06/02/2018, 10:09

Bài 12 – Ôn dịch, thuốc lá

Bài 12 – Ôn dịch, thuốc lá Hướng dẫn ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN 1. Ý nghĩa của việc dùng dấu phẩy trong đầu đề của văn bản Thuốc lá ở đây chính là tệ nghiện thuốc lá. Tác giả so sánh tệ nghiện này với ôn dịch là xác đáng vì tệ nghiện thuốc lá cũng rất dễ lây lan. Ngoài ra từ ôn dịch là ...

Bài 12 – Ôn dịch, thuốc lá

Hướng dẫn

ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Ý nghĩa của việc dùng dấu phẩy trong đầu đề của văn bản

Thuốc lá ở đây chính là tệ nghiện thuốc lá. Tác giả so sánh tệ nghiện này với ôn dịch là xác đáng vì tệ nghiện thuốc lá cũng rất dễ lây lan.

Ngoài ra từ ôn dịch là một từ thường dùng làm tiếng chửi rủa như Đồ ôn dịch! Dấu phẩy ngăn cách giữa “ôn dịch”thuốc lá là nhằm nhấn mạnh sắc thái biểu cảm thể hiện sự căm tức là ghê tởm, một lời nguyền rủa: Thuốc lá! Đồ ôn dịch!

2. Vì sao tác giả dẫn lời Trần Hưng Đạo bàn về việc đánh giặc trước khi phân tích tác hại của thuốc lá? Điều đó có tác dụng gì trong lập luận?

Trước khi phân tích tác hại của thuốc lá, tác giả dẫn lời Trần Hưng Đạo bàn về việc đánh giặc: “Nếu đánh giặc như vũ bão thì không đáng sợ, đáng sợ là giặc gặm nhấm như tằm ăn dâu.”

Làm việc này, tác giả đã so sánh việc thuốc lá tấn công con người như giặc ngoại xâm đánh phá. Đúng là một lối trình bày gây ấn tượng mạnh mẽ. Mượn lối so sánh đặc sắc của nhà quân sự thiên tài thời xưa, tác giả nhằm thuyết phục người đọc một vấn đề y học thời nay: thuốc lá đã và đang đe dọa sức khỏe và tính mạng của con người. Nó tuy không làm cho người ta “lăn đùng ra chết”, nên không dễ phân biệt những sự thật vô cùng độc hại.

3. Vì sao tác giả đặt giả định có người bảo: "Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi!" trước khi nêu lên những tác hại về phương diện xã hội của thuốc lá?

Sau khi nêu tác hại của khói thuốc lá đối với bản thân người hút, tác giả nêu tác hại của khói thuốc là đối với cả những người không hề hút.

Điều sau này là điều ít người biết. Để làm nổi bật điều này tác giả đã đặt giả định với lời chống chế thường gặp ở những người hút thuốc lá: Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi! Tác giả đã bác bỏ luận điệu sai lầm ấy với những lập luận chặt chẽ, dẫn chứng sinh động và nhất là với tình cảm chân thành sôi nổi.

Lâu nay, trong giới khoa học thường khá phổ biến hai khái niệm: hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá bị động. Hút thuôc lá bị động là không hút thuốc lá nhưng để khói thuốc lá gây tác hại đến bản thân mình.

Như vậy, bản thân hút thuốc lá, nghĩa là hút thuốc lá chủ động, cũng làm cho những người xung quanh hút thuốc lá bị động theo. Mình tự làm hại sức khỏe mình mà đồng thời cũng làm hại sức khỏe bao nhiêu kẻ khác.

4. Vì sao tác giả so sánh tình hình hút thuốc lá ở nước ta với các nước Âu – Mĩ trước khi đưa ra kiến nghị: Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này?

Tác giả so sánh tình hình hút thuốc lá ở nước ta với các nước Âu – Mĩ trước khi đưa ra kiến nghị: Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này là vì: So sánh như thế có tác dụng làm rõ hơn tính đúng đắn của những điều đã được trình bày bên trên cũng như tạo được đà thuận lợi, cơ sở vững chắc để đưa ra kiến nghị có giá trị như lời phán xét cuối cùng.

• Ghi nhớ: Giống như ôn dịch, nạn nghiện thuốc lá rất dễ lây lan và gây những tổn thất to lớn cho sức khỏe, và tính mạng con người. Song nạn thuốc lá còn nguy hiểm hơn cả ôn dịch: nó gặm nhấm sức khỏe con người nên không dễ kịp thời nhận biết, nó gây tác hại nhiều mặt đối với cuộc sống gia đình và xã hội. Bởi vậy, muốn chống lại nó, cần phải có quyết tâm cao hơn và biện pháp triệt để hơn là phòng chống ôn dịch.

LUYỆN TẬP

Bài tập 1

Học sinh điều tra, sưu tầm tư liệu, lập bảng thống kê… ở học kì I. Đến tuần 30 ở học kì II, mỗi em sẽ viết một văn bản ngắn để trình bày trước tổ hoặc lớp trong Chương trình địa phương (Văn).

Bài tập 2

Học sinh ghi lại cảm nghĩ của mình. Cảm nghĩ phải chân thực. Viết không quá 5 dòng chỉ ra tác dụng cảnh báo mạnh mẽ của bản tin.

Mai Thu

0