Bài 25 – Viết bài tập làm văn số 6 – Văn tả người (làm tại lớp)
Bài 25 – Viết bài tập làm văn số 6 – Văn tả người (làm tại lớp) Hướng dẫn Đề 1: Em hãy tả lại một người nào đó tùy theo ý thích của mình. Bài tham khảo Phần mở bài: Ở lớp em, Thảo là một học sinh có tài kể chuyện. Thảo đã tham dự và đạt giải nhất trong Hội thi kể chuyện do ...
Bài 25 – Viết bài tập làm văn số 6 – Văn tả người (làm tại lớp)
Hướng dẫn
Đề 1: Em hãy tả lại một người nào đó tùy theo ý thích của mình.
Bài tham khảo
Phần mở bài: Ở lớp em, Thảo là một học sinh có tài kể chuyện. Thảo đã tham dự và đạt giải nhất trong Hội thi kể chuyện do nhà trường tổ chức vào đầu tháng trước.
Phần thân bài: Hôm ấy là một ngày chủ nhật. Hội trường được trang trí đẹp. Phía trên sân khâu, tấm màn lớn màu xanh da trời được căng lên với hàng chữ màu đỏ được cắt dán rất khéo: HỘI THI KỂ CHUYỆN. Mấy ngọn đèn cũng được bật lên. Trên chiếc bục kê giữa sân khấu đặt một bình hoa đẹp. Máy móc đã sẵn sàng. Đây là hội thi tổ chức riêng cho học sinh của tám lớp sáu trong trường. Các thầy, cô giáo, nhiều vị phụ huynh học sinh và tát cả các bạn trong khôi sáu đã đến ngồi chật hội trường. Thầy hiệu trưởng nói vắn tắt vài lời về mục đích cuộc thi. Cuộc thi bắt đầu. Sau vài bạn lên kể trước đến lượt Thảo. Thảo có dáng người thon thả, cao cao. Mái tóc dài mượt mà buông xuống chấm vai. Đôi mắt Thảo sáng long lanh thể hiện rõ niềm phấn khởi và sự tự tin. Nước da Thảo trắng hồng, hai má hơi ửng đỏ. Thảo ăn mặc gọn gàng và đẹp. Áo sơ mi trắng, cổ đeo khăn quàng đỏ. Váy dài tới đầu gối, màu xanh nước biển. Chân Thảo đi vớ trắng và mang đôi giày vải trắng. Thảo bước lên bục, cúi đầu chào khán giả rồi bình tĩnh đi vào câu chuyện. Câu chuyện Thảo kể là chuyện Thạch Sanh, một câu chuyện cổ tích khá quen thuộc mà nhiều người đã biết. Giọng Thảo trong trẻo vang lên. Cả hội trường im lặng lắng nghe và càng lúc càng bị cuốn hút vào câu chuyên éo le, li kì, thú vị. Thảo nắm rất vững câu chuyện, biết chỗ nào chỉ cần nói lướt, chỗ nào nên nhấn mạnh và đi sâu vào các chi tiết quan trọng. Giọng Thảo điềm đạm kể về cảnh sống của Thạch Sanh dưới gốc đa. Giọng Thảo thế hiện rõ sự mỉa mai, khinh ghét khi nói về gã Lí Thông xảo trá lọc lừa. Giọng Thảo trở nên sôi nổi và có phần căng thẳng khi kể về các cuộc chiến đấu của Thạch Sanh với chằn tinh, với đại bàng hung ác. Giọng Thảo lắng xuống với vẻ buồn trách khi kể về chuyện Thạch Sanh bị giam trong ngục. Giọng Thảo đầy thương cảm khi kể chuyện công chúa bị câm. Giọng Thảo trở nên vui vẻ hào hứng khi kể Thạch Sanh được gặp lại công chúa và được kết duyên cùng nàng rồi lên ngôi báu. Cả gương mặt của Thảo và hai tay của Thảo cũng luôn biến đổi theo câu chuyện, làm điệu bộ phụ họa nhịp nhàng theo lời kể. Lời kể giúp người nghe hình dung ra cảnh quân mười tám nước, khi nghe tiếng đàn đã rã rời, từ bỏ con đường chiến tranh, trở về với cuộc sông hòa bình. Lời kể của Thảo khiến người ta thấy yêu mến, kính phục Thạch Sanh hơn và cũng căm ghét Lí Thông hơn. Lời kể của Thảo giúp người nghe thêm tin vào sức mạnh của lòng nhân hậu, của chính nghĩa và của tình yêu chân thực.
Phần kết bài: Thảo kể xong, cúi đầu chào mọi người rồi đi xuống. Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay khen ngợi. Sau hội thi, khi ra về, em nhớ mãi hình ảnh của Thảo tay trái ôm bó hoa, tay phải ôm phần quà tặng cùng đứng chụp hình với thầy hiệu trưởng, nét mặt hân hoan, nụ cười tươi tắn, hồn nhiên.
Đề 2: Ở gia đình em có một em bé đang tuổi tập nói, tập đi. Em hãy tả hình dáng, tính nết thơ ngây của em bé đó.
Bài tham khảo
I. "Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi". Bà em nói đúng. Bé Tăng Hòa – cháu gọi em là cô, 19 tháng tuổi đã lẫm chẫm tập đi và bi bô tập nói. Hằng ngày bé mang lại cho cả nhà em những niềm vui ngộ nghĩnh.
II. Tăng Hòa trông thật là xinh xắn. Bé có thân hình nhỏ nhắn, bụ bẫm, dễ thương. Khuôn mặt bé tròn trĩnh, nước da hồng hào, bụ sữa. Tay chân bé tròn hằn rõ từng ngấn.
Tóc tơ đen nhánh phủ kín trên đầu, đôi mắt đen láy mở to như đôi hạt nhãn, ít khi thấy chớp. Đôi má trắng hồng phúng phính. Mỗi khi bé cười, hằn rõ đôi lúm đồng tiền và để lộ ra hàm răng mới nhú ba chiếc răng sữa trông ngộ nghĩnh lạ.
Nửa tháng nay, Tăng Hòa lon ton tập đi. Đôi chân bé chập chững bước ngắn. Trông dáng người lắc lư, đầu chúi về trước của bé mới thú vị làm sao. Tuy bị té lên té xuống hoài nhưng không lần nào bé khóc. Bây giờ, trước mặt mọi người, có ai bảo: "Bé Hòa làm ông già đi" là bé liền đứng lên, lưng cúi lom khom, tay vờ chống gậy, bước nghiêng bước ngửa làm cả nhà cười rộ.
Miệng luôn cười tươi, Tăng Hòa cũng đang bi bô tập nói. Bé mới nói được vài tiếng: bà, ba, má, măm… còn các tiếng khác giọng bé nói ngọng ngịu đến buồn cười. Mỗi lần thấy ai trong nhà chuẩn bị đi đâu là bé lên tiếng "ti, ti" đòi đi theo. Có điều gì không vừa ý là bé lăn ra nằm vạ. Anh chị của em thường tập cho bé biết chào hỏi ông, bà, cô chú… và bất cứ người lớn nào đến nhà chơi. Lần nào, bé cũng ngoạn ngoãn khoanh tay cúi đầu: "Dạ! Dạ!". Những lúc được khen bé thích thú lắm. Nhưng thích thú nhất đối với Tăng Hòa là được ẵm đi chơi. Khi ấy đôi mắt sáng lên, bé nhảy cẫng lên sung sướng.
III. Tăng Hòa là niềm vui của cả nhà em. Từ khi có bé, cả nhà em vui nhộn hẳn lên. Trong nhà em, ai cũng cưng chiều bé, cũng mong bé ăn no, ngủ ngoan, chóng lớn…
Đề 3: Tả một bạn học của em.
Bài tham khảo
I. Trong lớp tôi có nhiều bạn, mỗi bạn một tính: bạn thì siêng năng, bạn lại biếng nhác, bạn ưa nghiêm trang, bạn lại thích đùa nghịch… Nhưng chỉ có Nhã Nam là học giỏi, được nhiều người quý mến nhất và cũng là người bạn thân nhất của tôi.
II. Năm nay Nhã Nam 12 tuổi. Dáng người ốm, hơi cao. Nước da không trắng lắm nhưng hồng hào khỏe mạnh, vầng trán rộng và cao biểu lộ sự thông minh. Đặc biệt nhất là đôi mắt bạn sáng và đen lay láy. Chiếc mũi thẳng và cao làm tôn lên khuôn mặt xinh xắn. Có duyên nhất vẫn là cái miệng luôn luôn nở nụ cười của bạn, khiến cho mọi người dễ mến. Mỗi khi bạn cười, môi lại nhếch lên để lộ hàm răng trắng đều.
Nhã Nam vui tính lại hay hát, đôi khi tinh nghịch. Làm việc gì bạn cũng nhanh nhẹn, gọn gàng, thích đùa. Có bạn là có tiếng nói cười ríu rít, ít khi thấy bạn đi học với bộ quần áo nhăn nheo, nhầu nát. Nhã Nam đi đứng khoan thai và không hấp tấp, nói năng hòa nhã với mọi người.
Bạn bè ai nấy đều yêu mến vì tính xởi lởi, chan hòa của bạn. Không những vui tính mà Nhã Nam lại còn hay giúp đỡ bè bạn. Trong học tập, ai không hiểu điều gì, bạn cũng đều chỉ dẫn tận tình. Ai thiếu đồ dùng gì, bạn cũng đều vui vẻ cho mượn.
Trong lớp, Nhã Nam luôn chăm chú nghe thầy giảng bài. Bài tập ở nhà bạn đều làm đầy đủ và chu đáo. Nhờ đó Nhã Nam học giỏi, nhiều lần được thầy khen ngợi và đem bạn ra làm gương cho cả lớp. Được như vậy nhưng Nhã Nam vẫn một mực khiêm nhường, từ tốn. Bạn luôn nhường nhịn mọi người. Chưa lần nào thấy bạn cãi cọ với ai. Tuy vậy, bạn lại tỏ ra rất can đảm mỗi khi bị người hiếp đáp mình hay hiếp đáp bạn mình.
III. Cũng như bè bạn trong lớp, em rất quý mến Nhã Nam. Chơi thân với bạn, em hiểu được mọi người quý mến là một hạnh phúc, vì vậy, em thầm hứa sẽ noi gương bạn.
Đề 4: Em hãy tả một người thân đang làm việc, ví dụ: đang nấu cơm, khâu vá, làm vườn, đọc báo, xây nhà hay học bài…
Bài tham khảo
I. Đang ngủ ngon em, bỗng giật mình trở giấc, qua lớp vải mùng thưa, em thấy mẹ đang ngồi bên ánh đèn leo lét vá áo cho em.
II. Đó là chiếc áo trắng duy nhất mà em mặc để đi học. Vì nhà nghèo, ba mất sớm, mẹ em phải buôn bán suốt ngày để nuôi em và hai đứa em còn nhỏ. Mẹ dành dụm nhiều ngày mới sắm được chiếc áo đó. Phải chi hồi chiều em đừng giỡn với thằng Đức thì đâu đến nỗi áo bị rách ở bả vai. Đi học về, em cố giấu mẹ nhưng mẹ vẫn nhìn thấy. Mẹ em chỉ thở dài mà không nói năng gì.
Dưới ánh đèn, tay mẹ kéo từng đường chỉ may. Thỉnh thoảng mẹ khom xuống gần ngọn đèn nhìn cho rõ hơn. Tuy đã ngoài 40 tuổi, mắt mẹ em chưa đến nỗi phải mang kính, nhưng dáng mẹ em hơi gầy. Có lẽ là do công việc làm ăn hằng ngày nên mẹ em quá vất vả.
Trời đã khuya lắm.
Bên ngoài không một tiếng người qua đường nói chuyện ngoại trừ tiếng côn trùng rỉ rả. Xa xa, vài tiếng chó sủa trong đèm vọng lại hòa với tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ treo trên vách đều đều như đếm từng nhịp thời gian trôi qua.
Lâu lâu, mẹ đưa áo lên ngắm lại, xem đường vá có ngay ngắn không. Nhìn bóng mẹ in trên vách, em muôn bước xuống chạy đến bên mẹ, ôm hôn mẹ, nhưng rồi lại nằm yên nhìn mẹ. Đến thật khuya, em bèn hỏi mẹ:
– Mẹ ơi! Sao mẹ chưa ngủ, khuya lắm rồi?
– Con cứ ngủ ngon, mai đi học sớm. Mẹ vá một chút nữa là xong.
III. Nhìn mẹ cặm cụi thức khuya vá áo cho em, em thương mẹ quá. Tình mẹ đối với em như trời cao biển rộng, thiêng liêng vô cùng. Mẹ là cả một bầu trời yêu thương đốì với em. Những người không có mẹ chắc là khổ lắm. Thế mà có nhiều lúc em đối với mẹ thật là vô tình.
Mai Thu