06/02/2018, 10:29

Bài 27 – Lòng yêu nước

Bài 27 – Lòng yêu nước Hướng dẫn ĐỌC – HIỂU BÀI VĂN 1. Đại ý của bài văn: Bài văn thể hiện lòng yêu nước của người dân Xô Viết trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức để bảo vệ Tổ quốc và nêu bật một chân lí: lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu đối với những vật bình thường nhất ở ...

Bài 27 – Lòng yêu nước

Hướng dẫn

ĐỌC – HIỂU BÀI VĂN

1. Đại ý của bài văn: Bài văn thể hiện lòng yêu nước của người dân Xô Viết trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức để bảo vệ Tổ quốc và nêu bật một chân lí: lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu đối với những vật bình thường nhất ở quanh ta.

2. a) Câu mở đầu của đoạn này là: Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh.

Câu kết của đoạn này là: Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.

b) Trình tự lập luận của đoạn văn bản này là:

Câu mở đầu nêu lên sự khởi nguồn của lòng yêu nước: yêu những nhân vật tầm thường nhất ở gần gũi quanh mình. Câu thứ hai mở rộng hơn: yêu nước còn bắt nguồn từ tình yêu những vẻ đẹp của quê hương.

Cả một đoạn văn dài tiếp theo là những dẫn chứng minh họa cho hai ý đầu.

Hai câu cuối của đoạn văn gói vấn đề lại để đi tới kết luận: lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.

Trong đoạn văn này, tác giả đã dùng cách lập luận diễn dịch để triển khai các ý văn.

3. Nhớ đến quê hương, người dân Xô Viết ở mỗi vùng đều nhớ đến vẻ đẹp tiêu biểu của quê hương mình. Đó là những vẻ đẹp nào? Nhận xét về cách chọn lọc và miêu tả những vẻ đẹp đó.

– Đó là vẻ đẹp riêng của mỗi địa phương:

Người vùng Bắc nghĩ đến cảnh rừng bên dòng sông Vi-na hay miền Xu-cô-nô, thân cây mọc là là mặt nước, nghĩ đến những đêm tháng sáu sáng hồng và tiếng "cô nàng" gọi đùa người yêu. Người xứ U-crai-na nhớ bóng thùy dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh, vào lúc ấy đời sống thấy đầy đủ và phong phú thay, vào lúc ấy, thời gian dường như không trôi đi nữa. Chỉ có tiếng ong bay khẽ xua động cái yên lặng trọng thể. Người xứ Gru-di-a ca tụng khí trời của núi cao, những tảng đá sáng rực và nỗi vui bất chợt của một dòng suối óng ánh bạc, vị mát của nước đóng thành băng, rượu vang cay sè tu trong bọc đựng rượu bằng da dê, những lời thân ái giản dị và những tiếng cuối cùng của câu chào tạm biệt vọng lại. Người ở thành Lê-nin-grát bị sương mù quê hương ám ảnh, nhớ dòng sông Nê-va rộng và đường bệ như nước Nga đường bệ, nhớ những tượng bằng đồng, tạc những con chiến mã lồng lên, và lá hoa rực rỡ của công viên mùa hè, nhớ phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử. Người Mát-xcơ-va nhớ như thấy lại những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm, để rồi đổ ra những đại lộ của thành phố mới. Xa nữa là điện Krem-li, những tháp cổ ngày xưa, dấu hiệu vinh quang của đất nước Nga và những ánh sao đỏ của ngày mai.

Nhận xét: Tác giả đã chọn ra những nét đẹp tiêu biểu nhất của từng vùng. Những nét đẹp đó đã in sâu vào tâm khảm mỗi người dân địa phương nên đã trở thành "hồn quê” của họ. Lời văn miêu tả đầy hình ảnh, đầy xúc cảm và giàu màu sắc trữ tình nên dễ rung động lòng người.

4. Chân lí phổ biến và sâu sắc về lòng yêu nước: "Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc".

Tóm tắt:

Bài văn thể hiện tinh thần yêu nước tha thiết, sâu sắc của tác giả và những người dân Xô Viết trong hoàn cảnh thử thách gay gắt của cuộc chiến tranh vệ quốc. Đồng thời bài văn đã nói lên một chân lí: "Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất (…). Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc"..

LUYỆN TẬP

– Vài nét đẹp tiêu biểu của quê hương (vài dòng gợi ý):

Người đồng bằng sông Cửu Long nhớ đến dòng sông Tiền, sông Hậu bát ngát mà giữa dòng ở nhiều nơi đã nổi lên những bãi, những cồn. Các bãi, các cồn này cũng đã trở nên nơi sinh sống của bao người với vườn cây xanh tốt, với xuồng ghe tấp nập ngược xuôi. Ngoài những dòng sông bồi còn bao nhiêu kênh rạch chằng chịt chảy qua những xóm làng trù phú, những miệt vườn cây ăn quả với mận, nhãn, cam, xoài… chi chít hoa trái. Đó đây đã mọc lên nhưng cây cầu mới cực kì hiện đại, rất thuận tiện cho việc đi lại để dần dần thay thế đò, phà và những nhịp cầu khỉ gầy guộc chênh vênh bắc ngang mặt nước.

Mai Thu

0