18/06/2018, 15:34

Bài ca về đạo quân Igor

“BÀI CA VỀ ĐẠO QUÂN IGOR” – ÁNG SỬ THI CỦA VĂN HỌC NGA CỔ tranh minh họa của Ivan Bilibin Khi La Mã sụp đổ, các bộ tộc người Slav sống trên lãnh thổ nước Nga hiện nay vẫn còn đang trong thời kỳ tiền sử, hình thức tổ chức còn rất lỏng lẻo, đơn giản. Dân tộc Nga chỉ ...

“BÀI CA VỀ ĐẠO QUÂN IGOR” – ÁNG SỬ THI CỦA VĂN HỌC NGA CỔ

Biliwar

tranh minh họa của Ivan Bilibin

Khi La Mã sụp đổ, các bộ tộc người Slav sống trên lãnh thổ nước Nga hiện nay vẫn còn đang trong thời kỳ tiền sử, hình thức tổ chức còn rất lỏng lẻo, đơn giản. Dân tộc Nga chỉ được xác lập một cách khá chắc chắn, rõ rệt vào bốn thế kỷ sau. Chỉ dẫn đầu tiên về sự hình thành nhà nước của những người Đông Slav[1] ở hai thành phố Novgorod và Kiev được ghi nhận là vào thế kỷ IX, năm 862[2], mà theo truyền thuyết, một người tên Rurik đã trở thành quốc vương Novgorod. Từ đó xuất hiện các từ “Rus”, “russkaya zemlya” (Nga, đất Nga) trong các sách sử. Vào thế kỷ X, quốc vương Svyatoslav đã chinh phục và xây dựng một quốc gia rộng lớn kéo dài từ sông Volga đến sông Dniepr và Danube, từ Kiev đến Novgorod. Tuy về mặt chính trị và quân sự hùng mạnh, nhưng về mặt văn hóa, nước Nga lúc này vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. Chỉ sau khi quốc vương Vladimir tiếp nhận Thiên Chúa giáo vào năm 988, chữ viết mới xuất hiện ở Nga cùng với việc phổ biến kinh sách nhà thờ.

Mốc khởi đầu của văn học Nga được cho là ở nửa đầu thế kỷ XI, khoảng 50 năm sau khi Nga trở thành quốc gia Thiên Chúa giáo. Vào thời đó, Kiev giữ vai trò tiên phong về chính trị trên các vùng đất mà người Đông Slav sinh sống, là cái nôi của văn học Nga. Dưới sự cai trị của các quốc vương và giới tu sĩ, văn học và nghệ thuật Nga, vốn có mối quan hệ gần gũi với phương Tây, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh Byzantium, nhưng đồng thời cũng mang tính dân tộc đặc thù, trở thành một khu vực văn hóa quan trọng của châu Âu vào các thế kỷ XI và XII. Ngôn ngữ của nền văn học này một phần là tiếng Slav Cổ của Nhà thờ – một đặc ngữ mang tính sách vở (văn ngôn) do hai nhà truyền giáo người Hy Lạp là Cyril và Methodius[3] từ thể kỷ VIII đã tạo nên khi họ dịch các kinh sách nhà thờ sang các phương ngữ của người Nam Slav ở vùng Macedonia. Tuy về phong cách, thứ đặc ngữ mang tính tôn giáo đó đậm chất Hy Lạp-Byzantium, nhưng về từ vựng và ngữ pháp lại hoàn toàn là tiếng Slav, do đó dễ dàng được người Slav tiếp nhận. Trên mảnh đất Nga, nó nhanh chóng hòa nhập với ngôn ngữ nói thông tục, tạo thành một thứ ngôn ngữ mang tính tổng hợp – là ngôn ngữ của văn học Nga cổ, phương tiện cơ bản của văn học Nga trong suốt thời trung đại (đến thế kỷ XVII).

Những thành tựu văn hóa của thời đại Kiev được tạo nên trên nền tảng cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của dân tộc Nga còn non trẻ để sinh tồn. Năm 1054, quốc vương Kiev Yaroslav (con của Vladimir) qua đời, dẫn đến cuộc tranh chấp ngai vàng giữa các con trai ông. Đó cũng là năm Chính thống giáo tách khỏi giáo hội La Mã, và nước Nga nằm trong mối quan hệ phức tạp với cuộc ly khai này. Mối thù địch thường xuyên giữa các quốc vương và xu hướng ly khai đã đe dọa sự thống nhất của vương quốc Kiev. Cuộc khủng hoảng chính trị trong nước càng trở nên trầm trọng bởi sự can thiệp của ngoại bang: cuối thế kỷ XI và thế kỷ XII, người Nga buộc phải tiến hành những cuộc chiến tranh liên tục ở biên giới chống lại người Polovtsy[4] ngoại giáo và du mục từ châu Á thường tấn công vùng bình nguyên bên sông Dniepr – điều này trở thành nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ của nước Nga Kiev. Các nhà văn Nga của thế kỷ XII nhận thức rõ tính cấp thiết của cuộc chiến này. Để đáp lại hai thách thức lớn – sự bất hòa, tan rã nội bộ đất nước và nguy cơ xâm lược của ngoại bang – trong các tác phẩm của họ một mặt nổi bật quan điểm cho rằng chỉ có tập hợp sức lực để bảo vệ Kiev thì người Nga mới có thể bảo tồn những di sản chung của dân tộc, mặt khác bộc lộ niềm tin rằng cuộc đời là một cuộc đấu tranh anh hùng trong đó con người có thể đạt được danh vọng bằng cách thể hiện lòng dũng cảm và sự táo bạo của mình. Hai chủ đề đoàn kết và anh hùng đã thống nhất lại trong tác phẩm vĩ đại nhất của văn học trung đại Nga: thiên sử thi “Bài ca về đạo quân Igor”.

Vào năm 1795, một nhà sưu tập các văn bản Nga cổ nổi tiếng là bá tước A.I.Musin-Pushkin đã phát hiện trong số văn bản mua được từ thư viện của tu viện Spaso-Preobrazhensky thuộc tỉnh Yaroslav một bản chép tay thế kỷ XVI ghi lại tác phẩm được xem là sáng tác vào thế kỷ XII. Hai năm sau, trên tờ tạp chí “Spectateur du Nord” (Khán giả phương Bắc) ở Hamburg có một thông tin do một tác giả từ Nga[5] đưa ra: “Hai năm trước, trong các kho lưu trữ của chúng tôi người ta phát hiện ra một đoạn trường ca có tên “Bài ca về những chiến binh của Igor”, nó có thể sánh ngang với các trường ca hay nhất của Ossian (một ca sĩ huyền thoại Celtic thế kỷ III)”. Tác phẩm được xuất bản vào năm 1800 với nhan đề “Anh hùng ca về cuộc viễn chinh chống quân Polovtsy của Igor Svyatoslavich quốc vương xứ Novgorod-Severski[6] ”[7]. Có 1200 bản được in ra, nhưng đa phần chúng, cùng với bản gốc duy nhất mà Musin-Pushkin tìm được đã bị thiêu hủy trong đám cháy ở Moskva thời gian thành phố bị quân đội Napoléon chiếm đóng năm 1812. Ngoài số ít những bản in năm 1800 còn giữ lại được, vào năm 1864, người ta còn tìm được một bản nữa, nhưng đó cũng chỉ là bản sao chép lại bản của Musin-Pushkin để dâng lên nữ hoàng Ekaterina II năm 1795. Bởi không còn bản gốc, mà chỉ có bản sao và bản in đầu thế kỷ XIX với trình độ nghiên cứu, phân tích văn bản còn ở mức rất thấp, nên nhiều đoạn trong tác phẩm “Bài ca” cho đến nay vẫn còn là những bí ẩn chưa thể giải đáp đối với các nhà nghiên cứu.

Ngoài ra, sự độc đáo về thể loại và phong cách của tác phẩm này cũng khiến một số học giả nghi ngờ tính xác thực của nó, cho rằng “Bài ca” chỉ là một bản làm giả của thế kỷ XVIII. Tuy nhiên những chứng cứ xác thực cũng được đưa ra, nhất là trên phương diện ngôn ngữ: ngôn ngữ của “Bài ca” là ngôn ngữ Nga cổ thuần túy; trong tác phẩm còn có những từ gốc Thổ mà các học giả thế kỷ XVIII có thể chưa biết đến. Vào cuối thế kỷ XX, những phát hiện các văn bản cổ ở vùng Novgorod cho thấy một số tương đồng giữa lời nói thông tục thế kỷ XII với ngôn từ trong “Bài ca”.

“Bài ca” là một tác phẩm có nhiều yếu tố tương đồng với các tác phẩm văn học Nga cổ: nhân vật Igor quốc vương xứ Bắc Novgorod và cuộc hành binh của ông được nói đến trong các sử ký, chủ đề về sự chia rẽ giữa các quốc vương Nga và nguy cơ đất nước bị ngoại bang, nhất là các bộ lạc du mục, xâm lược, cuộc đấu tranh anh hùng để bảo vệ “đất Nga” (russkaya zemlya)… là chủ đề chung của nhiều tác phẩm văn học Nga thời trung đại. Trên phương diện ngôn ngữ, cú pháp và nhịp điệu trong “Bài ca” gần với những bài thuyết giảng nhà thờ, đặc biệt là những thuyết giảng (pouchenie) của cha Kirillo giám mục vùng Turov (1130 – 1182) (vì lý do này mà có giả thuyết cho rằng Kirillo là tác giả của “Bài ca”, nhưng đa số các học giả bác bỏ điều này). Một số thành ngữ, sáo ngữ của “Bài ca” có thể tìm thấy những tương đồng trong các sử ký.

Tuy nhiên, “Bài ca” lại cũng hết sức độc đáo, mà cái độc đáo nhất là các yếu tố thần thoại thời kỳ đa thần giáo lan tỏa khắp tác phẩm. Mặt trời, bóng đêm, muông thú, quỷ Div… – những thần linh thiện, ác của thời kỳ đa thần đi theo từng bước chân của đạo quân Igor. Khi Igor bị bắt, nàng Yaroslavna vợ chàng đã cầu nguyện ba vị thần của tự nhiên: sông, gió, mặt trời, và các thần đã giúp Igor chạy thoát. Sự hiện diện của các yếu tố đa thần giáo nhiều đến nỗi người ta gần như tin chắc tác giả của “Bài ca” không thể thuộc giới tu sĩ (lực lượng sáng tác chủ yếu của văn học Nga cổ).

“Bài ca” chắc chắn liên quan với truyền thống thơ ca truyền khẩu[8]. Các phép đối, lối so sánh phủ định (“Boyan chẳng thả mười chim ưng bay theo đàn thiên nga, mà đặt những ngón tay kỳ ảo của ông lên những sợi dây đàn sống động”, “Không phải cơn bão cuốn phăng chim ưng qua đồng rộng, mà là bầy quạ đen đang lao tới sông Don hùng vĩ”…[9]), những tính ngữ mang tính công thức, những hình tượng tự nhiên mang tính ẩn dụ (chẳng hạn có khoảng hơn hai mươi loài chim, thú xuất hiện trong tác phẩm và chúng đều mang nghĩa bóng), sự nhân cách hóa (ví dụ dòng sông Donets trò chuyện với Igor khi chàng bơi qua sông trên đường chạy trốn), và rất nhiều những láy âm, điệp từ, điệp ngữ… – tất cả đều rất tiêu biểu cho các sử thi anh hùng byliny. Kết cấu đầy nhạc tính với những dấu hiệu của việc chia thành khổ khiến người ta tin rằng tác phẩm được sáng tác hướng tới việc trình diễn, việc đọc lên thành lời. Bản thân tác giả cũng mô tả tác phẩm như một “bài ca”.

Tuy nhiên đây cũng rõ ràng là tác phẩm được viết ra, là tác phẩm thành văn: tính hàm súc trong phong cách, sự phong phú và phức tạp của các hình ảnh, sự tinh tế của các biểu tượng – tất cả những cái đó chắc hẳn không phù hợp với việc sáng tác ứng khẩu. Ngoài ra tác giả dường như là người am hiểu truyền thống truyền khẩu và cố ý tìm kiếm cảm hứng trong đó: hình tượng người ca sĩ mù thế kỷ XI Boyan, “con chim họa mi của thời xa xưa” mà tác giả hết sức trân trọng, có lẽ bắt nguồn từ giai đoạn tiền-văn học; nhắc đến nghệ thuật “huyền ảo” của Boyan dường như là sự trở về với thời đại tiền sử trong đó lý tưởng về con người toàn vẹn vẫn còn chưa hoàn toàn thoát khỏi thế giới siêu nhiên.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh “Bài ca” với các tác phẩm sử thi của các dân tộc châu Âu. Chẳng hạn về chủ đề tư tưởng, “Bài ca” có nhiều điểm tương đồng với “Bài ca Roland” của Pháp: đều nói về cuộc đấu tranh của những người Thiên Chúa giáo chống lại những đội quân “tà giáo” của các dân tộc đa thần, vì danh dự của tổ quốc, nhưng đều bị thất bại. Thiên nhiên trong cả hai tác phẩm đều tham dự sinh động vào bi kịch quân sự cũng như bi kịch dân tộc. Tính cách các nhân vật đều được khắc họa thông qua các hình dung từ mang tính ước lệ, tượng trưng. Có thể nói, một mặt “Bài ca” không tách khỏi truyền thống sử thi Nga, nhưng cũng đồng thời chịu ảnh hưởng của sử thi Tây Âu và vùng Balkan – những vùng mà nước Nga cổ có mối quan hệ mật thiết.

Dù thế, “Bài ca về đạo quân Igor” vẫn là một tác phẩm hết sức đặc biệt, không giống sử thi dân gian Nga, cũng không giống sử thi châu Âu.

Cũng như các sử thi, trong “Bài ca” là một “câu chuyện”, có thể được kể tóm lược như sau: Quốc vương của xứ Bắc Novgorod là Igor cùng em trai mình là Vsevolod chuẩn bị một cuộc hành binh đi đánh quân Polovtsy – một bộ lạc du mục châu Á gốc Thổ thường xuyên có giao tranh với người Nga ở những vùng phía nam. Trước khi xuất quân, mặt trời bỗng bị mây đen che phủ, nhưng bất chấp điềm báo không lành, đạo quân của Igor vẫn lên đường. Trận đánh diễn ra bên dòng sông Don, ngày đầu tiên chiến thắng thuộc về người Nga, nhưng sang ngày thứ hai quân của Igor bị bao vây. Những chiến binh Nga chiến đấu rất dũng cảm, nhưng cuối cùng bị đánh tan. Igor cùng con trai bị bắt làm tù binh. Trong khi đó, quốc vương Kiev Svyatoslav đêm nằm mơ một giấc mơ lạ, sáng ra đem kể với các quan thì biết tin về thất bại của anh em Igor, bèn vừa khóc thương vừa trách móc thói hiếu danh của họ. Bên thành Putivl quê hương Igor, vợ chàng là Yaroslavna khóc cầu khấn các thần sông, gió, mặt trời giúp đỡ chồng tai qua nạn khỏi. Igor sau đó, với sự giúp đỡ của một người bạn là Ovlur, đã thoát khỏi tay quân Polovtsy, vượt sông Donets chạy được về đến đất Nga.

Cấu trúc của “Bài ca” hết sức phức tạp. Dòng tự sự – câu chuyện về chiến dịch của Igor chống lại quân Polovtsy năm 1185 và thất bại của nó, việc Igor bị bắt rồi trốn thoát – nhiều lần bị ngắt quãng bởi những đoạn ngoại đề lịch sử, những lời nguyện cầu đầy chất trữ tình, những lời ca tụng, những khúc ai ca. Tất cả tập hợp lại xung quanh hai chủ đề cơ bản như những tiêu điểm của tác phẩm: một là tự sự và anh hùng; hai là giáo huấn và tuyên truyền công khai. Lòng dũng cảm của Igor cùng đồng đội, sự quả cảm của họ trên chiến trường, sự hiên ngang đầy cảm phục nhưng cũng đầy bi thương của họ khi thất bại… tất cả đều nhằm đề cao chất anh hùng và gây xúc động nơi người nghe – rất đúng theo truyền thống của sử thi anh hùng. Nhưng Igor cũng không hẳn là một nhân vật anh hùng đúng nghĩa. Từ quan điểm dân tộc, thất bại của người Nga là một thảm họa, và bản thân Igor đã sai lầm nghiêm trọng: chiến dịch của chàng là một cuộc phiêu lưu liều lĩnh, được tiến hành chỉ nhằm vinh danh cá nhân mà không có sự cho phép của người đứng đầu là quốc vương Kiev. Những lời khiển trách của quốc vương Kiev đã nhấn mạnh điều này và minh họa cho chủ đề khác của tác giả: thắng lợi của những kẻ ngoại đạo trước những người Thiên Chúa giáo là kết quả trực tiếp của sự thiếu đoàn kết giữa các quốc vương Nga. Tác giả hướng tới các quốc vương Nga bằng những ngôn từ đầy cảm xúc, kêu gọi sự thống nhất đoàn kết để bảo vệ Kiev, bảo vệ đất Nga. Hai chủ đề này, anh hùng và yêu nước, cân bằng với nhau, đồng thời hòa nhập vào nhau một cách khéo léo đầy nghệ thuật. “Bài ca” phản ánh những thập niên cuối cùng của nước Nga Kiev trước cuộc xâm lược của Mông Cổ, phản ánh cuộc đấu tranh sinh tồn của nước Nga trong thời đại của tinh thần hiệp sĩ và của những thảm họa tai ương, của chủ nghĩa anh hùng và những hành động điên rồ, của những tranh chấp nội bộ và sự xâm lăng của những kẻ “dã man”.

Khi dịch ra tiếng nước ngoài, chẳng hạn như tiếng Anh, từ xác định thể loại ở trên nhan đề tác phẩm (“slovo”) có khi được dịch thành “truyện” (tale), có khi được dịch thành “bài ca” (lay). Chúng tôi khi dịch tác phẩm sang tiếng Việt cũng chọn dịch là “Bài ca”. Trong tiếng Nga cổ, “slovo” (sát nghĩa là “từ”) dùng để chỉ tác phẩm văn học hùng biện, thuyết giảng một chủ đề cụ thể nào đó. Tuy nhiên, có thể thấy, tính chất tự sự (truyện) cũng như tính chất thuyết giảng, hùng biện chỉ đóng vai trò thứ yếu so với tính chất trữ tình. Cái chủ yếu trong tác phẩm là sự than khóc cho số phận nước Nga, cho máu những người Nga đổ xuống nơi chiến trường, sự trách móc các quốc vương Nga lao đầu vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn để đất nước rơi vào nguy cơ bị xâm lược. Tác phẩm tiên báo tai họa giáng xuống nước Nga: 50 năm sau thất bại của Igor, nước Nga bị rơi vào tay người Mông Cổ và mất quyền tự chủ trong hơn hai trăm năm.

Trích tác phẩm: BÀI CA VỀ ĐẠO QUÂN IGOR, IGOR CON CỦA SVYATOSLAV, CHÁU CỦA OLEG

Chẳng đến lúc rồi sao, hỡi những người anh em, nếu chúng ta bắt đầu những câu chuyện buồn về đạo quân của Igor con trai Svyatoslav theo kiểu những bài ca cổ xưa? Hãy để cho bài ca này bắt đầu như những tráng sĩ ca thời nay, mà không theo ý tưởng của Boyan. Bởi Boyan phù thủy, nếu như muốn làm bài ca cho ai, ông sẽ bay theo ý tưởng lên tận cây cao, như sói xám chạy trên mặt đất, như đại bàng xám biếc bay dưới tầng mây. Bởi ông sẽ nhắc lại những chinh chiến ngày xưa như ông từng nói. Rồi ông sẽ thả mười chim ưng bay theo đàn thiên nga: con nào bay tới trước sẽ cất tiếng hát đầu tiên, hát về Yaroslav già nua, về Mstislav quả cảm đã chém Rededya trước đạo quân Kasozhsky, về chàng Roman xinh đẹp con trai Svyatoslav. Nhưng hỡi các anh em, Boyan chẳng thả mười chim ưng bay theo đàn thiên nga, mà đặt những ngón tay kỳ ảo của ông lên những sợi dây đàn sống động; chúng tự mình sẽ hát lên ca ngợi vinh quang của các quốc vương.

Vậy các anh em, hãy bắt đầu bài ca này từ Vladimir ngày xưa cho đến Igor ngày nay, người đã củng cố trí óc bằng chí kiên cường và mài sắc con tim bằng lòng quả cảm; người tràn đầy tinh thần chiến đấu đã dẫn đoàn quân anh dũng của mình đến đất Polovtsy để bảo vệ đất Nga.

Khi đó Igor nhìn lên mặt trời tươi sáng và trông thấy đạo quân của mình bị che phủ bởi bóng đen. Và Igor nói với quân lính của mình: “Hỡi anh em chiến hữu! Ta thà bị phanh thây còn hơn bị bắt làm tù binh; nào các anh em ta hãy trèo lên lưng ngựa để có thể trông thấy dòng sông Don biếc xanh”. Trí óc của quốc vương Igor nhường chỗ cho khát vọng, và ước muốn nhìn dòng sông Don vĩ đại đã che khuất mất điềm triệu trước chàng. “Ta muốn cùng anh em, những người Nga, bẻ ngọn giáo trên cánh đồng của bọn Polovtsy, hoặc phải rơi đầu hoặc lấy mũ giáp múc nước uống cạn sông Don”.

Ôi Boyan con chim họa mi của thời xa xưa! Nếu như người hát ngợi ca những đạo quân này, như chim họa mi chuyền cành trên cây trí tuệ, bay nhảy trong tâm trí dưới những tầng mây, kết vinh quang của hai thời đại, chạy đua theo con đường của người Troyan xưa, qua những cánh đồng lên những đỉnh núi cao, người sẽ hát bài ca như thế về đạo quân của Igor nòi giống Troyan: “Không phải cơn bão cuốn phăng chim ưng qua đồng rộng, mà là bầy quạ đen đang lao tới sông Don hùng vĩ”. Hay người sẽ bắt đầu bài ca thế này, hỡi phù thủy Boyan cháu của Veles: “Ngựa hí vang bên thành Sula, vinh quang vang lên trong thành Kiev, kèn thổi vang thành Novgorod, cờ dựng lên trong thành Putivl!”

Igor đang đợi người em trai yêu dấu Vsevolod. Và Vsevolod chú bò rừng dũng mãnh nói với chàng: “Anh duy nhất của em, ánh sáng duy nhất của em, hỡi Igor, hai ta đều là con trai Svyatoslav! Anh trai, hãy thắng yên những con tuấn mã, ngựa của em cũng đã sẵn sàng, đã thắng yên cương bên thành Kursk. Dân thành Kursk của em vốn là những chiến binh dày dạn, được quấn tã trong tiếng kèn xung trận, được bú mớm dưới những tấm khiên đồng, được nuôi ăn trên đầu mũi giáo; mọi đường đi họ đều biết, mọi khe núi họ đều quen; cung của họ đã căng dây, bao đựng tên đã mở, kiếm của họ đã mài; còn chính họ đã phóng qua thảo nguyên như bầy sói xám kiếm tìm danh dự cho bản thân và vinh quang cho quốc vương”.

Khi đó Igor bước lên bàn đạp bằng vàng và phóng ra đồng rộng. Mặt trời che đường chàng bởi bóng đen bao phủ; đêm rên rỉ với chàng bằng giọng của sấm rền đánh thức cả bầy chim; tiếng thú hoang gầm rú; quỷ Div chồm dậy kêu gào từ ngọn cây: lệnh cho khắp các miền xa lạ phải lắng nghe – nào là Volga, nào miền ven biển, nào ngoại ô Sula, nào Surozh, nào Korsun, và cả người, ôi tượng thần của Tmutorokan! Và quân Polovtsy vội vàng chạy tới sông Don qua những lối mòn hoang vắng; xe ngựa của chúng kêu rít lên trong đêm như thiên nga được thả. Igor dẫn quân của mình tiến tới sông Don. Giờ đây chim trên những cây sồi rình đợi tai họa rơi xuống đầu chàng; bầy sói gây nên giông tố trong khe núi, chim ưng rít lên gọi thú hoang đến gặm xương; lũ cáo mon men bên những tấm khiên đẫm máu. Ôi đất Nga! Người đã ở kia, ngay sau ngọn đồi!

 

Nguồn: Trần Thị Phương Phương, Thơ ca Nga từ khởi thuỷ đến hiện đại, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2010
[1] Các nhà khoa học cho rằng người Slav ban đầu sống ven sông Danube (Dunai theo cách gọi của người Nga), rồi sau đó phân tán đi, “được gọi tên theo các vùng đất họ định cư” (Sử ký). Người ta chia thành ba nhóm người Slav: Tây Slav (Ba Lan, Czech, Slovakia,…), Nam Slav (Bulgaria, Serb, Croatia, Slovenia,…) và Đông Slav (Nga, Ucraina, Belorussia).

[2] Có thuyết cho rằng năm 852.

[3] Cyril và Methodius là hai anh em, sinh ở thành phố Thessaloniki (hay còn gọi là Salonica) của Hy Lạp. Vào năm 863, họ được giáo hội Byzantium giao nhiệm vụ sáng tạo chữ viết Slav để phục vụ cho sứ mệnh truyền bá đạo Thiên Chúa cho các dân tộc người Slav, theo yêu cầu của Đại quốc vương xứ Moravia. Dựa trên cơ sở mẫu tự Hy Lạp, họ đã tạo ra chữ viết Slav (sau được gọi theo tên người em là mẫu tự Cyrillic). Một số dân tộc Slav ngày nay (Nga, Ukraina, Belorussia, Bulgaria,…) sử dụng hệ mẫu tự này.

[4] Polovtsy – còn gọi là người Cuman thuộc nhóm người Thổ, sống dưới chế độ bộ lạc

[5] Theo một số học giả (như D.Likhachev trong Di sản vĩ đại. Những tác phẩm kinh điển của văn học Nga cổ. Trong: Likhachev D.S. Tuyển tập tác phẩm gồm 3 tập, Leningrad, 1987, (chương “Bài ca về đạo quân Igor”).) đó là N.N.Karamzin, nhưng chỉ ký bút danh N.N.

[6] Tức Bắc Novgorod – một thành phố nhỏ nằm phía nam nước Nga cổ (hiện nay là ở biên giới giữa Nga và Ukraina). Nó không liên quan gì với Novgorod-trung tâm lớn ở phía bắc.

[7] Dẫn theo: Dmitriev L.A., Lịch sử phát hiện văn bản Bài ca về đạo quân Igor. Trong: Bài ca về đạo quân Igor – tác phẩm thế kỷ XII (D.Likhachev chủ biên), Moskva-Leningrad, Viện Hàn lâm khoa học Liên xô, 1962, trang 406-429) (Nguồn trên Internet: http://feb-web.ru/feb/slovo/critics/s62/s62-406-.htm)

[8] Các yếu tố văn học dân gian trong “Bài ca” không chỉ thuần túy Nga, mà còn liên quan đến các dân tộc khác (ví dụ hình tượng “cây trí tuệ” được xem là có mối liên hệ với văn học dân gian vùng Bắc Na Uy, hay hình tượng Div được nhắc đến trong “Bài ca” có xuất xứ từ các dân tộc phương Đông).

[9] Từ đây về sau, các phần trích tác phẩm, nếu không có chú tên dịch giả, đều là bản dịch của chúng tôi.

 

NỘI DUNG CÂU CHUYỆN

nguồn

The Tale of Igor's Campaign

Phần mở đầu:

Hỡi anh em, nên chăng chúng ta bằng ngôn pháp cổ để bắt đầu câu chuyện đau buồn về cuộc hành binh Igor, Igor con trai của Svyatoslavich? Hoặc sẽ bắt đầu khúc hát phù hợp với sự kiện đương đại chứ không phải như cách thêu dệt của Boyan. Bởi vì Boyan tiên tri khi muốn ca ngợi ai thì ý nghĩ của ông như sóc chạy trên cây, sói xám chạy trên đất, là đại bàng bay dưới những đám mây. Nhớ lại những trận đánh của một thời, ông đã thả mưới con chim ưng vào bầy thiên nga, chim ưng đuổi kịp thiên nga và con thiên nga đầu tiên cất lên tiếng hát ngợi ca trưởng lão Yaroslav và Mitislav dũng cảm, người đã chiến thắng Rededya trước đội quân Kasog và ca ngợi Roman Svyatoslavich tuyệt đẹp. Nhưng mà Boyan, hỡi những người anh em, đã không thả vào bầy thiên nga một chục chim ưng mà ông đặt những ngón tay tiên tri của mình lên những dây sống động để chúng đem những công tước vinh danh.

Xin được bắt đầu, hỡi những người anh em, câu chuyện này từ Vladimir cổ xưa đến Igor hiện tại, người đã mài sắc trí tuệ của mình, đã hun đúc lòng dũng cảm trong tim cùng tinh thần thượng võ để đem đội quân dũng cảm của mình đến miền đất Cuman vì đất Nga rộng mở.

Khi đó Igor nhìn mặt trời sáng tỏ và thấy bóng tối đang bao trùm lên cả đội quân. Và Igor nói với những người lính của mình: “Hỡi những người anh em và những đội binh! Chúng ta thà chết chứ không chịu đầu hàng. Nào, chúng ta hãy ngồi lên những con ngựa dũng mãnh của mình để nhìn về sông Đông xanh thắm!” Điềm báo từ trời xanh dường như xâm chiếm lấy ý nghĩ và lòng khát khao chinh phục miền sông Đông rộng lớn. “Ta muốn – ông nói – bẻ hết giáo trên thảo nguyên của người Cuman, cùng với anh em, hỡi những người Nga thân thiết! Ta sẽ bỏ xác hoặc là dùng mũ giáp uống cạn nước sông Đông”.

Hỡi nhà thơ Boyan, con chim sơn ca của thời xưa cũ! Giá như ông ngợi ca những cuộc hành binh này bằng ý nghĩ chạy trên cây, đầu óc mơ màng trên mây, bện vinh quang của thời cổ thời nay và lướt nhanh trên lối mòn Troyan qua những cánh đồng ra đồi núi! Thì ông hãy hát lên ca ngợi Igor, cháu của Oleg như vầy: “Không phải bão tố mang chim ưng qua những cánh đồng mênh mông, mà quạ bay thành đàn về miền sông Đông rộng lớn”. Hoặc là ông sẽ ngợi ca, hỡi Boyan tiên tri, cháu của Veles: “Những con ngựa đang hý vang ngoài sông Sula, vinh quang ngân lên tại Kiev, kèn đồng âm vang ở Novgorod, quân kỳ ở Putivl đang phấp phới tung bay”.

Phần I:

Igor đang chờ người em trai Vsevolod. Và Vsevolod nói với ông: “Một người anh của tôi, một ánh sáng của tôi, Igor! Chúng ta đều là con của Svyatoslavich. Anh hãy thắng yên cương những con ngựa dũng mãnh của mình, còn những con ngựa của tôi ở Kursk thì đã sẵn sàng từ lâu lắm. Dân Kursk của tôi là những đội binh giàu kinh nghiệm. Họ sinh ra dưới tiếng kèn đồng, lớn lên trong mũ giáp, mọi con đường đều quen thuộc, mọi khe suối đều biết hết, gươm kiếm đã sẵn sàng, cung nỏ đã căng, bao tên đã mở toang và họ phi ngựa như sói xám trên đồng, họ đi tìm danh dự cho mình và vinh quang cho công tước”.

Sau đó Igor xỏ chân vào bàn đạp vàng và phóng trên đồng rộng. Mặt trời trùm bóng tối lên con đường của ông và đêm nức nở bằng cơn giông, đánh thức những con chim, có tiếng rú, tiếng gầm của biết bao con thú, từ trên ngọn cây có tiếng kêu của linh hồn dữ – như ra lệnh hãy lắng nghe những miền đất xa lạ: Volga, Sula, Sudak, Korsun và ngươi, thần tượng của Tmutarokán! Người Cuman vội vã chạy về hướng sông Đông rộng lớn, tiếng xe ngựa kẽo kẹt trong đêm tựa hồ như những con thiên nga hoảng sợ kêu lên.

Igor dẫn đoàn quân về hướng sông Đông! Những con chim trên những cây sồi như báo trước điều tai họa, những con sói bên khe xói đang rít lên đe dọa, còn đại bàng đang gọi nhau rỉa xương của thú và bên những tấm lá chắn màu máu đỏ những con cáo đang nức nở khôn nguôi. Ôi, miền đất Nga đã khuất phía sau đồi!

Đêm rất dài. Nhưng bình minh đã ló, màn sương bao phủ trên cánh đồng, tiếng họa mi đã im, tiếng quạ khoang thức dậy. Những người Nga rào chắn cánh đồng rộng lớn bằng những tấm khiên màu đỏ, họ đi tìm danh dự cho mình và vinh quang cho công tước.

Vào sáng thứ sáu họ tấn công người Cuman, mũi tên bay rào rạt trên đồng, họ bắt các cô gái xinh đẹp người Cuman cũng với trang sức bạc vàng, thổ cẩm và nhung gấm, họ đem gom chúng làm lối đi trên đầm phá, sình lầy. Tuy nhiên, những cờ hiệu màu đỏ, những ngọn giáo dát bạc, những biểu ngữ màu trắng được người con dũng cảm của Svyatoslavich để lại cho mình.

Họ nghỉ đêm trên đồng. Tổ ấm của Oleg về nơi xa xôi mơ màng. Không sợ gì chim ưng hay loài chim tham lam, hay loài quạ khoang – người Cuman. Gzak già nua chạy như sói xám trên đồng và Konchak cùng chạy theo về hướng sông Đông rộng lớn.

Ngày hôm sau từ rất sớm, ánh bình minh nhuốm máu từ ánh sáng. Những đám mây đen dâng lên từ biển che lấy mặt trời từ bốn hướng, còn trong những đám mây đen là những tia chớp màu xanh. Sẽ có sấm lớn! Sẽ có trận mưa tên từ sông Đông rộng lớn. Và ở đây sẽ xảy ra đấu kiếm, ở đây, bên sông Kayala miền sông Đông rộng lớn, những ngọn giáo sẽ đâm vào áo giáp giặc không thôi. Ôi, miền đất Nga đã khuất phía sau đồi!

Và những ngọn gió thổi những mũi tên của con cháu Stribog bắn lên từ biển vào những đội binh dũng mãnh của Igor. Mặt đất rung lên, những dòng sông cũng đục ngầu lên, bụi trên thảo nguyên mờ mịt, tiếng ngựa xe kẽo kẹt – người Cuman từ sông Đông và từ phía biển vây lấy người Nga từ bốn hướng. Những đứa con của quỉ quây lại bằng gươm còn những người Nga dũng cảm ngăn chặn bằng những tấm khiên màu đỏ thẫm.

Ôi, Vsevolod – con bò mộng! Ông đứng ở phía trước bắn những mũi tên vào quân giặc và dùng giáo đâm vào mũ giáp giặc. Áo giáp của ông ánh lên màu vàng, và khi con bò giận dữ chạy về đâu thì ở đó có những cái đầu của quân thù rụng xuống. Kiếm của ông chặt đầu thù trong trận đánh, ôi Vsevolod – con bò mộng, ông coi thường những vết thương và cuộc sống của mình, ông quên ngai vàng ở thành phố Chernigov quê hương và tình yêu của người vợ hiền Glebovna xinh đẹp!

Đã từng có một thời Troyan, đã qua những tháng năm của Yaroslav, đã từng có những cuộc hành binh Oleg, Oleg Svyatoslavich. Oleg rèn gươm nổi loạn và gieo những mũi tên trên đất Nga, bước vào bàn đạp vàng ở thành phố Tmutarokán. Đại công tước Yaroslav xưa nghe được tin này, còn con trai của Vsevolod là Vladimir mỗi buổi sáng đóng cổng và bịt tai ở Chernigov. Còn Boris, con trai của Vyacheslav bị kết án ở bờ sông Kanina vì xúc phạm Oleg dũng cảm và trẻ tuổi. Cũng như từ bờ sông Kayala đau buồn ấy, Svyatopolk đã sai chở cha mình trên những con ngựa để đến đền Thánh Sophia ở Kiev. Dưới thời Oleg Gorislavich đã từng có bao cuộc chiến huynh đệ tương tàn, không còn đời sống của cháu Dajbog thánh thần và cuộc đời người chỉ còn rất ngắn. Thời ấy trên đất Nga dân cày ít khi cày ruộng mà trận mạc liên miên, xác chết chất đầy đồng, những bầy quạ thường xuyên no bụng. Đã từng có biết bao cuộc hành binh và biết bao trận đánh nhưng trận đánh như trận này thì chưa một ai biết đến!

Từ sáng tới chiều, từ đêm đến sáng những mũi tên nườm nượp bay ra, tiếng gươm chặt vào mũ giáp, tiếng giáo mác kêu răng rắc trên thảo nguyên chưa quen biết, miền đất của người Cuman. Đất đen ở dưới chân ngựa vãi đầy xương, máu xối rào rạt xuống bùn, nỗi đau thương tìm đất Nga bay đến. Điều gì ầm ĩ, điều gì vang lên trước buổi bình minh? Igor bắt đầu lui quân vì tiếc thương cho người em Vsevoslav. Họ đã chiến đấu một ngày. Họ đã chiến đấu hai ngày và đến giữa trưa ngày thứ ba thì những lá cờ của đội quân Igor đổ xuống. Những người anh em bị bắt làm tù binh theo nhiều hướng trên bờ sông Kayala chảy xiết, rượu máu ở đây đã hết, những người Nga dũng cảm đã kết thúc bữa tiệc, những người mai mối đã say sưa, họ nằm xuống vì đất Nga. Hoa cỏ ủ rũ vì xót thương, cây cối cúi mình trên mặt đất đau buồn.

nga vs cuman

Sau trận đánh giữa người Nga và người Cuman – tranh của Viktor Vasnetsov

Hỡi những người anh em, thế là đến một thời gian buồn, khi mà thảo nguyên chiến thắng. Nữ thần Hờn giận đứng lên trong đội quân của cháu Dajbog thánh thần và bước vào đất Troyan, vẫy đôi cánh của thiên nga bay trên biển xanh ở miền sông Đông và xua đi những ngày hạnh phúc. Cuộc chiến đấu của các công tước với kẻ thù đến hồi kết thúc, bởi vì những người anh em đã nói với nhau: “Đây là của tôi và đấy cũng của tôi”. Và họ bắt đầu coi cái nhỏ nhoi là “cái này rất lớn”, rồi họ rèn gươm đúc kiếm để thanh toán lẫn nhau, để kẻ thù từ mọi quốc gia khác nhau đến chiếm đất Nga và chiến thắng.

Ôi thôi thôi! Con chim ưng đã bay xa, chim bay về phía biển! Mà đội quân của Igor không còn có thể hồi sinh! Nữ thần Karna thét lên đau buồn và nữ thần Jelya bay trên đất Nga ném lửa cho người từ đôi sừng lửa. Những người vợ góa khóc than và nức nở: “Từ nay không còn được nhìn thấy người thương, ai đã đưa người ra chốn sa trường, từ nay không còn được nghĩ đến người bằng ý nghĩ, cuộc đời từ nay không giàu có, tiếng vàng tiếng bạc chẳng còn vang!”

Và Kiev nức nở vì xót thương còn Chernigov khóc cho điều bất hạnh. Buồn đau bao trùm mặt đất, đau khổ kết thành dòng sông chảy trên đất Nga. Thế mà các công tước vẫn kích động bạo loạn chống lại nhau, để những kẻ ngoại đạo kéo đến giành chiến thắng trên đất Nga, bắt mỗi nhà cống nạp một bộ da con sóc.

Bởi vì hai người con dũng cảm của Svyatoslavich, Igor và Vsevolod đã khơi ra cái ác mà cha của họ trước đó đã từng đè bẹp: Đại công tước Kiev hùng mạnh Svyatoslav từng mang quân sang đất Cuman giày xéo những khe mương, khấy đục những con sông, bắc cầu lát ván trên những hồ đầm. Còn thủ lĩnh Kobyak từ vùng Lucomorie kéo đến đã bị đánh cho tan tành ở Kiev, trong nhà khách của Svyatoslav. Người Đức, người Venice, người Moravia, người Hy Lạp ca ngợi Svyatoslav nhưng họ buộc tội Igor công tước rằng đã đem vàng đem bạc đổ xuống sông Kayala của người Cuman. Rằng ở đấy Igor chuyển từ yên ngựa bằng vàng sang yên ngựa của một tù nhân. Sự chán nản bao trùm khắp thành phố.

Phần II:

Svyatoslav mơ thấy một giấc mộng bất an. “Trên đồi ở Kiev tối qua – ông nói với các quan – người ta quấn ta lại bằng khăn đen trên giường rồi rót rượu màu xanh trộn lẫn với đau buồn rồi rải những viên ngọc trai rất lớn lên ngực ta và xót thương. Không còn những rầm xà trên mái ngôi nhà có tháp dát vàng. Và suốt đêm những con quạ kêu quang quác ở Plesenska rồi bay về phía biển xanh”. Và các quan Boyar đã nói với ông rằng: “Thưa ông, nỗi buồn đang vây lấy ý nghĩ của ông, hai con chim ưng đã bay từ ngai vàng để tìm kiếm Tmutorakán hoặc dùng mũ giáp để uống cạn nước sông Đông. Nhưng gươm giáo của những kẻ ngoại đạo đã làm cho gãy cánh chim ưng và họ lâm vào cảnh gông xiềng. Ngày thứ ba hôm đó đã rất tối tăm: hai vầng dương đã tắt, hai cột sáng màu hồng mờ mịt, cùng với họ là hai vầng trăng non: Oleg và Svyatoslav đều bị bắt – màn sương trùm lên, họ bị nhấn chìm xuống biển và họ đã khơi dậy lòng dũng cảm của người Hinov. Bóng tối bao trùm lên dòng sông Kayala. Những đội quân của người Cuman tiến vào đất Nga. Thay cho lời khen là những lời mạt sát và bạo lực, những linh hồn ác lơ lửng trên mặt đất. Những cô gái người Goth hát bên biển xanh, vàng của người Nga rung rinh, họ hát về thời Bus, họ nuôi hy vọng trả thù cho vua Sharukán của mình. Còn chúng ta, hỡi những đội binh, chỉ còn lại nỗi buồn”.

Thì khi đó Svyatoslav nói những lời vàng, với nước mắt chứa chan mà rằng: “Hỡi những đứa cháu của ta, Igor và Vsevolod! Các con đã vội vàng bắt đầu cuộc hành binh vào đất Cuman để tìm kiếm vinh quang cho mình nhưng đã không thắng được, giết những kẻ ngoại đạo một cách vô ích. Hai con tim dũng mãnh rèn trong sắt thép và lòng can đảm trong cơn phẫn nộ. Các con đã làm gì với mái đầu bạc của ta? Bởi vì ta không thấy ở đây quyền lực của người anh trai của ta là Yaroslav hùng mạnh và giàu có, và ông có những đội quân đông đảo từ vùng Chernigov: đó là Mogut, Tatran, Sheblir, Topchak, Revug, Olber. Những đội quân này không cần khiên mộc, chỉ với dao mà chiến thắng, họ được cổ vũ bằng vinh quang của cha ông. Nhưng các con đã nói rằng: “Chúng con sẽ tự mình chứng tỏ lòng gan dạ, vinh quang xưa chúng con gìn giữ và vinh quang sau này tự chia sẻ cho nhau!” Mặc dù chim đã già thì có trẻ lại đâu nhưng ngay cả chim ưng rụng lông vẫn săn chim ở trên cao – không để cho tổ của mình phật ý. Chỉ một điều tai họa: không còn ai muốn giúp cho ta cả – quả là một thời gian khó. Vì thế mà đội quân Rimov đang gào dưới gươm giáo của người Cuman, còn Vladimir – bị thương. Thật bất hạnh và buồn thương cho con trai Gleb”.

Hỡi đại công tước Vsevolod! Chẳng lẽ ông không có ý nghĩ rằng sẽ bay đến từ xa để bảo vệ ngai vàng của cha? Vì rằng ông có thể té nước sông Volga bằng mái giầm và dùng mũ giáp múc cạn nước sông Đông. Giá mà ông ở đây thì đã chinh phục được nữ tù nhân bằng một đồng xu, còn nô lệ với giá còn rẻ hơn thế nữa. Vì rằng ông có thể phóng những ngọn giáo sống – những người con trai dũng mãnh của Gleb.

Hỡi Rurik dũng mãnh và David! Chẳng phải những đội binh của các ông đội mũ giáp vàng đã bơi trong máu? Chẳng phải những đội binh của các ông bị thương đang rống lên như những con bò trên cánh đồng xứ lạ? Xin quí ông hãy thắng yên cương vàng để rửa vết nhục của thời đại chúng ta, vì đất Nga, vì những vết thương của Igor – người con dũng cảm của Svyatoslavich!

Hỡi Osmomysl Yaroslav, công tước của Galicia! Ông ngồi trên ngai vàng trên cao chống đỡ các ngọn núi Hungari bằng những đạo quân thép của mình, cản đường nhà vua, đóng cửa vào sông Đa-nuýp, nhiều miền đất sợ quyền lực của ông và ông mở cửa toang cho Kiev, ông bắn vào người Salatyn từ ngai vàng của tổ tiên. Vậy thì xin ông hãy bắn vào Konchak, nô lệ ngoại đạo, vì đất Nga, vì những vết thương của Igor – người con dũng cảm của Svyatoslavich!

Còn ông, Roman dũng mãnh, và ông, Mstislav! Ý nghĩ dũng cảm gọi các ông đến chiến công. Roman bay cao đến chiến công như chim ưng bay trong gió, gan dạ vượt qua những đàn chim. Vì rằng ông có những áo giáp sắt dưới những mũ giáp Latin, nhờ những thứ này mà mặt đất rung lên, và nhiều xứ – Hinov, Litva, Yatvyagi, Dremela và Cuman bỏ giáo đầu hàng và cúi đầu trước những thanh kiếm thép. Nhưng vinh quang xưa đã hết, mặt trời không còn chiếu sáng cho Igor, những chiếc lá đã lìa xa – những thành phố vùng Rosi, Sula đã bị phân chia. Đạo quân dũng cảm của Igor không còn hồi sinh lại! Sông Đông gọi công tước kêu những công tước của mình đến giành thắng lợi. Những công tước dũng cảm Olegovichi đã kịp tới chiến trường.

Hỡi Ingvar và Vsevolod và ba người con của Mstislavich – những con chim sáu cánh từ một tổ cao sang! Chẳng lẽ các ông không giành lấy lãnh địa cho mình. Đâu rồi những mũ giáp vàng, khiên mộc và giáo mác Ba Lan? Hãy vây lấy những cánh cổng trên thảo nguyên bằng những mũi tên sắc nhọn của mình vì đất Nga, vì những vết thương của Igor – người con dũng cảm của Svyatoslavich!

Sông Sula đã không còn chảy thành dòng bạc qua thành phố Pereyaslavl và sông Dvina của người Cuman dữ dằn đã thành đầm mờ đục dưới kiếm gươm của người ngoại đạo. Một mình Izyaslav, con trai của Vasilkov giao chiến với người Litva, làm ô nhục thanh danh của người ông mình là Vseslav, còn tự thân nằm dưới tấm khiên màu đỏ thẫm, trên cỏ đầy máu vì kiếm của người Litva và nói: “Chim trùm cánh trên người đội binh và thú dữ liếm máu”. Không có một ai đến cầu cứu, chẳng người anh Bryachislav, chẳng Vsevolod. Một mình để linh hồn châu ngọc lìa xác thân dũng cảm xuyên qua chuỗi hạt vàng. Những giọng sầu thương, niềm vui không còn, tiếng tù và rộn rã vang lên.

Hỡi Yaroslav và tất cả các cháu của Vseslav! Hãy hạ lá cờ xuống từ trên cao và hãy bỏ những thanh kiếm đã mòn vào bao. Các ông đã không còn đi theo niềm vinh quang tiên tổ. Các ông vì thanh toán lẫn nhau đã mở đường cho giặc vào đất Nga, vào miền đất sở hữu của Vseslav. Vì huynh đệ tương tàn mà bạo lực đến từ đất Cuman.

Trong thế kỷ thứ bảy Troyan, Vseslav đã rút thăm về người phụ nữ yêu thương của ông. Ông phóng ngựa về Kiev chĩa mũi giáo vào ngai vàng. Rồi nửa đêm từ Belgorod ông phóng ngựa như con thú trong màn sương xanh, và buổi sáng mở cổng thành Novgorod, làm tổn hại thanh danh của Yaroslav, rồi phi nước đại như một con sói từ tu viện Duduka đến sông Nemiga. Trên sông Nemiga đánh vào những mái đầu bằng xích xiềng như người đập lúa, đặt những cuộc đời vào dòng nước và sàng lọc những linh hồn từ thể xác. Trên bờ sông Nemiga nhuộm máu tai họa đã được gieo – gieo bằng xương của những đứa con trai Nga. Công tước Vseslav là thẩm phán đối với mọi người và chia các thành phố cho các công tước, còn ông phóng ngựa như sói xám trong đêm từ Kiev, vượt qua thần mặt trời Khors, trước khi gà gáy đã đến Tmutarokán. Từ đêm ở đền Thánh Sophia ở Polotsk tiếng chuông đã gọi ông và ông đã nghe được tiếng chuông này tại Kiev. Mặc dù linh hồn tiên tri nằm trong xác thân dũng cảm nhưng ông thường xuyên gặp nạn. Nhà thơ tiên tri Boyan đã từng khôn ngoan nói về ông như vậy: “Chẳng xảo quyệt, khôn ngoan hay dũng cảm, không con chim nào thoát khỏi bản án của Chúa Trời”.

Ôi đất Nga đang nức nở khôn nguôi, nhớ về thời gian qua và những công tước thời xưa cũ! Vladimir già giờ đã không còn nữa, chưa ai từng giữ được bước chân ông đến đồi cao Kiev. Còn giờ đây những lá cờ của Ruirk và David đang bay trong lẻ loi riêng biệt và giáo gươm đang khua theo những giọng khác nhau.

Phần III:

Trên sông Đa-nuýp giọng của Yaroslavna nghe như giọng hải âu, nức nở trong buổi sớm: “Ta sẽ bay như chim hải âu theo sông Đa-nuýp, sẽ rửa ống tay áo màu trắng trên sông Kayala, lau vết thương đầy máu trên cơ thể cường tráng cho công tước”.

Từ sáng sớm, Yaroslavna kêu la ai oán trên thành ở Putivl: “Ôi gió, gió! Tại vì sao gió thổi trái chiều? Tại vì sao gió mang trên đôi cánh của mình những mũi tên quân giặc hướng về đội quân yêu dấu của ta? Hay là ngươi còn chưa đủ khi bay lượn trên mây, còn chưa đủ khi ngươi mơn trớn vuốt ve những con tàu ở ngoài biển cả! Tại vì sao ngươi mang niềm vui của ta rải lên cây vũ mâu hở gió?”

Yaroslavna kêu la ai oán trên thành ở Putivl từ sáng sớm: “Ôi Dnepr Slovutich! Ngươi xuyên qua những ngọn núi đá qua đất Cuman. Ngươi vỗ về những con thuyền Svyatoslav đến đội quân của Kobyak. Hãy an ủi công tước giùm ta để người sớm quay về và để ta không còn tuôn nước mắt vào biển xanh kia”.

Yaroslavna kêu la ai oán trên thành ở Putivl từ sáng sớm: “Hỡi mặt trời, mặt trời ba lần sáng! Ngươi dành cho tất cả mọi người tuyệt vời và nồng ấm, thì tại sao ngươi lại thiêu đốt những đội binh dũng cảm, ngươi hành hạ họ trong cơn khát và khép lại những bao tên?”

Biển cả rì rào vào lúc nửa đêm, giữa bầu trời có những đám mây đen. Đức Chúa Trời chỉ cho Igor con đường từ đất Cuman về đất Nga, về ngai vàng của cha. Những ngôi sao giữa bầu trời đã tắt. Igor ngủ, Igor thức, Igor trằn trọc suy nghĩ đo con đường trên thảo nguyên từ sông Đông rộng lớn về sông Đô-nhét nhỏ hơn. Nửa đêm Ovlur và ngựa đã đợi ở bên sông, Ovlur huýt gió lên để cho Igor nhận biết. Mặt đất rung lên, cỏ cây thức dậy, giáo mác của người Cuman dường như động đậy. Còn công tước Igor như con chồn trắng chạy vào trong đám sậy và như con le le bay trên mặt nước. Igor nhảy lên ngựa và phóng như sói xám chạy trên đồng về hướng thảo nguyên của sông Đô-nhét và như chim ưng bay dưới những đám sương mù, giết những con ngỗng và thiên nga để cho các bữa ăn sáng, ăn trưa, ăn tối. Khi Igor bay như chim ưng thì Ovlur cũng chạy nhanh như chó sói, giũ những giọt sương lạnh làm cho những con ngựa thêm phần mệt mỏi.

Sông Đô-nhét nói với Igor như vậy: “Niềm vinh quang vĩ đại cho công tước Igor, cho Konchak lòng căm thù, còn cho đất Nga vui vẻ!” Và Igor trả lời sông như thế: “Vĩ đại thay dòng sông Đô-nhét vinh quang, vì rằng ngươi mang công tước trên ngọn sóng của mình, trải thảm cỏ xanh trên đôi bờ ánh bạc, mặc cho công tước màn sương ấm áp dưới bóng những cây xanh, canh giữ người bằng con chồn trắng trên dòng nước, chim hải âu trong gió và chim le trên dòng nước bạc”. Không như sông Stugna – là dòng sông ác, đã ôm lấy những dòng sông nhỏ khác rồi dìm xuống vực bên bờ đen công tước trẻ trung Rotislav. Trên bờ sông đen Dnepr mẹ Rotislav khóc than về công tước Rotislav trẻ trung. Khi đó hoa cỏ cũng đau buồn và cây cối cũng tang thương cúi mình trên mặt đất.

Không phải là tiếng kêu của những con chim ác – mà Gzak và Konchak đang đuổi theo dấu vết của Igor. Khi đó quạ và ác là đều im re, chỉ có tiếng của những con rắn đang bò. Chim gõ kiến chỉ đường ra sông, chim họa mi vui hót báo buổi bình minh. Gzak thốt lên với Konchak rằng: “Nếu như chim ưng bay về tổ thì chúng ta sẽ bắn chim con bằng những mũi tên vàng”. Và Konchak nói cùng Gzak: “Nếu chim ưng bay về tổ thì ta sẽ cưới vợ cho chim con”. Thì Gzak lại nói rằng: “Nếu ta cưới vợ cho chim con thì ta sẽ mất cả chim con, cả người đẹp thảo nguyên và những con chim sẽ đánh chúng ta trên thảo nguyên của người Cuman”.

Và Boyan, nhà thơ của thời xưa cũ, của Yaroslav và Oleg, nói rằng: “Thật nguy nan cho đầu mà thiếu bờ vai và cũng nguy thay cho xác thân khi đầu chẳng có”. Thì đất Nga mà thiếu Igor cũng thế. Mặt trời chiếu sáng giữa trời xanh – còn công tước Igor trên đất Nga của mình. Các thiếu nữ đang hát lên trên bờ sông Đa-nuýp, lời của họ bay qua biển hướng về Kiev. Igor cưỡi ngựa hướng về đền Thánh Mẹ trên đồi Borichev. Bao xứ sở hân hoan, bao thành phố vui mừng.

Ngợi ca niềm vinh quang của những công tước ngày xưa và sẽ tôn vinh những công tước trẻ. Vinh quang Igor Svyatoslavich, con bò mộng Vsevolod, Vladimir Igorevich! Vinh quang những công tước và những đội binh – những người đã dũng cảm đấu tranh cho Thiên Chúa giáo chống lại những đội quân ngoại đạo. Vinh quang những công tước và những đội binh! Amen.

BẢN DỊCH THƠ CỦA THÚY TOÀN

Nên chăng anh em nhỉ
Bằng lời lẽ cổ xưa
Ta bắt đầu chuyện kể
Cuộc hành binh Igor
Về vị công tước Nga
Con Xviatôxlap?

Nhưng không theo lối hát
Già tiên tri Bôian
Mà bằng những chuyện thực
Âm thanh còn dư vang

Già tiên tri Bôian
Mỗi khi lên tiếng hát
Hồn thơ già man mác
Như con sóc trên rừng
Luồn trên lá trên cành
Như con sói ngoài nội
Đạp bụi bờ dong duổi
Như bay bổng chim ưng
Với trời xanh mây thắm
Già chìm trong hồi tưởng
Về chiến tích cha ông
Rồi thả mười chim ưng
Vào bầy thiên nga trắng

Thiên nga nào chạm cánh
Phải cất tiếng đầu tiên
Về Yaroslav
Lão công tước anh minh
Về Mtislav
Về công tước Roman
Vốn điển trai tuấn tú

Thực ra anh em ạ
Già tiên tri Bôian
Đâu có thả chim ưng
Vào bầy thiên nga trắng
Mà mười ngón tay thánh
Lướt trên dây tơ đàn
Đàn cất tiếng ngân vang
Ngợi ca các công tước

Còn ta ta dạo khúc
Bắt đầu từ xa xưa
Từ Vladimir
Đến Igor còn đó
Người trí tuệ sắt đá
Với trái tim ngoan cường
Khí phách trang dũng sĩ
Dẫn các đạo hùng binh
Vào đất Polovetx
Vì đất Nga yêu thương

Người nhìn vầng thái dương
Bấy giờ bỗng nhận thấy
Ba quân như ngập chìm
Trong màn đêm đen tối
“Hỡi quân sĩ anh em
Công tước người bèn nói
Thà ngã giữa trận tiền
Hơn sống trong tù trói
Anh em, hãy lên yên
Ít ra ta được thấy

0