Việt Nam thời Pháp đô hộ (bài 2)
Phần thứ nhì: CHẾ-ĐỘ THUỘC-ĐỊA GS Nguyễn Thế Anh CHƯƠNG I: SỰ TỔ-CHỨC GUỒNG MÁY CAI TRỊ – CHÍNH-SÁCH THUỘC-ĐỊA. Đệ Tam Cộng-hòa đã đem lại cho nước Pháp một đế-quốc rộng lớn, vì sự thiết lập nền đô-hộ của Pháp trên đất Việt-Nam đã được thực hiện đồng thời ...
Phần thứ nhì: CHẾ-ĐỘ THUỘC-ĐỊA
GS Nguyễn Thế Anh
CHƯƠNG I: SỰ TỔ-CHỨC GUỒNG MÁY CAI TRỊ
- – CHÍNH-SÁCH THUỘC-ĐỊA.
Đệ Tam Cộng-hòa đã đem lại cho nước Pháp một đế-quốc rộng lớn, vì sự thiết lập nền đô-hộ của Pháp trên đất Việt-Nam đã được thực hiện đồng thời với sự củng cố sự thống-trị của Pháp tại Phi-châu. Guồng máy cai trị mà mẫu-quốc Pháp tổ chức tại Việt-Nam, cũng như các biện pháp xã-hội và kinh-tế đem áp dụng tại đây được quyết định bởi những chính sách chung vạch ra để đáp ứng cho các quyền lợi của người Pháp trong mọi miền bảo-hộ. Nhưng các lý thuyết không đồng lòng về quan điểm, và chia thành hai khuynh hướng chính: khuynh hướng đồng-hóa (assimilation) và khuynh hướng liên-hiệp (association).
Quan điểm của chính-sách đồng-hóa là các thuộc-địa không thể phát triển với tư cách là những cơ thể độc-lập, mà chỉ là những phần phụ thuộc của mẫu-quốc mà thôi, nghĩa là phải có một sự thống nhất càng ngày càng chặt chẽ giữa mẫu-quốc và thuộc-địa. Tuy nhiên, có nhiều tranh luận về nội dung thật thụ của sự thống nhất này: một phái nghĩ rằng sự đồng-hóa chỉ cần đưa đến một tình trạng đồng nhất về mặt pháp-chế là đủ, mặt phái khác muốn rằng chính-sách đồng-hóa phải hướng tới sự cải thiện xã-hội và đời sống của dân chúng thuộc-địa, để khiến sớm hay muộn họ có thể chấp nhận ngôn ngữ và các tập quán của mẫu-quốc để mà hoàn toàn trở thành những công-dân của Pháp-quốc.
Phái chủ trương chính-sách liên-hiệp cho rằng, trong thực tế, khó có thể thực hiện một chính-sách đồng-hóa, vì chỉ nguyên việc nâng cao đời sống và xã hội thuộc-địa cũng đã đòi hỏi những chi phí mà riêng tài nguyên thuế má địa-phương không tài nào cáng đáng nổi. Jules Harmand ([53]) chứng minh rằng các giống dân bản-xứ không thể đồng-hóa được vì quá khác biệt với dân Pháp: chỉ có một chính-sách liên-hiệp mới thích đáng, một chính-sách nhắm tới sự phối hợp giữa các chủng tộc và các thể chế sẽ có lợi cho cả hai bên, và bao hàm sự tôn trọng các phong-tục tập-quán, sự cai trị gián tiếp, sự phát triển tinh-thần và kỹ-thuật sẽ làm các thuộc-địa trở thành những lợi khí thế lực và ảnh-hưởng. Sự thực dân chỉ có thể được biện chính nếu nó đưa hạnh phúc tới cho cả thuộc-địa lẫn mẫu-quốc. Sự thống trị không thể được áp dụng và duy trì ngược với ý muốn của các dân-tộc.
Song sự thật, chính-sách liên-hiệp này bao hàm một sự lien kết giữa các nhà hành-chánh có trách nhiệm về chính-sách của mẫu-quốc và các kiều-dân Pháp (colons) ở thuộc-địa, hơn là một sự liên kết giữa các chủng-tộc ([54]). Các kiều-dân Pháp muốn sự khai thác thuộc-địa phải hiến cho họ những lợi ích trực tiếp, trong khi các nhân-vật chịu trách nhiệm về chính-sách thuộc-địa, bị dằng kéo giữa các ảnh hưởng và các quan niệm mâu thuẫn với nhau, đã không lựa chọn một lý-thuyết độc nhất, mà đi vay mượn của nhiều lý-thuyết những yếu-tố mà họ cho là thích đáng để giải quyết các vấn-đề hành-chánh hay nhân-sự. Công thức thường được áp dụng nhất là: “rất nhiều phụ thuộc, rất ít tự trị, một chút đồng hóa” ([55]). Mối chuyên tâm chính của mẫu-quốc là làm sao bảo toàn uy quyền của mình.
Trên nguyên tắc, chính-sách đồng-hóa đã được áp dụng đối với xứ Nam-kỳ, đã trở thành thuộc-địa thật thụ từ năm 1862, còn đối với hai miền bảo-hộ Bắc-kỳ và Trung-kỳ, vẫn duy trì các thể-chế chính-trị và hành-chánh của nhà Nguyễn, không thể áp dụng một chính-sách nào khác chính-sách liên-hiệp. Nhưng trong thực tế, chính-phủ Pháp cho thấy ý chí chỉ giữ lại bề mặt của chế-độ bảo-hộ và buộc triều-đình Huế phải chấp nhận một sự thống trị hoàn toàn, mặc dầu lãnh-thổ không bị sáp nhập.
- a) Chính-sách thuộc-địa ở Nam-kỳ.
Sự cai trị của Pháp ở Nam-kỳ được tổ chức qua hai giai-đoạn, giai-đoạn Súy-phủ Nam-kỳ (Gouvernement des Amiraux) từ năm 1861 đến năm 1879, và giai-đoạn chính-phủ dân-sự từ năm 1879 trở đi, với sự bổ nhiệm Le Myre de Vilers làm thống-đốc Nam-kỳ.
Đầu năm 1861, khi quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ, các quan lại do triều-đình Huế bổ nhiệm tại đây đều từ bỏ chức vụ để rút vào bóng tối cầm đầu sự kháng-chiến chống người Pháp. Để giải quyết các nhu cầu cấp bách, đô-đốc Charner phải tổ chức một cơ-cấu hành-chánh mới: ông bổ nhiệm một số sĩ-quan hải-quân vào các chức giám-đốc bản-xứ-vụ (directeurs des affaires indigènes) để duy trì trật tự ([56]).
Vào cuối tháng 11 năm 1861, khi đô-đốc Bonard tới Saigon để thay thế đô-đốc Charner, ông đã có sẵn một đường lối: vào lúc ấy, thuộc-địa quan trọng duy nhất của Pháp là xứ Algérie, và chính-phủ Pháp, với mục đích giảm thiểu các phí-tổn chiếm cứ thuộc-địa này, đã áp dụng tại đây một chế-độ bảo-hộ mềm dẻo, dựa trên sự qui thuận của các tù-trưởng các bộ-lạc; Bornard muốn đem chính-sách này thí nghiệm tại Nam-kỳ. Ông viết cho Bộ-trưởng Hải-quân như sau: “Sự cai trị do người bản-xứ dưới sự kiểm soát của chúng ta, theo ý tôi là phương sách độc nhất để giải quyết vấn đề. Nếu, để lo cho các chi tiết của nền hành-chánh an-nam-mít, ta đem tới đây một số sĩ-quan mà đa số không am hiểu ngôn-ngữ và phong-tục bản-xứ thì ta sẽ tạo nên một tình trạng hỗn lọan”.
Đường lối của Bornard được Chasseloup-Laubat tán thành; ngay từ năm 1861, Bộ trưởng Hải-quân Pháp đã xác định vai trò mà theo ông, nước Pháp phải giữ ở Việt-Nam: xứ này phải được cai trị bởi các công chức bản-xứ, dưới sự kiểm soát của những vị biện-lý người Pháp đặt tại vài địa điểm chọn lựa cẩn thận. Và, để cho sự đô-hộ có thể đạt được những thành quả tốt đẹp, Chasseloup-Laubat khuyên Bornard phải làm thế nào để ngôn ngữ hết là một chướng ngại vật giữa các sĩ-quan Pháp và dân bản-xứ. Lời khuyến cáo của Bộ-trưởng Hải-quân đã được đô-đốc Bornard thực hiện: trong giới thân cận của vị thống-đốc Saigon có một số sĩ-quan trẻ tuổi đã bị cảm hóa bởi văn-minh Việt-Nam; những người này đã tập trung các sự cố gắng của họ vào việc nghiên cứu phong-tục, ngôn-ngữ và các thể-chế Việt-Nam. Như chúng ta đã thấy, Aubaret dịch quyển Gia-định thông-chí và bộ Hoàng Việt luật lệ ra tiếng Pháp; ông còn soạn một quyển tự-điển và một quyển văn-phạm Pháp-Việt nữa. Philastre làm công cuộc chú giải bộ luật của vua Gia-Long, còn Luro nghiên cứu tổ-chức hành-chánh và xã-hội Việt-Nam ([57]). Landes nghiên cứu ngôn-ngữ Chàm và Việt. Legrand de la Liraye cho xuất-bản quyển Notes historiques sur la nation annamite.
Do đó, đầu năm 1862, các giám-đốc bản-xứ vụ bắt đầu được thay thế bởi những vị quan huyện người Việt; những vị quan này được giám sát bởi những vị thanh-tra người Pháp, lựa chọn trong số những sĩ-quan thông hiểu ngôn ngữ và phong tục Việt-Nam nhất. Bonard còn muốn tái thiết chế độ học-chính truyền thống, để có thể đào tạo những nhà hành-chánh bản-xứ. Nhưng chính-sách của Bornard vấp phải hai sự cản trở:
- Cản trở của các nhà truyền đạo, sợ rằng sự trở lại các thể-chế cũ sẽ có hại cho công cuộc giảng đạo ([58]).
- Cản trở của giai cấp sĩ-phu Việt-Nam, không muốn cộng tác với người Pháp.
Chính-sách của Bornard chỉ có thể thành công với sự hợp tác của giai-cấp thượng-lưu Việt-Nam. Ngay từ tháng 8 năm 1862, nhận thấy giới sĩ-phu không hưởng ứng đường lối cai-trị gián tiếp của Soái-phủ Nam-kỳ, Bonnard phải giao phó tất cả mọi quyền hành cho các vị thanh-tra người Pháp. Sự cai trị trực tiếp này được hệ thống hóa bởi đô-đốc La Grandière vào năm 1863, với sự tổ chức chế-độ Thanh-tra bản-xứ vụ (Inspecteurs des affaires indigènes). Các vị thanh-tra này là những sĩ-quan hải-quân được giao phó nhiều quyền hạn trong các lãnh hạt hành-chánh, tư-pháp và tài-chánh; trong mỗi đơn-vị hành-chánh thường được cử ba vị thanh-tra bản-xứ vụ hiệp sức với nhau để cai trị, họ đều có quyền hạn giống nhau. Phải từ năm 1873 trở đi, các vị thanh-tra này mới hết là sĩ-quan biệt phái mà là những công-chức hành-chánh thật thụ; trước khi nhận việc, họ phải qua một thời gian học tập tại trường Tập-sự (Collège des Stagiaires) để làm quen với các khía cạnh của văn-hóa Việt-Nam.
Chính-sách trực-trị này đặt vào trong tay các vị thanh-tra những quyền hành rộng lớn, mà lại không dự trù một sự kiểm soát nào. Do đó, sự cai trị chỉ tốt đẹp nếu các vị thanh-tra là những công chức thanh liêm; song, tập trung quá nhiều quyền hành, các vị thanh-tra này có khuynh hướng lạm dụng quyền hạn của họ. Một vị cựu thẩm-phán ở Saigon đã có thể nói là họ chỉ chú trọng tới sự trừng phạt chứ ít khi nghĩ đến việc dự phòng ([59]). Hậu quả của sự lạm quyền này là làm phát sinh các cuộc nổi loạn của dân chúng: năm 1872 trong các tỉnh Bến-Tre, Trà-Vinh, Vĩnh-Long, Cà-Mâu; tháng ba năm 1873 ở Long-Xuyên; tháng hai năm 1874 ở Trà-Ôn, tháng ba và tư năm 1895 ở Châu-Ðốc, v.v…
Giai đoạn cai trị bởi Soái-phủ Nam-kỳ chính thức chấm dứt ngày 14-5-1879, khi chính-phủ Pháp đặt xứ Nam-kỳ dưới quyền một vị thống-đốc dân-sự (gouverneur de la Cochinchine), Le Myre de Vilers. Vị thống-đốc này không phụ thuộc Bộ Hải-quân nữa, mà phụ thuộc Bộ-trưởng Bộ Thuộc-địa. Được chồng lên chính-sách trực-trị một chính-sách đồng-hóa sẽ bao gồm, theo quan điểm của các cơ quan chính-phủ ở Paris, sự áp dụng pháp chế và các luật lệ của Pháp tại Nam-kỳ.
Trong đường hướng đồng-hóa này, công việc đầu tiên của Le Myre de Vilers là phân biệt quyền hành-chánh và quyền tư-pháp: các viên thanh-tra bản-xứ vụ chỉ còn giữ quyền hành-chánh mà thôi, còn quyền tư-pháp đươc giao phó cho các quan tòa chuyên môn. Tổ-chức tư-pháp gồm một tòa thượng-thẩm ở Saigon, và bảy tòa sơ-thẩm ở Saigon, Biên-Hòa, Mỹ-Tho, Bến-Tre, Vĩnh-Long, Châu-Ðốc và Sóc-Trăng. Các thẩm-phán xét xử theo pháp-qui của Pháp, tuy pháp-qui này được sửa đổi đôi chút để thích ứng với các tập tục địa-phương.
Cũng trong đường hướng đồng-hóa, năm 1880 được thành lập Hội-đồng Quản-hạt (Conseil Colonial), gồm 10 hội-viên người Pháp và 6 hội-viên người Việt bầu bởi các đại-diện của các hương-chức Nam-kỳ, và có nhiệm vụ thảo luận ngân-sách địa-phương. Đạo luật ngày 28-7-1881 còn dành cho xứ Nam-kỳ một ghế dân biểu trong Hạ-nghị-viện Pháp (vị dân biểu này được bầu theo chế độ phổ-thông đầu phiếu bởi 1.142 cử-tri có quốc-tịch Pháp) ([60]). Ngoài ra, kể từ năm 1870 cũng đã được thành lập Hội-đồng đô-thị Saigon, gồm 12 hội-viên người Pháp và 2 hội-viên người Việt. Như vậy, phần dành cho các đại-biểu người Việt trong các hội-đồng rất là hạn chế; nhận xét về Hội-đồng Quản-hạt, sử gia Cultru đã có thể nói như sau: “Tệ hại của cải cách này là nó đặt dưới quyền sử dụng của một thiểu số người Pháp một ngân-sách 14 triệu, mà sẽ còn lên đến 20 triệu, cung cấp phần lớn bởi các loại thuế má bản xứ ; nhưng các kinh phí không phải bao giờ cũng được chuyên dùng cho các lợi ích của khối dân chúng phải trả thuế” ([61]).
Chính-sách trực-trị và đồng-hóa chứa đựng nhiều khuyết điểm và sai lầm, nhưng nó hiến cho xứ Nam-kỳ một khuôn mặt đặc biệt, một sắc thái Pháp-hóa” ([62])
- b) Quan-niệm của người Pháp về chế-độ bảo-hộ:
Theo các hòa-ước Quí-Mùi và Giáp-Thân, chính-sách ngoại-giao, các lực-lượng quân-sự và các cải cách tài-chính được giao phó cho cường-quốc Pháp là cường-quốc bảo-hộ, nhưng không có một sự dung hợp hay một sự hợp nhất nào giữa hai quốc-gia Pháp và Việt. Nhưng quan niệm sơ khởi này được mở rộng dần: những biện pháp liên tiếp làm chủ-quyền nội-bộ mà hiệp-ước bảo-hộ nhìn nhận cho vua Việt-Nam mất dần hết thực chất của nó.
Vua Đồng-Khánh không có nhiều uy tín cho lắm vì nhà vua đã bị trách là đã chấp thuận lên ngôi trong những điều kiện quá nhục nhã đối với thể-thống quốc-gia. Bị cô lập và thiếu kinh nghiệm chính-trị, nhà vua phải thừa nhận nhiều sự nhượng bộ nặng nề để đổi lấy sự giúp đỡ hành-chánh và quân-sự của người Pháp. Ngay sau khi kinh-đô thất-thủ, một qui ước đặc biệt đã cho phép người Pháp đặt các vị công-sứ trong tất cả các tỉnh miền Trung. Vì được bảo-hộ, xứ Trung-kỳ và Bắc-kỳ phụ thuộc Bộ Ngoại-giao Pháp ([63]); nhưng năm 1887, được tổ-chức khối Đông-Pháp (Union Indochinoise) gồm thuộc-địa Nam-kỳ và hai xứ bảo-hộ Việt-Nam và Cao-mên đặt dưới sự điều khiển của một vị toàn-quyền. Phủ toàn-quyền chỉ được coi như là một cơ quan phối hợp hành động của các thống-đốc và công-sứ địa-phương, nhưng các sắc luật công-bố vào tháng 10 năm 1887 để tổ chức khối Đông-Pháp xác định rằng tất cả các lãnh-thổ thuộc Pháp ở Đông-Dương sẽ được đặt dưới quyền quan toàn-quyền, là “đại diện trực tiếp của chính-phủ Pháp trong mọi lãnh-thổ sáp-nhập hay bảo-hộ”, và chỉ chịu trách nhiệm trước Bộ-trưởng Thuộc-địa ([64]). Vua Việt-Nam từ nay phụ thuộc một vị công-chức cao cấp của Bộ Thuộc-Địa Pháp. Năm 1888, vua Đồng-Khánh còn nhường cho Pháp mọi quyền sở hữu trên Hà-Nội, Hải-Phòng và Đà-Nẵng: ba tỉnh lỵ này trở thành thuộc-địa của Pháp.
Quyền hành của vua Việt-Nam còn bị hạn chế thêm khi Paul Doumer được cử làm toàn-quyền Đông-Pháp. Trong vòng 5 năm (1897-1902), Doumer đã áp dụng một chính-sách cai trị độc tài ([65]); ông tổ chức lại chính-phủ toàn-quyền, hiến cho chính-phủ này những cơ quan hành-chánh và một tổng ngân-sách Đông-Dương. Chức Kinh-lược Bắc-kỳ, đại diện cho triều-đình Huế từ năm 1886, được bãi bỏ vào năm 1897; quan lại hàng tỉnh phụ thuộc trực tiếp quan Thống-sứ Pháp, từ nay trở đi cai trị xứ Bắc-kỳ nhân danh vua Việt-Nam, nhưng không bao giờ tham khảo ý kiến của nhà vua hết. Các quan lại cũng phải thỉnh giáo huấn-thị của các vị công-sứ và bắt buộc phải tuân theo các huấn-thị này; họ phải nhường cho công-sứ Pháp quyền đề cử hay bổ nhiệm các hương chức.
Tại triều-đình, Cơ-mật Viện được thay thế vào tháng 9 năm 1897 bởi hội-đồng Nội-các mà phiên họp phải được đặt dưới quyền chủ tọa của quan Khâm-sứ Pháp ở Trung-kỳ; các quyết định của chính-phủ Việt-Nam chỉ có hiệu lực với sự phê chuẩn của nhà cầm quyền Pháp. Một số công chức Pháp được biệt phái tới cạnh các vị Thượng-thư để phụ tá họ trong công việc hành-chánh. Vua Việt-Nam thoái nhượng cho quan Toàn-quyền Pháp quyền đặc hứa các khoảng đất bỏ trống hay vô chủ. Từ nay, cơ quan hành-chánh Pháp phụ trách việc thu thuế và mỗi năm sẽ giao cho ngân-khố của triều-đình một ngân-khoản cần thiết cho việc cung dưỡng nhà vua và triều-đình.
Như thế, Paul Doumer đã thay thế chế-độ bảo-hộ bằng một chế-độ trực-trị. Không những triều-đình Huế không có quyền kiểm tra nền ngoại-giao và quân đội, mà từ nay trở đi chỉ còn giữ lại những hình thức bề ngoài của quyền hành-chánh mà thôi. Sự bất lực của triều-đình cũng cho phép người Pháp cướp đoạt các quyền hành cuối cùng của nhà vua một cách dễ dàng: vua Thành-Thái quá trẻ tuổi (khi nhà vua lên ngôi năm 1889, nhà vua mới có 10 tuổi); thêm nữa, các quan lại làm việc bên cạnh chính-phủ bảo-hộ là những kẻ dễ sai bảo, mà lại không có quyền hành gì ngoài quyền hạn mà người Pháp giao phó cho họ. Với những nhân vật này, không thể đòi hỏi ở người Pháp một chính-sách liên-hiệp, vì họ chỉ là những dụng cụ của người Pháp, như Hoàng Cao Khải, vị Kinh-lược Bắc-kỳ, đã có thể leo lên một địa vị cao là nhờ triệt để phục vụ nhà cầm quyền Pháp. Họ không được người Pháp kính nể cho lắm; Doumer đã viết những lời sau về quan Kinh-lược Bắc-kỳ: “Hoàng Cao Khải không xuất thân từ một gia đình được biết đến vì cao quý hay vì nổi tiếng; ông ta cũng không phải là một sĩ-phu mà các sự thành công có thể làm khối quần chúng kính phục ông; ông ta chỉ là một kẻ bộ hạ của chúng ta. Sự tín dụng của nước Pháp đã hiến cho ông ta quyền hành và thế lực” ([66]).
Như thế vẫn chưa đủ: ngày 6-11-1925, lợi dụng cái chết của vua Khải-Định, quan toàn quyền Pháp đòi Phụ-chính-viện (ông hoàng Bảo-Đại mới 12 tuổi và đương theo học tại Pháp) phải ký một thỏa-ước chuyển giao cho quan Khâm-sứ Pháp các quyền hạn chính-trị và tư-pháp cuối cùng của vua Việt; từ nay, nhà vua không còn có thể lựa chọn các vị thượng-thư và bổ nhiệm các công-chức. Năm 1932, quan Khâm-sứ còn trở thành chủ tịch của hội-đồng hoàng-tộc nữa. Các sự kiện này hoàn toàn trái ngược với điều-khoản thứ 16 của hòa-ước Giáp-Thân: “Hoàng-đế nước Đại-Nam tiếp tục điều khiển như trong quá khứ nền hành-chánh nội bộ của vương quốc”. Nhưng chế-độ bảo-hộ theo đúng nghĩa của nó đã nhường chỗ từ lâu cho chế-độ trực-trị, và tổ chức hành-chánh của Pháp đã choán chỗ của tổ-chức hành-chánh Việt-Nam. Nước Việt-Nam trở thành ba mảnh, mỗi mảnh có một đời sống riêng và có những thể-chế đặc biệt: xứ Nam-kỳ sáp-nhập vào nước Pháp, xứ Bắc-kỳ thành gần như một thuộc-địa, và xứ Trung-kỳ mà qui-chế bảo-hộ chỉ là lý thuyết.
II.-GUỒNG MÁY CAI TRỊ.
Sự cai trị khối Đông-Pháp hoàn toàn trong tay tổ chức hành-chánh. Mọi chức vụ đều được giao phó cho các vị công-chức; ít khi một chính-trị-gia lại được cử giữ chức toàn-quyền
- Chế-độ hành-chánh.
Sự cai trị ba miền Việt-Nam đuợc thực hiện bởi một vị Khâm-sứ (résident supérieur) ở Trung-kỳ, một vị thống-sứ ở Bắc-kỳ, một vị thống-đốc ở Nam-kỳ, dưới quyền giám sát và điều khiển tối cao của vị toàn-quyền Đông-Pháp. Quyền-hành của các vị công-chức cao cấp này gần như vô-hạn: Paul Mus đã có thể nói là tất cả các sinh hoạt chính-trị và hành-chánh Vịêt-Nam đã bị tịch thu ([67]).
Toàn-quyền vừa đại diện cho Chính-phủ Pháp trước dân chúng và các quốc-gia bảo-hộ, vừa đại diện và bảo vệ các quyền lợi tổng quát của các lãnh-thổ mà ông phụ trách. Là nguyên-thủ chính-trị và hành-chánh, toàn quyền còn nắm trong tay hai quyền hành thường chỉ được dành riêng cho một quốc-trưởng: ông là người độc nhất có đủ tư cách để ban hành các đạo luật và các sắc-lệnh, tuy các đạo luật này có thể bị phủ nhận bởi Bộ-trưởng Thuộc-địa; ông được hưởng quyền ân-xá đối với các công dân Việt-Nam bị kết án bởi các tòa án bản-xứ. Trên nguyên tắc, vua Việt-Nam có quyền bác nghị hành-động lập-pháp của toàn-quyền, và trong vài trường hợp còn có quyền phê chuẩn nữa (ví dụ, pháp-chế lao-động), nhưng nhà vua không có quyền đề khởi dự-luật, ngoại trừ với đề nghị của Khâm-sứ. Nếu nhà vua vẫn tiếp tục ban bố những đạo dụ để qui định hành-chánh xứ Trung-kỳ, các đạo dụ này không có hiệu lực của những đạo luật thật thụ.
Về mặt tài-chính, quyền hạn của toàn-quyền cũng rất rộng rãi: ông thiết lập tổng ngân-sách Đông-Dương, mà ông cũng là chánh chuẩn-chi-viên, và các ngân-sách địa-phương. Chịu trách nhiệm về an-ninh nội-bộ và quốc-phòng của khối Đông-Pháp, toàn-quyền tùy ý sử dụng các lực-lượng quân-sự và có quyền công bố lệnh giới nghiêm. Bên cạnh toàn-quyền được đặt một Hội-đồng chính-phủ (Conseil privé), nhưng sự hiện diện của Hội-đồng này không hạn chế chút nào quyền hành của toàn-quyền, vì đây chỉ là một cơ-quan tư-vấn gồm 37 hội-viên trong số đó có 5 hội-viên người Việt mà Phủ toàn-quyền đã chỉ định ba rồi.
Quyền lực của toàn-quyền còn được thể hiện bởi sự tập trung các tổng-nha chuyên-môn (services généraux de l’Indochine), dưới quyền điều khiển trực tiếp của Kinh-tế vụ, Nha Canh-nông, Nha Công-chính, Nha Bưu-chính, Nha Thương-chính, v.v…Các nha chuyên môn này bao trùm lên tất cả khối Đông-Pháp và được giao phó cho các vị Tổng Giám-đốc do toàn-quyền bổ nhiệm; các công-chức phục vụ trong các nha này được gồm vào một ngạch duy nhất cho tất cả Đông-Pháp, mà người Pháp gọi là “cadres des services civils de l’Indochine”.
Quyền hành-chánh địa-phương ở trong tay các Thống-sứ, Khâm-sứ và Thống-đốc, chỉ chịu trách nhiệm trước Toàn-quyền mà thôi; trong lãnh hạt của họ, Thống-sứ Bắc-kỳ, Khâm-sứ Trung-kỳ và Thống-đốc Nam-kỳ có những quyền hành rất rộng rãi về mặt chính-trị, và tài-chính. Trong phạm vi mỗi xứ, các tỉnh được điều khiển bởi tỉnh-trưởng (chefs de province) ở Nam-kỳ, bởi các vị công-sứ (résidents de France) ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ. Nhưng đây chỉ là khác biệt về danh-từ mà thôi: khắp mọi nơi, các công-chức người Pháp nắm quyền hành thật thụ. Các tỉnh được chia thành những đơn-vị nhỏ hơn, giao phó cho quan-viên người Việt, nhưng họ không có thực quyền và không là gì hơn những thuộc-chức của chính-quyền hàng tỉnh Pháp. Các đô-thị thì hoàn toàn thuộc quyền kiểm tra và hành-chánh của người Pháp.
Mặc dầu trên nguyên tắc quyền tư-pháp đuợc phân biệt rõ rệt với quyền hành-chánh, chính-quyền xác định những trường hợp ngoại lệ còn cho phép gia tăng quyền hành của các nhà chức trách Pháp nữa. Toàn-quyền có thể quyết định thành lập những hội-đồng đề-hình đặc biệt (commission criminelles) tại Bắc-kỳ và Trung-kỳ để xét xử những tội trạng của dân an-nam-mít lien quan đến an ninh của xứ bảo-hộ hay đến sự khai thác thuộc-địa của người Pháp ([68]). Nếu ủy-ban hình-sự này gồm vị biện-lý của quản-hạt trong đó sự phạm pháp đã xảy ra, nó cũng còn gồm một sĩ quan và vị công-sứ của tỉnh nữa. Ngoài ra, Toàn-quyền có thể câu lưu trong vòng 10 năm những người Việt bị coi là “phá rối trật tự”; các nhà hành-chánh có quyền phạt những người trốn sưu thuế bằng những trừng phạt lên đến 5 ngày tù ở và 100 phật-lăng tiền vạ mà không cần phải xét xử.
Song, chế-độ hành-chánh có tính cách một chế-độ cai trị gián tiếp ở ba trình độ: thôn-xã, các bang Hoa-kiều và các xứ đạo.
- Chế-độ tự-trị truyền-thống của các đoàn-thể thôn-xã vẫn được duy trì. Các đặc điểm chính của sự cai trị bởi các hương-chức, cùng sự phân chia giữa dân làng các trách nhiệm về thuế má, sưu-dịch và quân-dịch vẫn tồn tại như trước khi người Pháp đến Việt-Nam.
- Chế-độ tự-trị mà vua nhà Nguyễn dành cho Hoa-kiều truớc kia cũng được giữ lại: chính-phủ thuộc-địa để mặc các Hoa-kiều tự cai quản lấy qua tổ-chức ngũ-bang của họ (dịch ra tiếng Pháp là congrégations). Hình như các nhà hành-chánh Pháp ở Nam-kỳ không bận tâm lắm về sự tồn tại của các hội kín (như Thiên-địa hội) mà chế-độ tự-trị đặc biệt này cho phép có ([69]).
- Các xứ đạo cũng được tự-trị một phần nào trong thực tế; những vấn đề về đất đai, về tổ-chức vệ-sinh hay giáo-dục, cũng như những vấn đề thuế má hay công sưu thường được giải quyết qua trung gian các vị cha sở. Trong hai vùng ở Bắc-kỳ tại đó đạo Thiên-chúa đuợc tổ chức vững chắc, là hai địa-phận Bùi-Chu và Phát-Diệm, các vị giám-mục thực sự điều khiển công việc hành-chánh thế tục.
- b) Các hội-đồng tư-vấn.
Ở mỗi trình độ chính-trị và hành-chánh, đuợc thiết lập những hội-đồng tư-vấn, mà nhiệm vụ không là gì ngoài việc cho ý kiến về những vấn đề hành-chánh.
Ở trình độ thấp nhất, nguyên-tắc tuyển-cử được áp dụng cho việc thành lập các hội-đồng kỳ-mục kể từ năm 1921 trở đi; năm 1927 ở Nam-kỳ, 1941 ở Bắc-kỳ và năm 1942 ở Trung-kỳ, các hội-đồng kỳ-mục được hiến những qui-chế rõ rệt, với mục đích cải thiện nền hành-chánh thôn-xã: biện pháp chính là giới hạn số hương-chức và hào-mục trong mỗi xã nhưng giao phó cho họ những trách nhiệm đích xác. Bổn phận chính của hội-đồng kỳ-mục là thu các loại thuế trực thâu cho chính-phủ trung-ương. Nhưng cuộc thí nghiệm này đã không thành công cho lắm, vì nó đã làm gia tăng nạn tham nhũng và nạn bè phái, là hai tệ đoan truyền-thống của sinh-hoạt thôn xã Việt-Nam ([70]).
Các hội-đồng hàng tỉnh được thành lập rất sớm (năm 1882 ở Nam-kỳ, 1886 ở Bắc-kỳ, 1913 ở Trung-kỳ); qui-chế của chúng nhiều lần được sửa đổi để hiến cho chúng một vai trò hữu ích trong tổ chức hành-chánh. Nhưng tuy các hội-đồng này có chút thực quyền trong việc biểu quyết các loại thuế má của tỉnh, chúng cũng vấp phải những khuyết-điểm căn-bản như các hội-đồng kỳ-mục.
Ở một trình-độ cao hơn, cũng có những hội-đồng có danh là đại-biểu nhưng sự thật chỉ có một vai trò hạn chế. Tại Hội-đồng Quản-hạt của xứ Nam-kỳ, các hội-viên người Pháp vẫn chiếm đa số (14 ghế trên 24); các hội-viên người Việt không đại diện cho toàn thể dân Nam-kỳ, vì họ chỉ được bầu bởi một cử-tri-đoàn hạn chế (chỉ khoảng một vạn người mới có đủ điều kiện thuế suất và học-thức để có tư cách tuyển-cử). Tại Bắc-kỳ và Trung-kỳ, cũng có hai hội-đồng dân-biểu, gọi là Bắc-kỳ và Trung-kỳ nhân-dân đại-biểu viện (Chambre des représentants du peuple), nhưng vai trò của các hội-đồng này hoàn toàn là một vai trò tư vấn; thêm nữa, chính-phủ bảo-hộ kiểm tra chặt chẽ các phiên họp: nội-qui phải được sự chấp thuận của chính-phủ, các sự thảo luận có tính cách chính-trị bị cấm đoán, các cuộc bàn cãi không thể được đăng tải trên báo chí và thời gian của khóa họp chỉ vỏn vẹn có mười ngày.
Trên đỉnh, được thành lập năm 1928 một Đại hội-đồng Kinh-tế và Tài-chính Đông-dương (Grand Conseil des Intérêts économiques et financiers de l’Indochine) để đại diện các dân chúng Đông-Dương bên cạnh Toàn-quyền. Hội-đồng gồm 51 hội-viên:
- 28 hội-viên bầu bởi các công-dân Pháp.
- 23 hội-viên bầu bởi các “dân bản-xứ” (thường 17 hay 18 hội-viên Việt-Nam, số còn lại là Cao-Mên và Lào). Nhưng chính-phủ thuộc-địa có thể vững dạ về “sự trung thành” của các đại diện bản-xứ này, nhờ cách thức đề cử họ – 18 hội-viên được bầu bởi các hội-đồng địa-phương ([71]) và các đoàn-thể nghề nghiệp ([72]), và 5 được chỉ định bởi Toàn-quyền – và nhờ sự kiểm tra chặt chẽ hoạt động của hội-đồng. Đại Hội-đồng Kinh-tế và Tài-chính có quyền bầu văn phòng và soạn thảo nội-qui, nhưng quan Toàn-quyền có thể tuyên bố triển hạn kỳ họp, nghĩa là không khác gì giải tán hội-đồng. Toàn quyền bắt buộc phải tham khảo ý kiến của Đại-hội-đồng về những vấn đề thuế-khóa, công-chánh và ngân-sách; nhưng các điều thảo luận muốn có hiệu lực phải được phê chuẩn bởi quan Toàn-quyền. Về mặt ngân-sách, Đại Hội-đồng không có thể gia tăng các kinh-phí rồi nâng cao các khoản thu để đáp ứng cho các kinh-phí này; ngược lại, Đại Hội-đồng cũng không thể cắt bỏ vài khoản chi tiêu không cần thiết trong ngân-sách và giảm bớt thuế má cho phù hợp với những sự cắt xén đó. Sau cùng, nếu có thể phát biểu nguyện vọng về mọi vấn đề tài-chính và kinh-tế, Đại Hội-đồng không được quyền phát biểu nguyện vọng chính-trị.
- c) Tổ-chức tư-pháp.
Trong một thời gian dài, tình trạng pháp-luật rất hỗn độn, và thủ-tục tố tụng trước các tòa án đại-hình cũng như dân-sự rất phức tạp và thường có khuynh hướng triển hoãn. Khi xứ Nam-kỳ mới bị chiếm cứ, hành-chánh quân-sự để cho các quan lại tiếp tục áp dụng pháp-luật nhà Nguyễn; cả các nhà hành-chánh người Pháp cũng sử dụng pháp-điển của vua nhà Nguyễn qua bản dịch của Aubaret, mặc dầu họ được phép áp dụng luật Pháp nếu họ nghĩ rằng như thế sẽ công bằng hơn. Với sự thiết lập chính-phủ dân-sự, nhiều cải cách về mặt tư-pháp được thực hiện: quan lại Việt-Nam được thay thế bởi những nhà hành-chánh Pháp, và hình-luật của Pháp trở thành căn bản của hình-pháp cho đến 1912, khi nó được sửa đổi để thích hợp hơn với các điều kiện địa-phương. Dân-luật của Pháp cũng được áp dụng bởi các tòa án, với vài sửa đổi ngay từ năm 1883.
Tình-trạng pháp-luật hỗn độn kéo dài hơn ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ; các luật lệ thời xưa để lại vẫn tồn tại bên cạnh luật lệ Pháp, cho đến khi một hình-sự tố-tụng-pháp được công-bố ở Bắc-kỳ vào năm 1917, một hình-luật năm 1921, một dân-luật năm 1931. Ở Trung-kỳ, nhà vua cũng công bố những sách luật do các nhà chuyên-môn Pháp soạn thảo: một hình-luật với một tố-tụng-pháp năm 1933, và một dân-luật gồm ba phần giữa năm 1936 và 1939. Tuy nhiên, đây chỉ là những luật lệ địa-phương và chỉ có thể áp dụng cho dân địa-phương mà thôi, còn người ngoài (ví dụ: một sinh-viên Trung-kỳ theo học trường Đại-học Hà-nội là một người ngoài đối với Luật Bắc-kỳ) phụ thuộc luật lệ riêng của xứ họ về những vụ tố-tụng, và luật lệ Pháp nếu là bị cáo trong những vụ hình-sự tố-tụng.
Về những khía cạnh đặc biệt của đời sống mới, như những vấn đề thương-mãi chẳng hạn, luật lệ nhà Nguyễn rất thiếu sót, trong khi luật lệ của Pháp thì lại không thích ứng với các điều kiện địa-phương; do đó, được ban hành những luật lệ tổng quát, có thể áp dụng cho toàn cõi Đông-Pháp, như pháp-chế điền-địa năm 1925 và pháp-chế lao-động năm 1936 ([73]).
Tính cách nhị-hợp của chế-độ pháp-luật cũng đưa tới tính cách nhị-hợp của chế-độ tài-phán. Bên cạnh các tòa án Việt-Nam, có những tòa án Pháp đặt dưới sự điều khiển của công-sứ. Các tòa Nam án là những tòa điều khiển bởi các quan tỉnh theo tổ chức tư-pháp của triều Nguyễn ([74]); ở Nam-kỳ, cũng như trong ba nhượng-địa Đà-Nẵng, Hà-Nội và Hải-Phòng, các nhà hành-chánh ngồi xử án là người Pháp. Tuy nhiên ở Nam-kỳ kể từ năm 1921 trở đi, được bổ nhiệm nhiều vị thẩm-phán người Việt để xét xử theo hình-luật Pháp nhưng bằng tiếng mẹ đẻ của các nguyên và bị cáo.
Các tòa thượng-thẩm là những tòa án Pháp, vì thủ tục phúc thẩm duy nhất dưới chế-độ truyền-thống là thỉnh-nguyện kháng-cáo trình lên tới nhà vua. Có một thượng thẩm-viện ở Hà-nội, mà quyền quản hạt bao gồm Ai-Lao, Bắc-kỳ và miền bắc Trung-kỳ cho đến đèo Hải-Vân, và một thượng-thẩm viện ở Saigon, với quyền quản hạt bao gồm miền nam Trung-kỳ, Nam-kỳ và Cao-Mên. Một kháng-tố viện cho tất cả xứ Đông-Dương họp tại Saigon. Bên cạnh cũng có những hành-chính pháp-viện để xử những vụ tố tụng về hành-chánh; tham-chính viện của Pháp (Conseil d’Etat) là thẩm quyền tối cao để xét về sự vi phạm các quyền-lợi cá-nhân bởi chính-phủ thuộc-địa. Quyền tài-phán tối cao thuộc Đại-thẩm-viện ở Paris (Cour de Cassation).
Trừ ở Trung-kỳ, tại đấy quyền tài-phán của triều-đình đối với thần dân người Trung thường được tôn trọng bởi các tòa án Pháp, các phe tranh tụng có thể lựa chọn giữa các thẩm-phán người Pháp hay Việt; tuy nhiên, nếu một trong hai người tranh tụng không có Việt-tịch, quyền tài-phán bắt buộc phải thuộc tòa án Pháp. Ngoài ra, đối với những vấn đề hình-sự, các tòa án Nam-án chỉ có thẩm quyền đối với những người quê quán trong vùng mà thôi. Như thế, trong thực tế, người Pháp kiểm tra tổ-chức tư-pháp, và sự tham gia của người Việt trong lãnh vực tư-pháp rất là ít ỏi ([75]).
Để hỗ trợ cho các tòa án đại-hình, được tổ chức hai nha chuyên-môn cho tất cả khối Đông-Pháp: sở Hiến-binh (Gendarmerie) và sở Mật-thám Đông-Dương (Direction des Affaires Politiques et de la Sûreté Générale). Nhưng các nhiệm vụ cảnh-sát thường được giao phó cho sở Mật-thám; trên nguyên tắc, đây là một cơ quan công an, nhưng trong thực tế, công việc của sở Mật-thám không phải là điều tra các hình-phạm, mà là kiểm tra các vụ dính líu đến chính-trị. Nhân viên của sở tự coi là có bổn phận bảo vệ các quyền lợi của chính-phủ Pháp ([76]).
- – CHẾ-ĐỘ THUẾ-KHÓA.
Để tổ chức sự cai trị, cần có tài-nguyên: chính-sách thuế-khóa của nhà cầm quyền Pháp ở Việt-Nam có mục đích đầu tiên là tỏ cho dư-luận Pháp, nhất là Hạ-Nghị-Viện, thấy rằng sự cai trị này có thể thực hiện được mà không cần đến sự tài-trợ của nước Pháp.
Ngay từ đầu, các đô-đốc Nam-kỳ đã đánh nhiều loại thuế lên xứ Nam-kỳ, và các loại thuế này phần nhiều đều nặng hơn thời xứ Nam-kỳ còn thuộc vua nhà Nguyễn. Thuế điền-thổ là 5 phật-lăng một mẫu vào năm 1864 đã tăng lên gấp đôi mười năm sau: 10 phật-lăng một mẫu vào năm 1873; thuế thân trên nguyên tắc là 2 phật-lăng mỗi dân đinh sẽ tăng lên 10 phật-lăng (16 nếu người dân muốn được miễn sưu-dịch). Bên cạnh các loại thuế chính thâu này còn một số thuế khác như thuế đánh lên thuyền bè, thuế môn-bài, thuế muối, thuế lưu-trú của Hoa-kiều, v.v…Các đô-đốc cũng lập những ngạch thuế mới như thuế rượu, thuế nha-phiến và thuế cờ bạc. Nhờ tổ chức thuế-khóa này mà xứ Nam-kỳ đã có thể đáp ứng rất sớm các khoản chi phí và vào năm 1876 còn có thể nộp cho công-khố Pháp một số thặng thu là 2.200.000 phật-lăng. Song, vì chế độ thuế má quá nặng, Le Myre de Vilers đã cố gắng thực hiện một sự phân phối công bình hơn: thuế điền-thổ được giảm xuống 3 phật-lăng và 1 phật-lăng tùy theo các hạng ruộng, và thuế thân được định là 3 phật-lăng mỗi người. Để bù đắp cho sự thất thu ngân-sách, một loại thuế được đánh lên sự xuất cảng gạo; thuế xuất cảng này không có ảnh hưởng nào đối với giới tiểu-nông, vì chỉ những đại thương-gia xuất cảng gạo mới phải trả mà thôi.
Từ năm 1885 đến đầu năm 1887, ngân-sách của chính-phủ Pháp cáng đáng mọi kinh-phí của các cơ quan dân-sự ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ. Nhưng kể từ 1-1-1887 trở đi, tất cả các kinh-phí này phải do ngân-sách địa phương đảm trách, chính-phủ Pháp chỉ cung hiến mỗi năm một khoản trợ-cấp nhất định cùng những bổ-sung-phí mà thôi. Sau năm 1892 bắt đầu một chế-độ mới: ngân-sách địa-phương không được hưởng trợ cấp nữa, nhưng chính-phủ Pháp chịu đựng mọi phí tổn quân-sự. Song, mặc dầu các thuế suất được nâng cao, ngân-sách của chính-phủ bảo-hộ vẫn luôn luôn thiếu hụt ([77]).
1888 | 1892 | 1894 | 1896 | |
Thuế trực thâu | 1.235.000$ | 2.066.000$ | 2.450.000$ | 2.995.000$ |
Quan thuế | 1.133.000$ | 2.040.000$ |
(năm 1888, một đồng bạc ăn 4 đồng phật-lăng, năm 1897 chỉ còn ăn 2,45 phật-lăng mà thôi).
Để bù đắp cho các sự thiếu hụt, các vị Đại Trú-sứ sau Paul Bert đã phải đánh những loại thuế gián-thâu như ở Nam-kỳ và cho lãnh trưng các công tác chính-phủ. Nhưng vào cuối năm 1895, chính-phủ Pháp phải đề nghị với Hạ-nghị-viện chấp thuận cho chính-quyền bảo-hộ vay một ngân-khoản 80 triệu để giải quyết tình trạng tài-chính.
Sự thiết lập chính-phủ toàn-quyền Đông-dương đòi hỏi phải có một tổ chức tài-chính thích ứng với thể-chế mới. Theo Sắc-luật 31-7-1898, tổng ngân-sách Đông-Dương sẽ cáng đáng các kinh-phí có lợi ích chung cho toàn khối Đông-Dương, còn các ngân-sách địa-phương sẽ được sử dụng cho các lợi ích riêng của mỗi xứ. Để cung cấp tài-nguyên cho các ngân sách này, được quyết định rằng các ngân-sách địa-phương sẽ được thiết lập với các loại thuế trực-thâu cũ của triều Nguyễn, còn tổng ngân-sách của chính-phủ toàn-quyền sẽ do các loại thuế công-quản và thuế đoan.
a) Tổng ngân-sách Đông-Dương.
Được thiết lập 3 loại công-quản: thuốc phiện, rượu và muối. Công-quản nha-phiến dành cho chính-phủ bảo-hộ độc quyền mua và bán; sau khi được chứa trong những hộp gắn chặt và đóng dấu, thuốc phiện ty này được giao cho giới bán lẻ để phân phối cho người tiêu thụ. Số tiêu thụ được ước lượng là 160.000 kg, nhưng chính-phủ chỉ bán có 60.000 kg thôi, tức là có một sự buôn lậu rất hoạt động. Hầu hết thuốc phiện ty được tiêu thụ bởi Hoa-kiều và giai cấp giầu, cho nên công-quản nha-phiến không thất nhân-tâm cho lắm ([78]).
Trước năm 1898, dân chúng được tự do chưng cất rượu; năm 1902, hành-chánh bảo-hộ bắt buộc các nhà sản xuất, sau khi đã được Nha Thương-chính cấp cho giấy phép nấu rượu, phải đưa hết số rượu nấu ra bán cho cơ quan hành-chánh theo giá định bởi chính-phủ. Chính-phủ giữ độc quyền bán lại rượu ty, nhưng độc quyền này rất sớm được đặc nhượng cho những tư-nhân. Sự cung cấp rượu cho các tiệm bán lẻ ở Bắc-kỳ và miền bắc Trung-kỳ được giao phó cho hai công-ty Pháp: Société française de distillerie d’Indochine và Société des distilleries du Tonkin; hai công-ty này nhờ vậy đã có thể chiếm độc quyền nấu rượu. Việc bán rượu được tổ chức như sau: công-ty là tổng-cục; tại các tỉnh, mỗi tỉnh có một cục tổng phát hành (débitant général) đại diện công-ty; cục này bán rượu cho “cờ bài lớn” (débitant de gros), cờ bài lớn bán cho các “cờ bài nhỏ” (débitant de détail) là nơi bán lẻ cho giới tiêu-thụ. Những người được phép nấu rượu phải đem hết số rượu bán cho công-ty ([79]). Còn ở Nam-kỳ, rượu cũng được nấu bởi công-ty Pháp, nhưng do chính-phủ bán. Như thế, chính-phủ kiểm soát việc nấu rượu qua trung gian vài công-ty; nhưng do đó, chính-phủ đã giúp cho những công-ty có đặc quyền này thu được những món tiền rất lớn, trong khi dân chúng nấu rượu lậu bị trừng phạt nặng nề. Vì nhu cầu tài-chính, chính-phủ bảo-hộ ra lệnh cho các công-chức phải thúc đẩy sự tiêu thụ rượu ty: các công-sứ được cho điểm tốt nếu số rượu tiêu thụ trong tỉnh hạt của họ cao.
Công-quản muối được thiết lập năm 1903. Các người nấu muối phải đem toàn số nộp bán cho chính-phủ; giới tiêu thụ phải mua muối nhà nước sau khi muối này đã được đánh thuế (5 hào 100 kí-lô năm 1897, lên tới 2$25 100 kí năm 1907). Sự chở, dùng, mua muối lậu đều bị trừng phạt nặng-nề ([80]).
Số thuế thu được nhờ các loại công-quản này rất khả quan, như chúng ta có thể thấy qua bảng kê các nguồn tài-nguyên của tổng ngân-sách ([81]):
Năm | Quan-thuế | Công-quản | Thuế trước-bạ | Bưu-chính |
1919 | 5.806.000 $ | 33.944.000 $ | 2.025.000 $ | 1.115.000 $ |
1920 | 6.358.000 | 38.523.000 | 2.377.000 | 1.183.000 |
1921 | 11.205.000 | 42.473.000 | 2.740.000 | 1.365.000 |
1922 | 11.771.000 | 45.732.000 | 2.969.000 | 1.766.000 |
1923 | 10.800.000 | 47.881.000 | 2.965.000 | 1.948.000 |
1924 | 9.985.000 | 47.043.000 | 4.112.000 | 2.200.000 |
Trung bình, ba loại thuế công-quản cung cấp 70% số thu. Nhưng địa vị của các loại thuế này giảm đi nhiều qua các sự cải-tổ thuế khóa năm 1926, với sự gia tăng các thuế đoan, thuế trước-bạ, thuế bưu-chính và với sự thiết lập một sắc thuế tổng quát đánh lên các loại hàng nhập cảng: năm 1931, công-quản chỉ còn đưa về một số thu là 30.100.000 đồng trên một tổng ngân-sách là 110.000.000. Tổ chức công-quản đã làm lợi cho một số nhà kinh-doanh: nhờ lợi tức gia tăng đều đặn, Société francaise des distilleries de l’Indochine đã có thể tăng lên gấp 16 lần tư-bản của nó trong vòng 20 năm (2.000.000 phật-lăng năm 1902, 33.000.000 năm 1924). Các công-ty này có một cường lực rất lớn, khiến chính-phủ bảo-hộ không bao giờ dám nghĩ đến chuyện phế bỏ chế-độ công-quản. Năm 1928, toàn-quyền Pasquier đặt mua của một công-ty muối Pháp 450.000 tấn muối, và phải trả 4,50 $ một trăm kí, trong khi nhà nước chỉ trả 2,60 $ cho giới sản xuất muối Việt-Nam mà thôi.
- Ngân-sách địa-phương.
Ba xứ Bắc-kỳ, Trung-kỳ và Nam-kỳ đều có ngân-sách riêng, cung cấp bởi các loại thuế thân, thuế điền thổ, thuế môn-bài, thuế tư-ích, thuế thuyền bè. Số thu tăng lên đều đặn hàng năm ([82]):
1911 | 1916 | 1920 | 1926 | 1930 | |
Bắc-kỳ | 5.184.770 $ | 7.829.500 $ | 8.566.559 $ | 10.505.595 $ | 11.939.000 $ |
Trung-kỳ | 2.731.456 | 3.611.151 | 3.834.668 | 4.908.445 | 5.811.513 |
Nam-kỳ | 4,803.085 | 5.050.333 | 6.217.340 | 8.408.497 | 10.075.479 |
Hầu hết các loại thuế chính-cung, thuế thân và thuế điền-thổ là do dân Việt trả. Về thuế thân, cho đến năm 1921, chính-phủ bảo-hộ vẫn duy trì sự phân biệt giữa hạng nội-tịch (đồng niên mỗi đinh tráng 2$50) và hạng ngoại-tịch (đồng niên mỗi người 0$30). Kể từ năm 1921, sự phân biệt này được bãi bỏ, tất cả các đinh tráng từ 18 đến 60 tuổi phải trả 2$50 ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ, 7$50 ở Nam-kỳ. Trong thực tế, số thuế thu được tính gộp cho mỗi làng.
Thuế điền-thổ vẫn duy trì những đặc điểm truyền thống của nó. Các loại ruộng được chia làm nhiều hạng ở Bắc-kỳ:
- ruộng nhất đẳng mỗi mẫu 1,50 $
ruộng nhị đẳng “ 1,10 $
ruộng tam đẳng “ 0.80 $
Các loại đất cũng được chia làm bốn hạng:
- đất trồng thuốc lá, trầu, cau, dừa, mía mỗi mẫu 2,00 $
- đất trồng dâu, vừng, chè, bông “ 0,50 $
- đất trồng ngô, sắn, khoai, đậu, hoa quả, rau “ 0,30 $
- đất hoang, bùn lầy, hồ ao “ 0,10 $
Nói chung, giới nông-dân phải chịu thuế nhiều nhất. Gourou ước lượng rằng một gia-đình Bắc-kỳ gồm 5 người và có 3 mẫu ruộng, nghĩa là thuộc hạng tương đối khá giả, phải chi tiêu đồng niên 80 đồng bạc vào năm 1934 ([83]); các chi phí được phân phối như sau:
- thực-phẩm 50 $ (63% các chi phí)
Tết nhất 12 $ (15% “ )
Thuế má 10 $ (12% “ )
Còn trong vùng Thái-Bình, tại đó dân chúng rất nghèo khổ, một chủ gia-đình có 6 con mỗi năm phải chi tiêu 45$, trong số đó có 4,20 $ tiền thuế.
- – THÁI ĐỘ CỦA CHÍNH-PHỦ BẢO-HỘ ĐỐI VỚI DÂN VIỆT-NAM.
- a) Qui-chế cá-nhân.
Mặc dầu xứ Nam-kỳ có một qui-chế khác với hai xứ Bắc-kỳ và Trung-kỳ – qui-chế thuộc-địa –, về qui-chế cá nhân không có gì khác biệt giữa dân chúng ba xứ này cả. Mỗi người dân Việt-Nam đều ở trong phận vị thổ trước (régime de I’indigénat); trong xứ, mỗi nguời đều phụ thuộc chế-độ sưu-dịch, và chỉ được quyền di chuyển nếu có thể xuất trình giấy căn-cước cấp bởi chính-quyền hàng xã. Mỗi người có thể bị bắt bỏ tù đến 5 ngày, bởi bất cứ một nhân-vật nào có quyền tài-phán, và thủ tục này được coi như có tính cách hành-chánh chứ không phải tư-pháp, nên không thể bị xét lại hay kháng cáo. Mỗi người có thể bị câu lưu vô hạn định và bị tịch thu tài-sản theo lệnh của quan Toàn-quyền, tuy trường hợp này có thể được xét lại bởi Bộ-trưởng Thuộc-địa ([84]).
Cả đối với những người sinh đẻ trên đất Pháp, qui-chế công-dân Pháp chỉ có thể đạt được bằng một thủ-tục nhập-tịch. Muốn có đủ tư cách để xin nhập Pháp-tịch, ứng-viên phải chứng tỏ là mình có một trình độ đồng-hóa cao. Được coi là đồng-hóa, những người được nhận làm con nuôi trong một gia-đình Pháp, hay kết hôn với một công dân Pháp, hay có một chứng chỉ của một trường trung học Pháp, hay sau hết phục vụ trong quân-đội Pháp. Sự sinh đẻ trong một xứ đạo (chrétienté) hay sự cải giáo theo đạo Thiên-chúa, cũng được coi là những chặng trên con đường đồng-hóa. Các chức vụ cao cấp trong nền hành-chánh xứ Nam-kỳ và trong các nha sở chuyên môn Đông-Dương, cũng như chức hội-viên các hội-đồng đại-biểu, chỉ được dành cho những người có qui-chế công-dân (citoyen). Nhưng các sự nhập-tịch rất là ít ỏi: năm 1937, chỉ có 29 người được nhập Pháp-tịch và năm 1938, 58 người; năm 1937, trong cả ba xứ Việt-Nam, chỉ có 2.555 người nhập Pháp-tịch (naturalisés français) mà ba phần năm ở Nam kỳ ([85]).
b) Địa vị của người Việt trong các cơ-quan hành-chánh.
Phần mà chính-phủ bảo-hộ dành cho người Việt trong sinh hoạt hành-chánh rất là hạn chế. Cho tới năm 1927, người Việt chỉ có thể lựa chọn giữa hai tình trạng: hoặc nhận những chức vụ hạ cấp trong các cơ quan hành-chánh Pháp, như tham-biện, phán-sự, thông-ngôn, ký-lục, lính cảnh-sát, thuộc viên thương-chính, v.v…, hoặc gia nhập ngạch quan lại truyền-thống. Số các thuộc-viên người Việt trong các cơ quan hành-chánh của chính-phủ bảo-hộ đã tăng từ 12.200 người năm 1914 lê