25/05/2018, 17:47

Đoàn Văn Chúc – người đặt nền móng cho chuyên ngành văn hóa học ở Việt Nam

(ĐHVH) -Tự đáy lòng, Đoàn Văn Chúc luôn ở trong tâm trí tôi với tư cách là một người THẦY- theo nghĩa thiêng liêng nhất của từ này, mặc dù ông không có học vị tiến sỹ cũng chẳng có học hàm GS hay PGS. Cá nhân tôi cảm thấy số phận mình thật may mắn vì đã được gặp, được học một người ...

 

(ĐHVH) -Tự đáy lòng, Đoàn Văn Chúc luôn ở trong tâm trí tôi với tư cách là một người THẦY- theo nghĩa thiêng liêng nhất của từ này, mặc dù ông không có học vị tiến sỹ cũng chẳng có học hàm GS hay PGS. Cá nhân tôi cảm thấy số phận mình thật may mắn vì đã được gặp, được học một người thầy như thế, bởi những gì lĩnh hội được từ thầy đã và sẽ đi theo tôi, giúp cho tôi vững vàng trong suốt cuộc đời khoa học của mình. Và có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả những ai đã từng theo học ông dài hạn hay ngắn hạn, hoặc những ai đã từng tiếp xúc với ông đều có tình cảm đó, bởi những gì ông làm, ông dấn thân đều không phải vì cái danh, cái lợi của bản thân và gia đình mình mà là vì các thế hệ học trò và rộng hơn là vì sự phát triển của khoa học văn hóa ở Việt Nam.

Ở Việt Nam bây giờ, Văn hóa học đã được thừa nhận và trở thành một chuyên ngành chính trong hệ thống khoa học xã hội và nhân văn, được giảng dạy ở bậc đại học, cao học và thậm chí cả ở bậc học tiến sỹ và nó thường gắn liền với tên tuổi các GS, PGS danh giá chứ không mấy ai biết được người thầy  bình dị của chúng tôi- Đoàn Văn Chúc- mói là người đặt nền móng cho chuyên ngành khoa học này- Một khoa học mang tính tổng hợp và liên ngành để tiếp cận các hiện tượng văn hóa đa chiều và sâu sắc hơn là những nghiên cúu đơn ngành khác.

Ở bài viết này, tôi muốn cung cấp cho người đọc một số bằng cứ về sự “nhìn xa trông rộng” của Đoàn Văn Chúc về một Văn hóa học, có thể nói là ông đã đi trước thời đại gần 30 năm.

1. Đoàn Văn Chúc đã cập nhật kiến thức để xây dựng chuyên ngành Văn hóa học từ rất sớm.

Trong bối cảnh của những năm sau cải cách ruộng đất và vụ án Nhân văn giai phẩm”, từ năm 1957, tại Thư Viện Quốc Gia ở Hà Nội, người ta luôn thấy một người đàn ông trẻ thường xuyên đến làm việc. Ông ấy ở đó để đọc và dịch những cuốn sách mà thời ấy chẳng ai đọc cả, đó là những cuốn sách khoa học xã hội và nhân văn của các học giả danh tiếng thời đó như L. Strauss, L. H. Morgan, Mlinowski, J. Duvignand, Gaston Bouthoul, Sigmund Freud, E. Cassirer, v.v…

Chắc chắn một điều rằng, ở thời kỳ ấy, nhưng tri thức mà ông thu nhận được từ những nhà bác học kia sẽ chẳng có chỗ để dùng: Ở đâu người ta cũng chỉ dạy/ học những bộ môn cấu thành chủ nghĩa Mác- Lê Nin mà thôi. Những chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn mà các nước phương Tây và Mỹ coi trọng, đang rất phát triển như nhân học xã hội và văn hóa hay xã hội học hay Phân tâm học đều không được phổ biến tại Việt Nam, thậm chí bị cho là thứ khoa học siêu hình, phản động[1]. Tuy nhiên, như là định mệnh, ông cứ miệt mài đọc và khi thấy những ý hay, nhưng cuốn sách hay ông đã dịch ra tiếng Việt để làm tài liệu nghiên cứu sau này.

May thay, tài học và sự chuyên tâm của ông đã không bị rơi vào quên lãng: Từ năm 1978, do lời mời của GS. TS Hoàng Vinh, ông đã về đại học Văn Hóa Hà Nội (lúc đó là trường Cao đẳng Nghiệp vụ Văn hóa) để giảng dạy. 

Trước hết, cần phải nói rằng: Đoàn Văn Chúc là một nhà lý luận Mác Xít, ông đọc những kinh điển của C. Marx từ tiếng Pháp và đã sử dụng nhuần nhuyễn nhiều luận điểm duy vật lịch sử vào những nghiên cứu của mình sau này (ví dụ bài “Nhu cầu và nhu cầu văn hóa”[2]), nhưng như một nhu cầu tự thân ông muốn mở rộng kiến văn và tầm nhìn của mình ở những quan điểm khoa học của những nhà bác học ở phương Tây, muốn tìm ở những học thuyết của họ có cái gì mới, khác biệt với lý luận của chủ nghĩa Marx hoặc có hạt nhân hợp lý nào mà chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử có thể tiếp thu.

Dù thế nào đi chăng nữa thì những kiến thức mà ông đã thu nhận được từ thời ấy đến khi ông qua đời, những bản dịch mà ông đã để lại cho chúng ta ngày nay đều trở thành cơ sở lý luận để hình thành và phát triển chuyên ngành Văn hóa học. Một nhà nhân học người Mỹ, Ralph Linton, dự báo về sự hình thành của một Văn hóa học như là một khoa học “về sự ứng xử của con người, khoa học này thống nhất được các kết quả của tâm lý học, của xã hội học và của nhân học thành một hợp đề (synthese)”[3]. Đoàn Văn Chúc đã có dự cảm tương tự về một văn hóa học với tư cách là một môn học liên ngành, do đó ông đã chọn những nhà bác học đầu ngành của những chuyên ngành liên quan để đọc và dịch sang tiếng Việt:

- Về triết học, ông cho rằng biểu tượng là cốt lõi của khái niệm văn hóa  nên ông chọn dịch “Triết học các hình thái biểu tượng” của E. Cassierer[4], nhà triết học người Đức;

- Về nhân học, ông dịch nhiều đoạn, nhiều bài của L. H. Morgan, Mlinowski, Levi- Bruhl, L. Frobenius, đặc biệt là của L.Strauss, một đại biểu xuất sắc thời bấy giờ của ngành nhân học và ông đã dịch cuốn “Những tiếng nói đã mất” của J. Duvignand. Có thể nói rằng ông đặc biệt quan tâm đến chuyên ngành này vì ông biết rằng chỉ với nhân học mới thừa nhận sự đa dạng văn hóa và khác biệt văn hóa  (chứ không phải tiến hóa luận văn hóa). Nhân đây cũng xin nói thêm, người đầu tiên chuyển ngữ từ “Anthropology” thành thuật ngữ “Nhân học” trong tiếng Việt chính là Đoàn Văn Chúc, trong khi tất cả các dịch giả cùng thời và cả ở thời kỳ muộn hơn vẫn thường dịch là “Nhân chủng học”.

- Về xã hội học, ông chọn dịch cuốn “Các cấu trúc xã hội học” của Gaston Bouthou[5], nhiều khái niệm căn bản như Mentality (Tâm cách), social character (tính cách xã hội)…từ cuốn sách này đã được ông tiếp nhận và vận dụng ở những bài nghiên cứu sau này.

- Về phân tâm học- bộ môn mà nhiều học giả ca ngợi là một khoa học mới của thế kỷ 20- ông đã chọn dịch hai tác phẩm tiêu biểu là “Vật tổ và cấm kỵ”[6] của Sigmund Freud và cuốn “Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức”[7] của triết gia danh tiếng Trần Đức Thảo (ông viết bàng tiếng Pháp nên độc giả Việt Nam ít tiếp cận được).

Những tài liệu trên của Đoàn văn Chúc trong bối cảnh học thuật nghèo nàn của Việt Nam quả thật là vô giá đối với những thế hệ sau của ông.

Xin tạ ơn thầy vì sự lao động khổ sai và cao cả này!

2. Đoàn Văn Chúc là người đầu tiên viết những bộ giáo trình ở bậc đại học về môn học này

Bên cạnh di cảo đồ sộ về các bản dịch sách, bài nghiên cứu của các học giả danh tiếng trên thế giới, Đoàn Văn Chúc đã để lại cho đời 3 tập sách: 1) “Những bài giảng về văn hóa”[8], 2) Văn hóa học[9] và 3) Xã hội học văn hóa[10].

Về giáo trình đại học, chúng ta cũng có những công trình như Cơ sở văn hóa Việt Nam [114] do GS. Trần Quốc Vượng chủ biên, Cơ sở văn hóa Việt Nam của PGS.TSKH. Trần Ngọc Thêm [93]. Tuy nhiên, đó chưa phải là những giáo trình dành cho bộ môn văn hóa học. Cho đến nay, cuốn sách “Văn hóa học” của Đoàn Văn Chúc, (tập hợp các bài giảng của ông tại trường đại học văn hóa Hà Nội, sau này được các học trò tổ chức lại bản thảo và xuất bản năm 1997) là cuốn sách có tính cách giáo trình đầu tiên chính thức sử dụng thuật ngữ này làm tên sách, dù Đoàn Văn Chúc khi sinh thời chỉ khiêm tốn đặt tên cuốn sách của ông là “Những bài giảng về văn hóa”, nhưng ông đã sử dụng thuật ngữ “nghiên cứu văn hóa” với nghĩa của “văn hóa học”- một khoa học liên ngành-  từ lâu trong các bài viết của mình.

Có thể nói những cuốn sách của ông là một sự đột phá trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam, điều này thể hiện ở những điểm sau:

1) Ông đã đem nhưng kiến thức mà mình đã thu nhận được từ các học giả danh tiếng trên thế giới để lập nên cơ sở lý thuyết cho một khoa học liên ngành về văn hóa, mà ngày nay chúng ta gọi là “Văn hóa học”. Mặc dù, ở Việt Nam có một vài nhà khoa học (Phạm Đức Dương, Trần Ngọc Thêm, Trần Quốc Vượng…) đã sử dụng thuật ngữ văn hóa học, nhưng chưa có ai bắt tay vào viết một cuốn sách nói về cơ sở lý luận của văn hóa học một cách hệ thống như Đoàn Văn Chúc. Trong chương mở đầu của cuốn “Văn hóa học”, ông viết: “Để nghiên cứu các biểu thị văn hóa, người ta sử dụng nhiều môn khoa học khác nhau: dân tộc chí, dân tộc học, nhân học, xã hội học, sử học, khảo cổ học, ngôn ngữ học…mà trước hết là các môn: dân tộc chí, dân tộc học, nhân học và xã hội học”[11]. Cần đặt ý tưởng liên ngành này trong bối cảnh khoa học xã hội của Việt Nam cùng thời- mọi nghiên cứu đều chỉ dựa vào học thuyết Mác- Lê nin- sẽ thấy rõ hơn tầm quan trọng của sự đặt nền móng này và sẽ thấy những bài viết về lý luận của ông trong nghiên cứu văn hóa như như “Nhu cầu và nhu cầu văn hóa”, “Biểu tượng”, “Giá trị”,  “Văn hóa dân gian”, “Trường văn hóa”, “Văn hóa và phát triển văn hóa”…là có tính phương pháp luận liên ngành như thế nào.

2) Tính liên ngành đó không chỉ là “tuyên ngôn”  mà nó thể hiện rất cụ thể và đa dạng trong các nghiên cứu của ông về cấu trúc và chức năng của các hiện tượng văn hóa ở Việt Nam.

Thời đó, những nghiên cứu các hiện tượng văn hóa ở Việt Nam chủ yếu là do những nhà dân tộc chí và văn hóa dân gian đảm nhiệm, hướng nghiên cứu chính là các mô tả về các hiện tượng văn hóa dân gian như lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, hiếm có những nghiên cứu các hiện tượng văn hóa trong những mối liên hệ xã hội , trong cấu trúc xã hội cụ thể.v.v. Trong khi đó, không bài nghiên cứu nào của Đoàn Văn Chúc lại không có sự vận dụng quan điểm liên ngành và và cứ liệu của các môn khoa học khác nhau như  dân tộc chí, nhân học, xã hội học và lịch sử. Điều đó được thể hiện ở việc diễn giải cấu trúc và chức năng của những hiện tượng văn hóa Việt Nam như lễ hội, hôn thú, tang ma, trò chơi, v.v…

Lòi kết

Với tư cách là một người đang giảng dạy văn hóa học cho các bậc học thạc sỹ và tiến sỹ ở Việt Nam, tôi luôn coi những tác phẩm của thầy Đoàn Văn Chúc là tri thức rường cột, cho đến nay vẫn luôn còn tính cập nhật. Mỗi khi giảng dạy môn này, tôi luôn cũng cấp cho học sinh đường link của cuốn “văn hóa học” này và giảng bài trên cơ sở kế thừa những kiến thức của thầy. Khoa văn hóa học của đại học KHXH& NV TP. HCM luôn coi các cuốn sách của thầy làm bộ sách tham khảo đầu tiên mà sinh viên ngành văn hóa học phải đọc… Thế nhưng điều đáng tiếc là chính Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Văn hóa TP HCM, những nơi mà thầy Đoàn Văn Chúc đã từng giảng dạy thì những kiến thưc rất bổ ích và tiên tiến của thầy lại không được tiếp tục truyền dạy cho sinh viên, học viên cao học và TS, thậm chí cũng không có trong website của trường, không có trong danh mục tài liệu tham khảo bắt buộc của môn học.

Đó là một nỗi buồn.

Tôi mong muốn sẽ có một ngày, những cuốn sách của thầy được tái bản, chắc chắn nó sẽ có được sự đón nhận nhiệt tình của các sinh viên, học viên cao học và tiến sĩ chuyên ngành văn hóa học hiện nay và mai sau.

--

Tác giả: PGS.TS Bùi Quang Thắng

 

Admin 4


[1] Đăng nghiêm Vạn

[2] Đoàn Văn Chúc (1997),  Xã hội học văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin, H. (tr. 21- 65)

[3] Dẫn theo Nguyễn Tri Nguyên (2001), Khoa học văn hóa – Khái niệm, đối tượng và phương pháp nghiên cứu, Trong: Tạp chí “Thông báo khoa học” số 3/2001, Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật

[4] Ernst Cassierer, Triết học các hình thái biểu tượng, bản dịch của Đoàn Văn Chúc (tư liệu cá nhân, chưa xuất bản)

[5] Gaston Bouthoul, Các cấu trúc xã hội học, bản dịch của Đoàn Văn Chúc (tư liệu cá nhân, chưa xuất bản)

[6] Sigmund Freud (1997) Vật tổ và cấm kỵ (bản dịch của Đoàn Văn Chúc) Trung tâm văn hóa dân tộc thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn

[7] Tràn Đức Thảo (1996), Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức, nxb Văn hóa – Thông tin, H.

[8] Đoàn Văn Chúc (1994), Những bài giảng về văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin, H.

[9] Đoàn Văn Chúc (1997), Văn hóa học, NXB Văn hóa Thông tin, H.

[10] Đoàn Văn Chúc (1997), Xã hội học văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin, H.

 [11] Đoàn Văn Chúc (1997), Văn hóa học, NXB Văn hóa Thông tin, H., tr. 7

 

 

0