quân Pháp đã lên tới 2.000 người và tình thế của quân-đội viễn-chinh rất là bất ổn và tổn ải.

Nhưng chính vào lúc quân Pháp xem ra yếu thế thì, vào tháng 5 năm 1862, triều-đình Huế chấp thuận thương thuyết với người Pháp. Có hai lý do quan trọng giải thích thái-độ ôn-hòa của vua Tự-Đức:

  • kinh-thành Huế lâm vào tình trạng thiếu lương nhu vì thóc gạo Nam-kỳ bị phong tỏa bởi quân Pháp.
  • tình hình rối loạn lan rộng ở Bắc-kỳ. Năm 1862, Lê Duy Phụng cầm đầu giặc loạn đã chiếm lấy các tỉnh miền Đông Bắc-kỳ. Lê Duy Phụng mong muốn được các giáo-sĩ Tây-Ban-Nha và cả quân Pháp giúp đỡ. Nhưng đô-đốc Bonard vừa mới thay thế Charner do dự can thiệp vào Bắc-kỳ, vì ngại rằng Tây-ban-nha sẽ nhân cơ hội này mà xâm chiếm Bắc-kỳ; ông cũng ngại sự chống đối của dư-luận Pháp, đã không tán thành cho lắm các sự việc xảy ra ở Nam-kỳ.

Do đó, đã có thể có được cuộc thương-thuyết giữa các sứ-giả của vua Tự-Đức, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp, và đô-đốc Bonard cùng đại-tá Palanca, tư-lệnh quân Tây-ban-nha. Cuộc thương lượng diễn ra trên tàu Duperré bỏ neo ở bến Saigon, và kéo dài từ ngày 28-5 đến ngày 3-6-1862; nó đưa tới sự ký kết một hòa-ước, thường được gọi là hòa-ước Saigon hay hòa-ước Nhâm-tuất.

  1. – HÒA-ƯỚC SAIGON (5-6-1862)

Hòa-ước gồm 12 điều khoản đề cập tới những vấn đề sau:

  • tự do theo đạo Thiên-chúa (khoản 2). Nhưng chỉ có nguyên-tắc tự do tín-ngưỡng được ước định mà thôi chứ vấn đề truyền-giáo đã không được nói tới.
  • tự do mậu-dịch và thông-thương (khoản 3, 5 và 10). Thuyền bè Pháp, thuyền chiến cũng như thuyền buôn, được quyền tự do lưu-thông trên sông Cửu-Long; ngược lại, chính-phủ Việt-Nam không được chuyên chở vũ-khí, quân-nhu, đạn dược qua lãnh-thổ chuyển-nhượng cho người Pháp. Các thương-gia Pháp và Tây-Ban-Nha được quyền tự do mậu-dịch trong 3 hải-cảng Đà-Nẵng, Ba-Lạt và Quảng-Yên; người Việt, ngược lại, được quyền tới buôn bán trong các hải-cảng Pháp và Tây-Ban-Nha.
  • ngoại-giao (khoản 4 và 6). Hòa-ước không nói tới việc đặt lãnh-sự-quán, mà chỉ đề cập đến việc mở hội-nghị giữa đại-diện của Việt-Nam, Pháp và Tây-Ban-Nha mỗi khi xét thấy cần. Sự kiện mới mẻ là các sứ-giả Pháp hay Tây-Ban-Nha được quyền tới Kinh yết kiến vua Việt-Nam, điều mà ttriều-đình Huế từ xưa đến nay vẫn hằng từ chối. Khoản 4 cho thấy rõ là Pháp không muốn chia xẻ ảnh hưởng tại Việt-Nam với một quốc gia nào khác: “Nếu một nước ngoại-quốc nào muốn được chuyển-nhượng một phần lãnh-thổ An-nam, vua An-nam phải phái sứ-giả trình-báo Pháp-hoàng và quyền quyết-định sẽ là do Pháp-hoàng”.
  • Bồi-thường binh-phí (điều 8). Triều-đình Huế phải trả một chiến-phí bồi-khoản là 4 triệu dollars (2.800.000 lạng bạc), trong thời hạn mười năm. Cho rằng người Pháp đã khởi sự chiến-tranh, triều-đình Huế đã không muốn chấp nhận nguyên tắc bồi thường, nhưng vì thấy không thể né tránh được nên đã phải nhượng bộ.
  • Chuyển nhượng đất đai (khoản 3 và 11). Khoản 3 qui định rằng: “Ba tỉnh Biên-Hòa, Gia-Ðịnh và Định-Tường cùng đảo Côn-Lôn được chuyển nhượng cho Pháp với tất cả chủ quyền trên lãnh-thổ ấy”. Pháp bằng lòng trả tỉnh Vĩnh-Long lại cho nước Nam, với điều kiện vua Tự-Đức phải gọi trở về các quan quân triều-đình đã phái tới đây để đánh Pháp.

Hòa-ước 1862 đã có lợi nhiều cho Pháp, nhưng vẫn bị nhiều người chống đối ([9]). Trước hết, giới truyền-giáo đã tỏ ra bất mãn vì đã không được tham dự các cuộc bàn cãi; họ cho rằng hiệp ước đã được ký kết một cách quá vội vã; họ nghi ngờ việc thi hành đúng đắn các điều khoản về tự do tôn-giáo khi mà quyền hành của vua Tự-Đức vẫn còn trọn vẹn trên lãnh-thổ Việt-Nam. Sau nữa, một số quân-nhân cũng không bằng lòng với hòa ước, cho rằng lãnh-thổ nhường cho Pháp quá hẹp, không đủ để đảm bảo ảnh hưởng của Pháp.

Song chính-phủ Pháp lại rất thỏa mãn, vì hòa-ước đã hiến cho Pháp những kết quả tốt đẹp quá sự dự đoán của chính-phủ. Đô-đốc Bonard đã cố gắng vạch rõ cho chính-phủ thấy là hòa-ước hiến cho quân-đội cơ hội nghỉ ngơi; tại Nam-kỳ, sự chiếm cứ của quân Pháp sự thật đã chỉ giới hạn trong phạm vi vài cái thành, còn tất cả miền thôn quê vẫn nằm trong vòng kiểm tra của quân kháng chiến, dù cho Pháp đã mở rộng cuộc chinh-lược vào đầu năm 1862. Quân-đội Pháp trên thực tế đã không nắm chắc các vùng xâm lược chút nào. Chính vì thế mà Bonard đã tán thành ngay các đề-nghị hòa-giải của triều-đình Huế.

Triều-đình Huế thì đã chấp thuận ký hòa-ước vào lúc thực lực của quân Pháp đã suy kém vì chiến tranh du-kích của quân dân miền Nam Việt-Nam. Do đó, giới sĩ-phu rất phẫn nộ và oán trách triều-đình rất nhiều. Có những khẩu hiệu được tung ra, như: “Phan Lâm mãi quốc, triều-đình khi dân”. Hòa-ước đã được ký kết vào lúc mà chính-phủ Pháp cũng như đô-đốc Bonard không còn hi vọng chiến thắng tại Nam-kỳ. Nhưng nguyên nhân thúc đẩy vua Tự-Đức nghị hoà với Pháp là vì nội tình không cho phép tiếp tục chiến tranh nữa. Song, ta có thể đặt câu hỏi là, khi chịu nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ, sứ-giả Việt-Nam đã vượt quá mệnh lệnh của triều-đình, hay tình trạng quá khẩn trương đã bắt buộc phải chấp nhận điều kiện chuyển nhượng đất đai ấy. Dù sao đi nữa, vua Tự-Đức quyết định cho thi hành hòa-ước. Trong thâm tâm, có lẽ nhà vua tưởng rằng người Pháp sẽ không nghĩ đến chuyện chiếm giữ lâu dài đất đai đã được chuyển nhượng cho Pháp, mà chỉ nhằm kiểm tra các thị-trường mà thôi. Cho thi hành đúng đắn hòa-ước, nhà vua muốn tỏ rõ cho người Pháp thấy thiện chí của chính-phủ Việt-Nam, ngõ hầu có thể đi tới sự sửa đổi các điều khoản của hòa-ước trong tương lai. Ngày 2-11-1862, nhà vua đã đề cập tới điều này trong một bức thư gửi đô-đốc Bonard: “Chính-phủ Anh đã giao trả tỉnh Quảng-Ðông cho Trung-Quốc, sau khi Trung-Quốc đã thanh toán món bồi thường chiến phí, và cách cư xử này đã bảo đảm cho một nền hòa-bình vĩnh cửu”.

Năm tháng sau khi hòa-ước được ký kết, triều-đình Huế bắt đầu đòi sửa đổi hai điểm:

  • Điều khoản chuyển nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ cần được tu chỉnh. Chính-phủ Việt-Nam cho rằng đô-đốc Bonard đã lạm quyền khi đòi phần đất này. Chiến phí bồi khoản mà chính-phủ Việt-nam phải trả lên tới 4 triệu; mất tài nguyên của 3 tỉnh Biên-Hòa, Gia-Ðịnh và Định-Tường, chính-phủ Việt-Nam khó lòng giải quyết món chi tiêu khổng lồ ấy.
  • Các điều kiện lưu thông trên sông Cửu-Long cũng cần được sửa đổi. Chính-phủ Việt-Nam đòi hỏi thương-thuyền Pháp qua lại phải trả thuế, còn chiến-thuyền thì cấm ngặt không được lưu thông trên con sông này.

Nhưng triều-đình Huế đã phải từ bỏ các đòi hỏi này sau khi cuộc khởi nghĩa của nghĩa-quân mà triều-đình ngấm ngầm tổ chức trong 3 tỉnh thuộc Pháp thất bại, và sau khi giặc Lê Duy Phụng hoành hành dữ dội trên đất Bắc.

Vào năm 1863, vua Tự-Đức lại nghĩ đến chuyện chuộc lại ba tỉnh đã mất. Vua phái một sứ-bộ gồm Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản cùng 53 tùy-viên qua Pháp và Tây-Ban-Nha để điều đình.

III. – CÁC SỰ CỐ GẮNG TU-CHÍNH HÒA-ƯỚC SAIGON.

Sứ-bộ Phan Thanh Giản tới Toulon vào đầu tháng 9-1863 và đến ngày 5-11-1863, các sứ-giả Việt-Nam mới được Napoléon III cho vào triều yết.

Lúc bấy giờ, chính-giới Pháp không mấy để ý đến xứ Nam-kỳ cho lắm. Các vấn-đề quan trọng chi phối chính-trường Âu-châu trong những năm 1863-1864 là vấn đề thống-nhất Ý-đại-lợi và nhất là vấn đề gây nên bởi cuộc viễn chinh của quân Pháp ở Mễ-tây-cơ. Chính vì cuộc viễn chinh này mà ngân sách Pháp bị thâm thủng: năm 1863, số thiếu hụt trong ngân sách lên đến 972  triệu quan, trong đó phải chi tiêu 210 triệu quan cho cuộc viễn chinh Mễ-tây-cơ. Vì thế dư luận Pháp chống đối mọi cuộc viễn chinh xa xôi gây nhiều tổn ải. Nhưng cuộc viễn chinh Nam-kỳ đã không gây nhiều khó khăn lắm về phương diện ngân sách: trong hai năm 1862-1863, chính-phủ Pháp đã chỉ phải chi tiêu 42 triệu quan cho Nam-kỳ mà thôi. Do đó, vấn-đề Nam-kỳ không làm sôi nổi nghị trường.

Xứ Nam-kỳ cũng không phải là mục tiêu chính của các nhà doanh-thương có uy thế ở Pháp. Tư bản của giới doanh-thương Pháp đều được đầu tư tại Âu-châu, cho nên giới này chỉ chú trọng đến những biến cố có thể đe dọa hòa-bình Âu-châu mà thôi. Tuy nhiên, giới thương gia của các hải-cảng lớn của Pháp như Bordeaux và Marseille đã bắt đầu kinh doanh ở Nam-kỳ, các nhà buôn Delfin và Henry ở Bordeaux đã có thương điếm tại Saigon và vào đầu năm 1862 họ đệ trình Bộ-trưởng Hải quân một dự án khai thác xứ Nam-kỳ.

Vấn đề Nam-kỳ cũng chỉ chiếm một địa vị nhỏ bé trong các báo chí. Nếu hai tờ I’UnionLe Monde, cơ quan ngôn luận của giới Công-giáo Pháp, phản đối mọi sự giao hoàn những phần đất đã chiếm cứ được, thì dư luận công giáo lại nghĩ rằng sự truyền bá đạo Thiên-chúa tương đối được tự do tại Việt-Nam: giám-mục Sohier không vấp phải một cản trở nào, còn các giáo-sĩ khác cũng nhìn nhận là không khí tại Việt-Nam trở nên tương đối dễ thở hơn đối với giáo-dân. Ngoài các tờ báo của giới Công-giáo, các báo chí Pháp chỉ chú trọng tới các vấn đề quốc nội và Âu-châu; còn những tin tức về Nam-kỳ thì được cung hiến cho các tờ báo này bởi những thư từ hay sách vở của các quân nhân Pháp phục vụ tại Nam-kỳ ([10]). Do đó, một số báo chí phản ảnh lập trường của các sĩ-quan hải quân. Nhưng, trừ một thiểu số, báo chí Pháp không triệt để ủng hộ sự chiếm cứ vĩnh viễn 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ.

Như thế, tình hình tỏ ra tương đối thuận tiện khi sứ-bộ Việt-Nam tới Pháp. Các sứ-giả Việt-Nam mang theo một bức quốc thư của vua Tự-Đức gửi cho Pháp-hoàng trong đó vua Tự-Đức  đề nghị tu chính vài điều khoản của hòa-ước 1862: sau khi Pháp hoàn lại cho Việt-nam 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ, nhà vua sẽ nhượng đứt cho Pháp đảo Côn-Lôn, thành phố Saigon, một địa điểm lựa chọn trong tỉnh Định-Tường và thương khẩu Thủ-dầu-một trong tỉnh Biên-Hòa. Đối với vấn đề chiến phí bồi khoản, nhà vua đề nghị hoặc giảm bớt số tiền bồi thường, hoặc gia tăng kỳ hạn thanh toán.

Ngay khi được tin vua Tự-Đức phái sứ-giả tới Pháp, Ngoại-trưởng Pháp Drouyn de Lhuys đã hội ý với Bộ-trưởng Hải-quân và Thuộc-Địa Chasseloup-Laubat. Chasseloup-Laubat là một trong những số chính khách ít ỏi để ý đến Nam-kỳ, tuy ông chỉ biết xứ này qua các bản báo cáo và các công văn do các đô-đốc gửi về từ Saigon. Cả Drouyn de Lhuys cùng Chasseloup-Laubat đều không tán thành việc sửa đổi hiệp-ước 1862, nhưng Napoléon III lại muốn thay đổi chính sách tại Việt-Nam, có lẽ vì hoàng-đế Pháp chú trọng đến vấn đề tài chính, và cũng có lẽ vì Pháp-hoàng đã chịu một phần nào ảnh hưởng của bản điều trần bí mật mà một sĩ-quan hiểu rõ tình hình Việt-Nam, G. Aubaret, mới trình nhà vua và những nhân-vật có thế lực trong triều. Phục vụ tại Nam-kỳ, Aubaret đã được Bộ Hải-quân vời về Pháp vào tháng 6-1863 để phiên dịch hai quyển Gia-Định thông-chíHoàng-Việt luật-lệ ([11]). Trong bản điều-trần, Aubaret nêu rõ những sự khó khăn sẽ xảy ra nếu người Pháp cai trị trực tiếp 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ, và ông khuyên chính-phủ Pháp nên trả 3 tỉnh này, trừ một vài căn cứ như Saigon, Chợ-Lớn, Mỹ-Tho, Cap Saint Jacques, để đổi lấy sự bảo hộ của Pháp trên tất cả xứ Nam-kỳ.

Nguyên-tắc giao hoàn 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ cho Chính-phủ Việt-Nam được chấp thuận, các cuộc thương lượng bắt đầu để hai bên xác định mục tiêu; các sự bàn cãi diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1863, kết quả là một phái đoàn thương-thuyết Pháp sẽ được phái tới Huế để trình bày dự thảo hiệp-ước được soạn thảo tại Paris.

Phái đoàn thương-thuyết Pháp, cầm đầu bởi Aubaret với Charles Duval làm phụ-tá và Cuverville làm thư-ký tới Huế ngày 15-6-1864. Các cuộc thương nghị bắt đầu ngày 23-6 và chấm dứt ngày 15-7 với sự ký kết một hiệp ước chính-trị và một hiệp ước thương-mãi, gồm có những điều khoản chính sau:

  • Điều khoản tài-chính: mỗi năm, và trong thời hạn 40 năm liên tiếp, chính-phủ Việt-Nam phải trả cho Pháp một ngân-khoản là 2.000.000 quan, ngoài món bồi-thường chiến-phí đã được qui định bởi hòa-ước 1862.
  • Điều khoản về đất đai: ba tỉnh Biên-Hòa, Gia-Ðịnh và Định-Tường được giao hoàn cho chính-phủ Việt-Nam, trừ những địa điểm sau: Thủ-dầu-một, thành Mỹ-Tho và vùng phụ cận, núi Gánh-rẫy gồm cả Vũng-Tàu, sông Saigon., vịnh Gánh-rẫy và đảo núi Nứa trong vịnh này, hai con rạch Cửa Tiểu và Cửa Đại, và cuối cùng Saigon và vùng phụ cận. (Điều khoản này cho thấy người Pháp muốn bảo vệ Saigon và kiểm tra sự thông thương trong miền Nam-kỳ, bằng cách kiểm tra sự ra vào Mỹ-Tho và sự lưu thông trên sông Saigon, từ Thủ-dầu-một ở thượng lưu đến Vũng-Tàu ở hạ lưu).
  • Điều khoản về tự do thong thương: thuyền bè Pháp cũng như Việt được tự do qua lại ở Nam-kỳ, nhưng mỗi khi vào lãnh thổ Việt-Nam, người Pháp phải mang giấy thông-hành có dấu chiếu khán của chính-phủ Việt-Nam.
  • Điều khoản ngoại-giao: nước Pháp được bảo hộ sáu tỉnh Nam-kỳ, nhưng quyền kiểm tra của chính-phủ Pháp trên chính sách ngoại-giao của triều-đình Huế do hòa-ước 1862 qui định nay chỉ còn giới hạn trong 6 tỉnh Nam-kỳ mà thôi. Chính-phủ Việt-Nam từ bỏ quyền bảo hộ xứ Cao-mên; ngược lại, Pháp hứa sẽ giúp đỡ Việt-Nam về mặt quân sự nếu đất đai Nam-kỳ bị xâm lăng bởi một đệ-tam quốc-gia.
  • Điều khoản về tự do truyền-giáo: so với hòa-ước 1862, sự kiện mới mẻ là các giáo-sĩ ngoại-quốc được phép truyền bá đạo Thiên-chúa trên lãnh-thổ Việt-Nam. Nếu có giấy thông-hành mang chiếu-khán của triều-đình Huế; trên giấy thông-hành phải ghi rõ nơi đến và nơi lưu ngụ và khi di chuyển, các giáo-sĩ phải có giấy phép của quan địa-phương. Tuy nhiên, các giáo-sĩ không thuộc quyền tài phán của quan lại Việt-Nam: mỗi khi họ vi phạm luật lệ, chính-phủ Việt-Nam phải giao họ cho chính-phủ Pháp xét xử.
  • Điều khoản thương-mãi: vấn đề thương-mãi được nêu ra trong một điều ước được ký kết cùng một lúc với hiệp-ước chính-trị, nó chỉ lập lại các điều khoản về sự thong thương mà hiệp-ước chính-trị đã chứa đựng. Người Pháp được tự do buôn bán trong hai tỉnh Gia-Ðịnh và Định-Tường và tại 3 thương-khẩu Đà-Nẵng, Bà-Lạt và Quảng-Yên. Quan thuế đánh trên hàng hóa nhập cảng không được quá 50% giá trị hàng hóa. Các loại hàng từ Cao-mên qua Saigon hay Mỹ-Tho được miễn thuế. Người Pháp được quyền khai thác lâm sản và mỏ than ở Nam-kỳ cũng như ở Bắc-kỳ.

Cả hai hiệp-ước được ký ở Huế ngày 15-7-1864; ngày 20 tháng 7, Aubaret rời Huế thì nhận được lệnh của Paris là phải đình chỉ các cuộc thương thuyết. Tại Pháp, dư luận đã bắt đầu chống đối dự định tu chỉnh hòa ước 1862 kể từ tháng 2 năm 1862. Người đã vận động nhiều để chống lại dự định này là một sĩ-quan Hải-quân đã từng hoạt động tại Nam-kỳ, Rieunier; vào tháng 4 năm 1864, Rieunier cho xuất bản dưới bút hiệu H. Abel một quyển sách nhỏ nhan đề La Question de Cochinchine au point de vue des intérêts français, trong đó ông trình bày rõ rệt các khía cạnh quân-sự và kinh-tế của vấn đề Nam-kỳ. Cùng một lúc, được thiết-lập một “phái thuộc-địa”, nhóm họp các sĩ-quan Hải-quân xung quanh các đô-đốc Rigault de Genouilly, Charner và Bonard, các dân biểu đại diện cho giới kinh-doanh của các hải-cảng. Áp lực của phái thuộc-địa này cùng với quyển sách của Rieunier đã góp phần vào sự thay đổi thái độ của các lãnh tụ chính-trị Pháp đối với xứ Nam-kỳ. Ngày 18-5-1964, trong một phiên nhóm của Quốc-hội Pháp, dân-biểu tỉnh Bordeaux là Arman đã nhắc đến tác phẩm của Rieunier để đòi hỏi chính-phủ Pháp phải triệu hồi ngay phái-bộ Aubaret.

Sự thật, chính-phủ Pháp không có một đường lối nhất định về vấn-đề Nam-kỳ, như ta đã thấy từ năm 1858; chính-phủ Pháp đã chỉ chấp thuận tu chỉnh hòa-ước 1862 vì những lý do tài-chính, cho rằng sự giao hoàn 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ sẽ làm nhẹ bớt ngân-sách và cho phép duy trì sự hiện diện của người Pháp ở Việt-Nam mà không bị tổn ải lắm. Nhưng đến tháng 9-1864, khi tin hiệp-ước Aubaret được ký kết về đến Paris, các báo chí phản đối ầm ĩ, và đòi hỏi chính-phủ đừng phê chuẩn hiệp-ước ấy. Cả đô-đốc La Grandière cũng báo cáo từ Saigon về là không thể tin cậy ở thiện-chí của triều-đình Huế, và dân chúng của 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ rất quyến luyến với quân đội Pháp và hết sức lo lắng khi nghe tin quân Pháp sắp sửa rút khỏi các vùng này. Cuối cùng, Bộ-trưởng Hải-quân Pháp Chasseloup-Laubat đã khiến Napoléon III phủ nhận hiệp ước Aubaret, viện cớ rằng chiến-phí bồi-khoản qui định bởi hòa-ước 1862 đã không được thanh toán một cách sòng phẳng, và triều-đình Huế vẫn tiếp tục ủng hộ các lực lượng kháng-chiến trong các tỉnh miền Đông Nam-kỳ, làm cho nhà cầm quyền Pháp ở Saigon gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chính của sự trở mặt của chính-phủ Pháp là một nguyên nhân kinh-tế. Một sĩ-quan hải-quân khác, Francis Garnier, mới cho xuất bản một quyển sách nhan đề La Cochinchine française en 1864, để nói lên những lợi ích kinh-tế mà xứ Nam-kỳ có thể cung hiến cho nước Pháp. Báo chí Paris đã dùng lý lẽ của H. Rieunier và F. Garnier để biện minh cho vai trò quan trọng về mặt kinh-tế và chính-trị của một thuộc-địa Pháp ở Viễn-Đông : Saigon nằm giữa Tân-gia-ba và Hương-Cảng, và hàng hóa có thể được chuyên chở tới thương-cảng này một cách dễ dãi nhờ đường thủy thuận tiện; tuy nhiên, muốn phát triển ngành thương-mãi, Pháp phải kiểm tra tất cả xứ Nam-kỳ chứ chỉ chiếm cứ vài căn cứ mà thôi, thì các thương-gia sẽ không dám đầu tư tại đây.

Ngày 20-1-1864, đô-đốc La Grandière thông báo quyết định của chính-phủ Pháp không phê chuẩn hiệp-ước Aubaret cho triều-đình Huế biết. Aubaret bị coi là đã vượt quá quyền hạn của một sứ-giả, vì sự tôn phục phong-tục tập-quán Việt-Nam của ông đã làm ông mù quáng. Aubaret chỉ có thể viết một cách cay đắng là “chúng ta nhầm lẫn hệ trọng nếu chúng ta tưởng rằng đa số dân An-nam-mít muốn ở lại dưới sự đô hộ của chúng ta; tôi khẳng định rõ ràng là sự thật trái hẳn, và tôi xin xấu hổ mà thêm rằng sự tín nhiệm ở lời nói của chúng ta đã bị lay chuyển thực sự”. Ngày 1-4-1865, đô-đốc Roze tuyên bố rằng: “Thuộc-địa Nam-kỳ sẽ thuộc Pháp vĩnh viễn, chính-phủ của hoàng-đế đã tuyên bố như vậy”.

Hiệp-ước Aubaret bất thành đã đem một tình trạng khó khăn lại cho Việt-Nam. Từ khi ấy trở đi, chính-phủ Pháp quen thói coi mọi nhượng-bộ của triều-đình Huế như là dấu hiệu của sự nhu nhược, và nếu triều-đình Huế cự tuyệt các yêu sách của người Pháp, chính-phủ Pháp cho là triều-đình Huế “khẩu thị tâm phi”. Trong khoảng thời-gian 1862-1864, chính-phủ Pháp do dự không biết nên giữ lại hay giao trả 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ cho chính-phủ Việt-Nam; từ nay trở đi, người Pháp chỉ nghĩ đến việc bành trướng sự chiếm cứ của họ ở Nam-kỳ.

 

THƯ-MỤC SƠ-LƯỢC

BOEUF Abel, Histoire de la conquête de la Cochinchine, 1858-1861. Saigon, 1927, 100 tr.

BOUDET Paul, “Chasseloup-Laubat et la politique coloniale du Second Empire: le traité de 1862 entre la France et l’Annam”, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, 1947, tr. 57-74.

CULTRU P., Histoire de la Cochinchine française des origines à 1883. Paris, 1910, vii-444 tr.

EVANS B.-L., The attitudes and policies of Great Britain and China towards French expansion in Cochin China, Cambodia, Annam and Tongking (1858-1883). Luận án Ph.D. University of London, 1961, 482 tr.

GALLEGO Alejandro, “España en Indochina. Expediciónes religioso-militares”, España misionera, 1951, tr. 298-326.

LE MARCHANT DE TRIGON H., “Le traité de 1862 entre la France, l’Espagne et l’Annam”, Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1918, tr. 217-252.

NGUYỄN ĐÌNH HÒE, NGÔ ĐÌNH DIỆM và TRẦN XUÂN TOÀN, “L’ambassade de Phan Thanh Giản (1863-1864)”, Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1919, tr. 161-216; 1921, tr. 147-187, 243-281.

PALLU Léopold, Histoire de l’expédition de Cochinchine en 1861. Paris, 1864, 375 tr.

RAMOS CHARCO-VILLASENOR A., Los Espanoles en la expedición de Cochinchina, 1858-1863. Madrid, 1943, 254 tr.

TRƯƠNG BÁ CẦN và một số tác giả, Kỷ-niệm 100 năm Pháp chiếm Nam-kỳ. Saigon, Trình Bày, 1967, 240 tr.

oOo

                                                       CHƯƠNG II

CHÍNH-SÁCH BÀNH-TRƯỚNG CỦA PHÁP TỪ 1865 ĐẾN 1871.

Chính-phủ Pháp đã cho thấy chính-sách của mình thiếu liên tục, khi từ chối không chịu phê chuẩn hiệp-ước mà chính mình đã sọan thảo. Cũng vì chính-phủ trung ương thiếu sót một đường lối rõ rệt mà các vị đô-đốc Saigon đã tự ý hành động trong công cuộc bành trướng, nhiều khi đặt Paris trước những sự việc đã rồi.

  1. CHÍNH-SÁCH BÀNH-TRƯỚNG CỦA ĐÔ-ĐỐC DE LA GRANIÈRE.
0