Bài 8 – Danh từ
Bài 8 – Danh từ Hướng dẫn I. ĐẶC ĐIỂM CỦA DANH TỪ 1. Trong cụm danh từ: ba con trâu ấy thì con trâu là danh từ. 2. Xung quanh danh từ trong cụm danh từ trên có các từ: ba (đứng trước), ấy (đứng sau). 3. Tìm thêm các danh từ khác trong câu trên. Đó là các danh từ: vua, ...
Bài 8 – Danh từ
Hướng dẫn
I. ĐẶC ĐIỂM CỦA DANH TỪ
1. Trong cụm danh từ: ba con trâu ấy thì con trâu là danh từ.
2. Xung quanh danh từ trong cụm danh từ trên có các từ: ba (đứng trước), ấy (đứng sau).
3. Tìm thêm các danh từ khác trong câu trên.
Đó là các danh từ: vua, làng, thúng, gạo, nếp.
4. Danh từ biểu thị những gì?
Danh từ là những từ chỉ người, vật, hiện tượng, hoặc khái niệm…
Danh từ chỉ người: thầy giáo, học sinh…
Danh từ chỉ vật: mèo, chim, cá…
Danh từ chỉ hiện tượng: sấm, bão, gió…
Danh từ chỉ khái niệm: đạo đức, hạnh kiểm, học lực…
5. Đặt câu với các danh từ đã tìm được trong câu trên:
Vua cầm quân đi đánh giặc.
Làng em bên một con sông.
Bà Năm đội một thúng thóc đầy.
Bánh giầy, bánh chưng đều phải làm bằng gạo nếp.
II. DANH TỪ CHỈ ĐƠN VỊ LÀ DANH TỪ CHỈ SỰ VẬT
1. Nghĩa của các danh từ in đậm (gạch dưới) sau đây có gì khác các danh từ đứng sau?
– ba con trâu một viên quan
– ba thúng gạo sáu tạ thóc
• Danh từ trâu chỉ một con vật cụ thể.
Danh từ con không chỉ một con vật cụ thể nào.
• Danh từ quan chỉ một loại người cụ thể trong xã hội.
Danh từ viên không chỉ một loại người cụ thể nào.
• Danh từ gạo chỉ một loại sự vật cụ thể.
Danh từ thúng chỉ một dụng cụ vừa dùng để đựng vừa dùng làm đơn vị đo lường sự vật.
• Danh từ thóc chỉ một loại sự vật cụ thể.
• Danh từ tạ chỉ một đơn vị đo lường chính xác (tạ = 100kg).
• Vì sao có thể nói Nhà có ba thúng gạo rất đầy nhưng không thể nói Nhà có sáu tạ thóc rất nặng?
– Ta có thể nói: ba thúng gạo rất đầy vì thúng là một danh từ chỉ đơn vị ước chừng (thúng gạo có thể đầy, có thể vơi).
Ta không thể nói: sáu tạ thóc rất nặng vì tạ là một danh từ chỉ đơn vị chính xác (sáu tạ thóc phải là chính xác 600kg).
Tóm tắt:
• Danh từ tiếng Việt được chia thành hai loại lớn là danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật. Danh từ chỉ đơn vị nêu tên đơn vị dùng để tính, đếm, đo lường sự vật. Danh từ chỉ sự vật nêu tên từng loại hoặc từng cá thể người, vật, hiện tượng, khái niệm.
• Danh từ chỉ đơn vị gồm hai nhóm là:
– Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên (còn gọi là loại từ)
– Danh từ chỉ đơn vị quy ước. Cụ thể là:
+ Danh từ chỉ đơn vị chính xác (như gam, kilôgam, tạ…)
+ Danh từ chỉ đơn vị ước chừng (như bát gạo, thúng thóc,rổ khoai…)
III. LUYỆN TẬP
1. – Liệt kê một số danh từ chỉ sự vật: bàn, ghế, nhà, cửa, đường, cầu, sách, vở, giấy, bút, mực, kéo, thước, com-pa, phấn, học bạ, trường, lớp, câu lạc bộ…
– Đặt câu với một danh từ: Chiếc bàn học của em làm bằng gỗ dầu.
2. Liệt kê các danh từ:
a) Chỉ đơn vị quy ước chính xác: mét, ki-lô-mét, gam, ki-lô-gam, tạ, tấn, mét khối, lít, héc-tô-lít, mét vuông, hec-ta v.v…
b) Chỉ đơn vị quy ước chừng: nắm, mẻ, dúm, mớ, bó, đàn, đám, bọn…
3. Liệt kê các loại từ:
a) Chuyên đứng trước danh từ chỉ người: ông, bà, vị, cô, thầy, bác, chú, anh, chị, v.v…
b) Chuyên đứng trước danh từ chỉ đồ vật: cái, bức (bình phong), tấm (ván), cục (đá), chiếc (lá), cánh (cửa), que (diêm), v.v…
4. Viết bài chính tả (theo SGK)
5. Lập danh sách các danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật trong bài chính tả trên.
– Các danh từ chỉ đơn vị trong bài chính tả trên: que, con, đỉnh, ven, bức.
– Các danh từ chỉ sự vật trong bài chính tả trên: củi, cỏ, bút, lòng, ngày, núi, đất, chim, đầu, sông, tay, nước, tôm, cá, đá, nhà, đồ đạc, tường, hình.
Mai Thu