23/05/2018, 14:52

Cách trồng dưa chuột

Đặc điểm của cây dưa chuột Cây dưa chuột có tên khoa học là Cucurmis satluus, còn gọi là dưa leo, cây leo hằng năm, họ Bầu bí (Cucurbitaceae). Thân, lá có lông, nhiều cành, có góc cạnh. Quả tròn dài, màu lục nhạt hay vàng, mặt ngoài nhẵn hay có u lồi hình gai. Là cây ưa nhiệt, sinh trưởng và phát ...

Đặc điểm của cây dưa chuột

Cây dưa chuột có tên khoa học là Cucurmis satluus, còn gọi là dưa leo, cây leo hằng năm, họ Bầu bí (Cucurbitaceae). Thân, lá có lông, nhiều cành, có góc cạnh. Quả tròn dài, màu lục nhạt hay vàng, mặt ngoài nhẵn hay có u lồi hình gai. Là cây ưa nhiệt, sinh trưởng và phát triển tốt từ 25 đến 30°c. Nhiệt độ cao hơn cây sẽ ngừng phát triển, ở 35 – 40°c kéo dài cây sẽ chết. Nhiệt độ thích hợp, cây sẽ ra hoa vào ngày thứ 26 sau khi nảy mầm, nhiệt độ càng thấp thời gian ra hoa càng kéo dài.

Dưa chuột là cây ngắn ngày, ưa sáng, độ chiếu sáng 10-12 giờ/ngày. Nắng nhiều giúp cây quang hợp tốt, làm tăng năng suất, chất lượng quả và rút ngắn thời gian lớn của quả.

Dưa chuột cũng là cây yêu cầu độ ẩm rất lớn: độ ẩm đất 85-90%, độ ẩm không khí 90 – 95%. Song lại yếu chịu hạn, thiếu nước cây sinh trưởng kém và còn tích lũy chất cucurbltaxina làm cho quả đắng. Thời kỳ ra hoa đậu quả cần rất nhiều nước.

Trong 100g dưa chuột có 90,2g nước; 2,8g gluxit; 21,9mg canxi; 25,7mg photpho, 1mg sắt và 4mg vitamin c.

Cách trồng

Dưa chuột là rau ăn quả, dễ trồng, rất phổ biến ở nước ta. Song muốn có nhiều quả, cần lưu ý những điều sau:

Giống dưa chuột: hầu hết các giống đang trồng là giống địa phương, được phân thành 3 nhóm.

Nhóm quả nhỏ: đang trồng phổ biến ở Tam Dương (Vĩnh Phúc), Phú Thịnh (Hải Phòng). Quả dài dưới 11cm, đường kính 2,5 – 3,5cm. Thời gian sinh trưởng ngắn 65-80 ngày.

Nhóm quả trung: nhóm ở vùng đồng bằng (Yên Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng.. quả dài 15 – 20 x 3,5 – 4,5cm. Thời gian sinh trưởng 75 – 85 ngày. Dùng ăn tươi hay chẻ ra đóng hộp.

Hai nhóm quả này, trên vỏ quả có gai màu đen hay màu nâu, nên làm quả nhanh ngả sang màu vàng, nhưng chống được bệnh phấn trắng và bệnh sương mai. Chất lượng quả tốt.

Nhóm dưa quả dài, có 2 dạng quả:

Dưa đưa từ Nhật sang dùng muối mặn. Giống F1 kích thước 30 – 40 X 4 – 5cm, mỗi quả nặng 200 – 400g, quả giống nặng 700g. Giống Đài Loan, quả nhẵn, dài 20 – 30 x 4 – 5cm. Quả xanh hoặc xanh đậm, gai trắng. Thời gian sinh trưởng 90 – 110 ngày. Giống dưa này hay bị sương mai và phấn trắng nhẹ.

Thời vụ.

Dưa chuột trồng bằng hạt. Trước khi gieo, hạt ngâm vào nước lạnh 3 – 4 giờ, ủ cho nứt nanh. Mỗi năm trồng được nhiều vụ:

+ Vụ chính trồng vào vụ xuân, gieo hạt cuối tháng giêng, đầu tháng 2, thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7. Nếu gieo hạt sớm hơn trời quá lạnh, thời gian sinh trưởng kéo dài, cây yếu. Gieo hạt muộn sẽ gặp mưa sớm và nhiệt độ cao làm giảm tỷ lệ đậu quả, năng suất thấp.

Vụ hè gieo hạt từ tháng 4 đến tháng 7, thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 9, 10. Vụ đông gieo hạt cuối tháng 9 đầu tháng 10, thu hoạch vào tháng 11 đến giữa tháng 12. Các tỉnh phía Nam gieo hạt vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, thu hoạch quả giữa tháng 6 cho đến hết tháng 7.

Đất trồng, bón phân

Dưa chuột có bộ rễ yếu, nên đất trồng phải làm kỹ. Cày bừa, nhặt cỏ rác, tàn dư của cây vụ trước, lên luống ngay tránh mưa. Rạch hàng theo luống, khoảng cách các luống 1,5m; mặt luống rộng 1,2m; cao 30cm; rãnh rộng 30cm

Dùng phân chuồng ủ hoai trộn với phân lân và vôi bột (nếu đất có pH dưới 5) cùng một nửa phân đạm và phân kali, trộn đều, cho vào hốc, đảo đều, lấp một lớp đất nhẹ. Mỗi luống gieo 2 hàng, mỗi hàng cách nhau 60cm, hốc cách hốc 40cm. Mỗi hốc gieo 3 hạt, sau đó tỉa bớt còn lại 2 cây.

Nếu trồng giống F2 thì để lại 1 cây. Mỗi sào Bắc bộ gieo 50g giống với các giống địa phương, 30 – 40g với giống FT.

Trồng dưa chuột vào vụ xuân phải ủ cho hạt nứt nanh rồi mới gieo, hạt ấn sâu xuống đất 1 – 1,5cm, rắc đất mịn lên trên, phủ một lớp mùn mục hoặc trấu rồi tưới.

Số lượng phân cho môt vụ dưa chuột

Loại phân Tổng lượng phân (kg nguyên chất/sào) Bón lót
(%)
Bón thúc(%)
1 2
Phân chuồng 700 100
Phân đạm 5 – 6 50 25 25
Phân lân 7 100
Phân kali 8 50 25 25
Vôi bột (nếu đất có pH 5) Vôi bột

Chăm sóc

Khi cây có 4 – 5 lá thật, ra tua cuốn thì bón thúc một nửa số phân đạm và phân lân còn lại, kết hợp với xới xáo, vun luống, nhặt cỏ, tưới nước vào rãnh (nếu trước đó 5 – 7 ngày không có mưa), ngâm 3 – 4 giờ cho ngấm rồi tháo hết nước thừa. Sau 3 – 4 ngày rãnh khô, đất ở luống còn ẩm tiến hành cắm giàn.

Giàn dưa chuột thường làm theo hình chữ nhân, buộc chắc chắn, dùng dây đay hay dây chuối mềm buộc ngọn đưa lên giàn. Buộc dây liên tục cho đến khi cây ngừng sinh trưởng (khi đã thu được 3 – 4 lứa quả).

Sau khi thu quả lứa đầu, dùng một nửa số đạm và kali còn lại tưới thúc cho cây. Nếu trời mưa, đất ẩm thì dùng cuốc bổ giữa 2 gốc cây rồi rắc phân, lấp đất lại, kết hợp làm cỏ, ngắt bỏ lá già, lá bị bệnh.

Nưóc tưới cho dưa phải lấy từ các giếng khoan, sông, hồ không bị ô nhiễm.

Thu hoạch và để giống dưa

Sau khi quả đậu 7 – 10 ngày là hái được. Nếu để quá ngày quả già sẽ ảnh hưởng đến lứa quả sau, năng suất giảm. Nên thu quả vào buổi sáng, chiều tối, tưới phân. Thời kỳ quả ra rộ, có thể thu 2 – 3 ngày một đợt.

Muốn để giống (chỉ dùng cho giống địa phương, giống FT không cho quả năm sau), các giống dưa phải trồng cách xa nhau ít nhất 2km. Mỗi cây chỉ lấy 3 – 4 quả giống sau lần thu đầu tiên, để những quả ở giữa thân, nhặt bỏ hết các hoa cái khác để cây tập trung nuôi quả giống. Quả giống được 25-30 ngày tuổi thu về để chín tiếp 4 – 5 ngày nữa, rồi bổ dọc quả, nạo hết hạt ngâm vào nước sạch một đêm, đãi kỹ, phơi nắng nhẹ 3 – 4 ngày. Cất hạt vào lọ, chum vại bên dưới lót một lớp vôi (hay tro khô) có thể cất giữ 3 – 4 năm.

Sâu, bệnh

Dưa chuột cũng bị nhiều sâu, bệnh như các loại rau thuộc họ Bầu bí khác. Muốn đạt năng suất cao, không bị sâu hại phải áp dụng phương pháp phòng trừ tổng hợp, kết hợp với thâm canh hợp lý, bón phân cân đối, đúng kỳ hạn và vệ sinh đồng ruộng thường xuyên, bỏ lá già phía dưới tạo thông thoáng cho cây, hạn chế sâu hại phát triển.

0