Về tên chồng bà Trưng Trắc
Vũ Ngọc Đình Lâu nay chúng ta vẫn đinh ninh tên chồng Nữ Vương Trưng Trắc là Thi Sách. Sách giáo khoa môn Sử dạy trong các trường học và tên đường phố ở nhiều tỉnh, thành phố đều ghi như vậy. Sự thật có đúng như vậy không? Đã từ lâu lắm rồi, nhiều học giả đã phát hiện không phải như ...
Vũ Ngọc Đình
Lâu nay chúng ta vẫn đinh ninh tên chồng Nữ Vương Trưng Trắc là Thi Sách. Sách giáo khoa môn Sử dạy trong các trường học và tên đường phố ở nhiều tỉnh, thành phố đều ghi như vậy. Sự thật có đúng như vậy không? Đã từ lâu lắm rồi, nhiều học giả đã phát hiện không phải như vậy. Người đầu tiên đặt nghi vấn này là GS Vương Hoàng Tuyên. Với những cứ liệu lịch sử đáng tin cậy, nhiều sử gia đã khẳng định chồng bà Trưng Trắc tên là Thi (chứ không phải là Thi Sách). Nay tôi xin dẫn lại những sử liệu xưa để các nhà sử học xem xét thêm và độc giả cùng tham khảo:
Theo bộ Đại Việt sử ký toàn thư (phần “Ngoại kỷ” quyển 3 tờ 2a), được bộ Việt Sử Thông giám Cương mục dựa vào đó chép lại (phần “Tiền biên”, quyển 2 tờ 10), thì chồng bà Trưng tên là Thi Sách. Sau đây là lời của Toàn thư “… tên húy là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng, huyện Mê Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Châu Diên”.
Khi viết tên chồng bà Trưng là Thi Sách, Ngô Sĩ Liên đã dựa vào tiểu truyện Hai Bà Trưng trong các sách Lĩnh Nam Chích Quái (thế kỷ XV), Việt Điện U linh Tập (thế kỷ XIV) và xa hơn nữa là bộ sử của Trung Hoa do Phạm Việp viết là Hậu Hán Thư (viết vào thế kỷ V). Ngành viết sử của nước ta chỉ bắt đầu vào thế kỷ XIII, nên những đoạn sử trước đó, người xưa đều sử dụng tài liệu Trung Hoa.
Trong phần chính văn bộ Hậu Hán Thư của Phạm Việp, có đoạn về Hai Bà Trưng như sau: “Hựu Giao Chỉ nữ tử Trưng Trắc, cập nữ đệ Trưng Nhị phản công đầu kỳ quận. Cửu Nhân, Nhật Nam, Hợp Phố man di giải ứng, khấu lược lĩnh ngoại lục thập dư thành, Trắc tự lập vi vương”. Nghĩa là: ở Giao Chỉ có người đàn bà tên là Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị nổi lên làm loạn, đánh phá trong quận. Người man di ở các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đến hưởng ứng, cướp phá hơn 60 thành ở Lĩnh ngoại. Trắc tự xưng vương).
Vào thế kỷ thứ VI, Lịch Đạo nguyên, đã đi sang đất Việt cổ, đến thăm vùng Mê Linh. Khi trở về Trung Hoa, ông viết sách Thủy Kinh Chú (nghiên cứu về các dòng sông) trong đó ông có đề cập đến chuyện Hai Bà Trưng và viết như sau: “… Châu Diên Lạc tướng tử danh Thi sách Mê Linh Lạc tướng, nữ tử danh Trưng Trắc vi thê. Trắc vi nhân hữu đảm dũng, tương Thi khởi tặc; Mã Viện tương binh thảo, Trắc Thi tậu nhập Cẩm Khê…” (Nghĩa là: Con trai của Lạc tướng Châu Diên tên là Thi hỏi (sách) con gái Lạc tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ… (Bà) Trắc là người can đảm, cùng (ông) Thi nổi dậy làm giặc; Mã Viện đem đánh, (ông, bà) Trắc Thi chạy vào Cẩm Khê…”.
Cách viết của Thái tử Hiền về tên chồng bà Trưng Trắc dẫn đến cách viết của các tác giả Việt, từ Việt Điện U Linh Tập, đến Việt Sử Lược qua Lĩnh Nam Chích Quái, rồi đến các bộ chính sử Toàn thư và Cương Mục, nghĩa là các sách này đều cho rằng chồng bà Trưng tên là Thi Sách. Sự lầm lẫn này không phải do các tác giả Việt tự ý viết ra, mà do ảnh hưởng của lời chú thích Hậu Hán Thư của Thái tử Hiền bên Trung Hoa.
Người phát hiện sự lầm lẫn về tên chồng bà Trưng Trắc trong chú thích của Thái tử Hiền là học giả Huệ Đống, vào thế kỷ thứ XVIII, dưới đời nhà Thanh (Trung Hoa). Khi so sánh chú thích của Thái tử Hiền trong Hậu Hán Thư và câu văn nguyên thủy của Thủy Kinh Chú, Huệ Đống viết như sau: “Cứu Triệu Nhất Thanh viết “Sách thê” do ngôn thú thê. Phạm sử tác: “Giá vi Châu Diên nhân Thi Sách thê”, mậu hỉ. Án Thủy Kinh Chú ngôn “tương Thi”, ngôn “Trắc Thi”, minh chỉ danh Thi”. Nghãi là: Xét Triệu Nhất Thanh (sử gia cùng thời với Huệ Đống, trẻ hơn Huệ Đống 12 tuổi) nói “sách thê” còn có nghĩa là “cưới vợ”; các sử học Phạm chép: Gả làm vợ người Châu Diên là “Thi Sách” là sai. Xem Thủy Kinh Chú thấy nói “tương Thi” rồi nói “Trắc Thi”, chỉ rõ ràng tên ông đó là Thi.
Trong Thủy Kinh Chú, Lịch Đạo Nguyên viết: “… Châu Diên Lạc tướng tử danh Thi sách Mê Linh Lạc tướng nữ tử danh Trưng Trắc vi thê”. (Nghĩa là: Con trai của Lạc tướng Châu Diên tên là Thi, hỏi (sách) con gái Lạc tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ). Trong câu này nếu Thi Sách là họ và tên thì vế thứ nhì của câu này thiếu động từ, trở nên tối nghĩa. Như Huệ Đống đã viết, đọc tiếp đoạn Thủy Kinh Chú về Hai Bà Trưng, sự cân đối trong cách “… Trắc vi nhân hữu đảm dũng, tương Thi khởi tặc; Mã Viện tương binh thảo, Trắc Thi tẩu nhập Cẩm Khê…” (… [Bà] Trắc là người can đảm, cùng [ông] Thi nổi dậy làm giặc, Mã Viện đem quân sang đánh [ông, bà] Trắc Thi chạy vào Cẩm Khê…). Tác giả Lịch Đạo Nguyên dùng tên Trắc, vậy chữ Thi theo sau đó cũng phải là tên chứ không thể là họ… Lịch Đạo Nguyên đã đến Mê Linh vào thế kỷ thứ VI và phát hiện tên chồng bà Trưng Trắc tên là Thi, vậy tốt nhất nên trở về đúng tên ban đầu của chồng bà Trưng Trắc, tức là ông Thi.
Về lý do cuộc khởi nghĩa thì với những tài liệu trình ở trên, không có việc Tô Định giết chồng bà Trưng Trắc, bà cùng em khởi nghĩa để trả thù chồng và đền nợ nước. Chồng bà cùng nổi dậy với bà, chúng quân dân tôn bà làm minh chủ vì thế. Sau, thất trận trước Mã Viện, bà Trắc cùng (chồng) là Thi chạy vào Cẩm Khê, thế thì lý do cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chính là sự tàn bạo cùng cực của Thái thú Tô Định hành hạ dân ta. Hai bà vì đại nghĩa cứu dân cứu nước mà ra tay cứu đời, giành lại thế tự chủ của dân tộc, độc lập của giang sơn, không hề có chút gì gọi là “thù bị giặc giết chồng mà mới nghĩ đến cuộc đứng lên”. Thua trận, hai Bà chạy về đến Cẩm Khê, sử sách của ta nói là “thế cùng lực tận, hai Bà trầm mình trong dòng sông Hát…”.
Hậu Hán Thư còn viết tiếp: “Mã Viện chém Trưng Trắc, Trưng Nhị gởi đầu về Lạc Dương vào tháng Giêng năm 43…”. Các sử gia của ta không nói đến cái chết của Hai Bà, hoặc thi vị hóa nó đi, thật ra cái chết bi thảm của Hai Bà cũng phải xem là cái chết “hùng vĩ của bậc hào kiệt vị quốc vong thân vô cùng đáng kính trọng, phải được cả dân tộc kính cẩn khóc thương và nhớ mối hận này”, chứ không nên lẩn tránh sự thật kheiens làm suy yếu mất tinh thần quật cường của dân tộc ta. Cũng vì cái chết bi itharm của hai Bà mà các sử gia tránh không nói đến, nhưng ở đền thờ hai Bà ở địa phận xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây, bàn thờ và tất cả đồ tự khí hết thẩy đều sơn then, tuyệt nhiên không dùng màu đỏ, những người đến lễ hoặc xem, ai mặc áo đỏ cũng phải cởi bỏ. Người địa phương nói: “Tương truyền, Thần mất về binh khí, nên kiêng màu đỏ giống máu”. Đây cũng là một cách gián tiếp chứng nhận sự thật về cái chết của hai vị Vua Bà lẫy lừng này.Với cái chết của hai chị em Bà Trưng, sử gia Trần Gia Phụng trích dẫn các tài liệu, dẫn đến đoạn viết kết quả cuộc khởi nghĩa theo Hậu Hán Thư: “Khi Mã Viện được vua Hán cử sang Giao Châu năm 41, thì vào mùa xuân năm sau, Mã Viện đụng trận với Hai Bà Trưng tại vùng Lãng Bạc (theo Cương Mục Lãng Bạc là vùng hồ Tây Hà Nội ngày nay). Bà Trưng Trắc cùng chồng thua chạy. Mã Viện đuổi Bà Trưng đến Cẩm Khê, đánh thắng mấy trận, quân Bà Trưng bị tan rã (theo Cương Mục thì Cẩm Khê là vùng Sơn Tây ngày nay).
Đời sau nói về Hai Bà, có bài thơ để dân ta cùng đọc:
Tượng đá trời Nam giãi tuyết sương
Ngàn năm công đức nhớ Trưng Vương.
Tham tàn trách bởi quân Nam Hán
Oanh liệt khen thay gái dị thường!
Cột đồng Đông Hán tìm đâu thấy
Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương.
Nguồn bài đăng