06/02/2018, 10:27

Bài 26 – Cây tre Việt Nam

Bài 26 – Cây tre Việt Nam Hướng dẫn ĐỌC – HIỂU BÀI VĂN 1 – Đại ý của bài văn: Bài văn ca ngợi cây tre, người bạn lâu đời của nhân dân Việt Nam; tre gắn bó với cuộc sống con người, luôn cùng con người lao động, chiến đấu và trở thành một biểu tượng của dân tộc Việt Nam giản dị, ...

Bài 26 – Cây tre Việt Nam

Hướng dẫn

ĐỌC – HIỂU BÀI VĂN

1 – Đại ý của bài văn:

Bài văn ca ngợi cây tre, người bạn lâu đời của nhân dân Việt Nam; tre gắn bó với cuộc sống con người, luôn cùng con người lao động, chiến đấu và trở thành một biểu tượng của dân tộc Việt Nam giản dị, khiêm tốn, cần cù, thủy chung, cương trực, kiên cường, bất khuất.

– Bố cục của bài văn:

Đoạn thứ nhất: Từ đầu đến chỗ "Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người". Đoạn này giới thiệu khái quát về cây tre, về các chủng loại tre, về những tính cách tốt đẹp của cây tre, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam cần cù, giản dị và anh dũng.

Đoạn thứ hai: Từ chỗ "Nhà thơ đã có lần ca ngợi…" cho đến "… hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre". Đoạn này đi sâu vào các đức tính của tre: Tre gắn bó với con người trong lao động. Tre gắn bó với con người trong đời sống tình cảm. Tre gắn bó với con người trong chiến đấu và trên đồng quê Việt Nam luôn vang ngân tiếng nhạc của trúc của tre.

Đoạn thứ ba là phần còn lại: Đoạn này khẳng định sự gắn bó mãi mãi của tre với dân tộc Việt Nam và tre mãi mãi trở thành một biểu tượng của con người Việt Nam giản dị, khiêm tồn, cần cù, thủy chung, cương trực, kiên cường, bất khuất.

2. a) Những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự gắn bó của tre với con người trong lao động và trong cuộc sống hàng ngày:

– Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau… nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Bóng tre trùm lên âu yếm làng bản, xóm thôn. Dưới bóng tre xanh… người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre, nứa, mai, vầu giúp người trăm nghìn công việc khác nhau. Cối xay tre nặng nề quay… xay nắm thóc. Giang chẻ lạt. Những mối tình quê nỉ non dưới bóng tre, bóng nứa. Các em bé chơi mấy que chuyền đánh chắt bặng tre. Tuổi già hút thuốc bằng điếu cày tre. Trẻ nhỏ nằm nôi tre, người già nằm trên giường tre, tre với người sống chết có nhau, chung thủy.

b) Nêu giá trị của phép nhân hóa trong bài: phép nhân hóa đã được sử dụng để nói về tre và sự gắn bó của tre với người: cây tre là bạn thân của nhân dân Việt Nam. Tre ăn ở với người đời đời, kiếp kiếp. Tre, nứa, mai, vầu giúp người trăm nghìn công việc. Tre vẫn còn vất vả mãi với người. Tre là người nhà. Tre với mình sống có nhau, chết có nhau, chung thủy. Tre là đồng chí chiến đấu của ta. Tre cùng ta làm ăn, lại cùng ta đánh giặc. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người, tre, anh hùng lao động? Tre, anh hùng chiến đấu! Hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre. Nứa tre… chia bùi sẻ ngọt… với chúng ta.

Có thể nói nghệ thuật tu từ chủ yếu của bài viết này là nhân hóa.

3. Ở phần kết của bài, tác giả hình dung vị trí của cây tre trong tương lai khi đất nước ta đi vào công nghiệp hóa.

"Ngày mai, trên đất nước này, sắt thép có thể nhiều hơn tre, nứa. Nhưng trên đường trường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình. Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi. Nhưng chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng. Tiếng sáo diều tre cao vút mãi". Như vậy là ở thời đại nào tre cũng vẫn luôn gắn bó với người.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa ngổn ngang sắt thép, cây tre vẫn là một thứ cây quí cho ta bóng mát, làm giảm đi sự ô nhiễm môi trường sống. Tre còn có thể làm hàng mĩ nghệ, làm hàng xuất khẩu đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho đất nước.

4. Vẻ đẹp và phẩm chất cao quý của cây tre:

Măng mọc thẳng: ở đâu tre cũng xanh tốt. Dáng tre mộc mạc, màu tre nhũn nhặn. Tre lớn lên cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre thanh cao, giản dị, chí khí như người. Bóng tre trùm mát xóm làng. Dưới bóng tre, thấp thoáng mái chùa cổ kính. Tre cũng bất khuất như người nên đã xông ra chiến đấu chông quân thù cùng người giữ làng giữ nước.

Tre còn làm nên một nét đẹp trong đời sống tình cảm và văn hóa của con người: tre đi vào những câu hát giao duyên, tiếng sáo tre du dương giữa trời quê trên những cánh diều. Tre làm cây đu cho con người bay vào không gian trong các ngày lễ hội.

– Có thể nói cây tre là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam vì cây tre mang đầy đủ những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam: giản dị, nhã nhặn, ngay thẳng, thủy chung, kiên nhẫn, cần cù, dũng cảm và kiên cường, bất khuất.

Tóm tắt:

Cây tre là bạn thân thiết lâu đời của người nông dân và nhân dân Việt Nam. Cây tre có vẻ đẹp bình dị và nhiều phẩm chất quý báu. Cây tre đã thành một biểu tượng của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Bài Cây tre Việt Nam có nhiều chi tiết, hình ảnh chọn lọc mang ý nghĩa biểu tượng, sử dụng rộng rãi và thành công phép nhân hóa, lời văn giàu cảm xúc và nhịp điệu.

LUYỆN TẬP

Những câu tục ngữ, cao dao, truyện cổ tích Việt Nam có nói đến cây tre, một thứ cây đã gắn bó lâu đời với dân tộc ta:

– Tre già măng mọc.

– Miệng ăn măng trúc, măng mai

Những giang cùng nứa, lấy ai bạn cùng!

(Câu này nói về nỗi buồn tẻ, cô quạnh của những người lính thú thời xưa phải đóng ở miền rừng núi).

– Con mèo, con chó có lông

Cây tre có mắt, xanhđồng có quai.

(Xanh là một loại chảo sâu lòng dùng để nấu nướng)

– Truyện Cây tre trăm đốt là truyện cổ tích trong đó cây tre có một vị trí rất quan trọng.

Truyền thuyết Thánh Gióng cũng kể: Thánh Gióng đã nhổ tre quật vào quân giặc và do ngựa sắt phun lửa nên bây giờ vẫn còn lại giống tre đằng ngà có màu vàng óng.

Mai Thu

0