Một vấn đề xung quanh lý thuyết về nguồn gốc chủng tộc Arya của người Ấn
relegious life of Vedic age Lê Thị Hằng Nga Việc tìm hiểu về lịch sử của bất cứ quốc gia nào ở giai đoạn đầu cũng là một việc làm khó khăn không chỉ bởi sự tiếp cận hạn chế với các nguồn sử liệu đáng tin cậy mà còn bởi khoảng cách quá xa về thời gian khiến cho các học giả khó tránh ...
Lê Thị Hằng Nga
Việc tìm hiểu về lịch sử của bất cứ quốc gia nào ở giai đoạn đầu cũng là một việc làm khó khăn không chỉ bởi sự tiếp cận hạn chế với các nguồn sử liệu đáng tin cậy mà còn bởi khoảng cách quá xa về thời gian khiến cho các học giả khó tránh khỏi thiên kiến và chủ quan.
Việc tìm hiểu về lịch sử Ấn Độ giai đoạn đầu cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, cùng với sự xâm nhập của thực dân Anh ở Ấn Độ vào thế kỉ 17 và thực sự thống lĩnh được Ấn Độ vào khoảng nửa sau thế kỉ 18, chúng ta được chứng kiến bầu không khí học thuật sôi nổi của các học giả say xưa tìm hiểu và tranh luận về các vấn đề lịch sử và văn hoá Ấn. Việc giải thích lịch sử Ấn Độ từ thế kỉ 18 trở về sau gắn bó chặt chẽ với thế giới quan của người châu Âu, đặc biệt là các sử gia người Anh, những người đầu tiên thực sự viết về lịch sử Ấn Độ. Những lí thuyết mà họ đưa ra thường phản ánh một cách có ý thức hoặc không có ý thức những mối quan tâm về chính trị và tư tưởng của châu Âu – như vậy lịch sử Ấn Độ trở thành một trong những phương tiện để tuyên truyền những mối quan tâm ấy. Thuật viết sử truyền thống của Ấn Độ nhấn mạnh vào niên đại và tiểu sử hầu như bị bỏ qua. Những viết lách của người châu Âu về lịch sử Ấn Độ chính là nỗ lực nhằm tạo nên một truyền thống lịch sử mới. Mô hình viết sử (historiographical pattern) của Ấn Độ có lẽ cũng tương tự như các mô hình xuất hiện trong lịch sử của các xã hội thuộc địa.
Cho đến nay, lí thuyết có sức ảnh hưởng nhiều nhất xuất hiện trong ngành Ấn Độ học thời kỳ thực dân là Lí thuyết về nguồn gốc chủng tộc Arya của người Ấn. Swami Dayanand Saraswati1] là người đầu tiên tuyên bố rằng người Arya là những cư dân đầu tiên cư trú tại Ấn Độ. Từ àrya xuất hiện trong các văn bản tiếng Avesta[2] của Iran và trong kinh Veda tiếng Sanskrit có hàm ý nói về chủng tộc, nhằm đề cập tới chủng tộc của người Arya. Những người Arya được miêu tả là khác với cư dân bản địa về thể chất và bản sắc văn hoá riêng biệt của họ được thể hiện rõ ở thực tế là họ nói một thứ ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language). Lí thuyết này cho rằng nhiều người Arya, được miêu tả là một nhánh của nhóm chủng tộc và ngôn ngữ Ấn – Âu, đã xâm chiếm vùng Bắc Ấn vào thiên niên kỉ thứ 2 trước công nguyên, chinh phục dân bản địa và thiết lập nền văn hóa Veda Arya mà sau đó trở thành nền tảng của văn hoá Ấn Độ.
Niềm tin vào nguồn gốc Ấn – Âu của cả xã hội Ấn Độ cũng như xã hội châu Âu đã thúc đẩy mối quan tâm tới các tập kinh Veda bởi chúng được xem như những nguồn tư liệu cổ nhất còn sót lại về một quá khứ chung. Cộng đồng làng xã của xã hội thời Veda được xem là sự phát hiện lại những cội rễ của xã hội châu Âu cổ đại. Nó được miêu tả là một cộng đồng làng xã của những con người hòa nhã và thụ động chỉ chú tâm vào thiền định và suy tư về thế giới khác mà không có khát vọng cạnh tranh hay bành trướng. Lí thuyết về nguồn gốc chủng tộc Arya của Ấn Độ cuối cùng phải nhường chỗ cho cái được gọi là Vấn đề Arya, tức là việc tìm hiểu vai trò lịch sử của người dân nói tiếng Ấn – Arya và bóng dáng của họ trong các nguồn tư liệu của Ấn Độ cổ đại.
Tuy nhiên, giai đoạn đầu của thế kỉ 19 cũng chứng kiến một chiều hướng mới trong thái độ của các học giả – nhà quản lí của Công ti Đông Ấn đối với lịch sử Ấn Độ. Một vài trong số họ mặc dù không lãng mạn hoá quá khứ cổ xưa của Ấn Độ nhưng dù sao cũng tỏ ra cảm thông trong các lời biện giải của họ. Một số khác thì lại bắt đầu có thái độ phê phán những gì mà họ gọi là giá trị của xã hội Ấn Độ cổ đại. Điều này một phần là do những rắc rối ngày một tăng trong việc cai quản một thuộc địa quá rộng lớn với một nền văn hoá có thể nói là rất xa lạ. Bản chất của mối quan hệ giữa Anh và Ấn cũng có những thay đổi bởi các trạm buôn bán giờ đây được thay thế bằng các thị trường thực dân.
Lí thuyết về nguồn gốc chủng tộc Arya của người Ấn bị thách thức bởi những nghiên cứu gần đây của các ngành khảo cổ học, ngôn ngữ học và nhân học xã hội. Thứ nhất, sự phát hiện và khai quật các thành phố của văn minh sông Ấn đã đẩy lùi điểm khởi đầu của lịch sử Ấn Độ ngược trở lại tới thiên niên kỉ thứ 3 trước công nguyên, và văn minh sông Ấn chứ không phải văn hóa Veda Arya được coi là nền tảng cho lịch sử và văn hóa Ấn Độ. Thứ hai, những phân tích về ngôn ngữ của tiếng Sanskrit thời Veda đã xác nhận sự có mặt của các yếu tố phi Arya, đặc biệt là yếu tố Dravidia nguyên thủy (proto-Dravidia) cả trong từ vựng lẫn ngữ âm.[3] Thứ ba, những nghiên cứu về nhân học của xã hội Ấn Độ đã khuyến khích việc đánh giá lại lịch sử xã hội giai đoạn đầu ở Ấn Độ trong đó có đóng góp có ý nghĩa nhất là những nghiên cứu về sự hình thành đẳng cấp.
1.Sự phát hiện nền văn minh sông Ấn:
Người đầu tiên có công trong việc khai quật các di chỉ của văn minh sông Ấn là Alexander Cunningham (Viện trưởng đầu tiên của Viện Khảo cổ học Ấn Độ – ASI). Ông đã phát hiện ra những bằng chứng của sự tồn tại của nền văn minh sông Ấn từ năm 1853 nhưng không nhận ra tầm quan trọng của những dữ liệu này. Tiếp sau ông là R. D. Banerji, người đã bỏ nhiều công sức tiến hành các cuộc khai quật trong những năm 1922-23 và tìm thấy những con dấu có khắc chữ tại Mohenjodaro ở Sindh (Pakistan hiện nay) bên dưới một di tích Phật giáo và giống với những gì mà trước đây Cunningham đã công bố. Sau đó năm 1924, Sir John Marshall, khi đó là Tổng Giám đốc của Viện Khảo cổ học Ấn Đô, công bố những hiện vật ông khai quật được trên tờ Illustrated London News và tuyên bố việc khám phá được một nền văn minh mới và kêu gọi sự giúp đỡ trong việc xác định niên đại của những cổ vật này. Trong vòng hai tuần khi bài viết của ông được đăng báo, thư từ của các chuyên gia ở Viện khảo cổ của Mesopotamia xác định những con dấu tương tự với những con dấu của Mesopotamia của thiên niên kỷ thứ ba trước công nguyên. Với sự xác nhận này, nền văn minh sông Ấn chính thức được công nhận và có vị trí trong lịch sử thế giới.
Tuy nhiên, sự phát hiện nền văn minh sông Ấn lại khiến cho bức tranh về sự khởi đầu của lịch sử Ấn Độ trở nên phức tạp hơn bởi nền văn minh này là một chương hoàn toàn mới trong lịch sử Ấn, thậm chí có trước khi người Arya và kinh Veda xuất hiện. Các thành phố của văn minh sông Ấn có trước văn hoá Veda ít nhất gần một thiên niên kỉ, bởi sự suy tàn của các thành phố được cho là bắt đầu vào đầu thiên niên kỉ thứ hai và sự pha trộn của tiếng Sanskrit như là một phần của văn hoá Veda được cho là bắt đầu vào cuối thiên niên kỉ này. Các thành phố của văn minh sông Ấn là hình ảnh thu nhỏ của một nền văn minh đô thị đồ đồng và phát triển cao, dựa trên thương mại nội địa cũng như việc buôn bán với Tây Á. Trong khi đó, những văn bản đầu tiên của văn hóa Veda, tác phẩm Rig Veda, lại phản ánh cuộc sống của một dân tộc du mục chăn nuôi gia súc là chủ yếu và hoàn toàn xa lạ với đời sống đô thị. Giả thuyết rằng người Arya đến đã chinh phục nền văn minh sông Ấn và phá hủy các thành phố đã bị phản bác dữ dội bởi chúng ta không có đủ bằng chứng để chứng minh điều này. Sự sụp đổ của văn minh sông Ấn thường được qui cho những thay đổi lớn về môi trường sinh thái. Những trận lụt liên tiếp của dòng sông Ấn, sự dâng lên của mực nước ngầm và độ mặn của đất canh tác, sự đổi dòng của sông Sarasvati … dường như là lời giải thích thuyết phục hơn về sự ra đi của những thành phố này.
Những phân tích về cổ thực vật học gợi ý sự thay đổi của khí hậu từ ẩm ướt chuyển sang khô hạn. Khác với các cuộc chinh phạt, sự thay đổi của môi trường sinh thái xảy ra chậm chạp hơn và khi các thành phố suy tàn thì sẽ có các nhóm người di cư khỏi thành phố cũng như một số khác ở xung quanh lại du nhập vào thành phố. Tuy nhiên, những chứng cứ khai quật được gần đây ở tây Ấn và ở khu vực giao nhau của hai con sông Ấn – Hằng chỉ ra rằng văn minh sông Ấn không hoàn toàn biến mất mà vẫn được tiếp nối trong các giai đoạn sau. Giờ đây người ta ít nghi ngờ về sự sống sót của một vài khía cạnh của văn minh sông Ấn trong nền văn hóa Ấn sau này mặc dù không còn sự tồn tại của các thành phố nhộn nhịp. Chỉ những thành phố và thị trấn mất đi, còn cơ cấu nông thôn của nó vẫn tiếp tục trong các giai đoạn sau. Sự khác biệt tìm thấy trong các hiện vật khai quật được ở thời hậu văn minh sông Ấn như đồ gốm, công cụ bằng kim loại và những cổ vật khác có thể là minh chứng cho sự khác biệt có tính vùng miền của văn hóa Ấn. Quan điểm cho rằng có sự đứt quãng giữa văn minh sông Ấn và văn hoá Arya không còn được chấp nhận nữa, và văn minh sông Ấn được xem như là nền tảng của văn hóa Ấn Độ sơ kì.
2. Những phân tích về ngôn ngữ học:
Những phân tích về ngôn ngữ học của tiếng Sanskrit thời Veda đã xác nhận sự có mặt của các yếu tố phi Arya, đặc biệt là yếu tố Dravidian nguyên thủy, cả trong từ vựng lẫn ngữ âm. Kết quả là người ta cho rằng tiếng Dravidian nguyên thuỷ có thể có trước ngôn ngữ của thời Veda, có lẽ là ngôn ngữ của văn minh sông Ấn, mặc dù những chữ viết này vẫn còn đang chờ được giải mã, và rằng tiếng Sanskrit thời Veda như là ngôn ngữ của một nhóm xã hội cụ thể, chỉ lan rộng chậm chạp vào nửa phía bắc của tiểu lục địa và cũng đã bị biến đổi bởi ngôn ngữ bản địa. Điều có ý nghĩa đáng kể là một số từ vay mượn tiếng Dravidia nguyên thuỷ trong tiếng Sanskrit thời Veda đề cập tới việc làm nông nghiệp. Từ những khai quật vừa đề cập ở trên chúng ta biết rằng dân cư của văn minh sông Ấn cũng làm nghề nông nghiệp cày cấy, và từ các bài tụng ca trong Rig Veda thì rõ ràng đời sống du mục chứ không phải nông nghiệp mới là nghề cao quý đối với những người Arya.
3. Những nghiên cứu về nhân học xã hội:
Trong nghiên cứu về nhân học xã hội, việc cần phải sử dụng nghĩa chính xác của từ ngữ liên quan đến các phạm trù xã hội trong các nguồn tư liệu đã tỏ ra có tác dụng. Sự phân biệt hợp lý giữa varna như đẳng cấp mang hàm ý chỉ địa vị nghi lễ, và jati như là đẳng cấp mang hàm ý chỉ địa vị thực tế cũng giúp ích cho các nhà sử học xã hội. Tuy nhiên đóng góp quan trọng nhất là những nghiên cứu về sự hình thành của đẳng cấp. Nghiên cứu này chỉ ra rằng xã hội đẳng cấp không cần phải có những tiền đề của các thực thể khác nhau về chủng tộc, cũng không cần phải có sự chinh phạt của một lực lượng này bởi một lực lượng khác. Mặc dù nó đòi hỏi sự tồn tại của các nhóm xã hội cha truyền con nối quyết định mối quan hệ hôn nhân, các nhóm được xắp xếp trong một trật tự có thứ bậc và phục vụ lẫn nhau. Thứ bậc này tùy thuộc vào nghề nghiệp, vào những tín ngưỡng về sự thanh sạch và ô nhiễm, và vào việc tiếp tục định cư trên một địa bàn nhất định. Sự hình thành đẳng cấp mới do đó được nhìn nhận trong sự thay đổi có tính lịch sử ở một vùng nhất định. Như vậy, một bộ lạc hợp nhất vào xã hội nông nghiệp có thể được chuyển đổi thành một đẳng cấp. Các phường hội của thợ thủ công cũng có thể biến đổi thành đẳng cấp. Ở nông thôn, giới bô lão vã trưởng thôn cũng có thể phát triển thành đẳng cấp mới.[4] Các giáo phái thường chống lại hệ thống thứ bậc của đẳng cấp nhưng kết cục chính họ lại trở thành các đẳng cấp. Khả năng về sự vận động của xã hội và sự biến đổi của địa vị gắn liền với bối cảnh thời gian và không gian lịch sử cụ thể. Cơ hội để thay đổi địa vị xã hội đã được tận dụng, và vì thế ở Ấn Độ xảy ra quá trình được gọi là Sanskrit hóa.[5] Và các sử gia không thể nào loại bỏ khía cạnh xã hội này chỉ bằng việc đề cập tới tính cứng nhắc không thay đổi của xã hội đẳng cấp.
Tóm lại, sự kết hợp của những bằng chứng mới và những cách nhìn nhận mới đã đặt ra vô vàn dấu hỏi khác nhau về thời kì Veda và nguồn gốc của người Ấn. Rõ ràng, thời kì Veda không phải là thời kì văn hóa Ấn – Arya thuần túy thắng thế văn hóa Ấn Độ. Nó phải được xem như là sự tổng hợp của văn hóa Ấn – Arya và văn hoá hiện có ở Ấn Độ.
* ThS, Khoa Đông phương học, Trường Đại học KHXH & NV Tp. HCM.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thomas R. Trautmann (edited), The Aryan Debate, Oxford University Press, New Delhi, 2007.
2. Romila Thapar, Interpreting Early India, Oxford University Press, New Delhi, 2006.
3. D. N. Jha, Ancient India in historical outline, Manohar Publishers & Distributors, New Delhi, 2002.
4. Indira Gandhi National Open University (IGNOU), India: earliest times to 800 AD, Block 3: Evolution of Early Indian Society, Delhi, 1996.
5. A. L. Basham, The Wonder that was India, London, 1954.
Chú thích :
[1] Saraswati là một nhà cải cách kinh tế xã hội của Ấn Độ dưới thời thực dân. Ông đã thành lập tổ chức Arya Samaj năm 1875, nhấn mạnh vào văn hóa Arya như là gốc rễ của toàn bộ truyền thống Ấn và tìm kiếm sự phê chuẩn của kinh Veda cho những ý tưởng của mình. Sau ông, nhiều học giả khác tiếp tục tin vào chủ nghĩa Arya phổ quát và thậm chí đi xa tới mức tuyên bố rằng Ấn Độ là cái nôi của văn hóa thế giới.
[2] Avesta là tiếng Iran cổ.
[3] A. L. Basham, The Wonder that was India, London, 1954, T. 387.
[4] D. N. Jha, Ancient India in historical outline, Manohar Publishers & Distributors, New Delhi, 2002, trang 159.
[5] Sanskrit hóa (Sanskritization) là một thuật ngữ được tạo bởi nhà xã hội học Ấn Độ nổi tiếng, M. N. Srinivas, để nói về quá trình trong đó các đẳng cấp được đặt ở vị trí thấp trong hệ thống thứ bậc đẳng cấp cố gắng vận động đi lên các nấc thang thứ bậc bằng cách bắt chước các nghi lễ và phong tục của các đẳng cấp trên.
Nguồn bài đăng