31/03/2021, 15:28

Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" số 6 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" của Mãn Giác Thiền Sư

Thiền sư Mãn Giác là người ham học, thông hiểu cả Nho giáo và Phật giáo nên đã được vua Lí Nhân Tông sủng ái, tuyển vào cung cho học tập từ nhỏ. Ông là một thiền sư nổi tiếng. Bài thơ " Cáo tật thị chúng" của ông đã nói đến những triết lí rất sâu sắc. Thời gian như một nỗi ám ...

Thiền sư Mãn Giác là người ham học, thông hiểu cả Nho giáo và Phật giáo nên đã được vua Lí Nhân Tông sủng ái, tuyển vào cung cho học tập từ nhỏ. Ông là một thiền sư nổi tiếng. Bài thơ " Cáo tật thị chúng" của ông đã nói đến những triết lí rất sâu sắc.


Thời gian như một nỗi ám ảnh miên viễn với con người. Nhận thức được thời gian, con người lại càng hoảng sợ vì biết cuộc sống ngắn ngủi, mong manh. Vì thế, thi nhân Xuân Diệu mới có một khao khát đến tột cùng: “Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai/ Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.” (Giục giã) Con người luôn muốn níu giữ thời gian, trì hoãn cuộc sống. Thế nhưng với thiền sư Mãn Giác, hiểu được quy luật của tự nhiên là để an lạc chấp nhận, trân trọng từng giây phút được sống chứ không phải chạy đua với thời gian. Quan niệm ấy được thiền sư bộc bạch trong “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh, bảo mọi người).


Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.


Đây vốn là một bài kệ, mang chức năng truyền bá, giải thích đạo Phật. Bài kệ mang ý tứ sâu xa, thường dùng cách nói ẩn dụ, kín đáo. Kệ thường được viết bằng văn vần, có giá trị văn chương. Bài “Cáo tật thị chúng” không biết được viết vào năm nào trong cuộc đời 44 tuổi của vị thiền sư, nhưng hẳn đang vào lúc đau yếu, đe dọa đến tính mạng. Bài thơ thể hiện một tâm hồn bình thản trước bệnh, tử, già, không hề buồn sợ, xót đau. Đó là tâm hồn đại giác.


Bốn câu thơ đầu nói lên quy luật sinh hóa của tự nhiên, của con người: hoa cũng giống như người luôn vận động, biến thiên. Sự sống là một vòng luân hồi. Mùa xuân qua hoa cỏ úa tàn, khi xuân đến hoa cỏ lại tươi tốt. Nhà thơ dùng hình ảnh hoa rụng, hoa nở để nói về tuần hoàn như vòng bánh xe không ngừng chuyển động: hoa rụng trước rồi đến hoa nở thì mới gợi lên được một vòng tuần hoàn. “Nếu nói hoa nở rồi hoa tàn thì chỉ nói được một kiếp trong vòng đời.” (Trần Đình Sử)


Tuy nhiên, đặt con người trong vòng tuần hoàn nở - rụng ấy gợi nên nhiều suy nghĩ. Hai câu thơ tiếp diễn tả quy luật của đời người, khác hẳn quy luật của tự nhiên. Thời gian trôi đi, con người thêm tuổi tác. Mái đầu bạc là hiện thân của tuổi già. Giữa con người với hoa có sự đối nghịch: trong khi “trăm hoa tươi” thì con người “trên đầu già tới rồi”. Sự đối nghịch ấy cho thấy sự vô thủy, vô chung của thời gian – “trước mặt việc đi mãi” – cuộc đời khoảnh khắc chỉ là ảo ảnh. Câu thơ nói lên quy luật sinh – lão – bệnh – tử theo quan niệm của đạo Phật.


Giọng điệu của bốn câu thơ đầu vừa ung dung, an nhiên lại vừa như thoáng chút nuối tiếc. An nhiên khi nhìn cuộc đời theo quy luật sinh – lão – bệnh – tử. Thoáng chút nuối tiếc khi cảm thấy sự trôi chảy của thời gian. Cảm nhận này không phải bắt nguồn từ cái nhìn hư vô của đạo Phật mà bắt nguồn từ ý thức về sự hiện hữu, sự tồn tại có thực của con người. Ý thức được sự tồn tại ấy, con người không thể nào sống vô nghĩa. Hai câu thơ cuối thể hiện quan niệm triết lí của Phật giáo về sức mạnh lớn lao, vượt lên lẽ hóa sinh thông thường.


“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”


Hai câu thơ cuối không phải đơn thuần báo hiệu xuân qua hè tới mà là biểu tượng cho quan niệm lớn lao hơn. Con người giác đạo trở về với bản thể vĩnh hằng, không sinh, không diệt như cành mai tươi bất chấp xuân tàn. Trong quan niệm người xưa, mai là loài hoa chịu được giá rét mùa đông. Giữa tuyết sương giá lạnh, mai vẫn nở hoa, báo hiệu mùa xuân đến. Hoa mai tượng trưng cho vẻ đẹp thanh tao, cao khiết vượt lên hoàn cảnh nghiệt ngã, phàm tục.


Qua hình tượng cành mai tươi bất chấp xuân tàn, tác giả mượn thiên nhiên để biểu tượng cho niềm tin về sự sống bất diệt. Hoa mai vượt lên cả sự sống, chết, thịnh, suy. Đó là quy luật của sự bất biến về tư tưởng, tình cảm, ý chí – sự bất biến trong tinh thần. “Cành mai” là biểu tượng nghệ thuật đẹp đẽ, vẻ đẹp của tinh thần lạc quan, kiên định trước những biến đổi của trời đất, thời cuộc.


“Cáo tật thị chúng” tuy được viết lúc thiền sư đang đau yếu nhưng vẫn toát lên cái nhìn bình thản trước cuộc đời, giọng điệu ung dung, tự tại. Quy luật cuộc đời là sinh – lão – bệnh – tử nhưng bài thơ lại chọn điểm khởi đầu là “xuân tàn” và điểm kết thúc là một cành mai tươi, đó là tinh thần lạc quan. “Lời thơ đến với độc giả như một biểu hiện của sự nhạy cảm đối với sức sống dồi dào luôn khắc phục hoàn cảnh để mà vươn lên, như là biểu hiện của niềm yêu mến cuộc sống trong những khía cạnh mĩ lệ mà tinh vi, tế nhị” (Đinh Gia Khánh).


Nhịp điệu bài thơ có nét đặc biệt : bốn câu đầu là thơ năm chữ, gọn gàng, hai trạng thái xúc cảm cân bằng với số chữ như nhau. Hai câu kết là thơ bảy chữ, vượt lên trên nỗi vui buồn sinh tử mà thanh thản, ung dung về miền cực lạc. Bài thơ viết lúc nhà thơ đang đau yếu nhưng đầy lạc quan, tích cực.


Bài thơ" Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền Sư đã truyền cho chúng ta một nghị lực, niềm tin, tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Dòng đời vẫn luôn chảy trôi và biến đổi không ngừng, đó là một vòng tuần hoàn khép kín bất tận, còn đời người thì hữu hạn nhưng đó cũng là quy luật của cuộc sống. Quan trọng là ta phải sống hết mình và có ý nghĩa, luôn lạc quan. Đó cũng là triết lí sống mà tác giả gửi gắm cho độc giả- sống an nhiên.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0