06/02/2018, 10:24

Bài 7 – Em bé thông minh

Bài 7 – Em bé thông minh Hướng dẫn I. ĐỌC – HIỂU BÀI VĂN Đọc kĩ truyện và phần Chú thích. 1. Hình thức dùng câu đố để thử tài nhân vật rất phổ biến trong nhiều truyện cổ tích không phải chỉ ở nước ta mà còn gặp ở nhiều truyện cổ tích của nước ngoài. Tác dụng của hình thức này ...

Bài 7 – Em bé thông minh

Hướng dẫn

I. ĐỌC – HIỂU BÀI VĂN

Đọc kĩ truyện và phần Chú thích.

1. Hình thức dùng câu đố để thử tài nhân vật rất phổ biến trong nhiều truyện cổ tích không phải chỉ ở nước ta mà còn gặp ở nhiều truyện cổ tích của nước ngoài.

Tác dụng của hình thức này là: buộc người bị thách đố phải thật thông minh tài giỏi, suy nghĩ nhanh, đối đáp giỏi và tìm ra được lời giải các câu đố rất khó khăn, khó hiểu.

Ví dụ trong truyện Trạng Quỳnh, sứ Tàu cũng đưa ra nhiều câu đố rất oái oăm nhưng Trạng Quỳnh đều giải đáp được.

2. Sự mưu trí, thông minh của em bé được thử thách qua mấy lần? Lần sau có khó hơn lần trước không? Vì sao?

– Sự mưu trí, thông minh của em bé được thử thách qua bốn lần:

+ Lần đầu là viên quan hỏi có bao nhiêu đường cày trong một ngày.

+ Lần thứ hai: nhà vua bắt phải nuôi trâu đực cho chúng đẻ con.

+ Lần thứ ba: nhà vua bắt cha con cậu bé phải làm thịt một con chim sẻ rất nhỏ để dọn thành ba mâm cỗ lớn.

+ Lần thứ tư là sự thử thách của viên sứ giả nước ngoài: xâu sợi chỉ qua một con ốc dài có ruột xoắn vặn nhiều vòng.

– Lần thử thảch sau luôn khó hơn lần thử thách trước làm cho người nghe kể chuyện mỗi lúc càng thấy rõ hơn sự thông minh, tài trí của cậu bé và như thế câu chuyện càng hấp dẫn hơn.

3. Trong mỗi lần thử thách cậu bé đã dùng cách gì để giải những câu đố oái oăm? Những cách ấy lí thú ở chỗ nào?

– Trong lần gặp thử thách thứ nhất, cậu bé đã dùng một câu hỏi tương tự để vặn hỏi lại viên quan.

– Trong lần gặp thử thách thứ hai, cậu bé đã bình tĩnh nói để dân làng cứ yên tâm mổ trâu, thổi xôi cùng đánh chén và đã nghĩ sẵn ra cách đối phó với nhà vua bằng cách vào trong sân triều đình khóc đòi nhà vua phán bảo cho cha em đẻ thêm em bé khiến nhà vua phải tự từ bỏ ý định vô lý của mình là bắt trâu đực phải đẻ.

– Trong lần thử thách thứ ba, em bé đã nhanh trí nêu ra một điều kiện khó khăn không thể giải quyết để buộc nhà vua phải từ bỏ ý định đòi thịt chim sẻ làm ba mâm cỗ của mình.

– Trong lần thử thách thứ tư, em bé đã vận dụng một kinh nghiệm thông thường trong dân gian để giải quyết vấn đề. Dân gian đã có câu "quan thấy kiện như kiến thấy mỡ". Nắm được đặc điểm của con kiến là rất thích bò tới ăn mỡ nên em bé đã đề ra một phương pháp thật hiệu quả để xỏ chỉ qua mình ốc.

Mỗi cách giải quyết đều rất lí thú: khi thì dùng cách lấy gậy ông đập lưng ông, khi thì buộc người thách thức phải công nhận sự vô lý của mình, khi thì dùng lý lẽ sắc bén để bắt bẻ lại kẻ thách đố mình, khi lại dùng kinh nghiệm dân gian để giải quyết vấn đề.

4. Ý nghĩa của truyện cổ tích này: Truyện đề cao sự thông minh và trí khôn của dân gian, đem lại cho mọi người một tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên trong cuộc sống.

II. LUYỆN TẬP

1. Kể diễn cảm truyện này.

2. Kể một câu chuyện "Em bé thông minh" mà em biết…

Chuyện kể rằng: "Ngày xưa có một em bé rất thông minh, lanh lợi. Tiếng đồn về em truyền xa tới nhiều nơi. Tên quan huyện địa phương là một kẻ gian ác lại sinh ra một đứa con trai ngớ ngẩn nên hắn tỏ lòng ghen ghét đối với em bé quá thông minh. Một hôm hắn cưỡi ngựa đi chơi thì thấy một em bé đang bơi tắm dưới hồ nước ở ven đường. Bọn quân tính nịnh bợ liền mách với tên quan rằng:

– Bẩm quan lớn, thằng bé kia là cái đứa nổi tiếng thông minh đấy ạ.

– Quan quắc mắt nhìn kĩ em bé rồi nói:

Hừ, thiên hạ chỉ đồn đãi xằng bậy. Để ta thử xem nó có thật sự thông minh hay cũng chỉ là thằng nhóc ngu xuẩn dốt nát.

Nói đoạn quan dừng ngựa lại và lớn giọng nói với chú bé:

– Này, ai cũng nói là mày thông minh, vậy mày có cách gì làm cho tao xuống hồ được không. Nếu mày chẳng làm được điều ấy, tao sẽ đánh đòn mày đúng mười roi.

Chú bé ngẩng lên nói:

– Thưa quan lớn, bây giờ ngài đang ở trên bờ mà lại đố tôi làm cho ngài nhảy xuống nước thì khó quá, chi bằng ngài xuống nước đi, tôi sẽ có cách làm cho ngài lên bờ.

Tên quan ngần ngừ một chút rồi bằng lòng. Hắn cởi bỏ áo dài rồi nhảy ùm xuống nước.

Chú bé thông minh leo lên bờ rồi reo to:

– Đấy nhé! Thế là tôi đã dụ được ngài xuống nước. Ngài thua cuộc rồi nhé!

Nói xong chú bé vơ lấy áo dài của quan khoác vào người toan chạy đi.

Quan vội bước lên bờ giằng lại áo. Chú bé thông minh lại reo to:

– Ngài lại thua tôi một lần nữa rồi đấy vì tôi đã làm cho ngài phải từ dưới nước ngoi vội lên bờ.

Tên quan nhận lại áo và biết rằng mình đã không thể thắng nổi chú bé thông minh tài trí".

Ghi nhớ

  • Đây là truyện cổ tích về nhân vật thông minh, kiểu nhân vật rất phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới.
  • Truyện đề cao sự thông minh và trí khôn của dân gian (trong việc giải nhũng câu đố oái oăm, vượt những thách đố rối rắm….) từ đó tạo nên tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên trong đời sống hàng ngày.

Chú thích thêm:

  • Sửng sốt: rất lấy làm lạ, hết sức ngạc nhiên.
  • Nhân tài: người tài giỏi.
  • Phi ngựa: cưỡi ngựa và cho ngựa chạy nhanh.
  • Phí tổn: ở đây là tiền cần tiêu để đi đường về kinh đô.
  • Quả quyết: nói lên một điều mà mình hết sức tin chắc.
  • Giấy cam đoan: làm giấy để kí nhận một điều gì đó hoặc một lời hứa.
  • Triều thần: các quan trong triều.
  • Lộc của đức vua: nghĩa ở đây là phần thưởng do vua ban cho.
  • Thưởng rất hậu: là thưởng lớn, thưởng nhiều.
  • Sứ thần: là viên quan được vua sai đi làm việc ở một triều đình của một nước khác.
  • Thần phục: là phục tài, là thừa nhận người khác tài giỏi hơn mình.
  • Vô hiệu: là không có kết quả tốt.

Mai Thu

0