Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" số 4 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" của Mãn Giác Thiền Sư
Nguyễn Trường hay còn gọi là Mãn Giác Thiền Sư, là một người đọc rộng hiểu nhiều thông cả nho, lão, phật bên cạnh đó ông cũng để lại những sáng tác vô cùng nổi tiếng trong đó có “Cáo bệnh bảo mọi người”, tác phẩm thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời mà một sức sống mãnh liệt để vươn ...
Nguyễn Trường hay còn gọi là Mãn Giác Thiền Sư, là một người đọc rộng hiểu nhiều thông cả nho, lão, phật bên cạnh đó ông cũng để lại những sáng tác vô cùng nổi tiếng trong đó có “Cáo bệnh bảo mọi người”, tác phẩm thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời mà một sức sống mãnh liệt để vươn lên.
Với cái nhìn chân thực và sâu sắc nhất, ông cảm nhận sự biển đổi nhỏ nhất của vạn vật xung quanh mình, đối với ông những sự biến đổi đó đều theo một quy luật nhất định.
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa tươi
Xuân qua trăm hoa rụng, xuân tới trăm hoa tươi, tất cả đều theo quy luật của tự nhiên từ xưa đến nay không thay đổi, mỗi năm có bốn mùa và mỗi mùa lại có một đặc điểm riêng biệt như một sự báo hiệu, một bước chuyển mình của tự nhiên, hình ảnh cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa vươn mình khoe sắc như một dấu hiệu cho sự chào đón mùa xuân, để rồi khi xuân đi thì những cành hoa chẳng còn giữ được cho mình những nét tươi đẹp như lúc ban đầu.
Xuân đến xuân đi dường như đã là điều tất yếu không thể thay đổi, nhưng trong cái nhìn lạc quan của tác giả thì hình ảnh xuân qua hoa rụng trước rồi mới đến xuân tới hoa nở thật mới lạ, tác giả muốn lưu giữ lại những nét đẹp của mùa xuân, lưu giữ lại không khí ấm áp tràn đầy sức sống mà thiên nhiên đem lại cho vạn vật.
Xuân đến xuân đi trăm hoa nở rồi lại rụng đó là sự tuần hoàn của tự nhiên đã diễn ra từ rất lâu, chữ “trăm” thể hiện một vòng lặp không có ngoại lệ, một vòng tuần hoàn của thiên nhiên đã diễn ra từ rất lâu và sẽ không bao giờ thay đổi được. Ngoài những quy luật của tự nhiên đối với tác giả con người cũng đang sống theo một quy luật nhất định không thể thay đổi được.
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Thời gian vẫn luôn vận động mà không đợi bất cứ ai, không đợi bất cứ điều gì, thời gian trôi kéo theo biết bao sự việc không kể lớn nhỏ trong đó có cả con người. Con người theo năm tháng rồi cũng già đi, lớn lên theo thời gian để rồi giật mình nhận ra bản thân đã già thật rồi, biểu hiện rõ nét nhất đó chính là sự đổi màu trên mái tóc.
Nhưng điều đáng nói nhất ở đây là con người không giống với tự nhiên, tự nhiên trải qua những vòng lặp nhất định nhưng con người thì không, chẳng biểu hiện rõ nét nhưng mỗi người đều sống một cuộc sống, và khi về già thì ai cũng sẽ phải dừng lại tại điểm cuối của quãng đường đời, chỉ có sự khác biệt là mỗi người có một quãng đường dài ngắn khác nhau mà thôi. Dù có hoàn hảo thế nào, dù không thể thay đổi quá nhiều nhưng vẫn luôn tồn tại một sức sống mãnh liệt trong thiên nhiên và trong con người.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
Hai câu thơ tường chừng như tả thiên nhiên nhưng không phải, giữa không gian sắp hết xuân, giữa không gian mà muôn loài đã sẵn sàng để chào đón một mùa mới thì hình ảnh cành mai xuất hiện, đối với người xưa hình ảnh đó như một biểu tượng của sự thanh cao, tinh khiết bởi mai có thể chịu được cái giá lạnh của mùa đông, vẫn nở rộ giữa tiết trời lạnh giá vì vậy tác giả đã mượn hình ảnh cành mai để thể hiện sự vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách của con người. Đối với con người khi đã thấu hiểu được những quy luật, đạo lí của tự nhiên sẽ luôn tồn tại một sức mạnh lớn lao vượt lên cả quy luật sinh tử vốn có.
Bài thơ thể hiện rất rõ cái nhìn lạc quan yêu đời mà tác giả thể hiện qua từng câu thơ, cái nhìn đó được tác giả khẳng định qua hình tượng của tự nhiên mang vẻ đẹp tươi tắn gợi lên sức sống mãnh liệt, sự sinh sôi vô tận và bất diệt, cùng với đó là quy luật sinh tử mà bất cứ ai cũng phải trải qua, mở đầu bằng hình ảnh mùa xuân và kết thúc bằng hình ảnh một cành mai như điểm nhấn cho chính cuộc đời của tác giả, những câu thơ được viết trong khi đang mang bệnh nhưng cái nhìn về cuộc sống của bản thân, về thiên nhiên đã thể hiện bản lĩnh, tinh thần khỏe mạnh đạt đến độ ung dung không phải suy nghĩ.
Qua bài thơ cho người đọc thấy được sự mạnh mẽ bên trong tác giả, là một bậc tu hành giác ngộ được những đạo lí trong cuộc sống, có thể vượt ra được vòng luẩn quẩn để cho bản thân cái nhìn theo chiều hướng đẹp nhất, tích cực nhất.