24/05/2018, 23:32

Xu Hướng phát triển tân sinh học ở Á Châu và việc khai triển sinh học ở Việt Nam

' Tạp chí Hội nghị lần thứ 8 của A-IMBN tại Tp. HCM 2005 ; (): Tác giả Nguyễn Đức Thái, Đỗ Đình Hồ Nơi thực hiện TP Hồ Chí ...

'
 Tạp chí Hội nghị lần thứ 8 của A-IMBN tại Tp. HCM2005 ; ():
 Tác giả   Nguyễn Đức Thái, Đỗ Đình Hồ
 Nơi thực hiện   TP Hồ Chí Minh
 Từ khóa   Sinh học
  DOI   [ URL]  [ PDF]

Nhân dịp Hội nghị sinh học phân tử Châu Á lần thứ 8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi mong được chia sẻ một vài ý tưởng về vai trò của Việt nam có thể góp phần vào lĩnh vực sinh học hiện đại của Châu Á như thế nào. Để hiểu thêm về tình hình nghiên cứu sinh học ở Châu Á, xin xem bài “Science Star over Asia” Vol. 3, Issue 9, Sept. 2005 của TS. Chris Tan, xuất bản tại the Public Library of Science for Biology (PloS Biology). Chúng tôi chân thành cám ơn TS.Ken Ichi Arai, người sáng lập nên hiệp hội A-IMBN, đã quan tâm đặc biệt và hỗ trợ cho Việt Nam trong tiến trình thúc đẩy lĩnh vực khoa học sinh học hiện đại cho Châu Á.

Thời gian gần đây sự hình thành các lĩnh vực khoa học thuộc sinh học ở Châu Á đang được thúc đẩy nhanh chóng, bao gồm các chương trình xây dựng về cơ sở hạ tầng có tiêu chuẩn quốc tế và những chương trình nghiên cứu đa lĩnh vực ở các trung tâm công nghệ sinh học của các nước lân cận ở Việt Nam. Hiện nay, nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực công nghệ sinh học ở Châu Á đã lên đến hàng tỷ đô la. Động lực thúc đẩy tiến trình này bắt nguồn từ những nước có nền kinh tế mạnh như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Điều làm chúng chúng tôi cảm thấy phấn khởi là sự tham gia của các chuyên gia sinh học hàng đầu thế giới, mà sự nghiệp của họ gắn liền với trung tâm nghiên cứu ở các nước phương Tây. Là những nhà khoa học, chúng tôi rất ngưỡng mộ về những khám phá tiên phong tạo nên dấu ấn lịch sử về sinh học hiện đại như nghiên cứu về gen ức chế khối u p53 (của TS. David Lane, UK), sự truyền tín hiệu bởi cytokine (của TS. Ken Ichi Arai, Nhật Bản), nhân tố biến nạp vào tế bào của kháng nguyên T (của TS. Yoshiaki Ito, Japan), nghiên cứu các thụ thể của yếu tố tăng trưởng (của Axel Ullrich, Germany), phát hiện phân tử ngụy trang (TS. Yoshikazu Nakamura, Japan) và nghiên cứu mới về các RNA không mã hoá có kiểu hình biến đổi trong các lĩnh vực thuộc sinh học (của TS. John Mattick, Australia). Cách đây không lâu, các nghiên cứu này của họ là một trong những xu hướng chủ đạo ở các nước phương Tây bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh và Đức. Hiện nay, các chuyên gia này đã là Trưởng Khoa, là Giám Dốc, là Giáo Sư và đảm trách vai trò các khoa hoc gia của các trường đại học, của các viện nghiên cứu ở Châu Á. Trong một thời gian ngắn, họ và các đồng sự của họ đã làm thay đổi bức tranh sinh học của Châu Á. Mục tiêu nghiên cứu của họ là giải quyết những vấn đề sinh học ở đất nước họ bằng những phương pháp mang tính học thuật và toàn cầu như họ đã từng thực hiện ở các nước công nghiệp phương Tây. Các kết quả nghiên cứu của họ ở Châu Á được đăng thường xuyên trên các tạp chí Science, Nature, PNAS cũng như trong các hội nghị trên thế giới. Ở phương Tây, sinh học phát triển rất nhanh chóng bởi kỹ thuật nhân dòng được khám phá đầu tiên của TS. Herbert Boyer ở đại học UCSF và Stanley Cohen ở đại học Stanford vào những năm 70. Sự biến đổi y học bằng phương thức sinh học đã qua những cuộc cách mạng, được cải tiến từ y học phân tử (1980s) cho đến y học hệ gen (genomic medicine) và y học post-genomic (1990s-2000s), và có liên quan đến các ngành khác nhau như tin sinh học, pharmacogenomics, proteomics, nghiên cứu về quá trình dịch mã. Gần đây nhất là kết quả nghiên cứu sinh học tổng hợp (synthetic biology) của TS. Craig Ventor, người đã giải mã trình tự gen người. Mục tiêu của sinh học tổng hợp là để tạo ra “những tế bào robot” để sản xuất các sản phẩm sinh học tinh vi, chất lượng phong phú, và có thể là những dạng sống mới có lợi cho con người.

Trong các tìm hiểu, chúng tôi có ấn tượng sâu sắc với sự phát triển và những biến đổi cơ bản trong lĩnh vực sinh học của thế giới, và chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc Việt Nam tham gia vào lĩnh vực mới này như thế nào. Thậm chí một vài người trong chúng tôi coi việc sử dụng một nguồn tài chính lớn dành cho mục đích nghiên cứu không phù hợp với tình hình kinh tế đất nước, và là một điều hoàn toàn không khả khi. Có lẽ chúng ta nên chú ý và nhấn mạnh vào các ứng dụng nào của sinh học hiện đại mà Việt Nam có thể thực hiện để có lợi cho sự phát triển của đất nước? Trong định hướng chung này, bằng chứng cho thấy sự phát triển lĩnh vực thuộc sinh học ở Việt Nam gần đây đã được những khích lệ lớn. Sau một thời gian ngắn với nỗ lực ban đầu của TS. Ho Do và Pham H. Van thiết lập qui trình PCR ở các phòng thí nghiệm của đại học Y dược Tp.HCM, kỹ thuật PCR ngày nay được sử dụng phổ biến ở Việt Nam: từ ứng dụng vào chẩn đoán bệnh phổ biến cho người, cho động vật nuôi cho đến ứng dụng vào cây trồng nông nghiệp. Ngoài ra cũng có nhiều tiến bộ về canh nông từ sinh sản gia súc bằng kỹ thuật vô tính đến chuyển gene. Thành công trong việc tổng hợp, sản xuất vaccine phòng các bệnh viêm gan và chống cúm gà H5N1 vào năm vừa qua là một sự kiện đáng mừng cho ngành y tế Việt Nam. Trên cơ sở này, ngày nay các vaccine tái tổ hợp được xem như là loại vaccine quan trọng ứng dụng các kỹ thuật nhân dòng, bằng phương pháp di truyền ngược. Khi được hình thành, các vaccine tái tổ hợp có giá thành thấp vì đặc tính khuếch đại nhân dòng của nó; quan trọng là chúng rất an toàn vì tính đặc hiệu của chúng cao hơn những phương pháp hiện nay dùng để tạo chủng gây bệnh giảm độc lực bằng nhiệt hoặc hoá học. Về phương thức, chúng tôi tin tưởng Việt Nam có thể đạt được nhiều kết quả kinh tế và khoa học tốt đẹp dựa vào các kỹ thuật sử dụng thực vật có nguồn gốc trị liệu, tế bào nuôi cấy, các mẫu dò nucleotide và peptide để sàng lọc các sản phẩm sinh học và vaccine dùng trong liệu pháp chữa bệnh. Các kỹ thuật này thường đòi hỏi nhiều kỹ năng và công sức, hơn là vấn đề tài chính.

Những thành tựu từ phương pháp “đi từ ngọn xuống gốc” (“top down”) này có thể mở ra nhiều cơ hội và hỗ trợ để chúng ta đi “từ gốc đến ngọn” ("bottom up"), cách tiếp cận này sẽ giúp chúng ta xây dựng được định hướng cơ bản của nghiên cứu y học. Tất cả chúng ta đều nhận thấy tầm quan trọng của những chuyên gia nghiên cứu của Việt Nam để nghiên cứu các vấn đề thuộc y học của Việt Nam bằng phương pháp tân sinh học. Đây quả là đề tài quan trọng và sẽ có những tác động tích cực vào chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Y tế Việt Nam thường phải đương đầu với nhiều thử thách. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư gan cao ở những bệnh nhân viêm gan; nhiều yếu tố gây bệnh từ môi trường và hoá học như dioxin làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư, ảnh hưởng tiêu cực về sinh sản, và vô số các bệnh về miễn dịch; Các dạng khác nhau của bệnh dịch và bệnh địa phương gây bệnh cúm hàng năm; vi khuẩn, virus kháng thuốc dùng để trị bệnh lao, sốt rét, viêm gan, HIV. Đây là những thử thách nằm trong lĩnh vực y học và khoa học, sự đầu tư vào công nghệ sinh học nên được ưu tiên hàng đầu trong số các lĩnh vực chủ chốt của Việt Nam để nỗ lực hình thành nên xã hội có công nghệ cao và giàu mạnh.

Điều rất rõ là các trung tâm nghiên cứu của Châu Á sẽ đóng vai trò dẫn đầu quốc tế trong các lĩnh vực thuộc sinh học trong tương lai. Những lợi nhuận về kinh tế thu được từ những chương trình nghiên cứu của họ sẽ sớm được kết quả; sự ra đời của những công ty công nghệ sinh học có tầm cỡ như Genentech, Biogen, Amgen sẽ thành hình ở Châu Á trong một tương lai không xa. Khuynh hướng này tạo ra môi trường thuận lợi cho Việt Nam thiết lập nghiên cứu sinh học theo tiêu chuẩn. Thật ra, có nhiều cơ hội cho Việt Nam xác nhập vào mạng lưới nghiên cứu sinh học của Châu Á. Trong sự hiểu biết của chúng tôi, việc A-IMBN (TS. Jeongbin Yim, Đại học quốc gia Seoul, Chủ tịch hiệp hội) đã chọn Việt Nam là một thành viên chính thức của tổ chức này và việc Hội nghị sinh học phân tử châu Á hàng năm lần thứ 8 được tổ chức ở Tp.HCM là một dấu mốc cho sự vận hành lĩnh vực công nghệ sinh học của Việt Nam. TS. Ken-Ichi Arai, người sáng lập nên hiệp hội A-IMBN (còn là thành viên của hội sinh học phân tử và sinh hóa quốc tế- IUBMB- về mạng lưới, công nghiệp và công nghệ sinh học) đã đến thăm các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu của Hà Nội và Tp.HCM để hỗ trợ cải tiến lĩnh vực công nghệ sinh học ở Việt Nam. Năm ngoái, dự án khoa học y tế toàn cầu của UCSF (TS. Regis Kelly làm đại diện) đã chọn Việt Nam là một trong số thành viên tham gia vào chương trình thử nghiệm của họ (dự án được thực hiện để hỗ trợ đào tạo cho các nhà khoa học từ các nước thế giới thứ 3 để điều tra những vấn đề thuộc y học của đất nước). Có nhiều công ty nước ngoài quan tâm đến những chuyên gia nghiên cứu tiềm năng và tài năng cuả Việt Nam để bổ sung vào nguồn nhân lực của họ. Hơn nữa, cũng có nhiều tổ chức và cá nhân mong muốn hỗ trợ Việt Nam thoát khỏi sự tàn phá của chiến tranh đã xảy ra trong quá khứ. Ở Việt Nam, việc thành lập Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM (TS. Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm CNSH) là một trong số những dự án quốc gia để giới thiệu nghiên cứu sinh học hiện đại ở Việt Nam. Việt Nam trân trọng chào đón tất cả các cơ hội từ những tổ chức quốc tế, và tự nỗ lực thiết lập công nghệ sinh học cho đất nước. Với sự hợp tác của các cộng đồng nghiên cứu quốc tế, chúng ta sẽ giảm được những khó khăn khi thiết lập công nghệ sinh học phục vụ cho xã hội. Việt nam cũng như là trở thành một đối tác có những khám phá và sản phẩm khoa học đóng góp vào sự tiến bộ và lợi ích của cộng đồng đồng khoa học thế giới.

Những thay đổi mới của nghiên cứu sinh học có tầm mức cách mạng đang xảy ra ở Châu Á để bắt kịp xu hướng toàn cầu, và sẽ có những tác động quan trọng đến các nền kinh tế và xã hội của khu vực. Tương lai khoa học sinh học của Việt Nam sẽ phát triển và chói sáng nếu Việt Nam có những chính sách ưu tiên và nỗ lực đặc biệt để phát triển công nghệ tân sinh học theo khuynh hướng này cùng với các nước tân tiến vùng Á Châu.

0