31/03/2021, 15:28

Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" số 9 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" của Mãn Giác Thiền Sư

Ngược dòng thời gian, lật lại những trang sử hào hùng của dân tộc vào thời đại Lý Trần, một thời đại vàng son của tổ quốc, cũng là giai đoạn hưng thịnh nhất của đạo Phật. Vào thời đại Lý Trần, Phật giáo được xem như là quốc giáo, từ vua quan đến dân chúng đều tu học theo giáo ...

Ngược dòng thời gian, lật lại những trang sử hào hùng của dân tộc vào thời đại Lý Trần, một thời đại vàng son của tổ quốc, cũng là giai đoạn hưng thịnh nhất của đạo Phật.


Vào thời đại Lý Trần, Phật giáo được xem như là quốc giáo, từ vua quan đến dân chúng đều tu học theo giáo pháp của chư Phật, có được nhiều vị thiền sư chứng ngộ uyên thâm giữ gìn và truyền thừa giáo pháp của chư Phật. Thông thường, trước khi lìa bỏ xác thân, xa rời cõi đời huyễn mộng, chư vị thiền sư đều để lại cho đời một bài thi kệ, đấy là lời sách tấn cuối cùng, lời di huấn cuối cùng của quý Ngài đối với chúng đệ tử và cũng là thể hiện sự chứng đạt chân lý của tự thân.


Lời kệ nào cũng cao thâm, vi diệu, câu kệ nào cũng chuyển tải chân lý cuộc đời. Nhưng không hiểu tại sao, đã gấp sách lại rồi mà hình ảnh “đêm qua sân trước một cành mai” trong bài “Cáo tật thị chúng” của Ngài Mãn Giác cứ hiện ra trong tâm trí con khiến con ưu tư mãi. Nay con xin Ngài cho con được mạo muội tỏ bày suy nghĩ của một kẻ “mông học” về bài kệ “Cáo tật thị chúng” của Ngài.


Vừa đọc qua câu kệ:

“Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai”.

(Xuân qua trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười).


Người đọc đã bắt gặp nơi đây một sự khác thường. Bởi chúng ta thường nhắc đến sự tươi đẹp, huy hoàng trước khi nhắc đến sự tan tác, chia lìa. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì ai cũng ưa thích, ham muốn cái đẹp, trân quí sự hoàn mỹ chứ không ai muốn nhắc đến sự rủi ro, sự không hoàn thiện,… Ở đây, Ngài Mãn Giác đã đảo lộn qui luật đó. Ngài đã nói đến sự “lạc” (rụng) trước khi nhắc đến sự “khai” (nở).


Hai câu kệ đã diễn tả một sự thật của tự nhiên: Xuân qua thì muôn hoa tan tác, rụng rời; xuân đến thì muôn hoa khoe sắc nở thắm. Sự thật này đã trở thành một quy luật chung của vũ trụ và đi vào trong sâu thẳm cõi lòng của mỗi người. Ngài Mãn Giác đã diễn tả một cách trái ngược như thế phải chăng Ngài muốn nhắn nhủ với mọi người rằng: Nếu đã có xuân đến thì phải có xuân qua, đấy là qui luật vận hành của vũ trụ.


Con người phải sống làm sao để có thể giữ được lòng mình bình thản trước sự thịnh suy của cuộc đời khi chúng đến với mình. Trở lại với hiện thực của cuộc sống, Ngài nhận thấy:


“Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai”.

(Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi).


Sự đời cứ thế trôi qua trước mắt người, ngày lại qua đêm, đêm lại nối ngày. Biết bao nhiêu cuộc đổi thay, bao nhiêu lần bãi bể hoá thành nương dâu. Đa số mọi người đều bị cuốn vào dòng chảy của cuộc đời, mãi chạy theo sự xoay vần của ngoại cảnh, bị ngoại cảnh chi phối. Chúng làm hoa cả mắt, loạn cả tâm, đến nỗi quên mất chính mình. Trong cuộc đời có mấy ai làm chủ được bản thân, nhìn vào sự biến chuyển đang diễn ra trên tấm thân của mình trong từng phút, từng giây.


Cho nên Ngài đã đánh thức: “Lão tùng đầu thượng lai”– Trên đầu già đền rồi. Hãy nhìn lại trên đầu của mình, tóc đã điểm bạc, tuổi già đã đến rồi đó, phải chấm dứt ngay những cuộc rong ruổi theo cảnh phù du bên ngoài, trở về lo cho tự thân của mình, nuôi dưỡng thân tâm của mình bằng chất liệu từ bi và công phu tu tập thiền định, rèn luyện cho mình một nếp sống đạo đức, thấm đượm tình người.


Không nên đợi đến tuổi già mới học đạo, mới tu dưỡng tâm tánh, bởi lúc về già thì thân thể suy nhược, tinh thần sút kém, trí óc không còn như lúc mạnh khoẻ trước đây nữa. Và “không thể có một tinh thần mạnh mẽ trong một thân thể suy nhược”. Lúc về già, dù có cố gắng đến bao nhiêu thì cũng khó lòng đạt được mục đích, vì đến lúc đó thì “lực bất tòng tâm”. Hơn nữa, cổ đức cũng đã từng dạy rằng:


“Mạc đãi lão lai phương học đạo

Cô phần đa thị thiếu niên thân”.

(Chớ đợi tuổi già mới học đạo

Mồ hoang lắm kẻ tuổi thanh xuân).


Thế nên, với tâm từ bi vô lượng, Ngài Mãn Giác đã hiến dâng trọn đời mình cho hạnh phúc, an lạc của chúng sanh. Ngay những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, Ngài vẫn tha thiết khuyên bảo, khích lệ mọi người dũng mãnh, tinh tiến trên con đường tìm về bến giác, trở về quê hương tươi đẹp ngàn đời. Bốn câu đầu của bài kệ, Ngài diễn tả theo phương diện tục đế, Ngài vận dụng ngôn ngữ và ý niệm của đời thường nên tương đối dễ hiểu, dễ cảm thụ và ai cũng có thể chấp nhận được, nhưng đến câu:


“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.

(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai).


Thì rất nhiều người cảm thấy sửng sốt, bỡ ngỡ. Sửng sốt và bỡ ngỡ cũng phải, tại vì họ đang tiếp cận với một quan điểm rất khác thường: Mùa xuân đã qua mà vẫn còn hoa mai nở. Với sự nhận thức bình thường thì không thể nào chấp nhận và không thể nào hiểu được thâm ý của hai câu kệ trên. Nhưng với những người hiểu đạo, biết chút ít về đạo Phật, về ngôn ngữ nhà thiền thì khi đọc qua hai câu kệ trên, họ cảm nhận được phần nào ý nghĩa của nó.


Ở đây, Thiền sư đã dùng ngôn ngữ để chuyển tải một vấn đề vượt ra ngoài phạm trù ngôn ngữ và ý niệm, đấy là trạng thái, là cảnh giới của những người đã giác ngộ, đã nếm được hương vị giải thoát và đang sống trong sự tràn ngập niềm hạnh phúc vô biên, là sự vĩnh hằng bất diệt, vượt ra ngoài ý niệm về thời gian và không gian. Ngài Mãn Giác đang sống trong trạng thái ấy nên đối với Ngài, lúc nào cũng cảm thấy “mùa xuân” đang hiện hữu, lúc nào cũng thấy “nhất chi mai” ở trước sân.


Cành mai trong văn cảnh này không còn là cành mai “bằng xương bằng thịt” nữa mà đã là cành mai tinh thần. Đây là trạng thái chung của những người đã chứng ngộ, là một sự thật, nhưng chỉ những ai đã vào được cảnh giới đó mới cảm nhận một cách tinh tường về sự thật vi diệu này. Hai câu kệ ấy còn cho mọi người nhận ra được trong muôn vạn sự đổi thay, dịch chuyển của vạn hữu còn có cái không bị chi phối bởi qui luật thành – trụ – hoại – không, trong sự vô thường vẫn có cái thường hằng, bất biến, đấy là “bản lai diện mục” trong mỗi chúng sanh.


Qua hai câu kệ cuối cùng trong bài kệ “Cáo Tật Thị Chúng”, thiền sư Mãn Giác còn khuyên bảo chúng đệ tử và tất cả mọi người rằng: Đừng lo sợ trước cảnh “hoa tàn lá rụng”, chỉ sợ là tự thân mỗi người chưa đủ sức tỉnh giác để kiểm soát thân, tâm của mình mà thôi. Hãy sống làm sao để mọi cử chỉ, hành động, lời nói của mình đều có thể đem lại hạnh phúc, an vui cho người khác, sống làm sao để mỗi bước đi là một bước tiến gần đến bến bờ giải thoát. Hãy tinh tấn lên, mọi người đều sẽ có ngày sống với mùa xuân trường cửu của cõi lòng.


Điểm lại toàn bộ lời thi kệ, chúng ta thấy rằng, đây là sự đúc kết những tinh hoa của đạo giải thoát, là quá trình thực tu thực chứng của thiền sư Mãn Giác. Tuy Ngài chưa đạt được sự giác ngộ viên mãn như chư Phật, nhưng Ngài đã bước những bước chân thần kỳ, đã đạt được trạng thái tâm linh ít người đạt được. Bài kệ của Ngài khiến cho nhiều người phải ưu tư, muốn giải tỏa nỗi ưu tư này thì không còn con đường nào khác hơn là sự thể nghiệm của tự thân.


Vì thế mà bài kệ của Ngài trở thành ngọn đuốc soi đường cho mọi người trở về với nếp sống chân thiện mỹ, trở về với chân lý của lẽ sống ngàn đời. Bài kệ còn thúc đẩy mọi người đi tìm hạnh phúc chân thường cho cuộc sống. Có thể khẳng định rằng, thiền sư Mãn Giác, cũng như bài thi kệ của Ngài sẽ sống mãi, tồn tại mãi trong lòng những con người yêu chân lý và đi tìm chân lý.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0