Lê Hoàn- người khơi mở nhiều truyền thống văn hóa dân tộc
vua Lê Đại Hành LÊ HOÀN – NGƯỜI TỔ CHỨC, PHÁT HUY VÀ KHƠI MỞ NHIỀU TRUYỀN THỐNG QUÝ BÁU CỦA VĂN HÓA DÂN TỘC PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế 1. Lê Hoàn – người chèo lái con thuyền quốc gia Đại Cồ Việt khi vận nước lâm nguy. Mùa đông – 979, tại kinh đô Hoa Lư ...
vua Lê Đại Hành
LÊ HOÀN – NGƯỜI TỔ CHỨC, PHÁT HUY VÀ KHƠI MỞ NHIỀU TRUYỀN THỐNG QUÝ BÁU CỦA VĂN HÓA DÂN TỘC
PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế
1. Lê Hoàn – người chèo lái con thuyền quốc gia Đại Cồ Việt khi vận nước lâm nguy.
Mùa đông – 979, tại kinh đô Hoa Lư của quốc gia Đại Cồ Việt, chỉ một đêm cả hai cha con vua Đinh Bộ Lĩnh bị sát hại.
Định Quốc công Nguyễn Bặc tổ chức truy lung, bắt được kẻ ám sát, rồi cùng Ngoại giáp Đinh Điền, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn rước Vệ vương Toàn – con còn lại của Đinh Bộ Lĩnh mới 6 tuổi, lên ngôi hoàng đế. Lê Hoàn làm Phó vương nhiếp chính.
Nhưng, Định Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáo Đinh Điền, Phạm Hạp “ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ”[1] bèn cùng nhau dấy binh, muốn tiến đến kinh đô, giết Lê Hoàn[2] “làm kinh động nước nhà. Vua còn nhỏ yếu chưa kham nổi nhiều nạn”.
Ngay thời gian đó, hay tin cha con Đinh Bộ Lĩnh mất, rồi triều đình như vậy, từ phía nam, Ngô Nhật Khánh, con rể “bất đắc dĩ” của cố hoàng đế dẫn hơn ngàn chiếc thuyền quân Chiêm Thành theo cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang nhằm chọc thẳng vào kinh đô Hoa Lư.
Phía Bắc, Hầu Nhân Bảo – Tri châu Ung báo về vua Tống: “An Nam quận vương cùng với con là Liễn bị giết chết, nước ấy sắp mất, có thể nhân lúc này đem một cánh quân sang đánh lấy. Nếu bỏ lúc này không mưu tính, sợ lỡ mất cơ hội”.
Chẳng chờ viên Tri châu này về triều, vua Tống, theo lời bàn của Lư Đa Tốn cho rằng “An Nam rối loạn bên trong. Đó là lúc trời làm mất” đã áp dụng chiến lược bất ngờ đánh úp “sét đánh không kịp bịt tai”; giao cho Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu lục thủy bộ chuyển vận sứ với cả một đoàn tướng tá Kinh Hồ như Tôn Toàn Hưng, Hác Thủ Tuấn, Trần Khâm Tộ, Thôi Lượng, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn…họp quân cả bốn hướng hẹn ngày sang xâm lược.
Hơn 40 năm sau Bạch Đằng 938, đất nước dẫu vẫn còn không ít khó khăn, song chưa bao giờ vận nước lại mong manh đến thế!
Trong thời điểm cực kỳ nghiêm trọng với sự tồn vong của quốc gia dân tộc, trọng trách chèo lái con thuyền quốc gia Đại Cồ Việt được trao vào tay Lê Hoàn.
2.Lê Hoàn – người chuyển nguy thành an, đưa thế nước đi lên
Trước áp lực của tập hợp Nguyễn Bặc, Đinh Điền, lời khẳng định của Lê Hoàn trước Thái hậu: “Thần ở chức Phó vương nhiếp chính, dù sống chết biến họa thế nào đều phải đảm đương trách nhiệm!” thể hiện rõ bản lĩnh, vượt qua những thói tục tầm thường, dám chịu trách nhiệm của vị Tổng chỉ huy các lực lượng võ trang trước đòi hỏi của vương triều, mệnh nước.
Mối lo Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp được loại trừ nhanh chóng.
Với nạn xâm lược của nhà Tống.
Cuộc xâm lược quy mô, được nhà Tống chuẩn bị gần nửa năm (từ cuối mùa hạ, tháng 6 năm Canh Thìn – 980 đến mùa xuân năm Tân Tỵ – 981) huy động 3 vạn quân với một loạt các tướng lĩnh.
Chỉ trong thời gian ngắn (mùa xuân năm 981) quân dân Đại Cồ Việt do Lê Hoàn “tự làm tướng” đã ghi vào lịch sử dân tộc vũ công chói lọi “đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được” (Lê Văn Hưu), “…đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là anh hùng nhất đời vậy” (Ngô Sỹ Liên)[3].
Với vấn nạn từ phía nam, khí thiêng sông núi Đại Cồ Việt đã trợ phù cho vận nước khi chỉ qua một đêm trong năm 979, ngay trên cửa biển không xa kinh đô Hoa Lư, gió bão giáng đòn “Đại Ác” đã làm lật đắm thuyền khiến “Ngô Nhật Khánh cùng đám quân Chiêm Thành đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát về nước”. Tuy nhiên, không phải vì thế mà mối đe dọa từ phía nam vĩnh viễn được loại trừ.
Năm 982, hai viên sứ giả của Lê Hoàn là Từ Mục và Ngô Từ Canh bị triều đình Chiêm giữ.
Lê Hoàn liền “sai đóng chiếm thuyền, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh”. Cuộc nam chinh lần ấy của Lê Hoàn kéo dài trọn một năm – lâu nhất trong các vua thời phong kiến Việt.
Như vậy là chỉ trong vòng 3 năm, từ khi lên ngôi, hai mối đe dọa trực tiếp đến độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia Đại Cồ Việt từ phương Bắc và phương Nam đã được Lê Hoàn giải quyết nhanh, gọn.
Điều đặc biệt quan trọng là trước, trong và sau quá trình giải quyết những vấn nạn thuộc về địa – chính trị thường xuyên này của quốc gia, Lê Hoàn còn tạo ra một thế mới, mẫu mực trong nguyên tắc bang giao với triều đình phương Bắc, và mở đầu một quá trình lãnh thổ – văn hóa xuống phương nam mà các triều đại phong kiến Việt Nam về sau tiếp tục tuân thủ và phát triển[4].
3.Lê Hoàn – người khơi mở nhiều điển lễ văn hóa.
Các nguồn sử liệu như Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí khi biên chép về các sự kiện từ kỷ nguyên độc lập tự chủ thời Ngô Quyền trở đi, thường có những điển lễ, sự kiện, gắn với chữ “thủy” (bắt đầu) “sơ” (đầu tiên):
Chẳng hạn:
“Kỷ Hợi – 939, mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương”.
“Năm Mậu Thìn – 968…vua lên ngôi, bắt đầu dựng đô mới”[5].
Nếu hơn 40 năm của thời Ngô, Đinh (938 đến 980) chỉ có 2 lần như vậy, thì trong 24 năm của thời Lê Hoàn, bên cạnh những điển lễ,…đi liền với chữ “bắt đầu”, còn có những chữ “hậu dĩ vi thường” (về sau làm thành lệ thường)[6].
Mùa xuân năm Đinh Hợi – 987, “vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọ (Hà Nam), lại cày ở núi Bàn Hải” (?).
Từ năm 989 đến 995, Lê Hoàn đã lần lượt phong vương cho các con (gồm cả con nuôi):
STT |
Các con |
Danh hiệu |
Đóng quân ở |
Năm phong |
1 |
Lê Thau[7] |
Kình Thiên Đại vương |
|
Năm 989 |
2 |
Lê Ngân Tích |
Đông Thành vương |
|
Nt |
3 |
Lê Long Việt |
Nam Phong vương |
|
Nt |
4 |
Lê Long Đinh |
Ngự Man vương |
Phong Châu |
Năm 991 |
5 |
Lê Long Cân |
Ngự Bắc vương |
Phù Lan Vùng Phù Vệ – Đường Hào |
Năm 991 |
6 |
Lê Long Đĩnh |
Khai Minh vương |
Đằng Châu Phần Kim Động |
Năm 992 |
7 |
Lê Long Tung |
Phiên Định vương |
Tư Doanh, Ngũ Huyện Giang |
Năm 993 |
8 |
Lê Long Tương |
Phó vương |
Đỗ Động Giang |
Nt |
9 |
Lê Long Kính |
Trung Quốc vương |
Cần Đà, Mạt Liên |
Nt |
10 |
Lê Long Mang |
Nam Quốc vương |
Vũ Lung |
Năm 994 |
11 |
Lê Long Đề |
Hành Quân vương |
Bắc Ngạn, Cổ Lãm |
Năm 995 |
12 |
Con nuôi? |
Phù Đái vương |
Phù Đái |
Nt |
Về việc phong vương cho các hoàng tử, Ngô Thì Sĩ đánh giá:
“Các hoàng tử đời Lý Trần đều được phong tước vương. Người nào công đức to hơn thì thêm chữ Đại, có lẽ phong theo lệ này”.
“Lê Đại Hành tránh cái loạn của nhà Đinh phong khắp cho con gồm 13 tước vương, chia nhau ở các châu quận. Có lẽ là theo lối ngày xưa. Muốn nơi lớn nhỏ ràng buộc lẫn nhau, lúc nguy cấp thì cứu nhau, chống kẻ khinh rẻ mà giữ sự bền lâu, không thể thừa cơ dòm ngó như mình đối xử với nhà Đinh. Lo nghĩ cũng chu đáo đấy, phương pháp cũng chặt chẽ đấy”[8].
Lưu ý là:
-8/9 vị hoàng tử đều được phân công phía bắc Hoa Lư, ở hai bên bờ bắc – nam sông Hồng hiện nay.
-Chỉ có 1 hoàng tử đóng quân ở Vũng Lung (thuộc Thanh Hóa ngày nay) phía nam Hoa Lư.
Mặt khác qua danh hiệu tước vương của các hoàng tử, nhất là các hoàng tử phụ trách ở vùng trung tâm châu thổ, khu vực hai bên bở nam, bắc sông Hồng: Hành Quân vương, Ngự Man vương, Ngự Bắc vương, Phiên Định vương, Trung Quốc vương…đã gợi ý những nhiệm vụ, sứ mạng mà Lê Hoàn đang đặt ra, đòi hỏi các hoàng tử phải đảm trách ở vùng châu thổ này, vừa cho thấy rõ Lê Hoàn bằng hành động thực tế đã rất coi trọng vùng trung tâm châu thổ sông Hồng. Vùng này vào những năm cuối của thiên niên kỷ thứ nhất vẫn còn những hoạt động lẻ tẻ chống đối lại triều đình mà sử cũ gọi là “giặc”.
Năm Đinh Dậu – 997, Lê Hoàn “thân đi đánh giặc ở Đỗ Động Giang (vùng Thanh Oai – Hà Tây ngày nay), bắt được đồ đảng đem về kinh sư”.
Năm Canh Tý – 1000 “xuống chiếu đi đánh giặc ở châu Phong (vùng Sơn Tây, Phú Thọ) là bọn Trịnh Hàng, Đan Trường Ôn”…
Như vậy, chính việc tập trung đến 8/9 con trai – lực lượng thân tín của mình vào khu vực này và với những sứ mạng hành quân, ngự man, phiên định…và bản thần dẫn quân đi đánh dẹp lực lượng chống đối ở Đỗ Động Giang, cho thấy Lê Hoàn đánh giá cao vai trò của vùng châu thổ, mong ổn định tình hình ở trung tâm châu thổ. Quá trình đó, rõ ràng đã chuẩn bị địa bàn trực tiếp, để hơn 10 năm sau đó Lý Công Uẩn có thể ung dung quyết định rời đô từ Hoa Lư về Đại La.
Nhận xét thế nước Đại Cồ Việt cũng như công việc phát triển kinh tế văn hóa, xã hội đất nước của vua Lê Hoàn, Ngô Thì Sĩ rồi Phan Huy Chú đều thống nhất cách đánh giá:
Nhận xét về thế nước Đại Cồ Việt cũng như công việc phát triển kinh tế văn hóa, xã hội đất nước của vua Lê Hoàn, Ngô Thì Sĩ rồi Phan Huy Chú đều thống nhất cách đánh giá:
“Sứ thần Trung Quốc phải tôn sùng, tù trưởng sơn động hết chuyện làm phản. Thành Hoa Lư phồn vinh hơn cả nhà Đinh. Còn lưu ý đến sức dân, quan tâm đến chính sự của nước, chú trọng nghề làm ruộng, nghiêm ngặt việc biên phòng, quy định pháp lệnh. Tuyển lựa quân ngũ…có thể nói là hết sức siêng năng, hết lòng lo lắng”[9].
Với 24 năm ở cương vị cao nhất của quốc gia, Lê Hoàn đã hoạt động không mệt mỏi vì sự phát triển của quốc gia Đại Cồ Việt. Không phải ngẫu nhiên mà hơn 700 năm trước, có người hỏi Lê Văn Hưu (1230 – 1322):
“Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Lê Văn Hưu đáp: “Kể về mặt trừ gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt Nam, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn”[10].
4.Lê Hoàn – người tập hợp, quy tụ, tổ chức, phát huy, nhân lên có hiệu quả nhân tài, sức mạnh quốc gia, dân tộc.
Mùa thu năm canh thin – 980, khi có tin quân Tống sắp sang, cùng với việc chọn dũng sĩ đi đánh giặc, Lê Hoàn quyết định “lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cự Lạng làm Đại tướng quân”[11].
Vị tướng người huyện Chí Linh (Hải Dương) ấy chẳng phải ai xa lạ. Chính là em trai Phạm Hạp – Vệ úy đời vua Đinh Bộ Lĩnh, một trong ba người cầm đầu phái tổ chức cuộc tấn công Lê Hoàn, đã bị chính Lê Hoàn truy kích lên tận Cát Lợi (Bắc Giang) và bắt sống đem về Hoa Lư!
Và, trong giờ phút khi triều đình đang bàn kế hoạch xuất quân, thì Cự Lạng, người đang mang mối thù về anh trai bị bắt, lại cùng với các tướng khác dưới quyền của Lạng, “đều mặc áo trận, đi thẳng vào Nội phủ”…!
Nhưng, chính Phạm Cự Lạng[12], chứ không phải là ai khác, xướng xuất với mọi người: “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho. Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thâp đạo làm thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”.
Quân sĩ nghe vậy đều hô “vạn tuế”.
Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn, khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi hoàng đế.[13]
Như vậy là sau hơn nửa năm làm Phó vương nhiếp chính, cho đến lúc này, khi lực lượng chống đối (hay hiểu nhầm?) như Nguyễn Bặc, Đinh Điền…đã không còn nữa, đất nước đang đứng bên bờ vực mất còn của họa ngoại xâm, và chỉ khi “mọi người vui lòng quy phục”[14], Lê Hoàn mới chính thức lên ngôi. Cuộc chuyển giao ngôi vua từ triều Đinh sang Lê – đến thời điểm này diễn ra như có bàn tay của đạo diễn bậc thầy!
Sau khi Lê Hoàn lên ngôi, cựu hoàng đế – cậu bé Đinh Toàn 6 tuổi được giáng phong mà thực chất là trở về vị trí cũ làm Vệ vương.
Hai mươi mốt năm sau, năm 1001, khi cùng Lê Hoàn tấn công lực lượng chống đối ở miền Cử Long (vùng Lạc Thủy – Thanh Hóa), Vệ vương Đinh Toàn đã hy sinh tại trận khi 28 tuổi.
Tiếp tục tinh thần từ triều Đinh, những trí thức hàng đầu của quốc gia như thiền sư Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu (933 – 1011)…càng được Lê Hoàn trọng dụng.
Thiền sư Pháp Thuận (915 – 990) “trong buổi đầu khi nhà Tiền Lê mới sáng nghiệp, sư có công bàn hoạch định sách lược. Khi thiên hạ thái bình sư không nhận chức tước của triều đình phong thưởng, vua lại càng thêm kính trọng, thường không gọi tên, mà gọi là Đỗ Pháp sư, thường ủy thác cho sư các công việc văn hàn…Vua từng hỏi sư về vận nước ngắn dài”[15].
“Trong văn kiện bang giao lúc bấy giờ, như bức thư xin nối ngôi của Vệ vương Toàn thấy được bút pháp uyển chuyển khúc chiết, đúng thể cách. Cho đến câu thơ nối vần thiên nha, khúc ca tiễn sứ giả, tình tứ sắc bén đầy đủ, dù văn nhân, từ khách ngày nay cũng không hơn được”[16].
Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu (933 – 1011) – người đã được vua Đinh Bộ Lĩnh phong chức Tăng thống, ban hiệu Khuông Việt đại sư từ năm 971, tiếp tục được sự kính trọng đặc biệt của Lê Hoàn “phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự”.
Thời đại Lê Hoàn ngoại giao Việt – Hán không chỉ trước, trong và sau chiến tranh xâm lược của nhà Tống (981) đã được phát triển đến một tầm cao mới. Một trong những nguyên nhân quan trọng của thành công này, vì Lê Hoàn đã tin cậy, trao phó cho các đại trí thức như Khuông Việt Ngô Chân Lưu, Pháp Thuận…
Chính thiền sư Vạn Hạnh (? – 1018) – người thiết kế, tổ chức tài giỏi – trụ cột của Lý Công Uẩn, của kinh thành Thăng Long khai mở thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới, cũng đã được vua Lê Hoàn “đặc biệt tôn kính”[17]…
Trong triều đình Lê Hoàn có thái sư Hồng Hiến (? – 988) là người Trung Hoa, “thông hiểu kinh sử, thường theo cuộc chinh phạt, làm quân sư, cùng khuyên vua lên ngôi, mưu bàn việc nước có công lớn, vua tin dùng như tâm phúc”[18]
Nhận xét về đội ngũ trong triều đình nhà Tiền Lê thời Lê Hoàn, Ngô Thì Sỹ viết: “anh tài nước ta đời nào cũng có, thường không thiếu người dù không thấy được cụ thể nuôi dạy thành tài, không chép việc soạn thảo của các văn thần, nhưng Hồng Hiến do học rộng mà làm đến tam sư, sư Thuận, sư Chân Lưu làm cao tăng cũng đảm đương trách nhiệm đối đáp”[19].
Trong lịch sử của triều đình Việt Nam thời độc lập tự chủ, Lê Hoàn thuộc vào hàng ít ỏi các vị vua anh minh có bản lĩnh và niềm tin dùng người – như là một mẫu mực về phương pháp sử dụng chuyên gia như vậy.
Trong thời điểm cam go nhất của vận mệnh quốc gia dân tộc, viên Thập đạo tướng quân quen trận mạc, Lê Hoàn đã được tín nhiệm trao đảm trách chèo lái con thuyền quốc gia.
Con thuyền Đại Cồ Việt dưới sự chèo lái của Lê Hoàn đã vượt qua mọi nguy hiểm khó khăn, cập bến vinh quang, mở ra kỷ nguyên “Nam thiên lý thái bình” (trời Nam mở nền thái bình). Việc chuyển giao từ Đinh sang Lê, được thực hiện một cách ít đổ bể, đứt đoạn nhất. Sức mạnh dân tộc được tổ chức, kết tinh “thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nhấn chìm lũ cướp nước”. Lê Hoàn không phải là vị vua mở đầu cho thời kỳ độc lập tự chủ của Việt Nam, không phải là vị vua thọ nhất, hay vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử các vương triều của quốc gia, nhưng nhiều hoạt động của Lê Hoàn đã trở thành điển lễ gây dựng, khơi mở những truyền thống quý báu của văn hóa Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn, sức mạnh của triều đình Tiền Lê, của quốc gia Đại Cồ Việt được thống nhất, nhân lên và phát huy chính là thông qua con đường đại đoàn kết, tập hợp phát huy mọi lực lượng quốc gia, trí thức của thời đài.
Đó chính là cội nguồn, tâm điểm, đích thực trí tuệ, tài năng, nghị lực, nhân cách, bản lĩnh của Lê Hoàn.
* Trong vòng 25 năm từ cuối 970 đến tháng ba năm 1005.
Con thuyền Đại Cồ Việt dưới sự chèo lái của Lê Hoàn đã trải qua những thử thách nghiêm trọng nhất:
Việc chuyển giao từ Đinh sang Lê không bị đứt đoạn.
Tiềm năng, sức mạnh, trí tuệ dân tộc dưới ngọn cờ Lê Hoàn được tổ chức, phát huy, kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nhấn chìm lũ cướp nước. “Năm 981 và sau đó được tiếp tục nhân lên, phát huy trong hướng tới kỷ nguyên Nam thiên lý thái bình (Trời Nam mở thái bình)”.
Không phải là vị mở đầu cho thời kỳ độc lập tự chủ của Việt Nam.
Không phải là vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử các vương triều của quốc gia.
Nhưng nhiều hoạt động của Lê Hoàn đã trở thành điển lễ, gây dựng những truyền thống quý báu của văn hóa Việt Nam.
* Hơn sáu mươi năm, sớm tắm mình trong trường đời, trong cuộc đấu tranh gian khổ, sôi động và không mệt mỏi vì công cuộc thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc, kiến thiết và hưng thịnh quốc gia dân tộc, quy tụ và phát huy mọi tiềm năm sức mạnh, trí tuệ của quốc gia, đó chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh, trí tuệ, nhân cách, bản lĩnh đích thực của Lê Hoàn, là con đường duy nhất để từ một cậu bé sinh vào đúng rằm tháng bảy năm 941, lại sớm bị mồ côi cả mẹ lẫn cha, với tuổi thơ “trăm điều cô đơn, cay cực”,…trở thành một vị vua anh hùng, anh minh, rạng rỡ non sông không chỉ riêng của thế kỷ thứ X.
[1] Ngô Sỹ Liên và sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, Q.1, tờ 7a. Theo bản khắc năm Chính Hòa 18 – 1967. Bản dịch của Ngô Đức Thọ, hiệu đính Hà Văn Tấn. Nxb. KHXH, H.1998, Tập I, trg.215. Từ đây viết tắt là Toàn thư.
[2] Về sự kiện này, Ngô Thì Sỹ dẫn thêm Dật sử, có chi tiết: “Hoàn lúc mới nhiếp chính, bọn Nguyễn Bặc biết Hoàn tất sẽ cướp ngôi, bèn đưa con em đón Hoàn ở ngang đường, lấy đại nghĩa để trách Hoàn, rồi định đưa thân liều chết. Hoàn nói rằng: “Các ông lầm rồi, ta há phải kẻ làm phản?”, “Thế rồi an ủi nhau giải tán ra về, nhưng mỗi người đều có chí nhằm sơ hở để loại trừ nhau. Đến khi Hoàn đưa quân vào trong cung cũng không hỏi đến” Ngô Thì Sĩ. Đại Việt sử ký tiền biên, bản kỷ, Q.1, tờ 11a. Bản dịch của Lê Văn Bảy, Nguyễn Thị Thảo, Dương Thị The, Phạm Thị Thoa. Nxb KHXH, H.1997, tr.160
[3] Xem Nguyễn Quang Ngọc: Lê Hoàn và chiến thắng Bạch Đằng năm 981, báo cáo trong Hội thảo.
[4] Tham khảo các báo cáo tại hội thảo: Phạm Xuân Hằng: Lê Hoàn và buổi đầu của nền ngoại giao độc lập Đại Cồ Việt.
Trần Thị Băng Thanh: Lê Hoàn và một giai đoạn mới trong cuộc bang giao với nhà Tống.
Hà Duy Biển: Lê Hoàn và quá trình lãnh thổ về phía nam của cộng đồng dân tộc Việt Nam thời quốc gia độc lập tự chủ.
[5] Toàn thư. Q.1. tờ 2b, Sđd, tr.211
[6] Toàn thư. Q.2. tờ 17a, Sđd, tr.223
[7] Ngô Thì Sĩ: Đại Việt sử ký tiền biên. Q.1, tờ 28a – b, Nxb Khoa học xã hội, H.1997, tr.175
[8] Ngô Thì Sĩ: Đại Việt sử ký tiền biên, q.1, tờ 45b. Sđd, tr.189
[9] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Bản dịch phần Nhân vật chí của Nguyễn Mạnh Duân, Trương Văn Chinh, bản in lại của Nxb KHXH, H.1992, tr.192.
[10] Toàn thư. Q.1, tờ 9b, Sđd, tr.217
[11] Ông nội là Phạm Chiêm giữ chức Đông giáp tướng quân thời Ngô Quyền, cha là Phạm Man làm Tham chính đô đốc thời Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập.
[12] Tham khảo: Đinh Thị Thùy Hiên: Góp phần tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp đại tướng quân Phạm Cự Lạng – Báo cáo khoa học trong hội thảo. Trong Thần điện người Việt, Phạm Cự Lạng hóa thành Hồng thánh trung vũ tá trị đại vương. Xem Việt điện u linh. Bản dịch của Đinh Gia Khánh, Nxb Văn học, H.1972, tr.62-63.
[13] Toàn thư. Q.1 tờ 10a, Sđd, tr.217
[14] Dẫn theo: Thiền uyển tập anh, bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Phân viện Phật học và Nxb Văn học, H.1990
[15] Ngô Thì Sĩ. Đại Việt sử ký tiền biên. Q.1. tờ 24b, Sđd, tr.171
[16] Thiền uyển tập anh, Sđd
[17] Tham khảo Nguyễn Hữu Sơn: Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh, Nxb KHXH, H.2003 và báo cáo: Lê Hoàn với Phật giáo và văn hóa – văn học Phật giáo thời Lê Hoàn tại hội thảo.
[18] Toàn thư. Q.1, tờ 9a, Sđd, tr,226.
[19] Ngô Thì Sỹ: Đại Việt sử ký tiền biên.