22/06/2018, 09:17

Vòm Sắt của Israel hoạt động như thế nào?

Nguồn: “How Israel’s “Iron Dome” works“, The Economist , 15/07/2014. Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Israel từ lâu đã được bảo vệ bởi “bức tường sắt” nổi tiếng của mình. Bây giờ những bức tường ấy còn có thêm một mái vòm. ...

Iron Dome

Nguồn: “How Israel’s “Iron Dome” works“, The Economist, 15/07/2014.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Israel từ lâu đã được bảo vệ bởi “bức tường sắt” nổi tiếng của mình. Bây giờ những bức tường ấy còn có thêm một mái vòm. Các nhà sản xuất vũ khí của Israel đã phát minh ra một hệ thống chống tên lửa gọi là “Vòm Sắt” bao phủ không phận Israel. Các nhà sản xuất Vòm Sắt (Iron Dome) tuyên bố đây là hệ thống nhanh nhạy và đáng tin cậy nhất cho đến nay, có khả năng bắn hạ các tên lửa trong khoảng thời gian 15 giây từ khi phóng cho đến khi tác động vào tên lửa đối phương. Chương trình 1 tỷ USD này, được trợ cấp bởi Hoa Kỳ, đã tỏ ra hữu ích cho Israel trong chiến dịch Vành đai Bảo vệ (Operation Protective Edge), một chiến dịch gần đây để đối phó với Hamas tại Gaza. Theo Israel, các chiến binh Palestine đã phóng gần 1.000 quả tên lửa nhằm vào Israel, nhưng các thiết bị đánh chặn của Vòm Sắt đã bắn hạ 87% các mục tiêu của mình, cho phép cuộc sống ở các thành phố của Israel tiếp diễn gần như bình thường. Vậy Vòm Sắt hoạt động như thế nào?

Vòm Sắt là cấu phần chống tên lửa tầm ngắn của hệ thống phòng thủ chống tên lửa gồm ba tầng của Israel. Hai cấu phần khác bao gồm hệ thống phòng không David’s Sling, hiện vẫn đang được phát triển, dự định nhằm bắn hạ các mục tiêu (tầm trung) trong khí quyển, bao gồm cả khu vực trên Địa Trung Hải; và hệ thống tên lửa Arrow, được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm xa trong không gian.

Ngay sau khi tên lửa đối phương được phóng, radar của Vòm Sắt sẽ theo dõi quỹ đạo, tính toán điểm tác động của chúng và phóng một loại tên lửa mà trong vòng vài giây sẽ khóa mục tiêu vào tên lửa của đối phương và bắn hạ nó. Mỗi cú đánh chặn tiêu tốn khoảng 60.000 USD, nhưng các kiến trúc sư của công trình này tuyên bố đã tiết kiệm cho Israel hàng tỷ USD thiệt hại vật chất và tác động kinh tế, cũng như bảo vệ sinh mạng cho người dân.

Hệ thống này đã vượt qua những khó khăn ban đầu. Ban đầu, các nhà hoạch định quốc phòng của Israel tỏ ra cảnh giác với việc triển khai hệ thống này trên các sân bay, lo ngại rằng nó cũng sẽ phản ứng và nhắm mục tiêu vào các máy bay. Do đó, các chỉ huy đã phát triển một mạng lưới toàn quốc nhằm xác định tất cả các mục tiêu hàng không thân thiện, đảm bảo rằng các tên lửa của Vòm Sắt chỉ nhắm vào các mục tiêu không được xác định.

Nhưng các vấn đề khác vẫn còn tồn tại: ngay cả khi các tên lửa được bắn hạ thành công, vẫn còn các mảnh đạn rơi từ không trung có khả năng gây chết người. “Cái gì đi lên thì cũng phải đi xuống,” Uzi Rubin, một nhà thiết kế của hệ thống Arrow cho biết. Và các đường cao tốc cũng như các khu vực nông thôn của quốc gia này vẫn đang phải đối mặt với mối đe dọa đó. Những người nông dân, thường là lao động nhập cư từ Thái Lan, thu mình sợ hãi giữa cánh đồng của họ. 200.000 người Bedouin của Israel, phần nhiều sống trong các khu phố ổ chuột, không có chỗ nào để ẩn náu. Những người lao động đang giúp mở rộng cơ sở hạ tầng của Israel chỉ còn biết nhìn trên bầu trời và cầu nguyện. Ngày 14/7/2014, một tên lửa đã làm bị thương nghiêm trọng một cô bé mười tuổi đang ở trong một căn lều ở thị trấn tồi tàn Lakiya. Ngay cả trong các thành phố, cứ mười đầu đạn thì có một cái xuyên vào thành phố.

Một số người tự hỏi liệu vấn đề chính của Vòm Sắt trong thực tế có phải là một vấn đề chính trị hay không. Sự thành công của hệ thống có nghĩa là Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đã có thể sử dụng Vòm Sắt để duy trì chính sách quản lý xung đột của ông mà ít lo ngại hơn về việc bị trả đũa. “Vòm Sắt đã làm thay đổi tính toán của các cấp chính trị của Israel theo những cách mà họ vẫn chưa lường được”, một cựu quan chức cấp cao cho biết. “Nó cho phép Israel chống lại áp lực quân sự và công luận trong nước nhằm kết thúc nhanh chóng cuộc xung đột, đồng thời tiếp tục ném bom Gaza.” Nó cũng mang lại một mức độ “miễn dịch” nhất định trước các nước láng giềng có tên lửa khác, chẳng hạn như dân quân Hizbullah của người hồi giáo dòng Shia ở Li-băng, hoặc Syria, điều có lẽ làm cho một thỏa thuận hòa bình lâu dài dường như trở nên ít cấp thiết hơn. Tuy nhiên, khi tiếng còi báo động các trận oanh tạc vang lên, hầu hết người Israel đều rất vui mừng vì có được sự bảo vệ của Vòm Sắt.

Xem thêm:

Giải mã sự thành công của Israel và người Do Thái

0