18/06/2018, 16:01

Ai đã đặt tên cho dòng sông Cửu Long

Võ Hương An Diện mạo Cửu Long Giang Sông Cửu Long, mà quốc tế gọi là sông Mekong, là con sông lớn vào hàng thứ 7 của châu Á, hàng thứ 12 của thế giới, phát nguyên từ cao nguyên Tây Tạng, dài 4,909 km, chảy qua lãnh thổ 6 nước: Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cambodia, ...

song cuu long

Võ Hương An

Diện mạo Cửu Long Giang

Sông Cửu Long, mà quốc tế gọi là sông Mekong, là con sông lớn vào hàng thứ 7 của châu Á, hàng thứ 12 của thế giới, phát nguyên từ cao nguyên Tây Tạng, dài 4,909 km, chảy qua lãnh thổ 6 nước: Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cambodia, và đổ nước ra Biển Đông qua 9 cửa thuộc lãnh thổ Việt Nam, là: Đại, Tiểu, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Ba Lai, Định An, Ba Thắc và Trần Đề. Thực ra, nói 9 cửa là nói chuyện đời xưa, chuyện của thế kỷ 20 trở về trước. Ngày nay, Cửu Long chỉ còn chảy ra 8 cửa. Cửa Ba Thắc (Bassac) đã bị phù sa bồi lấp trong thập niên 1970. Trong tương lai không xa, cửa Ba Lai cũng sẽ không còn. Điều này thấy rõ trên bản đồ vệ tinh của Google.

Sông Cửu Long và lưu vực (vùng màu trắng)

Sông Cửu Long và lưu vực (vùng màu trắng)

Tại Huế, có con sông đào với tên chính thức là Lợi Nông Hà, dài chừng 20km, được đào dưới đời Gia Long vì lợi ích nông nghiệp, khi chảy qua vùng Bến Ngự thì gọi là sông Bến Ngự, qua Phủ Cam thì gọi la sông Phủ Cam, qua An Cựu thì gọi là sông An Cựu, huống chi đã lớn lại dài hàng ngàn cây số như sông Mekong thì mang nhiều tên cũng không có gì lạ. Bởi vậy, khi chảy trên cao nguyên Vân Nam thuộc Trung Quốc, nó là sông Lan Thương(Lancang Jiang: Lan Thương Giang), khi chảy qua Lào-Thái, nó là Mae Nam Khong, thường gọi là Mae Khong, nghĩa là sông lớn. Chính từ cái tên Lào-Thái này mà người Tây phương khi biết đến nó đã tây-hóa thành Mekong. Đi vào lãnh thổ Cambodia, nó là Tônlé Thum hay Tôn lé Mékôngk (Wikipedia). Từ Phnompenh sông tỏa thêm nhánh phụ là sông Bassac. Nhánh lớn của Mekong đi vào Việt Nam qua ngõ Tân Châu thành Tiền Giang, chảy ra 6 cửa, là Tiểu, Đại, Ba Lai (sắp tắt), Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu; còn nhánh nhỏ Bassac đổ vào Việt Nam tại Châu Đốc làm thành Hậu Giang, chảy ra hai cửa Định An và Trần Đề.

Người Việt Nam nào được cắp sách đến trường đều ít nhiều có học và biết rằng sông Cửu Long là một con sông lớn của nước ta ở phía Nam, xem đó như là một việc đương nhiên và không có ai thắc mắc rằng ai đã đặt tên sông Mekong là Cửu Long Giang? Và cái tên Cửu Long Giang có tự khi nào?

Người có kiến thức lịch sử hẳn sẽ có câu trả lời mau mắn: thì các chúa Nguyễn khi Nam tiến đến vùng đồng bằng Cửu Long bây giờ, vào thế kỷ 17,18, gặp con sông lớn này chảy ra 9 cửa, chẳng khác chi 9 con rồng phóng ra biển cả nên lấy ý đó đặt tên chữ (nho) là Cửu Long giang, chứ còn ai khác nữa?

Nếu câu trả lời này đúng và đơn giản chỉ có thế thì hẳn không có bài viết này.

Nhà Nguyễn biết đến sông Cửu Long tự khi nào?

Chữ “Nhà Nguyễn” tôi dùng ở đây bao gồm cả 9 đời chúa Nguyễn của thế kỷ 17, 18 và 13 đời vua Nguyễn, từ 1802 đến 1945.

Năm 1698 chúa Minh Nguyễn Phúc Chu phái Thống binh Nguyễn Hữu Cảnh vào tổ chức vùng đất mà lưu dân Việt và người Minh Hương đã đến khai phá và lập nghiệp từ trước trên đất Thủy Chân Lạp, lập thành hai đơn vị hành chánh mới là dinh Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay) và dinh Phiên Trấn (Gia Định sau này) nhưng triều đình Phú Xuân vẫn chưa làm chủ được Tiền Giang và Hậu Giang. Mãi đến năm 1732, vua Chân Lạp là Nặc Tha nhường đất Mesa và Long Hor (Mỹ Tho và Vĩnh Long ngày nay) cho chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ để trả ơn về việc ủng hộ ngai vàng của ông ta thì hai sông lớn này mới chính thức thuộc về Việt Nam. Tuy nhiên, lưu dân Việt và Minh Hương trước đó mấy mươi năm đã biết nước sông Tiền sông Hậu trong đục thế nào rồi.

Mặc dầu các chúa Nguyễn là những người có công mở rộng và hoàn thành cuộc Nam tiến vào năm 1757, đem lại sông nước phù sa Cửu Long trù phú về cho Việt Nam nhưng chỉ có ông chúa cuối cùng đời thứ 9, Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777), mới là người có biết sông này qua thực địa, trước khi bị Tây Sơn bắt giết ở Long Xuyên vào năm 1777. Nói như thế không có nghĩa ám chỉ Định Vương là người biết sông chảy ra 9 cửa mà đặt tên Cửu Long Giang. Ông bị Tây Sơn đuổi đánh, truy sát rất ngặt và cuối cùng mạng vong, có thì giờ đâu mà nghĩ đến chuyện Cửu Long.

Người kế nghiệp Định Vương là Công tử Nguyễn Phúc Ánh, tức Nguyễn Vương, tức vua Gia Long sau này, có thể nói là người biết tận tường và thực chứng về sông nước Cửu Long hơn ai hết, kể cả tiền bối và hậu duệ, nhờ những năm lặn lội khắp miền Nam trong thời kỳ chống trả và trốn tránh Tây Sơn nhưng ông cũng không phải là người đặt tên Cửu Long Giang, vì việc vua đặt tên cho một nơi nào đó là một việc quan trọng, phải được Quốc Sử Quán ghi vào chính sử. Cứ xem chuyện nhỏ này thì biết: trên Tiền Giang có Cù lao Rồng, ban đầu chỉ là một cái cù lao nhỏ, nhưng “Từ năm Mậu Thân (1788) trở di , cát bồi lên, ngày dần cao lớn, hình như con rồng nằm. Thế Tổ Cao hoàng đế [Gia Long]cho tên là Long Châu, dài chừng 2 dặm, làm la tinh [cái gò chắn ] trấn ngoài thủy khẩu, che giữ trấn sở, chắn át sóng dữ, rõ ràng là một nơi thắng địa.” (Trịnh Hoài Đức, tr.43) Xem thế đủ biết việc vua đặt tên cho một địa phương là chuyện sử sách không bỏ qua được. Thế nhưng…

Nhà Nguyễn không đặt tên Cửu Long Giang

Điều này mới nghe thật vô lý nhưng đó là sự thật.

Điều hiển nhiên và chắc chắn nhất là Nhà Nguyễn đã thủ đắc phần hạ lưu của sông Mekong từ năm 1732 với hai nhánh lớn có tên Tiền Giang và Hậu Giang, và nhà cầm quyền hẳn biết hai nhánh sông này đổ nước ra Biển Đông qua 9 cửa nhưng rõ ràng là Nhà Nguyễn hầu như không đả động gì đến Cửu Long Giang một cách đường hoàng minh mạch như đối với các sông lớn khác của Việt Nam như trong sử sách triều đại đã ghi. Thử lật Đại Nam Nhất Thống Chí — bộ địa-sử quan trọng nhất của triều Nguyễn — ra mà xem. Vắng tanh. Thế nhưng trong cuốn viết về tỉnh Vĩnh Long, mục Sơn xuyên thì thấy ngay hai tên Tiền Giang và Hậu Giang đường hoàng có mặt với mô tả chi tiết. Cả hai sông đều được xếp vào hạng đại giang (sông lớn) và được liệt kê vào Tự điển của triều đình (Tự điển ở đây không có nghĩa dictionary như ngày nay. Tự ở đây là cúng tế. Tự điển là sách ghi chép tên các thần linh của sông núi lớn được triều đình cúng tế hàng năm. Người xưa tin đất có Thổ công, sông có Hà Bá, núi sông lớn đều có thần làm chủ nên phải tôn trọng bằng tế tự để được thần hộ trì cho quốc gia).

Hình Tiền Giang (nhánh dưới ) và Hậu Giang(nhánh trên) được khắc chạm trên Huyền đỉnh trong Đại Nội, Huế (ảnh: Kevin Võ)

Hình Tiền Giang (nhánh dưới ) và Hậu Giang(nhánh trên) được khắc chạm trên Huyền đỉnh trong Đại Nội, Huế (ảnh: Kevin Võ)

Đã thế, năm 1836, khi cho đúc 9 cái đỉnh đồng lớn (Cửu đỉnh) đặt trước Thế miếu trong Đại Nội, Huế, vua Minh Mạng đã cho chạm hình Tiền Giang và Hậu Giang trênHuyền đỉnh. Lại lần giở đến các bộ chính sử như Đại Nam Thực Lục (Tiền biên & Chánh biên)Đại Nam Liệt Truyện (Tiền biên & Chánh biên) cũng sẽ thấy sự vắng vẻ của cái tên Cửu Long.

Việc Nhà Nguyễn không ghi chép Cửu Long Giang một cách chính thức là điều hữu lý vì Cửu Long là sông của muôn nhà thế giới, chỉ Tiền Giang và Hậu Giang mới thực là của Việt Nam nên mới xứng đáng để ghi chép. Và, tuy không nhắc đến Cửu Long nhưng không có nghĩa là triều đình Huế không biết đến nó.

Nhà Nguyễn và sông Khung (Khung Giang)

Nếu sử sách Nhà Nguyễn không nói gì đến Cửu Long Giang thì lại nhắc nhiều đến tên của một con sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam; đó là sông Khung hay Khung Giang. Khung Giang chính là Mekong, là Cửu Long Giang. Khung là nói trại của Khong trong ngôn ngữ Thái-Lào.

Trong Đại Nam Thực Lục chánh biên, (bản dịch, 2004, các tập 2,3,4,5,6,7,8,9) cái tên Khung Giang hay sông Khung được nói đến nhiều lần nhân ghi chép về các sự kiện diễn ra trên địa bàn có sông này chảy qua.

Vào thế kỷ 19 trở về trước, khi người Pháp chưa đô hộ Đông Dương, thì vùng đất trải từ đông bắc Thái Lan đến biên giới Lào Việt hiện nay, trên đó sông Mekong tức sông Khung chảy qua (nhưng chưa phải là ranh giới Lào-Thái như bây giờ) là lãnh thổ của nhiều tiểu quốc khác nhau như Nam Chưởng, Vạn Tượng, Lão Qua, Lạc Hoàn, Mục Đa Hán và nhiều bộ tộc nhỏ khác sống sát biên giới Lào Việt hiện nay. Các tiểu quốc và các bộ tộc này khi thì ngã theo Xiêm khi thì ngã theo Việt, tùy tình hình, và là đầu mối tranh chấp ảnh hưởng của hai nước lớn này. Dưới thời Nhà Nguyễn, nhất là sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước vào năm 1802, họ đều có liên lạc và xin triều cống để được bảo vệ hoặc xin nội thuộc Những nơi xin nội thuộc được vua Minh Mạng Việt hóa thành phủ huyện, như các phủ Trấn Biên và Trấn Định lập năm 1827 ở phía tây Nghệ An, phủ Trấn Man và Trấn Ninh, cũng lập cùng năm, ở phía tây Thanh Hóa. Xin trích dẫn sau đây như một ví dụ điển hình để thấy sông Khung đã xuất hiện trong chính sử Nhà Nguyễn như thế nào:

Năm 1828, “Mục Đa Hán qui phục. Mục Đa Hán ở hai bờ sông Khung Giang, tiếp giáp với Tam Động, Lạc Hoàn và Cam Lộ.[VHA nhấn mạnh] Man trưởng là Phọc Chân Xa cai quản dân bên bờ sông nam, em là Lạt Xà Bông làm Phó man trưởng, cai quản dân bên bờ sông bắc, vẫn bị Xiêm La và Vạn Tượng chèn ép. Năm ngoái, quân Vạn Tượng đến đánh. Phọc Chân Xa đem bộ thuộc chạy sang nước Xiêm, ngụ ở động Yên Sơn. Bèn đem phẩm vật địa phương đến cửa ải xin nội phụ. Trấn thần Nghệ An đem việc tâu lên. Vua [Minh Mạng] đem việc ấy xuống cho bầy tôi bàn.”(Đại Nam Thực Lục, tập 2, tr. 754)

Khi cuộc tranh chấp Việt-Xiêm tới hồi gay cấn, dẫn đến việc phải giải quyết bằng võ lực thì địa bàn sông Khung thuộc trung và nam Lào ngày nay là diễn trường và vì vậy, sông Khung được sử nhắc đến. Chẳng hạn năm 1827, Xiêm đem quân vượt sông Khung đánh nước Vạn Tượng. Vua nước này là A Nộ chống không nổi, chạy về Nghệ An xin tị nạn và cầu cứu triều đình Huế. Vua Minh Mạng cử Thống chế Phan Văn Thúy làm Trấn thủ Nghệ An kiêm Kinh lược binh vụ đại thần, có Phó tướng Nguyễn Văn Xuân và Tham tán Nguyễn Khoa Hào phụ tá, lo việc trấn giữ biên cương và liệu bề giúp đở A Nộ. Tướng Thúy đem 3,000 quân đưa A Nộ về Trấn Ninh. A Nộ lên tinh thần, đem quân tái chiếm Vạn Tượng. Nhưng sau đó, thay vì tìm cách hòa giải với Xiêm, A Nộ lại dại dột gây chiến làm quân Xiêm hiệt hại nặng cả người lẫn khí giới. Vua Minh Mạng được tin, đã xử trí ngay để tránh phải động binh lực, một mặt sai Cai đội Mạc Công Tài ở Hà Tiên đem quốc thư sang Vọng Các để giải thích với vua Xiêm trong tinh thần hòa giải về vụ xung đột và xin tha tội cho A Nộ; mặt khác, sai Cai đội Phan Văn Thống ở Nghệ An đem thư sang Vạn Tượng khiển trách A Nộ, bảo phải xin lỗi tướng Xiêm, trả lại khí giới đã thu được để tái lập hòa khí. ” Đến lúc bọn Phan Văn Thống đến đồn Phô Khâm ở bờ Nam sông Khung Giang , bị tướng nước Xiêm là Thung Vi Sa đánh úp. Thống cùng quân lính 40 người đều chết, duy Lê Đình Luật thì bị đưa sang nước Xiêm.” (Đại Nam Thực Lục, Tập 7, tr. 247)

Người Pháp, sau khi làm chủ 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) đã cử Đại úy Doudart de Lagré làm trưởng và Trung úy Francis Garnier làm phó, cầm đầu một đoàn thám hiểm sông Mekong trong các năm 1866-1868 với mục đích tìm con đường thủy tiện lợi đi vào vùng Hoa Nam. Đoàn thám hiểm khởi hành tại Sài Gòn, ngược sông đi lên Cambodia, rồi Lào và đến Vân Nam năm 1868 (de Lagrée chết bệnh ở đây). Việc này, Đại Nam Thực Lục đời Tự Đức ghi nhận như sau:

Năm 1867, “Vua [Tự Đức] mới nghe tin nước Pháp phái người đến sông Khung Giang, sai các tỉnh đạo phái người do thám, đều về không, không được việc gì, đến nay thổ mục ở Trấn Ninh thuộc tỉnh Nghệ An là Thiệu Ứng đi thám về nói người Pháp đi đến đâu vỗ về hậu đãi nhân dân, người tỉnh Quảng Bình đi thám về nói nói rằng: người Pháp đóng thuyền ở bến sông Khung Giang, chỗ ấy đóng đồn sai canh giữ nghiêm mật, thổ man không dám cho đi.(Khung Giang, sử trước chép là sông Cửu Long, trước là nước Ai Lao, nay thổ man chỗ ấy, đều là bộ lạc cũ, gọi là người Lào) vua cho những lời nói ấy chưa biết hư thực, sai hai xứ Nghệ An, Cam Lộ luôn luôn do thám tâu lên” (Đại Nam Thực Lục, tập 7, tr.1061)

Dưới đời Đồng Khánh (1885-1889), người Pháp đặt nền bảo hộ trên vương quốc Lào. Họ gặp vấn đề biên giới với Xiêm nên muốn biết rõ trong quá khứ Việt Nam đã có những kinh nghiệm như thế nào bèn hỏi triều đình Huế. Vua cho Viện Cơ Mật nghiên cứu và phúc đáp.Viện đã trình lên vua như sau:

Nước ta cùng với nước Xiêm tiếp giáp, lấy sông Khung làm giới hạn, là có đồ bản cùng sổ sách truyền lại, còn như nguyên trước hai nước có hội đồng lập giới hay không , mờ mịt không có sự tích có thể xét được,các triều kinh lý cũng ít nói đến. Bản triều, sau khi được nước, gián hoặc có cho hàng phục,đặt ra làm phủ, châu, rồi nhân nhiều việc, chế độ cương giới dần bỏ. Nay quan Pháp đến đóng để xem xét, tưởng nên định rõ bờ cõi, mở mang miền thượng du, hoặc có cơ hội, còn các việc định phái quan phủ dụ, xin do các quan tỉnh xem xét người nào am hiểu tình thế các đất Man, trao cho quan hàm, phái đi dò xét, về nên làm thế nào,có thể phủ dụ được người Man, bền vững cương giới của ta, cần phải hết lòng tính toán định liệu.” (Đại Nam Thực Lục, tập 9, tr.424)

      Đại khái đấy là một vài trong nhiều trường hợp sông Khung xuất hiện trong chính sử.

Cửu Long Giang với Gia Định Thành Thông Chí và Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ 

Khi tìm hiểu cái tên Cửu Long Giang trên …giấy, tôi cảm thấy rất thú vị khi bắt gặp trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, xuất bản ở Saigon năm 1895, đã có lời giải thích như sau:

      –Cửu Long giang: Tên sông ở về phía Vân Nam, thông với sông Không, sông Huình (sic)

Tôi nói “thú vị” vì lần đầu tiên thấy có người minh thị Cửu Long Giang là sông Không tức Khung tức Mekong. Cũng thú vị vì ông nói Cửu Long Giang thông với Huình Hà (Hoàng Hà hay Hồng Hà??). Nếu là Hồng Hà thì tôi nghĩ Paulus Của đã lấy kết quả (sai lầm) từ cuộc thám hiểm Mekong (không tới nơi tới chốn) của de Lagrée và Garnier khi cho rằng Mekong thông với Hồng Hà.

Đến khi đọc kỹ Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức và khảo sát Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ thì thấy vấn đề không đơn giản.

Trịnh Hoài Đức 鄭懷德 (1765-1825) là một khuôn mặt lớn của triều Gia Long (1802-1819) và đầu triều Minh Mạng (1820-1841).

Tổ tiên ông là người Phúc Kiến, nhiều đời làm quan Nhà Minh. Khi Nhà Thanh tiêu diệt Nhà Minh, thống trị Trung Hoa, tổ tiên ông đã bỏ nước qua tị nạn ở Đàng Trong và lập nghiệp tại Trấn Biên (Biên Hòa). Mặc dầu cha chết khi mới 10 tuổi nhưng Trịnh Hoài Đức là người thông minh, ham học lại được làm học trò của xử sĩ Võ Trường Toản nên đường học vấn rất tiến bộ. Ông chơi thân với hai bạn đồng môn khác là Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh, họp thành một bộ ba văn học có tiếng đương thời, goị là Gia Định tam gia. Ông theo giúp Nguyễn Vương từ năm 1788, sau khi đậu kỳ thi tuyển. Năm 1794, ông làm Ký lục dinh Trấn Định (Định Tường), rồi thăng Hữu Tham tri Bộ Hộ. Ông có công cung ứng lương thực đầy đủ cho các mặt trận trong các chiến dịch Nguyễn Vương chống Tây Sơn.

Năm 1801 sau khi Nguyễn Vương thu phục được Phú Xuân, Trịnh Hoài Đức được thăng làm Thượng thư Bộ Hộ, cầm đầu sứ bộ sang Trung Hoa, báo cáo việc Nguyễn Vương đã dứt Nhà Tây Sơn, đem ấn tín và sắc phong thu được của Tây Sơn cùng bọn cầm đầu đám cướp biển Tề Ngôi (Tàu Ô) giải nộp Nhà Thanh. Năm 1804, khi sứ Nhà Thanh là Án sát Tề Bố Sum sang tuyên phong vua Gia Long ở Bắc thành, Trịnh Hoài Đức giữ chức Thông dịch sứ của đại lễ.

Ông là người học rộng, thông thạo cả hai nền văn hóa và chính sự của hai nước, lại bản chất trung thành và khiêm tốn nên rất được các vua Gia Long và Minh Mạng tin dùng, các đề nghị của ông thường được nghe theo và cho thi hành. Ông đã hai lần làm Hiệp Tổng trấn Gia Định thành (1808, 1816), đã từng nhiều phen kiêm chức thượng thư hai bộ (Lại và Binh, 1821; Lại và Lễ, 1823), và kiêm giữ nhiều chức quan trọng như coi Khâm Thiên Giám (1812), Phó Tổng tài Quốc Sử Quán (1821),Chánh chủ khảo khoa thi Hội (1822), Tổng tài biên soạn Ngọc phả (1824), làm quan đến nhất phẩm triều đình.

Ông mất năm 1825. Gia Định Thành Thông Chí, là một tác phẩm quan trọng của Trịnh Hoài Đức (đã được dịch ra tiếng Việt), rất giá trị,một nguồn sử liệu phong phú về nhiều mặt (lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội…) không riêng Gia Định-Sài Gòn mà bao gồm cả miền Nam nước Việt từ thuở mới khai hoang. Sách này ông soạn xong dưới triều Gia Long nhưng qua đến đầu triều Minh Mạng mới dâng vua xem và sau đó phổ biến.Trong Gia Định Thành Thông Chí, khi nói về sông Mỹ Tho của trấn Định Tường, ông viết:

“Sông Mỹ Tho [tức Tiền Giang], ở trước trấn, làm sông cái của trấn, phát nguồn từ sông Cửu Long tỉnh Vân Nam của Trung Quốc [VHA nhấn mạnh] chảy nhanh cuồn cuộn, từ bắc mà sang tây, trải qua các nước Lào, tới sông Nam Vang nước Cao Mên , chia làm hai sông Tiền Giang và Hậu Giang, mà chảy xuống phía đông…” (tr.42)

Tiết lộ này làm cho chúng ta phải đặt câu hỏi: do đâu mà Trịnh Hoài Đức biết Tiền Giang, Hậu Giang phát nguồn từ sông Cửu Long tỉnh Vân Nam của Trung Quốc?

Cho đến thời bấy giờ, có lẽ không có ai hiểu biết rành rẽ sự liên hệ Tiền Giang-Hậu Giang-Cửu Long Giang như Trịnh Hoài Đức bởi ông có nhiều lợi thế hơn người: mang trong người hai dòng máu Hoa-Việt, sở hữu hai nên văn hóa, sinh trưởng Miền Nam, hai lần làm quan lớn cai trị Miền Nam, học thức cao, giao du rộng, nhờ vậy có đủ điều kiện hơn người để thu tập tin tức cần biết trong mọi giới.

Hiện nay, khi nói về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, chính quyền cũng như giới biên khảo và truyền thông đều dẫn Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ (ĐNNTTĐ), do P.A. Lapicque trích từ sách Hoàng Việt Địa Dư Chí của Phan Huy Chú (1782-1840) đời Minh Mạng và in lại trong cuốn A.Propos des Iles Paracels của ông, xuất bản tại Sài Gòn, năm 1929. Hãy tạm gác vấn đề xuất xứ của bản đồ này qua một bên (*), ĐNNTTĐ sở dĩ được viện dẫn như một bằng cớ vững chắc và hùng hồn về chủ quyền của nước ta trên hai quần đảo này vì tên và vị trí của Hoàng Sa và Trường Sa đều được xác định trên bản đồ. Riêng tôi, trên ĐNNTTĐ còn có một thú vị khác, là có vẽ cả Cửu Long Giang cùng Tiền Giang và Hậu Giang. Người Tây phương biết đến sông Mekong khá sớm, vào khoảng thế kỷ 15,16. và đã thể hiện trên các bản đồ của họ, nhưng với Việt Nam, có lẽ ĐNNTTĐ là bản đồ xưa nhất có vẽ các con sông này và đề tên rõ ràng.

Mặc dầu Phan Huy Chú là người học rộng, tác giả của Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, bộ từ điển bách khoa đầu tiên của nước ta, nhưng hiểu biết về miền Nam chắc không thâm hậu như Trịnh Hoài Đức, vả chăng, họ Trịnh cũng là hàng tiền bối đồng triều của ông. Tôi muốn nói khi viết Hoàng Việt Địa Dư Chí cũng như khi vẽ ĐNNTTĐ, hẳn họ Phan phải có sự tham khảo ít nhiều họ Trịnh.

**

      Từ những dữ liệu nêu trên, đến đây, tưởng có thể rút ra một vài kết luận:

-Nhà Nguyễn không nói gì đến Cửu Long Giang mặc dầu rất biết về nó và còn biết nó dưới một tên khác là Khung Giang hay sông Khung. Nhờ vậy, ngày nay ta có thêm nhiều dữ kiện khác trong lịch sử mà từ lâu ít người để ý đến.

-Cái tên Cửu Long Giang là sản phẩm văn hóa của lưu dân Việt-Minh Hương trên bước đường định cư khai phá vùng châu thổ Cửu Long, lấy ý từ 9 cửa sông đỗ ra biển mà đặt ra. Cái tên Cửu Long Giang có thể đã xuất hiện vào đầu thế kỷ 18, ngay cả trước năm 1732 (nhưng phải sau thế kỷ 17), khi Việt Nam thủ đắc Vĩnh Long, An Giang.

Tên Cửu Long Giang 九龍江­­(chỗ mũi tên) trên ĐNNTTĐ

Tên Cửu Long Giang 九龍江­­(chỗ mũi tên) trên ĐNNTTĐ

(*) Xem Phạm Hân, Xuất xứ của Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ trên (http://hannom.org.vn/web/tchn/data/9604v.htm#han29)

0