06/02/2018, 10:09

Bếp lửa (Tự học có hướng dẫn)

Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Nhà thơ Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941, quê ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Bằng Việt làm thơ từ đầu những năm 60 của thế kỉ XX và thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng ...

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nhà thơ Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941, quê ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Bằng Việt làm thơ từ đầu những năm 60 của thế kỉ XX và thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

“Bằng Việt là một nhà thơ được bạn đọc biết đến từ phần thơ in chung với Lưu Quang Vũ trong tập Hương cây – Bếp lửa (1968). Nỗi nhớ quê hương đầu tiên thành thơ là dành cho bếp lửa: "Một bếp lửa chờn vờn sương sớm – Một bếp lửa ấp iu nồng đượm” gắn với hình ảnh người bà và bên người bà là người cháu. Bài thơ nói về tình bà cháu vừa sâu sắc, vừa thấm thía trong những năm đầu đất nước đói kém, loạn lạc, cuối đời gian khổ khó khăn, cảm xúc tinh tế, đượm buồn của ông về những kỉ niệm về cuộc sống gia đình, về truyền thống nghĩa tình của dân tộc Việt Nam. Bài thơ biểu hiện một triết luận thầm kín: những gì là thân thiết nhất của mỗi tuổi thơ mỗi con người, đều có sức toả sáng, nâng đỡ họ trong suốt cuộc đời. Mạch triết luận thầm kín được khởi đầu từ Bếp lửa còn được tiếp nối trong nhiều bài thơ khác như Trở lại trái tim mình khi ông coi Thủ đô Hà Nội như một cội nguồn tình cảm, cội nguồn sức mạnh. Cùng với Thư gửi người bạn xa đất nước, Tình yêu và báo động, Trở lại trái tim, nhà thơ ghi lại được những trạng thái phong phú của một tâm hồn thanh niên rất mực mến yêu đất nước, con người, nêu bật được một thủ đô hào hoa, thanh lịch, trầm tĩnh và anh hùng. Bằng Việt còn có những bài thơ khá tài hoa diễn đạt những suy tư về những danh nhân văn hoá nhân loại như Bét-thô-ven, Pau-tốp-xki, Pli-xet-xcai-a. Người đọc còn biết đến ông về những lo toan chu đáo, những bồi hồi thương nhớ của một người cha ở nơi xa chăm chú theo dõi từng bước đi chập chững của đứa con, trong bài thơ Về Nghệ An thăm con với lời thơ điềm đạm, kiệm lời mà có sức vang xa. Có thể nói với 20 bài thơ trong tập Hương cây – Bếp lửa, Bằng Việt đã khắc hoạ được một triết luận thầm kín của riêng mình. Ông là một trong số không nhiều nhà thơ trẻ được bạn đọc tin yêu ngay từ ban đầu của thơ. Thơ Bằng Việt thường nghiêng về một lời tâm sự, một sự trao đổi nghĩ suy, gây được một cảm giác gần gũi, thân thiết đốì với người đọc. Thơ ông thường sâu lắng trầm tư thích hợp với người đọc thơ trong sự trầm tĩnh, vắng lặng. Đó là một dấu ấn riêng của thơ Bằng Việt, còn lưu lại trong kí ức người đọc” (Từ điển tác giả tác phẩm văn học Việt Nam dùng cho nhà trường).

Các tác phẩm chính: Hương cây – Bếp lửa (thơ, in chung, 1968), Những gương mặt những khoảng trời (thơ, 1973), Đất sau mưa (thơ, 1977), Khoảng cách giữalời (thơ, 1983), Cát sáng (thơ, 1986), Bếp lửa – khoảng trời (thơ tuyển, 1988), Phía nửa mặt trăng chìm (thơ, 1986), Lọ Lem (dịch thơ Ép-tu-sen-kô),…

Tác giả đã được nhận: giải Nhất văn học – nghệ thuật Hà Nội năm 1967 với bài thơ Trở lại trái tim mình, giải thưởng chính thức về dịch thuật văn học quốc tế và phát triển giao lưu văn hoá quốc tế do Quỹ Hoà bình (Liên Xô) trao tặng năm 1982.

2. Bài thơ Bếp lửa được tác giả Bằng Việt sáng tác năm 1963, khi tác giả là sinh viên đang học ở nước ngoài.

Bài thơ gợi lại những kỉ niệm sâu sắc của người cháu về người bà và tuổi ấu thơ được ở cùng bà.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Bài thơ là lời của nhân vật người cháu, nói về lòng kính yêu của cháu với bà. Bài thơ có bố cục như sau:

– Ba dòng thơ đầu: Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng hồi ức về bà.

– Bốn khổ tiếp theo: Hồi tưởng những kỉ niệm ấu thơ gắn liền với hình ảnh bếp lửa.

– Hai khổ tiếp theo: Suy ngẫm của cháu về bà.

– Khổ cuối: Tình cảm của người cháu đi xa không nguôi nhớ về bà.

2. Trong hồi tưởng của người cháu, hình ảnh “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm" được gợi lại và mở ra thời gian và sự kiện của một thời gian khó:

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy

Đồng thời, hình ảnh bếp lửa cứ trở đi trở lại, hiện diện như tình bà cháu ấm áp, chở che, cảm động.

Nhờ sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố biểu cảm với miêu tả và tự sự, điều đó giúp cho bài thơ có một kết cấu chặt chẽ, thể hiện được tình cảm thắm thiết, thiêng liêng của người cháu với bà.

3. Mọi suy ngẫm của người cháu về bà đều gắn liền với hình ảnh bếp lửa. Bếp lửa tượng trưng cho đức hi sinh, sự chở che từ hơi ấm của bà ; bếp lửa gắn liền với niềm vui được sưởi ấm và lớn lên của người cháu.

Trong bài thơ, hình ảnh bếp lửa được nói tới mười lần, tất cả đều gắn với đức hi sinh tảo tần của bà, gắn với niềm vui nhóm lên sự sống. Bà vừa là người nhóm lửa, giữ lửa, vừa là người truyền ngọn lửa niềm tin cho các thế hệ mai sau.

4.

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

Trong hai câu sau, tác giả dùng từ “ngọn lửa” chứ không nhắc lại “bếp lửa”, bởi hình ảnh bếp lửa đã được chuyển hoá thành sức mạnh tình cảm, tâm hồn của bà. “Ngọn lửa" ở đây là ngọn lửa của niềm tin duy trì sự sống.

5. Tình cảm bà cháu trong bài thơ là tình cảm kì lạ và thiêng liêng da diết. Có điều đặc biệt là, bài thơ Bếp lửa được sáng tác khi Bằng Việt đang là sinh viên ngành luật của Trường Đại học Tổng hợp Ki-ép (Liên Xô), vì thế, cần thấy thêm khía cạnh tình cảm của tác giả khi trong cuộc sống đã Có ngọn khói trăm tàu – Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả mà lòng vẫn khôn nguôi hình ảnh người bà với bếp lửa ở tận miền kí ức xa xôi của tuổi ấu thơ – nói rộng ra là tình cảm gắn bó với quê hương đất nước.

III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Viết một đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về hình ảnh bếp lửa trong bài thơ. Bài viết tham khảo:

"Bếp lửa và hình ảnh người bà đã gắn bó với tuổi thơ của Bằng Việt, cũng như gắn bó với thời niên thiếu của bao người. Bếp lửa tìnhcảm bà cháu thơm thảo yêu thương ấp iu nồng đượm. Ngọn lửa yêu thương, tấm lòng ấm áp, niềm tin dai dẳng của bà đã truyền cho cháu thời thơ bé để cháu mang đi suốt cả cuộc đời, đó là chủ đề bài thơ. Bà và cháu, cháu và bà quấn quýt bên bếp lửa. Ban đầu chỉ là “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm" mà mắt ta dễ hình dung như hiện hữu. Nhưng đến “Một bếp lửa ấp iu nồng đượm” thì bếp lửa chính là tình cảm ấp iu nồng thắm, đậm đà của tấm lòng người bà để dành cho đời, cho người cháu bé bỏng của mình.

Những đoạn đời thơ bé của tác giả đã hiện lên cùng với cuộc sống của người bà chịu thương chịu khó. Đoạn đời đói khổ – đói đến mòn mỏi; hình ảnh người bố đi đánh xe khô rạc, với con ngựa gầy còm, tất cả, trong mùi khói hun đến nghẹt thở, nao lòng cả tuổi thơ. Không có một vòm trời cổ tích cao rộng và nhuốm màu lãng mạn trong thời thơ bé, mà đúng hơn – khói bếp đã bao trùm ấn tượng suốt khung trời tuổi thơ của tác giả. Ấn tượng về cuộc sống đói khổ và khói bếp nhà nghèo đã đọng lại và da diết trong kí ức của nhà thơ: "Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!”. Quá khứ tuổi thơ cay cực đã qua rồi mà dư vị một thời thơ bé vẫn ám ảnh nhà thơ, nghĩ lại vẫn thấy xót thương trong hồi ức về bà… Gọi là một đoạn đời thơ bé, nhưng thời gian trong bài thơ dài lắm:

Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

[…]

Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc

Cuộc sống đói khổ vất vả đã đổ sập xuống tuổi ấu thơ của tác giả để cho chú bé lên bốn, dường như già đi trước tuổi. Thời gian “tám năm ròng” dài tưởng như vô tận. Cái đói, cái vất vả đã đeo đẳng hai bà cháu như chẳng thể nào thoát ra được.

Bếp lửa và tiếng tu hú kêu gợi lên những liên tưởng gần xa. Đời bà và cháu chỉ quẩn quanh bên bếp lửa, mà tiếng chim tu hú kia, sao giục giã, như khắc khoải những khao khát rộng dài đến một không gian xa xôi, một cuộc sống khác. Ngoài bếp lửa kia là cánh đồng, là mùa quả ngọt, là mùa hè rực nắng, là hoa phượng đỏ đầy ước mơ, hi vọng (lời một bài hát thiếu nhi), là mùa lúa chín…, thế mà bà và cháu vẫn chỉ quẩn quanh nơi đây với những kỉ niệm buồn.

Cuộc sống cực nhọc dường như đã buộc chặt số phận một người già và một chú bé với nhau:

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.

Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc.

Có cái gì thật thương, thật cảm động khi hình ảnh bà cháu họ lúi húi bên nhau quanh bếp lửa. Cháu thương bà, bà thương yêu, chăm sóc cháu. Họ nương tựa vào nhau trong những buổi cơ hàn.

Cơ hàn rồi giặc giã…, lại vẫn chỉ có hai bà cháu sớm tối. Đứa cháu, luôn lặp đi lặp lại điệp khúc: “Thương bà” bởi vì nó chẳng biết làm thế nào cho bà đỡ khổ, mặc dù trong tận đáy lòng, nó luôn luôn muốn làm điều gì đó. Kỉ niệm thời giặc giã của hai bà cháu đã gắn với thời kì đau thương của dân tộc. Như nhánh suối nhỏ đã dồn về một dòng sông. Người bà quê mùa lam lũ, lầm lũi nắng mưa ấy, chợt bùng sáng phẩm chất mới: niềm tin vào tương lai của cách mạng, của dân tộc. Bà kiên trì chờ đợi, vững tin, truyền niềm tin cho người cháu yêu dấu bằng ngọn lửa của lòng mình. Bếp lửa của Bằng Việt vừa là một bếp lửa có thực, ta luôn gặp ở các xóm quê, vừa là hình ảnh ẩn dụ một quá khứ tuổi thơ, một bếp lửa ấm nồng tình bà cháu.

Tuổi thơ đã lùi xa, người cháu đã lớn rồi, thế mà bếp lửa của người bà yêu thương thì chẳng bao giờ tắt. Tác giả bài thơ đã giữ ngọn lửa thiêng ấy như giữ gia tài quý giá nhất của đời mình. Như cất giấu tuổi thơ cực khổ mà nồng đượm tình bà cháu thân thương. Chính ngọn lửa thiêng đó đã sưởi ấm cho nhà thơ suốt cả cuộc đời dẫu có đi khắp nơi chân trời góc bể.

Người bà trong Bếp lửa của Bằng Việt chắc không còn nữa. Nhưng bếp lửa của người bà vẫn cứ sáng và vẫn chờn vờn, vẫn ấp iu nồng đượm trong tâm trí chúng ta. Chắc chúng ta vẫn còn gặp nhiều ở những vùng quê rơm rạ, chưa hết cảnh nghèo”.

(Theo Nguyên Thị Nhàn, Nhà văn trong nhà trường, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999)

Mai Thu

0