Lê Chiêu Thống đáng thương hay đáng trách?
L Ê DUY K Ỳ ( 1766-1793) ÐÁ NG THƯƠNG HAY ÐÁ NG TR Á CH? Nguyễn Duy Chính LỜI N Ó I Ð ẦU Nói tên Lê Duy Kỳ có thể ít người biết nhưng nếu nói đến vua Chiêu Thống thì phần lớn chúng ta hình dung ra một ông vua nhiều tội lỗi, đáng nguyền rủa. Vua ...
LÊ DUY KỲ (1766-1793) ÐÁNG THƯƠNG HAY ÐÁNG TRÁCH?
Nguyễn Duy Chính
LỜI NÓI ÐẦU
Nói tên Lê Duy Kỳ có thể ít người biết nhưng nếu nói đến vua Chiêu Thống thì phần lớn chúng ta hình dung ra một ông vua nhiều tội lỗi, đáng nguyền rủa. Vua Chiêu Thống [dưới triều Nguyễn được đặt tên thụy là Mẫn Ðếnghĩa là ông vua đáng thương] là vua cuối cùng của triều Lê, trị vì chỉ một thời gian rất ngắn. Người lãnh đạo sau cùng của triều đại thường được ghi nhận một cách thiếu thiện cảm – kẻ thất bại bao giờ cũng có lỗi và đáng trách nhiều hơn đáng khen – từ Bảo Ðại nhà Nguyễn, Phổ Nghi nhà Thanh, hay Sùng Trinh nhà Minh. Tuy nhiên, không phải lịch sử mãi mãi đều lập lại một quan điểm, nhiều giai đoạn, nhiều nhân vật đã được đánh giá lại cho chính xác.
Cuối thế kỷ XVIII nước ta đầy biến động. Cuộc nổi dậy của anh em Tây Sơn không những chấm dứt vương quyền chúa Nguyễn ở Nam Hà mà còn diệt luôn chúa Trịnh ở miền Bắc đưa đến sự sụp đổ nhà Lê, triều đình chính thống của Việt Nam trong gần 400 năm.
Tuy nhiên Tây Sơn cũng không giữ nước được lâu và chỉ chưa đầy 20 năm thì chính họ cũng bị tiêu diệt. Sự thay đổi nhiều thế lực, nhiều vương quyền quá nhanh trong một thời gian ngắn khiến cho sử sách viết về thời kỳ này bao gồm đủ loại khuynh hướng, nếu chỉ nhìn một phía chắc chắn chúng ta sẽ vừa thiếu sót, vừa thiên vị. Một triều đại qua đi, những người hoài vọng thường có khuynh hướng đề cao người đi trước và trút trách nhiệm cho người không may mắn phải ở vào vị trí sau cùng.
Trong vài chục năm qua, không ít những tác phẩm miêu tả một thời kỳ cũ bằng lăng kính chính trị mới. Khi cần đề cao tinh thần chống xâm lăng – dù là từ phương Bắc hay từ phương Tây – người ta thích huyền thoại hoá nhân vật Nguyễn Huệ, và lẽ dĩ nhiên để làm nổi bật một cá nhân ở phía này thì cũng phải hạ thấp một đối tượng ở phía khác. Chính vì thế, Nguyễn Ánh cũng như Lê Duy Kỳ đều bị miêu tả dưới những tội danh “bán nước”. Những bản án nặng nề đó chưa hẳn đã vì tội trạng của đương sự mà chỉ để làm sáng tỏ chính nghĩa trong công tác động viên quần chúng đánh đuổi ngoại xâm.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể bỏ qua chủ tâm nguyên thuỷ của chính triều Nguyễn đã cố ý viết sai lạc về đối phương. Giai đoạn cuối triều Lê và suốt thời kỳ Tây Sơn được viết nhằm trám vào một khoảng trống của lịch sử chứ chưa hẳn đã là trình bày sự thật khách quan về những gì đã xảy ra tại miền bắc. Ðể bảo vệ và đề cao vai trò của mình, triều Nguyễn không chỉ bôi đen anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ mà còn nỗ lực xoá nốt tính chất chính thống của vua Lê. Với nhà Tây Sơn, vua Gia Long đuổi tận giết tuyệt nhưng lòng người không oán thán nhiều vì anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ lên ngôi chưa lâu, ơn đức chưa đủ thấm vào quần chúng. Trái lại, nhà Lê mấy trăm năm qua tuy không có thực quyền, ngôi vua chỉ là hư vị nhưng công lao của nhiều đời nên tuy đã diệt vong mà tâm tình “hoài Lê” vẫn còn âm ỷ và day dứt, một mạch nước ngầm chảy trong huyết quản của người dân Bắc Hà. Tới hậu bán thế kỷ XIX, khôi phục Lê triều vẫn còn được sử dụng như một chiêu bài trong những cuộc nổi dậy.
Vào những năm cuối của triều đại Tây Sơn, không hiếm cựu thần nhà Lê vẫn tưởng Nguyễn Ánh đang đóng vai “phục quốc”, thành công rồi sẽ lại tôn Lê như bao nhiêu đời chúa trước. Trên giấy tờ, Nguyễn Ánh vẫn dùng niên hiệu Cảnh Hưng. Chúa Nguyễn cũng đã cho người liên lạc với con cháu và cựu thần tiền triều [kể cả việc sai người sang Trung Hoa tìm Lê Chiêu Thống] để ước hẹn khởi binh và một nhà nho đã “bịa ra lời của Nguyễn công[tức chúa Nguyễn] làm bài hịch Dụ Bắc thành trung nghĩa hào kiệt gửi cho người quen mọi nơi, tỏ ý đang đem quân ra Bắc diệt giặc phù Lê, và bảo những người trung nghĩa với Lê cất quân đánh giặc”[1]. Chính vì thế, tuy Nguyễn Huệ xử với cựu triều không đến nỗi nghiệt ngã [ngoại trừ những người nổi lên chống lại triều đình] sĩ phu Bắc Hà vẫn coi ông như một “ông Ác”, ngược lại chúa Nguyễn được miêu tả như một “ông Thiện”. Câu hát “lạy trời cho cả gió nồm, cho thuyền chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra” là một thí dụ điển hình về cuộc chiến tranh tâm lý cuối thời Tây Sơn.
Ðến khi sắp sửa thành công, Nguyễn Ánh không còn phải tiếp tục tôn phò nên dứt khoát dùng niên hiệu Gia Long, xác định là một vị hoàng đế mới. Triều đình chính thức và hợp pháp của An Nam lúc đó là nhà Tây Sơn không còn được Trung Hoa yểm trợ – vì quan điểm đối với An Nam của vua Nhân Tông [Gia Khánh] khác hẳn vua cha Cao Tông [Càn Long] – nên chúa Nguyễn không phải chuẩn bị một cuộc chiến đối đầu với Trung Hoa như Nguyễn Quang Bình [Nguyễn Huệ] đã làm mà còn được nhà Thanh ám trợ đẩy anh em Nguyễn Quang Toản vào tuyệt lộ.
Nhằm thực hiện công việc một ná bắn hai chim, triều Nguyễn dùng ngay hào quang chống xâm lăng của Tây Sơn [nay đã bị diệt] để truất đi cái mệnh trời của Lê triều đã kéo dài gần 400 năm. Không thể tru di tông thất nhà Lê giống như nhà Trần với nhà Lý, nhà Hồ với nhà Trần, tân triều nhấn mạnh vào sự bạc nhược vô dụng [và phản quốc] của ông vua đã thất thế. Song song với việc tiễu trừ dư đảng Tây Sơn, những cuộc truy quét qui mô để xoá bỏ những giấy tờ, tài liệu, ấn tín… liên quan đến cựu triều cũng được nhà Nguyễn tiến hành qua nhiều đợt khác nhau.
Cảm thấy sự thờ ơ của triều đình đối với miền Bắc – mà người ngoại quốc cũng nhận ra rằng nhà Nguyễn coi như một thuộc địa – và e rằng nhiều sự thật rồi đây cũng sẽ mai một không bao giờ được biết tới, một số sĩ phu Bắc Hà tự làm công việc sưu tầm, ghi chép những gì xảy ra vài chục năm trước, trong đó có hai tác phẩm với nhiều tài liệu giá trị còn tồn tại được đến ngày nay là Lịch Triều Tạp Kỷ (Ngô Cao Lãng)[2] và Quốc Sử Di Biên (Phan Thúc Trực)[3].
Tuy nhiên, những tác phẩm đó cũng chỉ được giới nghiên cứu coi như tài liệu bổ di, không được dùng để thay thế các bộ sử do sử quán triều đình biên soạn. Ðể trả lại công bằng, thiết tưởng chúng ta cũng cần phải cải chính một số chi tiết và đánh giá lại một số nhân vật mà tiểu sử, hành vi vốn đã trở thành kinh điển vì rập theo hai bộ sử cơ bản do triều đình [thời Nguyễn] soạn ra là Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện hay Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục [chi tiết trong hai bộ sử này khi được soạn thảo vào hậu bán thế kỷ XIX có lẽ cũng chỉ rút ra từ một số ký sự lưu truyền thời bấy giờ như Hoàng Lê Nhất Thống Chí (Ngô Gia Văn Phái), Lê Quí Kỷ Sự(Nguyễn Thu), Lê Quý Dật Sử (khuyết danh)…]
Tại sao cần đánh giá lại vua Chiêu Thống?
Tháng 12 năm 1924, trên tạp chí Nam Phong số 90, phần Hán Văn có khởi đầu một biên khảo đăng 5 kỳ [chấm dứt ở Nam Phong số 95, 1925] nhan đề Tang Thương Lệ Sử [桑滄淚史] do Hàm Giang Ðinh Lệnh Uy [邯江丁令威] biên soạn, Sở Cuồng Lê Dư viết tựa. Ðây là một tập tài liệu khá đầy đủ viết về cuộc đời và thân phận lưu vong của vua Chiêu Thống mặc dầu chủ yếu vẫn dựa theo tài liệu triều Nguyễn và Hoàng Lê Nhất Thống Chí.
Hai mươi năm sau, một tác phẩm khác bằng quốc ngữ nhan đề Bánh Xe Khứ Quốc do Phan Trần Chúc soạn, được nhà xuất bản Ðời Mới ấn hành ở Hà Nội[4]. Tuy chưa phải là những tài liệu biên khảo qui mô, hai tác phẩm này cũng nói lên phần nào cảnh ngộ bi phẫn của một ông vua vong quốc mà hoàn cảnh trớ trêu đã trở thành miệng tiếng của người sau.
Lê Duy Kỳ sinh ra và lớn lên phải chịu những lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu trong nhiều năm. Ông không phải là một hoàng tôn sống trong nhung lụa mà là một trẻ mồ côi đầy bất hạnh, sống chết trong tay người, có thể táng mạng vì một lý do thật nhỏ nhặt. Ông chìm vào quên lãng và chỉ được lôi ra từ nhà ngục vì một duyên may khi kẻ thù của gia đình ông [họ Trịnh] đang tan rã nên các phen phái tranh giành cần một biểu tượng cho hoàng gia. Thành thử khi nắm quyền nếu quả ông có một chút khắc bạc hơn bình thường cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Ðó là lý do sâu xa khi ông ra lệnh đốt và phá huỷ một số cung điện của chúa Trịnh mà Hoa Bằng cho rằng “nhỏ nhen hẹp hòi”[5] hay mối căm tức ngấm ngầm khi thấy anh em Tây Sơn cũng lại đi vào con đường lấn lướt của một thứ chúa mới.[6]
Trong suốt cuộc đời 28 năm, Lê Duy Kỳ hầu như chỉ được làm vua trên danh nghĩa, luôn luôn bị những thế lực khác cầm quyền thay. Mà thời gian ông còn được gọi là vua ấy cũng rất ngắn bao gồm ba giai đoạn:
Giai đoạn I: (21 tuổi) Từ khi lên ngôi tháng Bảy năm Bính Ngọ (1786) đến lúc xuất bôn tháng Chạp năm Ðinh Mùi (1787) tính ra khoảng 16 tháng trong một thời kỳ rối mù, loạn lạc khắp nơi.
Giai đoạn II: (22 tuổi) Từ tháng Chạp năm Ðinh Mùi (1787) đến tháng Một năm Mậu Thân (1788), trong khoảng một năm ông bôn ba chạy từ nơi này sang nơi khác qua lại không dưới mười chỗ ở khác nhau, nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Tuy danh nghĩa là vua nhưng nhiều kẻ lại coi ông là một món hàng, để lợi dụng cũng như để buôn bán.
Giai đoạn III: (23 tuổi) Từ cuối tháng Một năm Mậu Thân (1788) đến đầu tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), khoảng chừng 1 tháng trong vai bù nhìn, dưới quyền bảo hộ của quân Thanh.
Khi Tôn Sĩ Nghị bại trận, ông chạy theo sang Trung Hoa, chấm dứt sự nghiệp làm vua để sống nhờ nơi đất khách từ tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789) đến tháng Mười năm Quí Sửu (1793) khi ông qua đời (từ năm 23-27 tuổi). Những năm làm vua đã khốn khổ, đến lúc xuất bôn – dù ở trong nước hay ở ngoài nước – thì cũng chỉ toàn những cảnh ngộ éo le, đầy nước mắt.
Ðánh giá kỹ, cuộc đời ông chỉ được hơn hai năm gọi là yên ổn – từ tháng Giêng năm Cảnh Hưng 44 (Quí Mão, 1783) khi được thả ra khỏi ngục sống bên cạnh ông nội là vua Hiển Tông trong vai hoàng thái tôn để chuẩn bị nối ngôi thay người cha bất hạnh là thái tử Duy Vĩ. Dù ngôi vua của nhà Lê chỉ là hư vị và luôn luôn bị đe dọa bởi phủ Chúa, ông sống tương đối yên lành đến khi quân Tây Sơn ra Bắc diệt họ Trịnh năm Bính Ngọ (1786) tất cả chừng 2 năm rưỡi. Có lẽ đây là thời gian duy nhất ông được học hành, dạy bảo lễ nghi để chuẩn bị đóng giữ vai quốc trưởng. Số thơ văn ít ỏi ông để lại và hành trạng làm vua cho thấy tư chất ông không đến nỗi tầm thường.
Cũng trong thời gian này, ông lập gia thất với bà Nguyễn Thị Kim[7], hơn ông một tuổi, dường như là cháu họ của mẹ ông, người vẫn bị sử sách gọi là thái hậu với nhiều ác ý. Hai người vừa có được con trai đầu lòng [đặt tên Lê Duy Thuyên] thì một lần nữa kinh đô bị xâm phạm nên tan tác chồng một nơi, vợ một nẻo.
Những đề cập về Lê Duy Kỳ trong sách vở đều cho rằng ông hèn yếu, kém khả năng tưởng như khi làm vua ông vẫn được hành động hoàn toàn tự do theo chủ kiến và ý thích riêng của mình. Thực tế cho thấy mỗi quyết định, mỗi biến chuyển đều có những nguyên nhân rất xa không dễ dàng phát hiện. Cuộc đời vua Chiêu Thống – cũng như chiếc ngai vàng của nhà Lê những năm sau cùng – chỉ là một chiếc lá giữa dòng, mặc cho nước cuốn tới đâu thì cuốn, không thể nào cưỡng lại được.
Ðể nhận định về vua Chiêu Thống cho được công bằng, chúng ta cần nhìn lại con người trong thời buổi mà ông sống, không thể chỉ dựa vào yêu ghét qua “tin đồn”. Ông chỉ là một con chim trong lồng, một bóng mờ chính trị, một người bị rơi vào giữa một đám đông xô đẩy, mọi vấn đề đều do những sắp xếp ngoài tầm tay. Ngay cả những chi tiết mà người tôn phù nhà Lê thuật lại lắm khi cũng chỉ là “ảo giác chính trị” khi thất thế.
PHẦN I
ÐÀNG NGOÀI CUỐI THẾ KỶ XVIII
Từ khi nước ta chia ra thành hai phần – Ðàng Ngoài và Ðàng Trong – tuy trên danh nghĩa cùng thần phục nhà Lê nhưng miền bắc thì chúa Trịnh nắm giữ quyền hành, miền nam chúa Nguyễn làm chủ. Vì vị trí khuất nẻo nên miền bắc khó thông thương với bên ngoài, thuyền buôn ngoại quốc phần lớn chỉ ghé các bến đỗ ở Ðàng Trong tuy các nhà truyền giáo vẫn tiếp tục ra vào Ðàng Ngoài để thi hành các sứ mạng của họ. Hoàn cảnh địa lý đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình nước ta và nhiều biến cố trọng đại ít nhiều bị ảnh hưởng.[8]
Việc thiếu thông thương đó đưa đến hậu quả là tin tức về miền bắc cũng trở nên hiếm hoi hơn, ít được người ngoại quốc đề cập đến so với tài liệu về Ðàng Trong. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, các cuộc nội chiến giữa Lê – Trịnh và Mạc, hay Trịnh và Nguyễn xảy ra liên tục nên các thương gia cũng không mấy ai muốn mạo hiểm để vào buôn bán. Người Anh và người Hoà Lan thiết lập cơ xưởng sản xuất cũng chỉ tồn tại một thời gian rồi phải đóng cửa.
Chính sách về ngoại thương là độc quyền của triều đình, mua hay bán sản phẩm đều bị kiểm soát nghiêm nhặt. Người Hoà Lan từ Macao sang miền bắc chỉ đặc biệt chú trọng đến tơ lụa cốt để đem sang Nhật Bản bán lấy lời và thương vụ chủ yếu của người Nhật đến Ðông Nam Á cũng là tơ lụa chưa chế biến (raw silk).[9]
Tuy ít được người nước ngoài biết đến, Thăng Long – thường được gọi dưới tên Ðông Kinh hay Kẻ Chợ – ở thế kỷ XVII là một thị trấn lớn so với những thành phố khác ở Á Châu. Nhiều giáo sĩ đến nước ta thời đó cho biết kinh đô Thăng Long có đến hơn 20,000 nóc gia, tính ra dân số khoảng 100,000 người. Con số này có lẽ được phóng đại vì nhu cầu truyền giáo hơn là thực tế. Theo Baron trong A Description of the Kingdom of Tonqueenviết cuối thế kỷ XVII thì cung điện vua Lê có tường gạch bao quanh còn dinh chúa Trịnh thì làm bằng gỗ.[10]
Về sau, ngôi vua của nhà Lê chỉ còn là hư vị nên cung điện hư nát nhiều mà không có tiền tu sửa. Sau những năm chiến tranh, đến cuối thế kỷ XVIII thì Thăng Long gần như hoang phế, mùa màng thất bát, đói kém xảy ra ở khắp nơi, không còn là nơi đô hội như trước nữa. Năm Mậu Tuất (1778) thóc lúa dân tích trữ không còn gì, giá gạo cao vọt, chỗ nào cũng có người chết đói.[11]
Khi quân tam phủ nổi loạn, nhiều dinh thự đền đài bị đốt phá nên kinh thành lại càng xơ xác. Nguyễn Huệ cũng ra lệnh phá hủy nhiều công trình kiến trúc để lấy vật liệu về xây kinh đô mới ở Nghệ An. Khi quân Tây Sơn rút ra khỏi kinh thành, các thổ hào từ mạn ngược vào chiếm Thăng Long, cũng đốt phá sạch trước khi bỏ đi.
1.1. GIA VONG
1.1.1. SỰ LỘNG QUYỀN CỦA HỌ TRỊNH
Năm Giáp Thìn (1664), Tây Vương Trịnh Tạc yêu cầu vua Lê Huyền Tông (mới có 10 tuổi) ban cho mình điển lễ đặc biệt “vào chầu vua không phải lạy, tờ chương tấu không phải xưng tên, khi lâm triều ngồi bên tả chỗ ngồi của vua” mà sử thần đã phê là đến như “Ðổng Trác, Tào Tháo nhà Hán, Lưu Dụ nhà Tấn chưa từng làm mà Tạc dám làm”.[12] Năm Mậu Thân (1668), Trịnh Tạc lại nhân chiến công đánh họ Mạc tự gia phong là Ðại Nguyên Soái Thượng Sư Thái Phụ Tây Vương. Dân gian vì thế gọi các chúa là Thượng Sư [kể cả chúa Nguyễn ở Nam Hà cũng bắt chước] nên người ngoại quốc thường nhắc đến dưới cái tên “Ong Chiang Su” [Ông Thượng Sư].
Vua Lê được hưởng thực ấp một nghìn xã, còn chúa Trịnh chủ động mọi việc hành chánh quân sự, kể cả phế vua nọ lập vua kia để dễ bề thao túng. Trịnh Tạc lại phong cho con là Trịnh Căn làm nguyên soái, văn thư phủ chúa ban ra tiếm xưng “lệnh dụ”. Ðến đời các chúa Trịnh Cương (Nhân Vương), Trịnh Giang (Thuận Vương) lại càng quá quắt. Trịnh Giang là người “ngu tối, ươn hèn”[13], tự phong làm Nguyên Soái, Thống Quốc Chính, Uy Nam Vương, vu cho vua Vĩnh Khánh (Lê Duy Phường) tội thông gian với vợ Trịnh Cương để phế đi, lập Lê Duy Tường lên ngôi, niên hiệu Long Ðức.
Năm Kỷ Mùi (1739), Trịnh Giang giả thác là sứ thần nhà Thanh phong cho làm An Nam Thượng Vương, có ý muốn cướp ngôi nhà Lê. Năm sau, Trịnh Doanh (Ân Vương) lên ngôi vương, tôn Trịnh Giang làm Thái Thượng Vương. Từ đó trở về sau, vua Lê hầu như không còn quyền hành gì nữa. Ðể che đậy cảm xúc, vua Hiển Tông phải tiêu khiển hưởng nhàn nên ông làm vua rất bền (47 năm), qua mấy đời chúa Trịnh. Lê Hiển Tông chính là ông nội của Lê Duy Kỳ, người sau này lên ngôi niên hiệu Chiêu Thống.
Phạm Ðình Hổ thuật lại trong Vũ Trung Tùy Bút như sau:
Bùi công Huy Bích 裴輝璧 có nói rằng: Họ Trịnh từ đời Nhân-vương (Trịnh Cương) trở về trước, còn giữ thần lễ [lễ bầy tôi với vua]. Các quan liêu-thuộc trong phủ chúa Trịnh, mới đặt có Hộ-phiên, Binh-phiên, Thủy-sư-phiên và Lịnh-sử-phiên mà thôi, trong triều vua Lê lục-bộ còn chửa đến nỗi thất-chức.
Trăm quan vào tâu việc đối với chúa Trịnh thì xưng mình là “ngu”. Chúa Trịnh có ra phủ-đường coi chính sự, thì bách quan đội mũ bình-đính, mặc áo thanh-cát vào tham bái đứng hầu. Quan đại-thần ở phủ bộ vào bái-yết xong thì lên chỗ ngồi, đó là theo cái lễ vào tham-yết ở chốn tướng phủ. Khi nào nhà chúa khai-các ra tiếp-kiến tân-khách, thì bách quan đội khăn lương, khăn yến-vĩ, mặc áo thanh-cát, vào bái yết xong rồi thì cứ theo thứ tự mà ngồi, khoản tiếp phù-trà[14] tử tế, đó là theo cái lễ tướng phủ ra tiếp khách.
Khi ấy nhà chúa có vào chầu vua Lê, theo lệ tuy đã miễn-bái, nhưng khi chúa Trịnh nào mới được thụ sắc-phong ra thân chính thì cũng phải thân-hành vào triều-bái vua Lê. Ðời vua Lê Hi-tôn lên thượng-thọ tám mươi, chúa Trịnh Nhân-vương cũng mặc áo triều-phục vào đứng ở bên hữu long-trì, thân ra dóng-dả trăm quan vào lạy mừng. Vua Lê sai giải chiếu thất-trùng ở nơi bái-vị của chúa Trịnh để tiêu-biểu ra cho khác.
Ðến khi Trịnh Thuận-vương (Trịnh Cường) (sic) [tức Trịnh Giang] nối ngôi, mới đặt ra Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công sáu phiên, cướp mất cả quyền quan Lục-bộ, lấy chức chưởng-thự tham-bồi làm quan chính-phủ đại-thần, từ bấy giờ chốn triều-đường vua Lê chỉ là hư-thiết mà thôi. Các quan vào tâu chúa Trịnh thì đổi chữ “ngu” xưng là “thần”. Chúa Trịnh ra thân-chính ở phủ-đường thì gọi là “thị triều 視朝”, khi nào ra tiếp khách ở ngoài các thì gọi là “khách triều 客朝”. Quan đại thần ở chốn phủ-bộ phải đợi chỉ nhà chúa cho ngồi mới được ngồi, thì gọi là “tọa đường 坐堂”. Còn cái lễ nhà chúa vào triều-bái trong nội điện vua Lê thì bỏ đi không hỏi đến nữa.
Nhà chúa có truyền chỉ ra thì trước kia vẫn gọi là lịnh-chỉ, sau này quyền-chính đều về nhà chúa, đệ-niên cứ đầu xuân ngày khai tỉ-ấn thời yết tờ lịnh-chỉ mới ra ngoài phủ-đường hoặc ngoài cửa các. Các quan võ-giai xuất thân và chức câu-kê trong sáu cung đều phải có lịnh-chỉ ban cho cả, còn các việc khác mà do nhà chúa truyền ra thì xưng là chỉ-truyền hay là chỉ-dụ, hoặc xưng là ngự là thánh cũng không khác gì như trong nội-điện vua Lê vậy.[15]
1. 1. 2. THÁI TỬ BỊ HẠI
Khâm Ðịnh Việt Sử chép:
Tháng 3 (năm Kỷ Sửu, 1769). Sâm (chúa Tĩnh Ðô Vương Trịnh Sâm) truất ngôi hoàng thái tử Duy Vĩ, rồi bắt giam vào ngục.
Thái tử lúc còn nhỏ, thông minh, nhanh nhẹn, xem rộng sách Kinh, sách Sử, đối với sĩ phu rất có lễ độ; thần dân không ai là không mến yêu thái độ, dung nghi. Trịnh Doanh rất trọng tài của thái tử, nên đem con gái trưởng là Tiên Dung quận chúa gả cho[16]. Thái tử vẫn bực tức về nỗi nhà Lê mất quyền bính, khảng khái có chí thu nắm lấy quyền cương. Trịnh Sâm lúc lớn lên làm thế tử, đối với thái tử, hắn vẫn ghen ghét về địa vị, tài năng. Một hôm, thái tử và Sâm cùng ở phủ đường được chúa Trịnh ban cho ăn cơm và bảo cùng ngồi một mâm, lúc ấy vợ Trịnh Doanh là Nguyễn Thị ngăn đi và nói: “Thế tử và thái tử có danh phận vua tôi, lẽ nào được ngồi cùng mâm? Nên phân biệt ngồi làm hai chiếu”. Sâm đổi nét mặt, bước ra về, nói với người ngoài rằng: “Ta với Duy Vĩ hai người, phải một chết một sống, quyết không song song cùng đứng với nhau được”.
Kịp khi Sâm nối ngôi, bàn vụng với hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy Ðĩnh định mưu truất thái tử, nhưng không có lẽ gì buộc tội, bèn vu cho thái tử tư thông với người phủ thiếp của Trịnh Doanh, rồiđem tội trạng ấy tâu bày với nhà vua bắt thái tử giam vào ngục.
Trước đây, trong giếng Tam Sơn ở sau cung điện, bỗng nhiên có tiếng như sấm, thái tử e rằng tất xảy ra tai nạn, nói để nhà vua biết; nhà vua thường cầu đảo cho thái tử được thoát nạn. Ðến nay, thái tử biết tin tai nạn phát sinh, vào ở tẩm điện của nhà vua. Huy Ðĩnh trước hết vào tìm khắp trong đông cung, nhưng không thấy, bèn vào thẳng điện đình kể tội trạng thái tử và nói với nhà vua rằng: “Tôi nghe biết thái tử ẩn nấp trong tẩm điện của bệ hạ, xin bắt giao cho tôi”. Nhà vua ôm mãi lấy thái tử, không nỡ ly biệt. Huy Ðĩnh cứ quỳ mãi ở dưới sân. Thái tử tự nghĩ không thể nào thoát nạn được, vừa khóc vừa lạy trước mặt nhà vua, rồi rảo chân bước ra chịu trói. Khi đưa về phủ chúa Trịnh, Huy Ðĩnh bắt thái tử trút mũ ra để nhận tội, thái tử không chịu, nói: “Bỏ vua này, lập vua khác, bạo nghịch giết vua, là việc làm đã quen của nhà bay, chứ ta có tội gì đâu? Việc này đã có sử xanh chép để ngàn đời!” Trịnh Sâm giả thác mệnh lệnh của nhà vua, truất thái tử làm thứ nhân, rồi giam vào ngục.[17]
Thái tử Lê Duy Vĩ là con trưởng vua Hiển Tông, có ba người con trai (theo lời khai của các bầy tôi nhà Lê khi chạy sang Quảng Tây thì họ không cùng mẹ nhưng rất thương yêu nhau[18]). Người lớn nhất là Lê Duy Kỳ (sau lên ngôi niên hiệu Chiêu Thống), người kế tiếp là Lê Duy Lứu [hay Trứu] (Ðiền Quận Công)[19], sau nữa là Lê Duy Chỉ (Lạn Quận Công)[20].
Khi Duy Vĩ bị tội oan, các con đều còn nhỏ. Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí thì vợ thái tử là Nguyễn thị đem con chạy trốn nhưng bị chúa Trịnh bắt lại đem giam vào ngục. Vụ án không ngừng lại ở việc truất ngôi thái tử của Lê Duy Vĩ. Khâm Ðịnh Việt Sử quyển XLIII, trang 36-7 chép:
… Tháng 12 (năm Canh Dần 1770). Sâm giết thái tử cũ là Duy Vĩ và điện tiền hiệu điểm Nguyễn Lệ.[21]
Sau khi thái tử đã bị giam, Sâm muốn giết đi, nhưng chưa tìm được chỗ sơ hở. Ðến nay, Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy Ðĩnh nhờ người khác tố cáo vu ra rằng “bọn Trần Trọng Lâm và Nguyễn Hữu Kỳ cùng với bọn gia khách của thái tử là cống sĩ Vũ Bá Xưởng và tự thừa Lương Giản định mưu dấy quân, để cướp lấy thái tử ra khỏi ngục”. Rồi Huy Ðĩnh đem việc ấy nói cho Sâm biết. Sâm hạ lệnh bắt đem trị tội. Lương Giản trốn. Bá Xưởng bị bắt, tra tấn nghiêm ngặt, lời cung của Bá Xưởng liên can cả đến Nguyễn Lệ. Lệ nói: “Thái tử là người sẽ nối ngôi vua sau này của một nước, nay không có tội gì mà bị giam cầm nhục nhã, thì định mưu cướp lấy thái tử đem ra là một việc nghĩa, nhưng thực tình tôi không được dự biết việc ấy. Nay nếu bức bách về sự khảo đả mà thú phục xằng, thì không phải là người có dũng khí, việc không mà nói có, thì không phải là người có nghĩa. Vả lại việc này bảo là Lệ này tự định mưu, hoạ chăng còn có lý, chứ thái tử ở trong nhà giam, đến vợ con cũng không được ra vào, thì Lệ này từ đâu để yết kiến thái tử mà cùng nhau mưu tính được? Bây giờ chỉ có việc chết mà thôi, chứ Lệ này chả biết nói gì cả!” Nguyễn Lệ bị khảo đả, nát hết da thịt mà vẫn không thay đổi lời khai. Huy Ðĩnh tự dựng thành bản án dâng lên. Sâm sai Huy Ðĩnh thắt cổ giết thái tử, lại giết cả bọn Nguyễn Lệ và Bá Xưởng nữa. Sau hạ lệnh thu lấy sắc mệnh của Trần thị là hoàng hậu đã mất và là mẹ đẻ của thái tử; các con thái tử là Khiêm, Trù và Chi đều bắt đem giam cấm ở ngục Ðề Lãnh.[22]
Ba đứa trẻ và mẹ bị giam trong ngục tới năm Nhâm Dần (1782), quân Tam Phủ đứng lên truất phế Trịnh Cán để lập Trịnh Khải, đầu năm Quý Mão (1783) mới được thả ra. Theo tuổi, khi bị giam thì Lê Duy Kỳ mới lên năm, hai người em chắc phải nhỏ hơn. Khi ra khỏi nhà lao, ông đã 16 tuổi, tính ra mẹ con ông bị cầm tù 11 năm. Tuy nhiên, theo lẽ thường thì ngay từ khi cha bị bắt, cuộc đời của những đứa trẻ này đã đi vào một ngõ cụt và chắc chắn cũng không vui sướng gì, tiếng là 11 năm nhưng đại hạn đã đến từ năm Kỷ Sửu (1769), tính ra hơn một giáp (1769-1783). Ba anh em tuy là con của thái tử, cháu nội vua Lê nhưng những ngày thơ ấu thật không bằng trẻ con nhà dân dã. Sử không chép rõ gia đình ông được ở chung với nhau trong ngục hay bị nhốt riêng nhưng suốt thời gian đó ắt hẳn không được học hành gì cả.
Theo Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, quyển XVI thì ngoài hai người em trai, Lê Duy Kỳ còn ba cô em gái mà khi ông lưu lạc sang Tàu thì còn lẩn trốn ở trong nước. Theo chỉ thị của vua Càn Long, Nguyễn Quang Bìnhđã tìm được một trong những người em gái đó đưa sang Bắc Kinh để đoàn tụ với mẹ và anh. Việc tìm và đưa sang Trung Hoa thân quyến của vua Chiêu Thống được ghi chép khá đầy đủ trong Dụ Am Văn Tập[23] của Phan Huy Ích.[24]
Trong khi anh em Lê Duy Kỳ bị giam trong ngục, chúa Trịnh không chỉ lấn lướt vua Lê mà còn có ý định cướp ngôi. Theo Khâm Ðịnh Việt Sử, quyển XLV trang 7, tháng Chạp năm Ðinh Dậu, Cảnh Hưng 38 (1777), nhân kỳtuế cống, Trịnh Sâm sai tả thị lang Vũ Trần Thiệu cầm đầu sứ bộ sang nhà Thanh. Sâm làm tờ mật biểu dặn họ Vũ tâu lên vua Càn Long rằng “nhà Lê không có người con cháu nào hiền tài”, đồng thời cho người đút lót để xin phong tước cho mình. Khi đi đến hồ Ðộng Ðình, Trần Thiệu giả vờ có bệnh, đang đêm đem tờ biểu đốt đi rồi uống thuốc độc tự tử.[25]
Chúa Trịnh cũng âm mưu sang đoạt, đem chiếc ấn An Nam Quốc Vương của nhà Thanh ban cho họ Lê dấu đi nên khi lên ngôi, Lê Duy Kỳ phải dâng biểu gửi tổng đốc Lưỡng Quảng để nhờ xin lại chiếc ấn khác [để gửi văn thư cầu phong] nhưng việc chưa xong thì hoàng tộc đã phải xuất bôn.[26] Trong một hoàn cảnh mà chúa Trịnh chỉ muốn tông tộc nhà Lê bớt người nào hay người ấy, không nói gì đến con cháu vua Hiển Tông đang bị giam cầm, ngay cả tôn thất đang ở kinh thành cũng thấy tính mạng như treo trên sợi tóc.
Cuộc đời ba anh em Lê Duy Kỳ chỉ được tạm yên trong ba năm (1783-1786) khi phủ chúa bận tranh chấp quyền hành và đối phó với quân Tam Phủ, tạm quên gia đình vua Lê. Từ đầu năm 1783 đến giữa năm 1786 có lẽ là quãng thời gian thoải mái nhất trong suốt 27 năm tại thế. Tuy vậy không phải là không có những lúc sống chết trong đường tơ kẽ tóc, nguy hiểm không phải đâu xa mà chính ngay từ người trong nhà.
Khi Lê Duy Kỳ được tha ra, miền Bắc vẫn còn có cả vua lẫn chúa. Ðương kim hoàng đế Lê Hiển Tông là ông nội của ông còn chúa Trịnh khi đó là Ðoan Nam Vương Trịnh Khải. Khâm Ðịnh Việt Sử, quyển XLVI trang 1 chép:
… Trước đây, Duy Cận (con thứ tư vua Hiển Tông) được lập làm hoàng thái tử, chính là do Trịnh thái phi Nguyễn thị tán thành. Ðến nay thấy thái tôn (tức Lê Duy Kỳ) trở về, Nguyễn thị sợ Duy Cận mất ngôi thái tử, bèn sai hoạn quan là Liêm Tăng (sót họ) đến bắt ép thái tôn sang chầu, để toan bí mật giết đi. Thái tôn từ chối không được, sa nước mắt khóc mà ra đi; khi đi đường bị quân tuần sát ngăn lại. Vì thế các quân lính dức lác ầm ĩ, yêu cầu tra cứu cho ra người lập mưu làm hại Thái tôn, họ lùng kiếm Liêm Tăng không được, ngờ là Duy Cận chủ mưu. Lúc ấy, Duy Cận đương chầu Trịnh thái phi, nghi trượng để ngoài cửa phủ đường, quân sĩ liền đập phá tan nát. Duy Cận sợ, phải thay đổi quần áo đi lẻn về cung.
Trịnh Khải biết việc này là do thái phi gây ra, nhân dụ dỗ quân sĩ chớ làm huyên náo, rồi lập tức hạ lệnh cho bầy tôi trong triều xin nhà vua lập Duy Khiêm (tức Lê Duy Kỳ) làm hoàng thái tôn. Lúc ấy Duy Khiêm 18 tuổi. Lại bắt Duy Cận làm tờ biểu nhường ngôi thái tử. Duy Cận bị truất làm Sùng Nhượng công.[27]
Nếu quả thực Lê Duy Cận có âm mưu hại cháu như thế thì phải nói rằng vua Chiêu Thống cũng còn nhiều nhân tình vì sau này khi Tôn Sĩ Nghị đòi đưa Duy Cận sang an tháp ở Trung Hoa, chính Lê Duy Kỳ đã xin cho Duy Cận được ở lại để mình lo liệu với lý do Duy Cận là người “si ngốc” không đáng lo vì biết rằng một khi bị đày sang Trung Hoa sẽ không còn bao giờ trở lại quê hương được nữa.
1.1.3. LÊ DUY KỲ ÐƯỢC PHONG HOÀNG THÁI TÔN
Lê Quí Dật Sử [nhiều phần tác giả là Bùi Dương Lịch] chép như sau:
Khi đó, quân sĩ đã tôn lập ngôi chúa, lại thả con cố thái tử [Lê Duy Vĩ] bị giam là Duy Khiêm, Duy Tụ, Duy Chi rước về nội điện. [Quân lính] lại đến cửa khuyết xin lập hoàng thái tôn. Vua ban sắc thưởng cho quân sĩ hai nghìn lạng bạc và ban cho mỗi người thêm một bậc chức tước và cho phép nhường cho họ hàng quen biết để lấy đó làm ơn, giáng hoàng tử thứ tư trước đây được lập để nối dòng, làm Sùng Nhượng công, ra sức [sắc ?] chỉ lập Duy Khiêm làm Hoàng Thái tôn. Lời văn của sắc chỉ:
Kính nghĩ:
Hoàng tôn là giòng cháu đích, tuổi đã trưởng thành. Ta nhờ tự vương [tức chúa mới Trịnh Khải] mở rộng được mưu lớn, xoay chuyển càn khôn được đúng đắn, ngươi là đích tôn, noi theo đức xưa giữ đồ thờ cúng.[28]
Việc Trịnh Sâm bỏ trưởng lập ấu đã đưa đến loạn kiêu binh, nay Trịnh Khải trở lại làm chúa lại nảy sinh ra mâu thuẫn giữa chúa Trịnh và binh lính. Chúa Trịnh sợ binh sĩ tôn phò hoàng thái tôn, một mai khi Lê Duy Kỳ làm vua thì cơ nghiệp nhà Lê có cơ khôi phục, quyền hành nhà chúa sẽ bị bớt đi nên lại có ý muốn trấn áp quân tam phủ. Trịnh Khải lại tin dùng bọn Mai Doãn Khuê, Nguyễn Lệ[29], Nguyễn Triêm… sai họ dẹp kiêu binh đồng thời giám sát hoàng tự tôn Lê Duy Kỳ.
Bọn Nguyễn Lệ, Nguyễn Triêm trừ được một số lính tam phủ nhưng sau đó quân sĩ nổi lên, Nguyễn Triêm bị giết, chúa Trịnh phải cách chức Nguyễn Lệ. Khâm Ðịnh Việt Sử, quyển XLVI, trang 7 chép:
… Từ đấy, quân sĩ mỗi khi ra ngoài kéo từng đàn hàng trăm hàng ngàn người, tung hoành nơi thôn xóm, tự ý cướp bóc thả cửa. Quân sĩ nào đi đường một mình, thường bị dân quê đón đường giết chết. Quân và dân coi nhau không khác gì giặc cướp thù hằn.[30].
Lịch Triều Tạp Kỷ viết:
… Bởi vậy hễ lính Thanh Nghệ nào lệ thuộc ở các trấn mà trốn đi, khi đi qua các xóm làng không dám cất tiếng nói, có kẻ nào lỡ mồm nói tiếng Thanh Nghệ mọi người nghe biết thì giết liền. Chúng thường phải giả câm, ăn xin ở dọc đường để lén vào kinh đô, đồn đại lên rằng chẳng mấy ngày nữa, bốn phương [sẽ kéo quân] đến tập hợp ở dưới chân thành. Các quân Thanh Nghệ đóng ở kinh đô bèn họp nhau lại, bàn mưu chống cự, chia đường kéo ra các mặt Ðại Phùng và Vĩnh Kiều đều bị thổ hào đánh bại, chúng phải quăng bỏ áo giáp đeo vết thương mà về. Kinh đô rung động. Những người ở phố phường chợ búa đều dắt díu nhau chạy ra khỏi thành. Chư quân vừa sợ vừa giận, gọi Tông là “chúa giặc”.[31]
Những xung đột nội bộ của miền Bắc đã khiến cho hệ thống chính trị và quân sự Ðàng Ngoài suy yếu đưa tới việc Nguyễn Huệ đem quân ra mà không gặp một lực lượng kháng cự nào đáng kể. Năm ấy là năm Bính Ngọ (1786), Lê Duy Kỳ được 19 tuổi.
1. 2. QUỐC PHÁ
1.2.1. TÂY SƠN RA BẮC
1.2.1.1. CHIÊU BÀI PHÙ LÊ DIỆT TRỊNH
Khi Nguyễn Huệ ra bắc, ông nghe theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh, nêu cao danh nghĩa “Phù Lê Diệt Trịnh” để thu phục lòng người. Chính chiêu bài này đã khiến cho quân chúa Trịnh buông giáo đầu hàng rất nhanh. Thành Thăng Long hỗn loạn:
Những người tránh “giặc” chạy ra ngoài thành đều bị dân phụ cận cướp bóc. Quân sĩ bại trận kết bầy hàng trăm hàng ngàn tay cầm gươm giáo, nhưng chỉ mới trông thấy vài ba trẻ chăn trâu đi qua là đãhoảng hốt bó tay, vứt hết mọi thứ trong người mà chạy. Các làng xã gần nhau thì cướp bóc lẫn nhau, đón đường chặn khách bộ hành lột quần áo, nên đường sá vắng tanh.[32]
Trịnh Khải bỏ chạy, chung quanh chỉ còn vài người nên đã bị “phản” trong một tình thế rất hi hữu.
Ðoan vương chạy đến [làng] Hạ Lôi thuộc Văn Lãng. Trần Quán [Lý] sai học trò của mình người làng Vân Ðiềm đến đón. Quân Tây Sơn đuổi kịp. Dân có kẻ tên là Tuần Trang phản chúa, người Vân Ðiềm biết sự tình không thể làm gì được, tranh nhau với Tuần Trang, bức chúa dâng cho Tây Sơn để lấy công.[33]
Thấy thế cùng Ðoan Nam Vương tự tử. Quân Tây Sơn vào thành, dùng phủ chúa làm quân doanh nhưng đốt hết nhà cửa chung quanh. Nguyễn Huệ cho đem xác Trịnh Khải về kinh. Bọn tên Trang và Ba [người Vân Ðiềm]đều tự cho mình là người có công bắt được Trịnh Khải nên tranh nhau vào lãnh thưởng.
Huệ hỏi Ba rằng: “Có đúng là chúa Trịnh không?” Ba thưa: “Chính phải”. Huệ lại hỏi: “Nhà ngươi làm sao lại biết?”. Ba thưa: “Tôi đã từng là gia thần [của chúa]. Huệ nói: “Là kẻ bầy tôi mà bắt vua thì tộiđáng xử chém”. Bèn sai kéo Ba ra chém.[34]
Theo những nhân chứng sống còn ở kinh thành, lính Tây Sơn chia nhau đóng ở mọi nơi công thự, quần áo hỗn tạp không thống nhất. Người miền Bắc coi họ là “man binh” [蠻兵] ý nói họ là những kẻ mọi rợ từ phương nam tiến lên. Trong văn chương ta thấy các nhà nho gọi Nguyễn Huệ là “cuồng Chiêm” [狂占], “hắc tử” [黑子] với hàm ý khinh miệt. Tuy nhiên, người ta vẫn phải công nhận rằng “quân lệnh của Tây Sơn rất nghiêm, không ai dám lấy một mảy của dân”.[35]
Ngay lúc đầu, Nguyễn Huệ đã thấy không vừa ý khi ông được phong tước công:
… Ngày mồng 8 [tháng Bảy năm Bính Ngọ, 1786]. Vua Lê đặc cách sai triều thần bưng tờ chiếu sắc sang bên phủ [phủ chúa Trịnh, nơi Nguyễn Huệ đóng quân] tuyên phong Nguyễn Văn Huệ nguyên súy Phù chính dực vũ Uy quốc công. Huệ chịu phong xong, sai người kính dâng lễ tạ, cực kỳ chu tất. Rồi bảo riêng Nguyễn Hữu Chỉnh rằng: “Ta đem vài vạn quân ra đây, chỉ một trận là dẹp yên Bắc Hà, một tấc đất, một người dân, gì mà chẳng phải của ta cả. Ví bằng ta muốn xưng đế, xưng vương, có gì là chẳng được, sở dĩ nhường nhịn mà không làm, chỉ là hậu đãi nhà Lê đó thôi.[36]
Ðể lấy lòng, Nguyễn Hữu Chỉnh phải giả thác là vua Lê muốn kết thân, và làm mai để vua Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Tổng kết nhiều tài liệu khác nhau, ta thấy quả thực triều đình vua Lê hết sức cùng kiệt. Trong nhiều năm, vua Lê và tông tộc chỉ lo việc lễ nghi, ăn thực ấp còn tài sản, tiền bạc ở miền Bắc đều ở trong tay chúa Trịnh và giới quí tộc, quan lại dưới quyền phủ chúa.
Khi Nguyễn Huệ ra bắc có lẽ cũng chỉ tính ở đây một giai đoạn nên vàng bạc, châu báu thu vét cả. Hôn lễ của công chúa cũng là dịp triều đình lấy lại chút uy tín vì có một số sính lễ của người con rể mới:
… Ngày 11, Nguyên soái Nguyễn Huệ đưa ra 200 lạng vàng, 2000 lạng bạc và 20 tấm gấm để làm sính nghi, sai bọn thần thuộc dâng tờ biểu cầu hôn và lễ vật đến điện Vạn Thọ, có nghi trượng nhà binh và tàn tán cờ xí dẫn đầu hoặc rước theo sau. Vào tới trong điện, đợi đến dâng tiến. Vua Lê sai hoàng tử Sùng Nhượng công Lê Duy Cận tiếp nhận lễ vật đem cáo nhà Thái miếu. Qua bữa sau làm lễ cưới. Khi công chúa Ngọc Hân vu qui, từ cửa đ