06/02/2018, 10:29

Bài 10 – Luyện nói kể chuyện

Bài 10 – Luyện nói kể chuyện Hướng dẫn Đề: Kể về một cuộc thăm hỏi gia đình liệt sĩ neo đơn. Bài tham khảo Bà cụ Tư Lâm, 75 tuổi, là một bà mẹ liệt sĩ có ba người con, hai trai, một gái đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Cụ đang sống một mình trong căn nhà ...

Bài 10 – Luyện nói kể chuyện

Hướng dẫn

Đề: Kể về một cuộc thăm hỏi gia đình liệt sĩ neo đơn.

Bài tham khảo

Bà cụ Tư Lâm, 75 tuổi, là một bà mẹ liệt sĩ có ba người con, hai trai, một gái đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Cụ đang sống một mình trong căn nhà tình nghĩa ở gần trường em. Lớp em đã quyết định phân công nhau thường xuyên đến thăm hỏi và giúp đỡ bà cụ trong sinh hoạt.

Theo sự sắp xếp của lớp, hôm nay tới lượt Liên, Tứ và em đến nhà cụ làm nhiệm vụ. Vì là chủ nhật nên đúng bảy giờ sáng chúng em đã có mặt tại nhà cụ. Cụ đã dậy từ lâu, đang ngồi một mình trên chiếc ghế mây cũ đặt trước cửa nhà, miệng chậm rãi nhai trầu. Trong tay, cụ còn cầm chiếc cối giã trầu nhỏ làm bằng đồng thau đã cũ. Chúng em chào cụ. Cụ ôn tồn chào lại và hỏi:

– Các cháu đã tới đấy à? Những đứa nào vậy, bà nhìn chẳng rõ đứa nào?

– Thưa nội – chúng em thường gọi cụ như vậy – chúng cháu là Liên, Hoa và Tứ đấy ạ.

– À, các cháu Liên, Hoa, Tứ. Các cháu tốt quá, cứ thay phiên đến giúp bà thế này còn thời gian đâu mà học bài?

– Nội khỏi lo nội ạ, hôm nay là chủ nhật mà, chúng cháu sẽ học bài, làm bài vào buổi chiều, buổi tối.

– Các cháu đến thăm bà, thì cứ ngồi đây chơi với bà, nhà chả có việc chi nhiều.

– Dạ! Nội cứ để chúng cháu làm, nội ngồi nghỉ cho khỏe. Với lại chúng cháu vừa làm vừa trò chuyện với nội vẫn được cơ mà!

– Chà! Các cháu siêng quá! Thật đáng khen!

Chúng em dùng khăn lau sạch sẽ bàn ghế giường tủ cho cụ. Những thứ đồ gỗ đẹp đẽ này cũng là do Ủy ban xã mới tặng cụ đấy. Chúng em lấy chổi ra quét nhà, quét sân và hốt rác đổ vào cái hố nhỏ được lớp em đào ở góc vườn nhà cụ.

Liên vừa làm vừa nói: "Nội ơi! Nội có chuyện gì hay kể cho chúng cháu nghe đi nội!".

– À, gì chứ kể chuyện thì nội chẳng thiếu đâu. Để nội kể chuyện Tống Trân – Cúc Hoa cho các cháu nghe nhé!

– Dạ! Nội kể đi!

Cụ còn nhớ rành rọt câu chuyện cũ. Đoạn nói về Cúc Hoa bị chết, hai con của Cúc Hoa và Tống Trân là Nghi Xuân và Tiến Lực còn nhỏ tuổi mà đã bị mụ dì ghẻ Tào Thị đuổi đi ăn mày làm chúng em vô cùng xúc động, chúng em vừa làm vừa chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại xen vào một câu hỏi nhỏ hoặc một lời bình luận.

Quét dọn xong, chúng em ra vườn tưới rau. Bốn luống rau muống trong mảnh vườn nho nhỏ trước cửa nhà cũng do Đội em tới cuốc đất và trồng cho cụ. Rau lên thật tốt, lá non xanh rờn. Em hái một mớ nhỏ bó lại rồi tưới nước vào các luống, còn Liên thì nhổ các cây cỏ dại mọc xen trong các luống rau.

Tưới rau xong, chúng em vào nhà sắp bữa cho cụ. Em thì nhặt rau, rửa rau; Liên thì vo gạo. Chúng em lấy lá dừa đã phơi khô chụm lửa nấu nước uống, luộc rau và nấu cơm. Em thấy trong chạn đựng thức ăn của cụ đã có một tô cá lóc kho kĩ. Thấy chúng em thổi cơm, nấu nước, cụ bảo:

– Việc này bà còn làm được, các cháu để bà làm.

– Thôi nội già rồi, để chúng cháu phụ giúp nội, hơn nữa, nội đã làm nhiều rồi. Đời nội đã lo toan vất vả cho gia đình, cho đất nước nhiều rồi. Bây giờ nội cần được nghỉ ngơi và phải để cho bọn trẻ chúng cháu phụ giúp.

Liên lễ phép nói với cụ Lâm như vậy. Khi mọi thứ đã xong, chúng em rót nước sôi vào bình thủy và lấy mâm, chén đũa ra dọn cơm.

Cụ bảo:

– Hai cháu ngồi cùng ăn với bà cho vui!

– Nội cứ việc đi ăn nội ạ, chúng cháu ăn quà sáng rồi, giỡ hãy còn no mà.

– Chà bọn bây! Đứa nào cũng sợ bà nghèo, thiếu gạo không ăn cơm của bà.

Không phải vậy đâu nội ạ! Chúng cháu no thật đấy! Cụ Lâm ăn thong thả như vừa ăn vừa ngẫm nghĩ về hạt gạo, miếng cơm. Xong bữa, em dọn dẹp chén và đũa đi rửa, còn Liên pha trà rót nước mời cụ uống.

Chúng em còn ở chơi với cụ tới hơn mười giờ trưa mới về. Trước khi ra về, Liên lấy ba cây nhang ra đốt rồi cắm vào lư hương đặt ở bàn thờ, trước mặt ba liệt sĩ. Em nhìn ảnh các liệt sĩ, người nào nét mặt cũng còn trẻ măng, miệng như mỉm cười vui vẻ, em càng nhận ra sự đóng góp của gia đình cụ cho đất nước là vô cùng lớn lao và càng thấy kính yêu cụ như đối với một người bà con ruột thịt của mình.

Mai Thu

0