24/06/2018, 01:14

Bài 28: Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam thời phong kiến – Lịch sử 10

Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, dân tộc Việt Nam đã hết lần này đến lần khác đánh tan âm mưu xâm lược của kẻ thù, dẫu kẻ thù ấy có hùng mạnh đến đâu. Vậy dựa vào đâu để dân tộc Việt Nam có thể tạo nên sức mạnh như vậy? Bài học ngày hôm nay sẽ trả lời cho câu hỏi ấy. A. Lý thuyết I. ...

Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, dân tộc Việt Nam đã hết lần này đến lần khác đánh tan âm mưu xâm lược của kẻ thù, dẫu kẻ thù ấy có hùng mạnh đến đâu. Vậy dựa vào đâu để dân tộc Việt Nam có thể tạo nên sức mạnh như vậy? Bài học ngày hôm nay sẽ trả lời cho câu hỏi ấy.

A. Lý thuyết

I. SỰ HÌNH THÀNH CỦA TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC VIỆT NAM

Khái niệm:

–       Truyền thống là những yếu tố về sinh hoạt xã hội, phong tục, tập quán, lối sống, đạo đức của một dân tộc được hình thành trong quá trình được lưu truyền từ đời này sang đời khác từ xưa đến nay.

–       Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam: là nét nổi bật trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, là di sản quý báu của dân tộc được hình thành từ rất sớm, được củng cố và phát huy qua hàng ngàn năm lịch sử.

–       Lòng yêu nước bắt nguồn từ những tình cảm đơn giản, trong một không gian nhỏ hẹp như: tình yêu gia đình, yêu quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mình sinh sống gắn bó (đó là những tình cảm gắn với địa phương).

–       Từ khi hình thành quốc gia dân tộc Việt: Văn Lang – Âu Lạc những tình cảm gắn bó mang tính địa phương phát triển thành tình cảm rộng lớn – lòng yêu nước.

–       Ở thời kỳ Bắc thuộc lòng yêu nước biểu hiện rõ nét hơn.

+         Qua ý thức bảo vệ những di sản văn hóa của dân tộc.

+         Lòng tự hào về những chiến công, tôn kính các vị anh hùng chống đô hộ (Lập đền thờ ở nhiều nơi).

Lòng yêu nước được nâng cao và khắc sâu hơn để từ đó hình thành truyền thống yêu nước Việt Nam.

Truyen thong yeu nuoc của dan toc Viet Nam thoi ki phong kien

Đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh

II. PHÁT TRIỂN VÀ TÔI LUYỆN TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC TRONG CÁC THẾ KỶ PHONG KIẾN ĐỘC LẬP

* Bối cảnh lịch sử

–       Đất nước trở lại độc lập, tự chủ.

–       Nhưng sau 1000 năm Bắc thuộc nền kinh tế trở nên lạc hậu, đói nghèo.

–       Các thế lực phương Bắc chưa từ bỏ âm mưu xâm phương Nam.

Trong bối cảnh ấy lòng yêu nước ngày càng được phát huy, tôi luyện.

* Biểu hiện

–       Ý thức vươn lên xây dựng phát triển nền kinh tế tự chủ, nền văn hóa đậm đà bản sắc truyền thống của dân tộc.

–       Tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc của mỗi người Việt.

–       Ý thức đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, mọi dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

–       Lòng tự hào dân tộc, biết ơn tổ tiên

–       Ý thức vì dân, thương dân của giai cấp thống trị tiến bộ – yêu nước gắn với thương dân – mang yếu tố nhân dân.

III. Nét đặc trưng của truyền thống yêu nước Việt Nam thời phong kiến

–       Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

–       Trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm nhân dân Việt Nam đã đoàn kết nhất trí đồng lòng vượt qua gian khổ, hy sinh, phát huy tài năng, trí tuệ, chiến đấu dũng cảm giành thắng lợi cuối cùng.

–       Cũng trong chiến đấu chống ngoại xâm lòng yêu nước trở nên trong sáng chân thành và cao thượng hơn bao giờ hết.

–       Đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập trở thành nét đặc trưng của truyền thống yêu nước Việt Nam.

B. Bài tập

Câu 1: Phân tích những biểu hiện của lòng yêu nước Việt Nam qua các cuộc khởi nghĩa thời Bắc thuộc

Trả lời:

Sau một nghìn năm Bắc thuộc và đấu tranh chống Bắc thuộc, đến thế kỷ X đất nước trở lại độc lập tự chủ với lãnh thổ, tiếng nói, phong tục, tập quán của quá trình đấu tranh bền bỉ của dân tộc. Bước sang thời kì độc lập, bối cảnh lịch sử mới cũng đặt ra những thách thức đối với lòng nước của người Việt.

+ Qua ý thức bảo vệ những di sản văn hóa dân tộc.

+ Tinh thần đấu tranh chống ách cai trị của Trung Quốc.

+ Lòng tự hào về những chiến công, tôn kính các vị anh hùng chống đô hộ.

Lòng yêu nước được nâng cao và khắc sâu hơn để từ đó hình thành truyền thống yêu nước Việt Nam.

Câu 2: Tại sao yêu nước lại gắn liền với thương dân ?

Trả lời:

” Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân ” như vậy cho ta thấy được sự quan trọng của nhân dân, quần chúng thời chiến tranh , nhân dân là lực lượng nòng cốt cho cuộc kháng chiến, “dân” là nước, đảng là “cá” …
Tóm lại : có dân mới gây dựng nên nước, có nước mới tạo ra dân ! vì vậy yêu nước cũng chính là thương dân.

Câu 3: Hãy điểm lại các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa giành độc lập trong lịch sử nước ta trước thế kỉ XIX

Trả lời:

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 – 43):

Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, thuộc dòng dõi Hùng Vương. Tháng 3 năm 40 sau Công nguyên, Trưng Trắc cùng Trưng Nhị phát động khởi nghĩa ở cửa sông Hát trên sông Hồng, thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Tây ngày nay. Dưới sự lãnh đạo của hai Bà, nhiều cuộc khởi nghĩa địa phương được thống nhất thành một phong trào rộng lớn, từ miền xuôi đến miền núi, bao gồm người Việt và các dân tộc khác trong nước Âu Lạc cũ. Trong hàng ngũ tướng lĩnh của nghĩa quân có rất nhiều phụ nữ.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng giành được thắng lợi, nền độc lập dân tộc được phục hồi. Trưng Trắc được suy tôn làm vua (Trưng Vương) đóng đô ở Mê Linh, giữ được quyền tự chủ trong 3 năm.

– Khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248):

Là đỉnh cao của phong trào chống xâm lược của nhân dân ta thế kỷ II – III. Khởi nghĩa nổ ra trong lúc bọn đô hộ có lực lượng hùng mạnh đã củng cố được ách thống trị trên đất nước ta và đang đẩy mạnh dã tâm đồng hóa dân tộc ta.

Bà Triệu tên là Triệu Thị Trinh, em ruột của Triệu Quốc Đạt, một thủ lĩnh có thế lực ở Quân An, quận Cửu Chân (huyện Triệu Sơn – Thanh Hóa). Năm 19 tuổi, bà cùng anh tập hợp nghĩa sĩ lên đỉnh núi Nưa, mài gươm, luyện võ, phất cờ khởi nghĩa. Nhân dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân đã nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, đánh thắng quân Ngô nhiều trận. Nhà Ngô lo sợ phải đưa thêm 8.000 quân sang nước ta đàn áp phong trào khởi nghĩa. Bà Triệu Thị Trinh đã hy sinh trên núi Tùng (Phú Điền, Hậu Lộc, Thanh Hóa).

– Khởi nghĩa Lý Bí (năm 542)

Giữa thế kỷ VI, phong trào khởi nghĩa chống ngoại xâm của nhân dân nổ ra khắp nơi, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của Lý Bí dẫn tới thành lập nước Vạn Xuân. Lý Bí quê ở Long Hưng, tỉnh Thái Bình. Mùa xuân năm 542 cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo nổ ra và không đầy 3 tháng đã quét sạch bè lũ đô hộ nhà Lương. Mùa xuân năm 544 Lý Bí tuyên bố thành lập nước, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Ông lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Nam đế (vua nước Nam). Ít năm sau, cuộc kháng chiến bảo vệ chủ quyền đất nước của Lý Nam Đế thất bại, ông bị bệnh mất tháng 4-548.

Câu 4: Nêu một vài biểu hiện của lòng yêu nước trong chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân ta

Trả lời:

Từ nhiều nghìn năm trước đây, những người nguyên thuỷ trên đất Việt Nam đã trải qua những chặng đường lao động gian khổ, nâng cao dần cuộc sống và cùng nhau tiến xuống vùng đồng bằng, châu thổ các con sông lớn. Bằng lao động và giúp đỡ lẫn nhau, họ từng bước sáng tạo ra nền văn minh Việt cổ để từ đó hợp nhất lại thành một quốc gia – nước Văn Lang. Quá trình giao lưu, trao đổi thường xuyên diễn ra trên đất nước đã phát huy những tình cảm yêu thương, gắn bó mang tính địa phương, làng chài trước đây thành một tình cảm rộng lớn hơn, bao quát hơn – lòng yêu nước.
Nhưng, những mối quan hệ sơ khai về kinh tế – chính trị của quốc gia Văn Lang cùng những yếu tố văn hoá chung chỉ mới là hạt nhân, là cơ sở của lòng yêu nước. Thách thức lớn lao được đặt ra khi quân Tần xâm lược và trong cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, những tình cảm yêu nước của người Lạc Việt và Âu Việt thực sự được thử thách và gắn kết lại. Đánh bại quân xâm lược, nhà nước Âu Lạc ra đời đã đánh dấu một bước phát triển mới của lòng yêu nước.
Tiếp theo, cuộc đấu tranh đầy gian lao, quyết liệt của người dân Việt cổ trong hơn 1000 năm Bắc thuộc vừa chống chế độ đô hộ, giành lại quyền tự chủ, vừa bảo vệ những di sản văn hoá của tổ tiên đã nâng cao và phát triển hơn nữa lòng yêu nước. Những huyền thoại Con Rồng cháu Tiên, Quả bầu mẹ, Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, v.v… được lan truyền rộng khắp cùng với việc xây dựng miếu thờ các vị anh hùng chống đô hộ đã thực sự gắn kết, khắc sâu lòng yêu nước của người dân Việt để từ đó hình thành truyền thống yêu nước Việt Nam.

Câu 5: Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam đã hình thành như thế nào ?

Trả lời:

– Lòng yêu nước được hình thành từ cơ sở ban đầu là tình cảm đối với những người ruột thịt trong gia đình rồi mở rộng ra là với những con người trong không gian nơi mình sinh sống.
– Từ hàng nghìn năm trước đây, trong quá trình khai thác để mở rộng địa bàn, người Việt cổ đã từng bước liên kết với nhau để từ đó hợp nhất lại thành quốc gia đầu tiên là nước Văn Lang. Quá trình giao lưu, trao đổi thường xuyên diễn ra trên đất nước đã phát huy những tình cảm yêu thương, gắn bó mang tính địa phương thành một tình cảm rộng lớn, bao quát hơn là lòng yêu nước.

Những chuyên mục hay của Lịch sử lớp 10:

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 10
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 10
  • Đáp án môn Lịch sử lớp 10
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 10

Bài học trên chúng tôi đã trình bày về những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam và sự tôi rèn qua các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Chúc các bạn học tập có hiệu quả!

0