Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" số 5 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" của Mãn Giác Thiền Sư
Văn học thời Lí- Trần, bên cạnh sự phong phú của những tác phẩm viết về hào khí Đông A, về tình yêu nước và tinh thân dân tộc của các vị tướng và đấng minh quân mà còn có một mảng thơ của những vị thiền sư chiêm nghiệm về con người và cuộc đời. Có thể kể đến nhà thơ- nhà thiền sư Mãn ...
Văn học thời Lí- Trần, bên cạnh sự phong phú của những tác phẩm viết về hào khí Đông A, về tình yêu nước và tinh thân dân tộc của các vị tướng và đấng minh quân mà còn có một mảng thơ của những vị thiền sư chiêm nghiệm về con người và cuộc đời. Có thể kể đến nhà thơ- nhà thiền sư Mãn Giác với bài thơ nổi tiếng: “Cáo tật thị chúng” (Cáo bệnh, bảo mọi người). Nguyên văn chữ Hán của bài thơ:
“Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
Những năm 1009- 1225, vào thời Lí, nước ta là một nước phát triển, phồn thịnh. Cuộc sống nhân dân đủ đầy, no ấm. Đạo Phật trở thành quốc giáo, những nhà sư đều có một vị trí trong xã hội và triều đình. Họ đều là những con người đức trọng, tài cao, giỏi thơ văn, tên tuổi sáng ngời sử sách. Mãn Giác Thiền sư là một trong những vị thiền sư thế. Bài “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người) được ông viết trước lúc qua đời.
Tác phẩm viết theo thể kệ- do các nhà sư làm để tóm tắt giáo lí đạo Phật hoặc tuyên truyền những điều tâm đắc. Vì thế, những bài kệ thường hàm chứa triết lí đạo Phật cao sâu. Nhưng ở đây, “Cáo tật thị chúng” lại cho chúng ta cảm giác tươi mát, đầy thi vị. Hai câu đầu đã diễn tả quy luật tự nhiên của cuộc sống:
“Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.”
(Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa nở.)
Hai câu đầu nói lên sự tuần hoàn của 4 mùa, tuần hoàn luân hồi của tạo hóa. Từ “xuân, hoa” được lặp lại diễn tả quy luật phổ biến: mỗi độ xuân về, trăm hoa nở (bách hoa khai) đua sắc khoe hương. Hình ảnh “bách hoa khai “ (trăm hoa cười) tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ đang nảy nở. Khi mùa xuân trôi qua, “bách hoa lạc” (trăm hoa rụng) theo quy luật của tự nhiên.
Hai câu thơ tám chữ mà chứa đựng màu sắc triết lí, khái quát quy có tính muôn thuở của thiên nhiên cũng như cuộc đời: thiên địa tuần hoàn, hay như cách nói của nhà Phật: cuộc đời này vô thường, con người ta sống trong kiếp luân hồi. Nhưng cái hay của Mãn Giác còn là cách nói: xuân đi rồi xuân lại đến, hoa tàn rồi một ngày hoa lại nở. Cuộc sống luôn hướng về phía tươi đẹp và sự sống là bất diệt, luôn tươi ròng sự sống. Từ chuyện thiên nhiên tạo hóa, hai câu tiếp theo, Mãn Giác nói về chuyện người, chuyện đời:
“Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.”
(Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi)
Cuộc sống thiên biến vạn hóa, chuyện mới đây thôi đã trở thành quá khứ, như “trước mắt, việc đi mãi”. Cũng như vậy, con người cũng không nằm ngoài quy luật ấy, cũng phải trải qua “sinh, lão, bệnh, tử”. Nhưng khác với thiên nhiên còn tuần hoàn, kiếp sống con người không luân hồi mà theo thời gian, sẽ đi về phía hủy diệt. Thủ pháp đối lập: hoa tươi, hoa nở- trên đầu già đến rồi đã thể hiện ý thức của Mãn Giác về sự hữu hạn của đời người trước sự vô thủy vô chung của thời gian.
Câu thơ nói về sự hữu hạn đời người, về cái quy luật “bệnh, tử” mà cứ nhẹ tênh. Người thiền sư ấy đứng trước cái chết, đón nhận nó như một quy luật tất yếu, một cách nhẹ nhàng và chủ động. Đó chính là tâm thế của những con người hiểu thấu sự đời. Để rồi, khi hai câu thơ cuối bật ra, chính là niềm tin, sự lạc quan của con người:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước, một cành mai).
Thiên địa tuần hoàn, đời người ngắn ngủi:
“Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”
Nhưng không phải vì thế mà con người bi quan: Hai tiếng "mạc vị ” (đừng tưởng) như một lời nhắc nhẹ nhàng mà thấm thía. Bài kệ kết cấu theo kiểu liên hoàn, sử dụng thủ pháp tương phản: mở đầu bằng “hoa rụng hết ” nhưng kết thúc lại có “một cành mai ” nở ra. “Nhất chi mai ” (một cành mai) là một thi liệu thường được sử dụng trong thơ cổ. Đó là biểu tượng của tinh thần kiên trinh không đổi, không hùa theo thói đời. Khác với các loài hoa khác, hoa mai chống chọi và thích nghi được trong thời tiết khắc nghiệt.
Ở đây, nhành mai buổi xuân tàn là một hoán dụ nghệ thuật. Lấy hoa để nói mình, thấy mình ở trong hoa: cuộc đời là vô thường nhưng con người vẫn có thể khắc phục đi lên như nhành mai vẫn nở bất chấp quy luật của tự nhiên, để là một bông hoa duy nhất, rực rỡ và đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Câu thơ tràn đầy niềm tin, niềm lạc quan của một thái độ bình thản, một nhân cách cao đẹp đứng trước những quy luật vạn vật. Bài kệ được khép lại bằng hai câu tuyệt cú mà xưa nay được truyền tụng như một vần thơ đẹp trong bài cổ thi.
Bài kệ “Cáo tật thị chúng ” không chỉ là những chiêm nghiệm của một con người tiến gần tới cõi hạn nhìn về cuộc sống và đời người mà còn là một cái nhìn lạc quan, là thái độ vươn lên sống có ích. Đó mới thấy được một cốt cách và tâm hồn của vị Thiền sư đức trọng tài cao. Câu thơ thấm nhuần tư tưởng Phật giáo mà không hề khô khan, triết lí cao siêu được trang phục bằng ngôn từ giản dị mà chính xác, giàu hình tượng và cảm xúc làm thu phục lòng người.
Bài kệ đã đi được hành trình gần một thiên niên kỉ, gần một ngàn mùa hoa tàn, xuân đến nhưng vẫn còn nguyên giá trị và tính triết lí của nó. “Cáo tật thị chúng”- bài cổ thi còn khai minh cho người đọc nhiều thế hệ nữa.