Cống người vàng thế thân: Từ sử liệu chính thống đến truyền thuyết dân gian
TS Nguyễn Thanh Tùng Bài viết đặt vấn đề tìm hiểu hiện tượng tiến cống “người vàng thế thân” trong lịch sử bang giao Việt – Trung thời trung đại. Trong bài viết này, từ việc phân tích các sử liệu chính thống, quan phương (còn gọi là “chính sử”) ghi chép về ...
TS Nguyễn Thanh Tùng
Bài viết đặt vấn đề tìm hiểu hiện tượng tiến cống “người vàng thế thân” trong lịch sử bang giao Việt – Trung thời trung đại. Trong bài viết này, từ việc phân tích các sử liệu chính thống, quan phương (còn gọi là “chính sử”) ghi chép về việc cống “người vàng thế thân” từ cả hai phía (Trung – Việt), phân tích nhóm tư liệu phi chính thống, tư nhân hoặc vô danh (mang nhiều tính giai thoại của loại “chuyện ngoài chính sử”) mà chúng tôi tạm gọi là “truyền thuyết” của dân gian (kể cả người phương Tây) trong sự đối sánh thường trực với nhau, bài viết sẽ chỉ ra sự lệch pha, khác biệt quan điểm, thái độ và động thái của các bên, các nhóm mà các sử liệu, tư liệu đại diện để làm rõ sự chi phối của các tác nhân bên ngoài như chủ thể, bối cảnh, mục đích, quyền lực, tri thức,… đến sự phản ánh cũng như diễn giải, tiếp nhận một hiện tượng lịch sử. Bài viết cũng chỉ ra sức mạnh chi phối của những văn bản “then chốt” và sức mạnh của cả những “ngộ nhận” trong sự diễn hoá của các văn bản, các diễn ngôn.
Cũng như trong lĩnh vực chính trị – quân sự, trong lĩnh vực ngoại giao của các quốc gia (đặc biệt là ở thời cổ trung đại) thường xuất hiện những biến cố, sự kiện được xếp vào dạng “thâm cung bí sử”, ít phổ biến ra bên ngoài. Chính sự bí mật, thiếu công khai đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu đã tạo điều kiện cho sự ngộ nhận hoặc diễn giải, thậm chí hư cấu thông tin theo những cách khác nhau, tạo thành các “diễn ngôn” phản ánh hoàn cảnh, mục đích, ý chí và lợi ích riêng của các chủ thể (các bên, các nhóm) mà sự khác biệt điển hình đến từ lĩnh vực chủ quyền dân tộc (ngoại bang và quốc nội, đế quốc và thuộc địa,…) và vị thế quyền lực – tri thức (trung tâm, chính thống, bác học và ngoại biên, phi chính thống, dân gian(1)). Tìm hiểu sự khác nhau này sẽ cho chúng ta thấy nhiều đặc trưng thú vị trong ý thức, hành động của các lực lượng, các nhóm cũng như sự vận động, tương tác của ý thức, hành động đó trong dòng chảy lịch sử. Hiện tượng cống “người vàng thế thân” (代 身 金 人) trong lịch sử ngoại giao Việt – Trung thời trung đại là một ví dụ điển hình.
* * *
1. Cống người vàng trong sử liệu chính thống Trung – Việt dưới cái nhìn đối chiếu
1.1. Khởi nguồn và tính chất của việc cống người vàng
Theo sử liệu Trung Hoa, việc cống “người vàng thế thân” trong quan hệ bang giao Việt – Trung bắt đầu xuất hiện từ thời Nguyên 元. Khởi nguồn, để lấy cớ chèn ép và nô thuộc An Nam 安 南 (tức Đại Việt 大 越), nhà Nguyên [Chí Nguyên 至 元 năm thứ 4 – 1267] đã đưa ra yêu sách “6 việc” (六 事), đó là:
“1) Vua nước ấy phải sang chầu;
2) Cho con em vua sang làm con tin;
3) Biên nộp hộ khẩu trong nước;
4) Góp quân lính;
5) Đóng sưu thuế;
6) Đặt chức Đạt lỗ hoa xích để cai trị”(2).
Vua Trần 陳 là Trần Quang Bính 陳 光 昺 (tức vua Trần Thánh Tông 陳 聖 宗, tên thật là Trần Hoảng 陳 晃) lần lữa không tuân theo. Năm 1278, nhà Nguyên lại sai sứ thần Sài Thung 柴 樁 sang An Nam đòi Trần Nhật Huyên 陳 日 烜 (tức Trần Nhân Tông 陳 仁 宗, tên thật là Trần Khâm 陳 昑) “nhập cận” (lấy cớ Nhật Huyên “tự lập” không xin phép và vua Nguyên mới đổi tên nước là “Đại Nguyên” 大 元, đòi ông sang chúc mừng). Vua Trần lấy cớ từ nhỏ sinh trưởng trong cung, sức khoẻ yếu, không quen thuỷ thổ để từ chối. Sứ Nguyên về nước, vua Trần sai sứ là Trịnh Quốc Toản 鄭 國 瓚 [tức Trịnh Đình Toản 鄭 廷 瓚], Đỗ Quốc Kế 杜 國 計 sang sứ để biện bạch. Nhà Nguyên không chấp thuận. Năm 1279, Sài Thung lại sang An Nam cật vấn vua Trần tự tiện lên ngôi và không sang chầu. Vua Trần tiếp tục tìm nhiều cách từ chối, sứ giả hai nước qua lại rất nhiều để thương thảo nhưng không có kết quả. Cuối cùng nhà Nguyên đưa ra một cách thức được họ cho là nhượng bộ, thoả hiệp đó là dùng “người vàng thế thân”. Chiếu dụ của vua Nguyên yêu cầu và đe doạ:
“Nếu quả không thể tự mình sang chầu, thì hãy gom vàng [đúc tượng] thay cho thân mình, dùng 2 hòn ngọc để thay cho mắt mình, lại phụ thêm hiền sĩ, phương kĩ, con gái, thợ thuyền mỗi hạng hai người, để thay cho dân trong nước. Nếu không theo thì hãy sửa sang thành trì mà đợi sự phán xử của ta”(3).
Vua Trần vẫn không chấp nhận nhưng có nhượng bộ bằng cách đưa chú là Trần Di Ái 陳 遺 愛 sang thay chầu. Sự việc sau đó, như chúng ta đều rõ: 2 lần (1285, 1288) nhà Nguyên cất quân chinh phạt An Nam và đều thất bại thảm hại. Mặc dù vậy, năm 1288, nhà Nguyên vẫn sai sứ Lí Tư Diễn 李 思 衍, Vạn Nô 萬 奴 sang An Nam đòi vua Trần vào chầu và đe doạ tiếp tục đem quân sang đánh để rửa hận(4). Trước áp lực to lớn đó, vua Trần buộc phải nhượng bộ bằng cách: “lại sai sứ sang tạ, dâng người vàng để tạ, gánh thay tội cho bản thân”(5). Nhà Nguyên vẫn tiếp tục hạch sách đòi vua Trần vào chầu thêm vài lần nữa, nhưng chấm dứt hẳn việc động binh. Như vậy, theo sử Trung Hoa, đây là lần đầu tiên An Nam cống “người vàng thế thân”. Cũng theo sử liệu Trung Hoa, người vàng ở đây là để thay thế cho vua An Nam, biểu hiện sự cung thuận, thần phục của nước “chư hầu” với “thiên triều” trong một mối quan hệ bang giao theo kiểu “triều cống” bất cân xứng(6). Ngoài ra, theo phân tích của các nhà nghiên cứu phương Tây, hiện tượng sử dụng cống vật như thế còn ẩn chứa mối quan hệ kinh tế đặc biệt(7).
Ngược với sử liệu Trung Quốc, sử chính thống Đại Việt hầu như không ghi chép về việc cống “người vàng thế thân” dưới triều Trần. Các sách Đại Việt sử lược 大 越 史 略, An Nam chí lược 安 南 志 略, Đại Việt sử kí toàn thư 大 越 史 記 全 書 (Toàn thư)tuy có ghi chép một số sự kiện ngoại giao liên quan(8) nhưng không chép việc nhà Nguyên đòi cống người vàng cũng như việc nhà Trần đáp ứng đòi hỏi đó. An Nam chí lược của Lê Tắc 黎 側 chỉ chép sự kiện năm 1288, sứ Đại Việt có sang nhà Nguyên cống “phương vật” mà không ghi rõ là gì(9). Đến Ngô Thì Sĩ 吳 時 士, trong Việt sử tiêu án 越 史 標 案, Đại Việt sử kí tiền biên 大 越 史 記 前 編 (Tiền biên) rồi sử thần nhà Nguyễn 阮 trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục 欽 定 越 史 通 鑑 綱 目 (Cương mục),có dẫn lời chiếu dụ của vua Nguyên nhưng có sửa đổi văn từ. Chẳng hạn, Tiền biên chép: “Theo sử phương Bắc, trước đây vua Nguyên nhiều lần sai sứ dụ vua vào chầu, vua ta đều không nghe. Vua Nguyên lại sai sứ sang dụ rằng: Nếu quả thực không tự mình đến, thì nên đem vàng bạc châu báu sang thay và đem những bậc hiền sĩ, những thợ giỏi mỗi loại hai người để phụ bên”(10). Về khởi nguồn lệ cống người vàng thời Nguyên, duy có tờ Bẩm Phúc đại nhân 禀 福 大 人 trong Bang giao hảo thoại 邦 交 好 話của Ngô gia văn phái có nhắc đến nhưng phủ nhận việc nhà Trần tuân theo. Tờ bẩm viết: “Trộm xét: lệ này có từ năm nhà Nguyên chinh phạt nhà Trần. Vua Trần quy thuận cầu phong, Trung Quốc sai Quốc vương nước ấy vào chầu. Vua Trần lấy cớ bệnh tật từ tạ. Vì thế, [nhà Nguyên] sức cho phải chuẩn bị người vàng làm thành hình dạng Quốc vương, để thay mình vào chầu. Vua Trần lấy lí do việc này xưa không có [từ chối], cuối cùng tránh được”(11).
Phải đến tận cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, việc nhà Trần cống người vàng mới được ghi nhận thông qua việc tra cứu sử liệu Trung Hoa. Sách Cổ kim giao thiệp sự nghi thông khảo 古 今 交 涉 事 儀 通 考 (Khuyết danh) dẫn Nguyên sử loại biên 元 史 類 編 thừa nhận sự khác biệt giữa sử Việt và sử Trung Hoa và cho rằng sử Trung Hoa “so với sự ghi chép của sử Việt giúp làm rõ hơn chỗ sơ lược của nhau”(12). Song từ trước đến nay, dường như chưa có công trình nào dẫn dụng sách này, do đó, kết quả khảo cứu của nó không được phổ biến rộng rãi.
Vậy là, trong hầu suốt thời kì trung đại, đã có sự lệch pha giữa sử Việt và sử Trung Hoa. Ta thấy các sách sử sớm nhất của Đại Việt (như Đại Việt sử lược, Toàn thư,…) không hề hé lộ việc nhà Nguyên đòi người vàng và nhà Trần xử lí ra sao. Mãi đến thế kỉ XVIII, sự việc mới dần được đề cập đến (ở những mức độ khác nhau) nhưng vẫn còn chưa rõ ràng (đặc biệt là Tiền biên, Việt sử tiêu án và Cương mục như đã dẫn). Tờ Bẩm Phúc đại nhân là tài liệu “đối ngoại” (so với các bộ sử có tính “đối nội” là chủ yếu), kết hợp cả sử liệu chính thống và truyền thuyết dân gian mới một phần thừa nhận gốc gác đó (vì đây là điều nhà Thanh hẳn nắm rõ và nêu lên làm lí do để đòi cống người vàng, không thể phủ nhận như đối với người trong nước), nhưng vẫn phủ nhận việc nhà Trần chấp nhận cống “người vàng thế thân”. Còn sách Cổ kim giao thiệp sự nghi thông khảo là một tài liệu khảo cứu tư nhân (chứ không phải chính sử), lại xuất hiện muộn trong thời buổi chữ Hán đang dần bị thu hẹp phạm vi ảnh hưởng, nên không có ảnh hưởng rộng rãi. Thành thử, việc nhà Trần có cống người vàng gần như không được thừa nhận.
Vì sao có hiện tượng trên? Trở lại nguyên uỷ của vấn đề, ta thấy việc nhà Nguyên đòi cống “người vàng thế thân” hẳn là có thật (được sử liệu hai bên thừa nhận ở những mức độ khác nhau), thể hiện thái độ rất kẻ cả, ngạo mạn của chúng. Việc vua Trần kháng cự cũng là có thật, được chính sử nhà Nguyên ghi lại, thể hiện ý chí cứng cỏi, độc lập của nhà Trần. Nhưng, năm 1288 nhà Trần có cống người vàng hay không thì hai bên có quan điểm khác nhau. Có 2 giả thiết được đặt ra. Một là, việc này là có thật, sử nhà Nguyên ghi chép chân thực với một sự tự mãn vốn có (nhưng có phần gượng gạo) đối với Đại Việt. Điều đó, nếu có, thực ra cũng không lấy gì làm ngạc nhiên, bởi dù chiến thắng quân Nguyên, nhưng trước áp lực của một nước lớn mạnh hơn nhiều lần, vua Trần phải chọn biện pháp cầu hoà. Nếu một lễ cống người vàng có thể tránh được can qua, chết chóc thì có lẽ ông cũng nên làm. Đó là một sự thoả hiệp, nhượng bộ (trên thế thắng) để đổi lấy hoà bình. Việc này sau đó nhiều vị vua khác của Đại Việt cũng làm theo. Hai là, có thể sử thần nhà Nguyên đã “chế tác” ra sự kiện này để tô vẽ, lấy lại thể diện cho vua quan nhà Nguyên sau 2 lần thất bại cay đắng. Hiện tượng đó không phải không thường xảy ra (khi sử Trung Hoa thường viết thế nào để giảm nhẹ thất bại của họ ở Đại Việt). Nếu đúng như vậy thì sử Việt đã phản ánh sự thực, và họ ngầm bác bỏ sử Trung Hoa. Nhưng nếu giả thiết thứ nhất là đúng thì tại sao sử Việt bỏ qua, rất ít nói đến và dần dần mới hé lộ phần nào? Điều này có thể có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, việc bang giao không phải ai cũng biết đến, đó là một bí mật quốc gia, kể cả sử quan đương thời cũng chưa chắc được biết, nhất là những việc nhạy cảm. Hơn nữa, trong hoàn cảnh binh lửa, việc sử quan khó nắm bắt đầy đủ tình hình cũng có khả năng xảy ra. Sử quan đương thời có thể cũng không có điều kiện được tiếp xúc với những tư liệu Trung Hoa để tham khảo, đối chiếu(13). Về chủ quan, đây là vấn đề tế nhị, có liên quan đến thể diện quốc gia (quốc thể), nên sử gia không muốn phổ biến rộng rãi, gây bất lợi cho triều đại. Điều đó trở thành một ý thức ám ảnh các sử gia không chỉ đương thời mà còn về sau khiến họ tìm cách làm “nhoè”, “mờ” sự kiện cống người vàng, đặc biệt là nếu nó liên quan trên triều đại họ đang phụng sự. Chẳng hạn, mặc dù tra cứu cẩn thận tư liệu Trung Hoa(14) và hẳn biết đến nội dung chiếu dụ của nhà Nguyên và trích dẫn nó(15), nhưng Ngô Thì Sĩ và sử thần nhà Nguyễn đã diễn thích lời văn của chiếu dụ đó đủ đến mức khiến người ta không còn nhận ra yêu sách đòi người vàng của nhà Nguyên nữa (qua đó làm mờ dấu vết về sự kiện cống người vàng thời Trần). Điều này khiến cho thông tin về việc cống người vàng thời Trần hầu như bị chìm khuất. Ý kiến của Hoa Bằng sau đây cho thấy tác động của việc diễn thích trên đối với nhận thức của người đời sau về việc nhà Trần có cống người vàng: “Có lẽ ở chỗ này có nói người Nguyên bảo vua Trần nếu không sang chầu thì phải dâng vàng ngọc để thay thế, nên người sau mới vin đó làm cớ, rồi đổ thừa cho vua Trần là người khởi đầu đem cống người vàng chăng”(16) Ở đây, có lẽ cũng còn có cả sự ưu ái lớn dành cho nhà Trần (các triều đại sau không được may mắn như vậy, nhất là triều đại đối kháng với triều đại đương thời), một triều đại vũ công oanh liệt trong lịch sử dân tộc (tâm lí này còn ảnh hưởng lâu dài đến thời hiện đại). Ngay tác giả tờ Bẩm Phúc đại nhân khi thừa nhận lệ cống người vàng cũng bác bỏ việc triều Trần tiến cống (ở đây mục đích của nó không chỉ để khẳng định tinh thần dân tộc, mà còn là phục vụ cho nhiệm vụ ngoại giao hiện tại: chống lại việc Phúc Khang An 福 康 安 đòi cống người vàng). Rõ ràng, làm gì có sự cung thuận ngoan ngoãn, vô điều kiện, mặc nhiên đối với những yêu sách vô lí và ngạo mạn của “thiên triều” như sử gia và các nhà nghiên cứu Trung Hoa hay phương Tây khẳng định. Nếu phải làm thì đó cũng chỉ là một việc làm “quyền biến”, bề ngoài, có điều kiện và trong những tình thế bắt buộc, cần được xử lí kín đáo. Mặt khác, đó cũng là động thái để giữ gìn thể diện cho chính “thiên triều”, xoa dịu sự bực bội, kiêu căng của chúng, bởi việc chấp thuận dâng người vàng không thường xảy ra trước các trận chiến (khi “thiên triều” yêu sách và đe doạ) mà xảy ra sau khi “thiên triều” đã thất bại thảm hại (về sau cơ bản cũng vậy, điển hình là trường hợp Lê Thái Tổ 黎 太 祖(17)), hoặc cảm thấy không lợi khi can thiệp quá sâu vào tình hình Đại Việt, đơn giản chỉ muốn “đục nước béo cò” (như trường hợp nhà Mạc 莫 và nhà Lê Trung hưng 黎 中 興). Giả dụ nhà Trần chấp nhận ngay từ đầu việc dâng người vàng thì liệu nhà Nguyên có dừng lại ở đó mà thôi! Thực tế lịch sử cho thấy không có chuyện đó (chẳng hạn Trần Quý Khoáng 陳 季 扩 3 lần sai sứ sang nhà Minh 明, trong đó có lần đem cả người vàng thế thân, nhưng nhà Minh thẳng thừng từ chối, hoặc giả vờ nhận nhưng sau lại lật lọng là bởi vì chúng đang trên thế áp đảo). Vậy nên nói cho công bằng, việc chấp nhận tiến cống người vàng là sự nhượng bộ, thoả hiệp của cả hai bên chứ không chỉ riêng bên nào: với “thiên triều” là để thoả mãn tư tưởng “Hoa tâm”, “Đại Hán” của họ (nhiều khi cũng là kiểu AQ chủ nghĩa rất hài hước) và với Đại Việt thì nó là một động thái khôn khéo để “hàn gắn” mối quan hệ bang giao bị tổn thương bởi chiến tranh giữa hai nước, củng cố hoà bình, ổn định hoặc đạt được sự công nhận về danh nghĩa của triều đình phương Bắc (nhiều khi quan trọng để đạt được tính chính danh ở bên trong). Điều này được thể hiện rõ hơn qua các lần cống người vàng về sau.
1.2. Diễn biến lệ cống người vàng
Sử liệu Trung Hoa ghi nhận lần tiến cống người vàng lần thứ 2 là do Trần Cảo 陳 暠 (thực chất là Lê Lợi 黎 利 tức Lê Thái Tổ) tiến hành sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trước đó, sử liệu Trung Hoa (tuy không phải chính sử) cũng ghi nhận việc nhà Minh sai sứ sang dụ cha con Hồ Quý Ly 胡 季 犛 cống người vàng, nhưng bị từ chối thẳng thừng(18). Đó là một trong những cái cớ để nhà Minh động binh, dẫn đến 20 năm nhà Minh đô hộ Đại Việt. Năm Tuyên Đức 宣 德 thứ 3 (1428), Minh thực lục明 實 錄 ghi nhận việc Trần Cảo “sai người mang biểu đến trần tình tạ tội, cống người vàng, người bạc thế thân”(19). Năm Tuyên Đức thứ 4 (1429), Minh sử 明 史 lại ghi nhận việc Lê Lợi “tiến cống phương vật và người vàng thế thân”(20). Đến năm 1433, Lê Lợi mất, con là Lê Lân 黎 麟 (tức Lê Thái Tông 黎 太 宗, tên thật là Lê Nguyên Long 黎 元 龍) lên ngôi, nhà Minh sai bọn Từ Kì 徐 琦 sang điếu tang đồng thời vặn hỏi về việc “thuế cống không như ngạch [đã định]” và “quân sĩ đánh phương Nam chưa về hết”. Nghe lời của Từ Kì “khuyên bảo chuyện hoạ phúc”, vua Lê (mới lên ngôi) lại sai sứ sang dâng cống người vàng và phương vật vào năm 1434(21). Từ đó đến hết thời Lê sơ, sử liệu Trung Hoa không ghi nhận thêm đợt cống người vàng nào nữa. Phải sang thời Mạc và Lê Trung hưng, việc cống người vàng mới được nối lại. Nguyên do là nhà Minh lấy cớ nhà Mạc tiếm ngôi, lại xâm phạm biên cảnh, doạ động binh tiễu phạt. Mạc Đăng Dung 莫 登 庸 (tức Mạc Thái Tổ 莫 太 祖) trước sức ép đó buộc phải chấp thuận một số đòi hỏi của nhà Minh như: trả lại mấy động ở biên giới (thực ra vốn đã của nhà Minh), Mạc Đăng Dung tự thân chịu trói (tượng trưng) đến Trấn Nam Quan “đầu hàng” và dâng cống người vàng, người bạc thay mình. Việc này được sử nhà Minh ghi là vào năm Gia Tĩnh thứ 19 (1540)(22). Trong thời Vạn Lịch (1573 – 1620), nhà Lê Trung hưng đánh đuổi nhà Mạc ra khỏi Thăng Long, sai sứ sang Minh cầu phong. Nhà Minh nghi ngờ có việc “mạo nhận” con cháu nhà Lê, lại ra điều kiện để thông hiếu, gồm 3 khoản: an tháp hậu duệ nhà Mạc [ở Cao Bằng]; xin chịu trói lên “nghiệm khám” ở Trấn Nam Quan; dâng tiến người vàng. Ban đầu, Nhà Lê Trung hưng không chấp nhận 3 điều kiện trên, chỉ muốn dùng 100 cân vàng, 1000 lạng bạc (tương đương: 60,5 kg vàng và 37,8 kg bạc) để thay người vàng. Tuy nhiên, nhà Minh kiên quyết không nghe. Việc thương thảo diễn ra khá dằng co. Năm Vạn Lịch thứ 25 (1597), Lê Duy Đàm 黎 維 潭 (tức Lê Thế Tông 黎 世 宗) lên Trấn Nam Quan hội khám và bàn định lễ nghi cống phẩm, dâng người vàng chấp nhận theo yêu cầu của nhà Minh(23). Cũng năm đó, Phùng Khắc Khoan 馮 克 寬 được cử sang sứ Yên Kinh, dâng người vàng như đã thống nhất. Từ đó, hai bên nối lại việc bang giao với định lệ tuế cống thông thường.
Từ đây về sau không thấy sử Trung Hoa ghi nhận việc cống người vàng nữa. Điều này có nguyên nhân lịch sử của nó: từ khi nhà Thanh 清 lên thay nhà Minh, ở Đại Việt không xảy ra biến cố thay đổi triều đại nào để nhà Thanh lấy cớ đòi người vàng (như quan niệm của họ được phản ánh trong tờ Bẩm Phúc đại nhân). Chỉ đến khi nhà Tây Sơn 西 山 thay nhà Lê, việc này có được đặt ra trong một bộ phận quan lại nhà Thanh (điển hình là Phúc Khang An), nhưng nó nhanh chóng bị khước từ cũng như được hoá giải bởi việc “triều cận” của Nguyễn Huệ. Sự việc này được phản ánh trong 2 bài thơ (và lời chú thích) của vua Càn Long 乾 隆 (tức Thanh Cao Tông 清 高 宗) tặng cho Nguyễn Văn Bình 阮 文 平 (tức Quang Trung hoàng đế 光 中 皇 帝) vào hai dịp: khi Quốc vương An Nam sang triều kiến Càn Long tại Yên Kinh 燕 京 năm 1790(24) và khi ông tạ thế vào năm 1792(25). Trong đó, Càn Long tỏ ý chê cười việc cống người vàng của các triều đại trước.
Diễn biến lệ cống người vàng trong sử liệu Việt Nam cũng khá phong phú và có những khác biệt nhất định, vừa bổ sung vừa “tranh luận” với sử liệu Trung Hoa.
Thời Hồ, sử liệu Việt Nam không ghi nhận việc cống người vàng. Tuy nhiên, đến thời Hậu Trần 後 陳, có một sự kiện mà sử Trung Hoa không ghi nhận và cũng ít được dư luận chú ý đến. Đó là việc Trần Quý Khoáng (tức vua Trùng Quang 重 光 帝) sai sứ sang Trung Hoa cống người vàng, người bạc đề cầu phong(26). Nếu sự kiện này là thực thì ngay từ Toàn thư, sử Việt đã thừa nhận việc cống người vàng không chỉ đến Lê Thái Tổ mới có. Và thực ra, việc này cũng không phải là khó hiểu. Nếu liên hệ với sử Trung Hoa, ta sẽ thấy logic ở đây là: thời Hồ, nhà Minh sang đòi cống người vàng (và hứa bãi binh, khôi phục họ Trần), nhà Hồ không chấp nhận, kháng cự lại. Trần Quý Khoáng kháng Minh đã chủ động xin cống người vàng (để xin bãi binh và cầu phong), nhưng nhà Minh không chấp nhận (đủ thấy lí do đòi cống người vàng rất phi lí và chỉ là cái cớ để xâm chiếm Đại Việt). Phải đến khi Lê Lợi thắng trận, đem người vàng sang cống [theo yêu cầu của nhà Minh], chúng mới chấp nhận để vớt vát chút thể diện của bản thân “thiên triều” trong tình thế “sa lầy” ở Đại Việt(27).
Có nhiều sử liệu Việt Nam cung cấp về việc cống người vàng thời Lê sơ. Sớm nhất là có lẽ là những bức thư Trần Cảo và Lê Thái Tổ (chủ yếu do Nguyễn Trãi chấp bút) gửi cho các tướng nhà Minh hứa hẹn sẽ đúc người vàng tiến cống để hoà giải vào năm 1427(28). Những bức thư này cho thấy việc tiến cống người vàng đã được hai bên đưa ra thương thảo trong một thời gian nhất định. Nhưng phía nào đề xuất trước? Căn cứ vào bức Dữ Liễu Thăng thư 與 柳 升 書, Trần Văn Nguyên 陳 文 源 cho rằng Lê Lợi đã chủ động đề xuất tiến cống người vàng trước(29). Nhưng theo chúng tôi, chưa hẳn đã là như vậy. Đó là cái nhìn “ngắn hạn” không đặt trong bối cảnh lịch sử và thiếu chứng cứ chuẩn xác(30). Nếu nhìn trong trường kì lịch sử thì phải thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà xuất hiện việc cống người vàng của Lê Lợi. Như ta biết, theo Thù vực chu tư lục, năm 1405, nhà Minh đã sai Hành nhân Chu Khuyến sang dụ nhà Hồ tiến cống người vàng(31). Có nhiều chi tiết lại cho thấy, việc gợi ý dâng cống để hoà hoãn là từ phía nhà Minh (mà đại diện là Vương Thông). Bởi Vương Thông, khi đem quân sang cứu viện bị Lê Lợi đánh bại phải vào Đông Quan cố thủ (cuối năm Bính Ngọ 1426 – đầu năm Đinh Mùi 1427), đã “sai người dụ vương [tức Lê Lợi – NTT] bãi binh thông hoà, cầu phong cho Trần Cảo, vương ưng cho. Thông yêu cầu vua sai sứ sang Yên Kinh cống sản vật địa phương”(32). Như vậy, rất có thể việc Lê Lợi cống người vàng trực tiếp là từ yêu cầu “cống sản vật địa phương” của Vương Thông và gián tiếp là từ chuỗi áp lực, yêu sách, thậm chí “mời mọc” liên tục của nhà Minh trong nhiều năm trước. Theo đó, sử Việt ghi 2 lần nhà Lê chính thức tiến cống người vàng. Lần thứ nhất, năm 1427 (Chánh sứ Lê Thiếu Dĩnh dẫn đầu sứ bộ sang tạ ơn việc nhà Minh phong Trần Cảo làm An Nam quốc vương và tiễn đội quân Vương Thông về nước)(33). Lần thứ hai là năm 1428 (Chánh sứ Hà Lật dẫn đầu sứ bộ sang báo tin Trần Cảo đã mất, họ Trần đã tuyệt, xin cho Lê Lợi quản lí đất nước)(34). Như vậy là liên tiếp trong 2 năm (1427, 1428), đã có 2 sứ đoàn sang tiến cống người vàng. Điều này sử nhà Minh đều có ghi nhưng thời gian chậm hơn 1 năm do việc bên ghi năm đi, bên ghi năm đến. Riêng việc tiến cống người vàng năm 1434 dưới thời Lê Thái Tông thì không được sử Việt nhắc đến(35). Tuy nhiên, sách Bang giao lục 邦 交 錄 của Lê Thống 黎 統 (biên soạn năm 1819) có nhắc đến một chi tiết là năm Thuận Thiên thứ 6 (1433), Lê Thái Tổ sai sứ thần sang tuế cống và “giải việc người vàng”(36). Phải chăng, trước đó nhà Minh vẫn tiếp tục yêu sách cống người vàng nên nhà Lê phải có động thái này(37)? Nhưng việc chưa xong thì Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông lên thay. Trong tình trạng “non nớt”, lúng túng về chính trị, phải chăng ông đã chấp nhận dâng người vàng thêm một lần nữa. Có lẽ đây là một việc vạn bất đắc dĩ, một “sai lầm” của Lê Thái Tông nên không được công khai trong sử Việt? Hay một lần nữa, sử nhà Minh lại dựng nên chuyện này? Điều đó khó mà xác quyết được. Chỉ có điều, rõ ràng đây lại là một ví dụ điển hình cho thấy cách tiếp cận vấn đề người vàng của mỗi bên là rất khác nhau. Và cũng ở đây, tính chất của việc cống người vàng để đạt được sự công nhận của “thiên triều” cho (vốn cũng có sức nặng rất lớn cả về “đối ngoại” lẫn “đối nội”, đặc biệt là về tính chính thống của triều đại đó) đã hiện rõ và có ảnh hưởng lâu dài về sau (không phải ngẫu nhiên mà nhà Lê sơ chấp nhận cống người vàng đến 3 lần!).
Thời Mạc và Lê Trung hưng, về cơ bản sử Việt tương ứng với sử Trung Hoa. Tuy nhiên có những sự khác biệt nhất định về thời điểm và tình tiết. Sự kiện nhà Mạc cống người vàng được Toàn thư ghi nhận vào năm 1528(38), nhưng Lịch triều hiến chương loại chí 歷 朝 憲 章 類 志 (Loại chí) lại ghi nhận trùng với thời điểm nhà Minh ghi nhận (1540)(39). Vậy sự thể thế nào? Liệu đó có phải là hai lần tiến cống người vàng khác nhau của nhà Mạc? Theo chúng tôi, có lẽ không phải như vậy. Năm 1528, nhà Mạc chưa thể tiến cống cho nhà Minh (vì nhà Minh không dễ chấp nhận ngay, việc giao thiệp giữa hai bên cũng rất khó khăn như sử liệu hai bên đều ghi nhận). Có hai khả năng xảy ra. Một là, Toàn thư chép như vậy là nhằm cố ý hạ thấp, bôi nhọ nhà Mạc đã “nhanh nhảu” cống người vàng (lễ vật, cắt đất,…) cho nhà Minh. Việc cố ý hạ thấp này không phải là hiếm trong Toàn thư (chẳng hạn chép việc nhà Mạc cắt đất biên giới cho nhà Minh mà sau này sử gia nhà Nguyễn và các nhà nghiên cứu hiện đại đã đính chính). Cũng có thể lúc bấy giờ loạn lạc, sử gia nhà Lê không nắm được tình hình thực tế, nên phán đoán sai lầm (mà đời sau dù có điều kiện cũng không sửa). Thứ hai, cũng có thể điều này phản ánh một quá trình thương thuyết lâu dài giữa nhà Mạc và nhà Minh. Theo khảo sátMinh sử và các tư liệu liên quan, có thể dựng lại diễn biến một cách khái quát như sau: nhà Mạc chủ trương tiếp xúc với nhà Minh từ sớm (1528) để ngăn chặn trước việc nhũng nhiễu từ phương Bắc (nhằm toàn lực củng cố nội bộ), nhưng con đường bang giao rất khó khăn(40) (và ngay từ đầu không phải nhà Mạc đã có chủ trương cống người vàng như Toàn thư chép). Sự tiếp xúc thực sự giữa hai bên diễn ra vào khoảng năm 1537 và phải đến năm 1540, nhà Minh mới chấp nhận lễ cống sau rất nhiều sự rục rịch chuẩn bị động binh rồi lại bãi bỏ để thương thuyết, “hội khám” (do nhà Minh cảm thấy cũng không dễ xâm chiến lại Đại Việt, và một trong những yêu sách để công nhận tính “chính danh” của nhà Mạc là việc cống người vàng). Về sau, nhà Mạc cũng không tiến cống người vàng nữa mà thay bằng các đồ vật thông thường nhưng có giá trị vật chất thậm chí hơn trước(41). Về việc tiến cống người vàng của triều Lê Trung hưng, sử Việt ghi chép rất cẩn thận và khá chi tiết. Lúc bấy giờ (1595-1597), nhà Lê Trung hưng cơ bản đã đánh đuổi được Mạc khỏi Thăng Long, đề nghị sang Minh cầu phong (dâng 100 lạng vàng, 1000 lạng bạc và sản vật), tuy nhiên nhà Minh dây dưa không thuận và đòi cống người vàng(42). Hai bên trải qua một số lần chuẩn bị, thương thảo căng thẳng, giằng co kéo dài khoảng 2 năm(43). Mãi đến năm 1597, việc hội khám mới được tiến hành(44) và chuyến đi sứ của Phùng Khắc Khoan 馮 克 寬 đã kết thúc câu chuyện cống người vàng(45). Qua ghi chép của Toàn thư, Cương mục,… có thể thấy rõ sự sách nhiễu, hách dịch, ngang ngược của nhà Minh và sự đấu tranh của triều Lê Trung hưng. Việc sử Việt ghi chép chi tiết như vậy (so với các lần trước), ngoài nguyên nhân thuận lợi về thông tin tiếp cận, dường như còn có ý tố cáo sự “quá đáng” của “thiên triều” chứ không đơn giản chỉ là tường thuật sự việc. Việc ghi chép chi tiết đó (so với việc ghi chép có phần sơ sài và thiếu chính xác về việc cống người vàng của nhà Mạc) dường như cũng nhằm đề cao tinh thần “phản kháng” của nhà Lê Trung hưng (so với sự thần phục nhanh chóng triều Minh của nhà Mạc). Kể từ đây về sau sử Việt không ghi nhận lần tiến cống người vàng nào khác.
Sang thời Tây Sơn, sau chiến thắng năm Kỷ Dậu (1789), một lần nữa, yêu sách người vàng lại được nhà Thanh đặt ra với triều Tây Sơn. Tờ Bẩm Phúc đại nhân xác nhận nhà Thanh đòi 1 người vàng thế thân với cái cớ: trước đây, mỗi khi có sự thay đổi triều đại đều phải cống người vàng. Tờ bẩm là nỗ lực bác bỏ yêu sách này. Không rõ diễn biến của sự tranh biện giữa hai bên ra sao (sử liệu hai bên đều không chép)(46), nhưng vấn đề đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều (thậm chí vô nghĩa) khi hai bên đã “dàn xếp” được chuyến triều cận của Quang Trung Nguyễn Huệ (không rõ là giả hay thật) năm 1790(47). Việc Càn Long làm 2 bài thơ tặng Quang Trung trong đó chê bai việc cống người vàng của các triều đại trước đã xác nhận chuyến “triều cận” này đã có sức nặng hơn nhiều việc cống “người vàng thế thân” và khiến cho ông ta hết sức tự phụ theo kiểu “phép thắng lợi tinh thần” trước các triều Nguyên, Minh. Lời chú bài thơ điếu Quang Trung cho thấy rõ điều đó(48). Lời chú viết:
“Nước An Nam thời Nguyên Minh, có đám Trần Nhật Huyên, Mạc Đăng Dung, Lê Duy Đàm, đều vì hoài nghi mà không dám tự mình vào triều cận, đều dâng người vàng thế thân, có lẽ là do triều đình Trung Nguyên đã không có đủ uy tín để thu phục lòng họ, lại chuốc lấy câu chuyện cười về việc tham tiền mưu vật, rất là đáng chê bai. Như Nguyễn Quang Bình tự mình đến sơn trang để triều cận, cái tình yêu mến nâng niu, chẳng khác gì cha con trong nhà, quả là trong sử sách chưa từng có. Lễ đãi ngộ của trẫm, cũng chẳng nỡ mà không thêm ưu ái khác biệt vậy”(49).
Lời Càn Long châm biếm các triều đại trước đòi cống người vàng đã tạo nên tình thế “há miệng mắc quai” cho các vua nhà Thanh sau này nếu muốn yêu sách cống người vàng (vả lại, lúc bấy giờ thế lực nhà Thanh bấy giờ cũng đã suy yếu) khiến cho việc đòi cống người vàng về sau không còn cơ hội tái diễn.
Xét lại toàn bộ diễn biến của lệ cống người vàng, ta thấy đây không phải một định lệ, có tính chất thường xuyên như kiểu tuế cống. Nhưng nó cũng không phải không có quy luật. Điều này được chính quan lại triều Thanh thừa nhận. Trong tờ Bẩm Phúc đại nhân, tác giả đã cho chúng ta thấy quan niệm của triều đình quân chủ Trung Hoa khi thuật lại quan niệm của họ: “Được nghe chỉ dạy rằng: Theo lệ, buổi đầu thay đổi các triều đại, phải có người vàng thế thân để tạ [tội]”(50). Trần Văn Nguyên cho rằng điều này không đúng vì triều Lê sơ nhiều lần tiến cống người vàng (1427, 1428, 1434)(51). Tuy nhiên, theo chúng tôi, đó chỉ là một ngoại lệ. Hơn nữa, cần lưu ý đến tình thế lịch sử lúc bấy giờ: đầu triều Lê vì nhà Minh trước phong cho Trần Cảo làm An Nam quốc vương, sau dùng dằng không chịu phong cho Lê Lợi, rồi Lê Nguyên Long làm An Nam quốc vương (chỉ phong chức Quyền thự An Nam quốc sự, cho đến năm 1437), rồi hàng loạt những vấn đề phức tạp khác đặt ra sau chiến tranh (về chiến phí, nhân mạng,…), nên nhà Lê phải sang cống người vàng tổng cộng tới 3 lần (nếu ghi chép của 2 bên là đúng) và cũng phải cử sứ thần sang đấu tranh để “giải lệ người vàng”, đổi lại lệ tuế cống thông thường. Vì thế, đúng là trong những dịp hệ trọng (theo quan niệm của các triều đại phương Bắc là sự thay đổi dòng họ ở Đại Việt), các triều này đều “yêu sách” người vàng thế thân. Vấn đề không nằm ở giá trị vật chất của người vàng (vì thực sự trọng lượng của nó không phải là lớn, so với những cống phẩm bằng vàng khác, ở những lần cống khác) mà nằm ở tính chất biểu trưng của nó (nhất là ở hình trạng của người vàng) trong mắt triều đình phương Bắc (biểu thị sự thần phục, cung thuận của người đứng đầu, dẫu thường nó chỉ là sự “thần phục giả vờ”). Cũng vì tính chất đó mà các triều đại Đại Việt vừa miễn cưỡng chấp nhận nghi thức này để đổi lấy sự công nhận của Trung Hoa vừa đấu tranh để không cho nó thành thường lệ. Do đó, ngoài lần tiến cống của nhà Trần để “tạ tội” tự tiện lên ngôi và bất thần phục, các lần tiến cống sau còn liên quan đến việc một dòng họ, một triều đại mới lên thay triều đại cũ hoặc nối lại dòng chính thống đã đứt (mà thực chất là một dòng họ mới) như: họ Hồ thay Trần, nhà Hậu Trần đòi lại ngôi chính thống, Trần Cảo lấy lại ngôi chính thống, nhà Lê thay nhà Trần, nhà Mạc thay nhà Lê, nhà Lê Trung hưng lấy lại ngôi chính thống của họ Lê, nhà Tây Sơn thay nhà Lê,v.v… Vì vậy, việc tiến cống người vàng còn liên quan đến vấn đề tính chính thống của các triều đại Đại Việt trong mắt Trung Hoa. Điều này có tác động nhất định đến việc ghi chép về việc cống người vàng trong sử sách hai bên. Nói tóm lại, từ Trần đến Lê Trung hưng, tổng cộng có khoảng 7 lần việc cống người vàng thế thân đã được thực hiện. Quy luật này phủ nhận quan niệm cho rằng, việc cống người vàng thế thân là định lệ thường xuyên, liên tục (thậm chí “hàng năm”). Nó chỉ đúng ở trường hợp nhà Lê sơ khi “đến giữa đời nhà Lê [sơ], việc hiến người vàng đã bãi bỏ, rồi từ năm ấy trở đi, lễ vật cống nạp hàng năm chỉ dùng vàng để chiết đã thành điển lệ cũ” mà tờ Bẩm Phúc đại nhân khẳng định và sau đó được Phan Huy Chú 潘 輝 注 tái xác nhận(52). Việc cống người vàng là trường hợp tiêu biểu cho tư tưởng bá quyền, thực dân và sự phản kháng lại tư tưởng đó trong quan hệ bang giao Việt – Trung thời trung đại. Và điều đó được thể hiện rõ nhất qua “hình trạng” người vàng được tiến cống.
1.3. Hình trạng người vàng
Hình trạng người vàng thời Nguyên không được sử Trung Hoa miêu tả chi tiết. Theo sử nhà Nguyên ta chỉ biết rằng người vàng được làm bằng vàng ròng, có đôi mắt được làm bằng 2 hạt châu(53). Đến thời Minh, hình trạng người vàng được miêu tả chi tiết hơn và cũng trải qua những biến thiên nhất định. Người vàng Lê Lợi, Lê Thái Tông và Mạc Đăng Dung tiến cống được Minh sử miêu tả có dạng: “đầu tóc rũ rượi như người tù, hai tay trói quặt đằng sau”, nặng chừng 100 lạng(54). Sách Minh triều tiểu sử 明 朝 小 史 cung cấp một hình trạng người vàng do Mạc Đăng Dung tiến cống có khác đôi chút là “trang phục người tù, hai tay trói quặt đằng sau”(55). Nó còn gọi người vàng là “phạm” (kẻ có tội), cho thấy quan niệm “người vàng” mang hình dạng người tù binh ra hàng. Bài Hịch Giao Nam quốc Lê Duy Đàm 檄 交 南 國 黎 維 潭 của viên quan nhà Minh Dương Dần Thu 楊 寅 秋 lại cung cấp hình trạng người vàng thời Mạc như sau: “đầu tóc rũ rượi như người tù, bị trói quỳ, dâng biểu tấu”(56). Điều này tương ứng với ghi chép của sử Trung Hoa (và cả sử Việt) về việc Mạc Đăng Dung phải lên biên giới để “xét khám” với bộ dạng “đầu tóc rũ rượu, đi chân không, bò mà khấu đầu trên đàn, dâng biểu xin hàng”(57). Đến khi nhà Lê Trung hưng tiến người vàng, hình trạng có sự thay đổi nhất định. Khởi đầu, nhà Lê trung hưng dự định đúc người vàng “đứng tự do, mặt nghiêm trang”. Nhưng nhà Minh cho rằng như vậy là có ý “kiêu ngạo” nên bắt phải đổi về hình dạng cũ. Tuy nhiên, nhà Lê Trung hưng đã tranh biện lại, trong đó có ý đại khái rằng: không thể đồng nhất người vàng của họ Lê (Trung hưng) với họ Mạc được (một bên là chính thống, một bên là tiếm nghịch). Cuối cùng, hai bên đồng ý ở hình trạng “cúi đầu” như là một cách để phân biệt người vàng của họ Lê [Trung hưng] với người vàng của họ Mạc mà vẫn đảm bảo được ý “thần phục” như nhà Minh mong muốn. Bên cạnh đó, sau lưng (hoặc trên mặt) pho tượng phải khắc 26 chữ: “An Nam Lê thị thế tôn, thần Lê Duy Đàm bất đắc bồ phục thiên môn, cung tiến đại thân kim nhân, hối tội khất ân”(58). Bài Hịch Giao Nam quốc Lê Duy Đàm cũng cung cấp hình trạng người vàng nhà Lê Trung hưng tương tự: “cúi đầu xin ơn”(59). Có thể nói, dù có nhiều dị bản khác nhau về hình trạng, cân nặng, chữ khắc của người vàng cống phẩm trong sử sách Trung Quốc và có sự thay đổi nhất định qua các triều đại, nhưng thâm ý cơ bản của các triều đại Trung Hoa (đặc biệt là triều Minh) thể hiện qua hình trạng người vàng là tượng trưng cho việc vua Đại Việt là tội nhân quy thuận, hàng phục, qua đó phản ánh thái độ trịch thượng, bá quyền của “thiên triều” đối với các triều đại mà chúng gọi là “di quốc”.
Với hình trạng người vàng như vậy được ghi nhận trong sử Trung Hoa, thật không khó lí giải vì sao sử sách Việt Nam (dẫu có tham khảo sử Trung Hoa) hiếm khi đề cập đến. Mặt khác, cũng có thể truyền thống chép sử theo kiểu “đại cương” của sử Việt đã góp phần làm mờ đi chi tiết đó. Sử Việt chỉ ghi chép đôi chút về kích thước và trọng lượng người vàng. Về trọng lượng, thường mỗi người vàng (hoặc bạc) thời Lê sơ nặng 100 lạng. Về kích thước, Toàn thư, Loại chí có chép người vàng, người bạc thời Lê trung hưng “cao 1 thước 2 tấc, nặng 10 cân”(60). Như vậy, tượng người vàng, người bạc thời Lê trung hưng nặng hơn tượng người vàng, người bạc thời Lê sơ. Điều này cho thấy đòi hỏi của nhà Minh ngày một thực dụng, quá quắt do sự yếu thế của một vài triều đại Đại Việt. Hãn hữu, tờ Bẩm Phúc đại nhân – một sử liệu có tính chất “đối ngoại” của triều Tây Sơn (văn bản này cũng mang tính chất truyền thuyết, sử tư gia) đẫ đề cập đến vấn đề này, nhưng hình trạng được miêu tả cũng có sự khác biệt nhất định với sử liệu Trung Hoa. Hình trạng của người vàng thời Mạc là “đầu tóc rũ rượi như người tù, mặt mày lấm lem, mình cúi xuống”(61). Còn người vàng thời Lê Trung hưng được miêu tả “mặc áo chầu, đội mũ chầu, mặt ngửa lên là hình dạng của vua Lê, để cầu ơn ở thượng quốc”(62). So với sự mô tả hình trạng người vàng trong sử liệu Trung Hoa, ta thấy có mấy điểm đáng chú ý sau:
– Tờ bẩm không miêu tả hình trạng người vàng thời Trần và Lê sơ. Điều này có thể do nguyên nhân khách quan (không có thông tin, tư liệu về hình trạng người vàng, đặc biệt là người vàng thời Trần); nhưng cũng có thể có nguyên nhân chủ quan (tư tưởng đề cao thời Trần, không muốn đánh đồng người vàng thời Lê sơ với thời Mạc: một hình ảnh không lấy gì làm đẹp qua đó thể hiện ngầm ý phò chính thống và thiện cảm với nhà Lê sơ của tác giả tờ bẩm). Khả năng bởi nguyên nhân chủ quan là có cơ sở vì lúc bấy giờ không khó tiếp cận các sử liệu Trung Hoa như Nguyên sử, Minh sử,v.v… để tham khảo và truy xét (mà ở những chỗ khác ta thấy rõ ràng tác giả tờ bẩm hẳn có tham khảo sử liệu Việt – Trung).
– Tờ bẩm đề cập đến hình trạng người vàng thời Mạc gần giống sử liệu Trung Quốc mà không hề kiêng hèm, giảm nhẹ. Vì sao? Vì người viết có thông tin, tư liệu hay chắc chắn còn bởi nhà Mạc vốn bị xem là “nguỵ triều”, bị mang nhiều tiếng xấu (bán nước, hàng giặc, cắt đất, tự trói mình,…). Lưu ý rằng người viết tờ bẩm hẳn là cựu thần nhà Lê (kẻ thù không đội trời chung với nhà Mạc). Tờ bẩm cũng thể hiện ý định kiến quen thuộc với nhà Mạc khi gọi triều đại này là: “cướp ngôi của họ Lê, là bầy tôi cướp ngôi vua”, “bọn thoán đoạt”, “nguỵ Mạc”,v.v… Ở đây, người viết đã coi trọng tính chất chính thống/ phi chính thống nên không coi nhà Mạc có tư cách chính thống để đại diện cho dân tộc trong giao thiệp với nhà Minh. Và vì vậy, tác giả không hề nương tay với nhà Mạc khi mô tả hình trạng người vàng nhà Mạc đem tiến cống (trong khi so về hình trạng thì hình trạng người vàng thời Mạc cũng không khác mấy người vàng thời Lê sơ theo ghi chép của sử Trung Hoa).
– Tờ bẩm miêu tả hình trạng người vàng thời Lê trung hưng gần giống với hình dạng ban đầu khi nhà Lê Trung hưng dự định mang tiến cống và có phần trang trọng (mặc áo chầu, đội mũ chầu, mặt ngửa lên), khác với hình trạng người vàng đã được “hội khám” và thống nhất mang đi tiến cống như sử liệu Trung Quốc miêu tả (cúi mặt, khắc chữ vào lưng). Điều đó thể hiện thiện cảm nhất định của tác giả với nhà Lê Trung hưng (dù sao vẫn là triều đại “chính thống”) và trên hết là ý thức tự tôn dân tộc được truyền cảm hứng từ chính thực tế hình trạng người vàng lúc ban đầu nhà Lê Trung hưng dự định mang tiến cống với thâm ý rõ ràng (và nhà Minh vốn cũng đầy “thâm ý” cũng đã nhận ra) mà không chấp nhận sự hình trạng người vàng do nhà Minh ép nhà Lê Trung hưng phải làm (người vàng cúi mặt). Ghi chép này có lẽ sẽ gợi cảm hứng cho Phan Huy Chú tạo nên truyền thuyết về sứ thần Phùng Khắc Khoan trong những trang viết vừa có tính sử học vừa có tính văn học của ông (Nhân vật chí 人 物 志 trong Loại chí).
Vậy là, riêng về mặt hình trạng người vàng, ta thấy trong sử liệu của hai nước đã diễn ra một cuộc đấu tranh ngầm (và kể cả sự đấu tranh “nội bộ”) dưới sự chi phối bởi những quan niệm khác nhau: về uy thế đất nước, về quốc thể, về tính chính thống của các triều đại,… Dù là sự thực (nhiều khi nghiệt ngã) hay là mong muốn (phần nhiều lí tưởng) thì nó đều phản ánh đường lối, tư tưởng chính trị của mỗi bên, mỗi phe nhóm.
2. “Cống người vàng” đi vào truyền thuyết: một cách nhìn của dân gian
2.1. Niên đại muộn của việc “cống người vàng”
Do việc sử liệu Việt khá ít đề cập đến việc cống người vàng thời Trần (thế kỉ XIII), thậm chí ít đề cập đến cả yêu sách cống người vàng của nhà Nguyên (chi tiết cống người vàng thời Hậu Trần được ghi rõ trong chính sử dường như bị chìm đi đến nỗi ngay cả ở thời hiện đại, người ta cũng ít chú ý đến hoặc vô tình/ hữu ý bỏ qua nó trong các tài liệu về hiện tượng cống người vàng), thậm chí phủ nhận chuyện này (tờ Bẩm Phúc đại nhân), nên trong dân gian tồn tại quan niệm rằng, việc cống người vàng xuất hiện từ thời Lê (thế kỉ XV) và gắn bó chặt chẽ với quan niệm “đền mạng Liễu Thăng”. Cũng có thể do mật độ cống người vàng thời Lê Lợi khá dày (1427, 1428, 1434) nên ấn tượng về việc cống người vàng thời Lê rất đậm nét trong kí ức dân chúng đến độ trở thành xác tín(63). Mãi đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, niên đại Trần mới được đề cập đến. Sớm nhất có lẽ là từ soạn giả sách Cổ kim giao thiệp sự nghi thông khảo (cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX). Tiếp đến, tác giả Đinh Lệnh Uy 丁 令 威 (1925) có lẽ cũng chủ yếu căn cứ vào một dị bản của tờ Bẩm Phúc đại nhân(64) mới đặt vấn đề việc cống người vàng có từ thời Trần và người vàng là để “thay thế Quốc vương”(65). Tác giả Thạch Bổ Thiên “lấy tài liệu ở một bài khảo cứu bằng chữ Hán trong Tạp chí Nam Phong” (tức bài của Đinh Lệnh Uy) cũng có quan niệm tượng tự(66). Nhưng quan niệm của các ông nhanh chóng bị quan niệm của các học giả viết sách bằng chữ quốc ngữ có “uy thế” như Trần Trọng Kim(67) hay Hoa Bằng(68) lấn át. Điều đó còn phản ánh niềm tin dai dẳng của dân gian Việt Nam về một sự muộn màng của việc tiến cống này và điều đó cũng thể hiện ý thức dân tộc rất cao của dân gian, đặc biệt là thiện cảm của dân gian đối với triều đại nhà Trần. Hãy tham khảo lập luận của một nhà nghiên cứu danh tiếng – Hoa Bằng để thấy ông phản bác Đinh Lệnh Uy, Thạch Bổ Thiên bằng cách phủ nhận việc nhà Trần có cống người vàng như thế nào: “Nhà Trần từ đời Thái Tông đến Minh Tông (1225 – 1320) thật là thời kì hùng cường oanh liệt. Có nhiều phương diện, nhất là về mặt võ bị, in lại lắm nét vẻ vang rực rỡ trên trang lịch sử Việt Nam (…) Cứ lấy tâm lí mà xét: Về phần nhà Nguyên, thấy mình đã bại trận nhiều lần và bị coi khinh như vậy, chắc họ chỉ muốn làm hoà cho êm chuyện, quyết không còn dám làm khó dễ trong cuộc ngoại giao với Trần nữa. Còn ta? Biết mình đứng trên địa vị nước nhỏ, không muốn lôi thôi mãi với họ, nên dẫu mình có chiến thắng nhiều phen cũng muốn trang trải thân thiện với họ để nhân dân được yên nghỉ khỏi phải đẫm máu ở nơi chiến trường. Nhưng ta đã nắm phần thắng lợi trong tay thì, về việc ngoại giao, cũng có thể rộng miệng cả tiếng chứ không sợ sệt nỗi gì. Như vậy, nay chúng ta có thể phán đoán chắc chắn: Bây giờ Nguyên quyết không dám bắt Trần phải cống người vàng; mà Trần cũng quyết không khi nào chịu làm một việc cơ nhục đến quốc thể như vậy, mặc dầu Mông Cổ có lòng tham lam”(69). Hoa Bằng căn cứ vào những ghi chép trong Bang giao chí 邦 交 志 (phần “Nghi lễ sách phong”) của Phan Huy Chú để khẳng định việc đó(70). Truy ngược lại tài liệu gốc, ta thấy Bang giao chí viết: “Các vua nhà Trần,khi được nhường ngôi không hề cầu nước Tàu phong cho bao giờ. Khi vua Nhân Tông (1279 – 1293) lên ngôi, nhà Nguyên có sai sứ sang trách là không xin phép mà tự lập, dụ bảo nhà vua vào chầu; nhưng vua Nhân Tông không chịu. Cho nên Nguyên Tổ (Thế Tổ nhà Nguyên 1279 – 1294) chứa đầy tức giận, nghĩ muốn gây chuyện. Năm ấy (niên hiệu Trùng Hưng thứ hai, 1286), muốn đưa Trần Ích Tắc về, nhưng không xong, bèn đem binh sang xâm nước Nam, rút cục chỉ chác lấy sự bại trận. Từ đó, suốt đời nhà Trần dẫu thường có xính sứ (sứ giả đưa đồ cống xính) đi lại, nhưng đến cái lễ sách phong thì không làm nữa” (Hoa Bằng dịch)(71). Như vậy là Hoa Bằng đọc được trong sự ghi chép của Phan Huy Chú ngầm ý thời Trần không hề có việc cống người vàng từ đó đi đến khẳng định quan niệm của mình. Nhưng điều đó cũng thiếu cơ sở vì giữa việc xin phong với việc cống người vàng không đồng nhất với nhau. Vả lại, như sẽ thấy, ngay quan niệm của Phan Huy Chú cũng lại là một sự tiếp nhận dựa trên tinh thần dân tộc đậm màu sắc dân gian và cần phải được lí giải nhiều lúc, nhiều nơi một cách linh hoạt.
2.2. Thuyết “đền mạng” tướng giặc bị giết
Thuyết đền mạng tướng giặc có lẽ xuất hiện sớm nhất trong tờ Bẩm Phúc đại nhân. Trong tờ bẩm, tác giả có viết: “Kịp đến khi nhà Tiền Lê lên thay nắm việc nước, lại có cái vạ Liễu Thăng, phải hiến người vàng chuộc tội” hoặc “Trái lại cũng chung một duộc như […] nhà Lê giết Liễu Thăng hay sao?”(72). Ngoài ra, việc trong tờ bẩm có nói đến việc “nhà Trần giết Ô Mã Nhi” cũng đã gây nên sự hiểu nhầm rằng tác giả thừa nhận việc cống người vàng thời Trần và việc cống này là để đền mạng Ô Mã Nhi. Điều đó là không đúng bởi thuyết “đền mạng Ô Mã Nhi” rất hiếm gặp trong các truyền thuyết dân gian, nó chỉ được nói đến trong bài nghiên cứu của một vài học giả hiện đại, trong đó không loại trừ cả học giả Trung Quốc (như Trần Văn Nguyên). Thực chất, tác giả tờ bẩm không hề cho rằng thời Trần có việc cống người vàng (mà chỉ nhắc đến nguồn gốc yêu sách cống người vàng có từ thời Nguyên do nhà Trần đã “đắc tội” với phương Bắc).
Sau đó có hàng loạt các ghi chép của tư nhân và dân gian đã phát triển quan điểm “đền mạng tướng giặc bị giết” trở thành một thuyết rất phổ biến.
Sớm nhất có lẽ là truyện Nguyễn Công Hãng trong Tang thương ngẫu lục 桑 滄 偶 錄 (cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX) của Phạm Đình Hổ 范 廷 琥 (1768 – 1839) và Nguyễn Án 阮 案 (1770 – 1815). Truyện kể như sau: “Nguyên xưa, đức Thái tổ Hoàng đế (Lê Lợi) cùng quân Minh đánh nhau ở núi Mã Yên chém chết tướng Minh là An Viễn hầu Liễu Thăng. Đến khi giảng hòa nộp cống, người Minh bắt đền, phải đúc người vàng thay thế. Hồi nhà Mạc cướp ngôi. Minh sai Cừu Loan, Lưu Bá Ôn sang đánh. Mạc sợ, phải đúc người vàng đút lót cầu hòa. Đầu đời Trung hưng, nhà Minh lấy cớ nhà Lê tự tiện giết công thần của họ là Mạc Mậu Hợp, bắt phải đúc người vàng tạ lỗi, từ đấy thành thường lệ”(73).
Tài liệu gần như đồng thời với Tang thương ngẫu lục là Sách sổ sang chép các việc (viết khoảng năm 1820-1830) viết bằng chữ quốc ngữ của Phi-li-pê Bỉnh (1759 – 1830) cũng đề cập đến với một sự tuỳ tiện, lỏng lẻo hơn: “khi vua Ðinh Thiên Hoàng (!) giết được Liễu Thăng mà lên trị (…) Tha vụ Liễu Thăng cho nước Anam thì bởi vì Thầy Dòng ÐCJ tâu xin, chẳng phải là ông Thượng Chắy (?) làm được việc ấy đâu”(74). Việc một người dân Công giáo như Phi-l