06/02/2018, 10:09

Bài 29 – Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục (trích Trưởng giả học làm sang)

Bài 29 – Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục (trích Trưởng giả học làm sang) Hướng dẫn Mô-li-e (1622-1673) là một nhà soạn kịch nổi tiếng của Pháp. Ông sinh ở Paris trong một gia đình giàu có quyền thế nhưng đã từ chối ý định của cha kế tục chức vị hầu cận nhà vua để bước vào nghệ thuật sân ...

Bài 29 – Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục (trích Trưởng giả học làm sang)

Hướng dẫn

Mô-li-e (1622-1673) là một nhà soạn kịch nổi tiếng của Pháp. Ông sinh ở Paris trong một gia đình giàu có quyền thế nhưng đã từ chối ý định của cha kế tục chức vị hầu cận nhà vua để bước vào nghệ thuật sân khấu. Mô- li-e vừa tham gia diễn kịch vừa sáng tác kịch bản. Ông là tác giả những vở hài kịch Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang, Người bệnh tưởng,…

Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục trích trong Trưởng giả học làm sang (1670), một vở kịch có 5 hồi. Nhân vật chính là Giuốc-đanh tuổi ngoài bốn mươi giàu có nhờ bố mẹ. Tuy dốt nát, quê kệch nhưng ông này lại tấp tểnh muốn trở thành quý tộc, bước chân vào xã hội thượng lưu. Học đòi làm sang, ông Giuốc-đanh đã thuê thầy về dạy đủ cả các môn như âm nhạc, kiếm thuật, triết lí và tìm cách thay đổi cả lối ăn mặc. Nhiều kẻ chớp cơ hội lợi dụng tính cách đó, săn đón nịnh hót ông cốt để moi tiền. Ông Giuốc-đanh từ chối gả con gái là Luy-xin cho Clê-ông chỉ vì anh này không phải là quý tộc. Cuối cùng nhờ mưu mẹo của Cô-vi-en là đầy tớ của mình, Clê-ông đã cải trang làm hoàng tử Thổ Nhĩ Kì đến cầu hôn Luy-xin và được ông Giuốc-đanh chấp thuận ngay.

Phần trích giảng là lớp kịch kết thúc hồi II.

ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

1. Diễn biến của hành động kịch:

Căn cứ vào các chỉ dẫn (những chữ in nghiêng trong văn bản), ta thấy:

– Hành động kịch ở đây đã diễn ra tại phòng khách nhà ông Giuốc-đanh tuổi ngoài bốn mươi thuộc tầng lớp giàu có nhưng dốt nát, quê kệch. Bác phó may và một tay thợ phụ mang bộ lễ phục đến nhà ông.

– Lớp kịch này có hai cảnh:

+ Cảnh đầu là những lời thoại của ông Giuốc-đanh và bác phó may với bốn nhân vật: bác phó may, tay thợ phụ ông Giuốc-đanh và một gia nhân của ông.

+ Cảnh sau gồm những lời thoại của ông Giuốc-đanh và tay thợ phụ với số nhân vật trước cộng thêm bốn tay thợ phụ nữa nên đông hơn, sôi động hơn trước rất nhiều.

– Cảnh đầu có hai người: Ông Giuốc-đanh và bác phó may nói chuyện với nhau. Cảnh sau cũng vậy, cũng chỉ có hai người là ông Giuốc-đanh và một thợ phụ (tay thợ phụ mang lễ phục đến lúc trước) nói chuyện với nhau. Tuy nhiên, bốn tay thợ phụ cũng xúm xít xung quanh. Ông Giuốc-đanh không phải chỉ đối thoại với một người mà như nói cả với top thợ phụ năm người. Vì vậy, cảnh sau đông và nhộn nhịp hơn cảnh trước.

– Cảnh trước chủ yếu là lời đốì thoại kèm theo cử chỉ động tác. Còn cảnh sau, có cả cảnh các thợ phụ xúm nhau mặc lễ phục mới cho ông Giuốc-đanh. Vì đó kịch sôi động hẳn lên. Đã thế, cảnh sau còn có nhảy múa và âm nhạc rộn ràng.

2. Ông Giuốc-đanh và bác phó may

Ông Giuôốc-đanh và bác phó may nói với nhau xoay quanh một số sự việc như bộ lễ phục, đôi bít tất, bộ tóc giả, và lông đính mũ, đặc biệt hơn cả là bộ lễ phục.

Lẽ thường, ai may áo cũng phải may hoa hướng lên. Nhưng chẳng rõ do dốt nát hay do sơ suất mà bác phó nhà ta lại may ngược hoa. Cũng có thể bác phó cố tình biến ông Giuốc-đanh thành trò cười. Ông này phát hiện ra điều đó. Nhưng mới vừa nghe bác phó chống chế bịa ra là những người quý phái đều mặc áo ngược hoa là ông đồng ý ngay.

Kịch tính ở đây khá cao. Đáng bị chê trách (tức là ở thế bị động) bác phó may đã chuyển sang thế chủ động. Bác tấn công lại bằng hai đề nghị liên tiếp nhau:

– “Nếu ngài muốn thì tôi sẽ xin may hoa xuôi lại thôi mà”.

– “Xin ngài cứ việc bảo”.

Thế là ông Giuốc-đanh nhượng bộ và lùi mãi:

– “Không, không”

– “Tôi đã bảo không mà. Bác may thế này được rồi”.

Ông lảng sang chuyện khác hỏi bộ lễ phục ông mặc có vừa vặn không.

Ông Giuốc-đanh lại phát hiện bác phó ăn bớt vải của mình. Ông chủ động trách bác này bằng hai lời thoại:

“Ơkìa, bác phó! Vải này là thứ hàng mà tôi đưa bác may bộ lễ phục trước của tôi đây mà. Tôi nhận đúng ra nó rồi”.

“Đành là đẹp, nhưng đáng lẽ đừng gạn vào áo của tôi mới phải”

Bác phó may yếu ớt chống đỡ. Bác đối phó bằng cách lảng qua chuyện

khác. Bác hỏi ông Giuốc-đanh có muốn mặc thử bộ lễ phục không. Do đang muốn học đòi làm sang, ông Giuốc-đanh chấp nhận ngay: ừ,đưa đây tôi.

3. Ông Giuốc-đanh và tay thợ phụ:

Khi ông Giuốc-đanh mặc xong bộ lễ phục, tay thợ phụ cướp cơ hội tôn xưng ngay ông là “ông lớn”. Điều này khiến Giuốc-đanh tưởng cứ mặc đồ sang trọng là nghiễm nhiên trở thành sang trọng, quý phái.

Tay thợ phụ là kẻ ranh mãnh, khéo nịnh hót để moi tiền. Nắm được thói học làm sang của chủ nhà, anh ta dấn bước thêm, cứ tôn lên mãi hết “ông lớn” đến “cụ lớn” rồi đến “đức ông”.

Ông Giuốc-đanh luôn nghĩ đến túi tiền của mình. Thấy tay thợ phụ không tôn ông lên nữa, nói riêng:

“Nó như thế này là phải chăng, nếu không ta đến mất tong cả tiền cho nó thôi”. Đúng là “danh bất hư truyền”. Thói trưởng giả học làm sang ở ông thật mãnh liệt. Bởi vì ông sẵn sàng cho hết cả tiền để được làm sang.

4. Nhân vật hài kịch bất hủ:

Lớp kịch này gây cười cho khán giả ở nhiều khía cạnh.

Trước hết là tính cách trưởng giả học làm sang của Giuốc-đanh. Vốn dốt nát và quê kệch, ông này bị mọi người lừa bịp và dễ dàng lợi dụng để kiếm chác. Điều này khiến khán giả cười. Họ cười vì ông Giuốc-đanh ngớ ngẩn đến nỗi tưởng rằng phải mặc áo hoa ngược mới là trưởng giả. Người ta cũng cười vì thấy ông này vì muốn mua lấy mấy cái danh hão mà moi mãi tiền.

Đặc biệt gây cười hơn cả là cảnh ông Giuốc-đanh bị bốn tay thợ phụ lột quần áo ra, mặc cho bộ lễ phục lố lăng lại may ngược hoa mà cứ tưởng mình là sang trọng, quỷ phái.

Nhân vật Giuốc-đanh và cảnh trên không khỏi khiến ta bất chợt nhớ đến truyện Bộ quần áo mới của nhà văn Đan Mạch là An-đéc-xen.

Mai Thu

0