Bài soạn "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" số 5 - 6 Bài soạn "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm lớp 9 hay nhất
I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong một gia đình trí thức cách mạng. Ông thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Sáng tác của ông chủ yếu là ...
I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong một gia đình trí thức cách mạng. Ông thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Sáng tác của ông chủ yếu là thơ. Ông từng giữ chức Tổng thư kí Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 2000, ông là uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương.
2. Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971, khi đang công tác ở chiến khu miền tây Thừa Thiên.
3. Bằng ngòi bút tinh tế, nhạy cảm và tấm lòng trân trọng, tác giả ca ngợi người mẹ dân tộc Tà-ôi, yêu con, thương làng, thương bộ đội, yêu nước đã làm những công việc phục vụ cho cuộc kháng chiến.
II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
Câu 1. Bài thơ có ba khúc, mỗi khúc có hai khổ thơ đều mở đầu bằng lời ru của tác giả, kết thúc bằng lời ru của mẹ. Cách lặp đi lặp lại như thế, cách ngắt nhịp tạo nên sự dìu dặt, vấn vương của lời ru. Tuy vậy, mỗi khúc hát có sự lặp lại nhưng cũng có sự phát triển. Tác giả ru em, mẹ em ru em, hai lời ru quấn quýt, thể hiện tình cảm của người mẹ, của mọi người đối với em, thể hiện lòng mong ước cho em lớn khôn, khoẻ mạnh, thành công dân tự do của nước nhà độc lập, thống nhất.
Câu 2. Người mẹ Tà-ôi ru con ngủ, nhưng đồng thời mẹ làm công việc của kháng chiến, của cách mạng. Mẹ ru con trong khi mẹ giã gạo nuôi bộ đội. Mẹ ru con trong khi mẹ tỉa bắp. Mẹ ru con trong khi mẹ chuyển lán, đạp rừng, trực tiếp chống giặc Mĩ. Tình thương con luôn gắn liền với tình thương bộ đội, dân làng và tình yêu nước. Chính điều đó đã làm nên nét vĩ đại của người mẹ Tà-ôi, người mẹ Việt Nam.
Câu 3. Hai câu thơ có ý so sánh hai mặt trời. Mặt trời của bắp là mặt trời tự nhiên. Còn em cu Tai là mặt trời của mẹ. Mặt trời tự nhiên đem ánh sáng, sức sống đến cho cây cỏ. Em cu Tai là mặt trời của mẹ, em cũng đem cho mẹ ánh sáng, hi vọng và niềm tin. Mặt trời của tự nhiên, của bắp thì trên cao và xa. Còn em cu Tai, mặt trời của mẹ thì gần gũi, ngay trên lưng mẹ. Tình cảm của mẹ đối với con là vô bờ. Mẹ mang mặt trời bé con trên lưng và làm tất cả để cho mặt trời đó mãi mãi rạng rỡ.
Câu 4. Mẹ vừa ru em cu Tai vừa làm các công việc của kháng chiến. Tình cảm thương con gắn liền với tình thương bộ đội, thương dân làng. Mẹ giã gạo nên mong cho con ngủ ngoan và mơ cho mẹ những hạt gạo trắng ngần. Mẹ tỉa bắp nên mong cho con mơ cho hạt bắp lên đều và phát mười Ka-lưi. Mẹ đang đạp rừng, chuyển lán nên mong cho con ngủ ngoan và mơ đất nước được thống nhất, con trở thành người Tự do. Ước mơ của mẹ trở thành lời ru thầm mong cho con ngủ và để con mơ. Tất cả hi vọng, mong ước, mẹ đều dành cho con, mong cho con mơ giấc mơ đẹp. Tình cảm và khát vọng của người mẹ ngày càng lớn rộng, ngày càng đi từ riêng đến chung, đi từ quê hương tới đất nước.
Câu 5. Tình yêu thương con của người mẹ gắn với tình yêu bộ đội, yêu làng, yêu đất nước. Giấc mơ mẹ gửi vào con là có gạo cho bộ đội ăn, có rẫy trồng nhiều bắp cho làng no, đất nước được thống nhất, mẹ được gặp Bác Hồ. Tình cảm của người mẹ Tà-ôi cũng chính là tình cảm, khát vọng của nhân dân : yêu quê hương đất nước, chiến đấu kiên cường giành độc lập, tự do, thống nhất nước nhà.
III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Bài thơ trữ tình có những yếu tố tự sự. Những yếu tố tự sự đó cho thấy cuộc kháng chiến chống Mĩ gian khổ ở chiến khu Trị - Thiên. Người mẹ Tà-ôi vai gầy vừa địu con, vừa giã gạo; vừa địu con vừa trỉa bắp trên núi, phát rẫy, chuyển lán, đạp rừng. Những công việc vất vả đó lại phải làm trong tình hình làng đói, trong thực trạng “Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn”. Những yếu tố tự sự đó đã phản ánh cuộc sống gian nan, vất vả của người dân ; đồng thời thể hiện quyết tâm thắng giặc để giành cuộc sống Tự do.