Bài 9 – Thứ tự kể trong văn tự sự
Bài 9 – Thứ tự kể trong văn tự sự Hướng dẫn I. TÌM HIỂU THỨ TỰ KỂ TRONG VĂN TỰ SỰ 1. Tóm tắt các sự việc trong truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng: – Ông lão ra khơi thả lưới đánh cá và bắt được con cá vàng. – Nghe lời cá vàng van xin, ông lão thả cá vàng ra. – Về nhà ông ...
Bài 9 – Thứ tự kể trong văn tự sự
Hướng dẫn
I. TÌM HIỂU THỨ TỰ KỂ TRONG VĂN TỰ SỰ
1. Tóm tắt các sự việc trong truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng:
– Ông lão ra khơi thả lưới đánh cá và bắt được con cá vàng.
– Nghe lời cá vàng van xin, ông lão thả cá vàng ra.
– Về nhà ông kể lại chuyện này cho mụ vợ nghe.
– Mụ vợ mắng ông là đồ ngốc và bắt ông phải đi xin cá vàng một cái máng cho heo ăn.
– Có máng rồi mụ lại mắng ông là đồ ngu và đòi một cái nhà rộng.
– Ông lão gặp cá xin được nhà rộng, mụ lại đòi làm nhất phẩm phu nhân.
– Ông lão xin cá cho mụ làm nhất phẩm phu nhân, mụ lại đòi được làm nữ hoàng.
– Ông lão xin cá vàng cho mụ làm nữ hoàng thì mụ lại muốn làm Long Vương để cá vàng phải hầu mụ và làm theo mọi ý muốn của mụ.
– Cá lặn xuống biển sâu, mụ vợ mất hết mọi thứ của cải, lâu đài và lại trở lại nguyên hình một người nghèo khổ.
Các sự việc trong truyện được kể theo thứ tăng tiến: lòng tham và sự bội bạc của mụ vợ cứ tăng dần lên, sự nổi giận của biển cả cũng tăng dần lên.
Các sự việc phải kể theo thứ tự đó vì đó là một thứ tự hợp lý, tự nhiên, việc xảy ra trước kể trước, việc xảy ra sau kể sau, qua đó sự mâu thuẫn giữa các nhân vật cứ tăng tiến dần và câu chuyện mỗi lúc càng thêm hấp dẫn.
2. Đọc bài văn đã cho và trả lời câu hỏi
Câu hỏi: Thứ tự thực tế trong bài văn đã diễn ra như thế nào? Bài văn đã kể lại theo thứ tự nào? Kể theo thứ tự này có tác dụng nhấn mạnh điểu gì?
– Các chi tiết trong bài văn diễn ra như sau:
+ Tin thằng Ngỗ bị chó cắn, được băng bó ở xã truyền đi khắp xóm.
+ Trưa nay làng xóm nghe tiếng Ngỗ kêu "chó dại". Nhưng chẳng ai ra cứu vì họ đã từng bị Ngỗ đánh lừa.
+ Chuyện đánh lừa lần trước là: Ngỗ đốt rạ, cỏ rồi la "cháy", khiến mọi người chạy ra dập lửa nhưng họ đã bị lừa trong khi Ngỗ nhìn họ cười khanh khách.
+ Bà Ngỗ đã khuyên cháu nhiều lần nhưng Ngỗ vẫn chứng nào tật ấy.
+ Sự việc hôm nay là hậu quả của việc lừa dốì lần trước.
– Bài văn được kể theo thứ tự sau: Sự việc hiện tại được kể trước, sau đó mới kể tiếp các việc đã xảy ra trước đó để làm cho câu chuyện được hoàn chỉnh.
Kể theo thứ tự này, sự việc Ngỗ bị chó cắn được nhấn mạnh và sự việc này chính là hậu quả tác hại của việc nói dối.
Chú ý:
- Khi kể chuyện có thể kể các sự việc liên tiếp nhau theo thứ tự tự nhiên, việc xảy ra trước kể trước, việc xảy ra sau kể sau, cho đến hết.
- Nhưng để gây bất ngờ, gây chú ý, để thể hiện tình cảm nhân vật, người ta có thể đem kết quả hoặc sự việc hiện tại kể trước, sau đó mới dùng cách kể bổ sung hoặc để nhân vật nhớ lại mà kể tiếp các việc đã xảy ra trước đó.
II. LUYỆN TẬP
1. Đọc câu chuyện đã cho và trả lời
– Câu hỏi: Câu chuyện được kể theo thứ tự nào?
Câu chuyện giữa "tôi và Liên" được kể theo thứ tự sau:
Sự việc hiện tại được kể ra trước: "Tôi và Liên là bạn thân cùng lớp".
Sau đó các sự việc đã xảy ra trước đó mới được nhớ lại và kể tiếp theo: Chuyện "tôi" ghét Liên hồi Liên vừa mới đến ở tại khu tập thể, cạnh nhà tôi. Chuyện va chạm đầu tiên giữa "tôi" và Liên.
Chuyện Liên cất giúp tôi quần áo vào nhà khỏi bị mưa làm cho ướt. Chuyện "tôi" xấu hổ vì thái độ không đúng của mình. Chuyện chúng tôi trở nên thân nhau.
– Chuyện kể theo ngôi nào?
Chuyện được kể theo ngôi thứ nhất.
– Yếu tố hồi tưởng đóng vai trò như thế nào trong câu chuyện?
Yếu tố hồi tưởng đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện. Nó giải thích rõ cho người đọc hiểu vì sao lúc đầu "tôi" rất ghét Liên nhưng sau đó "tôi" lại ngạc nhiên, cảm động, tự thấy xấu hổ và trở nên thân thiết với Liên. Nó làm cho cách kể chuyện trở nên hấp dẫn hơn.
2. Cho đề tập làm văn:
Kể câu chuyện lần đầu em được đi chơi xa.
– Tìm hiểu đề: Các em cần đọc kĩ đề để viết cho đúng với yêu cầu của đề: ở đề này phải đặc biệt chú ý tới hai chữ "lần đầu" để có thể kể đúng, kể thật những gì lần đầu mình nhìn thấy, nghe thấy, được biết, được gặp, và những cảm xúc khi lần đầu được đi chơi xa là như thế nào.
Có thể kể theo trình tự tự nhiên: sắp đi chơi xa, chuẩn bị mọi thứ, lòng nôn nóng trước lúc đi…, khi bắt đầu đi, khi đang đi, khi tới nơi, những điều mắt thấy, tai nghe… Cảm nghĩ, cảm xúc trong quá trình đi chơi… Khi trở về và cảm xúc còn đọng lại sau chuyến đi chơi xa.
Có thể kể theo cách hồi tưởng: ngồi nhà thấy xúc cảm và nhớ lại chuyến đi chơi xa rồi lần lượt kể lại các sự việc.
– Dàn bài: có thể dựa vào sự gợi ý về dàn bài trong SGK.
Mở bài: Lí do, nguyên nhân được đi chơi xa. Nơi được tới. Người dẫn đường.
Thân bài: Những sự việc đã xảy ra trên đường đi, xảy ra nơi đã tới cùng những suy nghĩ, cảm xúc về những điều đã thấy, đã nghe, đã gặp…
Kết bài: Sự bổ ích của những chuyến đi và lòng mong mỏi sẽ có nhiều lần được đi chơi xa lí thú khác nữa.
Mai Thu