18/06/2018, 15:42

Yemen- đất nước kì thú

Lý Tùng Hiếu biên dịch (Theo National Geographic , 4/2000) Là một đất nước mà đa phần diện tích là núi non và sa mạc nằm ở phiá dưới cùng của bán đảo Ả-rập, Yémen nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng rất phong phú về văn hoá, lịch sử và phong cảnh thiên nhiên. Cũng là ...

YEMEN

Lý Tùng Hiếu biên dịch

(Theo National Geographic, 4/2000)

Là một đất nước mà đa phần diện tích là núi non và sa mạc nằm ở phiá dưới cùng của bán đảo Ả-rập, Yémen nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng rất phong phú về văn hoá, lịch sử và phong cảnh thiên nhiên. Cũng là một đất nước Hồi giáo nhưng do có truyền thống độc lập, xã hội Yémen khác hẳn các nước láng giềng.

Lịch sử Yémen có truyền thống 3.000 năm nhưng Cộng hoà Yémen là một quốc gia non trẻ. Nước này được thành lập năm 1990 trên cơ sở thống nhất hai quốc gia: Cộng hoà Ả-rập Yémen – làm chủ vùng núi và bờ biển phía Tây, từng là một phần của đế quốc Ottoman – và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Yémen – kiểm soát miền Đông và Nam đất nước từ khi giải phóng khỏi thực dân Anh năm 1967 và theo mô hình nhà nước cộng sản. Người ta có thể tìm thấy nơi đây những yếu tố của một xã hội phong kiến lẫn các đặc điểm của một xã hội hiện đại.

Ở bên ngoài thành phố cổ Saada thuộc miền cực Bắc Yémen, một ngày của tù trưởng Othman Hussein al-Fayed của bộ lạc Abdein bắt đầu như thường lệ. Ngay từ sáng sớm, sân nhà ông không ngớt người của bộ lạc đến nhờ ông phân xử các vụ tranh chấp, từ chuyện vợ chồng cãi cọ cho đến vụ giết người. Othman năm nay mới 28 tuổi, được bầu làm tù trưởng từ một năm nay nhờ nổi tiếng là đứng đắn và phán xét nhanh chóng, nổi tiếng đến độ trong sân nhà ông người ta thấy có cả người của các bộ lạc khác. Những người đến đây để vũ khí bên ngoài cửa, bước vào trong tiền sảnh chờ đến phiên mình.

Othman đang giải quyết một vụ khó khăn. Một người tên Bachir đã giết người khi đang cố đòi nợ cách đó vài tháng. Bachir bị cảnh sát bắt giam nhưng vượt ngục và đến nhà tù trưởng nhờ che chở. Để được che chở, anh ta đã tế trước ngưỡng cửa nhà tù trưởng một số cừu, bò và đặt khẩu súng của mình vào trong máu, một cử chỉ truyền thống khi xin trú ẩn. Othman đã dẫn anh ta đến nhà tù và nói với cảnh sát rằng anh ta từ nay trở đi là tù nhân của mình và chỉ có ông mới có thể quyết định số phận của anh ta. Tù trưởng giải thích: “Đây là một vụ tế nhị. Trước tiên phải xem chuyện nợ nần này có thật hay không. Khi Bachir đến đòi nợ, gia đình người kia đã dùng súng bắn chỉ thiên để đuổi anh ta. Anh ta bắn trả và giết chết một người. Gia đình nạn nhân hiện đang đòi kết án tử anh ta”. Othman cho biết rằng ông sẽ giam Bachir trong một năm, chờ cho gia đình nạn nhân bình tĩnh trở lại và nguội bớt lòng khao khát trả thù. Khi đó, ông sẽ thương lượng với họ về giá cả bồi thường, Bachir sẽ được tự do và… huề cả làng. Một người nước ngoài, khi nghe chuyện, không khỏi thắc mắc hỏi lại: “Nhưng nếu chính quyền muốn áp dụng pháp luật bằng mọi giá và muốn trừng phạt tên sát nhân?”. Tù trưởng và những người xung quanh không khỏi ngạc nhiên: “Nhưng anh ta đang được tù trưởng bảo vệ mà. Điều này sẽ là một sự lăng nhục và toàn bộ lạc sẽ nổi dậy chống chính quyền”.

Ở những nước Trung Đông khác, lực lượng cảnh sát đầy quyền uy của nhà nước thực thi chính xác pháp luật hay lệnh của chính quyền trung ương hoặc của gia đình cai trị. Nhưng tại Yémen, đất nước có 17 triệu dân nhưng tới 50 triệu vũ khí này, tình hình diễn tiến khác hẳn. Đó là một đất nước có truyền thống độc lập theo kiểu các bộ lạc nguyên thủy, một đất nước mà chính phủ vô hiệu hoá hệ thống mạng điện thoại để các bộ lạc nổi loạn không sử dụng nó để liên lạc với nhau, một nơi mà lệ làng được áp dụng tự do như câu chuyện trên. Nằm tuốt biên giới phía Nam của bán đảo Ả-rập, phía Nam Arabie Saoudite và phía Tây của Oman, nhưng Yémen khá tách biệt với những nước Trung Đông giàu vì dầu mỏ hoặc tham gia chiến tranh khu vực liên miên. Theo lời một đại sứ Hà Lan, Yémen giống với châu Âu của thế kỷ 16. Người ta có thể tìm thấy ở đây những công tước, bá tước, những cuộc chiến tranh, mối thâm thù và cả ma quỷ.

Yémen chia ra làm ba vùng khác nhau: vùng đồng bằng duyên hải, vùng núi và sa mạc. Đại đa số dân Yémen là người Ả-rập và theo Hồi giáo. Phiá Tây là đồng bằng duyên hải, khí hậu nóng bức nên da người dân ở đây sậm hơn và nhà ở lợp mái rơm. Phía sau đồng bằng này là các dãy núi và cao nguyên, vùng độc chiếm của những bộ lạc Yémen. Các bộ lạc này kéo dài đến biên giới với Arabie Saoudite phía Bắc và vịnh Aden phía Nam. Thủ đô Sanaa nhét trong một đồng bằng nhỏ xíu nằm giữa những dãy núi này. Nơi đây, dân số đã tăng gấp mười trong ba thập niên qua và người ta phải lấn đến sườn những ngọn núi bao quanh nó.

Yémen là xứ sở của bạo lực với số vũ khí nhiều gần gấp ba lần số dân. Tại chợ al-Talh, một chợ rất lớn họp hàng tuần ở ngoại ô Saada, người ta nhận thấy vô số chủng loại vũ khí bày bán khắp nơi, từ súng kalachnikov được người Yémen rất ưa chuộng cho đến khẩu Mauser bắn phát một của Đức có từ thế kỷ 19. Ở đây đinh tai nhức óc với tiếng các thương buôn ca ngợi quảng cáo món hàng chết người của mình, tiếng trả giá xen lẫn với tiếng súng nổ đì đùng của khách mua thử hàng bằng cách bắn chừng… vài loạt. Trên quầy một cửa hàng, người ta thấy hàng chữ câu khách “Đấng tiên tri đã dạy: Hãy dạy con của các ngươi cách bơi, cách bắn và cách leo lên lưng ngựa”. Đến đây, du khách còn có thể được chào mời mua 3 con dao găm chạm trổ với giá 4000 franc hay lựu đạn 20 franc một trái. Nhưng lựu đạn có vẻ không bán chạy cho lắm. Một thương nhân vừa cho biết “Không có nhu cầu” vừa luôn tay dán nhãn “Made in USA” lên lô súng của Brazil. Ngược lại, các loại súng đã trở thành vật bất ly thân của đàn ông Yémen. Trang phục truyền thống của họ không thể thiếu vắng một khẩu súng cầm tay (thường là khẩu kalachnikov), một con dao găm giắt ở thắt lưng và chiến khăn quấn đầu. Thật ra, dao găm, người Yémen gọi là djambia, chỉ là một biểu tượng quan trọng của nam tính, hầu như chẳng bao giờ dùng với tư cách vũ khí. Nhưng súng thì khác: nó không chỉ là vũ khí để tấn công hay tự vệ mà còn là một phương tiện để thể hiện… sự tức giận. Vì vậy, nếu đến Yémen, bạn có chứng kiến cảnh người ta bắn nhau suốt 4 tiếng đồng hồ sau một chặp cãi cọ cũng đừng lấy đó làm lạ.

Một đặc điểm của người Yémen là ghiền qât – một chất kích thích giống như ma tuý tạo cảm giác hưng phấn dễ chịu khi nhai, bị cấm ở các quốc gia Ả-rập láng giềng. Theo những thống kê chính thức, qât – luôn luôn được ưu tiên trồng tại đất nước hiếm hoi đất nông nghiệp này – là trụ cột của nền kinh tế quốc nội, chiếm đến 30% tổng sản lượng. Trữ lượng nước của Yémen cạn kiệt, một phần là do nền văn hóa này. Đến 80% dân cư trưởng thành của Yémen nhai qât, và phần lớn đời sống thường nhật của họ xoay quanh các nghi lễ nhai qât. Sau khi làm việc đến trưa, đàn ông Yémen tụ tập lại để ăn trưa, sau đó mua qât, nhai suốt buổi chiều rồi mới về nhà. Ở nhà, vợ họ cũng đang nhai như họ.

Một người Yémen nghèo khó cũng có thể chi hết phân nửa thu nhập của mình cho qât. Tại chợ Hassaba chuyên bán qât ở Sanaa, người ta thấy một cửa hàng quảng cáo: “Hãy nhai, xả hơi, và thành công sẽ đến với bạn!”. Qât cũng có đủ chủng loại và giá tiền. Dân nhà giàu thường lui tới khu đường Agriculture ở Sanaa, tại đây một nhúm qât đủ nhai một buổi chiều có thể có giá 40 hoặc 50 đô la. Người ta gọi đây là “chợ của con ông cháu cha và của bọn trộm cắp”. Chỉ có ở Hadramite, do địa thế ở đây thấp và khí hậu nóng, người ta không nhai qât. Một người Hadramite khinh bỉ nói: “Ở đây chúng tôi không nhai, chỉ có cừu mới nhai”. Người ta nói rằng người Yémen biết đến qât nhờ một mục đồng: anh này nhận thấy bầy dê của mình bị kích thích khi nhai nó. Khi anh ta thử nhai thì nhận thấy nó làm tăng thêm sinh lực, nhờ vậy mà anh ta có thể thức suốt đêm để cầu nguyện.

Giống như các quốc gia Hồi giáo khác, Yémen cũng là đất nước của đàn ông. Phụ nữ ở đây gần như chỉ dành thời gian cho nhau cho nên cuối cùng họ chỉ nói một phương ngữ mà người ngoài rất khó hiểu. Họ chỉ để cho những đàn ông thân cận thấy được gương mặt của mình, không đi làm, không lái xe. Đại đa số phụ nữ ở đây mặc đồ đen từ đầu đến chân, chỉ để hở một khe nhỏ cho thấy đôi mắt đen tuyền của họ. Ở Aden, vào thời còn chế độ cộng sản, nhờ những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-xít trong chế độ cũ mà phụ nữ ở đây đã đốt bỏ các khăn trùm đầu. Ngay nay, sau khi hai nước thống nhất, lập tức khuôn mặt, tóc tai hay bất kỳ bộ phận nào có thể thấy được trên cơ thể phụ nữ đều biến mất, trừ những nhà thuộc cộng sản nòi.

Tuy nhiên, ở những thành phố lớn, phụ nữ cũng lái xe hay tham gia vào các công việc của chính phủ. Nhờ ảnh hưởng của tivi và giáo dục, thứ ngôn ngữ bí mật của họ dần dần biến mất. Rõ ràng sự hiện đại đã dần dần làm thay đổi cánh phụ nữ ở đây, kể cả những người bảo thủ nhất. Tại Viện Bảo tàng Sayun, một nhóm phụ nữ trùm khăn kín chen chúc trước nơi trưng bày các dụng cụ nhà bếp truyền thống vẫn còn được sử dụng phổ biến cách nay chừng 30 năm. Một phụ nữ trẻ vừa mới tốt nghiệp Trường Đại học Ohio, đang thảo một danh mục điện tử của những vật được trưng bày cho địa chỉ tương lai trên mạng của viện. Phụ nữ Yémen cũng được quyền bầu cử.

Yemen

Lịch sử 

Từ thời Cổ đại, vùng này đã có những mối quan hệ với các nền văn minh Lưỡng Hà, văn minh Ba Tư và văn minh Ấn Độ. Xứ sở này được Hồi giáo hóa và thuộc quyền kiểm soát của triều đại Abbasid từ thế kỉ 7. Từ năm 1508 đến năm 1648, lãnh thổ do người Bồ Đào Nha kiểm soát, sau đó lại rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ thuộc đế quốc Ottoman, nhưng đến năm 1741 Ahmah ibn Sa’id đã đánh đuổi người Thổ Nhĩ Kỳ. Hậu duệ của Quốc vương (Sultan) Ahmah cai trị Oman đến ngày nay.

Quốc gia này sớm phát triển về lãnh vực thương mại nhờ vị trí địa lí thuận lợi, có ảnh hưởng rộng lớn khắp các vùng tại vịnh Ba Tư và một số vùng ven biển ở phía đông châu Phi trong hai thế kỉ 17 và 18. Từ thế kỉ 19, Oman liên kết chặt chẽ với Anh thông qua hiệp ước kí kết năm 1891. Năm 1920, lợi dụng sự sụp đổ của đế quốc Ottoman, Bắc Yemen tuyên bố độc lập và các Imam (Giáo trưởng Hồi giáo) duy trì quyền cai trị đến năm 1962. Trong khi đó, Nam Yemen vẫn thuộc quyền bảo hộ của đế quốc Anh cho đến năm 1967.

Bắc Yemen

(Cộng hòa Ả Rập Yemen) Năm 1962, cuộc đảo chính quân sự được sự trợ giúp của Ai Cập đã lật đổ vị Giáo trưởng Hồi giáo với sự ra đời của nền cộng hòa. Phái bảo hoàng, do Ả Rập Xê Út yểm trợ, đã tiến hành cuộc chiến chống lại những người cộng hòa và quân đội Viễn chinh Ai Cập. Năm 1972, cuộc chiến tranh giữa hai miền Yemen bùng nổ và kết thúc bằng một hiệp ước dự kiến thống nhất đất nước nhưng vẫn không có hiệu lực. Năm 1974, Đại tá Ibrahim al-Hamdi lên nắm quyền và thành công trong việc thực thi quyền lực của chính phủ trung ương trên toàn lãnh thổ Bắc Yemen. Cuộc mưu sát Tổng thống Cộng hòa Ả Rập Yemen (1978) đã dẫn đến việc cắt đứt các mối quan hệ ngoại giao, cuộc chiến tranh giữa hai nước lại bùng nổ. Trung tá Ali Abdullah Saleh được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng thống. Năm 1980, Saleh kêu gọi sự giúp đỡ của Liên Xô, bất chấp áp lực từ Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út, cải thiện các mối quan hệ với Nam Yemen. Tái đắc cử năm 1983 và năm 1988, Saleh đã kí kết với Nam Yemen một hiệp ước nhằm thực hiện tiến trình thống nhất đất nước năm 1989 và có hiệu lực năm 1990.

Nam Yemen

(Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yemen) Từ năm 1962, Nam Yemen thuộc quyền bảo hộ của Anh. Cuộc đấu tranh, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận giải phóng dân tộc, đã dẫn đến việc tuyên bố độc lập năm 1967. Năm 1970, Salim Ali Rubayyi xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Năm 1978, Rubayyi bị quân đội lật đổ. Ali Nasir Muhammad kiêm nhiệm lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Năm 1986, Muhammad bị lật đổ và cuộc nội chiến kéo dài 15 ngày đã làm cho 12.000 người thiệt mạng. Abu Bakr al-Attas trở thành nhà lãnh đạo mới và tạo mối quan hệ thân thiện với Bắc Yemen.

Thống nhất

Sau cuộc họp thượng đỉnh tại Adan ngày 22 tháng 5 năm 1990, sau nhiều năm thương thuyết, hai vị nguyên thủ quốc gia cùng nhất trí thống nhất đất nước và tuyên bố thành lập Nhà nước Cộng hòa Yemen. Ali Saleh trở thành Tổng thống. Những căng thẳng giữa hai miền Nam và Bắc đã làm bùng nổ cuộc chiến tranh năm 1994. Chiến thắng của lực lượng miền Bắc củng cố thêm quyền lực Tổng thống và đảng do Saleh cầm quyền.

0