Bài văn phân tích ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo số 4 - 7 Bài văn phân tích ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo trong tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Ca
Giai đoạn trước cách mạng tháng tám có thể xem là giai đoạn lầm than và nhiều đớn đau nhất trong lịch sử của dân tộc, và cũng chính trong cái thời thế ấy đã xuất hiện nhiều cây bút xuất sắc đưa nền văn học hiện thực của nước nhà bước lên một tầm cao mới với hàng loạt những cái tên nở ...
Giai đoạn trước cách mạng tháng tám có thể xem là giai đoạn lầm than và nhiều đớn đau nhất trong lịch sử của dân tộc, và cũng chính trong cái thời thế ấy đã xuất hiện nhiều cây bút xuất sắc đưa nền văn học hiện thực của nước nhà bước lên một tầm cao mới với hàng loạt những cái tên nở rộ với các tác phẩm xuất sắc, ví như Ngô Tất Tố với Tắt đèn, Nguyễn Công Hoan với Kép Tư Bền, Vũ Trọng Phụng với Kỹ nghệ lấy Tây, Số đỏ và một loạt các tác phẩm trào phúng, phê phán khác về lối sống thượng lưu ở Hà Thành. Trong đó đề tài người nông dân, người trí thức trong xã hội cũ luôn là các đề tài được nhiều tác giả lựa chọn và khai thác nhất, trong đó có nhà văn Nam Cao nổi tiếng với Chí Phèo và Đời thừa.
Mà có lẽ có thể gọi Chí Phèo là đỉnh cao của văn học hiện thực trước cách mạng tháng Tám, với những đớn đau bi kịch đến tột cùng của người nông dân trong xã hội cũ. Cả mạch truyện người ta không chỉ ám ảnh xót xa với cuộc đời đầy bất hạnh của Chí Phèo thông qua giọng văn vừa lạnh lùng, vừa đớn đau của Nam Cao mà trong đó người ta còn rất mực ấn tượng với tiếng chửi của nhân vật này. Đó có phải chỉ là tiếng chửi của riêng mình Chí Phèo cho cái cuộc đời lắm đau thương của hắn hay là tiếng chửi của chính tác giả với cái xã hội thối nát, đã tiệt mọi đường sống của người nông dân?
Tiếng chửi của Chí Phèo không xuất hiện ở cuối hay giữa tác phẩm mà được đưa ngay lên đầu, ngay khi người đọc vừa tiến vào tác phẩm đã thấy tiếng chửi của Chí Phèo đang hiện diện. Cách viết đó đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng tác giả về nhân vật Chí Phèo với tiếng chửi đầy bất mãn và đau đớn, rồi từ đó người ta lại mới nảy sinh cái tò mò, tại sao Chí Phèo lại chửi như thế và có thôi thúc đi vào từng trang truyện để thấm thía và suy ngẫm về nhân vật có một không hai này. Việc đi vào tác phẩm theo kết cấu hiện tại - hồi tưởng như thế đã hoàn toàn vượt ra khỏi cách viết truyện truyền thống đem đến cho độc giả những ấn tượng ban đầu độc đáo, cũng dần thể hiện được tài năng bậc thầy của Nam Cao trong làng viết về đề tài hiện thực trước cách mạng.
Lại nói về tiếng chửi của Chí Phèo, nó không chỉ là một vài câu chửi thông thường, bực dọc, mà ở đây thông qua lời văn của Nam Cao tiếng chửi ấy đã kéo dài cả một đoạn văn thông qua nhiều hình thái diễn đạt khác nhau. Người ta thấy Chí Phèo chửi thông qua lời dẫn truyện lạnh lùng, xót xa của tác giả, cũng thấy Chí chửi thông qua lời thuật lại đầy ngán ngẩm, thờ ơ, hờ hững của dân làng Vũ Đại, và thấy cả tiếng chửi thông qua cái giọng bực tức, chất vấn, đớn đau, quằn quại khi vật lộn với bi kịch của chính bản thân Chí Phèo. Tiếng chửi ấy không chỉ giữ nguyên một trạng thái mà nó có sự tăng tiến về mặt cấp độ, Chí Phèo chửi tất cả những thứ mà hắn cho là đã làm cho cuộc đời hắn khổ sở, từ xa về gần, hắn chửi trời, chửi đời, rồi phát hiện những thứ ấy chẳng là ai và cũng chẳng của ai cả, hắn lại tiếp tục thu gọn tiếng chửi của mình khi chửi cả làng Vũ Đại, nhưng khốn nỗi cái làng ấy vốn thờ ơ, lãnh cảm với tiếng chửi của hắn mất rồi, ai cũng nghĩ hắn chừa mình ra, thành thử chẳng ai đáp lại Chí Phèo.
Và Chí biết điều đó, hắn lại tiếp tục thu hẹp phạm vi khi chửi cái đứa nào không ra chửi nhau với hắn, rồi cuối cùng nhóm lại thành chửi cái đứa nào đẻ ra thân hắn rồi để hắn khổ sở như ngày hôm nay. Và cứ thế là Chí Phèo chửi trong đau đớn, tuyệt vọng, nhưng cũng chẳng ai biết đó là ai, khiến người ta không khỏi xót xa đau đớn cho một kẻ mồ côi tha hóa, bê bết. Tiểu kết lại, ta có thể nhận ra rằng mặc dù đối tượng chửi được Chí Phèo thu ngày càng gọn lại, thế nhưng thực tế cấp độ của tiếng chửi lại tăng dần đều, càng về sau tiếng chửi của hắn càng trở nên gay gắt, cay cú và phẫn nộ, đau đớn đến cực điểm khiến người đọc có ấn tượng về nghệ thuật tăng tiến ẩn này của Nam Cao.
Rồi có đôi độc giả thắc mắc rằng rốt cuộc khi phát ra những tiếng chửi bất mãn, đau đớn ấy thì Chí Phèo tỉnh hay say khi mà Nam Cao đã viết rằng “Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi”. Thì phần phân tích trên chính là câu trả lời tốt nhất, tôi tin rằng Chí Phèo lúc ấy tỉnh, và rượu vào là để tiếp thêm cho hắn cái sức lực đẩy tiếng chửi đến tận cùng đau đớn và uất hận cho cái kiếp mà hắn đã tự oán trong những lời chửi rằng “Không biết cái đứa chết mẹ nào đã đẻ ra cái thân hắn để hắn khổ đến nông nỗi này?”. Rõ ràng người say thì sẽ quên hết mọi chuyện, nhưng Chí Phèo thì không, hắn nhớ hết hắn nhớ tường tận cuộc đời mình từ lúc lọt lòng mồ côi đến năm 20 tuổi đầy ước mơ hoài bão, rồi đến những năm lao tù, tha hóa, và cuối cùng phải hứng chịu những bi kịch ghê gớm như hiện giờ. Có như thế người ta mới lại càng thấm thía hơn cái nỗi đau, cái bất hạnh tột cùng của Chí Phèo và Nam Cao lần nữa lại thành công trong việc khắc họa nhân vật Chí Phèo cùng tiếng chửi.
Và bây giờ là lúc tìm hiểu tại sao Nam Cao lại để cho nhân vật của mình có những tiếng chửi đớn đau và uất hận đến thế. Điều đó đã được hé lộ một phần trong chính những tiếng chửi của Chí Phèo ở phần đầu của tác phẩm. Cuộc đời của hắn đã khởi đầu với một con số không tròn trĩnh, không cha không mẹ, không nhà cửa, không lai lịch, gốc gác. Khi vừa mới lọt lòng đã bị bỏ rơi, rồi bị truyền tay hết người này sang người khác, cuối cùng lớn lên trong cái nôi đùm bọc của làng Vũ Đại. Thế nhưng thật may sao, vốn có một xuất thân bất hạnh, thiếu thốn như thế nhưng Chí Phèo lại có thể trở thành một chàng trai 20 tuổi lương thiện, thật thà, hứng chí làm ăn, với ước mơ giản dị, vợ dệt vải, chồng cày cấy, dăm ba sào ruộng, nuôi lợn,... Thế nhưng đớn đau thay sự lương thiện tốt đẹp ấy của Chí đã bị chà đạp, tàn phá bởi sự lẳng lơ đĩ thõa của một người đàn bà, và lòng ghen tuông mù quáng của tên chồng bất lực, sợ vợ là Bá Kiến.
Chí Phèo bị đổ oan, vào tù độ 7, 8 năm, cái nhà tù thực dân ấy nó không khiến con người ta tốt lên mà trái lại nó biến một người lương thiện, thành một tên bặm trợn, nghiện rượu, thích ăn thịt chó. Từ đó Chí Phèo bị trượt dài trên con đường tội lỗi, tha hóa nhân hình, nhân phẩm, hắn đến trước cửa nhà của kẻ đã tống hắn vào tù rồi liều mạng rạch mặt ăn vạ, tiếng chửi của hắn không ai đáp lại mà chỉ có “một thằng say rượu với ba con chó dữ”. Lời thuật lại ấy của Nam Cao đã báo hiệu quãng đời tha hóa thành quỷ dữ của Chí Phèo. Từ đó trở đi, Chí Phèo sống một cuộc đời bê tha, đâm thuê chém mướn cho Bá Kiến, bán rẻ nhân cách để kiếm những đồng bạc lẻ phục vụ cho những cuốc rượu say sưa hết ngày này qua tháng nọ.
Nếu như bi kịch của Chí Phèo chỉ dừng lại ở việc mồ côi, vào tù rồi tha hóa nhân cách thì có lẽ truyện của Nam Cao đã chẳng trở thành kiệt tác của nền văn học hiện thực lúc bấy giờ, và tiếng chửi của Chí Phèo cũng chẳng day dứt và ám ảnh mãi trong tâm trí độc giả cho đến tận ngày hôm nay. Gía trị của tác phẩm thực sự được đánh dấu và đẩy lên cao ở việc Nam Cao thể hiện bi kịch bị từ chối quyền làm người của Chí Phèo, một kẻ gặp được tình yêu của cuộc đời. Thị Nở đã làm sống lại trong hắn những ước mơ tuổi hai mươi, và hắn đã trông mong Thị mang hắn trở về với thế giới loài người, thoát khỏi cái kiếp làm con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Thế nhưng tất cả đã bị dập tắt bởi lời nói cay nghiệt của bà cô Thị Nở, và cả cái tức giận dở hơi của thị, tất cả đã thức tỉnh Chí Phèo về thân phận, bi kịch đớn đau của mình, cuối cùng hắn chọn cách kết thúc cuộc đời trong đau đớn. Như vậy từ tất cả các bi kịch của Chí Phèo, đặc biệt là ở bi kịch bị từ chối quyền làm người ta mới vỡ lẽ ra rằng Chí Phèo khao khát được hòa nhập vào thế giới loài người, khao khát được giao tiếp, thế nhưng không ai nói chuyện với hắn, hắn đành chửi, chửi để mong người ta chửi lại cũng được, để chứng minh ít ra hắn vẫn là con người và người ta vẫn còn muốn đáp lại hắn. Và đến tột cùng của sự đớn đau, khi đã không còn ai chửi nhau với hắn, Chí Phèo mới thốt lên trong đau đớn rằng ai đã sinh ra cái thân hắn để hắn khổ đến thế này.
Như vậy thông qua tiếng chửi của Chí Phèo ta có một nhận định rằng giọng văn của Nam Cao là một giọng văn lạnh lùng, nhưng chất chứa đầy những đớn đau, phản ánh một hiện thực bế tắc của người nông dân trước cách mạng tháng tám, khi họ chưa thể tìm ra cho mình một lối thoát, và ngay cả chính bản thân tác giả cũng chưa thể tìm ra lối thoát cho nhân vật của mình. Tiếng chửi ấy chất chứa tất cả những đớn đau trong suốt cuộc đời đầy bi kịch của Chí Phèo, đồng thời gợi mở ra chủ đề của tác phẩm, bên trong cái chất văn lạnh lẽo, hiện thực gay gắt là những nỗi xót xa, cay đắng thương cảm cho nhân vật chính cũng như cho chính những người nông dân ở xã hội cũ.